Khoảng thời điểm này, vào hai năm trước – chính xác
là hôm 30 tháng 4 năm 2021 – báo Sài Gòn Nhỏ có thiên phóng sự (“Đi
Tìm Nhân Vật Trong Bức Ảnh Lịch Sử”) của Tuấn Khanh, với phần
dẫn nhập như sau:
“Những ai đã từng nhìn qua những hình ảnh về cuộc chiến
tranh Việt Nam, chắc cũng có lúc đã bắt gặp hình ảnh một người lính Việt Nam Cộng
Hòa (VNCH) đang bị thương tật, bị đuổi ra nơi chữa trị của mình là Tổng Y Viện
Việt Nam Cộng Hòa vào chiều ngày 30-4. Tấm hình nhỏ không có nhiều sự thuyết
minh nhưng chỉ với ánh mắt của người thanh niên đau đớn, mệt mỏi đang chống nạng
bước đi, đã là sự ám ảnh không lời đến tận cùng.
Trong bộ quân phục có vẻ mặc vào vội vã, anh lính VNCH đó bước đi và lọt vào khung hình, trở thành một dữ liệu giằng xé im lặng, như một vết thương không bao giờ lành về một câu chuyện có thật: Những người thương bệnh binh bị chĩa súng, đuổi ra đường, ngay sau khi quân bộ đội Bắc Việt tràn vào Sài Gòn. Nhiều năm trôi qua, người ta vẫn tự hỏi, người lính ấy còn sống không, giờ này người đàn ông ấy ra sao…?”
Gần hai năm sau, cũng trên Sài
Gòn Nhỏ (số phát hành hôm 6 tháng 3 năm 2023) nhà báo Y Nguyên
cho biết:
“Cựu quân nhân VNCH Võ Phùng Dương đã qua đời do tuổi già sức
yếu, một phần những di chứng chiến tranh đi kèm lao động nặng nhọc suốt một thời
gian dài. Ông Võ Phùng Dương là nhân vật trong bức ảnh lịch sử về người thương
binh VNCH đang chữa trị ở Tổng Y Viện Sài Gòn, đã phải chống nạng và dìu đồng đội
thương tật nặng hơn mình bước ra sau khi quân Bắc Việt tràn vào, đuổi hết mọi
người ra ngoài, kể cả những người đang mổ giữa chừng.”
Chĩa súng đuổi thương bệnh binh của phe bại trận ra
khỏi quân y viện – kể cả “những người đang mổ giữa chừng” – chỉ là phản
ứng cá nhân của vài anh bộ đội (đang say men chiến thắng) hay là
đường lối, chủ trương, chính sách của bên thắng cuộc?
Câu trả lời có thể tìm được qua những con số tương đối
khả tín, và khả xác này:
- Jacqueline
Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The
Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around
65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985 of
State Bulletin article on Vietnam.
- Northwest
Asian Weekly (5 July 1996): 150,000 -175,000 camp prisoners
unaccounted for.
- Orange
County Register (29 April 2001): 1 million sent to camps and
165,000 died.
Năm 1975, một triệu người vào tù – một trăm sáu mươi
ngàn không bao giờ trở lại – và lắm kẻ bị giam mãi đến 1993 (18
năm trường, dù chương trình “cải tạo” được hứa hẹn chỉ kéo dài
độ mười ngày) thì biết bao nhiêu gia đình tan nát giữa lúc “Nam/Bắc
hoà lời ca” ?
Mà không chỉ đám ngụy quân, ngụy quyền (hay đám ngụy
dân) mới bị gạt ra ngoài bản hòa ca Bắc/Nam đâu. Tuy chiến tranh
đã chấm dứt nhưng hòa bình, xem ra, cũng không được an bình gì cho
lắm. Đời sống của phần lớn mọi người bỗng trở nên khó khăn, khó
thở, và xáo trộn “như một bầy ong vỡ tổ” – theo lời của FB Mai
Thị Mùi:
“Đất nước thống nhất nhưng cuộc sống người dân như bầy ong vỡ
tổ. Người ta lăn xả ra đường tìm kế sinh nhai, bán, buôn, đổi chác tất cả những
gì có thể. Hàng hoá thiếu thốn, ngăn sông cấm chợ, quy định, luật lệ lộn tùng
phèo tạo nên một xã hội xô bồ mạnh ai nấy buôn, mạnh ai nấy bán. Không khí đất
nước những năm tháng ấy như căn phòng đóng kín cả cửa đi lẫn cửa sổ. Nó ngột ngạt,
tù túng như vây hãm con người ta trong ngục tù.”
Thế là dân Việt ào ạt cùng nhau “vượt ngục” và đã
tạo nên những làn sóng vượt biên, kéo dài đến mấy thập niên, khiến
cho kho tàng ngôn ngữ nhân loại có thêm một từ ngữ mới: boat
people – thuyền nhân! Họ thuộc “thành phần bất hảo, ma cô, đĩ điếm,
trộm cướp, cặn bã của xã hội, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo
bơ thừa sữa cặn… ” – như nguyên văn lời giải thích của giới lãnh đạo VN
trước dư luận thế giới, và với lũ cột đèn (còn) kẹt lại.
Không hiểu những thuyền nhân Việt Nam đã hành nghề ma cô,
đĩ điếm ,và tổ chức trộm cướp ra sao nơi đất lạ quê người chỉ thấy số lượng
bơ thừa sữa cặn mà họ gửi về cố hương đã cứu toàn dân (cũng như toàn Đảng)
thoát chết đói nhiều phen. Từ đó, nhà đương cuộc Hà Nội bèn đổi mới tư duy
và cũng bắt đầu… đổi giọng.
Những kẻ phản bội tổ quốc không những đều được “khoan
hồng” mà còn được vinh danh như “những sứ giả
Lạc Hồng,” và (bỗng) trở thành “một bộ phận không
thể tách rời của cộng đồng dân tộc,” hay “là
cầu nối phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các
nước trên thế giới.
Nghị Quyết 36 về “Công Tác Đối Với Người Việt Nam Ở Nuớc
Ngoài” ra đời (vào ngày 26 tháng 03 năm 2004) để thực hiện đường lối
và chủ trương mới của Đảng và Nhà Nước về những khúc ruột xa ngàn
dặm này. Tuy là một văn bản khá dài (3.791 từ) nhưng không có một chữ
nào – nửa chữ cũng không – đề cập đến nguyên do sự có mặt của vài triệu nguời
Việt đang tứ tán khắp năm Châu cả. Cứ như thể là khi khổng khi không họ
(bỗng) từ trên trời rơi xuống vậy.
Tuy thiếu đầu hở đuôi thấy rõ nhưng N.Q 36 vẫn nhận
được mấy tiếng vỗ tay (lác đác) của vài ba nhân vật tên tuổi:
- Phạm
Duy: “Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận.”
- Nguyễn
Cao Kỳ: “Tôi sẽ nói rằng tôi đã tận mắt chứng kiến những thay đổi lớn
lao của đất nước. Nói để cho họ hiểu rằng đừng có ngoái cổ mà nhìn lại
quá khứ nữa. Cũng đừng có cay cú, cay đắng, chua chát mà làm gì, hãy xóa
đi dị biệt hướng tới tương đồng để mà cùng nhau xây dựng đất nước.”
- Nguyễn
Đăng Hưng: “Nếu nghị quyết được thực hiện tốt, nó sẽ có sức công phá rất
lớn và nó sẽ tạo ra sự ràng buộc, gắn kết chặt chẽ giữa những người cùng một
nước, bất chấp khoảng cách về thời gian, không gian. Tôi đang chờ ở khâu
thực hiện vì hiện nay theo tôi biết, từ khi nghị quyết này được ban hành,
có nhiều con tim đã vui trở lại.”
Nay thì tướng Nguyễn Cao Kỳ và nhạc sỹ Phạm Duy đã
mồ yên mả đẹp (hy vọng thế) T.S Nguyễn Đăng Hưng tuy còn tại thế nhưng
“con tim” đã không “vui trở lại,” như mong đợi. Trong một cuộc phỏng
vấn dành cho thông tín viên Diễm Thi (RFA)
vào hôm 30 tháng 10 năm 2021, ông tâm sự:
“Tôi buồn lắm và tôi quyết định là không nói gì nữa. Mà nói
thiệt, báo chí Việt Nam giờ không dám hỏi tôi đâu. Hình như có một cái lệnh đâu
đó bằng miệng là đừng để ông Hưng xuất hiện trên đài nữa. Tôi là người tha
hương trên đất nước tôi!”
Sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời?
Một vị trí thức khoa bảng sau hơn 40 năm học tập và
nghiên cứu khoa học ở ngoại quốc, tình nguyện trở về giúp quê hương
(và “đã
vận động hàng triệu USD tài trợ cho công tác đào tạo nhân tài nước
Việt”) mà còn bị bịt mồm bịt miệng, và vẫn cảm thấy lạc lõng
trên đất nước thì vấn đề hòa giải với chế độ hiện hành rõ ràng
là vô cùng nan giải (nói chi đến chuyện hòa hợp) với bất cứ ai!
Một vị T.S khác, ông Nghè Mạc Văn Trang, người suốt
đời sinh sống và làm việc trong nước (một kẻ ở trong chăn)
nên đã “đề xuất” một “phương án” giản dị, thực tiễn, và dễ dàng
thực hiện hơn nhiều: “Bớt
ác với dân đi.”
Vâng! Đúng thế: cứ hãy bớt ác với dân trong nước
cái đã!
Đừng tiếp tục cướp bóc đất đai của thiên hạ nữa.
Tiếng kêu của “dân oan” VN đã vang lên đến thấu Trời rồi.
Ngưng khai thác sức lao động của những người già cả
neo đơn, những kẻ khuyết tật không nơi nương tựa, và những đứa bé côi
cút đang phải sống dở (chết dở) với những xấp vé số trên tay … đi.
Những phần tử thua thiệt và bất hạnh này cần được bảo bọc, trợ
giúp thay vì bị bóc lột như hiện cảnh.
Xin đừng tiếp tục kỳ thị những nhóm dân bản địa
nữa.. Ngoài bờ biển phía Đông, biên giới phía Tây và phía Bắc VN đều
là nơi cư trú ngàn xưa của nhiều nhóm người này. Họ chính là tuyến
đầu của tổ quốc khi hữu sự. Cũng chính họ, với cuộc sống đơn giản và
hài hoà với thiên nhiên, đã tạo một “vòng đai xanh” cho cả nước và giữ cho
môi trường sinh thái được quân bằng. Ngược đãi những con dân bản địa không
chỉ thể hiện sự bất nhân/bạc ác mà còn chứng tỏ một tầm nhìn hạn
hẹp và … ngu xuẩn nữa.
Cũng thôi đừng đập phá nghĩa trang và bia mộ của
những kẻ thuộc bên thua cuộc nữa. Trút hận thù lên ngay cả những nấm
mồ của người đã chết thì làm sao với tay đến được thân nhân của họ,
những khúc ruột xa, ở tận nước ngoài?