Đêm cao nguyên nghe gió thở than, ánh sáng từ ngọn
đèn đường đi qua màn mưa loang bóng nước, từ những giọt mưa vỡ nát trên mặt con
đường nhựa phía trước, lặng lẽ nằm chờ tiếng bước chân người qua. Cô đơn, chờ đợi…
Giống như Hạnh đang chờ người khách vãng lai nào đó, ngang qua, ghé vào quán
cơm của cô. Hy vọng như đốm lửa giữ ấm cho cô ngồi dưới trời đêm đông giá buốt,
thỉnh thoảng nghe tiếng nổ lách tách của than củi cô bỏ thêm vào lò để giữ cho
nồi cơm được nóng.
Thị trấn nhỏ không ồn ào tấp nập như phố thị. Nhưng người đến và đi vẫn
thường xuyên. Một số thương lái đến thu mua cà phê, bơ, sầu riêng, các mặt hàng
nông sản khác. Vùng đất đỏ bazan cho vụ mùa bội thu hàng năm khiến người dân địa
phương tất bật. Họ là khách hàng của cô, trời lạnh ăn cơm cho ấm bụng. Thêm một
nhóm khách khác. Họ ăn mặc lịch sự, cặp da và xe hơi, ghé qua quán dùng cơm tối,
rồi vội vã đi. Trên trục đường ngang qua thị trấn, không riêng hàng quán của Hạnh
những quán khác họ mời chào khách ghê lắm. Cô chỉ chào khách, khi họ bước vào
quán của mình, người khách bước vào quán cô lần thứ hai, cô đã nhớ thói quen ăn
uống của họ. Sự tận tâm của cô muốn dành cho khách cảm giác ngon miệng, vơi bớt
nỗi nhớ nhà với những chuyến công tác dài ngày.
Đêm nay. Trời như lạnh hơn, mùa đã chuyển sang đông, bầu trời không còn
một vì sao nào cho cô dõi theo, thay vào đó cô ngắm màn mưa lướt qua ánh sáng
đèn đường theo từng cơn gió the thắt. Tiếng than củi lách tách nổ, những đốm
sáng lóe lên thật nhanh rồi vụt tắt. Phía trong cùng của quán, con trai cô đang
học bài trên chiếc bàn nhỏ. Thằng bé mới học lớp sáu, giúp mẹ được rất nhiều việc.
Phía sau giàn nước, chị Hiên đang dọn rửa chén bát. Nhớ lần đầu Hạnh nhìn thấy
chị ấy đứng ở cột đèn trước quán với ba lô nhỏ gọn, nét mặt lo âu, căng thẳng.
Cô suy nghĩ thoáng qua, chỉ là khách đi đường, đến chiều tối vẫn thấy chị đứng
đó bồn chồn, hỏi chuyện mới biết chị buồn gia đình, thế là ba lô vào miền cao
nguyên này, với mang máng địa chỉ người quen. Từ đó chị ở lại quán phụ việc cho
cô. Chị tháo vát, hiền lành, lâu dần chị như người nhà.
Từ xa Hạnh nhìn thấy người khách ăn cơm tháng với chiếc dù đen dưới màn
mưa bước vội về quán. Dáng người ông dong dỏng cao trong chiếc áo khoác
kéo cao cổ, người đàn ông không già, không trẻ trông thật bí ẩn… Cô đứng
lên hâm nóng thức ăn, chuẩn bị sẵn sàng. Người khách đã vô đến quán, Hạnh lên
tiếng chào: “Hôm nay anh dùng cơm trễ?” Người khách vuốt những giọt mưa trên
người, xoa hai tay vào nhau, dựng chiếc dù vào góc quán rồi trả lời: “Tôi đi
công việc nên về muộn.” Ông đi đến bên tủ thức ăn nhìn qua và nói: “Cô cho tôi
cơm với cá kho tiêu, rau luộc, thêm một trái khổ qua nữa nhé.” “Dạ, anh ngồi đi
ạ.” Cô quay lưng làm cơm, nghe tiếng con trai vọng lại “Con chào chú!” Thằng bé
luôn niềm nở với khách, không nhìn nhưng cô biết nó đã bưng ra bình trà nóng.
Phần cơm được bưng đến, đĩa rau luộc nhỏ xanh ngắt bốc khói, nồi cá kho tiêu
còn sôi tăm thơm nức mũi, nhìn mấy lát ớt, đầu hành cắt khúc, một ít tiêu xanh
và tóp mỡ trên mặt cá thật hấp dẫn. Cơm canh đều nóng hổi. Cô đặt trước mặt
khách kèm một câu xã giao “Anh ngon miệng.”
Cô ngồi bên chiếc ghế đặt cạnh bếp lửa. Mùi than củi cháy làm lòng cô bồi
hồi nhớ mẹ những ngày mùa đông với cơn mưa sụt sùi, chờ nồi khoai chín. Tuổi
thơ quê nghèo nhưng thật ấm áp bên gia đình, người thân. Giờ đây cô làm mẹ, mọi
giác quan, từng sợi dây thần kinh nhỏ nhất phải căng hết công suất. Nói dễ hiểu,
như gà mẹ không biết mệt mỏi để tìm mồi cho con. Hạnh nghĩ mà thương mẹ ngày
xưa quá…!
Có hai người khách bước vào quán, cắt đứt dòng suy nghĩ của cô, lật đật
chào khách và chuẩn bị cơm. Thực đơn quán xoay quanh những món cơm gia đình thường
ngày, dễ cho khách chọn, vừa miệng. Mỗi khi tính tiền Hạnh liếc qua phần cơm và
vui hơn khi nhìn thấy thức ăn được dùng hết.
“Mai chú Luận chỉ cho con chơi cờ tướng tiếp nha.” Tiếng thằng nhóc như
luyến tiếc bàn cờ với người khách ăn cơm tháng tên Luận cô vừa kịp nghe. Thì ra
ông ấy tên Luận. Khi đến đặt cơm, ông ấy trả hết tiền ăn một tháng. Hạnh có
chút ngại nên không hỏi nhiều. Chỉ thỏa thuận với nhau không giấy tờ, ăn cơm -
trả tiền, thế là đủ. Khách hàng đến – đi mỗi ngày, cô ví điều đó như cơn gió. Mỗi
ngày có một làn gió mới ngang qua, cô một điểm dừng, tiễn những cơn gió, bằng
lòng với ngày qua… Người đàn ông chào đi, chiếc dù đen qua màn mưa xa dần dưới
ánh sáng nhạt của đèn đường đã khuất bóng.
Một chiếc xe máy đỗ xịch trước cửa quán vội vàng. Người đàn ông mặt mày
đỏ gay bước vào, đổ gục xuống bàn lè nhè gọi: “Bà chủ cho một phần cơm.” Hạnh
không dám lại gần, cố nói lớn hỏi: “Ông dùng cơm gì ạ.” “Gì cũng được, nhớ có
canh.” Một phần cơm thịt kho trứng, kèm tô canh chua nhỏ được bưng ra. “Ông ơi!
Có cơm rồi.” Hai con mắt mở không ra, cố nhướng lên giọng lè nhè “cám ơn.” Rồi
ông ta ăn một cách ngon lành, làm Hạnh ngạc nhiên, phía dàn nước chị Hiên lấp
ló hóng chuyện, thằng nhóc trên bàn học không còn tập trung. Ăn xong, ông ta gục
xuống bàn ngủ tiếp. Hạnh nghĩ bụng, thôi kệ để ông ngủ một lát chắc sẽ tỉnh táo
mà về.
Bên ngoài trời đã không còn mưa, sương đêm phong kín ánh sáng từ những
ngọn đèn đường, một khoảng sáng mù mịt hạn chế tầm nhìn, cái lạnh miết vào da
thịt co ro… Người đàn ông vẫn ngủ ngon lành, tình huống này thật làm khó cho Hạnh.
Đến bên người đàn ông, cô lên tiếng: “Ông về cho, để quán còn đóng cửa.” Câu
nói được Hạnh nhắc lại mấy lần, người đàn ông ngước lên làu bàu: “Buôn bán gì
giờ này đã đóng cửa.” Nói xong ông ta đứng dậy, không nhớ thanh toán tiền,
không đi ra khỏi quán mà quay vào vách tường tè lên đó. Hạnh vội quay mặt đi,
thằng nhóc chạy qua kêu hàng xóm, chị Hiên với xô nước tạt lên tường, nước lạnh
bắn vào người làm ông ta tỉnh ra, bây giờ mới biết mình đang ở đâu, làm gì?
Cũng may lúc này trong quán không có khách. Tiễn được ông ma men, Hạnh một phen
hoảng sợ. Thật dở khóc, dở cười…
Một chiếc taxi dừng lại trước quán. Cửa xe mở, người đàn ông bước xuống,
Hạnh nhìn ra nén tiếng thở dài. Vừa bước vào thềm quán đã cất giọng “Trời này
khách đâu nữa mà bán, sao không nghỉ đi.” Người đàn ông này là chồng Hạnh. Dáng
vẻ liêu xiêu cũng không khác ông khách ma men vừa rồi. Thằng nhóc bước ra “Con
chào ba” rồi vội quay đi. “Hôm nay đi bàn công việc, còn chờ trả lời. Thời buổi
làm ăn khó khăn phải tính cho kỹ.” Câu nói trống không cố tình để Hạnh nghe thấy.
Đến bên cạnh cô nói nhỏ “Anh đi nghỉ trước đi, em bán thêm lát nữa rồi đóng cửa.”
đêm nay chồng Hạnh say nên về nhà bằng taxi. Đã quá quen với việc này, vậy mà Hạnh
vẫn cảm thấy tủi thân, nước mắt chực trào. Hạnh nhớ lại người khách say xỉn lúc
nãy, nếu có sự cố đáng tiếc hơn nữa thì làm sao? Người chồng ngày nào Hạnh tin
tưởng sẽ là điểm tựa một đời bình yên, giờ đây một nghĩa nào đó giống người
khách trọ chung nhà… Đồng cam cộng khổ không có, làm sao có tình thương. Có những
đêm chồng Hạnh về nhà, ngoài mùi rượu còn có mùi nước hoa. Thỉnh thoảng cùng
nhau đi đám tiệc, ai cũng khen vợ chồng Hạnh đẹp đôi. Nào ai biết sự hao khuyết
bên trong ngày một lớn.
Hạnh nghĩ… Có những người đàn ông sống rất thật, và ngược lại… Mỗi ngày
qua đi vội vã, rõ ràng mỗi phút giây. Người phụ nữ làm sao đi qua cuộc đời với
hôn nhân sáo rỗng. Họ như con thuyền mắc cạn giữa dòng, chịu trận. Nhưng cứ tin
đi, rồi họ sẽ vượt qua thôi!
Hôm nay chủ nhật, khách đông hơn ngày thường, phải chuẩn bị từ sớm. Dân ở
trong các xã ra chợ thị trấn tấp nập, con đường phía trước quán xe cộ, người
qua lại không ngớt. Từ sáng sớm chồng Hạnh quần áo chỉnh tề ra khỏi nhà trên
chiếc xe vespa với câu nói như một phân định rõ ràng “Quán xá việc của bà, tui
phải tính chuyện lớn hơn.” Chuyện lớn hơn đó vẫn ở đâu trên mây, chỉ có Hạnh mệt
mỏi với công việc, tiền bạc, chi tiêu trăm thứ trong nhà. Để tiết kiệm, ngoài
chị Hiên ra không mướn thêm người, chủ nhật có thằng nhóc phụ mẹ, nhanh tay,
nhanh miệng, được việc.
Thấy lò than đã bén lửa, Hạnh vội vàng dùng đôi gang tay bưng vào chỗ nồi
cơm, vừa đứng lên, than trong lò nổ bung những tia lửa bắn vào cổ, hai cánh tay
của Hạnh đau rát, nhắm mắt, chịu đau không dám buông. Bên tai Hạnh vang lên một
giọng nói trầm ấm: “Cô buông tay ra, để tôi.” Hạnh mở mắt, chạm phải ánh nhìn
xót xa của Luận. Người đàn ông thường ngày đôi mắt như một mặt phẳng, lặng lẽ
giấu sóng ngầm sâu thẳm… “Cám ơn anh.” Cô xuýt xoa lí nhí: “Anh để giùm ở đây.”
Luận mở túi nhỏ mang theo bên người đưa cho cô tuýp thuốc mỡ “Cô bôi vào vết
thương trước đi.” Tần ngần, Hạnh cầm lấy tuýp thuốc với chút bất ngờ…
Công việc cứ tất bật cả ngày. Ban đêm thư thả hơn, trong quán nhỏ của Hạnh
chợt ấm áp, khi thỉnh thoảng thằng nhóc phá lên cười lớn, đắc ý vì thắng ông Luận
một nước cờ. Lâu dần thành quen, những lần ghé dùng cơm gặp phải chuyện gì cần,
không đợi Hạnh mở lời, ông đã chủ động làm giúp.
Mấy bữa nay không thấy ông Luận ghé dùng cơm. Rồi một tuần trôi
qua, Không hiểu sao trong lòng Hạnh bồn chồn, lo lắng… Có lần ông nói “Còn ăn
cơm Hạnh dài dài vì công trình cả năm mới xong.” Ngày cứ thế qua đi bặt tin trong
chờ đợi của Hạnh, trong đầu cô ra một mệnh lệnh: “Người khách ăn cơm tháng còn
tiền quay lại mau! tôi không muốn nợ ông đâu.” Chỉ có đêm nghe tiếng cô thì thầm,
trả lại cho cô sự im lặng giữa mênh mông trống vắng. Thằng nhóc bày bàn cờ tướng
chơi một mình, chán rồi dẹp.
Chồng Hạnh muốn đi Sài Gòn làm ăn, không biết công việc ra sao, nên
không nói trước điều gì. Hạnh lặng lẽ thu xếp đồ cho chồng theo yêu cầu. Nghĩ
mà chua xót, một chút niềm tin, hy vọng về ngày mai cũng không có. Giống như
bèo dạt mây trôi… Anh ấy không hề nghĩ đến cảm nhận của vợ mình, lâu dần Hạnh ở
thế thụ động, không xen vào thế giới tự do của chồng, tập trung vào công việc
kiếm tiền nuôi con.
Muốn đến được mùa Xuân, phải đi qua mùa Đông giá rét, nhìn thấy đốm lửa
Hạnh thèm hơi ấm, nhưng không dám lại gần. Cô sợ những mảnh ghép cuối cùng sẽ bị
thiêu rụi và rồi không còn lý do để níu kéo một cuộc hôn nhân. Hạnh tiếc thời
gian, tiếc thanh xuân đời mình… Cô chép miệng “Biết đâu từ trong tàn tro sẽ mọc
lên mầm xanh” Một khúc hát xưa từ quán cà phê bên kia đường vọng lại, vút lên
giữa bốn bề lặng thinh của không gian, chỉ có gió lay cành tiễn lá vàng rơi xuống,
cô đơn trên mặt đường ẩm ướt.
Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
Chạnh lòng tôi khơi… bao niềm nhớ
Người nơi xa xôi phương trời ấy
Người còn buồn còn thương còn nhớ
Nắng phai rồi… anh ơi! (*)
Phải rồi, Nhớ người đã qua hay nhớ người chưa đến. Cảm giác đó thật xót
xa, nao lòng… Dẫu sao vẫn còn lại nỗi nhớ cùng cô đồng hành khi tất cả
lùi dần về ký ức, cô theo thời gian đi về phía trước với những bước nhẹ tênh muộn
phiền.
Luận tỉnh dậy với ý thức mình đang ở bệnh viện, bốn bề một màu trắng
lặng im. Đầu vẫn còn choáng, cơ thể đau nhức với cánh tay bó bột. Mọi chuyện xảy
ra thật nhanh trong chớp mắt. Đứng trên giàn giáo quan sát từng chi tiết nhỏ của
công trình, Luận không ngờ được cơn mưa lớn tối qua đã làm đất sụt lỡ khiến
giàn giáo đổ ụp khi có lực tác động. Ông nằm bất động yếu đuối, thể xác không
còn trai trẻ. Một lần thất bại trong hôn nhân, khiến ông lao vào công việc không
kể ngày đêm. Thời gian chữa lành không giới hạn… Hình ảnh mẹ con Hạnh như đốm lửa
vụt sáng lên trong tâm Luận, ông mơ một mái nhà. Người đàn bà chân chất, dịu
dàng luôn nở nụ cười trên môi, cố tình với một biểu cảm thật tươi trước mọi người.
Có những lúc, Luận nhìn thấy khuôn mặt đó man mác nỗi buồn với ánh nhìn xa xăm,
trông thật cô đơn giữa ồn ào phố chợ.
Ông xin xuất viện, công trình phải làm cho kịp tiến độ. Và Luận cảm thấy
nhớ buổi cơm chiều nóng sốt, ngon miệng trong quán nhỏ, bên ngoài trời giăng
mưa cho Luận có lý do ngồi lại chơi cờ tướng với thằng nhóc. Không biết mẹ con
Hạnh có khỏe không? Tại sao lại phải áy náy với cảm giác có lỗi? Luận không muốn
Hạnh lo lắng vì sự mất tích bất ngờ của mình. Có phải ông đã nghĩ nhiều rồi
chăng?
Đã 2 giờ chiều, bụng cô cồn cào vì chưa ăn trưa, có bao giờ Hạnh được ăn
cơm đúng bữa. Cô bỏ thêm vài cục than để giữ lửa cho nồi cơm. “Chào Hạnh!” Giật
mình, cô quay lại, sững sờ… Cô lắp bắp “Anh Luận!” Tuần hoàn máu trả ngược về
tim rối bời, nhịp đập gấp gáp, nghẹn ngào khiến mắt cô rưng rưng không nói nên
lời: người đàn ông ăn cơm tháng đã trở về. Một miếng băng dán trên trán, cánh
tay trái băng bột treo trước ngực, giấu bên trong chiếc áo khoác ngoài. Luận
trước mắt Hạnh gầy đi trông thấy, nhưng mắt anh sáng lên với ánh nhìn ấm áp.
Có đốm lửa nào vừa đốt hết những mảnh ghép cuối cùng, luôn là gánh nặng
trong tâm… Tiếng nổ lách tách của than củi trở nên vui tai. Bên ngoài gió đùa
cùng đám lá xạc xào lay động hàng cây ven đường trước quán nhà Hạnh, làm nước đọng
trên lá rơi xuống, vô tình ướt tóc đôi tình nhân ngang qua. Cô khẽ cười với
hình ảnh dễ thương trước mắt./.
(*) Nhớ Một Chiều Xuân của Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông
Lê Yên
Sài Gòn 17/4/23