15 June 2023

BIÊN ẢI - Võ thị Xuân Hà

1. 
Căn nhà biệt lập nằm thấp lè tè so với núi rừng âm u bao quanh. 
Mấy cô gái đang ngồi ủ rũ. 
Cô gái mới bị đẩy vào ngơ ngác: 
– Chị ơi, đây là đâu? 
Tiếng cười khan: 
– Thế mày nghĩ đây là đâu? Là nhà chồng chắc. Mày bị bồ bán hay bị thằng nào lừa? 
Cô gái trẻ hốt hoảng nhìn quanh: 
– Em không còn nhớ hôm trước gặp ai nữa. Em bị tống vào phòng, bị lão chủ giam. Rồi sau thì không còn nhớ gì nữa. 
Rồi những tiếng đục khàn vang lên trong âm u núi rừng: 
“Nói cho mà biết, đây là biên giới mù tịt. Nghĩa là chỉ có giang hồ thảo khấu đĩ điếm, những loại trốn tù, trốn trại, buôn hít, cờ bạc… Muốn sống cũng phải biết nghe theo lời chúng tớ, nhé. Mà đừng có ý tự tử đấy. Đây không có hứng giúp những loại ấy…” 
Cô gái trẻ uể oải đứng dậy vào buồng tắm. 
Cô đứng ngây nhìn những giọt nước rơi từ cái vòi gỉ xuống nền đá lạnh. Vừa khóc sụt sùi vừa tắm.    
Tiếng cửa mở đánh uỳnh. Lão buôn người bước vào. 
Cô gái trẻ vẫn rúm ró bên trong nhà tắm. Cô cố nhóm người nhìn qua ô cửa sổ nhà tắm bé tí xíu. Từ ô cửa sổ này cô nhìn thấy những vệt rừng già trải xa tít tắp. 
Tiếng lão buôn người: 
– Con kia đâu? Ra đây. Chúng mày chuẩn bị ngày mai sang bên kia đổi đời nhé.   
Rơi vào chốn tận cùng rồi, Mẹ Eva ơi. Cô ôm ngực rúm ró bước ra khỏi phòng tắm. Đôi mắt cô nhìn xuống đôi bàn chân trần của mình. Lão buôn người đưa tay sờ nắn cô như món hàng cần kiểm định. Bàn tay gã là bàn tay của quỷ không đầu, đâu còn cảm giác yếu đuối hay run rẩy của con người nữa. Không biết điều đó nên cô rúm người lại khi bàn tay chai sần đến thô bỉ của gã chạm vào. 
  Lão buôn người đi khỏi, mấy cô gái bàn cách trốn khỏi nơi này. Họ tự vẽ một bản sơ đồ đơn giản. 
“Chỗ này tiếp giáp biên giới. Đường rừng rất hiểm trở. Chỉ có đi dọc phía bên kia theo con suối này mới có cơ may tìm được đường ra…”   
Đêm đó, trên con đường rừng vắng vẻ, mấy cô gái chạy trốn khỏi chỗ tập kết giao hàng của bọn buôn người. 
Họ tách nhau ra, chạy về mấy hướng. 
Cô lần mò trong rừng đêm. Gai cào xước hết người và mặt. Cô mò xuống một con suối rất to định lội qua. Mang máng nhớ lối đã đưa cô đến căn nhà biệt lập kia. Có vẻ cô là người gặp may khi gặp được con suối này. 
Nhưng cô không biết đang mùa lũ. Mưa xối xả cả mấy ngày qua trên vùng cao hơn, dưới cánh rừng này chỉ vừa mới tạnh. Nước đang dâng lên nhanh chóng mặt. Dòng thác cuồn cuộn dội lên dìm sâu cô xuống đáy…    
2. 
Dẫm lên những cành lá gãy rụng sau cơn mưa, những đôi giày bết đất dường như đã quá mỏi mệt, rã rời. 
Có cả mấy đôi chân đi dép mỏng manh tê dại. 
Họ gồm ba gã đàn ông và hai cô gái. Mấy gã đàn ông này được trả khá cao để đi tìm những cô gái Việt bị bán sang biên giới trốn về. Sau khi tìm được loại này, họ đưa về cho ông chủ, rồi phân loại mang đến các gia đình giàu nghèo lấy tiền thưởng theo hoàn cảnh. Những ai không có gia đình nữa, họ đem bán lại cho các lò chứa gái. Nhưng việc kiếm được nhiều tiền nhất là dụ dỗ đưa người bán qua biên giới. 
Mấy gã đàn ông nhìn vẻ ngoài phong sương nhưng còn khá trẻ, nghe mùi tiền mà đi theo con đường rừng độc địa này. Họ ban đầu chỉ làm vì muốn có tiền để thay đổi số phận. Ban đầu họ nghĩ mình làm việc nghĩa, đi tìm các cô gái đưa về cho các gia đình, thì việc nhận tiền thưởng là xứng đáng. Ban đầu còn được các ban bệ chuyên án bên công an tặng bằng khen. Dĩ nhiên là bằng khen cho chủ. Họ chỉ hưởng niềm vui nho nhỏ từ các gia đình. Sau, công việc phát triển theo nhiều hướng. Có hàng đưa về thì cũng có hàng xuất đi. Mà xuất đi kiếm được bộn tiền. Xuất đi cũng có những trường hợp vui hỉ hả. Trai bên kia có vợ. Gái bên này kiếm được chồng khá. Sinh con cũng báo tin vui. Tạo phúc to thế chứ đâu phải chuyện xằng bậy. Sau mọi việc lại biến tướng thêm thắt khác đi. Họ dụ dỗ, lừa lọc mấy cô gái cũng ham tiền hơn cả họ. Ban đầu họ tự trấn an, chỉ là đám con gái ham hố xấu xa thôi, có gì phải nghĩ ngợi. Đưa đám gái ấy qua bên kia biên ải, có khi họ lại được đổi đời. Cầm những đồng tiền “môi giới” trong tay, họ đâu ngờ cuộc đời họ mãi mãi lầy lội với những cánh rừng bí ẩn, trùng điệp, đầy cạm bẫy, thú dữ và những bóng người như những bóng ma đêm.   
Hai cô gái được cứu sống khi đang trôi trên con suối dâng lũ. Còn cô nữa, không biết đã lạc vào chốn nào trong cánh rừng rậm mênh mông nơi biên ải này. Hay đã chết thảm không một nén hương? 
  Long, gã trẻ nhất trong nhóm khẽ hát ư ử trong cổ họng. 
Những gì còn trong tôi
Một mai sẽ chỉ là những sợi khói mỏng manh uốn trên bầu trời   
Gã nhiều tuổi nhất quát: 
– Thằng oắt, có im miệng thối đi không? Mày hát cho ma rừng nghe à? Đang đói nẫu cả ruột. 
Gã nhiều tuổi nhất tên Thìn. Gương mặt bị những vết chém nhằng nhịt. Nếu đi trên phố thị, gã sẽ khiến nhiều người ngoái đầu nhìn lại vì vẻ ngoài thô kệch đáng sợ. 
Gã đàn em tên Nhị hô: 
– Ăn trưa thôi, đại ca. 
Họ ngồi xuống bãi cỏ còn ướt. Giở mấy nắm cơm vắt ra. Chia đều. 
  Rừng lúc này có vẻ đẹp man dại. Những cành lá xanh mướt nhuốm bụi đã được mưa xóa sạch non bẫng. Những chú chim ríu rít truyền cành. Thi thoảng một cánh ong rừng bay vù qua trước mặt mang theo hương thơm của mật ngọt. Trên cao, gió rú từng cơn như ngàn vạn tiếng ma rừng đang hòa âm. 
Lúc đó bỗng họ nghe thấy có tiếng rên theo gió bay đến. Tiếng rên nghe tuyệt vọng đáng thương. 
Long dỏng tai lên. 
– Đại ca ơi, có chuyện… 
Thìn, gã nhiều tuổi nhất cũng vừa nghe thấy tiếng rên. Vội buông nắm cơm xuống.    
3. 
Cả ba nắm chắc súng trong tay, di chuyển nhẹ về phía có một cửa hang đá chìa ra. Tiếng rên rỉ phát ra ở tận dưới cái vực sâu. Ghé tai hướng xuống phía vực, thực ra là tiếng kêu của một bầy khỉ đang vòng quanh miệng vực. 
Thìn lúc ấy không ra người lương hay kẻ ác, thuận miệng thì buông lời: 
– Không biết dưới vực là người hay khỉ. Chúng ta cũng nên xuống dưới đó xem sao. Biết đâu kiếm được mẻ cao khỉ. 
Họ leo xuống theo những gờ đá tai mèo. Bám theo những thân cây cổ thụ mọc lúp xúp từ những hốc đá. Nom không khác gì mấy chiến sĩ đặc công, hay đội nhóm leo núi chuyên nghiệp. Suýt mấy lần cả ba bị tuột tay. Đá tai mèo sau mưa trơn không có cách gì níu giữ. Nhưng bằng nghiệp vụ được đào tạo qua mấy lần tập huấn từ phía bên kia, họ dần xuống được tới cải hẻm nhỏ tạo ra từ một khối đá lớn bị nứt toác ra. Một chú khỉ con đang bị mắc kẹt trong hẻm. Đám khỉ nhìn thấy có người không những không sợ hãi bỏ chạy, mà chúng còn nhảy lên loạn xạ, chíu chít kêu lên những tiếng kêu thảm thiết hơn cả chú khỉ bị mắc kẹt, như là chúng biết cần phải cầu cứu con người. 
Và chỉ có cách cầu cứu con người. 
Khe đá quá hẹp, mà chú khỉ lại mắc quá sâu. Đến mức giờ không còn vùng vẫy kêu la được nữa. Nó ngước đôi mắt non cầu cứu, miệng phát ra tiếng khóc gọi mẹ khỉ. Con khỉ mẹ đang ủ rũ ngồi bên bờ vực, không nhảy loạn lên cầu cứu mà cúi gục xuống dõi theo con. Nước mắt khỉ mẹ đọng sâu trong tròng con mắt đỏ. 
Thìn bàn: 
– Bây giờ chúng ta sẽ cắm cọc sâu xuống khe đá này. Dòng dây thang xuống. Để tao xuống đục đá. Chúng mày ở trên giữ cho cọc không bị tuột. Tóm được khỉ con, dễ tóm theo được cả khỉ mẹ lẫn vài con trong đàn. 
Họ hì hụi cắm cọc, loại cọc dùng cho leo núi chuyên nghiệp. Rồi Thìn buộc dây bảo hiểm vào người, bắt đầu leo xuống theo chiếc thang dây. 
Xuống đến chỗ chú khỉ bị mắc kẹt, gã đưa tay xoa đầu nó. 
“Cấm được giãy giụa nữa nghe chưa con khỉ đột. Mày mà giãy là lại bị tuột xuống sâu hơn. Sâu hơn thì tao bó tay” 
Chú khỉ con chắc nghĩ đã có kẻ đang tìm cách cứu mình, nên cái đuôi khẽ vểnh lên hoan hỉ. Thìn bám hai bàn chân đã quen với việc leo núi vào hai bên vách đá cho dây thang không bị đung đưa. Gã dùng đục đá đục dần từng mảng đá nhỏ. Tiếng đục đá khiến lũ khỉ lặng phắt. Không còn tiếng la the thé rầm rĩ. Con khỉ mẹ thì ôm chặt cái búi cây mọc lên từ hốc đá, nơi mấy gã vừa cắm cái cọc sâu xuống. Nó chúi hẳn người như muốn tiếp thêm sức mạnh cho những con người xa lạ đang là cứu tinh của mẹ con nó. 
Thìn đục một lúc thì nới được cái bụng chú khỉ ra khỏi cái khe hẹp. Gã thận trọng lôi nó lên. 
Thìn lầu bầu: 
“Nếu chúng tao không có mặt trong cái khu rừng già này thì mày chắc chết đói chết mòn dần con ạ. Rồi có khi mày còn lôi cả khỉ mẹ mày nhảy xuống chết cùng thôi. Vì vậy nếu tao có cho mày vào nồi nấu cao thì coi như mày làm được một việc có ích cho loài người” 
  Dây thang được kéo lên cùng tiếng hoan hỉ rộ lên của cả đàn khỉ. Tiếng khỉ mẹ líu ríu đón khỉ con thoát nạn. 
Hai mẹ con khỉ ôm choàng lấy nhau, không cảnh giác gì đám người vừa cứu khỉ con không phải vì lòng thiện. 
Khi ấy Thìn và hai gã đàn em ngẩn người nhìn cảnh hoan hỉ của lũ khỉ. Khỉ mẹ không sợ gì con người xù xì bẩn thỉu đáng sợ kia, nhảy đến xoa xoa vào bàn chân trần hôi hám đang định xỏ lại vào giày. Nó mừng quá nên cứ rít lên từng cơn. 
Cả ba gã ngẩn ra một lúc. Đến khi Thìn đưa bàn tay đặt lên báng súng thì bất ngờ Long túm tay Thìn lại, nói gần như van xin: 
– Đại ca, đừng…! 
Cả Nhị cũng cúi xuống, như không muốn nhìn thấy cảnh tang thương sắp xảy ra. 
  Khi ấy gió rừng nhẹ nhàng thổi đến mát rượi, như mang đến nguồn năng lượng tràn trề nhựa sống. Khiến những kẻ bần hàn kia bỗng nhiên thấy mình như được tưới tắm sạch sẽ, trở lại nguyên sơ thủa còn chưa bị đời rạch rách nát dọc ngang. 
Cảnh tượng tiếp theo khiến những gã giang hồ thảo khấu kia mãi mãi ghi nhớ. Cả đàn khỉ cùng nhau líu ríu phía trước mặt ba gã. Chúng líu ríu một hồi thì bỗng cùng nhau ngồi chồm xuống vái lia lịa. 
Long cay cay nơi sống mũi. 
Nhị buông câu tiếc rẻ: 
– Thôi, mình đi thôi, đại ca. 
  Ra đến vạt rừng có hai cô gái đang ngồi đợi. Nhìn họ bợt bạt, Thìn thốt nhiên chạnh lòng. 
“Sao họ không trốn nhỉ? Họ thừa cơ hội để chạy trốn khi nãy mà” 
  Long lại nổi hứng: 
Trên nóc nhà ai đó một chiếc lá vàng nhẹ buông
Mùa chưa có gió 
  Giờ Thìn không thấy bức bối khi nghe đàn em gào lên những câu kỳ quặc đó. Nhị dừng lại vạch quần đái tồ tồ vào một tổ mối. Rồi quay đầu lại, buông câu bâng quơ: 
– Sao mình cứ phải đưa mấy con bé này về cho lão chủ? Sao không đưa họ về nhà họ? Đến khỉ còn được cứu về với mẹ nó.  
Cả tốp ba người ngồi phệt xuống cỏ.
Cỏ ướt sau mưa mát lịm. Rừng cây lào xào những tiếng bí ẩn…
Trong ánh sáng buổi xế chiều, rừng già đẹp đến não lòng.

Võ thị Xuân Hà