Dương Thu Hương tại căn nhà ở Paris. (Hình: ĐQAT)
Dương Thu Hương tự nhận mình là “người rừng”, “mụ nhà quê
răng đen, mắt toét”.
Báo chí Pháp thì gọi Dương Thu Hương là “Con Sói Đơn Độc”.
Còn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì chửi bà
là “con đĩ chống đảng”.
Gọi bằng gì thì gọi, Dương Thu Hương vẫn là chính mình: Bản
chất chân quê không hội nhập vào thế giới mạng Internet, bỗ bã, đốp chát, đơn độc,
và trên hết, ngay thẳng, hết mực với mục tiêu nhắm tới là tranh đấu cho một nước
Việt Nam dân chủ, tự do, thoát khỏi cái chế độ hiện nay mà bà gọi là “chỉ sống
bằng xác chết, không có bất cứ giá trị gì.”
***
Sinh năm 1948, lớn lên tại miền Bắc vào đúng giai đoạn Cộng
Sản Hà Nội tung toàn lực nhất quyết bằng mọi giá phải đạt được tham vọng “giải
phóng miền Nam thoát khỏi sự kềm kẹp của Mỹ-Ngụy” (sic).
Như lời bà kể, cùng với hơn 100 bạn ngang lứa tuổi, bà đã cắt
máu xin vào Nam “đánh Mỹ cứu nước”.
Những trải nghiệm trong chiến tranh, cùng những chua chát của
Tháng Tư 1975 đã là chất liệu cho các tác phẩm sau này của bà, như “Những Thiên
Đường Mù”, “Bên Kia Bờ Ảo Vọng”, “Khải Hoàn Môn”, “Đỉnh Cao Chói Lọi”, “No
Man’s Land” (ấn bản Anh ngữ) được dịch sang Pháp ngữ là “Terre Des
Oublis”…
***
Tôi đọc Dương Thu Hương, những bài viết và các tác phẩm,
ngay sau thời kỳ do tình thế o ép, giới lãnh đạo Hà Nội năm 1986 buộc phải chấp
nhận “đổi mới” kinh tế và “cởi trói” văn nghệ sĩ.
Thời kỳ ấy, Dương Thu Hương là một trong những người cầm bút
can đảm “bước qua lời nguyền”, giành lại quyền suy nghĩ bằng cái đầu của chính
mình với những bài phát biểu, bài viết; và nhất là với tác phẩm “Những Thiên Đường
Mù.”
Riêng tôi, với cuốn “Khải Hoàn Môn,” Dương Thu Hương mới thực
sự chỉ thẳng vào mặt cuộc chiến dã man đã hủy hoại toàn thể dân tộc ra sao.
Chỉ biết Dương Thu Hương qua tác phẩm, mãi tới khoảng giữa
tháng Tư 1997, lần đầu tiên tôi mới có dịp – qua điện thoại - nói chuyện với
“Con Sói Đơn Độc.”
Lúc bấy giờ, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do vừa chính thức
phát thanh về Việt Nam được hai tháng.
Muốn phỏng vấn Dương Thu Hương nhưng mang tâm trạng cầu may
thôi, chứ không nghĩ bà sẽ trả lời phóng viên của một đài phát thanh do Quốc Hội
Mỹ tài trợ; và nhất là báo Công An ở trong nước vừa có bài chửi thậm tệ Giám Đốc
Ban Việt Ngữ, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, là “cái loa tuyên truyền của Mỹ trong
âm mưu diễn biến hòa bình.” Bài báo còn mô tả kẻ viết bài này là “ngựa non háu
đá, hung hăng, ăn phải bã ông Bích.”
Vậy mà thật may! Chuông điện thoại reng tiếng thứ hai, đầu
giây bên kia, giọng phụ nữ “ai đấy?”
Nghe cách nói trống không, giọng lạnh tanh, tôi hơi thủ. Bằng
ngôn ngữ lễ phép, chừng mực và cũng sẵn sàng cúp máy ngay nếu cuộc đối thoại
không đi đến đâu, tôi tự giới thiệu tên tuổi, nghề nghiệp; tức là “khai báo lý
lịch trích ngang.”
Lại may nữa! Tác giả “Khải Hoàn Môn”, giọng xem ra bớt lạnh,
hỏi, “thế ông cần gì?” Tôi nói mong được phỏng vấn bà về ngày 30 Tháng Tư
1975. Bà bảo, nói chuyện thế này là hơi lâu rồi đấy nhé; cứ từ từ đã, lúc
nào có dịp lại trao đổi xem ông là người thế nào đã nhé.
Liên tiếp vài ngày sau đó, hôm nào tôi cũng gọi về Hà Nội,
chỉ loanh quanh chuyện thời tiết cỏ cây và tò mò về vùng đất của 36 phố phường.
Dương Thu Hương có vẻ bớt xa lạ hơn, bỏ công nói về Hà Nội, nhất là sau khi
nghe tôi nói rằng tôi nằm trong lòng mẹ di cư vào Nam năm 54 nên không biết tí
gì về đất Bắc.
Và cuối cùng là cuộc phỏng vấn.
***
Dấu mốc quan trọng làm thay đổi hẳn cuộc đời Dương Thu Hương
là thời điểm đoàn quân của “bên thắng cuộc” vào Sài Gòn trưa ngày 30 Tháng Tư
1975.
Trả lời phỏng vấn bằng điện thoại, Dương Thu Hương kể: “Ngày
30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngả rẽ trong đời tôi. Khi đội quân chiến thắng
vào Sài Gòn, trong khi tất cả mọi người trong toán quân chúng tôi đều hớn hở
cười thì tôi ngồi bên lề đường khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một
cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì
tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự
do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các
hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV,
radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ở
miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được
nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được
nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ
được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào
Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con
người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ
thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ...nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn
minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ.”
Trong suốt cuộc phỏng vấn dài hơn nửa tiếng, Dương Thu Hương
nhiều lần dùng cách nói bỗ bã, “chém đinh chặt sắt,” thậm chí đôi khi thô tục để
đả kích chế độ cầm quyền.
Hỏi, lối nói như thế liệu có gặp phản ứng không thuận tai đối
với người nghe, Dương Thu Hương lại càng “đanh” hơn, nói “chẳng việc gì tôi phải
kiêng dùng những danh từ mà nhiều người cho là thô bỉ, như là ‘ỉa vào mặt kẻ cầm
quyền’, vì đó là cách nói thuần của người Việt răng đen mắt toét; là ngôn ngữ
đích xác của người nông dân khi họ muốn biểu lộ thái độ khinh bỉ và bất chấp.
Tôi hành động như thế là có dự tính chứ không phải ngẫu hứng. Tôi rất ghét những
thứ ngôn ngữ nhờ nhờ nhạt nhạt.”
Dương Thu Hương trở thành “Con Sói Đơn Độc” ngay giữa bầy
đàn của mình cũng “chẳng oan ức gì.” Cá tính ngang ngạnh như thế, bất chấp và
không ngần ngại phang thẳng vào mặt những người mà bà cho là “giả dối, hèn hạ”,
thì phải là người hiểu bà lắm mới dám tới gần, kết thân.
Điển hình cách nói vỗ vào mặt người ta của Dương Thu Hương
là những lời bà mạt sát lãnh đạo Hà Nội.
Cũng năm 1997, Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản
Việt Nam và bị đồng bào trong nước gọi là “tổng bí thư đậu vớt,” từ Washington
DC, tôi gọi điện thoại về Hà Nội hỏi Dương Thu Hương, rằng cảm nghĩ của bà ra
sao về ông Phiêu, bà “phang” ngay: “Ông Thái đã có bao giờ thấy âm hộ của con
ngựa già chưa? Đấy, mặt thằng Lê Khả Phiêu thế đấy, nó nhăn nheo y như âm hộ
con ngựa già”.
Chưa hết! Năm 2000, khi Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đến thăm
Hà Nội, bà trả lời phỏng vấn của kẻ viết bài qua điện thoại: “Clinton là biểu
tượng của một nền dân chủ, là một chân trời khác, một cuộc sống khác mà người
ta ao ước.” Và bà cười sảng khoái, thuật lại câu của hàng xóm láng giềng nhà
bà: “Sao mà xấu hổ thế! tổng thống của chúng nó, của dân Mỹ đứng cạnh mấy ông
lãnh đạo của mình, mặt nó thì sáng ngời ngời, còn mặt mấy ông lãnh đạo của mình
sao mà tối tăm thế. Mặt Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu tuy đã sửa nhan sắc nhưng
trông cũng không đẹp cho lắm. Cho nên dân chúng bảo xấu hổ quá. Còn cánh đàn
ông thì họ rú lên, ối giời ơi! Cái thằng Clinton nó đẹp giai quá! Mình cũng còn
mê nó nữa là đàn bà. Cho nên một trăm con mê nó thì cũng phải thôi.” (cười to
tiếng).
Rồi “người rừng” nói tiếp, “mấy người hàng xóm nhà tôi xem
thằng Lê Khả Phiêu là lãnh đạo của họ thì các ông bà ấy xấu hổ nhục nhã; chứ
còn tôi thì tôi thấy bình thường; vì từ lâu tôi đã coi mấy thằng lãnh đạo chúng
nó chẳng ra cái gì, cho nên tôi chả việc gì phải nhục hộ chúng nó.”
“Mụ nhà quê răng đen mắt toét” còn kể, “một nhà báo Mỹ phỏng
vấn tôi và hỏi tôi nghĩ như thế nào về quan hệ của tôi với chế độ, tôi nói thẳng
rằng, chế độ Hà Nội là đám người ngửi rắm bọn Bắc Triều Trung Quốc”.
***
Trung tuần Tháng Hai năm 2005, do lời mời của nhà xuất bản
Sabine Wespieser Éditeur, Dương Thu Hương đến Paris ra mắt tác phẩm đã được in
bằng Anh ngữ, cuốn “No Man’s Land”, được dịch sang Pháp ngữ là “Terre Des
Oublis”.
Trước khi đi vào ngày cuối cùng của năm Ất Dậu, trong lúc mọi
người chuẩn bị đón giao thừa Bính Tuất, Dương Thu Hương kín đáo xách va ly đi
ra phi trường; và trước khi rời nhà, bà nhắn tin cho tôi, rằng khi bà đã lên được
máy bay ở Hà Nội, sẽ có người báo cho tôi biết để tôi yên tâm là bà đã đi thoát
và cũng để tôi thu xếp qua Pháp gặp bà.
Một tuần lễ sau, tôi có mặt tại Paris và người đón tôi tại
sân bay Charles de Gaulle là anh Nguyễn Gia Kiểng.
Suốt một tuần sang thăm Dương Thu Hương, tôi ở nhà anh Kiểng,
nơi hội họp thường xuyên của các thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tổ chức
chính trị mà anh Kiểng là một trong những người sáng lập và lãnh đạo.
Mỗi sáng, từ nhà anh Kiểng ở thành phố Lognes, ngoại ô
Paris, tôi đi xe điện vào Michèle Manceaux thuộc Quận Ba gặp và phỏng vấn Dương
Thu Hương. Anh Kiểng rất tế nhị, thấy tôi không cho biết mục đích lần sang
Paris này, nên anh cũng không hỏi. Tôi không nói với anh Kiểng chỉ vì đã cam kết
với Dương Thu Hương là giữ kín sự có mặt của bà tại Kinh Thành Ánh Sáng.
Buổi sáng đầu tiên đi tìm ngôi nhà thờ Michèle Manceaux, 1
Impasse Saint-Claude, theo như lời Dương Thu Hương chỉ dẫn, vừa nhìn thấy cây
thánh giá trên nóc nhà thờ, thì ngay bên cạnh là một hẻm nhỏ có một quán cà phê
bày ghế ra ngoài hiên đúng cách “Paris.” Một phụ nữ Á Châu, duy nhất, ngồi trước
ly cà phê đang bốc khói: Con Sói Đơn Độc Dương Thu Hương.
***
Câu chuyện xoay quanh chuyến đi đầy bất trắc chực chờ khi
Dương Thu Hương rời Hà Nội. Bà nói, bọn nó mà biết lịch bay thì bằng mọi cách
chúng sẽ chặn. “Nhưng bây giờ thì ngồi đây rồi.”
Một chi tiết vẫn còn gây ấn tượng trong tôi về cung cách cư
xử của Con Sói Đơn Độc.
Tách cà phê Pháp bốc khói do cô hầu bàn vừa đặt
xuống trước mặt tôi, Dương Thu Hương nói ngay, chú đã cất công qua thăm,
mọi chi phí ăn uống, tôi trả, nếu không đồng ý thì “chú cuốn gói về
ngay, không phỏng vấn phỏng viếc gì hết.”
Lúc bước lên cầu thang căn phòng bà ở trọ, tôi không để ý cửa
ra vào vừa được sơn lại, nên quẹt cánh tay chiếc áo da đen vào khung cửa. Một vệt
sơn trắng dính vào, chạy dài theo tay chiếc áo do Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến
mua ở London làm quà tặng tôi cách đó 6 năm. Thấy thế, bà Hương bảo, để tôi mua
đền chú chiếc áo khác, chứ ai đời để chú bị hư chiếc áo đẹp.
Dĩ nhiên tôi từ chối.
***
Lý do nào lãnh đạo Hà Nội chửi bà là “con đĩ chống đảng?”
Ngồi cạnh cửa sổ căn hộ lầu hai của bà ở Quận 5 Paris, tôi
nêu câu hỏi trên. Dương Thu Hương cười, kể lại: “Trong bài diễn văn tôi đọc ở Đại
Hội Nhà Văn năm 1989, tôi nói rằng đảng cộng sản phải biết ơn nhân dân. Bởi vì
xưa nay họ chỉ nói nhân dân phải biết ơn đảng thôi. Trong bài diễn văn đó, tôi
phân tích rằng, cả một dân tộc đã đổ xương máu để kháng chiến chống Pháp và những
gì dân tộc đạt được là do truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc nhưng đảng cộng
sản đã cướp tất cả công đó và nhận vơ là công của đảng. Họ còn dạy dỗ quần
chúng là phải biết ơn đảng. Tôi nói thẳng rằng hành động như thế vừa đểu cáng vừa
vô ơn bạc nghĩa và tự cao tự đại. Những kẻ như thế không xứng đáng để lãnh đạo
dân tộc.”
Phát biểu tại Đại Hội Nhà Văn thì bà nói thế, nhưng có bao
giờ bà bốp chát kiểu như thế với giới lãnh đạo chóp bu của chế độ, Dương Thu
Hương cười nửa miệng, nói, “tôi sợ gì chúng nó, tôi từng chửi ‘ỉa vào mặt đảng’”.
Quay lại câu tôi hỏi tại sao bà bị chửi là “con đĩ chống đảng,”
Dương Thu Hương (hể hả cười) kể, “năm 1998, trong một hội nghị của trí thức
Hà Nội, tôi có đọc bài diễn văn với tựa đề là Nhân Cách Trí Thức. Tại hội nghị
đó, ông Nguyễn Văn Linh (Tổng bí thư đảng cộng sản lúc bấy giờ) tỏ ra vô cùng đắc
ý với nội dung bài diễn văn của tôi. Ông ta đã ôm tôi thắm thiết và xin bài diễn
văn của tôi. Sau đó, vào giờ giải lao, người thư ký của ông ta tìm tôi và chuyển
đề nghị của ông Linh muốn tặng tôi một căn nhà tiêu chuẩn dành cho cấp bộ trưởng.
Người thư ký này còn đề nghị tôi tạm im lặng để cho đảng tự cải sửa. Tôi trả lời
rằng, tất cả những việc tôi làm là vì dân tộc chứ không phải vì bản thân tôi;
và tôi không giàu có nhưng cũng có một căn nhà đủ để ở. Tôi còn nói với ông thư
ký của ông Linh rằng, hiện giờ đang có hai vạn giáo viên tiểu học ở Hà Nội
không có nhà để ở, cho nên nếu nhà nước có ý định thì nên phân phối nhà cho hai
vạn người đó.”
Có bao giờ bà mặt đối mặt với ông Nguyễn Văn Linh, tôi hỏi?
“Có một lần ông Linh muốn gặp tôi, nhưng tôi từ chối. Tôi còn nhớ, Nhà thơ
Giang Nam lúc đó còn sống, chuyển lời của ông Nguyễn Văn Linh mời tôi ăn cơm với
vợ chồng ông Linh và cô con gái của ông Linh. Giang Nam còn bảo là ông Linh nói
rằng, dù sao chăng nữa thì tôi cũng là người mà nhà nước này yêu mến vì tôi đã
tình nguyện chống Mỹ và chống Tàu, và đó là điều chứng minh tôi là người hết sức
hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Tôi trả lời thẳng thừng rằng, tôi đã đấu tranh cho tự
do dân chủ, tôi chỉ ngồi trên cỏ thôi, nên tôi không chơi với vua quan.
“Tôi nghĩ rằng những lời phát biểu đó của tôi khiến ông Linh
phật lòng. Về phương diện cá nhân thì hẳn là ông ấy phải phật lòng, và sau đó
thì ông ấy bị sức ép của cánh bảo thủ, nên ông ấy quay ngoắt lại và ông ta đánh
vào các nhà văn mà ông ấy từng khuyến khích họ đừng uốn cong ngòi bút. Với cá
nhân tôi thì ông ta mắng tôi là ‘con đĩ chống đảng’. Lúc đó tôi nói với một ông
trong ban tổ chức đảng rằng, nếu tôi là đĩ thì may cho cái đảng này; nhưng vì
tôi không đánh đĩ được cho nên tất cả mọi năng lực của tôi đều dồn vào việc ỉa
vào mặt đảng. Họ đã chửi tôi như vậy thì từ giờ trở đi mọi sự đều rõ ràng,
không còn con đường thứ ba nữa. Nghĩa là tôi dấn thân đến cùng trong mục tiêu đấu
tranh cho dân chủ.
Nhân Dương Thu Hương kể việc Nguyễn Văn Linh muốn tặng bà
căn nhà, kẻ viết bài này lại nhớ câu nói để đời của Thi sĩ Hữu Loan, tác giả
bài thơ bất hủ “Màu Tím Hoa Sim”.
Theo lời Thi sĩ Hà Thượng Nhân kể với kẻ viết bài
này, ông Hữu Loan vào Sài Gòn sau 1975 thăm người bạn cũ Hà Thượng Nhân và kể
cho người bạn xưng hô “mày tao chi tớ” từ thuở thiếu thời với mình, rằng đảng Cộng
Sản muốn tặng ông căn nhà để ông đừng chống đảng nữa, ông trả lời, “tôi không
có thì giờ làm nhà vì đang bận làm người”. Hữu Loan còn khẳng định thái độ sống
của ông, “cả đời là thanh gỗ vuông chành chạnh, cương quyết không để người ta đẽo
tròn lăn đi đâu thì lăn.”
Tác giả “Màu Tím Hoa Sim” đã phải trả giá cho cách sống như
“cây tùng trước bão” của mình: Bị chế độ bỏ tù, sau đó bị giam lỏng tại nhà ở
Nga Sơn, Thanh Hóa và kiếm sống bằng những chuyến xe kĩu kịt đá và những mớ
bánh chui nhủi của vợ.
Dương Thu Hương, những lời đanh thép đánh thẳng vào đảng như
thế khiến bà bị bắt vào Tháng Tư năm 1991 và được thả khỏi nhà tù nhỏ ngày 20
tháng 11 cùng năm.
***
Phải chăng Dương Thu Hương cắt máu tình nguyện vào Nam “đánh
Mỹ” vì muốn phục vụ đảng Cộng Sản, tôi hỏi câu đó và bị tác giả “Khải Hoàn Môn”
đáp trả bằng giọng khinh bạc, rằng “ông Thái lầm rồi,” bà nói, “năm 1968 tôi
vào tiền tuyến là vì tôi tuân thủ truyền thống cứu nước của dân tộc Việt Nam chứ
không phải vì đảng cộng sản. Tôi còn nhớ lúc xảy ra chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất,
ngay trước cửa nhà tôi là một người bị chết treo, và lúc 8 tuổi, tôi đã phải đi
theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi,
ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là địa chủ nên tự tử bằng cách đặt cổ
vào đường ray cho xe lửa cán chết. Thật khủng khiếp. Lúc 8 tuổi, buổi sáng khi
đi tưới rau, tôi thấy cảnh những người chết như thế và điều đó làm tôi vô cùng
khủng khiếp. Cho nên tôi nhắc lại, tôi chiến đấu hoàn toàn không vì cái đảng
gây ra cuộc cải cách ruộng đất thấm đẫm máu người dân như thế”.
Chuyến thăm Dương Thu Hương năm 2005, tôi có nhiều thì giờ mặt
đối mặt trò chuyện với bà, nhất là nói về những vấn đề liên quan đến con người
và đất nước Việt Nam.
Về những năm tháng bị cuốn vào cuộc tàn sát, Dương Thu Hương
cho biết, “đến tận bây giờ, cuộc chiến vẫn ám ảnh tôi. Lúc tôi tình nguyện vào
Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng
120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa. Tôi
thì bị bom làm điếc tai bên phải; người còn lại là cậu Lương thì bị cụt một tay
và trở nên ngớ ngẩn. Tất cả những bạn khác của tôi không ai sống sót. Khi tôi
đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội
miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi
lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân
thù, nhưng trận này chưa thắng vì vậy không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho
nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được
tung tích.”
Đang nói chuyện, nhiều lúc, Dương Thu Hương trôi vào im lặng,
tôi có cảm tưởng những bóng ma của cuộc chiến đang quay về ám ảnh bà.
Dương Thu Hương nhắc đi nhắc lại nhiều lần ước mong về một
bàn thờ chung cho những người của cả hai miền đã nằm xuống. Bà nói, bất cứ lúc
nào bà thắp hương trên bàn thờ Phật, bà cũng khấn nguyện cho vong linh của Bộ Đội
miền Bắc và Quân Nhân miền Nam, vì “đó là những người con chung của Tổ Quốc.”
Tôi nói với bà về suy nghĩ của tôi đối với những nỗi oan
nghiệt của cuộc chiến. Theo tôi, chỉ một thiểu số của dân tộc là đã tự nguyện đứng
dưới lá cờ của Đảng Cộng Sản, còn đa số đồng bào hai miền không ai muốn lao vào
cuộc chiến khốc liệt đó. Đồng bào miền Nam thì buộc phải chống lại và chặn đứng
tham vọng của giới lãnh đạo Hà Nội muốn biến miền Nam thành một xã hội trại
lính kiểu miền Bắc. Còn ruột thịt bên kia vĩ tuyến 17 thì vì bị bưng bứt thông
tin, bị tuyên truyền nhồi sọ nên (như Dương Thu Hương) cắt máu ăn thề, quyết
“giải phóng miền Nam.”
Nghịch lý và oan khiên là, tôi nói với bà, nếu Dương Thu
Hương sinh trong Nam và di cư như tôi, thì Dương Thu Hương đã đứng trong hàng
ngũ quân dân miền Nam bảo vệ vùng đất tự do non trẻ này. Và ngược lại, nếu gia
đình tôi không chạy thoát năm 1954 và may mắn sống sót ngày tàn cuộc chiến thì
tôi cũng là một bộ đội trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn Tháng Tư 1975.
***
Vì bị điếc nặng nên Dương Thu Hương phải nói rất to thì mới
nghe được giọng mình. Đi cạnh bà trên đường phố Paris, bà nói như quát khiến
nhiều người chung quanh nhìn bà khó chịu.
Ngồi tại một quán cà phê gần Tháp Eiffel, bà nói, mắt long
lên sòng sọc: “Chế độ hiện nay chỉ sống bằng xác chết thôi. Nó không có giá trị
gì trong thời đại này cả. Những người lãnh đạo chế độ hoàn toàn vô năng và tham
nhũng.”
Miên man câu chuyện, tôi hỏi Dương Thu Hương, bà tự nhận là
“kẻ làm giặc” ngay trong lòng chế độ, vậy các con bà thiệt thòi ra sao?
“Tôi đã nói rất rõ với các con tôi, rằng con đường ‘làm giặc’
là phải chịu tất cả mọi khổ đau; cho nên tất cả mọi người trong gia đình, nghĩa
là bố tôi, mẹ tôi, anh em tôi và con cái, nếu ai muốn thì tôi sẵn sàng viết giấy
với tòa án là không có quan hệ với tôi nữa để tránh cho họ khỏi bị di lụy. Còn
nếu những người muốn tiếp tục đứng với tôi thì phải chấp nhận khổ đau, thua thiệt
và không bao giờ được nói với tôi một lời can thiệp vào việc tôi làm. Bởi vì
tôi biết chắc chắn cộng sản sẽ dùng những người thân thuộc để gây sức ép. Nhiều
trường hợp đã xảy ra đối với những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Vợ
con, anh em của họ bị công an áp lực phải khuyên can họ không được đấu tranh
nên một số người đành bỏ cuộc. Bản thân tôi đã lường trước điều đó nên tôi
tuyên bố sòng phẳng rằng, cả tuổi xuân của tôi, tôi đã hy sinh để nuôi con rồi,
nên bây giờ tôi an tâm lao vào cuộc chiến chống lại bọn cường quyền. Tôi bảo
các con tôi có thể về sống với bố của chúng hay với một người mẹ khác. Còn nếu
chọn sống với tôi thì phải chấp nhận khổ đau, vì chắc chắn chúng sẽ không có chỗ
đứng trong chế độ này. Hai con tôi đứa nào cũng hai bằng đại học nhưng vẫn
không có việc làm. Con trai lớn của tôi phải sống bằng tất cả mọi việc, từ bồi
bàn cho đến gác cổng….và bây giờ đi quay phim thuê cho một hãng tư. Cháu gái
thì bán sơn.”
Tôi gặp cô con gái lớn của Dương Thu Hương khi cháu thăm mẹ ở
Paris; hỏi, các cháu có ủng hộ lý tưởng của mẹ không, cô con nói, giọng cũng
mang hơi hướng “người rừng” giống mẹ: “Thôi chú đừng nhắc chuyện điên khùng ấy
làm gì.”
Còn Dương Thu Hương nói, “đối với chúng nó, tôi là một người
điên. Nhưng dầu sao chăng nữa thì cũng là tình mẹ con, nhất là tôi đã giao hẹn
là nếu chấp nhận tôi thì không được can ngăn việc tôi làm, nếu can thiệp thì
tôi sẽ cắt đứt ngay tức khắc, thành ra chúng nó đành chấp nhận thôi.”
“Thế còn tình cảm đôi lứa, gia đình của bà?”
Cười, thoáng chút buồn: “Tôi là người hoàn toàn thất bại và
bất hạnh trong cuộc sống đôi lứa. Nhưng tôi cũng tự cảm thấy hạnh phúc vì tôi
đã tự tiêu diệt tuổi thanh xuân để nuôi con tôi trưởng thành. Con cái tôi không
phải bương chải ngoài đường. Trong khi bố nó có thể đi kiếm vài ba người vợ
khác. Tôi không cần một xu của ông ta để nuôi con, dù tôi ‘làm giặc’ và chịu
nhiều hậu quả. Đấy là điều hạnh phúc. Nếu không tôi sẽ bị lương tâm cắn rứt.
Tôi còn một hạnh phúc nữa là tôi đã trả được tất cả những món nợ cho những người
bạn tôi đã chết trong chiến tranh. Ít nhất là bằng tác phẩm và những bài viết để
vạch trần tội ác của một cuộc chiến phi lý. Tôi cảm thấy hạnh phúc trong sự bất
hạnh của mình. Tôi nghĩ rằng số phận đã chọn tôi để trở thành một con người như
vậy.”
“Tiêu phí tuổi trẻ trong chiến tranh để rồi sau đó bị chế độ
đầy đọa vì ‘làm giặc’, bản thân thì không ai dám giao tiếp vì sợ liên lụy; có
bao giờ bà chùn bước và muốn buông xuôi?”
Cười mũi: “Nếu mà tôi chùn bước, buông xuôi thì tôi đã chùn
bước, buông xuôi từ lâu rồi.”
“Bà tin vào nhân quả?” “Tôi hoàn toàn tin vào thuyết nhân quả.
Tôi hoàn toàn tin vào kiếp sau. Tôi vẫn dạy con tôi phải sống cho có trước có
sau. Nhiều người muốn tôi phải thế này phải thế khác. Tôi trả lời rằng tôi
không phải gì cả. Tôi chỉ phải sống đúng với những nguyên tắc đạo đức mà gia
đình tôi đã dạy tôi và những nguyên tắc mà tôi học được ở đạo Phật. Các con tôi
cũng phải theo những nguyên tắc đạo đức đó. Bất luận chúng nó là thường dân hay
người lỗi lạc, tôi đối xử như nhau. Tôi không yêu cầu con cái tôi phải trở
thành bác sĩ, tiến sĩ…Tôi không yêu cầu như thế. Tôi chỉ duy nhất yêu cầu các
con tôi sống tử tế; và đối với tôi đạo đức là cốt lõi.”
Căn hộ Dương Thu Hương có bàn thờ Phật Thích Ca. Có lần bà
nói, đạo Phật giúp bà định được tâm mình; rồi bà đùa, “anh Phật quả là đẹp giai
thật.” Trò chuyện nhiều với bà thì biết, vẫn không bỏ được cái lối tếu táo “người
rừng” chứ thực tâm hết mực thờ kính Đức Thế Tôn.
Dương Thu Hương có nguyên tắc sống đạo đức rạch ròi, không
khoan nhượng. Thăm bà ở Paris, xin phép biếu bà chút quà, bà quát lên bảo,
không nhận bất cứ vật chất nào của bất cứ ai.
Những bữa cơm tiệm ở Paris, bà giành trả tiền và nói như ra
lệnh, “tôi cấm chú trả tiền.”
Đành bó tay chịu thua “mụ nhà quê mắt toét,” cách tôi vẫn gọi
chị Hương mỗi khi điện thoại thăm hỏi.
Bốp chát, bỗ bã, không khoan nhượng là Dương Thu Hương.
Đạo đức cốt lõi cũng là Dương Thu Hương.
Bây giờ “Con Sói Đơn Độc” đã bước vào tuổi 70, vậy mà ngọn lửa
đấu tranh cho một tương lai Việt Nam tươi sáng vẫn ngùn ngụt cháy trong tim.
Hôm 10 tháng Sáu, 2018, đồng bào trong nước biểu tình
khắp nơi chống Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế mà Quốc Hội Hà Nội sắp đưa
ra biểu quyết cho phép “quốc gia cùng biên giới với tỉnh Quảng Ninh
của Việt Nam” thuê mướn thời hạn 99 năm, Dương Thu Hương viết lá thư
ngắn gửi tôi, nguyên văn:
“Từ năm 1986, khi lập nhóm đấu tranh ‘Vì Nước Việt’, tôi chủ
động cắt đứt mọi sợi dây liên lạc với mọi người, kể cả những người chung huyết
mạch. Vì nhiều lý do. Nhưng không hiểu vì sao tôi lại chấp nhận giao du với
chú, tự tôi cũng không hiểu.
Năm 2005, chú sang đây, nhất quyết đòi đến nhà phỏng vấn,
tôi đành chấp nhận dẫu rằng trên nguyên tắc, các cuộc phỏng vấn tôi đều phải thực
hiện ở các quán cà phê. Công việc xong, chú ngẩng đầu nhìn bàn thờ nhà tôi.
Thấy mắt chú chăm chăm vào pho tượng Phật, tôi bảo tôi đã thờ
bức tượng hơn 6 năm và nay Phật đã nhập tâm tôi rồi. Âu cũng là duyên, nếu
chú thích thì tôi tặng chú.
Thế là chú chắp tay vái rồi ôm pho tượng xuống.
Chú đi rồi, tôi chợt nghĩ: Phải chăng ta chấp nhận
giao du với con người này vì ở một kiếp xa xôi nào đó cậu ta đã từng là đồng tu
dưới cùng một mái chùa?
Bây giờ, tôi là người viết văn và tôi đứng bên ngoài mọi tôn
giáo, tôi coi Như Lai như một hiền triết, anh minh và từ huệ, không có tính
cách như các vị sáng lập tôn giáo khác.
Ngày 10 tháng Sáu vừa rồi, khi có người nhắn tin cho tôi,
tôi gửi lại một lời nhắn:
“Tôi đã chờ ngày này từ hơn 30 năm qua.”
* “Bên Thắng Cuộc” là tựa một cuốn sách của nhà báo Huy Đức.