Bìa cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20”
Bìa cuốn sách “Thép Đã Tôi Thế Đấy”
Anh đặt tên nhật ký là Chuyện Đời nhưng được thay bằng
Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi khi phát hành vào năm 2005. Giống như Nhật ký Đặng
Thùy Trâm, nhật ký Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi của Nguyễn Văn Thạc qua bộ
máy tuyên truyền của đảng đã trở một tác phẩm có số lượng phát hành kỷ lục và
gây tiếng vang lớn tại Việt Nam.
Anh Thạc thú nhận “ước mơ thầm kín” của anh là trở thành nhà
văn. Cũng vì tập làm nhà văn nên văn trong nhật ký của anh không có được nét tự
nhiên. Anh tả cảnh hơi nhiều. Ví dụ, ngày 20 tháng 11 năm 1971 anh tả trong nhật
ký: “Cơn gió thổi từ phía đồi mặt trời qua hồ cá. Sương mù thốc nhẹ lên rặng
phi lao ven đường… Con trâu đi ngang, con cá trắng bơi dọc, và những vòng sóng
hình tròn tỏa rộng chung quanh… Sự sống hiện ra ở khắp mọi chiều. Và chỗ nào mà
chẳng có mầm xanh, chỗ nào mà chẳng có giọt nắng hình quả trứng lăn nghiêng”; hay
ngày 4 tháng 2 năm 1972, thay vì ghi lại những gì xảy ra trong ngày, anh tả một
cơn gió mùa: “Cả rừng bạch đàn vặn mình. Những cây bạch đàn thân nâu lốm đốm
trắng nghiêng ngả. Những chiếc lá thon dài nằm ngang trong gió. Thấp thoáng
trong rừng những mái nhà gianh và những lều bạt. Gió mạnh phần phật những tấm
tăng đã cũ. Gió reo vù vù…”
Ngoại trừ tình yêu say đắm dành cho chị Như Anh mà tôi sẽ
không nhắc trong bài viết này vì tôn trọng tình cảm riêng tư, anh Thạc là sản
phẩm kiểu mẫu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Anh không được đi ra nước ngoài dù đi Liên Xô, đi Tiệp. Anh
chỉ nghe đài phát thanh Hà Nội, học tập lý luận chính trị từ các bài diễn văn của
Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, đọc truyện dịch của các tác giả Liên Xô, đọc thơ Tố Hữu,
Phạm Tiến Duật, các nhà thơ Liên Xô, ngoài ra không có một nguồn tư liệu nào khác.
Anh tả nhiều hơn viết, một phần cũng vì ở tuổi còn nhỏ sự gần gũi và va chạm với
xã hội còn khá ít.
Thần tượng tuổi trẻ của anh Thạc là Paven, tức Pavel
Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky.
Lại cũng Paven!
Ngày 24 tháng 12 năm 1971 anh viết về thần tượng Paven của
anh: “Dạo ấy Paven mới 24 tuổi. Ba năm của thời 20, anh đã sống say sưa, sống
gấp gáp và mạnh mẽ. Cưỡi trên lưng con ngựa cụt hai tai trong lữ đoàn Buđionni
anh đã đi khắp miền đất nước. Cuộc sống của anh là một dòng mùa xuân bất tận giữa
cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến
sỹ Hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn đời mình cho Đảng,
cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc
đời riêng.”
Thép Đã Tôi Thế Đấy là một trong những tác phẩm anh
Thạc mang theo trên đường vào Nam và được anh trích dẫn khá nhiều. Anh xem đó
như là nhựa sống: “Mêrétxép và Paven… Những người đầy nghị lực và có thể nói
được họ đã đi tới mục đích của đời mình!” Anh hổ thẹn vì chưa được thành đảng
viên Cộng sản giống như Paven: “Hôm nay, lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy
hổ thẹn với mọi người, hổ thẹn với Paven, Pavơlusa thân yêu. Mình chưa phải là
một đảng viên!”.
Ước mơ của chàng thanh niên Việt Nam 20 tuổi Nguyễn Văn Thạc
là được sống như Paven Korchagin.
Chẳng lẽ anh không biết một số rất đông anh hùng dân tộc Việt
Nam, đã sống, chiến đấu và hy sinh cho độc lập tự do của đất nước trong khi còn
rất trẻ. Trần Quốc Toản (1267–1285) “phá cường địch báo hoàng ân” năm 18 tuổi.
Trần Bình Trọng (1259–1285) “thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc” khi 26
tuổi. Nguyễn Thái Học (1902–1930) “chết vì tổ quốc chết vinh quang” lúc 28 tuổi.
Cuộc đời họ là những bản hùng ca tuyệt vời gấp ngàn lần hơn anh chàng Nikolai
Ostrovsky bị tẩy não kia.
Đọc phóng sự Vua An Nam (Le Roi d’Annam, Nguyễn Duy Chính dịch)
của ký giả Jean Locquart đăng trên Le Monde ngày 23 tháng 2 năm 1889 để biết tuổi
trẻ Việt Nam đã sống và chết trung liệt như thế nào. Ký giả Jean Locquart tường
thuật khá chi tiết cảnh biệt đội Pháp do Đại úy Boulangier chỉ huy bắt sống vua
Hàm Nghi chiều ngày 1 tháng 11 năm 1888:
“Một buổi chiều biệt đội của đại uý được tin là sau khi bị
đội lính dõng thiện chiến truy kích liên tục, cựu hoàng lẩn trốn cùng với người
tùy viên là Tôn Thất Thiệp con trai cựu phụ chính Thuyết tại một làng hẻo lánh
và kín đáo trong rừng núi cao nguyên Giai. Biệt đội của Boulangier liền bao vây
nơi nhà vua ở và khi cửa chính bị đạp tung ra thì thấy Thiệp đã thức giấc vì tiếng
động của vụ tấn công còn vua Hàm Nghi đang ngủ say ở bên cạnh. Cả hai người đều
để gươm trần ở bên cạnh và trong tay có khí giới nhưng không chống trả được gì.
Thấy chủ soái thất thế, và để tránh cảnh tủi nhục khi bị bắt đem đi, Thiệp toan
đâm chết ông [vua Hàm Nghi], nhưng vì quân Pháp dự tính bắt sống nên lập tức nổ
súng hạ gục Thiệp. Sau đó họ chặt đầu Thiệp và đem bêu trên cọc tre ở ngoài chợ
Dang-Kha là một nơi sầm uất và còn đang xao động.”
Hai người gánh cả một non sông trong giai đoạn lịch sử vô
cùng bi tráng đó đều chỉ mới 18 tuổi, còn nhỏ tuổi hơn anh Thạc.
Tôi tự hỏi, khi dừng chân nghỉ ngơi trong hành trình đầy
gian khổ ở Quảng Trị vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thiệp nói chuyện gì với nhau. Một
ông vua trẻ trước đây chưa từng ra khỏi Huế và một chàng vệ sĩ còn trong tuổi vị
thành niên hẳn không có nhiều điều trao đổi.
Nhưng có một điều chắc chắn họ đã từng chia sẻ, đó là mơ ước
một ngày dân tộc Việt Nam sẽ không còn làm nô lệ cho Tây. Giọt máu của Tôn Thất
Thiệp nhỏ xuống trên chiếc cọc tre cắm ngoài chợ Dang-Kha và giọt nước mắt của
vua Hàm Nghi nhỏ xuống bên thành tàu Biên Hòa trên đường đi đày cùng có một mùi
đắng cay, tủi nhục giống nhau.
Là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội và từng là học sinh giỏi
văn nhất miền Bắc hẳn anh biết Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Hàm Nghi, Tôn
Thất Thiệp là ai, rất tiếc anh không được uốn nắn để sống theo những tấm gương
trung liệt đó.
Trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, hàng trăm ngàn đồng bào Quảng
Trị phải bồng bế, gồng gánh nhau chạy vào Huế và Đà Nẵng, những quận Đông Hà,
Gio Linh và các khu vực chung quanh Cổ thành Quảng Trị đã trở thành những bãi
chiến kinh hồn nhưng trong nhật ký ngày 4 tháng 4 năm 1972, anh hãnh diện chép
lại bản tin của đài phát thanh Hà Nội: “Đài phát thanh truyền đi tin chiến
thắng rực rỡ của tiền tuyến ở mặt trận Trị-Thiên-Huế ở đường 9, Cam Lộ, Gio
Linh, đã diệt 5.500 tên địch; 10 vạn đồng bào nổi dậy – Đài phát thanh tiếng
nói Việt Nam đã phải mở thêm các buổi phát thanh để truyền tin chiến thắng của
miền Nam anh hùng.”
Anh Thạc tin một cách chân thành rằng những tin tức đó là thật.
Nếu có một nhà sưu tầm nào thu thập các bản tin chiến sự của
đài phát thanh Hà Nội trong suốt cuộc chiến và cộng lại, tổng số tổn thất của
quân đội VNCH ít nhất cũng bằng nửa dân số miền Nam.
Trong nền giáo dục Cộng sản, anh Thạc không phải mất công
tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc của mình vì Đảng đã có sẵn các câu trả
lời cần thiết cho suốt cuộc đời anh.
Trong nhật ký ngày 12 tháng 1 năm 1972, khi ưu tư về tương
lai, anh Thạc trích ngay câu nói của Lê Duẩn: ”Thanh niên hãy lấy sự hy sinh
phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình
cảm cách mạng nguội lạnh vì những tính toán được mất cho cá nhân”.
Không có tình cảm riêng tư nào cả, cách mạng là hạnh phúc
cao cả nhất. Anh viết câu nói của Lê Duẩn vào nhật ký một cách trang trọng tưởng
chừng y đang ngồi trước mặt và sau đó yên tâm đi tiếp, không thắc mắc gì thêm.
Dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào, cuộc tranh đấu giữa thiện
và ác diễn ra không ngừng trong mỗi con người cũng như trên phạm vi xã hội.
Cũng có lúc các đặc tính nhân bản, tự do bẩm sinh trong con người anh đứng lên
chống lại các yếu tố ác độc, nô dịch của ý thức hệ Cộng sản đang dồn dập tấn
công.
Trong nhật ký ngày 27 tháng 4, anh viết những câu đau xót
cho cuộc đời mình: “Phải hết sức trấn tĩnh, tôi mới không xé hoặc không đốt
đi cuốn Nhật ký này. Trời ơi! Chưa bao giờ tôi chán nản và thất vọng như buổi
sáng nay, như ngày hôm nay cả. Tôi không giải thích ra sao nữa. Người ta giải
thích được cần phải trấn tĩnh mới hiểu lý do và lung tung. Còn tôi rời rã tôi
chán nản với hết thảy mọi điều, mọi thứ trên trái đất này. Phải, tôi hiểu rằng,
với một người con trai đang khoẻ mạnh, đang sung sức, đang ở giữa mùa xuân của
đời mình thì buồn nản, thì chán đời là một điều xấu xa và không thể nào tưởng
tượng được – Người ta đã chửi rủa biết bao lần những thanh niên như thế – Nhưng
tôi biết làm sao khi chính bản thân tôi đang buồn nản đến tận cùng này. Tôi lê
gót suốt con đường mòn – Con đường mòn như chính cuộc đời tôi đang mòn mỏi đi
đây – Tôi ngồi bệt xuống bờ sông, con sông cạn đang rút nước. Tôi vốc bùn và
cát ở dưới lòng sông, và qua kẽ ngón tay tôi nó rớt xuống, rớt xuống. Tôi muốn
khóc, khóc với dòng sông”.
“Tôi muốn khóc, khóc với dòng sông”, khóc cho anh, cho thế hệ
anh đang lê gót trên con đường mòn.
Nhưng thiện tính bẩm sinh trong con người anh Thạc mong manh
như một nhánh tre non giữa cuồng phong thù hận. Anh bị tiêm thuốc độc vào người
từ thuở mới sinh ra, biết đọc, biết viết cho đến tuổi hai mươi. Những vi trùng
Pêlêvôi (Người mẹ cầm súng), Marétxép (Anh hùng phi công Marétxép) đã mê hoặc
anh bằng một loại chủ nghĩa anh hùng không tưởng.
Thiện tính trong anh không chống đỡ nổi, đã gục xuống, đầu
hàng để rồi vài hôm sau trong nhật ký ngày 7 tháng 5 năm 1972 anh lại mơ được
“Đảng tin và trao cho những nhiệm vụ nặng nề”. Anh Thạc không thể thoát ra khỏi
được quỹ đạo của bộ máy tuyên truyền Cộng sản tinh vi. Mà cũng ít người thoát
ra được.
Trong số 8 người bạn học đi thi giỏi văn toàn miền Bắc, phần
lớn được đi học nước ngoài, riêng anh và một người bạn khác phải đi bộ đội.
Trong nhật ký ngày 24 tháng 5 năm 1972, anh tự hỏi chính
mình: “Thạc còn buồn không? Có còn buồn bã vì những năm tháng phải xa trường
đại học, vì không được ra nước ngoài học tập – Vì các bạn Thạc, người đi đây,
người đi đó, sống êm ả, sung túc với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các
bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc sẽ chỉ là một
con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn
chân, một bàn tay…”
Anh không thể tự trả lời. Tuy nhiên, đoạn nhật ký trong cùng
ngày đã giải thích lý do một học sinh hạng A1, giỏi toàn diện và từng đoạt giải
giỏi văn nhất miền Bắc như anh lại không được đi học nước ngoài: “Lại nói tiếp
về những trang lý lịch – Người ta bắt khai tỉ mỉ hết sức – Nào là ông, bà, cô
dì, chú bác. Làm sao mà nhớ được cơ chứ – Ngay cả cái tên mình cũng khó mà nhớ
được nữa là phải nhớ cả ngày tháng năm sinh. Nhớ cả sinh hoạt vật chất và chính
trị của các cụ ấy từ ngày mình có lẽ chưa có một chút gì trên trái đất này,
ngay cả đó là những tế bào đầu tiên đơn sơ nhất!”
Anh Thạc nhiều tài năng đã chết một cách oan uổng chỉ vì như
anh viết “vết đen của quá khứ gia đình đè trĩu hai vai”.
Cha mẹ anh chẳng phải phạm tội cướp của giết người gì cả
nhưng từng có xưởng dệt, mướn thợ làm công và như thế trên quan điểm
Marx-Lenin, anh thuộc thành phần tư sản bóc lột, tội ác.
Anh Thạc chưa được kết nạp vào đảng và cũng chưa được làm đối
tượng đảng.
Anh viết trong nhật ký ngày 7 tháng 5 năm 1972: “Chao ôi,
bao nhiêu lần mình ao ước có được hạnh phúc xa vời ấy, được Đảng tin và trao
cho những nhiệm vụ nặng nề. Có người sẽ bảo: Thì đấy, anh được đi bộ đội đó thì
sao? Chẳng lẽ anh không được Đảng tin cậy mà lại trao nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
à? Không, đừng ai nói thế! Chuyện gì cũng có điều tế nhị của nó. Nói ra ư,
không khéo thì trở thành phản cách mạng mất. Có đi trong quân đội mới cảm thấy
nỗi khổ của những người không phải Đỏ hoàn toàn”.
Trong cùng ngày, anh viết: “Cứ mỗi lần khai lý lịch, mình
lại buồn, buồn tận sâu xa.”
Anh Thạc nhắc đi nhắc lại đến mười một lần hai chữ “lý lịch”
trong nhật ký và điều đó cho thấy “vết đen” lý lịch ám ảnh anh sâu đậm đến mức
nào. Anh khổ tâm, đau đớn vì lý lịch gốc tư sản của cha mẹ anh trước đây cũng
là điều dễ hiểu. Trong xã hội miền Bắc, Đảng là chiếc thang duy nhất đại diện
cho quyền lực và quyền lợi mà mọi người phải chen nhau, đạp nhau và ngay cả giết
nhau để được trèo lên cao.
Chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Quốc Xã Đức giống nhau một
điểm quan trọng, đó là sự tin tưởng vào mỗi cá nhân đặt cơ sở trên lý lịch.
Chính trị lý lịch không chỉ bảo đảm tính kế tục về giòng giống nhưng còn bảo đảm
mục đích của chế độ được hoàn thành trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Chính
Adolf Hitler, đối thủ hàng đầu của Stalin, đã từng bày tỏ sự thán phục dành cho
Stalin và ca ngợi y trong việc làm thuần khiết hóa đảng Cộng sản Liên Xô qua việc
loại bỏ các mầm mống Do Thái như Leon Trotsky, Grigory Zinoviev, Lev Kamenev,
Karl Radek khỏi nội bộ lãnh đạo đảng. Stalin phê bình quan điểm chủng tộc Aryan
siêu việt của Hitler và gọi đó là Phát Xít nhưng chính y lại biện hộ cho chính
trị lý lịch dựa trên giai cấp xã hội.
Anh Thạc có yêu nước không? Tôi tin là có. Không những anh
Thạc mà rất đông tuổi trẻ miền Bắc tình nguyện lên đường “giải phóng miền Nam”
cũng vì lòng yêu nước. Nhưng tình yêu nước của các anh không phát xuất từ trái
tim trong sáng của tuổi hai mươi mà được dạy để yêu nước theo quan điểm giai cấp.
Miền Nam mà các anh được Đảng mô tả là địa ngục trần gian chứ
không phải là những cánh đồng bát ngát, những vườn cây sai trái, những dòng
sông nhuộm đỏ phù sa. Người dân miền Nam mà Đảng vẽ trong nhận thức các anh là
những người đang rên xiết trong gông xiềng “Mỹ Ngụy” chứ không phải là mấy chục
triệu người chơn chất hiền hòa chỉ mong được yên ổn để xây dựng cuộc sống mới
sau gần một thế kỷ bị thực dân đô hộ.
Cũng trong nhật ký ngày 24 tháng 5, anh Thạc tin rằng Sài
Gòn ngày đó là một “Sài Gòn tăm tối, dưới ách quân thù”.
Anh Thạc hiểu thế nào là tổ quốc?
Trong bài thi học sinh giỏi văn miền Bắc in ở phần cuối của
nhật ký, anh phân tích tổ quốc: “Được mang ngòi bút của mình phục vụ Tổ Quốc,
nhằm giáo dục lập trường và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa cho nhân dân ta,
các nhà thơ ta, bằng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã tái hiện cuộc sống
muôn màu, muôn vẻ của dân tộc ta đang chiến đấu theo quan điểm của chủ nghĩa
Mác-Lênin, và dưới ánh sáng đường lối văn nghệ, chính trị của Đảng” hay
trong nhật ký ngày 7 tháng 1 năm 1972, anh viết “Tổ quốc vẫn dựng xây và
đánh giặc hai hòn gạch vẫn gắn chặt vào nhau nhờ nhiệt tình của con người cộng
sản.”
Tổ quốc gắn liền với “lập trường và nhân sinh quan cộng sản
chủ nghĩa” hay “gắn chặt vào nhau nhờ nhiệt tình của con người cộng sản” như
anh viết nằm bên sông Volga, sông Hoàng Hà chứ không phải sông Hồng, sông Cửu.
Đoạn văn anh viết được trích gần như nguyên văn từ các đề
cương văn hoá, nghị quyết, bài giảng kinh tế chính trị ở trường mà anh đã nhập
tâm. Không phải chỉ một mình anh Nguyễn Văn Thạc mà phần lớn nhà văn miền Bắc
không ít thì nhiều đều phạm tội đạo văn của Đảng.
Anh Thạc không phân biệt được sự khác nhau, nói chi đến mâu
thuẫn, giữa Tổ quốc và Đảng, giữa ý thức dân tộc nhân bản và chủ nghĩa
Marx-Lenin độc tài toàn trị.
Đọc bài văn đoạt giải nhất này để thấy bộ máy tuyên truyền của
Đảng không những có khả năng điều khiển hành động mà còn có thể sai khiến cả nhận
thức của anh.
Trong nhật ký ngày 15 tháng 11 năm 1971 anh viết: “Thằng
Mỹ, nó thế nào? Trời ơi, sao lâu quá. Bây giờ cái khao khát nhất của ta – cái
day dứt nhất trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn – xọc lê
vào thỏi tim đen thủi của quân thù”. Anh không biết “Thằng Mỹ, nó thế nào”
và vẫn muốn “xọc lê vào thỏi tim đen thủi” của nó. Khủng khiếp thật. Ai dạy anh
viết những câu sắt máu vượt qua tuổi tác của anh như thế, chắc chắn không phải
cha mẹ anh nhưng từ bộ máy tuyên truyền của Đảng.
Anh Thạc là nạn nhân của một chính sách tẩy não tinh vi. Mục
tiêu hàng đầu của tuyên truyền tẩy não Cộng sản là đào tạo những con người biết
tuân phục. Thuần khiết toàn xã hội qua sách lược trồng người là mục đích tối hậu
của nền giáo dục Cộng sản. Đó là lý do tại sao các lãnh tụ Cộng sản thích hôn
nhi đồng. Từ Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành cho đến
Fidel Castro, Pol Pot đều thích hôn nhi đồng. Hình ảnh “hiền từ” của họ bên cạnh
nhi đồng là hình ảnh phổ biến nhất tại các nước Cộng sản. Nhà thơ Nguyễn Chí
Thiện tả cảnh “hôn nhi đồng” tại miền Bắc trong bài thơ ông viết năm 1970:
Bác Hồ rồi lại bác Tôn
Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng
Nước da hai bác màu hồng
Nước da các cháu nhi đồng màu xanh
Giữa hai cái mặt bành bành
Những khăn quàng đỏ bay quanh cổ cò.
Bộ máy tuyên truyền của CSVN là thành quả được “vận dụng một
cách sáng tạo” từ cả hai hệ thống tuyên truyền CS Liên Xô và Trung Cộng nên
không lạ gì họ đã lừa gạt bao nhiêu thế hệ thanh niên miền Bắc một cách dễ
dàng. Đọc lại nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc để thấy, Cộng sản Việt Nam vào được
Sài Gòn trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 bằng nhiều phương tiện nhưng hữu hiệu nhất
là phương tiện tuyên truyền.
Trang nhật ký cuối cùng ghi ngày 25 tháng 5 năm 1972, anh Thạc
viết: ”Kẻ thù không cho tôi ở lại – Phải đi – Tôi sẽ gởi về cuốn Nhật ký
này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi
đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu đầu tiên của đời lính. Ừ, nếu
như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng này? Tôi chỉ ước ao
rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ
và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”
Anh Thạc không trở lại.
Nhật ký ngày 3 tháng 6 năm 1972 chỉ là địa chỉ “Ngã ba đồng
lộc”. Hết.
Những trang giấy còn lại của cuốn nhật ký cũng không phải là
những dòng vui vẻ đông đúc như anh muốn. Anh ngã xuống ở Quảng Trị và trên vùng
đất đó, máu của nhiều thanh niên miền Nam cũng đã đổ xuống để giành lại Cổ
thành Đinh Công Tráng, giành lại Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong và những vùng đất
miền Nam thân yêu khác.
Anh Nguyễn Văn Thạc đã chết. Hàng triệu thanh niên miền Bắc
đã chết. Hàng trăm ngàn cựu thương binh miền Bắc may mắn hơn nhưng phải sống phần
đời còn lại trong khó khăn túng thiếu với số tiền phụ cấp chỉ vỏn vẹn sáu trăm
ngàn và nhiều nhất là ba triệu đồng một tháng cho cả gia đình.
Tất cả những mất mát và chịu đựng đó chỉ để hoàn thành mục
tiêu Cộng sản hóa Việt Nam như đã xác định từ cương lĩnh đảng Cộng sản Việt Nam
1930, cương lĩnh 1935 và lần nữa khẳng định trong cương lĩnh 1991: “Mục đích
của Đảng là xây dựng nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh theo con đường xã hội chủ
nghĩa và cuối cùng là thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Sau 39 năm,
ngoại trừ những kẻ bị tẩy não, một người có nhận thức và theo dõi thời cuộc đều
đã nhận ra khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” chỉ là một chiêu bài và “độc lập, tự
do, hạnh phúc” chỉ là chiếc bánh vẽ.
Xương máu của nhiều thế hệ thanh niên miền Bắc đổ xuống chỉ
để hôm nay mọc lên những biệt thự nguy nga, sang trọng của các chủ tịch, bí
thư, ủy viên trung ương, ủy viên bộ chính trị, những kẻ sống xa hoa trên một đất
nước độc tài, tham nhũng, lạc hậu và bị phân hóa đến tận cùng.
Đảng Cộng sản Việt Nam nợ những người đã chết và còn sống
trong tật nguyền đau đớn quá nhiều thứ nhưng món nợ lớn nhất mà Đảng không thể
nào trả nổi, đó là, món nợ tuổi hai mươi.