Dưng không tôi nhớ nó. Mà nói vậy cũng không phải
vì chưa lúc nào tôi quên nó – chỉ là nỗi nhớ luôn chìm lặng trong cuộc sống
phăng phăng trôi tới trên dòng đời và chỉ thỉnh thoảng hiện ra vào những lúc
mình không ngờ tới. Như hôm nay tình cờ xem được trang nói đến Kim
Vui và phim Chân trời tím.
Chúng tôi cứ đều đặn tối đến ăn cơm rửa chén xong là lên gác
mà rù rì, chuyện trẻ con dài vô tận dù chả có gì đáng để lưu
tâm. Tôi và nó quyến luyến nhau đến độ những lúc học bài thi tôi ngồi
bệt xuống sàn phơi quần áo mà nhắm mắt lẩm nhẩm lại bài thì nó vẫn đứng bên kia
lưới vẩn vơ. Khi nó vừa kịp thấy “mày có cái miệng xinh” thì tôi
cũng vừa tới tuổi phát triển cơ thể vô tổ chức. Tôi mập như ông địa,
bộ dạng hùng hục hùng hổ như chiếc xe tăng đến nỗi lũ con trai trong xóm gọi
lén T54 (xe tăng của Việt cộng, em tôi nói lại). Cái miệng xinh đó
chắc không đủ gỡ nỗi quê có con bạn như tôi, nó lờ tôi như chưa hề quen biết. Tôi
cũng tự ái nên chả bao giờ chất vấn nó vì sao, dẫu trong lòng tôi thầm đau đớn.
Bẵng một thời gian dài, cỡ 2 năm, rồi nó lại nói chuyện với
tôi. Thoạt tiên thì rủ tôi đi cắm trại chung với nhóm bạn của nó vì
ai cũng có bạn gái mà nó thì không. Dĩ nhiên tôi không chịu, nhưng
may mắn cho tình bạn của tôi với nó là nó đã tìm được bồ, cho dù nó từng thổ lộ
với tôi là “tao thích chị của mày.” Bây giờ không nói chuyện khổ đau
vì bị cha mẹ bạc đãi nữa (!!!), tôi có nhiệm vụ ngồi sau xe đạp nó chở vào chợ
Lớn thăm con Quyên vì con Quyên “nó lại giận tao!”
Tôi ngồi ôm xe đạp ngay bên hông nhà để hai đứa nó đứng một
trong một ngoài tấm cửa kéo mà xù xì. Đạp xe ra về, nó nói “con
Quyên giận nữa.” Tại sao? Tao cũng chả hiểu. Tôi
chưa biết yêu, chưa có đủ nữ tính, nhưng đủ linh tính để bảo nó rằng tại nó đi
với tôi – nhưng có lẽ nó không bao giờ chấp nhận cái lý do hết sức vô lý như thế.
Một ngày, nó mượn cuốn tập nhạc bìa cứng giấy ca rô mà tôi rất
yêu quí để xem. Tôi đã mộng mơ vẽ những tựa bài thiệt đẹp bằng bút mầu,
chép những bài thơ bài nhạc thật ngay hàng thẳng lối nên có rất nhiều người mượn
xem. Chỉ riêng nó khi trả lại đã chép vào cuốn tập nhạc ấy một đoạn
chữ.
Anh yêu những chân trời tím. Màu tím của thắm thiết yêu
đương. Của hai đứa chúng mình đi vào tình yêu, đi vào kỷ niệm. Anh sẽ đưa em tới
đó. Anh sẽ sống bên em như màu tím và chân trời, nhưng anh biết không bao giờ,
không bao giờ chúng ta tới đó...
Tôi bồi hồi biết bao nhiêu, tưởng như đó là một lời tỏ tình
táo bạo. Nhưng tôi không dám tin, nên chỉ dán hai trang giấy đó vào
nhau để đừng ai đọc thấy mà kết quả là ai mượn xong khi trả về thì cũng đã bóc
2 trang ấy ra. Tôi chờ đợi nó một câu giải thích, nhưng nó vẫn đi học
và vẫn có bồ!
Tôi không bao giờ có câu trả lời cho một câu không bao giờ
dám hỏi về một điều không bao giờ dám nghĩ, vì gia đình tôi phải dọn qua Thủ
Thiêm, nơi cách có một con sông mà tưởng như mình phải đi biệt xứ. Mắt
nó buồn dìu dịu mênh mang. Cho tới lúc đó tôi vẫn hằng tự hỏi sao nó
là con trai mà lại có cặp mắt đẹp như vậy: mày cong gần như bán nguyệt, mắt nâu
trong và thuôn dài như có thể chất chứa mọi nỗi niềm có thể có trong đời. Nhưng
chúng tôi vẫn chỉ là hai đứa trẻ, không nói được với nhau một lời giã biệt,
không để lại với nhau một lời hứa sẽ tìm nhau.
Tôi dọn nhà đi thì kể như cái tình bạn ấu thơ ấy chỉ còn là
mây khói, nhưng ngày tôi tình cờ trở lại xóm 2 năm sau đó thì nó mới thật là chấm
dứt: con Hương con Nguyệt hai đứa em gái kế của nó thi nhau nói cho tôi hay nó
đã có vợ, “bả đang có bầu, đang ngồi ở nhà trên kìa!” Tôi chẳng biết
lòng mình ra sao, chỉ hiểu một điều “từ nay thôi hết” dù tôi và nó nào đã có
gì.
Thêm hai năm nữa qua đi, lúc này ai cũng đều lận đận chẳng
riêng các nhà thơ, tôi lại đụng nó trên đường từ trường về nhà. Tôi
chưa kịp hỏi nó “làm gì ở cổng trường giờ này, bộ vợ mày học ở đây hả,” thì nó
say sưa nói về đứa con mới có đã đặt tên “êm như cái gối đầu nằm.” Tôi
im như thóc nghe nó nói mà chẳng một lời, vì nó đã có vợ con và tôi đã lớn,
không còn có thể “mày, tao” lại không nghĩ được một cách xưng hô nào khác ngay
lúc ấy. Đó là lần cuối cùng tôi gặp nó. Thôi là hết
anh đi đường anh, tình duyên mình có bấy nhiêu thôi!!!
Ra nước ngoài, những tháng ngày nhớ cha mẹ quê hương đã bỏ lại
dường như cũng có một vết bụi mờ của nó và tuổi thơ. Những mối tình
gãy đổ làm cho câu hỏi không dám nghĩ sống hoài trong lòng tôi. Khi
tôi biết ra những dòng chữ nó đã chép vào tập nhạc của tôi năm xưa chỉ là lời
thoại của bài hát Chân Trời Tím thì tôi bật cười cho cái khờ khạo tưởng bở của
mình, nhưng khi nghe đến câu cuối của bài hát lòng tôi mới thấm sâu một nỗi ngậm
ngùi:
Nhưng anh biết muôn đời muôn kiếp sau, anh với em không
thể đến gần nhau...
Chân Trời Tím là dĩ vãng của cả một thời, là kỷ niệm của rất nhiều người, nhưng sao lại chỉ là một kỷ niệm không dĩ vãng với riêng mình tôi? Lù, mày ở đâu? Có thật tao và mày mãi mãi không thể đến gần nhau?
Lưu Na