Sáng hôm ấy, một buổi sáng cách nay hơn 30 năm, tôi đang
chăm chú nhìn vào màn hình máy vi tính bỗng nghe tiếng động sau lưng nên tôi
chòi nhẹ chân phải, xoay nửa vòng chiếc ghế ngồi làm việc để quay mặt lại thì
thấy Kenny bước vào “văn phòng hộp” (cubicle) của mình. Tôi chưa kịp chào hỏi,
Kenny đã lên tiếng:
“Francis, hôm nay tôi cần anh giúp tôi một việc.”
Tên tôi là Phận, đọc trài trại như Francis, tên Thánh bổn mạng của tôi, nên tôi
lấy tên này cho dễ giao thiệp với người bản xứ chứ tôi không có đổi trên giấy tờ.
Tôi nghĩ rằng khi đặt tên cho con, là bậc cha mẹ ai cũng muốn chất chứa một ý
nghĩa, một hoài bão nào đó nên tôi vẫn giữ tên Việt khi nhập quốc tịch Mỹ. Thấy
Kenny đến tận văn phòng gặp mình và gương mặt anh ta trông có chút lo lắng, tôi
thầm nghĩ, chà, chắc có chuyện gì quan trọng đây.
“Tôi đang chạy thử hệ thống nhận hàng mới của công ty, phải xong vào thứ hai tuần
tới… Nhưng… nếu sếp cần việc gì gấp thì có thể gác lại.”
Tôi mỉm cười, trả lời Kenny, nhấn mạnh chữ “sếp” với dụng ý xoa dịu sự căng thẳng,
nếu có, và chờ xem phản ứng của anh ta. Kenny hơn tôi chỉ có một tuổi nhưng rất
già dặn trong phong cách đối xử với nhân viên. Anh chàng này thuộc loại sếp
“giàu tình người” (people-oriented) chứ không “vì công việc” (job-oriented), điều
hành nhân viên phòng Ðiện Toán chúng tôi như anh chị em một nhà. Năm nào vợ chồng
Kenny và Bonnie cũng tổ chức tiệc Giáng Sinh, mời tất cả nhân viên thuộc cấp đến
nhà ăn uống, trò chuyện, vui chơi thoải mái.
“Bonnie làm việc thiện nguyện cho trường Thánh Michael, nơi mấy đứa con của
chúng tôi đang theo học. Cô nàng mời một người bạn gốc Ấn hôm nay đến trường
nói chuyện với các em học sinh lớp năm về Ấn Ðộ và phong tục xứ ấy. Rủi thay,
cô bạn ấy vừa gọi cáo bệnh…”
Kenny nói một mạch, chưa dứt câu tôi đã đoán ra anh ta muốn gì rồi nên hỏi:
“Bonnie nhờ tôi đến nói chuyện với học sinh thay cho chị bạn Ấn Ðộ?”
“Ðúng vậy! Hôm lễ Giáng Sinh, câu chuyện anh kể về xứ Việt Nam, cuộc sống của
gia đình cha mẹ anh dưới chế độ cộng sản và chuyến vượt biên tìm tự do của anh
nghe thật lôi cuốn và cảm động. Chúng tôi rất cảm phục anh. Vì vậy mà Bonnie vừa
gọi điện thoại, nhờ tôi mời anh đến trường giúp giùm”.
“Tôi rất sẵn lòng giúp anh chị trong việc này!” Tôi đứng lên, bắt tay Kenny
và nói tiếp, “Buổi nói chuyện khi nào bắt đầu hả Kenny?”
Anh ta siết tay tôi, thật chặt:
“Cám ơn anh. 11 giờ, vì vậy khoảng 10 giờ rưỡi mình rời sở đi đến trường. Xong
việc, tôi xin mời anh một buổi cơm trưa nhé. Nhưng… nhưng anh làm ơn rút ngắn
câu chuyện lại giùm, độ chừng nửa giờ, thêm 10 phút trả lời các câu hỏi của các
em học sinh và… xin anh bỏ qua những chi tiết dính líu đến chính trị vì các em
còn nhỏ và đây là một cơ sở tôn giáo.”
“Ðược! Ðược! Cám ơn anh. Không sao!”. Tôi mỉm cười, trả lời, thông cảm với
Kenny. Tôi nghĩ chúng ta ai cũng biết đa số người Mỹ ở tiểu bang miền cực Bắc
này “cấp tiến” (liberal) đến nỗi họ đã bỏ phiếu cho phép học sinh quyền từ chối
không đọc Lời Tuyên Thệ Trung Thành với Tổ Quốc (Pledge of Allegiance) tại trường.
Vào thời chiến tranh Việt Nam, họ là những người đã nhẹ dạ, ủng hộ đám phản chiến,
ngụy hoà, thân cộng, gián tiếp gây ra biết bao lầm than cho người Việt quốc
gia. Nhưng, nói cho cùng, họ là những người đã mở lòng, giúp đỡ mấy chục ngàn
người Việt chúng ta định cư tại tiểu bang này.
Vì không có khiếu ăn nói nên sau khi Kenny rời văn phòng tôi lập tức viết ra những
gì mình định sẽ kể cho các em học sinh nghe về lịch sử, địa lý và phong tục tập
quán của Việt Nam, tránh những chi tiết rườm rà để có thể kết thúc bài nói chuyện
trong vòng nửa giờ. Tôi cũng cẩn thận soạn thảo phần nhập đề và kết luận, hy vọng
sẽ tạo được sự tò mò và để lại một vài suy nghĩ cho quý khán thính giả trẻ tuổi
của mình. Vì thời giờ eo hẹp, thân bài chỉ là một danh sách liệt kê các dữ kiện,
tôi sẽ phải tuỳ cơ ứng biến. Tuy nhiên, tôi không quên ghi xuống vài câu chuyện
vui có “dây mơ rễ má” đến đề tài hầu gây sự chú ý, thích thú và tránh sự nhàm
chán trong lớp học. Phần trình bày của tôi sáng hôm ấy tại trường Thánh Michael
“xuôi chèo mát mái” cho đến lúc các em học sinh đặt câu hỏi…
Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng trẻ em Hoa Kỳ rất dạn dĩ; nhưng lạ thay,
lớp học lại im phăng phắc sau khi tôi yêu cầu các em nêu lên những thắc mắc, nếu
có, và tôi sẽ cố gắng trả lời. Việc này khiến tôi tự hỏi, phải chăng bài nói
chuyện của mình quá nhàm chán hay là đã gần giờ cơm trưa, các em học sinh chỉ
muốn rời lớp học cho mau? Tôi bèn nảy ra ý định dùng 10 phút còn lại để nói về
tạt lon, một trò chơi tuy giản dị nhưng rất phổ biến của lứa tuổi học sinh tiểu
học Việt Nam, thì có một bàn tay đưa lên. Ðó là cô bé tóc vàng óng, ngồi giữa lớp.
Tôi đưa tay mời, cô học sinh này đứng lên hỏi:
“Em xin hỏi, ông nói rằng, theo phong tục thì người Việt Nam không ăn mừng
sinh nhật mà họp mặt gia đình hàng năm vào ngày mất của thân nhân để tưởng nhớ
đến họ. Ông cũng có nói cha của ông qua đời trước khi ông rời quê hương. Tôi
xin hỏi: Vậy chứ… ông có nhớ cha ông mất vào ngày nào không?”
Khi mới định cư ở Mỹ tôi có chút ngạc nhiên khi biết trong số bạn bè người bản
xứ của tôi ít có ai ghi nhớ ngày thân nhân của họ qua đời, nhưng họ không bao
giờ quên ngày sinh. Phải chăng cô bé học sinh này không tin rằng tôi nhớ ngày
cha tôi mất nên mới hỏi tôi như vậy? Lẽ dĩ nhiên là tôi luôn nhớ cái ngày đau
buồn ấy của gia đình chúng tôi, nhưng tôi lại buột miệng trả lời rằng cha tôi
qua đời hai ngày sau lễ Phục Sinh. Câu trả lời này đã đưa đến một câu hỏi khác,
lần này của một nam sinh:
“Thưa ông, em nghĩ rằng chúng ta ai cũng biết lễ Phục Sinh không phải là một
ngày nhất định trong năm, khi thì nhằm vào Tháng Ba, khi là Tháng Tư mà?»
Câu hỏi này làm tôi giật mình, nhận ra câu trả lời của mình
đã không thuyết phục được các em. Một vài hình ảnh xa xưa bỗng hiện về khiến
tôi trầm ngâm, tư lự trong chốc lát trước khi lên tiếng giải thích:
“Em nói rất đúng. Thật ra, tôi không biết chắc chắn cha tôi qua đời vào ngày
nào vì ông chết ở trong… trong tù. Trên giấy thông báo, chánh quyền ghi rằng
ngày cha tôi mất là 20 tháng Sáu, năm 1976. Tuy nhiên, khoảng 5 năm sau đó, một
bác là bạn tù của cha tôi, sau khi được trả tự do, đã đến nhà tìm chúng tôi và
kể lại rằng cha tôi mất hai ngày sau lễ Phục Sinh vào năm 1976. Chính xác là
ngày Thứ Ba, 20 Tháng Tư, năm 1976. Tôi không hiểu tại sao có sự sai biệt này.
Tuy nhiên, tôi chỉ tin vào lời nói của bác bạn tù của cha tôi. Bác ấy không có
lý do gì để nói dối với gia đình chúng tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đôi mắt ươn ướt
và giọng nói nghẹn ngào của bác khi kể lại cái chết của cha tôi, một cái chết
có dính líu đến lễ Phục Sinh. Vì thế cho nên tôi luôn ghi nhớ trong tâm khảm là
cha tôi mất hai ngày sau lễ Phục Sinh và tôi đã nói với các em như thế.’’
Lớp học lại im lặng. tôi đảo mắt nhìn quanh lớp, thấy vợ chồng
Kenny đang đứng ở cuối lớp cùng với Angela, cô giáo lớp học. Tôi muốn giải
thích cùng các em học sinh về cái chết của cha tôi, nhưng vì nó va chạm đến
chính trị, tôi ngại mình sẽ thất lời hứa với bạn. Bốn mắt gặp nhau, tôi chợt nhận
ra một ánh mắt thông cảm, tiếp theo là một cái gật đầu rất khẽ nói lên sự đồng
tình của Kenny. Tôi bèn nói tiếp:
“Tôi xin nói rõ hơn cho các em hiểu, cha tôi bị vào tù không phải vì ông giết
người hay phạm một trọng tội nào đó, mà vì ông là một sĩ quan trong quân đội miền
Nam Việt Nam. Có thể các em không biết chứ sau khi quân cộng sản chiếm trọn miền
Nam, họ bắt mọi người đã từng phục vụ trong chính quyền và quân đội miền Nam
vào cái họ gọi là trại cải tạo, nhưng thật ra đó là những nhà tù lao động khổ
sai”
Một cánh tay đưa lên, chứng tỏ lớp học đang chú tâm theo dõi, tham gia vào
câu chuyện, khiến tôi cảm thấy hăng hái hơn, đưa tay mời em học sinh đặt câu hỏi.
“Thưa ông, em… em thấy tội cho cha của
ông quá! Phải chăng ông cụ mất vì làm việc quá cực nhọc, nên kiệt sức? Em nghĩ
rằng dù ở trong trại khổ sai lao động như ông nói, tù nhân cũng được nghỉ làm
việc ít nhất là một ngày để đi xem lễ, mừng ngày Chúa sống lại chứ, phải không ạ?”
Tôi biết người Mỹ sống tự do, được dạy dỗ về nhân quyền rất sớm nên tôi không
ngạc nhiên khi nghe lời nhận xét của em học sinh ấy. Tôi trả lời:
“Cám ơn em đã có lòng thương xót cha tôi. Nhưng, các em biết không, trên thế giới
ngày nay vẫn còn nhiều người sống trong sự áp bức, kềm kẹp. Ðiển hình là những
người sống dưới chế độ cộng sản, họ không có quyền tự do ngôn luận, tự do tín
ngưỡng, tự do đi lại… Sống ngoài đời còn vậy huống chi ở trong tù! Bác bạn tù của
cha tôi kể rằng, mùa lễ Phục Sinh năm ấy, mặc dù biết rõ tôn giáo là điều cấm kỵ
trong tù, nhưng cha tôi đã bạo gan, kêu gọi các bạn ở cùng phòng giam, cùng tôn
giáo với ông tổ chức ngắm 14 Chặng Ðàng Thánh Giá Chúa Giê-Su trong đêm thứ Sáu
Tuần Thánh. Họ giả vờ ngồi thiền trên giường và họ phải ngắm trong lòng để khỏi
bị bắt. Cha của tôi là người xướng kinh, ông chỉ đọc nho nhỏ tên của mỗi chặng
đàng để mọi người cùng hiệp lời kinh. Rủi thay, họ bị cai tù theo dõi và bắt quả
tang khi cha tôi đang xướng tên một chặng đàng. Mọi người đều bị phạt, riêng
cha tôi bị cùm chân, nhốt vào một căn phòng biệt giam. Bốn ngày sau, khi anh em
tù mang thức ăn đến cho cha tôi, họ phát giác ông đã chết tự bao giờ…”
Kể đến đó, thú thật với các bạn, tôi không thể kìm được nỗi thương nhớ cha nên
tôi quay mặt về hướng tấm bảng đen, cố gắng nén cơn xúc động, lòng thầm nguyện
cầu lòng thương xót của Chúa. Nhưng lời nguyện của tôi bị gián đoạn bởi một câu
hỏi khác:
“Thưa ông, người bạn của cha ông có cho biết vì sao cha ông chết không ạ? ”
Tôi đứng im lặng, bây giờ cố nhớ lại tôi nghĩ chắc cũng phải hai ba phút gì đó,
trước khi trả lời:
“Bác ấy cho chúng tôi biết những người bạn tù được chỉ định chôn cất cha tôi
nói thi thể của ông có những dấu vết bầm tím. Có thể ông chết vì bị tra tấn và
cũng có thể vì bị rắn rết cắn nhưng không ai đến cứu. Các em biết không, mạng sống
của người tù ở chế độ cộng sản như cỏ rác, đâu có chuyện giảo nghiệm xác của
cha tôi để tìm ra lý do đưa đến cái chết của ông theo như luật lệ của xã hội
này. Tôi không dám nói cha tôi là một người tử đạo, nhưng tôi tin rằng cha tôi
chết vì đức tin và tôi rất hãnh diện là con của ông. Và, đó cũng là lý do gia
đình chúng tôi đã phá lệ, mỗi năm họp mặt hai ngày sau lễ Phục Sinh để tưởng nhớ
và cầu nguyện cho linh hồn cha của chúng tôi, thay vì đúng vào ngày ông mất. Ðó
là lý do tôi đã nói với các em rằng cha tôi mất hai ngày sau lễ Phục Sinh.“
Đào
Anh Dũng