19 June 2023

CHÙA RỒNG - Trần Văn Khang

Hai đứa quen nhau lâu và thân đến nỗi khi đã khôn lớn, vẫn còn mày tao khi nói chuyện. Toàn bây giờ an phận sống tại Sài Gòn, vẫn dạy học trò như hồi trước 75, chờ ngày về hưu. Với đồng lương nhà giáo, ít bổng lộc, lại vật giá đắt đỏ, vợ Toàn phải tần tảo buôn bán kiếm thêm bằng một sạp bán vải và quần áo tại Chợ Bến Thành.

Cũng nhờ gặp lại Toàn, tôi biết được tin tức của Anh Chính và Chị Dung. Vì thế sau khi ở Sài Gòn ít ngày, tôi dùng AirBus bay ra miền Bắc. Dự định lo xong công việc được sở làm của tôi là một hãng thông tấn giao cho, tôi sẽ đi thăm thành phố Hải Phòng, nơi tôi đã sinh sống nhiều năm lúc còn nhỏ để gặp lại vợ chồng Anh Chính Chị Dung, hai người quen cũ ngày xưa. Nghe Toàn nói anh Chính mang bệnh gan, tôi càng muốn thăm anh hơn. Anh là thần tượng của tôi và Toàn hồi chúng tôi còn nhỏ.

Thời gian lúc đó là vào khoảng năm 1948. Từ khi có Anh Chính về công tác tại đây, làng Hòa Cam tỉnh Hà Ðông như thêm sinh khí. Chiến tranh Việt Pháp bùng nổ cuối năm 1946 và lan tràn đã hai năm. Pháp chiếm hết thị thành miền Bắc. Hải Phòng, Hà Nội rồi Nam Ðịnh, Ninh Bình… Dân thành phố tản cư về Hòa Cam cũng nhiều, cán bộ tới lui cũng lắm. Bộ đội với các đơn vị lớn nhỏ thoáng đến rồi lại thoáng đi.

Riêng anh Chính thì khác. Anh ở lại công tác tại làng này khá lâu, đã trên sáu tháng. Có khi anh đi đâu năm bữa, nửa tháng rồi lại trở về. Mọi người biết anh là cán bộ, nhưng không rõ anh thuộc cấp nào, có lẽ cao cấp. Anh tạm ở trọ tại một gia đình trong làng. Thỉnh thoảng lại có các cán bộ từ đâu đâu lại, sinh hoạt với anh vài ngày. Ðôi khi người ta thấy anh Chính đến thăm, nói chuyện riêng cả tiếng đồng hồ với ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kiêm Kháng Chiến địa phương. Dân làng chỉ biết vậy, không ai muốn tìm hiểu gì thêm. Ðang thời buổi toàn dân chống Pháp giành độc lập, "tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công", ai không có phận sự đừng hỏi, đừng biết gì là hay hơn. Những chữ bí mật quân sự, bí mật quốc phòng, bí mật công tác đủ để cho mọi người tránh tìm hiểu, dây dưa, rắc rối. Có chuyện gì xảy ra, khỏi bị dính dáng, khỏi bị liên lụy kết án là Việt gian, bán nước.

Trước mắt mọi người, anh Chính hiền hòa và dễ mến. Mà anh dễ mến thật, từ cách cư xử đến lối giao thiệp với dân làng. Anh trẻ tuổi, độ hăm bốn, hăm lăm. Dáng dấp cao, vừa mạnh dạn, vừa nghệ sĩ. Anh không mang y phục cán bộ, nhưng có tới ba bốn bộ quần áo bằng vải phin từ nội thành, nhuộm nâu, lúc nào cũng tươm tất, có vẻ sang trọng nhưng lại hòa đồng với mọi người trong làng vì màu nâu của trang phục. Nhìn sắc diện, ai cũng biết anh là gốc thị thành. Anh đẹp trai, tóc ngắn gọn, ăn nói lễ độ, duyên dáng. Anh Chính lại rất hào hoa. Các quán nước, các hàng quà bánh trong làng cũng như ở các làng bên, anh thường ghé thăm, trò chuyện, chi tiêu rộng rãi. Trong khi có vài anh bộ đội, tính nghệ sĩ, phải nhịn một bữa ăn để đủ tiền mua một điếu thuốc hạng sang, anh Chính thường có trong túi áo cả một bao Cotab, thứ thuốc lá sang gần như bậc nhất thời bấy giờ ở vùng kháng chiến. Anh sẵn sàng mời thầy giáo làng, hay ông cán bộ thông tin điếu thuốc mỗi khi có dịp. Anh có một cây đàn ghi-ta, và đàn hay hát giỏi, thường giúp vui mọi người trong những dịp lễ, mít tinh. Với những ưu điểm ấy, cộng thêm với tinh thần yêu nước của dân chúng chống thực dân Pháp thời bấy giờ tại vùng kháng chiến Liên Khu Ba, hễ ai chống Pháp là được đề cao, anh Chính mau chóng có được cảm tình của mọi người. Nhiều bậc cha mẹ trong làng quý mến anh, muốn gả con gái cho anh. Các cô gái tản cư đến từ thị thành cũng như những thôn nữ chưa lập gia đình trong làng, nhiều người mong được anh lưu ý. Vì vậy, như đã nói ở phần trên, đối với tôi và nhiều đứa trẻ trong làng thời ấy, anh Chính là thần tượng.

Lúc đó tôi mới trên mười tuổi, cùng gia đình tản cư về làng Hòa Cam, sau khi cả nhà đã tản cư hết nơi này đến nơi khác, khi thì tạm trú tại làng mạc, khi thì mua thuyền ngược xuôi trên sông nước vùng Gia Viễn, Nho Quan, Bùi Chu, Phát Diệm, Bến Xanh…, vừa chạy giặc, vừa buôn bán đề kiếm sống. Về tới làng này, tôi quen với Toàn. Nó cùng tuổi, cùng học lớp nhì rồi lớp nhất trường làng với tôi. Ðây là quê nội của Toàn. Gia đình Toàn cũng như gia đình tôi và mọi người trong làng, lo tăng gia sản xuất. Khi chiến tranh chưa lan tràn tới, ai có chút vốn, chút vàng dành dụm được từ khi mới tản cư đem ra tiêu dùng, và cần cù canh tác, ươm tơ, dệt vải, kéo cúi làm sợi cũng tạm sống đạm bạc. Cha Toàn trước khi chiến tranh là một tiểu công chức ngành quan thuế tại Hải Phòng, cũng là thành phố gia đình tôi đã sanh sống lúc chưa tản cư. Mẹ Toàn nội trơ như nhiều bà mẹ khác thời bấy giờ. Gia đình Toàn có bốn anh chị em. Người anh lớn nhất, đã gần hai mươi. Chị Dung mười tám. Một anh nữa mười sáu. Toàn là con út trong gia đình.

Thời kỳ tản cư tại đây cho tôi và Toàn nhiều kỷ niệm nhất khi còn trẻ dại. Chúng tôi đi học, câu cá, ra đồng bắt cua, đào hố trú ẩn để tránh bom giặc Pháp, đi cắt rạ sau mùa gặt đem về làm nhiên liệu nấu bếp, thả diều cùng với những mục đồng… Mỗi sáng sớm tinh sương, hai người anh của Toàn chuẩn bị sách vở, nón lá, áo tơi, cơm nắm độn khoai, độn bắp, kèm thêm muối vừng. Hai anh đi bộ bảy cây số từ làng Hòa Cam đến Xêu Ðặng để học trung học, lớp đệ lục, đệ tứ gì đó. Chiều tối mới thấy hai anh đi bộ về. Cơm tối xong, trong ánh đèn dầu tối tù mù, các anh Toàn vừa học bài, vừa kéo cúi, se những sợi chỉ từ những bông cúi trắng tinh. Khi đủ nhiều bó sợi, chị Dung lại đem đi các chợ bán cho người dệt vải hay cho những người buôn. Mẹ Toàn và chị Dung ngoài việc bếp núc, cũng lo kéo cúi, làm sợi, dệt vải để thêm lợi tức. Cha Toàn kèm các con học, lo thêm chút vườn tược để có thêm rau bắp cho những bữa ăn.

Con gái làng Hoà Cam nổi tiếng là đẹp trong vùng, có lẽ là trong tỉnh nữa. Tôi còn nhỏ nghe nói vậy, cũng lưu ý nhận xét và thấy là đúng. Các cô ở đây đa số ăn nói nhẹ nhàng, nước da tươi mát mặn mà, mắt to tình tứ, má thắm môi hồng. Thế mà có người nói là Chi Dung của Toàn đẹp nhất làng. Có lẽ chị được thừa hưởng dòng máu đẹp bên nội, lại thêm những nét mới mẻ của những cô gái đến từ thành thị, nên mọi người càng chú ý nhiều hơn. Ðã có vài cán bộ trẻ tuổi, hai ba anh bộ đội có dịp công tác trong vùng có ý xin tính chuyện cưới hỏi, nhưng thời gian quen biết ngắn quá. Họ đến rồi lại đi. Chị Dung chưa có cảm tình với ai. Cha mẹ Toàn thì nói là đang lúc tản cư, đang thời chinh chiến, ngày mai chưa biết ra sao, nên không khuyến khích chuyện lập gia đình cho chị.

Trong một buổi học, một tờ báo Cứu Quốc được ban thông tin trong làng truyền tay tới lớp tôi. Toàn là trưởng lớp, được thầy giáo giao cho hai việc. Ðiều động học sinh viết thư để gửi vào Hà Nội, ủng hộ khuyến khích, tán dương việc bãi khóa của sinh viên, học sinh trong vùng Pháp kiểm soát thời bấy giờ. Việc thứ hai là tập hát ngay một bài nhạc in trong tờ báo, để ca hát trong dịp 19 tháng 5 sắp tới. Viết thư thì dễ, thầy giáo đã gà cho, học trò viết ca tụng, cổ võ việc bãi khóa trong thành, thư nào cũng như thư nào, để gửi tới các sinh viên, học sinh Hà Nội. Nhạc thì cả lớp không biết đọc ký âm pháp. Các anh của Toàn chỉ lo “học gạo” và kéo cúi, không ai đàn hát. Nhưng thật may, đã có anh Chính là bạn của đám nhi đồng cứu quốc chúng tôi từ lâu, Toàn bèn nhờ anh dạy hát. Thế là tối hôm ấy, cơm nước xong, ngoài thềm nhà, dưới ánh trăng, anh Chính đem cây đàn đến nhà Toàn dạy một đám bạn bè học trò chúng tôi hát bài Ðoàn Quân Du Kích, bản nhạc có in trong tờ báo mới gửi đến lớp học. Anh Chính đệm đàn, nhanh chóng bắt được nhịp điệu, cất tiếng hát với giọng trầm ấm và hùng:

Ðoàn quân du kích tiến, những đêm kinh hoàng
Ta xung phong, giết tham tàn, hợp cùng đoàn Vệ Quốc Quân
Cướp súng giặc, giết giặc
Ðánh úp thù, phá đồn
Ðoàn ta không súng, chiến đấu thay bằng gươm giáo
Cướp súng giặc, giết giặc
Cắt đứt đường, phá cầu,
Ðoàn ta không súng, khiến Tây mất hồn…

Nhóm học trò chúng tôi hát theo, vang cả một khu xóm. Mẹ Toàn bảo chị Dung đem mời anh Chính một bát nước chè tươi. Ðây là lần đầu tiên anh gặp chị Dung. Anh Chính mau chóng trở thành bạn của gia đình Toàn. Mỗi lần anh đến, kể chuyện trong vùng Tề, chuyện chiến sự, chuyện thời cuộc tại Hà Nội, Hải Phòng… Công dân Vĩnh Thụy, mới ngày nào sau cách mạng tháng tám được Việt Minh phong là Cố Vấn tối cao của Bác Hồ nay bị gọi là Việt Gian số một, đã ký hiệp ước với Pháp, thành lập Quốc Gia Việt Nam trong vùng Pháp chiếm đóng. Cha của Toàn rất thích nghe những tin tức này. Anh Chính cũng hay đem đàn đến nhà dạy Toàn và đôi khi có cả tôi tập đàn, tập hát. Toàn và tôi tập tễnh biết đàn từ đó. Anh Chính kể cho chúng tôi và chị Dung truyện những ngày anh ở chiến khu gần biên giới Việt Hoa, những lần gặp gỡ các lãnh tụ, đời sống đường rừng sơn cước, có suối reo, hoa dại, thú rừng, cùng những cô sơn nữ mộc mạc, đơn sơ … Chúng tôi say mê anh kể chuyện và thầm phục những từng trải của anh trong cuộc sống. Một lần, thấy chị Dung đan áo chuẩn bị cho mùa lạnh, anh dạy chúng tôi và chị Dung bài ca, bài Tấm Áo Mùa Ðông hay Mùa Ðông Ðan Áo, lâu quá tôi không nhớ rõ tựa đề, và chỉ còn nhớ ít câu:

Gió bấc tới đây, xào xạc rung cây lá lá bay, một mùa đông, ơn người đan áo…
Tấm áo xông pha, mùa lạnh che thân chiến sĩ ta, đây là áo, nơi quê nhà …

Suốt mấy ngày sau, khi đến chơi với Toàn, tôi thấy chị Dung vừa đan áo, vừa hát bài này, mắt chị mơ mộng, má chị hay ửng hồng khi nhắc tới anh Chính. Rồi Chị Dung tặng Anh Chính chiếc áo khi vừa đan xong. Mặc dù lúc bấy giờ, chỉ thịnh hành những bài ca kháng chiến, yêu nước, chẳng mấy ai còn hát những bài có tính cách lãng mạn của tư sản, anh Chính vẫn đôi lần thích thú hát những bài Suối mơ, Bến Xuân, Thiên Thai, Trương Chi… cho chị Dung nghe. Một buổi chiều, anh Chính nhận lời của mẹ của Toàn, ở lại dùng cơm với gia đình. Mẹ Toàn mới làm được một hũ mắm tép đáo kỳ, muốn đem mời khách, và sai Toàn ra bờ ao hái mấy quả sung. Tôi cũng đi theo, định ở chơi thêm đến khi cả nhà Toàn dùng cơm tối, tôi sẽ về nhà mình. Chị Dung được bảo ra vườn sau nhà hái khế. Toàn và tôi hái sung xong, chạy ra vườn muốn giúp chị Dung trèo cây. Hai chúng tôi thấy dưới tàng cây khế ngọt, khuất nơi một góc vườn rất nên thơ, anh Chính ôm hôn chị Dung trên má và trên môi. Cơn gió thổi, những sợi tóc chấm vai của chị bay phớt trên mặt hai người. Chợt thấy Toàn và tôi, hai người ngưng hôn nhau. Anh Chính nhìn chúng tôi, ánh mắt thân mật, bình tĩnh. Chị Dung thì ngượng ngùng, má chị hồng thêm. Tôi thấy chị thật đẹp. Chị nhẹ nhàng nói với Toàn:
- Em đừng mách thầy me nhé.

Tin chiến sự và chiến thắng về dồn dập. Mọi người biết vậy thôi. Không rõ thực sự bên ta thắng hay thua. Luôn luôn có tin là địch thua nhiều, ta đại thắng. Cùng lắm là bên ta có hai chiến sĩ hy sinh trong mỗi trận đánh. Người mõ làng của thời phong kiến ngày xưa, "một mình một chiếu thảnh thơi ngồi", bây giờ được danh hiệu là ông ủy viên thông tin, mỗi chiều đứng đầu làng, cuối xóm, với chiếc loa cầm tay, đọc lời hiệu triệu của Bác, đọc tin chiến sự, hay kêu gọi dân làng đi họp mít-tinh. Mít tinh tối nay để mừng chiến thắng mới nhất, và học tập kế hoạch người người thi đua, ngành ngành thi đua, chuẩn bị tổng phản công. Anh Chính vừa tự đệm đàn, vừa hát những lời ca hùng tráng:

Trùng trùng, say trong câu hát
Lớp lớp, đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng,
cờ ngày nào tung bay trước gió…
Trùng trùng, quân đi như sóng
Lấp lánh, lưỡi lê sáng ngời…

Khi anh Chính kết thúc bài hát:

Năm cửa ô đón mừng
Ðoàn quân tiến về
Hà Nội bừng tiếng quân ca…

anh được những tiếng vỗ tay vang dậy của dân làng.

Thanh niên trong làng sau đó được kêu gọi ra đi tòng quân cứu nước, diệt giặc Pháp, hoặc lên đường đi công dân vụ, yểm trợ chiến trường Việt Bắc. Một số đi không thấy trở về. Một vài tin tức. Hai ba lễ truy điệu tổ chức trong làng. Vài người quả phụ thắt khăn sô. Hai ba bà mẹ sụt sùi. Chuyện buồn sao tránh khỏi trong mùa chinh chiến. Rồi một số người đi nghĩa vụ được trở về với da mặt xanh, vàng bủng vì sốt rét.

Một hôm, có một toán được gọi là Việt gian từ đâu không biết, bị tạm giải đến đình làng. Toàn rủ tôi cùng vài đứa bạn kéo nhau đi xem Việt gian mặt ngang mũi dọc, hung ác ra sao. Chúng tôi chỉ thấy trên ba chục người gầy ốm, mặt mày thiểu não đáng thương. Phía trên cánh tay phải của họ, được cột bằng dây thừng, người nọ nối tiếp người kia với một khoảng cách độ hai ba bước chân. Họ thẫn thờ, mệt mỏi ngồi xổm trên nền gạch đỏ của đình làng. Toàn chợt nhận thấy một người trong đám Việt gian giống như Bác Huyện. Toàn cho tôi biết là trước khi tản cư khỏi Hải Phòng, Bác Huyện có đến thăm gia đình Toàn một vài lần tại đất Cảng. Toàn không rõ bác tên gì, chỉ biết là bác có họ với mẹ, và cả nhà gọi là Bác Huyện. Bác là con cháu Cụ Bảng, làng Hòa Xá, quê ngoại của Toàn. Làng Hòa Xá cũng ở Hà Ðông. Làng này sản xuất nhiều vị khoa bảng. Nghe nói Bác Huyện đậu cử nhân luật bên Tây. Trở về làm tri huyện chỉ ít tháng. Sau đó chán ngành quan lại, bác ra làm công chức cao cấp tại Hà Nội. Có lẽ nhờ vậy nên sau ngày Cách Mạng Tháng Tám, Bác Huyện không bị thanh toán, không bị xử tử như nhiều vị tri phủ, tri huyện hay quan lại khác. Ðang tính đến bên bác, Toàn bị mấy người bộ đội dẫn giải tù nhân xua đi, không cho lại gần. Sau đó, thấy anh Chính đến bàn bạc gì với một người bộ đội, có lẽ là trưởng toán dẫn giải tù nhân. Toàn chạy về nhà, nói cho mẹ biết "hình như có Bác Huyện trong đám Việt gian". Mẹ và cha Toàn lộ vẻ lo lắng, suy nghĩ. Anh Chính tới, mẹ Toàn cầu cứu anh xem hư thực, có đúng là bác Huyện làng Hòa Xá không. Anh Chính đi, khuya đó trở lại, nói gì riêng với cha mẹ Toàn, anh chị em của Toàn không được biết. Bác Huyện vẫn bị giữ trong đám tù nhân.

Mới mờ sáng hôm sau, máy bay khu trục của Pháp, từng đoàn oanh tạc dữ dội Vân Đình và các làng mạc chung quanh. Làng Hòa Cam nơi chúng tôi cư ngụ may mắn không là mục tiêu oanh tạc, nhưng dân làng rúng động, chuẩn bị tản cư. Ngay sáng đó, quân Pháp nhảy dù xuống Vân Ðình. Nghe nói quân Pháp hành quân chớp nhoáng, mục đích tóm bắt trọn vẹn những cán bộ Việt Minh kháng chiến cao cấp đang có cuộc họp quan trọng tại đây. Mục tiêu của Pháp không thành công trong cuộc hành quân này. Nhưng quân Pháp tiếp tục mở những cuộc hành quân tảo thanh.

Bên con đường qua nhiều đồng ruộng, cách làng Hòa Cam độ bốn năm cây số, có một gò đất lớn giữa đồng, bên trên có một kiến trúc xây bằng gạch, dân trong vùng gọi là Chùa Rồng. Trước kia không biết ra sao, nhưng từ sau cách mạng tháng tám, chùa Rồng luôn luôn đóng kín cửa, không ai nhang khói, không sư sãi. Cúng kiến, lễ chùa với chế độ mới không được khuyến khích, đôi khi bị những thành viên cộng sản quá khích coi là còn đầu óc mê tín, dị đoan. Nhưng chùa có nhiều cây cao, bóng mát chung quanh, vẫn tiếp tục là nơi để mục đồng, nông phu, người buôn, kẻ đi chợ và các học trò như tôi và Toàn mỗi trưa nắng đi ngang qua nghỉ chân rất mát và thoải mái. Nhưng sau khi Pháp nhảy dù Vân Ðình ít ngày, ai qua đường ngang Chùa Rồng đều thấy một mùi hôi tanh không chịu nổi. Người ta nói nhỏ với nhau, kín đáo đồn rằng khi thấy quân Pháp hành quân gần kề, đám Việt gian hôm trước đã được chôn sống tại đây. Thấy tin đồn bất lợi, chỉ ít ngày sau, các xác chết được thầm lặng ban đêm đào đem đi đâu không ai biết. Tôi và Toàn một lần cùng lũ bạn, nhân một chuyến thi đua viết luận văn với các học sinh làng xã khác, phải đi ngang qua Chùa Rồng. Chúng tôi nhận thấy còn dấu vết một hố rất lớn trên gò đất. Từ đó, mỗi khi phải đi trên đường bên chùa, nhiều người rảo chân bước nhanh, tránh tử khí còn phảng phất, không ai dừng lại nghỉ chân như xưa.

Tuy có nhiều tin chiến thắng, nhưng chỉ thấy quân đội Pháp và quân của Bảo Ðại tảo thanh càng ngày càng thường hơn trong vùng. Dân quê không cày cấy được như xưa. Ða số thanh niên trai tráng phải đi tòng quân, tham gia kháng chiến, hoặc đi phụ dịch. Hoa màu, khoai sắn được thu mua để yểm trợ chiến trường. Nhiều gia đình đã ăn cháo. Nhiều người đã "dinh tê" vào vùng tề, rồi trở về các thành phố lớn, do Pháp kiểm soát, với danh nghĩa là về vùng quốc gia Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Ðại lãnh đạo. Cha của Toàn đôi lần được kêu gọi nhận công tác, được mời gia nhập đảng Cộng Sản. Mấy anh của Toàn cũng được nhắn nhủ nên bỏ học, tòng quân hay tham gia kháng chiến. Ðúng lúc ấy anh Chính được chỉ thị công tác nội thành. Anh phải trở về Hà Nội và Hải Phòng. Anh còn có nhiệm vụ hướng dẫn một vài cán bộ giả dạng như thường dân về thành. Anh Chính đã ra vùng kháng chiến, rồi lại vào vùng tề nhiều lần. Chị Dung cho biết nếu gia đình Toàn muốn đi, anh sẽ hướng dẫn an toàn. Có lẽ anh và chị Dung đã yêu nhau sâu đậm nhưng vẫn trong vòng lễ giáo. Vì tình yêu, anh không muốn xa chị Dung. Anh muốn gia đình Toàn theo anh “dinh tê “ vào thành.

Cha Toàn chỉ là một tiểu công chức cũ. Ông yêu nước, không ưa Pháp, nhưng cũng không thích chế độ Cộng Sản mà Việt Minh ngày càng lộ rõ. Lại nặng gánh gia đình, với bốn đứa con. Ở lại vùng kháng chiến đến giai đoạn này cũng không sống nổi nữa, vừa thiếu ăn vừa chiến sự đã gần bên, các trường học trong vùng đã đóng cửa. Ông đồng ý về thành. Gia đình tôi nhờ đó cũng tháp tùng cùng một chuyến đi. Sau hai ngày đi bộ, có anh Chính hướng dẫn, chúng tôi tới nhà tạm trú gần ga Văn Ðiển. Chỉ vài ngày, xong thủ tục làm giấy tờ, gia đình Toàn và gia đình tôi vào Hà Nội, rồi xuống định cư nơi cũ là thành phố Hải Phòng. Anh Chính cũng xuống Hải Phòng. Không rõ sao, anh mau chóng trở thành quản lý một nhà in nhỏ, có sáu nhân viên. Bảy tháng sau, anh làm đám cưới với Chị Dung. Cha mẹ của Toàn có vẻ e ngại, vì đã biết rõ tính cách cán bộ Việt Minh của anh Chính. Nhưng tình yêu của chị Dung với anh đã sâu đậm và tha thiết quá, không ai ngăn cản được nữa.

Tôi và Toàn vẫn tiếp tục chơi thân với nhau, cùng học một trường trung học, cùng nhau đá banh, dạo phố, đi Ciné … cho tới tuổi mười sáu. Với thời gian và với cuộc sống tại nội thành, “thần tượng Anh Chính” hình như từ từ thiếu một chỗ đứng vững chắc trong tâm trí tôi. Tôi bắt đầu có thêm nhiều thần tượng mới, đủ loại. Nhìn xa là các nhà khoa học lừng danh, những lãnh tụ thế giới, những nghệ sĩ tài hoa, những tài tử màn bạc… Trông gần là mấy ông giáo sư trung học của tôi, nhiều vị giảng dạy hấp dẫn vô cùng, nhiều vị trẻ tuổi tài hoa, văn chương chữ nghĩa đầy mình.
Nhà Toàn ở trên một căn gác đường Trại Cau. Gia đình tôi mướn một căn trong dãy phố gần ngoại ô, đường Chợ Con. Hai chúng tôi có thêm một người bạn mới cùng lớp, khá thân tên Tuấn. Nhà Tuấn chỉ cách nhà tôi hơn mười căn phố, một Villa nhỏ có vườn chung quanh. Tuấn là con một công chức sở Liêm Phóng, mọi người trong khu phố gọi cha Tuấn là Ông Phán Thọ. Ông ít giao thiệp với ai và mọi người trong phố cũng tránh tiếp xúc với ông. Họ nói ông làm cho Sở Mật Thám, muốn bắt ai bỏ tù cũng được! Tuy thế, tôi và Toàn chẳng sợ gì, vẫn thân với Tuấn, vẫn đến chơi sau vườn nhà ông Phán Thọ nhiều lần.

Một hôm mới chừng hơn năm giờ sáng, cả khu phố của tôi thức giấc vì ba tiếng súng nổ. Mười lăm phút sau, xe hồng thập tự hú còi và xe cảnh sát, rồi xe hiến binh Việt Pháp đến đậu quanh nhà ông Phán Thọ. Ông đã bị ám sát bằng ba phát đạn, chết tại chỗ và được đặt trên mặt một tờ giấy viết chữ đỏ Việt Gian Tử Hình. Tôi và Toàn rất buồn cho bạn mình, nhưng tôi thấy Toàn từ đó hình như ít chuyện trò thân mật với Tuấn hơn.

Chiến tranh Việt Pháp ngày càng lan rộng, càng quyết liệt. Các anh của Toàn đã bị gọi động viên, nhập ngũ từ cả năm trước. Quân Pháp đột ngột rút khỏi thành phố lớn Nam Ðịnh. Rồi đánh lớn tại mặt trận Ðiện Biên. Hội nghị Genève họp, và bên Việt Minh càng gia tăng mạnh mẽ áp lực chiến trường để có lợi thế trên bàn hội nghị. Anh Chính, bấy giờ đã là anh rể của Toàn, để tránh động viên, anh trở ra vùng kháng chiến, nghe nói để hoạt động. Chị Dung đã có một con, về nhà Toàn ở cùng cha mẹ. Thế là Toàn có hai anh ruột đi quân đội quốc gia, một anh rể theo Việt Minh kháng chiến!

Hiệp định Genève kết thúc. Nước Việt Nam được chia đôi ở vĩ tuyến mười bảy, bởi dòng sông Bến Hải. Ông Ngô Ðình Diệm về nước làm Thủ Tướng và một cuộc di cư vĩ đại được Mỹ tích cực yểm trợ di chuyển cả triệu người vô Nam . Gia đình tôi nhanh chóng quyết định di cư. Gia đình Toàn cũng di cư mặc dù anh Chính cử người nhắn về là nên ở lại, anh Chính sẽ bảo lãnh an toàn. Nhưng có lẽ vì gia đình Toàn đã có hai người anh được động viên, đang là sĩ quan quân đội quốc gia, cha mẹ toàn quyết định vào Nam . Chỉ có mình Chị Dung cùng với đứa con trai nhỏ, ở lại miền Bắc, chờ chồng là anh Chính trở về. Tôi nghĩ anh Chính sẽ có mặt trong đoàn quân Cộng Sản về tiếp thu Hà Nội. Có lẽ anh sẽ sung sướng hát lại bài hát có câu "năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về…" mà mấy năm trước anh đã từng ca tại làng Hòa Cam…

Trở về Việt Nam kỳ này, tôi có nhiệm vụ viết một loạt bài về sinh hoạt của dân chúng, khả năng tiêu thụ cũng như tình hình kinh tế tại Việt nam cho một cơ quan truyền thông nước ngoài. Thương ước Việt Mỹ đã ký kết. Thêm một số nhà đầu tư muốn kinh doanh tại Việt Nam . Hãng truyền thông tôi làm việc, muốn có thêm tài liệu và dữ kiện cho các nhà đầu tư. Những bài viết của tôi lúc ở Sài Gòn được gửi bằng điện thư về cơ quan không gặp một trở ngại nào và được đọc trên một hệ thống truyền thanh và truyền hình tôi làm tại hải ngoại, chương trình nói về Việt nam. Sau đó tôi làm việc tại Hà Nội đã ba ngày. Ði thăm nhiều khu phố, một số xí nghiệp và một vài nhân vật. Hơn mười giờ tối ngày thứ ba, tôi đang gõ máy điện toán xách tay bản thảo cho một bài tường thuật sắp tới, và cũng là bài chót, chuẩn bị gửi về thì có tiếng gõ cửa phòng khách sạn. Ba bốn người bước vào phòng để gặp tôi. Viên quản lý khách sạn giới thiệu hai người cán bộ, văn hóa và mậu dịch. Họ lịch sự mời tôi xuống làm việc, đả thông với họ tại văn phòng của viên quản lý. Họ mặc thường phục. Nếu họ có là công an hay nhân viên an ninh, hay điệp báo tôi cũng không thể nào biết được.
Một người cán bộ mở đầu:
- Chúng tôi muốn biết anh đã nói gì, gửi tin tức gì ra cơ quan truyền thông ngoại quốc trong ba ngày vừa qua.
Tôi trả lời, tự nhiên và trung thực:
- Những bài tường thuật của tôi đều được đọc trên đài ngoại quốc, cơ quan truyền thông tôi đang làm việc. Các anh muốn nghe, cứ mở đài. Nếu muốn nghe lại, tôi nghĩ các anh hẳn đã thu âm những bài của tôi cũng như của người khác nói về các cơ chế tại Việt Nam ngày nay, các anh cứ mở lại tapes ghi âm nghe là rõ.
Người cán bộ nói với giọng khá nghiêm nghị, hơi cứng rắn:
- Trong vài bài tường thuật của anh, có đôi điều bất lợi cho chế độ. Anh có biết rằng chúng tôi có thể rút chiếu khán, mời anh ra khỏi nước bất cứ lúc nào không?
Tôi cũng nghiêm trang trả lời lại:
- Chúng tôi chỉ làm phận sự của một người làm nghề truyền thông, tường thuật trung thực, khen chê đứng đắn có căn cứ những gì quan sát hay thâu lượm được. Chúng tôi không có một lời mạt sát bất cứ chế độ nào. Còn nếu thấy cần trục xuất tôi ra khỏi xứ, xin các anh cứ việc làm. Các cơ quan truyền thông có cả trăm phái viên. Họ cử người khác đến thì làm việc cũng như tôi thôi.
Người cán bộ khác nhẹ giọng lại:
- Chúng tôi nói vậy để anh tự xử lý. Nhưng có một điều tôi muốn nói riêng với anh, nói chuyện giữa người Việt Nam với nhau. Anh biết là nước ta bây giờ rất cần cảm tình của thế giới để gia tăng mậu dịch, gia tăng kinh doanh và đầu tư từ các nước ngoài. “Ðối tác” của nhà nước bây giờ là kinh doanh của tư bản ngoại quốc. Anh làm được điều gì để có tiếng tốt với dư luận thế giới, thuận lợi cho kinh tế Việt Nam được phồn thịnh cũng là đóng góp lợi ích cho tổ quốc.
Tôi không muốn kéo dài cái đối thoại "dơ cao đánh khẽ, khi tiến khi lùi, khi đe dọa khi vỗ về" nên chỉ đáp ngắn cho xong:
- Tôi sẽ suy nghĩ về điều anh vừa nói.
Tôi nói suy nghĩ, không phải là để sẽ viết theo đường hướng của những người cán bộ dẫn dụ. Tôi suy nghĩ về một chủ thuyết luôn luôn đề cao vô sản, từng đánh tư sản nặng nề, muốn tiêu diệt tư bản tận gốc, bây giờ lại có “đối tác” là tư bản. Từ ngữ đối tác còn xa lạ với tôi. Rất nôm na, tôi hiểu đối tác là đối tượng để tác dụng, để hợp tác. Ðối tác trong hoàn cảnh này, không thể nào hiểu là đối phương để tác chiến được.

Họ rút lui và tôi trở về phòng, tiếp tục bài viết còn dang dở đến gần một giờ sáng. Ngày hôm sau tôi bao mướn một taxi xuống Hải Phòng, đi thăm một vòng những nơi có nhiều kỷ niệm ngày xưa. Năm giờ chiều tôi đến thăm Anh Chính và Chị Dung.

Vợ chồng anh Chính vẫn ở căn nhà cũ của cha mẹ Toàn, phường Trại Cau. Căn nhà, sau gần nửa thế kỷ xa cách, giờ đây tôi mới có dịp ghé laị. Ít được tu bổ, nó tiêu điều hơn ngày gia đình tôi rời miền Bắc để vô Nam năm 1954.

Có lẽ đã được Toàn thông báo trước, Anh Chính, Chị Dung tiếp tôi niềm nở và thân tình. Anh Chính bây giờ đã bảy mươi lăm. Nghĩ lại mình, tôi cũng không còn trẻ gì nữa. Anh Chính vẫn có vóc dáng gọn gàng, phong thái nghệ sĩ, nhưng tuổi đời và những từng trải trong cuộc sống của những năm dài chiến tranh, làm vẻ mặt anh có nhiều nét ưu tư. Chị Dung nay cũng phải gần bảy mươi. Tóc chị thưa, khá nhiều sợi bạc. và búi gọn phía sau. Tôi vẫn cố hình Dung, nhớ lại mái tóc mây của chị ngày nào, dưới tàng cây khế, những sợi tóc mềm gặp gió bay nhẹ trên mặt chị và anh Chính lúc Toàn và tôi bắt gặp hai người hôn nhau. Một hình ảnh yêu thương quá đẹp mà tôi khó quên.
Tôi hỏi thăm:
- Em nghe Toàn nói là anh bị bệnh gan, tưởng là anh gầy yếu, vàng da. Nhưng thấy cả anh và chị còn mạnh giỏi, em mừng cho anh chị.
Anh Chính đáp:
- Anh bị mang siêu vi gan B, nhưng thử nghiệm thì hiện giờ chức phận gan còn khá.

Quan sát nơi ăn chốn ở, tôi nghĩ rằng gia đình anh Chính chỉ tạm đủ sống. Lúc thăm Toàn tại Sài Gòn, bạn tôi có cho hay là anh Chính đã về hưu, hai năm sau tháng tư 75. Toàn nói là anh Chính có vào Sài Gòn công tác. Gia đình Toàn đã nhờ anh Chính can thiệp và bảo đảm cho hai người anh là sĩ quan Ngụy đi cải tạo được ra sớm. Hai người anh của Toàn sau đó học tập có 5 năm và 7 năm, đáng lẽ còn lâu hơn! Tôi cũng được Toàn cho biết là anh Chính phục vụ ngành tình báo và phản gián từ thời kháng chiến. Hồi ở làng Hòa Cam, anh là một trong những cán bộ ngành công an tình báo, phụ trách nhiều tỉnh phía hữu thuộc Liên Khu Ba. Vì lập gia đình với Chị Dung, có gốc tiểu tư sản và mẹ Chị Dung có gốc dòng dõi quan lại của làng Hòa Xá, nên anh Chính không được thăng tiến nhiều trong đảng bộ. Cũng có thể là tại anh thẳng thắn quá không chừng. Toàn đã cho tôi hay như vậy. Nhớ lại mấy hôm trước, lúc hai đứa chúng tôi ngồi uống bia tại Sài Gòn, Toàn đã nói xa gần cho biết anh Chính có liên hệ đến vụ ông Phán Thọ và vụ Bác Huyện. Vì thế, đã nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhiều điều muốn biết về con người Anh Chính.

Anh chị Chính mời tôi ở lại hàn huyên, dùng cơm chiều. Tôi vui vẻ nhận lời. Năm mươi năm không gặp lại, nhưng tôi cảm thấy mối thân tình thuở xưa vẫn còn. Ngày trước, mỗi lần đi đá bóng với Toàn về, chị Dung hay lấy cơm cháy còn trong nồi, và muối vừng cho hai đứa tôi, đang đói ăn ngon vô cùng. Chưa bao giờ tôi biết khách sáo với chị Dung.

Ðồ đạc trong nhà anh Chính bây giờ quý nhất có lẽ là cái sập gụ của cha mẹ Toàn để lại từ ngày vô Nam . Nước gỗ lâu năm sẫm hơn và rất bóng. Chị Dung cho dùng cơm gia đình, Anh Chính và tôi ngồi kiểu xếp chân vòng tròn trên chiếc gụ ngày xưa. Kể từ nhiều năm rồi, tôi không ngồi kiểu này nên khá mỏi đầu gối. Lần này Chị Dung cho dùng món mắm tôm chua chứ không phải là mắm tép làng Hòa Cam. Có thịt ba chỉ thái mỏng. Thiếu mất mấy quả sung bên bờ ao hồi trước. Tôi nhớ mấy quả sung ấy, nó chát chát nhưng nếu ăn với mắm rất hợp vị. Không có sung nhưng có đủ vị khế, gừng, hành, chuối xanh và rau thơm. Tôi không còn giữ cái dè dặt tránh dùng rau sống như khi ăn tại hàng quán Sài Gòn và Hà Nội. Chị Dung còn làm món canh rau dền nấu với trứng cáy, từ rất lâu tôi chưa được dùng qua. Hải Phòng thì thiếu g cua cáy. Lại thêm một món cá thu kho. So với những bữa ăn hồi tản cư, đây là một bữa tiệc thịnh soạn. Bữa ăn chỉ có ba chúng tôi. Anh Chị Chính con cái đã lớn, lập gia đình ở riêng, và anh chị có vài đứa cháu nội, cháu ngoại.

Dùng cơm xong, anh Chính kéo tôi lên căn gác lửng. Một cây đàn ghi-ta treo trên vách, nhưng chắc chắn không phải cây đàn hồi tản cư. Tôi nhớ cây đàn ngày xưa có khắc chữ Dung nho nhỏ trên mặt đàn. Chúng tôi uống trà mạn, dùng bánh đậu xanh Hải Dương và hàn huyên tiếp. Anh hỏi tôi:
- Sao, Huân về Việt Nam , em thấy thế nào?
Câu hỏi quá rộng rãi, quá tổng quát. Tôi cũng khó trả lời, nên đáp:
- Em về đây kỳ này là lần thứ hai. Nói chung em thấy có nhiều tiến bộ, so với hai năm trước. Miền Nam có vẻ sung túc, khá hơn. Miền Trung và Miền Bắc của mình còn nhiều người nghèo khó, mực sống còn thấp anh ạ.
Anh Chính nhẹ nhàng:
- Từ xưa vẫn vậy, miền Nam là vựa lúa của nước ta, lại ít thiên tai. Nhưng anh vẫn có tin tưởng là nước mình còn nhiều tài nguyên, dân mình chịu khó và thông minh, trong tương lai đất nước sẽ khá hơn nhiều lắm.
Tôi nhân cơ hội, muốn tìm hiểu tư tưởng một một người cán bộ trên năm mươi tuổi đảng như anh Chính, nay đã hồi hưu, chắc anh cũng không cần phải dè dặt nhiều nữa, tôi hỏi:
- Anh có nghĩ rằng mình cần phải có đường lối tốt, lãnh đạo tốt thì mới mong có tiến bộ không?
Anh Chính nhìn tôi, miệng cười và không trả lời thẳng câu hỏi có tính cách chánh trị này. Anh nói:
- Huân đúng là phái viên truyền thông, muốn phỏng vấn anh hay sao?
Tôi trấn an và chuyển đề tài:
- Không, em chỉ muốn biết ý kiến của các vị hơn tuổi em, từng sống nhiều với chế độ miền Bắc như anh. Em cảm thấy buồn là sau gần nửa thế kỷ, em trở về đây thăm lại Hà Nội, rồi Hải Phòng. Em không thấy Hà Nội đẹp hơn xưa. Hàng Ngang, Hàng Ðào, Hàng Gai sao bây giờ vẫn còn luộm thuộm, cống rãnh còn lộ thiên. Kiến trúc trong thành phố còn vá víu, không có một trật tự, một quy chế nào cả. Hồi nãy, trước khi đến thăm anh, em có đi quanh vài chốn cũ của Hải Phòng. Những nơi được coi là đẹp của ngày xưa em và Toàn vẫn thích, bây giờ khác xa, thua kém ngày trước. Phố Cầu Ðất, Phố Ga, Phố Tây, Bến Tàu, Vườn Hoa Con Cóc, Chợ Sắt, Ðường Cát Dài… thời xưa, bây giờ cho em những ấn tượng khác.
Anh Chính suy nghĩ một chút rồi trả lời tôi:
- Có hai yếu tố Huân ạ. Thứ nhất quá khứ bao giờ cũng đẹp. Em xa quê hương nhiều năm rồi, tuổi đời cũng lớn, không bao giờ em có lại được cảm giác của ngày xưa. Thứ hai là vì nước ta nhiều năm chiến tranh, không thể nhanh chóng tạo dựng những đô thị khang trang quy mô, có tổ chức như những nước ngoài. Rất khó khăn để biến cải những thành phố đã bị coi là cổ. Còn nói về Hà Nội, thì Huân biết không, vài ngàn năm trước là vùng đồng lầy, rất nhiều ao hồ. Bây giờ Hà Nội còn dư lại nhiều hồ ngay tại giữa thành phố. Khi mùa nước lớn, đất Hà Nội thấp hơn mức nước sông Hồng Hà, thấp hơn cả mặt biển khi thủy triều lên. Dân chúng tại thành ngày lại càng gia tăng vì dân quê đổ tới. Vì vậy giải quyết vấn đề thủy lợi, thoát nước, lập một hệ thống cống rãnh hữu hiệu cho Hà Nội có rất nhiều khó khăn. Riêng em nhận xét về Hải Phòng thì khá đúng. Anh nghĩ Hải Phòng sau này sẽ là thành phố lùi dần về kinh tế và giao thương. Lý do là sông của cửa khẩu cạn, cần phải đào vét hàng năm tàu lớn mới vào Cảng được. Vì vậy sẽ phải có một hải cảng khác thuận tiện cho tàu bè hơn là Hải Phòng. Nhà nước có trù liệu chương trình lập một cảng mới tại gần Bãi Cháy hay gần Cát Bà.
Tôi không hiểu những điều anh Chính vừa nói có chính xác hay không, nhưng tôi không ngờ con người một thời chuyên về công an, tình báo như anh Chính, cũng để ý và quan tâm về địa dư, về kinh tế như thế. Tôi nói tiếp chuyện với anh:
- Anh có nghĩ nước mình bất hạnh không? Cuộc chiến giữa hai miền Bắc Nam vừa qua, trên 20 năm, hao tổn hàng triệu sinh mạng, phí phạm bao nhiêu tài nguyên, hai miền cùng chịu nhiều tang tóc để có được một nước Việt Nam bây giờ, mức sống của dân được coi là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Anh hãy coi, những nước nhược tiểu ngày trước như Maroc, Tunisie, Algerie, Madagascar … xưa là những nước bị trị, là thuộc địa như nước mình, thế mà họ không bị chiến tranh tàn phá vẫn có được độc lập.
Anh Chính trả lời:
- Anh nghĩ nước mình bất hạnh một phần. Mặt khác, chỉ vì thời cuộc và cục diện thế giới đã đè nặng vào dân mình, do vị trí chiến lược của Việt Nam . Mình ở cái thế không chiến đấu không được Huân ạ. Em nhớ không, sau đệ nhị thế chiến, quân Nhật đầu hàng, thì Pháp lại tìm cách trở lại với dã tâm thiết lập lần nữa chính sách thực dân đô hộ. Ðiều này làm dân mình bắt buộc phải tranh đấu chống xâm lăng. Cô đơn chiến đấu lâm vào thế phải tìm đồng minh để chống xâm lược của Pháp.

Tôi nghĩ là anh Chính có ý bào chữa, biện hộ cho việc kháng chiến phải chọn con đường đi theo cộng sản. Thấy không nên đi sâu vào việc nói chuyện chính trị với anh Chính, tôi tìm câu trả lời cho những thắc mắc riêng tư đã ám ảnh tôi nhiều năm về anh Chính:
- Ða số chúng ta thời ấy đều được kích thích lòng yêu nước. Gia đình của Toàn cũng như gia đình em, đã một thời ra vùng kháng chiến, rồi về Hòa Cam, nơi anh gặp chị. Hồi ấy, anh là thần tượng của tụi em, em và Toàn …
Tôi đang định nói tiếp thì Anh Chính ngắt lời, cười hỏi:
- Bây giờ thì chắc anh hết là thần tượng của mấy chú? Thần tượng long chân, sụp đổ rồi phải không?
Thấy anh vui, tôi cũng cười:
- Khi mỗi người ở mỗi bên chiến tuyến, chúng em phải xét lại. Thần tượng cũng thay đổi theo thời gian và không gian. Nhưng bây giờ anh có thể cho em biết tại sao hồi trước đang học tú tài, anh lại cương quyết theo kháng chiến tới cùng, khi trở về thành anh không học tiếp để thành giáo sư, kỹ sư, luật sư … như nhiều thanh niên khác?
Anh Chính thổ lộ:
- Chuyện anh tích cực theo kháng chiến kể thì dài lắm, nhưng anh tóm tắt cho Huân. Cha anh ngày trước theo Nguyễn Thái Học, chống Pháp. Lúc nhà cách mạng này bị xử tử hình cùng nhiều đồng chí, ba anh vì còn liên quan ít, nên chỉ bị Pháp bắt giam vào hỏa lò Hà Nội. Mẹ anh trong một lần tìm cách thăm cha anh, thì bị tên đội mật thám Tây bắt giữ luôn để điều tra. Anh nghe nói nó xử rất tàn tệ với phụ nữ, nó có hãm hiếp bà, quyền sanh sát trong tay nó thời bấy giờ. Cha anh sau đó bị đày ra Côn Ðảo và chết tại Côn Ðảo, người có nhắn nhủ lại là anh nên tham gia cách mạng và anh đã nghe lời. Vào thời anh lúc đó, chỉ có Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội là có nhiều đoàn viên và nhiều thực lực nhất. Anh theo Việt Minh và tình nguyện vào ngành tình báo, an ninh, phản gián từ trước lúc Nhật đầu hàng đồng minh.
Tôi nhân dịp hỏi thêm để giải tỏa những thắc mắc khác còn vương lại từ hồi nhỏ:
- Em nghe Toàn nói là anh có vài liên hệ đến vụ ông Phán Thọ ba thằng Tuấn, bạn của tụi em hồi trước di cư, và vụ Bác Huyện của chị. Anh có thể cho em ít chi tiết về chuyện ngày xưa được không?

Tôi bỗng nhiên cảm thấy ngôn từ của mình như trẻ lại. Tôi vẫn gọi tên người bạn cũ của tôi là thằng Tuấn. Tôi nhớ lại khuôn mặt đau khổ của nó sau ngày ba nó chết, "ba nó bị ám sát chết". Chuyện này cứ ám ảnh tôi. Không biết "thằng Tuấn" của tôi bây giờ ở đâu. Nó đang là một thầy giáo hiền hòa. Hay nó đang lo mánh lới buôn bán để kiếm sống. Có khi nó đã chết vì B52 khi theo bộ đội vượt Trường Sơn vào xâm nhập Miền Nam từ nhiều năm trước… Tôi đang suy nghĩ thì nghe giọng anh Chính thong thả:
- Anh lớn tuổi rồi, cũng chia sẻ phần nào những chuyện trước kia cho mấy em. Anh nghĩ cũng chẳng hại gì, khi nói những chuyện nhỏ của năm chục năm về trước. Huân nên biết là trong ngành tình báo, phản gián, luôn luôn phải ra tay trước, hoặc là trốn chạy. Lúc đó đảng bộ nội thành Hải Phòng, cho anh làm quản lý một nhà in chỉ để làm bình phong, che dấu những hoạt động của anh. Nhà in cũng là chỗ để tụi anh in truyền đơn nữa. Khi Phán Thọ đã gỡ mối, tìm giây sắp lần ra tung tích, hoạt động của anh, anh phải gấp rút chỉ thị thuộc cấp, ban ám sát, xử tử hình ông ta. Nếu anh không thanh toán ông ta, anh sẽ phải ngưng hoạt động, trốn sớm ra vùng kháng chiến, hoặc là sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị cầm tù, ra Côn Ðảo như cha anh ngày trước.

Tôi nghe thì biết vậy, nhưng hơi rùng mình. Chúng tôi chỉ biết anh Chính hoạt động từ vùng kháng chiến rồi vào thành, nhưng thực sự ngày ấy không biết là anh ở trong ngành điệp báo. Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ là sau khi vào thành, làm quản lý nhà in, lập gia đình, với cuộc sống đầy đủ hẳn anh đã "giã từ vũ khí". Nhưng tôi ngạc nhiên, và ấm ức trong lòng về việc xử tử "ba thằng Tuấn", cha một bạn thân của tôi, đối với anh Chính chỉ là chuyện nhỏ. Tôi hỏi tiếp:
- Còn vụ Bác Huyện, người anh họ xa của mẹ chị Dung.
Anh Chính hơi trầm ngâm, suy nghĩ rồi trả lời với một giọng buồn:
- Ngay sau khi Pháp nhảy dù Vân Ðình, Liên Khu Ba trù liệu là Pháp sẽ đánh lớn vì họ tung ra rất nhiều vụ tảo thanh, nhiều mặt trận. Lệnh từ trung ương là khi chạy giặc, nếu không áp tải được Việt gian trong lúc khẩn trương thì có thể hy sinh họ, tránh bị họ phản lại hay trốn chạy nhân khi ta bị tấn công, phải cố tránh vướng bận vì họ mà lực lượng mình bị tổn thất, không rút lui an toàn được. Lúc đó anh được báo cáo là Bác Huyện của Chị, được các bạn bè trí thức thân Pháp, móc nối để vào thành làm việc cho chánh quyền mới thành lập của Bảo Ðại. Kháng chiến bên này biết bác Huyện là người giỏi, không muốn bác sẽ làm thêm vây cánh cho bên chính phủ theo Pháp. Bác Huyện trên đường tìm cách vào thành thì bị bắt. Thực ra bác Huyện chưa phạm một tội gì. Chỉ vì Pháp nhảy dù Vân Ðình, bác đã chết oan tại Chùa Rồng.

Trong lòng tôi còn chút thắc mắc, muốn hỏi thêm có phải khi chiến sự gần kề anh Chính ra lệnh cho hy sinh nhóm người được gọi là Việt gian ngày trước không. Nhưng thôi, biết thế đủ rồi, tôi tự nhủ. Vấn đề khá tế nhị. Câu hỏi có thể làm bối rối cho anh Chính. Có hỏi, chưa chắc anh đã trả lời. Và nếu anh trả lời, chưa chắc đã trung thực. Tôi cường điệu nghĩ rằng thần tượng của ai cũng có lúc không trung thực. Thần tượng không thể nào là thần thánh. Nhất là thần tượng tuổi thơ của tôi bây giờ hình như đã mất chân, nếu nói về chủ thuyết mà anh hằng theo đuổi để mong tìm hạnh phúc cho con người và độc lập cho xứ sở.

Mười giờ tối, tôi từ biệt anh chị Chính, dùng chiếc xe Taxi đã bao thuê trở về Hà Nội. Công việc sở giao cho đã xong, sáng hôm sau tôi ra phi trường Nội Bài, trở về nước tôi đang cư ngụ. Rời Việt Nam , tôi vẫn nhớ câu nói của anh Chính lúc chia tay: “Ðất nước mình đã hết chiến tranh, về thăm quê hương, Huân cứ vô tư thoải mái”. Thoải mái là một trạng thái thư giãn của tâm hồn, không căng thẳng của cơ thân, và khoan thai của hành động. Tôi có thể tìm được bằng cách cố sống ung dung tự tại, tránh những phiền nhiễu, những va chạm hay những đối đầu mỗi khi không cần thiết. Nhưng vô tư thì khó quá. Làm sao tôi quên được những kỷ niệm buồn vui của tuổi thơ, những tang thương của một thời chinh chiến, những mất còn của bao người thân sơ. Chuyến bay dài. Cô gái Việt trẻ tuổi ngồi bên, có mái tóc mây đẹp như tóc Chị Dung thuở nào, đã khép đôi hàng mi dài muốn ngủ. Tôi cũng cố chợp mắt mà ngủ không được. Tâm trí tôi còn vướng bận tới hình ảnh Chùa Rồng ngày xưa, và bên tai còn như lảng vảng lời nói của anh Chính về một chuyện theo anh cũng nhỏ thôi: "Bác Huyện chưa phạm một tội gì, bác đã chết oan tại Chùa Rồng".

Trần Văn Khang