Chuông điện thoại trên bàn quản đốc reo vang. Vinh đứng lên,
bước qua nhắc lên nghe. Bên kia đầu dây có tiếng léo nhéo của nhiều người. Một
giọng khàn khàn cất lên : “Tay nào đấy. Phi phải không ?” Vinh nhận ngay
ra tiếng của Năm Trắc, phó giám đốc. “Tôi nghe đây. Anh Bảy Phi không có ở
văn phòng.” Vinh trả lời xong, ống nghe chợt im bặt, hình như bên kia
đã bịt ống nói lại. Sau vài giây, Năm Trắc nói tiếp, lần này không còn nghe tiếng
ồn nữa “Vậy hả. Sẵn đây, báo cho anh biết bên công an mời anh làm việc. Anh
thanh lý mọi việc rồi lên gặp tôi. Cứ từ từ, không vội”.
Gác điện thoại, Vinh uể oải trở lại bàn, ngồi xuống ghế, đầu óc trống rỗng. Cái trạng thái vô cảm này thường đến với Vinh chừng khoảng nửa năm nay, vào những lúc gặp bối rối, suy nghĩ nhưng không biết phải làm gì. Cố gạt ra khỏi đầu những nỗi ám ảnh đen tối, lâu dần đâm ra quen. Đối với một người nhạy bén, làm việc bằng cái đầu, đây là một chuyển biến lạ thường, không biết là may hay rủi. Vinh cho là may, trong tình cảnh tai hoạ sẽ ập đến bất cứ lúc nào, kể từ ngày chàng được “khoan hồng” cho trở về nhiệm sở cũ, từ trại tù cải tạo, để làm một tên kỹ sư lưu dung. Vinh ngồi nhìn chăm chú vào mớ giấy tờ bề bộn trên chiếc bàn lớn phủ nỉ xanh có mặt kiếng đang chờ quản đốc Bảy Phi trở về, trịnh trọng ngồi xuống, ngắm nghía từng tờ giấy thật lâu, mặt đanh lại chừng như đào sâu suy nghĩ để giải quyết rốt ráo công việc. Sau đó, anh Bảy gò lưng, méo miệng đặt bút vạch những chữ ký to tướng và ngoằn nghèo trông rất ấn tượng. Vinh đã từng ngồi sau chiếc bàn ấy nhiều năm. Bây giờ còn được ngồi ở cái bàn nhỏ xíu đặt vuông góc, sát chiếc bàn lớn ấy trong văn phòng quen thuộc này đã là một “ân huệ” của đảng và nhà nước rồi, biết thân là phải phấn đấu với sự quyết tâm không có gì lay chuyển được.
Vinh cứ nhìn như thế hồi lâu. Nhìn
giấy tờ, ngắm chiếc bàn và cái ghế nệm êm ái có trục xoay để mà nhìn thôi,
trong lòng không mảy may buồn hay tiếc nuối điều gì, và cũng không nghĩ ngợi gì
cả. Vinh chợt tỉnh khi có tiếng gõ cửa. Nhìn lên, qua ô kính thấy ông Văn đang
chờ vào gặp. Chàng cười và gật đầu. Ông Văn mở cửa bước vào. Sau khi khép kín cửa,
hỏi ngay: “Ông đã biết tin gì chưa ?” Không chờ trả lời, ông già nhỏ giọng
“Tôi vừa ở phòng hành chánh về đây. Trên ấy ai cũng biết công an lại mời
ông. Tụi nó muốn gì nữa. Đây là lần thứ ba, phải không ông ? Không biết lành dữ
thế nào !”. Vinh ngước nhìn lên, trên khuôn mặt khắc khổ của ông Văn hiện
lên một vẻ buồn lo và ái ngại làm cho Vinh cảm động. Ông Văn làm việc ở nhà máy
này đã lâu lắm rồi, từ ngày đặt viên đá đầu tiên để xây dựng bởi những kỹ sư và
chuyên viên người Pháp. Ông làm công việc của một tùy phái thật chăm chỉ và
siêng năng. Cứ đúng giờ là khoác dây đeo cái túi nhựa lên vai rồi đạp xe đi, bất
kể mưa nắng. Bao nhiêu năm nay, ai cũng thắc mắc vì sao một người có kiến
thức, chững chạc, viết và nói tiếng Pháp trôi chảy mà làm một công việc khiêm
nhường như thế. Dưới mắt Vinh, con người trầm lặng nói
năng chừng mực, có thái độ như luôn thủ phận ấy tự nhiên toát ra một vẻ gì đó khiến
mọi người quí mến, không dám khinh thường hay tội nghiệp. Ông Văn lo nhận và
chuyển công văn, thư từ cho toàn nhà máy nhưng thuộc cấp số nhân viên của Vinh.
Cái bàn nhỏ của ông ở góc văn phòng thư ký lúc nào cũng được sắp xếp gọn gàng
ngăn nắp. Ông Văn là người uống trà sành điệu. Trà của ông thật ngon. Ông không
uống trà một mình. Trên chiếc khay nhỏ đặt thường trực ở góc bàn có một cái ấm
và bốn cái chung bé trông rất xinh. Một cho ông, hai cái cho hai thư ký cùng
phòng và một cho anh hoạ viên ngồi phòng họa đồ kế bên, cửa ngăn hai phòng lúc
nào cũng mở. Ông còn một cái tách trà đặc biệt nữa, bằng sứ màu lam ngọc với
hoa văn vẽ tiên nữ thật đẹp, có cả nắp đậy, dành riêng cho Vinh. Trừ những ngày
bận rộn họp hành, mỗi sáng sau khi phân bổ công tác dưới Cơ xưởng xong, Vinh trở
về văn phòng là ông Văn bước vào với tách trà nóng. Ban đầu, chàng thấy
ngại và muốn từ chối nhưng cứ nhìn cử chỉ rụt rè và thân tình của ông Vĩnh
không thể mở lời. Từ đó, sau mỗi chuyến đi phép trở lại nhà máy Vinh mua tặng
ông một gói trà ngon và lần nào ông cũng vui vẻ đón nhận. Công việc thường
xuyên bận rộn khiến Vinh ít có thì giờ chú ý đến ngoại cảnh, ông Văn vẫn đi về
lặng lẽ như một cái bóng với những tách trà nóng thơm ngon, đôi lúc thoảng mùi
thơm của quế vào những ngày mưa núi kéo về bất chợt hay bị cảm ho đã làm cho
chàng xúc động khi cảm nhận được sự săn sóc ân cần nhưng kín đáo của người nhân
viên thân cận.
Ông Văn vẫn đứng kế bên, yên lặng
nhìn Vĩnh với đôi mắt đầy thương cảm. Phải, đây là lần thứ ba Vinh bị công an mời
làm việc trong vòng một năm, từ ngày trở lại nhà máy. Vinh nói nhỏ: “Tôi phải
đi bây giờ. Có lo cũng không được ông ạ. Hy vọng sẽ gặp lại ông.” Vinh bắt
tay từ giã. Ông Văn nắm lấy tay chàng một lúc mới buông ra, cúi đầu làm dấu
thánh giá xong đi ra ngay. Vinh nhớ là Năm Trắc đã dặn thanh lý mọi việc trước
khi đi. Như vậy có thể là lần này sẽ đi lâu. Vinh ngồi xuống, vừa dọn dẹp cho
trống bàn viết vừa cố giữ cho lòng thanh thản và tự nhủ thôi mặc cho số phận an
bài. Vinh lẩm nhẩm “thanh lý mọi việc” và đột nhiên bật tiếng cười khẽ. Ngôn ngữ
thời mới quả thật là tiện dụng vì có nhiều nghĩa. Cán bộ ăn cắp ngân quỹ nhà
máy, ngụy tạo hồ sơ để thanh lý tài chánh. Cướp nhà của nhân viên lưu dung cấp
cho đồng bọn gọi là thanh lý hộ khẩu ... Dọn dẹp chỗ ngồi để đi tù cũng là
thanh lý. Thật là khôi hài.
Khi Vinh bước vào phòng phó giám đốc
đã có hai người ngồi chờ, một cũ, một mới. Xếp mới Năm Trắc, phó giám đốc kiêm
bí thư đảng ủy và Ba Lến, cái tên nghe giống dân “cách mạng” nhưng là nhân viên
cũ, trước đó là tài xế của Vinh nay lái xe riêng cho Năm Trắc. Không chờ Vinh hỏi
vì sao phải làm việc với công an, Năm Trắc đứng lên nói ngắn gọn: “Công an
yêu cầu anh trình diện mà không nêu lý do. Thôi anh cứ đi. Anh Ba sẽ lái xe đưa
anh sang bên huyện đội.” Vinh lẵng lặng lên xe. Cũng chiếc xe này và người
tài xế này, một thời mới đó mà đã như xa xưa, hàng ngày đưa Vĩnh đi làm và trở
về tư gia với vợ con đầm ấm. Bây giờ chiếc xe vẫn còn vương mùi hương quen thuộc
đưa Vinh đến một nơi tai ương đang chờ đợi. Xe lăn bánh, Vinh lên tiếng trước
“Anh có biết gì về chuyến đi này không, hở anh Ba ?” Ba Lến vẫn nhìn thẳng,
hơi nghiêng đầu sang, nói nhỏ “Tôi cũng không biết, chú Vinh ơi! Tôi
chỉ được lệnh đưa chú qua bên đó rồi trở về một mình.” Thời mới, con người
mới, văn hoá mới mà. Không còn người bóc lột người nên chẳng có ông bà gì cả,
anh em thôi. Ba Lến bây giờ gọi “chú Vinh” cho thân mật vì anh ta lớn tuổi hơn
nhiều. Xe chạy từ nhà máy đến trụ sở công an huyện mất khoảng hai mươi phút. Suốt
thời gian này Ba Lến nói huyên thuyên, toàn chuyện “hồi đó”. Vinh lơ đãng nghe,
chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Xe đến nơi, tên công an ở trụ gác mở cổng cho xe vào
mà không hỏi han gì cả. Lúc đó, Vinh đã hiểu là Năm Trắc biết lý do nhưng không
nói, và chuyến xe giải tù không cần võ trang này đã được sắp xếp trước. Trước
khi từ giã, Ba Lến siết tay Vinh thật chặt “Thôi tui dzìa nha. Chắc
không sao đâu, ông đừng lo nhiều. Tui sẽ tìm cách nhắn về nhà cho bả biết.”
Nói xong, Ba Lến ra xe, vừa bước đi vừa quay lại nhìn Vinh, mặt buồn hiu.
Tên công an trực đưa Vinh vào một
phòng nhỏ chỉ có một cửa ra vào, không có cửa sổ. Trong phòng kê một cái bàn và
hai chiếc ghế có lưng dựa sắp hai bên. Trên bàn có sẵn một xấp giấy, cây viết
và một máy thu âm. Hắn chỉ một chiếc ghế nói “Anh ngồi chờ, sẽ có người đến
làm việc.” rồi bước ra ngoài, đóng cửa lại. Vinh ngồi xuống ghế, tựa lưng cố
tạo một thế ngồi thoải mái. Trên tường, dưới lá cờ máu hình lão già râu đang
nhìn Vĩnh, cười đểu giả. Hình như lão đang thì thầm “Lần này khó thoát. Đời
chú mày sắp tàn rồi ... ha ha ...” Chừng mười phút sau, nghe tiếng nói “Báo
cáo thủ trưởng, ở trong này.” rồi cửa mở. Một tên công an lùn tịt, gầy gò
bước vào nhanh như cơn gió. Hắn ngồi ghế đối diện, giở mũ đặt xuống bàn. Hai
bên nhìn nhau im lặng như thủ thế. Vinh suýt bật cười khi nhìn rõ mặt tên công
an. Cặp mắt hí trên gương mặt xương xẩu nhướng lên, hai gò má nhô cao, răng hô
chìa ra trông y chang hình “bốn tên VC đeo một cành đu đủ không gãy” trên những
tấm bảng “chiêu hồi” thật to gắn hai bên quốc lộ 1 đi ra miền Trung vào thời Tổng
thống Diệm mà hồi xưa mỗi lần xe chạy ngang Vinh đều cười thích thú. Tên công
an tự giới thiệu là Ba Kim, trưởng phòng chấp pháp công an huyện. Hắn với tay bấm
nút máy thu âm, rồi mở đầu:
– Anh có biết tại sao
anh ở đây không?
– Các anh bắt tôi
không nói lý do, làm sao tôi biết được.
– Anh đừng nói thế.
Chúng tôi chỉ mời anh đến làm việc thôi. Bắt hay không còn tùy thuộc thái độ của
anh.
– Thái độ thế nào. Các anh
cần biết việc gì?
– Cứ từ từ. Mình còn nhiều
thì giờ. Thôi, ta bắt đầu. Yêu cầu của chúng tôi là anh phải thật thà khai báo,
nên nhớ là cách mạng biết hết mọi chuyện, dấu diếm quanh co chỉ nặng tội thêm
thôi.
– Tôi sẽ nói hết những gì
tôi biết, xin vào đề đi.
– Anh đã từng là sĩ quan ngụy
phải không? Có khai báo không?
– Đúng. Tôi là trung úy của
quân lực Việt Nam cộng hoà. Tôi đã khai báo trong trại tù cải tạo.
Đến bây giờ mà anh vẫn chưa tiến bộ. Cải tạo chứ không phải
nhà tù.
Ba Kim quắc mắt nhìn Vĩnh
như muốn ăn tươi nuốt sống.
– Anh được ngụy quân điều về
Biệt đoàn hướng đạo từ năm nào ?
– Anh vừa nói cái gì ? Biệt
đoàn gì ?
– Tôi nhắc lại thật chậm
cho anh nghe rõ : Biệt ... Đoàn ... Hướng ... Đạo.
– Làm gì có biệt đoàn hướng
đạo, vì hướng đạo không phải là quân đội. – Vinh bật cười.
– Không phải quân đội tại
sao mặc đồ lính có mang huy hiệu và huân chương. – Tên chấp pháp lớn
tiếng.
– Tôi không biết anh đang
nói cái gì.
Vinh nhìn thẳng vào đôi mắt hí của
hắn.
Ba Kim hừ một tiếng, ngồi bật ngửa
ra sau, nhíu mày nhìn Vinh, từ từ móc túi áo lấy ra bao thuốc lá rút một điếu gắn
lên môi. Hắn quăng gói thuốc lên bàn rồi nhổm dậy loay hoay lục túi quần một hồi
mới kiếm được một cái bật lửa cũ, quẹt bốn năm cái lửa mới cháy. Vinh thấy rõ tên
công an này muốn câu giờ. Hắn tưởng làm như vậy để đánh đòn cân não nhưng không
khéo che dấu nổi sự bối rối của mình. Mặt mũi nhăn nhó, tướng tá loắt choắt nhấp
nhổm trông hắn giống như một con khỉ già đang múa rối trong gánh xiệc. Đến lúc
đó, Vinh thêm bình tĩnh vì biết tên chấp pháp này muốn gì. Trong chốc lát sẽ rõ
hoặc là hắn đang gài bẫy thật ấu trĩ hay là hắn và cả lực lượng công an, đều
thuộc loại vô học không biết hướng đạo là gì, muốn điều tra mà không biết khởi
đầu từ đâu nên gắn với quân đội để khủng bố tinh thần đối phương. Vinh biết
mình phải thận trọng khi đang đối phó với một cái đầu đặc cứng, thiếu hiểu biết
nhưng thừa thủ đoạn độc ác.
Ba Kim vẫn giữ im lặng, đẩy gói thuốc lá về phía Vinh, mời “Anh
muốn hút thuốc, cứ tự nhiên”. Vinh lắc đầu, lấy thuốc của mình ra đốt một
điếu. Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa. Một tên công an trẻ mở cửa bước vào phòng,
hai tay cầm cái khay nhôm có một bình trà, hai cái ly và một cái gạt tàn thuốc.
Ba Kim rít liên tiếp mấy hơi thuốc dài, thở khói mù mịt, dụi tắt mẩu thuốc rồi
với tay châm hai ly trà. Hắn đứng dậy, hai tay cầm hai ly trà lên, đặt trước mặt
Vinh một ly, mắt nhấp nháy “Giấy viết đã chuẩn bị sẵn đây để anh làm bản
khai báo về đơn vị hướng đạo do anh chỉ huy. Tôi sẽ để cho anh tự nhiên, cứ từ
từ viết cho đúng và đầy đủ. Anh chỉ được trả về nhà máy khi những lời khai của
anh đạt yêu cầu.” Nói xong, hắn cầm ly trà, bỏ gói thuốc lá vào túi.
Trước khi ra ngoài hắn nói : “Buổi làm việc hôm nay coi như xong. Tới giờ,
anh sẽ được đưa xuống căng tin để ăn cơm rồi về phòng nghỉ. Anh mang theo giấy
viết, đêm nay anh phải tranh thủ viết cho xong bản tự khai, sáng mai ta lại làm
việc tiếp.”
Vinh nhìn đồng hồ, 6 giờ chiều. Uống
một hớp nước trà, đốt thêm điếu thuốc, Vinh ngồi nhìn khói bay chập chờn nghĩ
ngợi mông lung. Sống trong cái chế độ “không có gì quí hơn độc lập tự do” này,
vô cớ bắt người gọi là mời làm việc, tống vào phòng giam bảo là về phòng nghỉ.
Cái thứ ngôn ngữ đầy giả trá và bịp bợm này phô diễn thật đúng bản chất của một
chính quyền đang đưa cả dân tộc xuống hố diệt vong. Trên tường, hình lão già
râu vẫn đang cười đắc chí.
Vinh được dẫn đi ăn cơm chiều. Gọi
là “căng tin” nhưng đó là nhà bếp thông ra một khoảng sân rộng tráng xi măng sạch
sẽ có che mái, chung quanh vây lại bằng phên tre cao ngang bụng. Trong sân có
hai dãy bàn dài, ghế đẩu sắp hai bên. Vinh đếm số ghế chính xác là 36 cái. Khi
Vinh đến, nhà ăn đã có chừng chục người ngồi. Bọn công an cắm cúi ăn, không
nhìn lên. Hình như bọn họ đã biết người lạ mặt là ai, hoặc giả sợ dây dưa đến một
đối tượng đang bị điều tra. Tên công an dẫn độ chỉ ghế cho Vinh, bước qua bên
kia bàn ngồi ghế đối diện rồi giơ tay ra hiệu gọi thức ăn. Thực đơn có cơm trắng
và ba món trông tươm tất. Vinh đảo mắt nhìn quanh, thấy mọi thực khách đều ăn
giống nhau. Trong khi dân chúng đói khổ phải ăn gạo mốc độn bo bo thì bọn này
được ăn uống đầy đủ, bởi vì phải bồi dưỡng cho lực lượng chủ yếu đủ sức để sử dụng
bạo lực cách mạng trấn áp nhân dân, bảo vệ chế độ thảo khấu. Vinh ăn chậm rãi để
tận hưởng những giây phút còn được ngồi ăn chỉnh tề dù không có vợ con bên cạnh
và lại được hộ vệ cẩn mật. Giờ này những người thân yêu chưa biết Vinh đã
sa cơ. Trước đó mấy tuần, Vinh đã cho vợ con về Saigon vì nhà máy đang có nhiều
tin đồn không hay. Vinh thật không mong Ba Lến mau chóng báo tin cho gia đình
vì biết sớm sẽ đau khổ sớm mà thôi. Từ chỗ ngồi ăn này, Vinh thấy rõ dãy nhà thấp
ở cuối sân. Công an huyện chiếm một ngôi nhà thật lớn của gia chủ đã vượt biên
làm trụ sở. Đây là một biệt thự xây cất lối Pháp với sân vườn thật rộng, có dãy
nhà nhỏ ở sân sau để cho tài xế, đầu bếp và gia nhân ở. Dãy nhà này đã được biến
cải thành phòng giam. Vinh biết chắc như thế vì thấy cửa nào cũng có một ống
khoá to tướng và cửa sổ được gắn lưới sắt có một ô cửa nhỏ chắc để tiếp tế thức
ăn. “Phòng nghỉ” đó, nơi khách mời của công an tạm ngụ trước khi bị đưa đến một
nhà tù lớn hơn.
Cơm nước xong, tên công an đưa Vinh
xuống dãy phòng giam, mở khóa cửa phòng bìa bên trái sát vọng gác, nói “Chúng
tôi tạm giữ anh ở đây trong khi điều tra”. Vinh bước vào, nhìn quanh một
vòng. Căn phòng nóng ngột ngạt và hôi hám tuy cửa sổ nhỏ vẫn mở, giữa phòng một
bóng đèn treo lơ lửng. Sát cửa sổ kê một cái bàn nhỏ và một ghế có lưng dựa.
Đây chắc là sự chiếu cố cho một tù nhân đặc biệt cần viết bản tự khai, trên bàn
có một bình nhôm đựng nước, không có ly. Góc phía trong bên trái có một ghế bố
nhà binh loại có thể xếp gọn của quân đội Mỹ, không có gối mền gì cả. Sát vách
phải là một thùng gỗ vuông có nắp đậy, bên trong là một thùng sắt, dùng cho nhu
cầu vệ sinh. Vinh cởi áo cho đỡ nóng, xếp gọn bỏ trên ghế bố, tập trung suy
nghĩ về bản khai báo sắp viết. Tuy đã dày kinh nghiệm viết tự khai trong nhà tù
cộng sản, nhưng lần nào Vinh cũng cảm thấy bất an như đang ở trong tình cảnh tự
viết cho mình một bản án để sẽ được những quan toà mắt trắng môi thâm xuống tay
cho nặng thêm không một chút khoan nhượng.
Từ ngày ra trường cho đến khi mất hết
mọi thứ, với hoài bão đóng góp để xây dựng đất nước Vinh đã đem hết sức năng động
của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết để làm việc. Vinh đã thực sự yêu thích công việc của
mình, dù phải đến ở một nơi xa xôi, thiếu hẳn mọi sinh hoạt giải trí của đời sống
. Ở cái nhà máy hoạt động ngày đêm, mọi người chỉ biết chú tâm vào công việc, lật
đật chuẩn bị cơm tay cầm để lên ca, vội vã về nhà nghỉ ngơi lúc xuống ca. Có
hai thứ đặc biệt đã cầm chân Vinh ở nhà máy này là bản chất công việc đầy thử
thách hàng ngày và những con người cần cù, lương thiện. Là người cầu tiến, Vinh
xem những khó khăn trong công tác là cơ hội học hỏi. Với tính đa cảm và thương
người, chàng thấy mình tự nhiên gắn bó và thân thiết với những người làm việc vất
vả ngày đêm để bảo đảm cho nhà máy đạt năng suất cao mà không hề phàn nàn hay
đòi hỏi gì cả. Họ là người tứ xứ, từ mọi miền đất nước tụ tập về đây, gắn cuộc
đời riêng vào sự thăng trầm của nhà máy. Ông Văn, tùy phái, người Văn Điển Hà
Đông, cái tên thật nên thơ của một vùng ở xứ Bắc xa xôi. Anh Hướng, trưởng toán
tu bổ, quê ở Tân Bằng Cán Gáo, nghe mộc mạc vui tai và dễ nhớ . . . . Còn nhiều
người khác, đến từ những địa danh lạ lẫm, ít người biết ở đâu. Nói cho công bằng,
thành tích có được của đơn vị do Vinh trách nhiệm là nhờ công lao của những trưởng
toán tu bổ giỏi giang. Hai phần ba trong số họ xuất thân từ phu thường hay phụ
thợ vì không có nghề chuyên môn, không phải sống lâu lên lão làng mà chức vụ có
được nhờ miệt mài làm việc và học hỏi từ những kinh nghiệm thực tế trong nhiều
năm. Những “lão tướng” này của Vinh đều là “chiến tướng” đáng tin cậy, nói ít
làm nhiều, tính tình đôn hậu chất phác, có người đọc viết không thông, mỗi lần
cần viết phiếu xin xuất kho phải nhờ thư ký của sở làm giùm. Thợ thuyền của nhà
máy có một điểm giống nhau là đông con. Chồng làm việc nhà máy, vợ phải bương
chải thêm mới đủ lo cho con cái về mặt vật chất. Trẻ con tới tuổi đến trường,
tiểu học lẫn trung học, đều chỉ học nửa ngày nên có nhiều thì giờ rong chơi,
tinh nghịch. Phá phách trong cư xá hay ngoài chợ còn ít tai hại hơn là quá bước
ra chợ trời, cách cư xá không xa chỉ một chuyến xe lôi là tới; ở đó bọn buôn lậu
sẵn sàng dùng tiền dụ dỗ con nít qua biên giới mua về những hàng quốc cấm. Từ
đó, bọn trẻ thơ vô tội này sẽ dễ sa ngã vào đường ma túy, đưa đến thảm kịch gia
đình.
Cũng vì cái tính hay “bao đồng”
Vinh luôn bận tâm, tìm cách giúp đỡ nhân viên nhà máy, vì cảnh sống tất bật
không có nhiều thì giờ chăm lo chu đáo cho con cái. Là một cựu hướng đạo, Vinh
nghĩ đến việc lập một đơn vị hướng đạo ở ngay cái thị trấn hẻo lánh này, thu nhận
đoàn sinh là con em nhân viên nhà máy và cả dân địa phương, vì không có gì hay
hơn dạy dỗ thiếu nhi những điều tốt qua sinh hoạt vui chơi của phong trào hướng
đạo. Sau một vòng thăm hỏi, Vinh đã tìm được hai cựu trưởng hướng đạo đang là bạn
đồng sự, cả hai đều ủng hộ và hứa sẽ tham gia sinh hoạt. Vì muốn có sự hỗ trợ của
nhà máy nên Vinh đã xin phép và nhận được ngay sự chấp thuận của ban Giám đốc.
Chỉ sau một tuần thông báo, số ghi danh đông hơn dự kiến rất nhiều nên Vinh đã
phải mượn cơ sở nhà máy mở một lớp tu huấn cấp tốc để đào tạo thêm huynh trưởng.
Từ đó, một Liên đoàn độc lập, trực thuộc hướng đạo Việt Nam ra đời. Vinh được
tín nhiệm trong vai trò Liên đoàn trưởng. Liên đoàn gồm một ấu đoàn, hai thiếu
đoàn và một Kha đoàn. Ban Giám đốc đã giúp đỡ một cách hào sảng về tài chánh
cho việc ấn loát hồ sơ huấn luyện, mua dụng cụ, học liệu, trả chi phí bảo hiểm
đơn vị, trợ cấp đồng phục cho gia đình nhân viên nghèo, và đặc biệt hơn nữa,
còn cho sử dụng phương tiện vận chuyển của nhà máy bất cứ lúc nào cần thiết. Vì
thế, sinh hoạt của Liên đoàn thêm hào hứng, đoàn sinh háo hức và vui sướng khi
được đi cắm trại xa, ở những thắng cảnh, mỗi đầu tháng. Nếp sống trầm lặng, một
ngày như mọi ngày, của thị trấn đìu hiu thay đổi hẳn vào mỗi sáng chủ nhật. Đối
với dân địa phương, thiếu nhi mặc đồng phục hướng đạo với cờ xí trông thật lạ mắt,
đẹp và dễ thương hết sức. Từng đội, chia nhau địa điểm sinh hoạt, ở công viên,
vườn trẻ nhà máy, sân trường tiểu học, sân nhà thờ, sân chùa .... Tiếng hát
vang vang, tiếng cười đùa trong trẻo của các cháu như thổi sinh khí vào nhịp thở
của thị trấn. Những buổi sinh hoạt có tổ chức trò chơi lớn như “Quang Trung đại
phá quân Thanh” hay “Tìm kho tàng” ... lại càng hấp dẫn hơn. Cả thị trấn đổ ra
đường xem, một số bà mẹ lăng xăng chạy theo cổ vũ “gà nhà” làm cho đường xá
đông vui như ngày hội. Những nụ cười tươi như hoa nở trên gương mặt vô tư và hồn
nhiên của các cháu đã mang lại cho Vinh và các huynh trưởng một niềm vui vô bờ.
Cộng quân chiếm được miền Nam đã ba
năm. Vinh không còn được mặc đồng phục hướng đạo vào những ngày chủ nhật, nhưng
dòng máu “sắp sẵn” vẫn còn chảy mạnh trong tim. Hướng đạo một ngày, hướng đạo
mãi mãi. Cứ giữ vững tinh thần đó để sống như một người thiện lương, dù trong bất
cứ hoàn cảnh nào. Có lẽ, Vinh là một hướng đạo sinh đầu tiên, và có thể là duy
nhất trong lịch sử thế giới bị bỏ tù vì đã từng là Trưởng hướng đạo. Sống trong
một chế độ mà lãnh tụ là một bọn bất trí và vô lương, có trăm phương ngàn kế để
giam giữ và kết án một người vô tội. “Thôi. Mời anh ngồi xuống, hãy thật thà
khai báo cái tội làm Trưởng Hướng đạo đi nhé ! ” Vinh tự nói với mình,
lớn tiếng, thật trịnh trọng. Nói xong, Vinh cười hà hà, ngồi xuống ghế.
Vinh ngồi thẳng lưng, hít thở thật
sâu mấy cái để giữ đầu óc tỉnh táo, chuẩn bị làm việc. Viết bản tự khai là một
hình thức tra tấn tinh thần, một đòn hành hạ cân não tinh vi và độc ác. Đối tượng
sẽ bị buộc viết đi viết lại nhiều lần trong đoạn đường trần ai lai khổ, bị bỏ
đói, mạt sát, đánh thức nhiều lần trong đêm ... cho đến khi bộ óc mệt mỏi, tê
liệt. Đó là lúc vô tình tiết lộ những điều muốn dấu diếm, hoặc buông xuôi đầu
hàng, nhận những cái tội mà chúng muốn qui kết. Đã kinh nghiệm lao tù cộng sản,
lần này Vinh phác họa thật nhanh trong đầu một dàn bài cho những gì sắp viết.
Quyết định bỏ lơ cái chuyện vớ vẩn hướng đạo là quân đội, bản tự khai sẽ gồm
hai phần. Phần đầu viết về lịch sử phong trào hướng đạo
thế giới. Kệ, cứ xem như bọn thổ phỉ này không biết gì về hướng đạo. Phần hai,
viết về Liên đoàn của Vinh, rõ ràng hơn, vì đã là một tổ chức công khai. Vinh tự
nhủ, quan trọng nhất là viết đơn giản cho dễ nhớ để những lần viết sau cũng cứ
như thế “xào” lại. Đốt một điếu thuốc, hít một hơi dài, Vinh bắt đầu viết. Cứ
viết miệt mài không nghỉ như một anh học trò đang làm bài thi, vì chàng tính là
sẽ viết liên tục cho đến nửa đêm thì xong. Lúc đó cơ thể mỏi mệt, nằm xuống sẽ
dễ ngủ, khỏi thức trằn trọc hại sức vì còn phải chịu đựng lâu dài. Quả thật, viết
vừa xong cơn buồn ngủ kéo tới, Vinh mặc lại áo, nằm xuống ghế bố quay mặt vào
vách tránh ánh đèn một lúc là thiếp ngủ.
Sáng hôm sau, Vinh tỉnh giấc, nằm
yên nghe động tịnh. Ở phía nhà ăn đã có tiếng người lao xao. Vinh ngồi dậy, rời
ghế bố đứng lên làm vài động tác thể dục cho dãn gân cốt. Một ngày tù mới bắt đầu.
Chưa tới thời điểm khủng bố tinh thần nên đêm qua Vinh được ngủ yên giấc. Nghe
có tiếng mở khoá lách cách. Cửa mở, hai tên công an xuất hiện, một tên đứng
ngoài tay cầm súng AK chĩa nòng xuống đất, tên kia bước vào phòng tay cầm một
bình nước mới để xuống bàn, yêu cầu Vinh giao bản tự khai rồi cầm bình nước
cũ đi ra không nói thêm lời nào. Ít phút sau, tên công an trở lại đưa qua ô cửa
sổ một dĩa nhựa có hai củ khoai lang bằng nửa cườm tay. Vinh đón nhận, để xuống
bàn, ngắm bữa điểm tâm phì cười “Vậy là mình cũng thuộc loại tù nhân khoái
ăn sang, buổi sáng ăn khoai, còn muốn gì nữa !” Chiều hôm qua ăn ít, tối
làm việc căng thẳng, sáng dậy đói bụng ăn xong hai củ khoai bao tử ấm lên ngay.
Vinh ngồi yên trên ghế lòng buồn bã, nghĩ ngợi mông lung ... Giờ này, nếu còn ở
nhà cũng vừa ăn sáng xong, chuẩn bị đi làm, và nếu vợ con chưa về Saigon sẽ
nghe con gái thỏ thẻ, dặn dò một câu lập lại mỗi ngày “Chiều về nhà sớm,
nghe Bố!” Hình như đứa con gái thông minh của Vinh cũng cảm được sự
đe dọa của cuộc sống đầy bất trắc này. Chiều hôm qua Bố không về nhà,
sáng nay con chưa biết đâu con gái yêu quí của Bố. Vinh đứng lên, đi tới đi
lui, thấy thời gian như dài vô tận. Ước gì có một cuốn sách hay tờ báo thì đỡ
quá. Nhìn xấp giấy còn khá nhiều trên bàn, chàng chợt nghĩ ra một trò chơi có
thể giết thì giờ, giúp cho đầu óc khỏi nghĩ quẩn. Chơi cờ tướng một mình. “Được
lắm ... hà hà ... ta đã từng là cao thủ cờ tướng từ hồi trung học ...
” Vinh tự nhủ, từ từ ngồi xuống ghế bắt đầu kẻ ô bàn cờ một cách chậm rãi, thật
đều và vuông vắn. Quân cờ phải khác màu, chỉ có một cây viết nên phải vẽ một
bên tròn một bên vuông. Tướng Sĩ Tượng Xe Pháo Mã và Tốt, vẽ rất đúng và rõ
nét. Cặm cụi vẽ xong tất cả quân cờ vào đúng vị trí thì đã tới giờ ăn trưa. Lần
này cai ngục không tới, chỉ thấy một cô bé đen đủi đưa qua ô cửa sổ một cái tô
nhựa đựng cơm có cắm sẵn cái muỗng cũng bằng nhựa, phía trên là một con cá khô
nhỏ. Đưa thức ăn xong, cô bé còn đứng nhìn tò mò, miệng hơi mỉm cười coi bộ
không có ác cảm. Vinh hỏi “Cháu ơi ! Cháu làm ơn mua giùm chú một bao thuốc
lá được không ?” Cô bé dợm bỏ đi, nhưng quay lại cười, gật đầu. Vinh đưa tiền.
May là Vinh chưa bị tịch thu mọi thứ khi vào trụ sở công an. Một lúc sau, cô bé
trở lại với gói thuốc và một nắm tiền lẻ. Vinh chỉ lấy thuốc lá, bảo : “Cho
cháu tiền còn dư đó. Cám ơn cháu nhiều lắm !” Cô bé vụt chạy đi không nói
gì cả.
Vinh vừa ăn cơm vừa chơi cờ tướng.
Xúc một muỗng cơm, vừa nhai nhẩn nha vừa nghĩ một nước cờ. Thời giờ còn nhiều,
cứ chậm rãi, đi đâu mà vội. Di chuyển một quân cờ thì vẽ lại hình quân cờ đó ở
vị trí mới, gạch chữ x xoá vị trí cũ. Xoay bàn cờ lại, ta biến thành đối thủ. Cứ
thế, mà đấu cờ .... một mình. Nhớ lại truyện võ hiệp “Cô gái đồ long” của Kim
Dung, Châu Bá Thông bị nhốt ở Đào hoa đảo lâu ngày đã tự sáng chế môn “song thủ
hổ bác” hai tay đấu với nhau để giải sầu, Vinh thấy mình là lão Châu tân thời
đã chế ra tuyệt kỹ “phân tâm hổ đấu” trong lúc bị giam giữ. Bày trò chơi để tạm
quên cảnh tù túng thế mà lại say mê mới hay. Đang đấu cờ tới màn gay cấn thì có
tiếng người nói chuyện ngoài cửa. Nhìn đồng hồ đeo tay thấy đã hơn hai giờ
trưa, Vinh xếp gọn tờ giấy vẽ bàn cờ bỏ vào túi quần, ngồi yên chờ đợi. Cửa mở
hé, một tên áo vàng mặt non choẹt thò đầu vào ra lệnh, giọng xấc xược “Anh
lên làm việc ngay.” Vinh đứng lên, bỏ áo vào quần cho chỉnh tề rồi đi
theo. Ba Kim đã chờ sẵn trong phòng, thấy Vinh bước vào hắn chỉ chiếc ghế đối
diện, cười nửa miệng, không lên tiếng. Vừa ngồi xuống, Vinh chú ý ngay trước mặt
hắn có một hồ sơ mỏng đựng trong bìa màu vàng có viết bốn chữ thật to, xiêu vẹo
“BIỆC ĐOÀN HƯỚN ĐẠO”. Ba Kim lấy trong hồ sơ ra bản tự khai của
Vinh đã viết đêm hôm qua, quăng trước mặt Vinh, lên giọng giận dữ, cộc cằn:
– Anh viết bôi bác như vầy
tưởng là gạt được chúng tôi sao ?
– Thế nào là bôi bác ? Theo
yêu cầu của anh, tôi đã viết đầy đủ về
– Liên đoàn hướng đạo do
tôi làm Liên đoàn trưởng, trực thuộc hướng đạo Việt Nam. Để cho rõ hơn, tôi đã
viết về phong trào hướng đạo thế giới cho các anh biết thêm.
– Anh tưởng chúng tôi không
biết gì về hướng đạo hay sao. Anh định mang thằng Ba Đen ra dọa tôi à. Nói thật
với anh, chúng tôi đã có đầy đủ hồ sơ về tên trùm phản động này rồi đấy !
Vinh cố nén cơn uất ức đang trào
lên trong lòng, bình tĩnh chờ đợi. Ba Kim lấy trong hồ sơ một tấm hình đưa tới
trước mặt Vinh, cười đắc ý:
– Anh biết thằng này chứ ?
Lính của anh đấy. Sự thực rành rành thế này anh còn chối à ! Đây không phải là
áo lính thì gọi là cái gì?
Hắn vừa nói vừa gõ ngón tay mấy cái
lên tấm hình. Nhìn thoáng qua Vinh nhận ra ngay chàng trai trong hình là Lực, một
tráng sinh giỏi của Kha đoàn. Hình chụp trước đồn công an xã. Vinh đã hiểu sự
tình. Thì ra, Lực đã bị công an bắt khi mặc đồng phục hướng đạo mà chúng tưởng
là bận áo lính...
– Anh lầm rồi. Em này đang
mặc đồng phục hướng đạo chứ không phải quân phục, mấy cái hình may trên tay áo
là dấu hiệu gọi là bằng nghề, chứ không phải huân chương gì cả.
Tôi cho anh biết thêm, thằng lính của anh đã khai hết rồi.
Nếu anh còn tiếp tục ngoan cố thì anh sẽ nhận hết hậu quả. Anh phải suy nghĩ
cho chín và viết lại bản tự khai. Hãy thành khẩn khai báo để được
cách mạng khoan hồng, anh Vinh ạ ! Chúng tôi muốn nghe anh xác nhận những điều
cách mạng đã biết do phản ảnh của nhân dân, đó là liên hệ của hướng đạo với ngụy
quân cùng với các cái như quân hàm, huân chương của anh ....
Thái độ của Ba Kim hôm nay thể hiện
cung cách làm việc chuyên nghiệp của công an, lúc lên gân giận dữ, khi nhỏ nhẹ
phủ dụ. Sau khi nói xong một câu dài thật bài bản, hắn nhìn Vinh mặt vênh lên
coi bộ tự đắc lắm. Hắn khoái chí là phải vì đang tận dụng cái lý của kẻ mạnh.
Cái gì cách mạng cũng biết. Lời lẽ huênh hoang bịp bợm ấy phát ngôn mọi lúc mọi
nơi. Lộng giả thành chân, lập đi lập lại mãi như con vẹt nói tiếng người, lâu
ngày chính những tên nói câu ấy cũng nghĩ là thật. Ba Kim ngồi dựa ngửa, đốt một
điếu thuốc, mắt dõi theo khói thuốc bay lên trần. Vinh cũng thản nhiên móc gói
thuốc trong túi áo ra mồi một điếu, hút từng hơi ngắn, giữ yên lặng. Không khí
trong phòng trở nên ngột ngạt vì cả hai như đang thủ thế và giữ miếng, nhường
cho đối thủ ra chiêu tiếp. Ba Kim nhìn Vinh mắt chớp chớp định nói nhưng nghe
tiếng gõ nhẹ, hắn đứng dậy mở cửa. Một người bước vào phòng, dong dõng cao, tóc
hớt ngắn, ăn mặc đúng thời trang cán bộ, quần kaki vàng, áo dài tay trắng ngả
màu cháo lòng, vai đeo sắc cốt da nâu bạc màu. Ba Kim giới thiệu “Đây là đồng
chí Sáu Giang, tỉnh ủy viên, sẽ thay tôi tiếp tục làm việc với anh.” Nói
xong, hắn quay lại nhìn tên cán bộ mới vào gật đầu chào cung kính rồi bước ra
khép cửa phòng lại. Sáu Giang nở nụ cười thân thiện, bước đến chìa tay. Vinh đứng
lên lịch sự bắt tay. Sáu Giang ngồi xuống ghế, mở sắc cốt lấy ra một cuốn sổ và
cây viết máy mạ vàng để trước mặt. Đối diện với tên cán bộ mặt bủng da chì, miệng
cười tươi nhưng không che dấu nổi nét nham hiểm trên khuôn mặt, Vinh biết mình
đã gặp hung thần. Không cần rào đón, hắn bắt đầu làm việc, giọng đều đều, chậm
rãi:
– Anh Vinh. Tôi đã đọc bản
tự khai của anh rồi và nhất trí với đánh giá của ban chấp pháp công an huyện là
anh không thành thật trong khai báo và cố tình tránh né, không đi vào chủ yếu của
vấn đề. Được đảng ủy phân công, tôi xuống đây hôm nay có nhiệm vụ giúp anh đả
thông tư tưởng để khai báo cho tốt. Trước khi trao đổi, tôi nhấn mạnh cho anh
rõ là chúng tôi không coi anh như kẻ thù, chỉ muốn anh có thái độ thành khẩn
.....”
Buổi làm việc căng thẳng kéo dài, gần
như chỉ có Sáu Giang độc thoại. Hắn đã áp dụng lối khai thác cung từ khéo léo bằng
cách ngắt lời mỗi khi Vinh trả lời không đúng theo ý muốn của hắn, như phải nhận
hướng đạo là một tổ chức ngoại vi của “ngụy quân” chuyên về hoạt động tình báo.
Hắn thường chuyển đổi đề tài thật đột ngột nhằm làm cho Vĩnh phân tâm, như đang
nói về công tác của Vinh trong nhà máy thình lình hỏi đoàn viên hướng đạo có cần
phải học về truyền tin hay không, học để làm gì. Từ đầu đến cuối, Sáu Giang
không hề to tiếng hay quát tháo, mỗi lần dùng những từ đao to búa lớn hắn nhắc
lại nhiều lần và nhìn Vinh lom lom giống như thầy pháp lảm nhảm đọc thần chú để
thôi miên con bệnh. Rất nhiều lần hắn trở lại câu hỏi Vinh thực sự mang quân
hàm gì trong hướng đạo và đã “giúp đỡ” để khai thật bằng một gợi ý rất “lô
gích” như sau “ Tôi hỏi anh. Tiểu đoàn trưởng thấp nhất cũng là thiếu
tá, có phải không ? Thế thì chỉ huy một liên đoàn với 4 tiểu đoàn anh mang quân
hàm gì ? Tệ lắm cũng là đại tá, đúng không ?”
Sáu Giang nhìn đồng hồ đeo tay, đứng
lên nói “Đã hơn 6 giờ chiều. Xem chừng anh đã mệt, thôi anh về phòng suy
nghĩ và đêm nay viết lại bản tự khai.” Thấy Vinh vẫn ngồi im, hắn xuống
giọng nghe vô cùng tha thiết “Anh Vinh ạ ! Theo hồ sơ báo cáo về anh, đảng ủy
của nhà máy đánh giá anh là một kỹ sư có tay nghề cứng. Chúng tôi thật không muốn
hủy diệt một người có năng lực. Anh thử nghĩ, nếu anh bị kết tội đầu độc tâm hồn
và huấn luyện thiếu nhi miền Nam chống phá cách mạng thì hậu quả sẽ ra sao ? ”
Vinh trở về phòng giam. Không để
cho cảm giác mệt mỏi và hoang mang xâm chiếm đầu óc, chờ cho tên công an áp tải
khoá cửa xong bỏ đi, Vinh bước xuống cuối phòng đứng nghiêm, giơ tay chào kính
đúng kiểu nhà binh, nhìn thẳng vào tường nói thầm “Đại tá hướng đạo Nguyễn
Trọng Vinh trình diện Đại tướng tình báo Baden Powell chờ lệnh !” Xong, cười
một mình, quay người 180 độ chập gót đúng thế, bước lại ghế bố nằm xuống nghỉ
ngơi. Nằm chưa ấm lưng đã nghe tiếng gõ trên mấy cây sắt của khung chắn cửa sổ,
Vinh ngồi bật dậy, nhớ là mình chưa ăn bữa chiều. Cô bé hôm qua đang đứng chờ,
đưa vào một tô nhựa lớn có cả nắp đậy. Vinh cầm lấy, chưa kịp cám ơn cô
bé đã chạy đi mất. Mở nắp tô, mùi hủ tiếu bốc lên làm cho Vinh ngạc nhiên, tự hỏi
không biết đây là bữa ăn ngon cuối cùng của tỉnh ủy viên dành cho tù trọng án sắp
phát vãng hay là quà của cô bé giao cơm tù tốt bụng. Óc khôi hài lại khởi động,
Vinh ngồi xuống lẩm bẩm “Cơm tù cho yếu nhân đây, mời Đại tá xơi cho ngon miệng.”
Xé một mảnh giấy chùi khô cái muỗng, Vinh bắt đầu ăn. Để khỏi nghĩ tới ngày mai
đen tối, Vinh tìm một đề tài cho bộ óc làm việc. Bản án nào sẽ dành cho tội “đầu
độc tâm hồn và huấn luyện thiếu nhi chống phá cách mạng” Phải cải tạo chừng mười
cái “mốc”, mỗi mốc là ba năm, hay án tử không cần toà xử, chỉ cần chờ đêm tối
lôi ra ngoài hàng rào trại bắn chết rồi tri hô lên là tù vượt trại ? Thôi kệ, tới
đâu hay tới đó. Cứ nghĩ tới thiếu nhi thôi, cho ... vui, Vinh độc thoại. Nhớ tới
những khuôn mặt rạng rỡ, hồn nhiên tung tăng chạy nhảy vui đùa của các ấu sinh,
con gái của mình cũng trong số đó, Vinh thấy lòng ấm lại. Cái thời hạnh phúc ấy
đã qua rồi. Những thiên thần bé bỏng của Vinh đã bị cướp đi mất rồi. Bọn chiến
thắng đã quàng vào cổ các “cháu ngoan của bác” một chiếc khăn màu máu, đẩy trẻ
thơ vô tội vào những bãi rác hôi thối sau giờ học, vào cuối tuần, để bới tìm từng
mảnh nhựa, cái chai đem bán lấy tiền làm “kế hoạch nhỏ.” Không những đã nhồi
nhét vào đầu các cháu tư tưởng căm thù “Mỹ Ngụy” một cách tinh vi như bắt làm
những bài tính đố “anh du kích anh hùng A đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, chị dân quân
B hạ được 3 chiếc nữa. Như vậy tổng cộng ta giết được bao nhiêu tên giặc lái
?”, đảng ta còn sử dụng thiếu nhi vào những công tác bất nhân hơn nhiều. Chị của
Vinh ở Saigon có đứa con trai 7 tuổi học lớp 2 ở một trường “tiên tiến” cấp 1 gần
nhà. Cháu kể với mẹ là ông giám hiệu, một giáo viên từ ngoài Bắc vào tiếp thu
trường, nhiều lần kêu cháu lên hỏi “Em có muốn được quàng khăn đỏ không ? Thầy
nhờ em việc này, nếu em làm được thầy sẽ phát khăn quàng cho em. Em về nhà rình
xem ông nội chôn vàng ở chỗ nào, rồi báo cho thầy biết. Không được nói với ai đấy
nhé !” Kể chuyện này thấy Mẹ hoảng hốt, cháu cười “Lần nào con cũng trả
lời là ông nội em không có vàng bạc gì cả. Ông ấy bảo là con cứng đầu, dọa sẽ
đuổi con khỏi trường Mẹ ạ !” Cháu tôi đã bị đuổi học thật. Giờ này, chắc
cháu sắp phải học một trường ở nơi thật xa xôi nào đó, vì gia đình chị tôi đã
vượt biên an toàn, đang ở đảo Bidong chờ ngày đi định cư ở Hoa Kỳ.
Ăn xong tô hủ tiếu có “người lái”,
Vinh đi tới đi lui trong phòng suy nghĩ về những điều sắp viết. Diễn biến hai
ngày qua cho thấy bọn cầm quyền địa phương đã “nhất trí” với nhau để gán cho
Vĩnh cái tội danh không tưởng, cực kỳ phi lý, chỉ có những bộ óc điên rồ và độc
ác mới nghĩ ra. Vinh biết, nhận “tội” hay không cũng thế thôi. Đời Vinh sẽ tàn
trong trại tù ở một vùng rừng sâu nước độc nào đó trên quê hương này, quê hương
tội tình mà Vinh đã đành lòng phải rời xa khi quyết định vượt thoát, nhưng chẳng
may cả ba chuyến đi đều thất bại trong năm qua. Nghĩ đến vợ con càng thêm bối rối,
nếu mình không về nhà nữa thì người vợ hiền lành yếu đuối của Vinh lại phải sống
nương nhờ gia đình hai bên, nếu không làm sao chống chỏi được với phong ba cuộc
đời của một người vợ có chồng bị tù vì một tội tày trời.
Vinh ngồi xuống, đốt thuốc hút, bắt
đầu viết lại bản tự khai. Phần thứ nhất “thành thật khai báo” chỉ cần nhớ và viết
lại bản trước, không khó; còn phần thứ hai “thành khẩn nhận tội” phải suy nghĩ
lại, viết cũng chết không viết cũng tiêu đời, vậy cứ để đó, làm cái dễ trước.
Vinh cắm cúi viết, hy vọng sẽ được như đêm hôm qua, nửa đêm viết xong mệt quá sẽ
ngủ được ngay. Viết đến khuya phải ngừng vì cây bút bi hết mực. Vinh nhìn qua
khung cửa sổ, bên ngoài không có bóng người nên bỏ qua ý định hỏi mượn cây viết
khác. Nhìn dòng chữ cuối cùng mực nhạt dần và đứt quãng Vinh đâm lo. Không biết
là điềm gì đây. Tình cảnh như thế này làm gì có may mắn, chỉ có rủi thôi. Tận
cùng của vận rủi là cái gì. Vinh ngồi thừ người, lắc đầu mấy cái để xua tan ý
nghĩ đen tối vừa nhen lên trong đầu. Vinh đặt mình xuống ghế bố, đầu óc nặng
trĩu, cố dỗ giấc ngủ nhưng trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp mắt được. Giấc
ngủ ngắn chập chờn với cơn ác mộng. Vinh nằm mơ thấy bị đẩy lên một xe chở tù
đã đầy người, tù nhân bị còng tay lại từng cặp. Xe chạy mãi trong đêm, lên dốc
xuống đồi. Trời mưa giông, gió thổi ù ù, đường trơn trợt, chiếc xe chạy lảo đảo
nhưng cứ lầm lũi phóng vào màn đêm. Chợt bầu trời loé sáng một tia chớp, tiếp
theo là một tiếng nổ long trời, chiếc xe định mệnh lao nhanh xuống vực sâu.
Vinh hét lên một tiếng, choàng tỉnh, ngồi dậy cố định thần cho bớt hoảng hốt,
người ướt đẫm mồ hôi.
Một tên công an ló mặt ở khung cửa
sổ, nói vọng vào phòng “Anh chuẩn bị đi lên chấp pháp. Hôm nay làm việc sớm.”
Vinh làm vệ sinh cá nhân, rửa mặt qua loa bằng nước uống còn lại trong bình
nhôm rồi gom giấy bút đi theo. Ba Kim tiếp Vĩnh trong văn phòng của hắn. Vừa thấy
Vĩnh bước vào, hắn đứng dậy hỏi bằng một giọng thân mật:
– Anh Vinh, đêm qua ngủ
ngon không?
– Cám ơn. Cũng qua một đêm
bình yên.
– Có trà ngon đây, mời anh.
Làm một điếu thuốc nhé!
– Buổi sáng tôi chỉ hút thuốc
với cà phê thôi.
– Anh dùng cà phê gì ?
– Mỗi sáng tôi uống một
“cái nồi ngồi trên cái cốc”. – Vinh vừa nói vừa cười.
– Anh thật khôi hài. Mời
anh uống trà. – Ba Kim vẫn vui vẻ.
Vinh đưa bản tự khai và cây bút cho
Ba Kim nói :
– Đêm hôm qua tôi mới viết
được chừng này thì cây bút bi hết mực. Vì đã khuya quá nên tôi không muốn làm
phiền các anh cho cây bút khác.
Ba Kim khoát tay, lại cười :
– Không sao. Sáng nay mời
anh lên đây sớm để báo cho anh biết là đảng ủy và công an tỉnh đã quyết định tạm
đình chỉ cuộc điều tra, chờ thu thập thêm tài liệu. Bây giờ, anh có thể trở về
công ty để tiếp tục làm việc. Xe đến đón anh đang chờ ngoài cổng.
Thật bất ngờ như trên trời rớt xuống,
Vinh đứng dậy, cố giữ bình thản để che dấu cảm xúc vì chưa biết còn có cái bẫy
nào khác đang chờ đợi không. Đích thân Ba Kim đưa Vinh ra ngoài. Lại một bất ngờ
khác, Ba Lến đang đứng chờ, vẫy tay chào khi thấy Vinh đi ra. Người tài xế cũ
chạy lại nắm tay Vinh, lôi nhanh lại chiếc xe đang mở cửa sẵn đẩy Vinh lên ghế.
Đóng cửa xong, Ba Lến thót lên xe rồ máy chạy ngay như sợ công an đổi ý bắt
Vinh trở lại. Xe vừa quẹo khỏi ngã tư đầu tiên, Ba Lến chạy chậm lại, lên tiếng:
– Chưa ăn sáng phải không ?
Mình ghé quán, tôi đãi Xếp một bữa mừng tai qua nạn khỏi!
Không cần chờ trả lời, Ba Lến chạy
thẳng lại một quán ăn đậu xe lại, bước xuống. Vinh vui vẻ bước theo, vừa đi vừa
nói thầm “Hôm qua đã được thăng chức “Đại tá”, sáng nay được trở lại làm “Xếp”.
Hí trường còn diễn màn nào hay hơn nữa không ?”. Sáng sớm quán vắng, Vinh
chọn một bàn kê bên ngoài để khỏi vừa nói chuyện vừa dáo dác sợ nghe lén.
– Anh tới đây hồi nào ? Ai
bảo anh đi đón tôi vậy, anh Ba?
– Giám đốc chứ ai ! Hai
Phúc trở lại nhà máy xế trưa hôm qua, nghe tin Xếp bị công an bắt nhốt chả nổi
giận, gây với Năm Trắc một trận tơi bời, rồi yêu cầu họp đảng ủy liền. Mấy chả
họp bàn, cãi lộn như bằm bầu !
– Làm sao anh biết mấy chả
cãi lộn?
– Sao tôi hổng biết. Tôi chờ
Năm Trắc ở ngoài nghe trong phòng cãi cọ lớn tiếng rất gay cấn và họp tới khuya
mới rồi. Hai Phúc ra lịnh cho tôi sáng sớm vào lấy xe đi đón Xếp. Tôi mừng hết
sức, đêm qua ngủ không được, chờ cho mau tới sáng. À, còn có vụ này chắc Xếp
không biết đâu, Hai Phúc và Năm Trắc găng với nhau lâu rồi. Tôi biết Hai Phúc rất
nể Xếp, còn phe Năm Trắc thì coi bộ .....
Nói tới đó Ba Lến ngập ngừng rồi bỏ
ngang vì hai tô mì được bưng ra. Chờ cho người chạy bàn trở vào trong, Ba Lến
nhìn thẳng mặt Vinh, nói thật nhỏ :
Tôi thấy Xếp phải đi, chứ ở đây .... không yên đâu
! Nói xong, Ba Lến nhìn xuống, cầm đũa bắt đầu ăn.
Trên đường trở về nhà máy, Ba Lến
nhiều lần nhắc lại chuyện ra đi. Vinh nghe nhưng làm như thờ ơ và trả lời
“Tôi chưa biết tính sao. Chắc không có khả năng anh Ba à ! ” Ba Lến
nhìn Vinh không nói gì thêm. Điều đáng buồn là cả hai đều biết câu nói đó không
thật lòng. Vinh muốn về nhà trước vì đã hai ngày hai đêm không tắm rửa, nhưng
Ba Lến nói Giám đốc đã dặn phải đưa Vinh vào nhà máy trước. Xe đậu trước phòng
hành chánh, Ba Lến đi nhanh vào hành lang trước, gõ cửa phòng mấy cái, mở cửa
thò đầu vào nói “Báo cáo Giám đốc, kỹ sư Vinh đã về tới.” Hai Phúc đứng
ngay cửa tươi cười đón. Hai người vào phòng. Hai Phúc mời Vinh ngồi, vào đề
ngay:
– Tôi đi họp ở thành phố mới
về trưa hôm qua, nghe công an mời anh đi tôi đã can thiệp ngay. Sự cố tuy thật
đáng tiếc nhưng đã xong rồi. Anh đừng buồn. Nếu tôi có mặt ở nhà máy thì không
có chuyện.
– Không có anh thì có anh
Năm, xử lý giám đốc kiêm bí thư đảng ủy mà không thể hoãn chờ anh về được sao ?
Anh có biết là công an móc cho tôi cái lon Đại tá Hướng đạo không ?
– Phiền là ở chỗ đó. Do không biết mới làm sai. Anh cũng hiểu mà,
cách mạng mới thành công có mấy năm, cán bộ chưa được học tập nhiều nên có nhiều
điều không thông suốt.
Hai Phúc
không đá động gì tới Năm Trắc cho thấy bí thư đảng ủy cũng bí luôn, chả biết gì
ráo.
– Nếu hôm kia anh có mặt ở đây thì anh biện bác thế nào để công an đừng
bắt tôi đi.
Thay vì hỏi
có biết hướng đạo là gì không thì Vinh hỏi thế cho nhẹ.
– Xui cho anh là tôi vắng mặt khi họ mời anh đi, và may mắn là tôi biết
về hướng đạo vì hồi xưa ở Saigon, khi còn bé tôi cũng là “sì cút” như
anh. Hai Phúc ngưng nói, nhìn Vĩnh cười hà hà...
– Thôi anh về nhà tắm rửa nghỉ ngơi cho khoẻ, ngày mai hãy đi làm lại.
Chuyện này không cần nhắc lại nữa. Cứ yên tâm làm việc anh Vinh nhé!
Ba Lến lái xe đưa Vinh về. Việc trước tiên khi về đến nhà là bắc một ấm nước
sôi pha cà phê. Vinh đốt một điếu thuốc, ngồi xuống ghế trầm ngâm suy nghĩ. Tai
họa đến rồi đi như cơn gió lốc. May rủi khó lường. Hai ngày đêm đầu óc căng thẳng.
Đây có phải là một âm mưu mờ ám nhằm hại Vinh ? Giám đốc Hai Phúc từng là
hướng đạo sinh thời Pháp thuộc ? Nếu thực là vậy, làm thế nào y thuyết phục được
những cái đầu chứa bùn để can thiệp cho Vinh khỏi tù ? Ba Lến khuyên mình nên
đi, thực lòng hay đang làm công tác thăm dò tư tưởng đây ? Một loạt câu hỏi khó
tìm giải đáp ám ảnh trong óc, làm cho Vinh không yên tâm. Chàng đứng lên, định
đi tắm rồi ngủ một giấc, chợt nghe có tiếng nói vang lên trong đầu “Ông Vinh
ơi ! Thôi đừng thắc mắc nữa. Hãy nhớ một điều, bản án “đầu độc thiếu nhi ... ”
vẫn còn treo lơ lửng trên đầu chứ chưa rơi xuống đâu. Còn một điều nữa, đừng
quên, trong vở tuồng “trấn áp phản động” bọn cán bộ cộng sản đều là kịch sĩ thượng
thặng, diễn xuất rất nhập vai .... Chỉ có một con đường ... Ráng giong buồm sớm
mà đi thôi Ông Đại Tá ơi!”