11 May 2023

ĐẠO CÂU - Thoại Văn

Hồi giờ người ta nghe nói đạo này, đạo nọ, gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo nào đó. Không ai nói đến đạo câu. Chỉ có nghề câu. Nhưng hắn nâng việc đi câu lên thành một thứ đạo, gọi là “đạo câu”. Hắn là “sư phụ” của các “sư phụ” trong nghề đi câu. Tất tật ao đìa, sông suối một vùng rộng lớn, với hắn chỉ trong bàn tay. Loại cá gì, ở đâu, ăn mồi gì, ở nước cạn sâu, hắn biết. Hắn có tài. Người ta gọi hắn là tay sát cá.Trong đời đi câu, ai cũng có ít nhất một lần về tay không. Nhưng hắn chưa bao giờ. Có lời đồn đại rằng hắn có bùa, có thuốc. Điều đó chưa ai xác minh. Buổi sáng, hắn chắp tay sau đít, đứng nhìn chằm chằm xuống dòng sông. Hỏi để làm gì? Hắn điềm nhiên nói: coi con nước. Coi con nước là cách khảo sát thực địa của hắn. Khác gì nhà thầu khảo sát công trình. Chỉ khác là hắn không lên phương án, ăn chia, không A, không B. Tóm lại là không có tỷ lệ phần trăm. Một mình, một cõi đất trời bao la, không ai theo dõi, không bị điều tra. Bởi hắn quá rõ ràng. Không đánh lận con đen theo kiểu “bê-tông cọc tre”. Hắn muốn câu loại cá gì là được loại ấy. Dân câu trong xóm kêu hắn là “sư phụ”. Có mấy đứa lau nhau xin làm đệ tử. Được mòi, lên nước, hắn nói :
- Phàm làm nghề gì cũng có tổ. Đã có tổ thì phải bái tổ. Không cần nhiều chỉ một xị rượu với cái đùi gà là được. - Hắn cao giọng - Câu không khó nhưng không phải ai cũng làm được. - Hắn cười khà khà. Cái mặt vênh vênh đầy vẻ chiêm nghiệm. Hắn tiếp - Người ta nói chăm cây để sửa tính, nuôi cá để dưỡng tâm. Còn đi câu là để rèn luyện.
- Bịa, dóc, đi câu mà rèn luyện con mẹ gì?
Có người phản bác. Hắn khoác tay :
- Bình tĩnh nghe tui nói đã.
Mâm giỗ im lặng. Tất nhiên bây giờ mặt hắn đỏ lừ. Tật hắn uống rượu vào ở chỗ người! đông là nói độc một chuyện đi câu.
Hắn nói: “Móc mồi lia xuống cả giờ không thấy động đậy mà vẫn tiếp tục đợi chờ là kiên trì. Người qua đường dừng lại, không thấy cá ăn, nóng ruột thốt ra: ‘Đến ngõ chợ là nhanh nhất’. Im lặng. Đó là chịu đựng. Thử hỏi kiên trì và chịu đựng nếu không rèn luyện làm sao có được? Phải không các thầy?” Thấy trong mâm rượu không ai phản bác hắn tiếp: “Đi câu đêm, nhìn lên trời thấy các vì sao để học sự bao dung của trời đất. Đào mồi, nhìn đàn kiến đi để hiểu sự nhẫn nại của loài kiến và ngồi câu nhìn dòng nước chảy để lòng thả trôi đi những tỵ hiềm”.
Mọi người yên lặng. Tất nhiên là câu nói ấy hắn nghe lỏm đâu đó rồi độ lại. Nhưng cho dù của ai, thì hắn đã nói ra đúng lúc. Vâng lúc này mọi người cùng mâm đã ngà ngà say. Họ gật gù nghe hắn nói :
- Khi ngồi nhìn cái phao bắt đầu động đậy là tâm lực, trí lực tập trung vào đó. Mọi phiền toái ưu tư cuộc đời gần như tan theo gió. Thình lình cái phao nhấp nháy chìm xuống mất hút dưới làn nước, “vút”, một động tác kéo ngược. Người câu nghe rần rần qua sợi cước, hồi hộp đến kỳ lạ. Trong khoảnh khắc, thấp thỏm giữa được và mất, giữa sung sướng và đau khổ, giữa hy vọng và thất vọng giành giật nhau làm thần kinh căng lên tột độ. Và cái gì đã căng lên tột độ, đến lúc cũng chùng xuống. Vâng, khi chùng xuống là lúc con cá đang giẫy giụa, người câu bật ra hơi thở nhẹ nhàng. Nó giống như cầu thủ sút trái quyết định găm vào lưới đối phương.
Hắn nói say sưa như đang rao giảng một bài chân kinh nào đó. Đang lúc cao hứng thì từ ngoài sân, một người đàn bà xây xẩy đi vào. Thoạt nhìn đã biết ai rồi. Còn ai vào đó nữa. Một phụ nữ đậm người, thấp, cái mặt câng câng, bạnh ra. Hàm răng đang thít chặt, dậm chân xuống đất :
- Đúng ngay mà, tui đoán đâu có sai. Không đi nhong nhỏng ngoài bờ sông, bờ suối thì dứt khoát là ngồi mâm rượu mà.
Hắn như trái bóng xì hơi. Im re, đứng dậy hắn xin phép mọi người ra về. Mọi người tỏ vẻ cám ơn hắn rất nhiều vì hắn đã dắt họ đi vào thế giới của “đạo câu”. Chiều đó, có anh chàng điển trai trong xóm đến nhà, xin hắn làm đệ tử. Coi vậy mà tính hắn rộng lượng, hắn thu nhận không điều kiện gì. Chàng điển trai nói :
- Vậy là chiều mai “sư phụ” qua nhà rủ tui đi với nghe. Bây giờ tui về sắm ít dụng cụ.
Buổi hẹn diễn ra trọn vẹn. Hắn câu được nhiều cá, còn chàng điển trai ngủ gà, ngủ gật bên bờ sông.
Buổi câu kết thúc, chàng điển trai về nhà nói với vợ :
- Hôm nay thất bại quá, nhưng được cái là tinh thần thanh thản, thật thú vị.
Thêm một cuộc hẹn hò. “Sư phụ” cùng chàng điển trai ra đi. Qua khỏi chỗ khúc quanh, đệ tử bỗng mất dạng. Đến sông hắn móc mồi lia xuống được một lúc, máy có tin nhắn “xe xẹp đừng chờ.” Vậy là “sư phụ” ung dung ngồi câu, còn đệ tử câu chỗ nào không biết! Chỉ biết rằng buổi tối hôm ây, bữa cơm nhà đệ tử rất vui. Đệ tử vừa nói vừa gắp cá bỏ vào chén vợ :
- Cá này béo lắm, ăn đi em, nhưng cái nòi câu còn sướng hơn ăn!
Chàng điển trai nhanh chóng là một đệ tử trung thành của “đạo câu”. Vẫn những buổi chiều cuối tuần mồi mỡ, cần câu sẵn sàng một sự chuẩn bị khá chu đáo. Cả buổi sáng thứ Bảy đầy bồn chồn háo hức. Chàng điển tra nhìn vợ nói :
- Cái đạo này mê lắm. Hèn chi “sư phụ” đi miết. Hấp dẫn lắm em ơi!
Vợ chàng điển trai liếc cười chia sẻ niềm vui với chồng.
Tình cờ trong một lần đi chợ, người vợ thấp thoáng thấy bóng chồng trong buổi chiều nhá nhem. Ông này đi câu rồi mà, lại vào hàng cá làm gì? Người vợ tự hỏi.
Vẫn những buổi đi câu cuối tuần đầy thú vị. Nhưng chàng điển trai cứ qua khúc quanh thì mất dạng. Và những cái tin nhắn thật ngắn gọn: “hư bu-gi”.
Thằng cha này đi câu không hư cần, hư lưỡi, cứ sao hư “bu-gi”? Sư phụ nghĩ. Còn vợ người điển trai bắt đầu một cuộc theo dõi.
Vẫn chiều thứ Bảy, công việc đi câu đã sẵn sàng. Cách đó không xa, ở bưu điện, có một phụ nữ chân dài bước vào phòng máy rồi trở ra. Người phụ nữ cẩn thận bịt khẩu trang, đeo gương, đội mũ và mang găng tay tới nách trước khi vội vàng đề xe.
° ° °
“Ăn đi em, cá này béo lắm”. Chàng điển trai vui vẻ nói với vợ trong lúc ăn cơm tối.
Người vợ nhanh nhảu trả lời :
- Ừ béo, nhưng nếu anh không câu được, nó cũng chết thôi.
- Là sao? - Người chồng ngạc nhiên hỏi.
- Thì cái nòi cá phải ở dưới nước đúng không? Đằng này cứ ở trên cạn, ở trong những quán cà phê vườn tối om. - Người vợ cười cười nói.
Chàng điển trai mặt mày lấm lét, ỉu xìu, lỡ nuốt lỡ nhả miếng cá trong miệng... Người vợ nghiêm mặt nói: “Từ nay, ưng ăn cá gì nói tui mua. Tui mua ăn cho ngán, đừng bao giờ đi câu nữa!”
Không biết chuyện này tai vách mạch rừng thế nào tới tai “sư phụ”. Buổi sáng “sư phụ” đến, vợ chàng điển trai hắng giọng :
- Lại rủ ổng đi câu chứ gì?
- Không. Tui đến có việc hệ trọng.
- Chuyện gì mà hệ trọng? Nói đi. - Người vợ giục.
“Sư phụ” thong thả chắp tay đưa lên ngang mặt cung kính theo kiểu trong phim kiếm hiệp, nhìn anh chàng điển trai nói :
- Từ nay trở đi tui xin bái ông bạn câu của tui đây làm “Sư phụ”!
- !!!???
Ngoài ngõ, có tiếng chó sủa và bóng một phụ nữ đậm người cũng đi vào.

Thoại Văn