6 giờ 30 sáng. Bác sĩ trực đêm mở cửa phòng bệnh nhân. Nữ bệnh
nhân này có lẽ đã tắt thở. Tất cả bác sĩ đều bó tay trước căn bệnh kỳ lạ. Nhịp
tim bà quá yếu, hơi thở không đều, dù đã gắn máy trợ sinh. Khí lực đã cạn. Sau
khi chữa chạy hơn ba tuần lễ, bằng kinh nghiệm và kiến thức y khoa, họ đều biết
bà sẽ không qua khỏi trước khi trời sáng. Đêm hôm qua không y tá nào vào chăm
sóc bệnh nhân, họ tôn trọng, dành riêng đêm cuối cùng, đêm hấp hối cho người chồng.
Người đàn ông này rất bình tĩnh, dù đã được bác sĩ thông báo tin dữ. Thậm chí
không thấy nét buồn lai vãng trên mặt, cử chỉ và không khí xung quanh ông. Dường
như ông đã nắm vững mọi chi tiết trong tình huống tử biệt. Cả người ông toát ra
sự quả quyết, tự tin, và có phần nào khó hiểu.
Bác sĩ bước vào, kinh ngạc khi thấy người chồng trần truồng đứng một bên giường bệnh, cầm tay vợ. Màn ảnh ghi diễn nhịp tim vẫn lên xuống đều đặn, có phần sinh lực hơn chiều hôm qua. Bác sĩ vội vàng bước đến gần bệnh nhân, bắt mạch tay. Đặt ống lên ngực, lắng nghe.
- “Bà đã qua được thời kỳ nguy hiểm. Lạ thật. Việc gì đã
xảy ra?” Bác sĩ hỏi người chồng, đang mặc quần và tròng áo qua đầu. Ông cầm
cuốn sổ cũ, bìa cứng ố vàng. Có vẻ đã trải qua một thời phiêu lưu mưa gió. Đến
gần bác sĩ, lật ra trang sau cùng, chỉ vào dòng chữ viết tay: “Sống, ai cũng
cho là do may mắn ngẫu nhiên hoặc do số mạng, nhưng tại sao không do ý muốn?”
Chính ông đã viết dòng chữ kết luận này mấy
chục năm về trước.
Dĩ nhiên, ông biết, đó là kỳ vọng của thời trung trẻ. Khi
còn xa cái chết, ở xa cọp, khó sợ cọp, trên lý thuyết, dễ hứng khởi hùng tâm chống
lại thế lực uy quyền nhất siêu nhiên: cái chết.
Vợ ông đang gần kề cái chết.
Tháng trước, khi đưa vợ vào bệnh viện lúc nửa khuya, bằng xe
cứu thương. Dù có chuẩn bị tinh thần sẵn sàng phản ứng với mọi tình huống sau
cùng của vợ hoặc chính ông, nhưng không sao đè nén nỗi sợ hãi, lo lắng, và mất
hồn. Bất kỳ ai nghĩ mình không sợ chết, nhưng khi cảm thấy cái chết gần kề, tất
nhiên sẽ kinh hoảng cho dù bình tĩnh lặng lẽ mặt bên ngoài. Một người dù thông
thái đến đâu, từng trải như thế nào, vẫn không thể thẩm thấu cái chết cho đến
khi nhìn thấy người thân yêu của mình đang hấp hối.
Ông đã chứng kiến mẹ hấp hối, cha hấp hối, ông ngoại hấp hối,
bà nội hấp hối, người anh hấp hối, em nhỏ hấp hối. Những thương tâm đó không
cách nào nói bằng lời. Trở thành những gì sâu đậm, ám ảnh, nhắc nhở liên tục về
cái chết. Cục xương đó không tiêu trong bao tử. Nó ựa nhớt chua lên miệng mỗi
khi đang vui vẻ cùng sự sống. Và ông, quyết tâm chống trả lại cái chết bất kỳ
phải trả giá cách nào.
Chiếc xe cứu thương vừa chạy vừa hú, ông vẫn thường nghe khi
lái xe, hoặc tránh né, hoặc dừng xe lại nhường ưu tiên cho sự khẩn cấp. Người sống
nhường ân huệ cho người sắp chết là phải đạo lý. Nếu đã có thứ tự trong xã hội
như nhất trẻ con, nhì phụ nữ, ba chó cưng, bốn đàn ông, thì cũng có thứ tự trên
đường cái: nhất xe cứu thương, nhì xe chữa lửa, ba xe cảnh sát, bốn xe lưu
manh, năm xe chạy ẩu …
Nhưng bây giờ khác hẳn, ông ngồi bên trong tiếng hú. Âm
thanh bao trùm chiếc xe di động. Ưu tiên hạng nhất. Cảm giác thật kỳ quái, như
đang ở trong một trò chơi. Bị người hành tinh bắt cóc. Chỉ thoáng tưởng tượng
thôi, thực tế chụp ông kéo về lại, như đứa trẻ đang học bài lơ đễnh bị cô giáo
bắt gặp, đập vỡ giấc mơ. Ông quay sang cô giáo. Vợ ông làm nghề giữ và dạy trẻ.
Đang nằm vắng mặt trên băng ca, đeo ống thở, chuyền thuốc trên mạch tay, lắc lư
theo nhịp điệu xe chạy. Có cái máy đo tim mặt hình xanh đỏ. Ông cũng biết, nhờ
xem nhiều phim ảnh, cái đường cong vẹo lên xuống kia màu xanh, màu mùa xuân,
màu sinh lực, càng cua qua cua lại, giật lên giật xuống, càng nhiều, càng tốt,
nếu nó trở thành màu đỏ thẳng hàng thì tai biến sẽ nổ ra cho gia đình ông.
Từ khi có ý định chống lại sức áp bức của cái chết. Anh
thanh niên đã bỏ ra nhiều năm tháng đi khắp nơi trên thế giới, đến nhưng nơi có
thần, có quỉ, có sự tích, có huyền thoại, có tin đồn, có bí ẩn, có phép lạ, có
ma thuật, vân vân, chỉ để tìm những phương án phòng thủ và đối phó thế lực có
thẩm quyền chấm dứt hơi thở. Thật kỳ diệu. Chưa biết có tìm được hay không, anh
đã trải qua biết bao nhiêu chuyện thần bí, lạ lùng; chứng kiến biết bao nhiêu
chuyện khó tin, ngu xuẩn, hoang đường, có thật. Anh đã ghi chú hết vào cuốn sổ.
Nhưng quan trọng hơn cả là những công thức cổ đại chế tạo thuốc trường sinh,
thuốc hồi sinh; những phù phép thánh thần, tà thuật ma quỉ; những tu tập tâm lực,
điện lực cổ truyền kiểu du già; để chống lại tử vong, đã được ghi lại bằng ký
hiệu chữ và hình vẽ.
Kỳ quái nhưng hiện thực và có hữu hiệu hay không, ai có thể
trả lời? Đó là lần anh thám hiểm tìm đến bộ lạc Kaammruz. Theo lời đồn trong
sách cổ, nhóm thổ dân này có truyền thống “lễ phục sinh thiếu nữ”, nghĩa là, chỉ
có thể cứu sống người nữ trẻ. Không hiểu vì sao, không cứu sống phái nam và phụ
nữ lớn tuổi? Ghi chú trong sổ tay: Tôi nghĩ, họ thuộc ý niệm mẫu hệ. Đàn ông
chết không quan trọng. Đàn bà lớn tuổi cũng không quan trọng, chết đi để bộ tộc
họ bớt lo lắng miệng ăn và bệnh già. Nhưng thiếu nữ thì cần thiết cho sinh đẻ.
Tạo ra nhân lực hữu dụng. Bộ lạc hùng mạnh. Mẫu hệ được cai quản bởi đàn bà lớn
tuổi kinh nghiệm, nhưng tương lai ra sao là do các thiếu nữ.
Anh chứng kiến đêm lễ phục sinh một thiếu nữ khoảng hơn hai
mươi tuổi đã qua đời, vì bị nhện độc cắn phải vào buổi xế trưa. Cô tắt thở lúc
đầu đêm. Sau khi ngâm cô vào thùng nước nóng, nấu với củ dầu và đám lá, tương tựa
như lá khuynh diệp, những phụ nữ khác thay phiên nhau xoa bóp khắp thân thể xác
chết, giữ cho da thịt mềm mại và ấm.
Buổi lễ được tổ chức khẩn cấp. Trong bóng đêm trùng trùng rừng
núi hoang dã, một vòng lửa được đốt lên bằng cũi khô, cùng những lá cây đặc biệt
có mùi hôi làm rát mũi, tỏa khói nghi ngút. Bốn phụ nữ mang cô ta ra, đặt nằm ở
giữa vòng tròn. Họ hơ tay vào lửa rồi dùng hơn ấm tiếp tục xoa bóp khắp xác chết.
Một phụ nữ lớn tuổi nhất trong họ, dùng dầu láng xức sâu vào háng xác chết. Thật
là ma quái và hãi hùng. Ánh lửa quật qua quật lại theo gió, gây cảm tưởng cô
gái đang động đậy. Cảnh giống như ma nhập.
Tất cả bộ tộc đều đứng bên ngoài vòng lửa, ngoài trừ, những
ai có nhiệm vụ và bà phù thủy rên la, nhảy múa bên trong, xung quanh người chết.
Ở một góc. thanh niên sắp hàng đầu, các trung niên lực lưỡng sắp hàng tiếp
theo, các ông già đứng sau chót. Tất cả phái nam này đều khỏa thân. Họ tuần tự
tiến vào trung tâm, từng người một, đè lên thân thể trần truồng đang nằm chàng
hảng, làm tình trong tiếng trống, tiếng phèn, tiếng gõ, tiếng ca réo của đám
dân, và bà phù thủy tiếp tục kêu la trên đầu cô gái. Những đàn ông rừng núi họ
rất mạnh mẽ, bắp thịt nở nang mà gói chặt không như loại bắp thịt nở rỗng của
người cử tạ. Họ chơi rất dẻo dai, rất lâu. Họ cố gắng kéo dài vì tin rằng sức mạnh
của khoái lạc sẽ thu hút thần hồn của cô thiếu nữ trở về. Vì vậy, buổi lễ kéo
dài đến gần sáng mới chấm dứt.
Anh thám hiểm ghi chép những chi tiết trong buổi lễ, những lời
cầu kinh của phù thủy, và những ý nghĩ riêng của anh. Lời cầu kinh thì khá đơn
giản. Khi về thư viện tra khảo, tìm hiểu, có sự giúp đỡ của một giáo sư gốc người
Kaammruz, lời kinh có nghĩa là: “Sướng ơi, sướng ơi, gọi hồn về đây, mang hồn
lại đây. Sống sướng sao không sống mà chết non.” Chỉ vậy thôi nhưng ê a réo
rắc lên xuống lập lại, lập lại suốt buổi lễ. Còn cách chơi của các thanh niên
và đàn ông, không thấy kích động nhục dục, không thấy chút nào tục tĩu. Họ như
những người hành lễ nghiêm túc, hành động thánh thiện. Kể cả lúc cực điểm, chỉ
thấy họ nằm sấp xuống yên lặng trong khoảnh khắc, rồi nhỏm dậy, đứng lên, đi
ra, nhường chỗ cho người tiếp theo. Họ giống như những người có đạo, sắp hàng đến
nằm sấp trước mặt thần linh, bày tỏ lòng tôn kính, rồi đứng lên ra về.
Điểm quan trọng là liệu cô gái có sống lại hay không?
Anh thanh niên viết rằng: “Kỳ lạ! Vô cùng kỳ lạ. Ngay hôm
sau, bộ lạc lại tổ chức buổi liên hoan mừng cô ấy sống lại. Ai không thấy,
không thể nào tin được. Hoặc ngẫu nhiên? Hoặc phương pháp trị liệu này hữu hiệu?
Hoặc chất độc của nhện đã tan đi dưới sự hô hấp nhân tạo liên tục suốt đêm?
Không biết được.” Trong những trang sổ sau này, có đoạn anh ghi chép một tài liệu
đáng quan tâm của nhà văn Naomi Wolf về khả năng kích thích giữa âm đạo và thần
kinh não: Khoa học mới đã thiết lập một cái nhìn sâu sắc hoàn toàn mới: có một
mối liên hệ giữa não và âm đạo ở phụ nữ mạnh mẽ đến mức nhiều nhà thần kinh học
mà tôi đã phỏng vấn gọi đó là "một hệ thống duy nhất". Đáng chú ý
hơn, […] Khi cơ thể của cô ấy để biết rằng cô có thể đạt cực khoái khi quan hệ
tình dục – não của cô được tăng cường chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Sau
đó, trong cơn cực khoái, chất opioid và oxytocin cũng được tiết ra. Trải nghiệm
này không chỉ mang lại niềm vui sướng, một sự thật ai cũng biết; nó cũng mang lại
những trạng thái cụ thể của tâm trí.” (The brain science of the vagina heralds
a new sexual revolution. Naomi Wolf)
Những người áo xanh da trời, đẩy vợ ông trên chiếc xe băng
ca trắng, nhanh chóng từ xe cứu thương, băng qua hành lang, biến mất sau cánh cửa.
Bỏ ông bơ vơ đứng lại trước tấm bảng cấm người không phận sự được vào.
“Tình vợ chồng”, coi dễ hiểu mà không đơn giản. Không phải
là “tình vợ và tình chồng” mà là “Tình của vợ chồng”. Ý nghĩa chữ “của” ở đây
thật là quan trọng, là quyền sở hữu, nhưng không phải chồng sở hữu vợ và vợ sở
hữu chồng như quan niệm tôn giáo tạo ra truyền thống. Sở hữu ở đây có nghĩa, vợ
và chồng sở hữu tình yêu, họ không sở hữu nhau, nhưng sở hữu cùng một tài sản,
có giá trị từ số không đến vô hạn. Vì cùng sở hữu một tài sản, nên họ phải làm
việc với nhau để bảo vệ tài sản, để sinh lợi lộc từ vốn liếng đó. Cùng vợ
cùng chồng tát biển đông cũng cạn, một ví dụ khôn ngoan, rõ ràng, để hai
người yêu nhau, giữ được tình yêu qua những khó khăn sóng gió và tạo ra những sự
việc hài lòng, thành công. Nếu một người rút lại phần hùn trong khối tài sản
này để đi hùn nơi khác, thì quyền sở hữu chung sẽ tan rã. Yêu quí tình yêu
chung phải lớn hơn và ưu tiên trước tình yêu người yêu, ý nghĩa chung thủy là
như vậy. Tình yêu chung là gì? Anh ghi: Tình yêu chung bao gồm tình yêu của
hai người, con cái, cháu chắt, và những người liên hệ. Trong khi tình yêu cho vợ
hoặc chồng chỉ một người. Tình yêu chung bao gồm hạnh phúc của nhiều người, vượt
qua tình yêu riêng thường là ích kỷ.
Bây giờ, ông không còn được làm việc chung với vợ trước những
quyết định, có lẽ quan trọng nhất đời người, đối phó với bệnh giết người và cái
chết. Ở bên kia cánh cửa, chuyện gì xảy ra. Chắc chắc vợ ông không biết. Bên này
cánh cửa ông chỉ biết hy vọng và lo âu. Cánh cửa bệnh viện kia có thể là cánh cửa
cuối cùng. Không ai bảo đảm nó sẽ mở ra một tin vui.
Không muốn ngồi trong phòng đợi. Không muốn đối diện với những
lo âu, sợ hãi, đau buồn chồng chất từ hơi thở của các thân nhân đang chờ tin
bác sĩ. Không muốn bị lây nhiễm sự bi quan, ý muốn đầu hàng của họ. Chắc chắn,
họ là những người tuân phục uy quyền của chết. Như một bầy nô tì tuân phục chủ
nhân. Không hề có ý nghĩ kháng cự. Nếu có ý định nào manh nha thò ra, thì vội
vã thụt vào như con rùa trông thấy chó.
Nếu biết trước, biết chắc, một chuyện gì nguy hại sẽ xảy ra,
dù là người lơ đễnh nhất, cũng sẽ hỏi han những ai có khả năng đưa ra những lời
khuyên bảo vệ một cách thuyết phục; dù là một kẻ bất cần đời, cũng phải suy
nghĩ cách đối phó theo kiểu bất cần thân thể, nhưng chưa chắc đã chịu vất bỏ
linh hồn; nói chi những người bình thường, họ sẽ lo cuốn vó, bàn tán, cầu nguyện,
chuẩn bị … Bằng mọi cách tốt đẹp nhất, họ sẽ chọn kế hoạch A, B, C, D… để phòng
bị. Con người là sinh vật khôn ngoan nhất trên mặt đất. Nhưng cũng ngu nhất, vì
biết chắc mình sẽ chết, mà ít ai chuẩn bị, hầu hết mọi người chỉ năn nỉ cầu xin
thần linh đến cứu khi hấp hối. Ai biết chắc có thần linh hay không? Chỉ bằng nội
dung của chữ “tin” mà họ dám đặt cá độ cả cuộc đời này và đời sau trên ý nghĩ
thế tục mong manh đó.
Ông có chuẩn bị. Ông đã sẵn sàng từ lâu. Ông sẽ phản động
cái thế lực tuyệt đối. Ông sẽ chống cự uy quyền cái chết. Thành công hay không,
không quan trọng bằng thực hành ý muốn. Vì sao con người có ý thức và ý chí? Ý
thức của Decartes; ý chí của Nietzsch? Vì để phục vụ ý muốn. Ý muốn của Sartre,
của Nguyễn Huệ, của Không Lộ, của Sisyphus … Chống lại cái chết là ý muốn lớn
nhất, hành động phẩm hạnh nhất, trải nghiệm kịch liệt nhất mà con người có thể
làm.
Bác sĩ, bác học, đã sai lầm khi cứu chữa bệnh nhân, hầu hết,
cảm thấy và hiểu biết theo tinh thần cứu nguy, cứu khỏe, cứu lành người bệnh.
Không. Không như vậy. Họ đang chống lại cái chết. Bằng tất cả lực lượng tinh thần
và thể xác, bằng liên kết với các bác sĩ khác, các y tá, các nhân sự chuyên
ngành, để đánh bại cái chết. Ông rất xúc động khi xem bộ phim Game of
Thrones trên đài truyển hình HBO. Cuối cùng, tất cả người sống chung sức với
nhau, bỏ qua những khác biệt, hiềm tị, tranh giành để cùng nhau chiến đấu chống
lại cái chết. Thế lực chết luôn luôn mạnh hơn và sẽ chiến thắng, nhưng thế lực
chết có khả năng kéo dài sự hiện hữu. Bằng cách nào? Trước hêt, phải bằng ý muốn.
Phải nghĩ rằng: Tôi sẽ hết sức chống lại cái chết. Chúng
tôi sẽ chiến thắng. Có nghĩ và tin vào ý muốn của mình, thì sức mạnh và quyền
lực của vô thức sẽ chổi dậy, sẽ sáng tạo những gì cần thiết để đối phó với cái
chết. Đối thủ duy nhất của chết là vô thức.
Ông ngồi một bên thang cấp ra vào bệnh viện, nhìn ngắm lơ là
xung quanh, để trí tưởng tượng lẳng lơ với thực tế. Năm đó, ông đến sa mạc vùng
Trung Đông, sinh sống với một bộ tộc có tên cổ ngữ là “bộ tộc di động”. Họ
không ở một chỗ nào cố định. Họ liên tục di chuyển ngược chiều bão cát. Đời sống
hầu hết trên lưng lạc đà. Họ có thể ăn ngủ tiểu tiện đại tiện làm tình trên
lưng lạc đà, vì vậy, lạc đà là một phần sống như con cái, sinh mệnh của lạc đà
ngang hàng với tộc dân. Và theo nhận xét riêng của anh, lạc đà của họ khác với
giống lạc đà chung. Chúng được huấn luyện, rập giống một cách gia truyền và có
vẻ linh thiêng.
Mỗi người có một tấm vải đen lớn. Dùng quấn từ đầu đến chân,
chỉ chừa đôi mắt, để chống sức nắng lột da ban ngày. Ban đêm, mỗi gia đình bắt
lạc đà nằm bẹp xuống xung quanh, họ nằm ở giữa, gần sát lạc đà, dùng những tấm
vải trùm che các con vật và cả gia đình, giống như một cái lều thấp màu đen.
Hơi thở của lạc đà là máy sưởi thiên nhiên giữ họ ấm giữa giá lạnh khinh khiếp
của sa mạc về khuya.
Lạc đà là nguồn sống. Họ cho chúng uống nước trước khi họ uống.
Vỗ về chúng sau những chuyến đi dài. Thậm chí, có những lễ hội dành riêng cho lạc
đà. Họ bảo vệ lạc đà như bảo vệ chính mạng sống của họ. Họ có phương thuốc tổ
truyền để cứu sống những lạc đà cái, nguồn quí báu sản xuất lạc đà con. Mỗi lạc
đà ra đời là mỗi hân hoan, trang trọng và ân phúc cho gia đình và bộ tộc. Anh
thanh niên quấn vải ở chung với họ, vì muốn tìm hiểu phương thuốc chống cái chết.
Anh phải cống hiến mười con lạc đà hai bứu, loại khỏe mạnh nhất, để được làm
khách mời tạm trú di động. Chưa kể, hai con lạc đà lai ngựa mà anh sử dụng, với
lời hứa sẽ để lại tặng họ khi anh trở về quê nhà. Lạc đà lai ngựa là một sinh vật
có khả năng chịu đựng sự hành hạ của sa mạc, cùng một lúc chạy rất nhanh, không
hỗn loạn trong bão cát, và vô cùng trung thành. Để đáp trả, họ cung cấp cho anh
hai thiếu nữ. Chính cô “mắt vực thẳm”, anh gọi như vậy vì nhìn vào đôi mắt này,
không thấy đáy, đã cho anh biết bí quyết bên trong phương thuốc. Anh cũng đã chứng
kiến vài lần cách họ cứu sống lạc đà cái hấp hối.
Họ có kinh nghiệm và tin rằng khi lạc đà cái đang trên đường
đi về cõi chết, nếu nó phát hiện đang mang thai, nó sẽ tìm cách quay lại cõi sống,
để cho con nó được ra đời. Sức mạnh của tình mẫu tử là sức mạnh thiêng liêng
cao độ nhất của cõi sống. Người cũng vậy, mà vật cũng vậy.
Vào khoảng 9 giờ đêm, con lạc đà cái bắt đầu hấp hối, nó bị
bệnh suốt tuần lễ qua. Họ cho nó uống đủ các loại nước xương rồng, lá dừa, và cỏ
gai, nhưng chỉ giúp nó kéo dài mạng sống thêm ít ngày. Bây giờ, nghe tiếng rít
thê thiết của nó và tiếng phụ họa của đồng loại xé toạc sự im lặng ngàn năm của
sa mạc, cảm giác rợn người mọc lên trên xương sống. Mỗi lần con lạc đà cái rít
lên, như lời di chúc, như nhắn nhủ giã từ, những con lạc đà khác đồng trả lời,
chúng rít lên, âm thanh qua lỗ mũi, nghe lạ lùng, kinh dị như tiếng còi ma
trong hồi tưởng của anh thời thơ ấu. Rồi tiếng còi ma dần dần nhỏ dần, như đoàn
tàu đã đi xa, sắp biến vào màn sương mù trên sa mạc biển.
Bây giờ là lúc người trưởng tộc sử dụng phương thuốc hồi
sinh để cứu lấy tài sản của bộ tộc. Những đống lửa được chất thêm cũi và khơi rộng
cho ngọn lửa bốc cao. Hơi nóng tỏa ấm lan rộng. Con lạc đà nằm nghiêng trên
cát, hai đàn ông lực lưỡng banh rộng hai chân sau của nó, một số phụ nữ mở ra
tiếng hát, loại âm điệu ngang ngang, lời cổ ngữ, nghe dịu dàng, xoa mềm lòng sợ
hãi đang lo âu. Ông trưởng tộc mở cái túi da, lấy ra một vật đen khô, nhăn rúm,
không có hình dạng rõ rệt, đưa cho một phụ nữ trẻ đầy sinh lực. Cô nhúng vật
này nào một bầu máu, vừa trích ra từ những con lạc đà đực. Chỉ một thoáng, cái
vật đen đó hơi phồng lên, trơn láng, mềm dẻo, giống một túi nhỏ. Lúc bấy giờ,
giọng đàn ông cất lên phụ họa với giọng nữ đang ngang phè trên cao, giọng đàn
ông thấp ngang chỉ có một âm sắc.
Hai con đường âm thanh song song, không hòa âm, nghe chói sắc,
có khả năng đánh thức mọi sự sống nào đang say ngủ. Ngay lúc đó, cô phụ nữ trẻ
nhét cái túi đen trơn vào âm hộ con lạc đà. Cô từ tốn vừa nhét, vừa vỗ về, vừa
dụi vừa dịu dàng từng cử chỉ, cho đến khi cái túi lọt hết vào bên trong. Hai
đàn ông khép chân lạc đà lại và sửa cho nó nằm theo một tư thế thoải mái. Tiếng
hát dịu lại rồi nhỏ dần, trả lại sự im lặng cho đêm và sa mạc. Lửa vẫn tiếp tục
cháy. Họ đắp vải lên thân con vật, rồi theo chân trưởng tộc trở về đám lều thấp.
Chỉ còn vài tộc dân thay phiên nhau canh con vật cho đến khi trời sáng. Anh
thanh niên cố thức chờ đợi, từ căn lều gần đó, nhưng sự căng thẳng kéo dài mấy
giờ qua đã trở thành chiếc búa đập vào đầu anh. Đột nhiên, bất tỉnh. Mê mệt.
Có khi họ thành công, có khi không, nhưng kết quả đó đủ chứng
tỏ phương thuốc hồi sinh của họ có nhiều cơ hội đánh thức sự sống trong cơn hấp
hối. Anh thanh niên ghi chép cẩn thận nội dung của phương thuốc, chiếc túi đen
khô cứng nhăn nheo trở thành trơn láng mềm dẻo kia, vào sổ tay. Cô mắt vực thẳm
dặn dò anh, không thể cho ai biết và anh đã giữ lời hứa mấy chục năm qua. Kỳ diệu,
ái tình chân thật hay ái tình đam mê, cái nào khiến cho tất cả bí mật đều bị tiết
lộ? Chắc chắc các mỹ nữ gián điệp Nga biết rõ điều này. Ghi chú trong sổ: Vì
sợ tộc dân khám phá ra, cô mắt vực thẳm đã chép lại từ cuốn sách kinh thánh của
bộ tộc, vẽ lại những hình dạng cây cỏ trong sa mạc dùng làm thuốc lên hai bên
đùi non của cô. Cây xương rồng gai đỏ ba nhánh mọc trên đá ở sa mạc, hiếm hoi,
khó tìm và phải hội đủ điều kiện trưởng thành khi nở ra ba nhánh. Có khả năng
khích thích cơ tim và thần kinh não bộ. Một loại cỏ gai năm lá, cũng rất khó
tìm, có khả năng làm cho máu đông nóng lên lưu thông trở lại. Một loại lá, cô vẽ,
giống lá tre, thường tìm thấy ở nơi những giếng nước cạn, đã lấp lại. Có nhiệm
vụ tiêu diệt tất cả những nhiễm trùng để bảo vệ cái túi khô nhăn nheo. Những
công dụng y học là do anh ghi thêm khi về đến thành phố dùng viện nghiên cứu,
phân tích trong phòng thí nghiệm. Ai đi ngang qua lều của khách tạm trú đều có
thể nhìn thấy rõ ràng, khi thắp đèn bên trong. Nhưng chẳng ai nghi ngờ vì thấy
anh đang say sưa giữa hai bắp đùi của cô mắt vực thẳm.
Thực tế không cần phải đánh thức ông, vì vừa thấy vị linh mục
xuống xe bước vào bệnh viện, lập tức ông tỉnh cơn tưởng tượng, như nước lạnh tạt
vào mặt. Linh mục đi vào bệnh viện là hình ảnh báo tin sự chết đi theo sau. Đó
là sứ thần của cõi bên kia. Nhưng vị linh mục này tìm ai? Có phải tìm vợ ông?
Không biết. Hay tìm ông? Chưa chắc. Ông tiến ra chận đường sứ thần.
- “Chào cha, cha đến tìm ai?”
- “Tôi đến làm phép cho người hấp hối?”
- “Tên
gì, thưa cha?”
- “Tôi
không được phép tiết lộ.”
- “Nhưng
con cũng đang chờ người hấp hối.”
- “Tôi
chỉ có thể nói tên với sự đồng ý của bệnh nhân hay người chịu trách nhiệm
cho phép.”
- “Đó
là lý do tại sao cha không có vợ. Vợ con có lẽ đang hấp hối.”
- “Đây
là bệnh nhân đàn ông.” Vị linh mục vội vã bước đi như vừa thoát được một
kẻ điên níu áo.
Ông lấy lại bình tĩnh. May thật, giờ này, không gặp được vợ,
làm sao có thể cùng bà chống trả cái chết, dù sao, trong lúc khẩn cấp, bối rối,
ông vẫn không quên mang theo liều thuốc tổng hợp đã tự tay chế tạo. Tổ cha cái
chết, mày mưu mẹo hả. Ông sờ cái túi đựng đồ tùy thân của dân du lịch đeo bên
hông. Cảm giác an toàn xuất hiện chiếm lấy tâm tư.
Liều thuốc chống lại cái chết, ông chưa thử lần nào vì một lời
thề. Nhưng thâm ý hơn, ông muốn để dành, tạo ra sự bất ngờ đối với cái chết.
Không thể cho nó biết trước. Tương tựa như trận đấu quyền Anh: Cái chết là một
võ sĩ chưa bao giờ thua. Kẻ vô địch kiêu hãnh nhất trong đời này và đời sau. Hắn
xem thường tất cả địch thủ, lớn mạnh như voi, ghê gớm như vi trùng, thông minh
như Einstein, đều bị hắn đấm gục tại chỗ. Muốn đánh lừa hắn chỉ có một cách duy
nhất, chờ đến lúc hắn cầm chắc một trăm phần trăm sẽ kéo hơi thở ra mà không trả
lại. Chờ lúc hắn ngạo nghễ tự đắc, đột nhiên, thình lình, ông đưa ra cú đấm khốc
liệt, cú đấm dồn lại từ mấy chục năm vào đúng chỗ hiểm yếu. Dĩ nhiên hắn không
gục xuống, vì chẳng bao giờ nó bất tỉnh, nhưng mất thăng bằng, loạng choạng, ngẩn
ngơ. Ai dám chống lại quyền lực tuyệt đối như vậy? Ai dám làm cho cái chết liểng
xiểng, thất thế như vậy? Nhân lúc địch thủ bàng hoàng, ông sẽ xốc vợ lên vai,
nhảy ra khỏi võ đài, chạy lẩn vào đám đông. Trốn đi xa. Nghĩ cảnh mình chạy
thoát cái chết và vợ sống lại trên lưng, y như ngày xưa đi dạo, cõng em lúc
xuân sắc cạ cạ ái tình, ông cười, một vẻ cười run rẩy của con chuột hư cấu đánh
ngã sư tử.
Mấy tuần qua, đêm nào ông cũng ở lại bệnh viên với vợ. Ban
ngày, chạy ra chạy vào, về nhà tắm rửa, thay áo quần, đọc lại cuốn sổ, kiểm
soát từng chi tiết, ôn lại những gì đã trải qua. Người vợ vẫn hôn mê, vẫn thở
bình dưỡng khi, vẫn đeo dây nhợ bao bị lủng lẳng. Thế giới của bà, nhìn từ bên
ngoài, bất động lặng lẽ. Ai biết được sau lưng cái bình yên kia là chuyện gì?
Không cần biết. Ông đã quyết tâm.
Những chi tiết ghi chú trong sổ, lần lượt nhắc lại những
chuyện kỳ thú, có khi kinh rợn, có khi khôi hài, có khi không thể hiểu. Có nơi
ông tìm đến, nhưng chỉ phát hiện hoàn toàn bịp bợm để kiếm tiền. Có nơi, phù
phép không linh nghiệm, hoặc giả, linh nghiệm trên người của họ giả dạng. Có
nơi, những sự việc linh thiêng đó, không còn nữa, đã chôn vùi trong thời gian.
Nhất là những năng lực siêu phàm của các hội kín thời Trung Cổ, các hội Sa
Tăng, chỉ còn là truyền thuyết.
Nhưng có nhiều nơi ông đã trải nghiệm những khác thường, gần
như ma thuật hoặc phép lạ. Tuy nhiên, là người khoa học, ông nhìn ngắm, khảo
sát, giải thích mọi huyền bí theo lý trí và bằng chứng. Thừa hưởng một gia tài
khá lớn do bố ông để lại, nên khá dễ dàng cho ông quà cáp hoặc cúng hiến để có
thể tìm hiểu và học hỏi. Ông bắt đầu hành trình năm hai mươi tuổi, và hoàn tất,
ông nghĩ như vậy, sau hai mươi năm. Hai năm sau, ông lấy vợ. Người phụ nữ góa
chồng ở tuổi ba mươi bảy.
Trong thời gian truy lùng phương cách chống cái chết, ông đã
nhiều lần tự hỏi, tại sao không tìm thấy những sức lực siêu nhiên cổ truyền làm
cho đàn ông hoặc giống đực hồi sinh hoặc trốn thoát cái chết? Hèn chi, ông Tần
Thủy Hoàng tìm thuốc trường sinh suốt đời không ra. Để trả lời câu hỏi này, một
nhà khảo cổ Afghanistan đã điềm chỉ cho ông đến một nơi linh địa, thuộc vùng
núi Vakhan (gọi là Hành lang Wakan), đá cao đá thấp trùng trùng điệp điệp nối
nhau. Nơi ẩn náu một hội kín sống sót có gốc từ nhóm phản nghịch đạo Do Thái. Họ
sử dụng bùa chú đen, mặt bên kia của thánh kinh. Ông khảo cổ, nhà khoa học nói,
“Tôi không tin bùa chú. Chỉ quan sát, theo tôi, là một loại nhựa cây. Có lẽ,
pha chế nhựa cây, rễ cây, lá, củ. Màu hổ phách, có mùi thơm dịu và thánh thoát.
Họ gói trong một bịch da nhỏ làm bằng ruột non của thỏ, có câu thần chú ngâm
trong chất nước này. Người bệnh mỗi ngày nuốt một bịch, chỉ cần ba ngày, có thể
giữ người bệnh kéo dài cuộc sống, có khi lành hẳn bệnh ngặt nghèo, không phân
biệt nam hay nữ.” Lặn lội bao nhiêu tháng trời mới tìm ra, với lá thư viết
bằng ngôn ngữ như gà bới, anh thanh niên được nhận vào khu nhà gỗ ở giữa núi
cao, không có đường vào. Nếu không có bản đồ và người hướng dẫn đặc biệt, sẽ
không thể nào đến nơi. Sau nhiều lần theo dõi, anh cũng đồng ý với nhà khảo cổ.
Có hiệu nghiệm hay không, chưa thể quyết liệt nhận định. Bùa và thuốc có kéo
dài sự sống hay không, ngay cả bệnh nhân cũng không biết, người hành lễ đạo làm
sao biết. Có vẻ như may thầy rủi thợ. Tuy nhiên, anh lại yêu thích lề lối nhân
sinh quan về tinh thần bùa chú và nước thánh này. Anh ghi và giải thích:
Sau khi nuốt xuống, cái bịch mỏng nằm trong thực quản gần
trái tim. Dần vỡ ra. Nước đặc biệt, có lẽ chứa nhiều kích thích tố, tan dần,
các chữ bùa cũng tan theo. Họ nói khi vào trong con người, chữ có hai thành phần:
chất và bản chất. Khi cái trước biến mất, cái sau, tồn tại vô hình, có thể được
hấp thụ vào các mô của cơ thể, vì tinh chất luôn tìm kiếm vật ở trong vật chất—
ngay cả khi đây là nguyên nhân của nhiều bất hạnh.
Họ tin rằng, cơ thể giống như những chiếc lá, nơi đó ánh
sáng trú ngụ trong vài mùa, trong ít tháng. Sau đó, lá gục xuống chết khô, và
bóng tối nghiền nát lá thành cát bụi, ngay cả khi những linh hồn bên trong lá
nôn nóng cố gắng tái sinh. (*)
Suốt hai tuần qua, ngày nào ông cũng chú tâm tận lực suy xét
cẩn trọng liều thuốc đã tạo ra cho phụ nữ. Về mặt khoa học tâm linh, hóa học và
tâm lý đều có thể chấp nhận một cách lạc quan, như việc chấp nhận có thánh thần,
ma quỉ, nhưng có phần khoa học hơn, nhất là về mặt y khoa tuy có thể không đồng
ý nhưng không thể bác bỏ. Nghĩa là có thể có hiệu quả nhưng không thể hoàn toàn
kiểm chứng. Quan điểm này, đối với ông, không quan trọng vì ngay cả khoa mổ xẻ
thành công nhất của y khoa hiện đại vẫn không thể hoàn toàn giải thích những sự
việc xảy ra ngoài hiểu biết. Cứ ví dụ như bệnh ung thư, rất nhiều trường hợp
bác sĩ bó tay, mà bệnh nhân vẫn tiếp tục sống, và sống rất lâu. Còn nữa, bằng
chứng rõ ràng hơn là đời sống giới hạn 25 tuổi do bệnh tật, mà nhà bác học
Stephen Hawking đã vượt qua và sống hơn 75 năm. Tiến bộ của ngành y khoa và các
khoa học về sức khỏe vẫn chưa có cú đấm liểng xiểng cái chết.
Liều thuốc cứu phụ nữ quan trọng nhất, ông đọc đi đọc lại những
ghi chép, dù tổng hợp nhiều phương cách khác nhau, nhưng căn bản là phục sinh lạc
đà cái của bộ tộc di động trong sa mạc. Cô mắt vực thẳm đã cho người yêu sắp
vĩnh viễn rời xa cô, biết về phương thuốc tổ truyền. Ngoài những loại xương rồng,
cỏ gai, lá tre ra, món thuốc chính là thai nhi của lạc đà. Tộc dân đã dùng cách
riêng trục ra thai nhi non và ngâm vào bình nước pha chế bởi các đặc sản của sa
mạc. Bao nhiêu tháng sau, cái thai sẽ dần dần khô lại, teo nhỏ. Họ lấy ra lau
khô rồi cất vào nơi cẩn trọng. Chờ khi sử dụng mới mang ra ngâm vào máu. Thai
nhi sẽ bừng tỉnh như lúc mới ra khỏi lòng mẹ. Ghi chú trong sổ: Cái thai khô
này có lẽ được cất giữ gần giống phương pháp ướp xác của người Ai Cập, nhưng có
bí ẩn về việc hồi phục.
Câu chuyện được ghi lại với câu hỏi, nếu tình yêu của mẹ
có thể khiến đứa con sơ sinh sống lại, liệu thai nhi có thể đánh thức người mẹ
đang sắp chết? “Vào ngày 25 tháng 3 năm 2010, bà mẹ người Úc Kate Ogg đã hạ
sinh cặp song sinh Jamie và Emily chỉ sau 27 tuần mang thai. Mặc dù Emily sống
sót sau quá trình sinh nở nhưng Jamie đã sinh ra trong tình trạng nguy kịch và tắt
thở. Sau khi các bác sĩ dành 20 phút để cố gắng hồi sức cho Jamie nhưng không
thành công, họ nói với Kate và chồng cô ấy là David rằng Jamie đã chết, và các
y tá đặt thi thể bất động của Jamie lên ngực ngươi mẹ để bà có thể nói lời tạm
biệt.
Khi Kate và David nghĩ rằng họ đang nói lời vĩnh biệt với
đứa con đã khuất của mình, thì một điều đáng chú ý đã xảy ra: sau khoảng năm
phút hoặc lâu hơn, Jamie bắt đầu di chuyển và cử động của sơ sinh ngày càng rõ
rệt hơn. (Snopes. Fact check. Did a mother’s hugs bring her dead son back to
life? https://www.snopes.com/fact-check/kate-ogg/.)
Ông chuẩn bị hết mọi loại cây lá sa mạc, kể cả chất nước hổ
phách của hội kín ở Afganishtan, rồi đặt mua lậu một thai nhi non từ đường dây
bệnh viện phá thai ở Thái lan. Ông đã tạo ra hai liều thuốc, nhưng liều thuốc
cho vợ ông là quan trọng bậc nhất, vì chính ông sẽ thi hành cú đấm bất ngờ vào
thế lực tuyệt đối tiêu hủy cõi người. Liều thuốc cứu phái nam, không phải không
quan trọng, nhưng ông sẽ uống, hoặc dặn dò vợ con cho ông uống vào những ngày sắp
bế mạc. Uống xong, chỉ có trời mới biết, chuyện gì xảy ra.
Sáng sớm, khi hai vị bác sĩ, một là trưởng bệnh viện, hai là
người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, mời ông vào văn phòng, nghiêm chỉnh theo thủ
tục, buồn bã với lòng nhân ái, báo cho ông biết, trường hợp của vợ ông không thể
cứu chữa. Có thể bà sẽ qua đời trong đêm nay. Đây là bản tin ông đang chờ đợi.
Nhiều kinh nghiệm lăn lộn, phiêu bạt bao năm với cái chết, ông tự mình đã thu
thập nhiều linh cảm và nhạy biết, nhất là phần giác quan thứ sáu khi cái chết đến
gần. Mấy ngày qua, ông đã ngửi được mùi tử khí từ thân thể của vợ mình. Mùi đó
càng ngày sẽ càng thúi, nhưng lúc khởi đầu, chỉ phảng phất nhẹ nhàng, phải bình
tĩnh và trầm lắng mới nhận thấy. Máy lạnh và mùi thuốc sát trùng trong bệnh viện
có thể che giấu tử khí, nhưng sẽ như tên tù vượt ngục tài ba, nó sẽ cưa song sắt,
lấp ló, trước sau gì cũng chạy thoát ra đường.
Tin báo tử sớm này là đặc ân, nó cho ông nhiều thời giờ, những
giờ phút có thể là cuối cùng. Ông về nhà rồi trở lại bệnh viện sớm hơn mọi khi,
lúc 9 giờ sáng. Kéo theo một va li khá lớn, y tá tưởng chừng như ông dùng để dọn
dẹp những đồ đạc trong phòng vợ, mang về. Mang về những kỷ niệm đau đớn.
Ông ăn sáng với vợ. Đặt nhà ăn trong bệnh viện hai ly cà
phê, trứng chiên và bánh mì lát. Một ly nước mận, vì vợ ông thường dùng nước
này để giúp đường ruột dễ thông thương. Chồng ăn bánh mì trứng, vợ ăn thuốc
treo trong bình. Uống hai ly cà
phê, uống luôn ly nước mận. Buổi sáng xanh lơ ngoài cửa sổ.
Sức sống tràn trề và sức sống thoi thóp được chia cách bởi vách tường có kính
trong. Hai bên nhìn nhau. Sống thoi thóp hỏi:
“Chừng nào anh mới vào đây để cứu em?”
“Anh không vào được, tường vách xây kín, xương da ngăn chận.
Anh muốn cứu em lắm nhưng không biết làm sao.”
“Em thấy khó
thở quá. Mỗi lần thở ra, không biết có
còn hít vào
hay không? Đau ngực lắm anh.”
“Giá như anh
có thể giết mình cho em được sống, anh sẽ không từ chối. Thôi, em cứ nhờ người
chồng xoa ngực và hát cho em nghe. Những bài hát ngày xưa hai người thường hát
chung. Kỷ niệm là một cách sống. Mai mốt, dù bay đến phương trời nào, anh cũng
mang theo kỷ niệm của chúng ta.”
Từ ngày vợ bệnh,
ông đã mang vào phòng cây đàn guitar, trưa chiều, vẫn thường hát cho vợ nghe những
bài quen thuộc. Bấy giờ ông mới hiểu, thế nào là hát có hồn.
Tất nhiên, lời
hát chỉ còn đường nét, tình cảm khô của nhạc sĩ. Tuy nhiên, khi sáng tác, nếu
nhạc sĩ không khắc ghi hồn mình vào trong chữ nghĩa, âm điệu, thì bài hát sẽ lạnh
lẽo không tạo ra cảm xúc cho người hát, thì người nghe chỉ nghe để nghe. Tình cảm
khô ở trong ca từ-giai điệu kích thích tâm tư của người hát, tùy vào mức độ
kích thích để tạo ra cường độ cảm xúc thể hiện qua tiếng hát. Ở một cảm xúc cao
độ, hồn người hát trào ra theo lời, ra mắt, ra hơi thở, ra toàn cõi chân lông,
dẫn đến trạng thái say sưa, mê hoặc, nối kết với người nghe. Dù hôn mê như vợ
ông, cũng có thể cảm nhận được. Mí mắt bà chợt run lên, khi lời hát từ thấp lên
cao: “Cuối cùng rồi chỉ còn em với tôi, như đêm khuya chỉ còn trăng với sao.
Người ta hứa yêu nhau cho đến bạc đầu. Còn tôi hứa yêu em, yêu em như yêu ngày
đầu…” Hồn ông trào ra mắt và mũi: “Ai biết bao giờ đổi thay? Ai biết bao
giờ mất nhau? Lòng luôn lo lắng mai sau. Ai biết bao giờ xa cách? Ai biết bao
giờ biệt ly? Ai biết bao giờ kẻ ở người đi…” Và ông hát cho vợ nghe suốt từ
trưa đến chiều. Lúc nắng xế, ông đặt nhà ăn mang lên hai ly cà phê cappuccino.
Mở va li, mang ra hai chiếc bánh black forrest đã mua từ tiệm bánh nổi tiếng
trong phố, nơi ông và vợ thường thưởng thức bánh với cà phê và nghe nhạc trong
những ngày xế trưa không muốn ôm nhau. Dĩ nhiên, ông ăn cả hai bánh và uống cả
hai ly cà phê. Chuẩn bị thức suốt đêm nay. Trí tưởng ông bật lên:
“Em đừng nghĩ
là anh hoang tưởng.”
“Còn nói nữa.
Chỉ có anh mới dám làm những chuyện kinh hoàng như vậy.”
“Không đâu.
Anh đã bỏ bao nhiêu năm đời người chuẩn bị để cứu em. Đánh bại cái chết là một
kỳ công. Chẳng phải sứ mệnh cao cả nhất của loài người là chiến thắng cái chết
hay sao? Hà, hà, lần này, thì em không cản anh được rồi.”
“Nhưng nếu anh
không thành công thì sao?”
“Đàng nào em
cũng chết trong đêm nay. Anh giải cứu em không được, thì sẽ chết chung với em.
Ngày mai hoặc họ sẽ tìm thấy hai xác chết, hoặc hai người sống vui vẻ yêu
nhau.”
“Lúc nào anh
cũng nói giỡn được. Em chết rồi, anh phải sống. Lý tưởng của anh còn dài, chưa
xong mà.”
“Không anh
không giỡn. Chết một lần với nhau, không phải là mối tình can đảm, không phải
là mối tình chung thủy, đó chỉ là lời khen tặng phù phiếm của người ta. Đây là
mối tình tuyệt diệu, mối tình bất
tử. Chỉ như vậy
mới có thể định nghĩa được tình yêu không bằng lời lẽ, vì chữ nghĩa không đủ,
không thể diễn tả xứng đáng với giá trị, chỉ hành động mới có thể bày tỏ hết
ánh sáng, chức năng của nó. Chúng ta nên làm như vậy.”
Nếu theo dõi ánh
nắng trong một ngày, đó là hành trình sinh khí của sự sống. Sinh khí sẽ lên cao
nhất tại một thời điểm nào đó trong đời của mỗi người. Cao điểm này không giống
nhau. Có người đạt đến lúc còn trẻ, có người đến tuổi già, đa số ở khoảng tuổi
trung niên. Như nắng trong ngày sẽ có một lúc sáng nhất, nóng nhất. Sau đó, nắng
sẽ giảm xuống, phai nhạt lần. Sinh khí sẽ tan theo thời gian, cho đến khi cạn
kiệt, nắng chiều khuất sau dãy núi. Sinh khí của người vợ đang vào buổi chạng vạng.
Cảnh tối mờ mờ lốm
đốm ánh sáng yếu ớt, bất kỳ là đâu, cũng sẽ buồn, gợi lên những thương tâm. Ông
ăn tối với vợ, lấy ra từ va li hai ly thủy tinh, một chai rượu vang 28 năm cũ,
28 năm vợ chồng. Vợ ông thích rượu vang đỏ.
Bữa ăn tối này có
thể là bữa ăn cuối cùng của hai sinh mạng, cũng có thể là bữa ăn bắt đầu một cuộc
phiêu lưu mới. Ông muốn nó đặc biệt, lãng mạn, thần thánh, và yêu thương. Dùng
iphone mở nhạc vừa đủ, những ca khúc mà vợ ông thường nghe. Thắp ba cây bạch lạp.
Một cho vợ. Một cho ông. Một cho tình yêu.
Bây giờ là phần
thực đơn. Khai vị: hai bánh bèo nhỏ, hai bánh nậm. Tiếp theo, hai bánh ướt nhân
thịt. Món chính gồm hai chén bún bò huế, một chén bánh canh giò heo. Tráng miệng
có bánh da lợn và kem xoài. Mỗi thứ vợ yêu thích, mỗi chút, ông đưa lên gần mũi
bà, cho hơi hám lách vào ống thở, trước khi ông cho vào bao tử của mình. Lần
cuối, em thích ăn cá nướng quấn bánh tráng chấm mắm nêm, nhưng mắm này mang vào
bệnh viện sẽ bị phát giác ngay. Anh cũng không mua được bánh cam vì buổi chiều
bánh bị mềm. Rán ăn cho hết. Nào, nâng ly. Nhìn khuôn mặt vợ tái nhợt, thái
dương chìm xuống, dấu hiệu của người sắp ra đi. Hơi thở nhẹ như ánh trăng.
Ông thích câu thơ đó từ lâu nhưng đến hôm nay mới tỏ tường, thở nhẹ như ánh
trăng là ra làm sao.
… Đêm qua chưa
mà trời sao vội sáng…. Chỉ nghe tim nói nhỏ trở về thôi….(**) Đã đến cuối đường, không trở về được nữa.
Đêm bắt đầu giảm bớt tiếng động, bớt bước chân y tá băng ngang phòng. Ngoài trời
tối đen. Ông biết, đã đến lúc. “Mình ơi. Anh dọn dẹp xong. Chúng ta sẽ cùng
nhau bắt đầu. Đừng sợ. Anh sẽ luôn luôn bên cạnh em.”
Ông mở banh va li
làm hai. Bày tất cả liều thuốc lên bàn đẩy trong phòng. Trước hết, cẩn thận
bưng bình đá lạnh, chứa bịch máu loại máu Ô, cùng loại máu của vợ, đã mua từ
ngân hàng máu. Bên cạnh là chiếc túi da đựng thai nhi khô. Tiếp theo là chai nước
màu hổ phách. Sau cùng, một hộp thuốc trợ lý, Viagra. Quên, cần chai dầu trơn
láng.
Hạ đèn xuống mờ mờ,
vẫn để nhạc nhẹ như ánh trăng, nhưng chuyển qua nhạc êm dịu không lời. Khuôn mặt
vợ trong ánh đèn sương phủ, dù hốc hác, vẫn đẹp. Bây giờ, xương gò má em nhô
cao, giống người mẫu á đông. Thiếu ánh sáng, màu môi đậm xuống, ngâm sợi dây
trong, giống như em đang hút nước dừa trên giường khách sạn. Mẹ kiếp, đứa nào
ăn cắp bớt, mới ba tuần mà ngực em đã nhỏ hơn. Sách nội kinh nói không sai, tóc
bạc chưa hẳn tuổi đời quá cao, nhưng lông bạc thì chắc chắn đã già. Ông tháo những
sợi dây cột, lấy tấm áo nhà thương ra. Khỏa thân là kỳ quan không phải thiên
nhiên, không phải nhân tạo, mà đẹp nhất. Thứ gì có đôi, thì cân xứng. Thứ gì chỉ
một, thì chính giữa. Thứ gì nhiều, thì được bố trí ở những nơi cần thiết, vừa
trang điểm vừa bảo vệ vừa thu hút nhãn quan.
Bắt đầu vào lễ,
ông chuyển nhạc nhẹ qua nhạc thánh thoát trong các vương cung thánh đường. Rồi
xức dầu tinh thể pha bạc hà lên thân thể vợ, nóng nhè nhẹ, thơm hơi hơi, kích
thích tế bào và thần kinh, tạo nên không gian thoải mái, hưởng thụ. Da đôi bàn
tay lướt trên da nằm như thuyền lướt trên mặt nước. Mới đầu sóng êm ả, về sau
sóng dập dìu. Hai tay xoa bóp như nhạc sĩ chơi dương cầm không bằng ngón mà bằng
bàn và cú, tương tựa nhạc sĩ Văn Cao. Xoay qua xoay lại, lật sấp lật ngửa, sờ nắn
cho máy chảy đều hơn, cho da thịt tươi hơn, cho vợ cảm giác hơn, cho ông yêu
thương hơn.
Bất chợt một tiếng
bíp vang lên, rồi vài tiếng bíp khác. Báo động. Con đường xanh trên màn ảnh lơi
dần độ lên xuống. Bíp. Bíp. Bíp … ông biết đường thẳng đỏ sắp hiện ra với hồi
còi te …te … dài vĩnh biệt.
Đã đến phút quyết
liệt. Ông cảm giác toàn thân run lên. Một cơn lạnh từ sau lưng xông thẳng lên
óc, tỏa ra khắp người. Hơi thở nín lại khiến ông cảm thấy xây xẩm. Mắt hoa mờ.
Không được. Không thể để bất cứ điều gì xảy ra. Sẽ làm trễ việc cấp cứu. Sẽ hối
hận. Hít một hơi dài. cố hồi phục bình tĩnh. Lấy ống chích kim, hút đầy nước hổ
phách. Bơm vào miệng vợ để từ từ nước thấm xuống. Bơm hai ống. Xong. Tự cởi hết
áo quần, ông bắt đầu hô hấp nhân tạo kiểu tộc dân Kaammruz. Viên viagra phản ứng
hung hăng khi ông chà xát những nơi thần tiên ngự trị trên mình vợ, nhưng đã thực
tập nhiều lần trong tinh thần những cử động nghiêm túc và thánh thiện của đàn
ông bộ tộc, ông từ tốn vừa hô hấp vừa thần giao cách cảm với vợ. Rồi đến một
lúc, ông nằm áp sát bất động, nghĩ thầm với vợ. Anh thật là yêu em.
Nhạc vẫn vút cao
trang trọng. Vẫn cho vợ uống chặp chặp thuốc kích thích của hội kín Afganistan.
Ông vẫn uống viagra rồi tịnh dưỡng, khi nào cảm thấy có thể xung phong, ông lại
tiếp tục hô hấp nhân tạo. Tất cả diễn ra như một buổi lễ lớn kéo dài suốt đêm.
Và chờ đợi lúc quan trọng nhất của lễ phục sinh phụ nữ. Tiếng bíp vẫn đều đặn,
có lúc hình như tắt hẳn. Ông không quan tâm. Chưa nghe tiếng te dài, ông tập
trung hết sinh lực vào những cử động kích thích sinh lý vô thức, kích thích nhịp
máu vào tim, kích thích sự sống có thể đã từ biệt.
Trời bắt đầu chuyển
màu. Ánh sáng khởi sự leo qua mô hình tròn của trái đất. Sơn lên góc mây một chớm
hồng. Ông biết đã đến lúc. Bằng tất cả những gì thiêng liêng nhất trong tâm hồn,
yêu thương nhất có thể cho, cẩn trọng nhất có thể làm, ông ngâm thai nhi khô
vào bịch máu Ô, chờ cho thai tỉnh thức, phồng lên, mềm dẻo, trơn láng. Ông gác
chân vợ ra hai bên thành giường, tương tựa tư thế sắp đẻ, nhưng lần này, ngược
lại, thai nhi sẽ đi vào tử cung.
Lấy hết những mảnh
vải lót, lau chùi sạch sẽ, mặc lại áo nhà thương, sắp vợ nằm ngay thẳng. Tất cả
diễn ra ngoài mí mắt hôn mê. “Xong rồi em. Anh biết em đang theo dõi. Anh đã
làm hết sức. Bây giờ phải chờ. Em phải cố gắng thức dậy, dù nặng nề, dù khó khăn,
dù nghĩ rằng không thể được. Em hãy tội nghiệp cho anh đã mất một phần đời người
để đoán trước, tìm cách cứu em. Đừng để anh bị cái chết đánh bại. Anh và em nhất
định sẽ chiến thắng. Hãy thức dậy. Trời sắp sáng. ”
Suốt thời gian chờ
đợi, ông thì thầm nói chuyện với vợ, kể lại bao nhiêu kỷ niệm từ lúc mới quen
nhau. Nhiều kỷ niệm nổi bật mang theo tiếng cười, có khi nước mắt. Chúng nó
linh động, ẩn hiện, diễn lại như xem cuốn phim rút ngắn một mối tình dài. Nam
tài tử chính hỏi rằng:
“Phải chăng một
trong vài ước nguyện lớn lao trong
đời là được sống
lâu dài với người mình yêu?”
6 giờ 30 sáng. Cửa
phòng bật mở. Anh bác sĩ trực bước vào.
Ghi:
(*) Trích ý từ
câu truyện: Yente, của Olga Tokarczuk.
(**) Ca từ trong
ca khúc: Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh.
Ghi:
(Sáng tác này
nằm trong phạm vi thử nghiệm: 1- Thực hành chủ nghĩa Metamodernism (Kết Hợp Hiện
Đại). 2- Kỹ thuật theo lý thuyết truyện ngắn của Ergard Poe: Một câu truyện, một
hiệu ứng nhất quán. 3- Hình thức truyện ngắn phối hợp hư cấu và tài liệu (non
fiction) 4- Nội dung, trả lời những câu hỏi:
- Tại sao những người thân yêu của tôi
phải chịu chết? Sẽ mở rộng câu hỏi:
- Tại sao con người phải chịu chết? Dẫn
đến câu hỏi:
- Có
cách nào làm cho con người khỏi chết? Câu trả lời là không, khiến câu hỏi
tiếp theo sẽ là:
- Con
người hôm nay, giữ gìn và phát triển sức khỏe bằng thể dục, thực phẩm, hoá
học và tác dụng điện tử. Nhưng đến một lúc nào sẽ phải hấp hối, sẽ phải chết.
Có thể nào chúng ta phục hồi sự sống khi hấp hối hoặc thậm chí, sau khi chết?)