30 May 2023

TẾT ĂN BÁNH TÉT - Hoàng Long Hải

Họp “Phụng Hoàng” xong, tôi nói nhỏ với Thiếu úy Nguyễn Tấn Kiệt, “phụ tá đặc biệt” của tôi:
-“Chút ông qua phòng tui.”
Vừa về văn phòng, chưa kịp ngồi, Thiếu úy Kiệt đã vô, tôi nói liền:
-“Ông ngồi xuống đi. Tụi đang nghĩ tới thằng cha Hiệp đây!”
Thiếu úy Kiệt hỏi:
-“Hiệp Vàm Rầy?”
-“Chớ ai.”
Vàm Rầy, trong Nam thường gọi “vàm” là “dzàm”. Là một khu dân cư ở đầu cầu Vàm Rầy. Khu nầy có khoảng vài chục căn nhà, dọc bờ kinh Rạch Giá / Hà Tiên, kế một cái chợ thật vắng, chẳng thấy họp chợ bao giờ. Dãy nhà bên hông chợ, phía đầu kế ngoài đường lộ là quán cà phê hủ tiếu của một cô gái khoảng trên hai mươi tuổi, không đẹp, không xấu, dáng người cao, chưa chồng.
Đó là nơi chúng tôi thường tụ họp, không ăn hủ tiếu thì cũng uống cà phê. Cả hủ tiếu với cà phê đều dở, nhưng quán nầy là quán độc nhất ở đây, không ghé vô đây thì chỉ còn ngồi bên đường, như “ăn mày”. Tôi thường nói đùa như vậy. Có lần, tôi với Trung tá Hồ Đàn, Thiết đoàn Trưởng Thiết đoàn 16, trải bản đồ trên mặt bàn trong quán để chấm tọa độ cho đại bác 105-ly nổ chụp “bọn chúng” đang nghỉ chân trong “kinh Kháng Chiến”.
“Cô nàng” chủ quán, không có chi đáng ngại về việc cô ta có thể làm giao liên cho Việt cộng. Hôm Việt cộng đánh vô xã, tức địa điểm nầy, có mấy tên du kích biểu cô làm hủ tiếu cho chúng ăn mà không trả tiền. Nghe cô ta phiền, tôi nói đùa:
-“Em gái hậu phương” – tôi và Trung tá Đàn thường gọi đùa cô ta như vậy, gọi riết rồi tôi không biết cô ta thứ mấy, tên gì – “cứ đòi ngay ông Phó Nghiêm” – Phó Quận Trưởng Nguyễn Đức Nghiêm.
Tôi cũng gọi đùa ông Phó Nghiêm là “ông Thần Tài” – hễ nơi nào có đánh nhau, nhà cháy, có người dân thường chết hay bị thương, là ông mang giấy tờ tới. Nhà cháy thì được ông ghi tên vô danh sách “Bồi thường Chiến tranh”, lãnh bốn chục ngàn và hai mươi tấm “tôn” lạnh – tôn bằng nhôm, của Úc, không nóng như tôn thiếc. Tôi không rõ về người chết và bị thương thì được “bồi thường” bao nhiêu.

Có lần tôi cãi với ông Phó Nghiêm:
– “Sao gọi là “bồi thường”. Mình gây ra mới “bồi thường” chớ. Việt cộng tấn công vô, gây ra tai họa chớ mình có làm gì đâu?”
Ông Phó Nghiêm, vốn dĩ “dân Bắc kỳ” mà lại “vô sự”, có nghĩa là ông không “rắc rối” như tôi, “dân trọ trẹ”, cưới nói:
– “Người ta đưa cho mình một danh sách có tên như vậy, cứ thế mà làm. “Cứ thế cứ thế” mà.”
“Cứ thế cứ thế” (CTCT) là tiếng gọi đùa Thiếu úy Thịnh, mới về Chi khu, xuất thân khóa 2 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị (CTCT).
Một lúc ông Phó Nghiêm nói thêm:
-“Tiền viện trợ Mỹ mà, coi như tiền… chùa. Cho dân hưởng thoải mái.”
Phía trong cùng, sát bờ kinh là nhà Xã Trưởng Ngô Văn Àn. Hôm Việt cộng tấn công, ông ta và anh con trai lớn, Cảnh sát viên Ngô Văn An, lui xuống nhà bếp, rồi trượt xuống bờ kinh, núp dưới đó.
Tôi nói với Thiếu úy Kiệt:
-“Hôm Việt cộng tấn công, thằng cha Hiệp không có mặt ở cuộc.”
-“Nó ở nhà con vợ bé, trong Xóm Biển.”
-“Nó không sợ? Bộ trong Xóm Biển không có giao liên?”
-“Không đâu! Xóm Biển hầu hết làm nghề biển, tụi nó không móc nối được. Dân “xóm Đồn Giữa”, “xóm Chủ Ry”, “xóm Rượu” đi làm đồng mới dễ bị Việt Cộng bắt chẹt.”
“Xóm Đồn Giữa” là xóm nghèo, dân tứ xứ mới tìm tới ở mấy năm nay, từ hồi có hiệp định Paris càng đông hơn. Xóm nằm từ “Đồn Giữa” – đồn Nghĩa Quân nằm giữa Kinh Lình Quỳnh và Kinh Vàm Rầy – tới đầu cầu Vàm Rầy. “Xóm Chủ Ry” là xóm cũ có nhà ông Henry, thân phụ “Chị Tư Nết”, tức Annette, tức bà vợ ông Đại tướng, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Hồi trước 1945, ông Chủ Ry có vài ngàn mẫu ruộng, vài trăm con trâu – để cày ruộng – Ruộng ông nhiều lắm, ông phải cho đào kinh xã phèn, trong bản đồ quân sự còn ghi tên “Kinh Chủ Ry”. Sau khi “Thổ dậy”, rồi tới Việt Minh khủng bố, ông bỏ xứ đem gia đình chạy lên Rạch Giá, sau khi Tây chiếm lại thị xã nầy.
Ông Chủ Ry thì “theo Tây” nhưng chú Út, em út của ông thì lại “theo Việt Minh chống Tây”, bị Tây bắn chết, mộ chôn bên kia kinh, ngang nhà ông ta. Xóm Chủ Ry bây giờ còn cái nền nhà của ông và mấy ngôi mộ sơn trắng của gia đình ông, nằm kế bên con lộ Rạch giá / Hà Tiên.
“Xóm Rượu” là xóm có lò nấu rượu của hai anh em ông Tư, ông Năm Rượu, nằm xa phía trên, ngang “Xóm Đạo” bên kia sông.
Dân xóm nào cũng nghèo, kiếm ăn từng ngày. Họ “đi làm đồng” là đi giăng câu, đặt lợp, đốn tràm, sống “thiếu trước hụt sau”. Giăng câu, đặt lợp thì tôm cá không bao nhiêu, đốn tràm bán cho Tư Trạng, chủ vựa cũng khổ không kém chi, thường bị du kích – Việt cộng, dĩ nhiên – nghiêm cấm, bắt giữ, tịch tu dao búa, cưa xuồng.
Lệnh của Việt cộng là:
“Đốn tràm khô đâm mồ chiến sĩ,
Đốn tràm xanh rước Mỹ về nhà…..”

Đốn hết tràm làm cho đất thành trơ trụi hay thưa ra thì Việt Cộng trốn ở đâu. Chỉ có ai là thân nhân của du kích hay phải làm giao liên cho chúng, chúng mới cho đốn tràm.
– “Tại sao thằng cha Hiệp đêm đó không có mặt ở cuộc. Nó biết trước nó tránh đi hay tình cờ?”
Thiếu úy Kiệt hỏi ngược lại tôi:
– “Đại úy nghi nó làm Việt Cộng?”
Tôi cũng nói ngược ông Kiệt:
-“Ông là người chỉ huy trực tiếp nó, ông phải biết rõ nó hơn tui. Sao ông lại hỏi tui?”
Kiệt nói:
-“Thằng cha nầy ham nhậu, ham gái. Tui không nghĩ nó theo Việt Cộng!”
-“Nó có bị gài không?” Tôi hỏi.
-“Đại úy nói con vợ bé nó gài nó?” Kiệt hỏi lại.
-“Việt Cộng là chúa gài, “thủ đoạn”. Đừng để tụi nó qua mặt mình.” Tôi nói.
-“Không gài đâu.” Thiếu úy Kiệt lại nói. “Con vợ bé nó sáng đi theo ghe chở cá, ra Rạch Giá giao hàng cho Tư Sậm, xong tính tiền, chiều đem tiền về. Không nghi có lý do con mẹ nầy vô đồng làm giao liên cho Việt Cộng.”
-“Khi tấn công vô cuộc, Việt Cộng có điều nghiên. Chỗ nào văn phòng, chỗ nào để súng, chỗ nào hầm Truyền Tin, chỗ nào phòng ngủ của Thiếu úy Huệ, Thiếu úy Trực… Bằng cách nào tụi nó biết. Thằng cha Hiệp có qua con vợ bé báo cáo cho Việt Cộng không?” Tôi hỏi.
-“Trụ sở cuộc, dân chúng vô ra hằng ngày, văn phòng có che dấu gì đâu. Hầm truyền tin thì ngay trước sân. Vô ra ai cũng thấy, cần chi tới thằng cha Hiệp.” Thiếu úy Kiệt góp ý.
-“Với lại…”
-“Với lại chi?…” Tôi hỏi tiếp câu bỏ lửng của Thiếu úy Kiệt.
Thiếu úy Kiệt vừa nói vừa cười:
-“Tướng con vợ bé thằng cha Hiệp dâm lắm. Đã ngủ đoản mà cặp lông mày như sâu róm. Hai người nầy cặp nhau chỉ ham có chuyện đó, ham chi “cách mạng cách miếc” mà làm giao liên.”
Tôi cũng cười, nói: “Đa mi đa hộ mao!”
Nhớ hôm ra Rạch Giá, tôi và mấy người bạn ngồi chung quanh bàn ăn, Thiếu tá Trinh kể chuyện ở Giồng Riềng, Cảnh Sát Đặc Biệt đi kích, gặp chiếc ghe nhỏ, trên ghe có hai “anh chị” du kích ngủ say như chết, áo quần còn hở hang, chắc xong rồi chưa kịp mặc.
Thiếu tá Trinh nói: “Hôm qua “mần” nhau môt trận dữ dằn lắm hay sao mà tới sáng còn ôm nhau ngủ như chết; súng nổ cũng không biết, đi luôn. Chết đến nơi còn chưa buông.” Nói xong Trinh cười ha hả. Cả đám cười theo. Tôi nói: “Trời sinh mà ông! Trời cho sướng vô cùng, ai mà không ham! Không phải là yêu nhau chân thật sao?”.
Tôi cười, lại nói thêm: “Thật” không thì không biết. “Chân” thì có “chân”. Hai chân chổng lên trời, hai chân xuôi theo giường.”
Thiếu tá Trinh cũng cười: “Hoan hô “Mối tình “chân.” Có lẽ Trinh muốn nhại tên một truyện dài của Nhất Linh.
Tôi lại hỏi Thiếu úy Kiệt:
-“Từ hôm giải toả xong tới giờ, thằng cha nầy có báo cáo gì không?”
-“Không!” Thiếu úy Kiệt trả lời gọn lỏn.
Một lúc sau, tôi nói:
-“Mình có 7 xã, Vàm Rầy là nặng nhất, vừa ngang trên đường giây 1C, vừa nhiều nguồn lợi, cá, tràm, máy cày, lúa… Tụi nó bám kỹ lắm. Nếu thằng cha Hiệp phụ trách vùng dó không có kết quả gì thì phải thay người giỏi hơn. Ông cho gọi nó về trình diện ông, giải thích cho y rõ. Biểu Năm Hùng chỉ biểu thêm kinh nghiệm cho thằng chả. Năm Hùng từng làm Trưởng ấp Vàm Rầy cả chục năm, hồi còn “Đặc Khu Hòn Sóc”, rành rẻ dưới đó. Nó mà không có kết quả gì chắc phải cho nó đi xã khác.”
Thiếu úy Kiệt “dạ” rồi bước ra.
Gần Tết, Thiếu úy Kiệt vô văn phòng tôi, nói:
-“Xong rồi, Đại úy.”
Tôi hỏi:
-“Gì xong?”
-“Thằng cha Hiệp.
-“Nó làm gì hả?” Tôi hỏi.
-“Thiếu úy Chiếu vừa tịch thu xong một trăm cặp bánh tét ở Vàm Rầy, nhà Tư Lừng, tiếp tế cho tụi Tư Ngọc ăn Tết. Thiếu úy Chiếu sẽ giải Tư Lừng lên.
-“Tư Lừng nhà đối diện nhà thầy Côn, phải không?” Tôi hỏi.
Thiếu úy Kiệt trả lời:
-“Đúng đấy!”
Tôi cười:
-“Cái nầy không phải “Trẻ Tạo đành hanh” đâu nghe. Tự dưng ông “Côn” làm nhà kế ông “Lừng”. Hai ông tự đến với nhau chớ đâu phải do ông trời sắp đặt mà trách trời.”
Nghe tôi nói, Thiếu úy Kiệt cũng cười.
Một lúc cười xong, tôi hỏi Thiếu úy Kiệt:
-“Công của “ông” Hiệp?” Tôi hỏi.
-“Vâng! Nó lên bây giờ, trình diện đại úy.” Thiếu úy Kiệt nói.
Tôi gọi tài xế Thành, biểu kêu hai ca phê cho tôi với Thiếu úy Kiệt. Tôi nói thêm với tài xế Thành:
-“Chút nữa có thêm mấy người, “ông” nhớ hỏi họ uống gì kêu thêm.”
Nửa giờ sau, trong khi tôi và Thiếu úy Kiệt đang ngồi nói chuyện chơi thì Thiếu úy Chiếu với Cảnh sát (đặc biệt) Hiệp đi vô. Sau khi chào hỏi xong, biểu ngồi xuống, tôi hỏi Thiếu úy Chiếu:
-“Bữa nay Phó Nghiêm làm gì ở dưới?”
-“Cả đám ở dưới. Vui lắm. Tỉnh đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn, ty Xã Hội với ông Phó Nghiêm.” Thiếu úy Chiếu trả lời.
-“Phát bao nhiêu gạo mà đông vậy?” Tôi hỏi.
-“Mỗi nhà một bao một trăm ký. Chưa phát tiền, hình như trên bộ chưa đem tiền về. Tôn cũng vậy?” Thiếu úy Chiếu lại trả lời.
-“Có bao nhiêu nhà bị cháy đâu mà phát nhiều vậy?” Tôi hỏi.
-“Xã Àn ghi tên hết toàn xóm. Ai xin ông cũng cho. Gởi qua em xác minh, em cũng ký tuốt. Gạo gì của mình đâu!” Thiếu úy Chiếu cười trả lời, vẻ thích thú.
Một lúc, Thiếu úy Chiếu hỏi tôi:
-“Đại ca nhớ con Bạch chủ quán cà phê Xóm Biển không?”
-“Nhớ chớ sao không? Bữa tui ghé, nó săn đón nồng nhiệt lắm, cười tình với tui hoài, “ỏng ẹo” buồn cười thiệt; con nhỏ mặt mày phúc hậu đó chớ!
Nhưng tui lơ luôn, tới có một lần rồi thôi.”
-“Em biết rồi!” Thiếu úy Chiếu trả lời tôi. Xong, anh ta nói tiếp: “Đại ca mà tới hoài, chết nó luôn.”
-“Ông nghĩ bộ tôi không biết à?” Tôi nói.
-“Đại ca tới hoài, con nhỏ đóng cửa tiệm luôn.”
-“Quán nó sống được,” tôi nói, “là nhờ mấy thằng đánh cá biển. Sáng tụi nó ngoài biển về, ghé cà phê Bạch uống cà phê, ăn nhậu, trưa về ngủ, chiều đánh cá tiếp. Tui ngồi chình ình đó, mấy thằng trốn quân dịch đâu dám tới, “chết” quán con Bạch. Ông nghĩ vậy chớ gì?”
Thiếu úy Chiếu cười:
-“Đúng y chang.”
-“Vậy ông có biết tội gì không?” Không chờ trả lời, tôi nói tiếp: “Tán trợ bất phục tùng” đó. Tránh mặt cho tụi nó ăn nhậu, tuy không có chứng cớ, nhưng rõ ràng là vậy. “Em gái hậu phương” phải biết vậy mà cám ơn tui chớ!
-“Con nhỏ Bạch chịu đại ca lắm đó. Ông vô nó chịu đèn ngay.” Thiếu úy Chiếu vừa nói vừa cười.
-“Chịu thôi! Chịu thôi. “Hà Đông sư tử hống!” Ông biết không?”
-“Con Bạch cũng được lảnh gạo?” Tôi lại hỏi.
-“Nó lảnh hai phần, hai trăm ký. Không biết nó khai sao mà hay vậy!” Thiếu úy Chiếu nói.
-“Ông cho luôn?” Tôi hỏi.
-“Cho luôn. Gạo Mỹ mà, tiếc chi? Thằng cha thương phế binh ở đồn giữa, khai ba phần, ba trăm ký, em cũng cho luôn.” Thiếu úy kể, hào hứng.
-“Thằng thương phế binh nầy có báo cáo “chống Mỹ cứu nước”, có phải không?” Tôi hỏi.
Thiếu úy Kiệt trả lời:
-“Có”.
-“Mỹ là vậy đó. Đem gạo cho người ta mà đi đâu người ta cũng ghét. Mấy ông biết sao không?”
Không ai trả lời, một lúc tôi nói:
-“Đem gạo cho dân thì lâu lâu mới có, còn súng đạn thì ngày nào không có. Thằng cha thương phế binh ngày ngày nó nhìn cái chưn què của nó, nó trách ai? Chiến tranh! Tại vì tụi ngoài kia xâm lược hay tụi Mỹ gây chiến tranh. Tui rất “thần tượng” ông Washington, ông Jefferson, nhưng bọn “buôn bán chiến tranh” ngồi ở “Man-Hát-Tan” như Sương Biên Thùy nói thì có cảm tình sao được. Chiến tranh cũng do bọn đó nữa chớ. Mỹ cứ phát cơm áo cho dân quê hằng ngày, cho bọn trẻ con học hành bình an thì Việt Cộng làm gì được chớ! Người Mỹ có hiểu gì người Việt mình đâu, thành ra viện trợ… trật lất. Vô ích.
Ai nấy không nói gì thêm. Để tránh cái không khí nặng nề, tôi quay qua hỏi cảnh sát Hiệp:
-“Đầu đuôi ra sao?”
-“Dạ! Bữa hổm ở đây về, Em cũng lo. (Cảnh sát Hiệp lớn hơn tôi mấy tuổi, nhưng y xưng “em” với tôi, giống như nhiều người trong ngành). Em kể chuyện với con vợ bé của em. Nó hỏi em:
-“Anh có muốn lập công không? Có công thì ông Đại úy tha, cho anh ở lại đây chớ gì? Dễ lắm, để tui lo.”
“Em làm thinh, cũng tin vợ chút chút. Tuần rồi, vợ em đem cá ra Rạch Giá về, gặp vợ Tư Lừng xin quá giang. Vợ em cho đi. Nó đem về mấy thúng dừa khô với đậu xanh. Hỏi làm chi. Vợ Tư Lừng nói “gói bánh tét”. Năm ngoái, người ta nói nhà Tư Lừng gói cho Tư Ngọc (Tư Ngọc là Trưởng ban Kinh tài xã Đức Phương, tức Vàm Rầy), một trăm cặp. Năm nay gói nữa là gói cho Tư Ngọc chớ gì. Xứ nầy, ai nấu nấy ăn, ai giàu có gì đâu mà nấu nhiều.
Môt lúc, Cảnh sát Hiệp kể tiếp:
“Xong rồi vợ em giả bộ tới nhà Tư Lừng đặt tiền cọc, nhà nó sát bờ kinh. Gói xong rồi, Tư Lừng chuẩn bị cột dây để giòng xuống kinh.
Thiếu úy Chiếu chen vô, giải thích:
-“Đại ca biết không! Giòng bánh xuống kinh, đáy kinh lạnh, giữ được lâu. Khi em dẫn đệ tử “Tám Hông-đa” tới khám, tìm không ra mối giây. Té ra thằng cha Tư Lừng nầy cũng phòng xa. Đầu mối giây nó không cột trên bờ. Nó đóng cọc ngay dưới mặt nước, phải mò tay xuống mới nắm được. Em cũng tinh ý, nghi rồi, em dò chừng mé kinh từ đầu nhà tới cuối nhà, thấy đầu cọc, thò tay xuống, thấy mối giây. Nặng thấy mẹ, một trăm cặp.
-“Tư Lừng khai làm sao?” Tôi hỏi.
-“Tư Ngọc đặt nó nấu, trả công cao, hình như Tư Ngọc chuẩn bị cho một đám “xâm lược” (Bắc Việt xâm lược) từ Kampuchia qua, chờ sau Tết thì theo 1C mà về Chương Thiện.” Thiếu úy Chiếu báo cáo.
-“Ăn Tết chỉ có một cặp bánh tét?” Tôi hỏi.
-“Trong mật khu chớ có phải Saigon đâu mà đòi “thịt mỡ dưa hành”. Vậy là may lắm rồi.” Thiếu úy Chiếu trả lời tôi.
-“Ông giải Tư Lừng cho Năm Hưng lấy lời khai chưa?” Tôi hỏi.
-“Xong rồi!” Thiếu úy Chiếu trả lời.
Tôi quay qua Thiếu úy Kiệt:
-“Ông nói Năm Hưng (ban khai thác) kết thúc sớm, giải giao về cho F. (Cảnh Sát đặc biệt cấp tỉnh). Tết nhứt, trong khám mình không có tù, ăn tết thoải mái.”
Thiếu úy Chiếu hỏi tôi:
-“Giải quyết “chiến lợi phẩm” làm sao đại ca?”
-“Ông làm gì chưa?” Tôi hỏi.
-“Chưa? Chờ Đại úy!” Thiếu úy Chiếu trả lời.
-“Đừng cho ai ăn. Không đáng chi mấy cái bánh tét, tụi nó thưa ra, mấy thằng cha dân biểu đối lập lợi dụng làm tùm lum, mình bị “điều tra, ăn bánh của dân”, “ăn khế trả vàng”, bực mình lắm.” Tôi nói.
-“Làm sao? Để vài bữa, bánh hư hết.”
“Ăn khế trả vàng” là câu tôi thường nhắc nhở mấy ông cấp dưới của tôi: Mình ăn hối lộ mười đồng. Cấp trên xuống điều tra, mình đút lại cho tụi nó ăn một trăm, mới yên thân. Vậy là “ăn khế trả vàng”. Mình ăn hối lộ “phương trình bậc một”, thanh tra ăn lại “phương trình bậc hai.”
Trưa hôm đó, gặp thầy giáo Xinh, Hiệu trưởng trường Tiểu Học ở quận, tôi kể chuyện một trăm cặp bánh tét. Thầy Xinh cười:
-“Dễ thôi. Ông đem qua bên trường sơ cấp Vàm Rầy, phát cho học trò mỗi đứa một cặp; vậy là xong ngay; mấy thằng chả “đối lập chống Thiệu” có muốn khai thác, cũng chẳng làm gì được, trơ mắt ếch mà nhìn.
Ý kiến “thần sầu”, tôi nói đùa với thầy Xinh, rồi liền gọi Truyền Tin cho Thiếu úy Chiếu, biểu cho Xã Àn ký nhận trăm cặp bánh; xong, sáng mai đem qua trường phát cho học trò. “Tui sẽ xuống chơi. Chờ tui xuống.” Tôi dặn Thiếu úy Chiếu như vậy.
Sáng hôm sau, tôi xuống Vàm Rầy. Bọn học trò đang học, bỗng nhiên, được Xã trưởng, cô giáo gọi ra sắp hàng, mỗi đứa được cho một cặp bánh tét, đem về ăn Tết. Bọn con nít hí hửng ra về, xách cặp bánh tòn ten, vui cười, chuyện trò om sòm. Ai thấy cũng v
Mất bánh, mất tiền, Tư Ngọc giận lắm mà không làm gì được Quốc Gia.
Một hôm, Hai Quẹo, nguyên là du kích địa phương, bị thương vì bị trực thăng bắn. Sau khi chữa lành ở bệnh viện Rạch Gia, y trở lại Vàm Rầy, lo làm ăn, nuôi vợ con, không theo Việt Cộng nữa. Y đi giăng câu, gặp Tư Ngọc.
Tư Ngọc hỏi Hai Quẹo có ăn bánh tét của Cảnh Sát phát không? Vô tình Hai Quẹo nói có. Tư Ngọc liền chặt đầu Hai Quẹo cắm lên đầu cọc tràm ở cuối kinh, ghi bản án: “Cướp tài sản của “cách mạng”. Thấy cái đầu lâu Hai Quẹo, ai cũng giật mình.
Nghe Thiếu úy Kiệt báo cáo vụ Tư Ngoc chặt đầu Hai Quẹo xong, tôi nói: “Ác giả ác báo”. Cuộc chiến chưa tàn mà.
Mùa Hè năm 1974, Tư Ngọc với mấy tên du kích về thu thuế máy cày phía ngoài “mật khu Trà Tiên”, bị Ba Thân, Trung đội Trưởng Thám Báo Chi Khu, phục kích bắn chết khi y đang ngủ trên võng; mình lỗ chỗ tới mấy chục phát đạn AK.
Đời có ân, có oán cả!
Tuy nhiên, nói cho cùng, cũng là “huynh đệ tương tàn”.

Hoàng Long Hải