31 May 2023

LAN MAN MỘT KHÚC CA DAO! - Đoàn Xuân Thu

Có một độc giả gởi vô tòa báo quốc doanh một câu hỏi: “Một mai ai đứng bên kinh? Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Bên kinh đã có con trai. Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu.” Bài này vẫn nghe hát ru em như vậy, có đúng nguyên văn của người xưa hay không? “Kinh” có nghĩa gì khác hơn con sông đào? Sao lại rinh quan tài? Cả bài có ý nghĩa gì?

Thì An Chi, một học giả VC tập kết (1935-2022) trả lời: “Nguyên văn hai câu đầu là: Một mai ai đứng minh tinh (?). Ai phò giá triệu, ai nghinh quan tài?”(Tui không biết ông học giả An Chi lấy hai câu nầy ở đâu ra?)

  1. Minh tinh, trong Nam còn gọi là tấm triệu, là dải lụa dài ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần v.v. của người chết, treo trên một cái giàn nhỏ có đòn khiêng, thường gọi là cái giá triệu, để khiêng đi trước quan tài khi đưa đám tang. Vậy đứng ‘minh tinh’ là có tên trên tấm minh tinh, nghĩa là đã chết.
  2. Nghinh (nghênh) là đón rước. Nghinh quan tài là bưng cái bát hương đi thụt lùi phía trước quan tài để dẫn đường. (Tui tự hỏi: Ði thụt lùi, đưa đít về phía trước, mắt nhìn về phía sau thì thấy đường đâu mà dẫn?)
  3. Còn phò giá triệu là chống gậy tang đi bên cái giá triệu để hộ tống. Nghinh quan tài và phò giá triệu là bổn phận của con trai trưởng (hoặc con trai) và của cháu đích tôn (hoặc cháu nội trai). Vậy “đứng bên kinh” và “rinh quan tài” chỉ là do tam sao thất bản mà ra. (?!)

Rồi ông An Chi ‘tán’ thêm: “Theo chúng tôi, bài này vốn chỉ có hai câu đầu và đây là lời của người vợ không sanh nở nói với chồng: “Thiếp đã không có con, nếu chàng không nghe lời khuyên của thiếp mà cưới vợ lẽ (để kiếm một vài mụn con) thì mai kia, khi chàng về với ông bà, ai sẽ là người nghinh quan tài, ai sẽ là người phò giá triệu cho chàng đây?”

(Tui nghĩ ông An Chi đi quá xa rồi đi lạc luôn. Lý luận ông không dẫn chứng thuyết phục, chỉ do chủ quan suy đoán. Theo ý tui, câu ca dao nầy giải nghĩa cái phong tục tập quán của một lễ di quan theo sách ‘Thọ mai gia lễ’ của Tiến sĩ Hồ Sỹ Tân (1690-1760) quan Hàn lâm Thị chế.

“Một mai ai đứng bên kinh?” Nghĩa là mai kia, mốt nọ xui rủi, lúc chết. Chúng ta có lời bài hát: “Nếu một mai em sẽ qua đời. Hoa phủ đầy người. Xe nhịp đằm khơi… xa xôi.” Theo từ điển Hán Việt thì “Kinh” là mồ mả. Ai đứng bên mồ? Người con trai. Ai phò giá triệu? Tấm triệu là tấm liễn đề tên họ, tuổi tác, quê-quán người chết, được treo trên giá cao khiêng đi trước quan tài: Vai trò cầm giá triệu là của con gái. Ai rinh quan tài? Dĩ nhiên rinh là nặng, nhiệm vụ của đạo tì. Còn nàng dâu chỉ chạm tay vào cho có.

Thực ra câu ca dao nầy còn có hai câu chót nữa là: “Hỏi nào (rằng) chàng rể ở đâu? Chàng rể uống rượu đi sau nói xàm.” Hai câu nầy cho thấy vai trò của chàng rể trong lúc đưa tang. So với con dâu, chàng rể đóng một vai trò không quan trọng bằng. Vì chữ cũng có câu: “dâu con, rể khách”.

Chàng rể chỉ có nhiệm vụ chầu rìa, lo tiếp bà con láng giềng đến chia buồn trong 3 ngày cử hành tang lễ. Tiếp khách đến chia buồn không thể thiếu nhạo rượu. Rồi suốt ba ngày đêm thiếu ngủ nữa nên lúc đưa tang chàng rể đi sau đã xỉn, lảm nhảm nói xàm là một hình ảnh bi hài của một lễ di quan.

Rồi cũng có một tác giả khác đặt vấn đề là: “Cuối cáo phó, nhiều gia đình ghi: “Tang gia đồng khấp báo”. Có người cho rằng dùng chữ “khấp” là sai, phải dùng “khóc” mới đúng. Tác giả nầy phản bác lại có hai ý. Theo tui nghĩ hai ý đó có một trúng; một trật.

  1. Ý trúng là ‘khấp báo’ chớ không phải ‘khóc báo’. Tại sao khấp báo lại trúng? Khấp báo trúng là vì ‘khấp’ là từ Hán Việt đi với ‘báo’ cũng là từ Hán Việt. Trong khi khóc là tiếng Nôm gán với báo từ Hán Việt là đầu Ngô mình Sở, lỏi chỏi nên không trúng.
  2. Ý trật khi tác giả nói nguyên văn như vầy: “Trong tiếng Hán, “khấp” có nghĩa là khóc không ra tiếng (khóc trong lòng), còn “khốc” mới là khóc thành tiếng.” Theo thiển ý của tui: ‘khấp’ khóc trong lòng là không hợp lý. Khấp là khóc không còn ra tiếng là vì khóc nhiều quá; tiếng đã khan, nghe chỉ còn khào khào. Khấp báo là báo một cái tin buồn bã vô cùng tận.

Cũng nên ghi nhớ từ Hán Việt chữ chánh đi sau chữ phụ đi trước. Ví dụ: “Giai nhân: “giai là đẹp, ‘nhân’ là người. Như: tuyệt sắc giai nhân; tuyệt thế giai nhân. (Cũng như nhân vật quan trọng nhứt trong buổi lễ bao giờ cũng xuất hiện sau rốt. Trong bàn cờ tướng của Tàu con tướng chết sau cùng. Khi tướng chết là ván cờ chấm dứt!)

Tiếng Việt thì ngược lại. Chữ quan trọng đi trước.

Thế nên nói chồng vợ là bên đàng trai. Nói vợ chồng là bên đàng gái. Nói chồng vợ là phu xướng phụ tuỳ. Là chàng đi cho thiếp theo cùng; đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam. Còn nói vợ chồng đặt vợ trước chồng sau; là trái thứ tự trong tiếng Việt; vì lịnh ông không bằng còng bà! Vì ông chồng nầy sợ vợ thay vì theo đạo ‘thờ ông bà’ lại bỏ mất chữ ‘ông’ chỉ còn theo đạo “thờ bà”.

Kể từ sau 75, báo chí quốc doanh hay viết nhanh lớn, nhanh già? Nghe sao nghịch kỳ thiên quá xá? Ông bà mình nói mau lớn, mau già. Bắc Kỳ hai nút 75 nói ‘đi nhanh lên’ trong khi dân Miền Tây nói đi mau lên.

Mất Miền Nam giờ mình sắp mất luôn tiếng Việt dấu yêu của người Miền Nam. Không thấy lớp trẻ sau nầy gìn giữ cái đặc sắc, cái độc đáo của phương ngữ thâm trầm sâu sắc của vùng miền! Có người cho đó là chuyện nhỏ như con thỏ, chuyện không quan trọng, nên tui xin lẩy Kiều là: “Lời quê góp nhặt dông dài. Mua vui cũng được một vài trống canh!”

Vui không nổi rồi! Mà buồn biết bao trong tấc dạ khi thấy CSBV nó cố tình hủy diệt tiếng Việt của người Miền Nam.

Đoàn Xuân Thu