Tôi sinh ra ở miền núi nhưng hai mươi năm qua, số phận lại đẩy
về miền biển. Thành phố tôi đang sống là thành phố biển. Ngôi trường tôi học
trước đây cũng nhìn ra biển và văn phòng tôi đang làm việc hiện nay được xây
trên mặt vịnh Boston, bên kia là Đại Tây Dương bát ngát.
Thời gian dài trôi qua, cuộc sống tạm quen dần nhưng ngày mới về đây thật là khó chịu. Nhất là những ngày mưa bão, biển đổi thành màu đen sậm, xa xa một chiếc ghe đánh cá đang về trễ, tăng thêm phần ảm đạm. Biển vừa làm cho tôi sợ hãi khi liên tưởng đến những ngày còn lênh đênh hơn ba mươi năm trước, nhưng đồng thời cũng vừa có một sức hút vô hình khiến nhiều khi tôi đã đứng hàng giờ đăm đăm nhìn ra biển.
Các triết gia thường nói, trong mỗi phút giây chúng ta đang sống
đều có bóng dáng của quá khứ và dấu hiệu của tương lai. Tôi nghĩ họ nói đúng. Đối
với một người Việt Nam tỵ nạn, quá khứ và tương lai không chỉ là bóng dáng và dấu
hiệu thôi; hơn thế nữa, là hai cuộc đời cùng sống, cùng tồn tại, cùng níu kéo
nhau, xô đẩy nhau vô cùng mãnh liệt. Một giọt mưa rơi, một chiếc lá rụng ngoài
hiên, một tiếng sóng vỗ vào bờ đá cũng làm chúng ta choàng thức dậy, lắng nghe
như tiếng có chân ai đang bước. Từ tâm cảm đó, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có lần đã
viết trong bài Từ tiếng hát tiếp nối của anh: “Bàn chân đi, lòng vẫn
mong về.”
Dù sao, các văn nghệ sĩ vẫn là người may mắn vì ít ra họ có
cơ hội để làm vơi bớt đi nỗi u uất trong lòng qua thi ca nhạc họa, bao nhiêu đồng
bào khác, không có năng khiếu văn chương, âm nhạc, phải âm thầm chịu đựng. Nếu
cuộc sống ở hải ngoại không phải quần quật áo cơm, đầu tắt mặt tối, nhiều người
Việt có thể đã chết vì khủng hoảng tinh thần.
Hẳn nhiên tôi không nghĩ vượt biên sẽ nhẹ nhàng như ngồi
trên chiếc du thuyền nhưng tôi cũng không cảm nhận được mức độ của kinh hoàng
cho đến khi chính mình ngồi trên thành ghe mong manh vừa chết máy và đang bồng
bềnh trên biển tháng 6 năm 1981.
Thời gian chầm chậm trôi qua. Một giờ rồi hai giờ. Tiếng cầu
kinh đã dừng lại trên những vành môi khô. Lời niệm Phật đã ngưng trong những
thân xác mệt mỏi. Đất trời đều im lặng. Không ai nói với nhau một lời nào. Trống
vắng. Trống vắng ngay cả trong suy nghĩ của con người. Nhớ thương, hờn giận đều
biến mất. Tất cả như đang dọn mình để bước vào một cuộc đời khác. Không ai tuyệt
vọng bởi vì chẳng còn ai hy vọng.
Và như thế cho đến khi tiếng máy ghe lại nổ, cuộc hải hành
tiếp tục.
Biển mang tôi về lại bãi cát trắng và hàng dương liễu, nơi
tôi đứng thẫn thờ nhìn chiếc trực thăng bay xa, bay xa, mang theo người thân
yêu nhất của tôi. Biển mang tôi về lại phường Cổ Mân, Quận Ba, Đà Nẵng, nơi tôi
sống những ngày đầu tiên không gia đình với người anh họ.
Không ai biết và sẽ không bao giờ ai biết, trên những đồi
cát trắng dọc bờ biển Sơn Chà, từng có một thằng bé mỗi chiều âm thầm đứng nhìn
về phía biển để chờ đợi một tin vui. Tin vui đó đã không bao giờ đến với
nó.
Nếu mai mốt trở về tôi nhất định sẽ đi tìm thằng bé.
Tôi nhớ rất rõ thân hình ốm tong teo của nó khi đứng chờ những
chuyến xe Mỹ chở hàng để xin quá giang qua Đà Nẵng.
Tôi nhớ rất rõ chiếc áo sờn vai thằng bé mặc trong mùa đông,
chiếc chiếu rách, chiếc giường tre nơi nó ngủ. Và tôi cũng nhớ nó, một thằng bé
can đảm, nửa đêm thức dậy ra đi, dù chưa biết sẽ đi đâu. Trên cồn cát trắng
kia, sau ba mươi năm, vẫn còn in dấu chân của nó như đã hằn sâu trong ký ức con
người.
Tôi từng được dạy rằng tôi là chủ nhân của chính mình chứ
không ai khác và ý chí của tôi quyết định cho hành động của tôi chứ không từ
đâu khác.
Học và hiểu thường không quá khó khăn nhưng thực tế không phải
bao giờ cũng dễ dàng như thế. Tôi đi qua cuộc đời này như một chiếc lá vàng khi
chưa đủ tuổi để xanh. Tôi bay trong giông bão và bay qua nhiều biển cả mênh
mông, bao nhiêu lần đã tưởng chừng rơi rụng và mục nát trong một góc chân tường
nào đó.
Những chiều mưa bên Đại Tây Dương, tôi cũng bàng hoàng nhớ lại
Thái Bình Dương, nhớ lại ngày trên biển, nhớ Manila, Palawan, nhớ đến những người
không may mắn như tôi. Dọc bờ biển đó, nơi tôi lắng nghe tâm sự của những em
bé, câu chuyện về những đồng bào bất hạnh, sự chịu đựng của những người sống
sót, để rồi những tháng năm sau, tôi ghi lại trong Em bé Việt Nam và viên sỏi,
Thưa mẹ chúng con đi, và những bài thơ khác.
Trong những người Việt Nam bất hạnh đó có người anh tôi đã
mang ơn, người đã giúp tôi cơ hội vượt biên. Những dòng chữ này như nén hương để
tưởng nhớ về anh.
Tôi vẫn nhớ ngày anh đưa chiếc ghe về, tôi hỏi anh sẽ dùng
nó làm gì. Anh đáp gọn “vượt biên.” Tôi cười không tin anh nói thật, khi nhìn
chiếc ghe quá nhỏ, nhưng cũng chẳng nói gì thêm. Chuyện tàu bè không phải là việc
của tôi, biết hay không cũng chẳng ích gì. Anh mướn người sửa lại, cắt nửa trên
của chiếc ghe và đóng thêm một lớp ván bên ngoài, sửa mũi và lái cao hơn. Anh
mua một chiếc máy nhỏ ở đường Bến Chương Dương đem về gắn vào.
Tháng sau tôi trở lại sông, chiếc ghe cũ đã thành chiếc tàu
có chiều dài mười mét và chiều ngang chỉ một mét rưỡi. Tuy nhỏ nhưng có dáng dấp
một chiếc tàu đánh cá hơn là chiếc ghe đi sông trước đây. Anh bảo tôi vì bụng của
tàu vốn là một chiếc ghe nên chỉ có thể nối cao đến thế là cùng.
Tôi được mấy người thợ đóng ghe đưa đi một vòng quanh
sông.
Ngồi trên sàn ghe nhìn nước sông Nhà Bè màu vàng đục, một cảm
giác bất an chợt dâng lên trong lòng khi nghĩ đến ngày nào đó sẽ ra biển với
chiếc ghe vỏn vẹn mười mét này. Anh bảo đừng sợ, sẽ đi biển được. Anh dặn tôi
xuống tàu sống với anh tài công và đóng vai thủy thủ. Tôi lại cười vì tôi không
rành bơi lội và cũng chưa hề làm nghề buôn bán trên sông, trên biển bao giờ.
Anh nghiêm giọng “Nhưng nếu có chuyện gì xảy ra trên bờ thì chú mày cũng có thể
đi thoát được.”
Tôi biết anh sắp xếp như thế vì lo cho tôi nhưng một phần
khác để tôi khỏi có cơ hội kéo đám bạn bè của tôi theo. Dù đồng ý hay không,
tôi cũng không có chọn lựa nào khác. Tiền bạc và công sức đều là của anh. Anh
xem tôi như một đứa em nhỏ. Mỗi chiều khi anh ở ngoài sông về, chúng tôi thường
hẹn nhau trong một quán rượu. Anh em chúng tôi mướn chỗ để trò chuyện hơn là nhậu
nhẹt vì cả hai đều không biết uống rượu. Hoàn cảnh của anh rất giống tôi. Anh
cũng lớn lên từ Đà Nẵng chiến tranh và nghèo khó. Anh vào Sài Gòn học và học
chung trường đại học với tôi, khác nhau ở chỗ, khi anh lên bậc cao học tôi còn
là sinh viên năm thứ nhất.
Chuyến đi khá bất ngờ. Anh chỉ cho tôi đủ thời gian để về
chào mẹ tôi. Anh không cho biết chính xác ngày giờ vì ngại tôi sẽ dắt theo bè bạn.
Anh biết tính tôi. Tôi hứa hẹn với nhiều người. Một phần tôi chẳng tốn kém gì,
phần khác vì tánh tôi hay chiều lòng bạn. Những đứa được tôi hứa dắt theo đều bị
bỏ lại. Điều này đã gây ra nhiều giận hờn đáng tiếc giữa chúng tôi cho tới tận
ngày nay.
Ngày đi, tôi đóng vai thủy thủ thật. Anh hẹn mọi người tại một
con lạch nhỏ ngoài bìa làng Chu Hải. Tôi theo ghe đến Chu Hải và ngủ đêm lại
trong con lạch để chờ khách vượt biên.
Trời gần sáng nhưng không thấy ai đến cả. Chúng tôi thức dậy
nhìn ra sông. Nước rút hết. Con lạch khô như một con đường làng hẹp. Chiếc ghe
vượt biên của chúng tôi nằm chênh vênh bên bờ lạch.
Chiếc bánh lái nhỏ như chiếc quạt để bàn đang phơi mình trên
cạn. Nhìn bánh lái, tôi thầm tự hỏi, với món đồ chơi trẻ em này làm sao chẻ nổi
sóng biển Đông. Mãi đến sáu giờ sáng, nước bắt đầu dâng lên và khách vượt biên
không biết từ đâu cũng dần dần xuất hiện.
Mọi người lo ngại nhìn chiếc ghe nhỏ nhoi trong lúc mặt trời
sắp mọc. Công an và du kích có thể đến bất cứ lúc nào. Nhiều người lo sợ bỏ về.
Anh tài công lẽ ra phải lái chiếc ghe cũng bỏ cuộc. Nhưng nhiều người khác,
trong đó có tôi, quyết chí ra đi.
Một người khách tự động nhận trách nhiệm lái chiếc tàu. Và
như thế, chúng tôi đi. Chiếc ghe nhỏ trôi bồng bềnh trên biển Đông hai ngày hai
đêm. Mệt mỏi nhiều hơn là đói khát. Cuối cùng sau bốn chục giờ và một lần máy
chết, tưởng như sẽ chết, chúng tôi được một tàu hải quân Mỹ vớt.
Tôi nhận thư anh trong thời gian tạm trú ở đảo Palawan. Anh
đang lo đóng một chiếc ghe khác, lớn hơn và chắc chắn hơn nhiều so với chiếc
ghe bầu sửa lại mà tôi đã đi. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở đảo, nếu không kịp, hứa
sẽ tìm nhau dù ở nơi nào. Trong lá thư cuối cùng, anh báo tin đang chuẩn bị ra
đi.
Anh ra đi thật nhưng không bao giờ đến. Bà con anh ở Đà Nẵng
và khách vượt biên gần cả trăm người cùng đi với anh cũng không bao giờ đến.
Anh đã chết như hàng trăm ngàn đồng bào khác đã chết trên biển Đông.
Tôi mang ơn anh nhiều lắm. Không có sự giúp đỡ của anh, hôm
nay có thể tôi còn lang thang một nơi nào đó ở Việt Nam. Tôi đặt tên đứa con
gái út của tôi cùng tên với con gái duy nhất của anh để kỷ niệm cho tình anh em
tuy ngắn ngủi nhưng đầy biến cố của chúng tôi.
Bao nhiêu người Việt đã chết trên biển khơi như anh. Theo ước
lượng của nhiều cơ quan thiện nguyện quốc tế, khoảng nửa triệu người đã chết
trong gió bão, trong đói khát, trong bàn tay hải tặc từ sau 1975. Thật ra, con
số đó cũng chỉ là con số tượng trưng, cần đó để điền vào khoảng trống của một bảng
thống kê.
Tôi tin không ai biết và sẽ không bao giờ biết được bao
nhiêu người Việt Nam đã chết trên biển Đông từ sau mùa bão lửa 1975.
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc những lời kêu gọi, những giải
sáng tác văn thơ, tự truyện, khuyến khích đồng hương còn sống sót, viết lại, kể
lại cuộc đời tỵ nạn, kinh nghiệm vượt biên như những bài học lưu truyền cho hậu
thế. Vâng, đó là những cố gắng tốt nhưng ai sẽ là người cầm bút viết ra đây.
Tôi và một số bà con khác đã kể lại vì chuyến đi của chúng
tôi tuy hồi hộp nhưng không gây nhiều thiệt thòi, mất mát. Trong lúc những câu
chuyện cần được nghe, những bài học cần được kể lại, sẽ không bao giờ được kể.
Làm sao tả được cảnh những người phụ nữ Việt Nam nằm trần
truồng trên sàn ghe như những con cá vừa được kéo lên, đang chờ mổ bụng, ướp
đá?
Làm sao tả được tâm trạng của người chồng bị trói chặt, nhìn
người vợ mang thai bị hải tặc hiếp dâm trước mắt?
Làm sao tả được tiếng kêu của em bé lên sáu, lên năm khi
nhìn xác mẹ mình bị ném xuống biển sâu?
Làm sao tả được cảnh người thoi thóp phải ăn thịt người vừa
chết để kéo dài sự sống trên chiếc ghe chết máy lênh đênh nhiều tháng trời trên
biển Đông?
Không, những câu chuyện vượt biên bi thảm là những viên đá
nghìn cân đè nặng lên số phận của đồng bào bất hạnh và sẽ muôn đời ở lại trong
lòng biển.
Bên trong chiếc cửa kính dày của văn phòng làm việc, vào những
ngày giông bão, những ngọn sóng lớn đánh vào bờ đá, tung bọt cao đến tận chân
tường, gió thổi mạnh đến nỗi xé nát những tấm bảng quảng cáo cắm dọc bến tàu.
Những lần như thế, tôi ngồi tưởng tượng đến những điều kỳ lạ có thể đang xảy ra
trong vùng nước phía bên kia. Tôi cảm giác như có một xác chết đang trôi, một
bàn tay vừa nhô lên mặt nước, một tia máu vừa phọt ra từ miệng cá.
Tôi cố lắng tai nghe nhưng không nghe gì cả. Lớp kiếng cách
âm dày đã ngăn giữa căn phòng ấm áp nơi tôi làm việc và giông bão phía bên kia
như ngăn cách giữa hiện tại no đủ và quá khứ đầy thiếu thốn của tôi.
Nhưng nếu không có lớp kính dày kia liệu tôi có nghe được gì
không?
Vẫn có thể là không. Cuộc sống xứ người đã cuốn tôi đi xa,
xa đến mức nhiều khi không còn biết mình là ai nữa.
Tôi vẫn đọc mỗi ngày bao nhiêu tin buồn về đất nước, tôi đã
thấy mỗi ngày bao nhiêu cảnh bất công đè nặng lên số phận đồng bào. Nhưng,
ngoài trừ những bài thơ, bài văn viết khi nhàn rỗi, tôi vẫn dửng dưng nhìn bàn
tay của những em bé Việt Nam năm sáu tuổi đang vẫy mời những khách mua dâm ở
Campuchia, và tôi vẫn lạnh lùng nhìn giọt nước mắt của những cô gái Việt Nam
đang chảy trên đường phố Đài Loan.
Phải chăng con đập áo cơm đã ngăn đôi dòng sông lý tưởng thời
tuổi trẻ của tôi?
Phải chăng hàng rào danh lợi đã che khuất đi khả năng để biết
lắng nghe tiếng kêu gào thống thiết của quê hương và cả tiếng gọi của chính
trái tim mình?
Có thể cả hai. Biển, vì thế, vẫn lặng yên, câm nín như nỗi
đau của đồng bào tôi và đất nước tôi.