Hồi trước, tôi dạy học một trường miền núi. Trường
bên sông. Sông hơi rộng. Có cầu bắc qua. Một phần ba cây cầu là bê-tông, phần
còn lại là cọc tre và gỗ bạch đàn ghép lại. Đầu cầu có chợ chồm hổm, năm ba lều
quán xúm lại. Buổi sáng, tôi ghé quán bà Móm dằn bụng mấy cái bánh xèo trước
khi lên lớp. Bà Móm hồi ấy cũng đã móm, nhưng các thứ còn tinh lắm. Đặc biệt là
tai và mũi. Rất xa, nghe tiếng sên líp rọt rẹt, bà biết tôi sắp tới. “Lấy cho
thầy chén nước chấm thiệt ngon, đôi đũa thiệt ráo với trái ớt thiệt cay, nghen
con”. Bà kéo dài tiếng “thiệt” ra dẻo như bột bánh, trong khi bà khom lưng chỏ ống
thổi lửa vào bếp . Đứa con gái mới lớn leo xuống giường, vừa dạ, vừa dụi mắt đi
tới đi lui, cái đầu chênh chao nặng trịch như những giấc mơ còn đặc quánh trong
ấy chưa tan. Đứa con gái mười sáu hay mười bảy gì đó da trắng như bông bưởi, mặt
tròn, má hồng như hồi nào cũng đang thổi lửa. Có điều khi cười mắt nó híp lại,
chân mày nở ra, rất con cháu Thúy Vân.
Vào một ngày mùa đông, nước trắng sông. Cây cầu gầy nhom run rẩy. Nước hùng hổ,
bọt bèo hăm hở đổ về. Nước liếm chân hè quán bà Móm. Không sao, nước khách ấy
mà, nói xoan qua chút đỉnh rồi đi, không ở lại đâu. Nhưng quán bà Móm hôm ấy có
ông khách cố tình ở lại. Từ ngoài chợ, ông khách khom lưng chui vào kêu rượu và
bánh xèo. Khách chưa già, chân cao, mang theo cây súng nòng dài. Loại súng săn.
Không biết là khách đi săn hay bọn sơn tràng? Khách uống mấy xị rượu thuốc,
cũng không mời ai, cứ xếp bằng trên cái chõng tre rung đùi mà uống. Đứa con gái
bà Móm đi lên, đi xuống dọn hàng, khách ngó nghiêng ngó dọc. Khách nhìn từ chân
lên đùi, lên mông, lên ngực con bé rồi cúi xuống đánh ực một cái, làm như con
bé là đồ nhấm. Trời không lạnh, nhưng gió nhiều. Gió lật mấy tấm tôn che bếp,
nước vào tro bếp lễnh loãng. Bà Móm dọn dẹp, làu bàu “Ông trời n.c. máu, mới hồi
sáng nắng đây bây giờ lại mưa”. Bà muốn tống ông khách đi, sập cửa tôn lại cho
đỡ gió, nhưng chưa được. Đến tối mịt, khách mới chịu đứng dậy kêu con bé lại
tính tiền. Khách đưa cho con bé gấp nhiều lần số tiền phải trả. Con bé chưa kịp
hỏi, khách kéo nó lại hun đánh chụt lên má rồi lách chân ra cửa. Bà Móm lụi cụi
dưới bếp. Con bé so se nắm tiền. Trong đầu nó, quần jean, giày cao gót mũi nhọn
và quần lót Thái đang nhảy múa. Thiệt tình mà nói con bé cũng dễ nhìn. Các thầy
qua đây, thỉnh thoảng cũng nhìn một chút. Tất nhiên là những cái nhìn từ tốn và
rất mô phạm, trừ một ít thầy có máu xấu. Thầy có máu xấu biết liền. Dò bài
xong, chưa chịu cho điểm, cứ nhìn theo cái mông học trò ngoăn ngoắt xuống lớp.
Khi tôi về đây, con gái bà Móm đã nghỉ học. Nghe nói hồi ấy thầy thể dục hay dò
bài thực hành con bé. Sau vụ uống rượu cãi vả với phụ huynh, suýt nữa bị xô xuống
cầu, thầy được cấp trên điều đi trường khác. Con bé học đến lớp chín thì nghỉ.
Thầy Liễm chủ nhiệm dạy môn công dân đến động viên, nhưng con bé không học. Ở
trường, thầy Liễm vào hạng nhất nhì. Trừ thầy hiệu trưởng ra, thầy Liễm là người
duy nhất có xe máy. Xe 81 đời chót. Sau soạn bài, thời gian còn lại thầy “đầu
tư” nhiều nhất vào việc kỳ cọ cái xe. Thầy cũng ít khi về nhà. Thầy nói mùa mưa
đi về nhiều hao nhông hao sên (xích) lắm. Tôi nói mùa mưa về nhà nhiều hao sức
khỏe lắm! Trước khi mùa đông năm đó đi qua, trời để lại một cơn bão lớn. Bão thổi
từ lúc chập tối đến gà gáy đầu mới dứt. Các thầy chuôi dưới gầm bàn tránh bão.
Bão giằng từng cánh cửa sổ lớp học quẳng ra sân. Bão nhổ cây gòn hơn người ôm ở
cổng trường để nằm chằng ngang xuống đó. Buồn hơn, bão lột gần hết mái quán bà
Móm nhận xuống sông. Sáng ra, bà Móm khóc đứng khóc ngồi nhìn dòng sông u u chảy
mà không biết nó vùi mái nhà bà ở chỗ nào? Khóc xong bà biểu con bé theo người
ta xuống chợ huyện mua ít khuôn bánh xèo và mấy cái rổ nhựa. Con bé cũng khóc
ít, nghe nói đi chợ huyện thì nín ngay. Ở chợ về, nó dẫn theo hai người đàn ông
với mấy tấm tôn. Bà Móm chưa hiểu gì, họ đã kéo tôn lợp nhà. Xong xuôi họ leo
xuống ra về. Bà Móm đòi trả tiền, họ nói đã có người trả. Nhà lợp hai hôm, bà
không ngồi ở bếp. Ngồi ngay trên giường, bà khóc. Bà nghẹn ngào: “Nó bỏ đi rồi
thầy ơi!”. Tôi há miệng nhìn lên mái nhà. Bà cũng nhìn theo, tôi biết lúc này
lòng bà đang thắt lại vì một cơn bão lớn. Quán bà Móm vắng con bé, coi vậy mà
buồn xo. Ở chợ người ta xì xào rằng con bé ăn trúng bùa ngải của lão sơn tràng.
Lão sơn tràng đã giương nòng bắn con chim non. Nòng súng dài thòng hằng chi đạn
nó độc quá! Mấy bà bán thịt cười giòn tan, còn bà Móm thấy như có ai xát muối
trong lòng.
Ở miền núi nghiệt lắm. Nắng dữ và lạnh cũng hung. Thiên nhiên vốn thích bạo liệt,
còn con người vẫn ưa hiền hòa. Nhưng ưa mà có được đâu. Năm ngoái bão, năm nay
lụt. Mới mưa có một đêm mà nước trắng lăng. Vừa mở mắt đã thấy nước xấp xỉ đoạn
cầu gỗ rồi. Trường đánh một hồi trống bãi. Học sinh nháo nhào đội mưa chạy ra
coi nước. Thầy nói phải đi về nhà, ở đó sụp nước chết trôi. Có đứa không nghe cứ
ở lì coi người ta vớt củi. Củi ở đây không thiếu. Nhưng người đời cứ hay tiếc của
giữa trời. Vì tiếc của giữa trời nên đôi khi mang họa. Năm kia cũng vớt củi đã
có người lộn nhào xuống sông, bảy ngày sau mới tìm được xác. Vậy mà bây giờ họ
không sợ. Họ cầm cuốc chĩa, bồ cào, cù nèo đứng trên đoạn cầu bê-tông vớt củi.
Đoạn bê-tông này là phần còn lại của cây cầu sau khi chiến tranh đi qua. Bây giờ
người ta chắp thêm một đoạn bằng tre và gỗ vào để thông thương qua lại hai bờ.
Đoạn cầu gỗ ưa nhún nhảy, đỏng đảnh như đứa con gái. Đi xe qua, cầu nẩy lên bần
bật. Bây giờ thì nước đã xoan. Nước ngập đoạn cầu này hơn mắt cá chân. Không biết
có gì đột xuất không, sao hôm nay thầy Liễm lại dắt xe ra về? Có đứa học trò định
nói ở lại đi thầy ơi qua cầu nguy hiểm lắm. Nhưng sợ thầy la nên làm thinh. Tôi
nói trời thế này thầy về làm gì cho mệt với lại nước mưa hại xe lắm. Thầy chần
chừ một lúc nói là ở nhà có chuyện nên đẩy xe qua cầu. Thầy ra được một quãng,
cách bờ độ mươi mét, phía thượng nguồn lừng lững trôi về hai khúc gỗ mục. Gỗ cạp
vào thân cầu. Có tiếng kêu “rắc”, đoạn cầu tách rời chỗ nối chậm rãi đưa thầy
và xe trôi về phía hạ lưu. Đám học trò kêu khóc thất thanh trên bờ. Bọn người vớt
củi cầm bồ cào, cuốc chĩa chạy tới chạy lui giống như đám đệ tử Đường Tăng gặp
nạn nhưng có làm được gì đâu! Thầy Liễm đã mười mươi cầm chắc cái chết trong
tay. Mạng thầy mỏng manh hơn sợi tóc. Chỉ cần chao một cái nhẹ là thầy và xe
vùi sâu dưới dòng nước bạc. Các cô giáo nín thở lấy tay che mặt, nức nở quay
vào trường. Nước đã lên đến ngực thầy rồi. Thầy cứng ngắc như trời trồng. Chân
thầy như có đinh đóng xuống mặt cầu. Hai tay thầy nắm chặt cây xe như nắm chặt
bàn tay người tri kỷ cùng thầy trong chuyến đi định mệnh này. Bỗng như có bà đỡ,
đoạn cầu vươn vào bùi nhùi chà chơm đâu chỗ mé sông ngoặc thầy tấp vào bụi tre
cuối bãi. Đưa thầy lên bờ, đám học trò vừa la vừa khóc. Mắt thầy cứ mở to nhìn
vào khoảng không vô tận nào đó. Có lẽ thầy vừa ra khỏi giấc mơ.
Mấy hôm sau nước rút. Thầy đến trường thần sắc chưa hoàn hồn. Mừng từ cõi chết
trở về, thầy nhờ phụ huynh tìm mua một con heo. Loại heo đen chạy rông ngoài rẫy.
Làm mâm cơm tạ ơn trời đất đã cứu thầy thoát chết, cứu chiếc xe 81 cáu cạnh của
thầy khỏi phải đăng ký lưu hành ở chốn thủy cung. Mọi người đang chắp tay đăng
đàn vái tạ ơn trên, bỗng có tiếng khóc òa của bà Móm. Bà Móm nhìn trân trân con
bé da tái xanh ôm bọc quần áo bước vào nhà. Bên kia đầu cầu, thằng Dũng khùng ở
trần cà thọt chạy tới kêu: “Em Liễu ơi (con gái bà Móm) cho anh thương cái đi.
- Rồi cũng tự nó nói - Thương gì được nữa. mà thương, chửa hoét rồi mà thương?”
Bà Móm nghe thắt lòng, nước mắt càng chảy dữ.
Buổi tiệc bên bờ sông hôm đó, kẻ khóc, người cười. Buồn vui lẫn lộn. Thằng Dũng
cỗm đâu một cái tai heo cuộn tròn lại làm mi-cờ-rô cứ đi vòng quanh đọc hoài
câu thơ không biết ở đâu nó có:
Nòng dài đạn độc Liễu ơi!
Ăn nhầm bùa ngải nát đời gái tơ
Con Liễu nằm trong buồng khóc rấm rứt. Nó nẩy lưng gỡ bớt móc quần jean.
Nghe nói khi nó tháo bớt móc quần, thì lão sơn tràng cũng vào tù. Con Liễu nơ
cái bụng chang bang ra sông giặt áo. Nó soi mặt xuống sông mơ hồ không nhận ra
mình, mơ hồ làm rớt tuổi thơ xuống nước. Nước xao xuyến chảy, xao xuyên trôi
đâu mất cái tuổi mà thầy giáo dạy văn hay nói là đẹp và hồn nhiên nhất cuộc đời.
Tuổi thơ nó đã theo sông ra biển tan vào mênh mông . Cũng như nắm tiền lão sơn
tràng đưa cho nó thành nắm lá mục tan vào rừng thẳm. “Ăn của rừng rưng rưng nước
mắt”, nó thường nghe lão nói như vậy. Người ta đã lục túi xách lấy đến đồng bạc
cuối cùng trước khi đuổi nó ra khỏi chỗ ở. Bây giờ nó nhận thấy bếp lửa của mẹ
là ấm hơn cả và dòng sông bên cầu này là trong nhất. Nhưng chắc chắn không thể
rửa sạch vết nhơ nặng trĩu nó đang mang nặng trong lòng.
Thoại Văn
Minh Long Mùa Lũ năm 2000