Quán nằm trong thương xá mà mỗi khi vào mua sắm Diễm vẫn thường
đi ngang qua. Nhưng đây là lần đầu tiên Diễm bước vào. Cô chọn một chỗ ngồi khuất
hẳn phía sau. Chung quanh cô là những ông, những bà trọng tuổi. Cách ăn mặc của
họ đơn giản song vẫn thấy phần nào cốt cách lịch thiệp của tầng lớp trung lưu
qua cách ăn nói nhã nhặn với người phục vụ khi gọi thức uống. Khuấy ly cà phê
hay xé gói đường cho vào tách một cách nhẹ nhàng.
Diễm ngồi kín đáo quan sát từng người. Quán không dành cho những người già. Tuy
nhiên, như thể có sự cố tình của chủ nhân mà cách trang trí, những dòng nhạc cổ
điển được phát ra từ cái loa giấu kín đâu đó trong những góc tường chỉ để mời gọi
những người đứng tuổi. Đám trẻ chắc chắn không hề thích nơi này. Nên khi nhìn
thấy người đàn ông tần ngần đứng trước quán nhìn lên bảng tên, cô biết ngay là
ông. Người đàn ông tên Minh mà cô đã trao đổi bằng những điện thư trong khoảng
thời gian gần đây. Không phải ông ấy thì còn ai khác.
Không xa quá trí tưởng tượng của Diễm. Ông là một trong những diện mạo cô từng
gặp. Những người lính năm xưa đã bước qua khỏi ngưỡng cửa thất thập. Những kẻ sống
sót sau cuộc chiến, trải qua quá nhiều năm tháng bị đày đọa nơi những nhà tù. Họ
không hoàn toàn giống nhau. Có người vẫn còn giữ được hào khí một thuở hùng
anh, lạc quan nơi quê hương mới. Nhưng có những người mà mọi khốn khổ cùng cực
của kiếp người dường như vẫn còn lưu lại trong dáng vẻ của họ. Trầm tư, chậm chạp.
Phong thái ấy là những nỗi buồn tích tụ. Đôi khi họ sống như thể lánh xa đời, để
quên đi những đoạn đời thắng-thua, vinh-nhục cũ.
Diễm mạnh dạn tiến ra cửa:
- Chào ông Minh, thưa ông tôi là Diễm.
Một thoáng ngỡ ngàng, có phần lúng túng. Người đàn ông nói:
- Tôi đã đến sớm, không ngờ cô lại còn sớm hơn tôi.
- Vâng, thưa ông tôi khá rảnh rỗi chiều nay. Ngồi quán cũng thú vị hơn ngồi
nhà, nên tôi đến sớm.
Diễm nhìn quang cảnh phía ngoài qua khung cửa kính trong vắt. Mùa thu chưa đến,
nhưng những chiếc lá trên tàn cây ngoài kia đã không còn xanh. Có những thân lá
rìa cong queo, có chiếc rách bươm loang lổ. Những cơn gió mát của buổi chiều chừng
như đã lạnh hơi thu.
Diễm đẩy tấm thực đơn về phía người đàn ông:
- Ông dùng gì? Một chút gì cho ấm bụng, nhưng nhiều thứ làm ấm bụng lắm. Không
chỉ là cà phê hay trà. Có cả rượu đấy!
- Cám ơn cô.
Trà hay cà phê gì cũng được. Bao tử tôi không được tốt.
Diễm gọi cho ông Minh một ấm trà xanh, phần cô một tách cà phê với những chiếc
bánh kem nhỏ xíu.
- Ông dùng một chút bánh với tôi cho vui.
- Cô để tôi tự nhiên.
Ông Minh nâng tách, mùi trà thơm làm bằng những lá trà tươi non, được trồng nơi
vùng núi của một đất nước có tên là "xứ sở mặt trời mọc" có lẽ đã làm
tinh thần ông sảng khoái, không còn vẻ lính quýnh như lúc đầu. Ông nói:
- Thực sự tôi ngạc nhiên lắm. Cô không nhỏ hơn tôi nhiều, nhưng không ngờ cô trẻ
quá!
Diễm nhìn những chân tóc trắng của ông. Quả tình đếm tuổi thì cô không nhỏ hơn
người đàn ông này là bao. Nhưng thập niên bốn mươi và năm mươi tự nó là một bức
tường giữa hai thế hệ.
- Cám ơn ông quá khen. Có lẽ tôi may mắn có một cuộc sống không nhiều âu lo.
Nhưng tôi nghĩ ông phải ngạc nhiên lắm những gì tôi đã yêu cầu ông và cái hẹn
chiều nay. Có thể ông cho rằng tôi quá lãng mạn, điên khùng. Nghĩ đi, nghĩ lại
tôi thấy điều này không sai, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn.
- Ngạc nhiên chứ! Tôi không nghĩ giữa đời sống này lại có một người phụ nữ như
cô. Cô khác xa rất nhiều sự hình dung của tôi về cô.
Diễm cười:
- Khác như thế nào? Ông nói đi, tôi rất muốn nghe những gì ông nói.
Ông Minh nhìn Diễm ngập ngừng:
- Thôi, tôi sẽ nói với cô sau. Thực ra chỉ là những cảm nhận trước và ngay bây
giờ, khi tôi gặp cô. Chúng ta nên bắt đầu vào việc chính.
Người đàn ông mở chiếc cặp đựng hồ sơ và rút ra những tấm hình giấy đã ố vàng
trong một phong thư còn rất mới, không một nếp nhăn gẫy. Có lẽ ông chỉ vừa mở
ra bỏ những tấm hình vào trước khi đến gặp Diễm.
- Cô tìm xem! Lâu quá rồi, chỉ trừ một vài người bạn sau này cùng về chung một
đơn vị thì tôi không còn nhớ ai là ai nữa.
Thời gian như ngừng lặng giữa hai người. Mọi cảnh trí chung quanh họ đều trở
nên vô hình. Trong đầu họ bây giờ hiển hiện một không gian khác, một khung cảnh
khác. Một ngọn đồi, những bãi đất, bụi cây, bờ cỏ. Không chỉ là những cảnh trí
thiên nhiên, hoang dã. Ở đó, còn có những dãy nhà, những vòng kẽm gai và cả một
tượng đài uy nghi dưới những ngọn cờ. Ông Minh đang nhớ về nơi chốn đó, còn Diễm
đang nhìn thấy chúng nơi những tấm hình ông đưa cho cô.
Trong hình là những thanh niên trẻ, khoảng gần hai mươi người. Họ kề cận bên
nhau, hàng đứng hàng ngồi. Cùng một tư thế, chỉ khác binh phục khoác trên người.
Nghiêm trang trong những bộ quân phục nghi lễ màu vàng, nón kết và những vòng
dây biểu chương vắt trên vai. Nhưng đầy nét phong trần với những bộ đồ trận màu
vỏ chai xanh sậm. Họ đeo súng, đầu đội những chiếc nón sắt. Có hình họ đứng, ngồi
trên một bãi tập. Những đường nét trên khuôn mặt có người rõ, người mờ. Nhưng nụ
cười của họ rất tươi.
Có phải đây là nơi anh đã có mặt, đã đổ những giọt mồ hôi… Nhưng lúc nào, với
ai? Làm sao em có thể tìm thấy trong số gần cả hai ngàn người ở trung tâm này,
của năm tháng đó.
Từng tấm một, Diễm cầm lên rồi đặt xuống như đang lựa chọn một món hàng để mua.
Ông Minh ngồi nhìn người phụ nữ. Lòng ông hồi hộp như người đi xin việc, chờ được
trả lời. Ông mong được nhìn thấy một tia sáng nơi ánh mắt của cô. Nhưng Diễm buồn
rầu nhìn ông và lắc đầu:
- Anh ấy không có ở đây!
Một khoảng im lặng. Mỗi người một nỗi băn khoăn.
- Giá như cô biết rõ ngày tháng, khóa nào thì tôi có thể tìm giúp cô.
- Nếu biết rõ thì còn gì để nói. Như tôi đã thưa cùng ông. Tôi chỉ nhớ ngày anh
ấy nằm xuống, cấp bậc mà anh ấy mang lúc đó và tôi đoán anh ấy đã thụ huấn ở
quân trường này, cùng khoảng thời gian với ông… Hay là anh ấy học ở Quang
Trung, Đồng Đế?
- Không đâu cô, binh chủng người bạn của cô dù có thụ huấn ở quân trường nào
trước thì cũng phải về đây thôi.
Diễm buồn rầu:
- Tôi là một kẻ bội bạc. Tôi không giữ được gì cho mình. Tôi hất tung mọi thứ
và giờ muốn tìm lại. Gần năm thập niên trôi qua, thời gian là cả một đại dương.
Tôi mò kim đáy biển.
Ông Minh im lặng. Ông đang suy nghĩ tìm lời để an ủi Diễm, nhưng cô lại lên tiếng:
- Dầu sao tôi cũng cám ơn ông. Nhưng ông có muốn nghe tôi kể về tôi, về anh ấy
không?
Đó là mối tình đầu của tôi. Cũng như bao mối tình khác trên cõi đời này. Nếu
anh ấy đừng nằm xuống, có thể bây giờ anh cũng đã yên bề gia thất với một ai
khác, không phải là tôi. Tôi cũng không chắc đây là mối tình "thiên
thu" của đời mình. Vì sau anh, tôi đã yêu người khác nồng nàn, say đắm.
Nhưng bây giờ tình yêu đó, người đàn ông đã chết đó lại làm tôi… Tôi không biết
gọi tâm trạng này là gì?
Năm ấy tôi còn nhỏ, chỉ vừa tập tễnh khoác trên người những chiếc áo dài màu,
theo bạn bè đi phố ngày nghỉ học. Gia đình tôi chỉ có một người lính. Anh tôi,
một quân nhân vui tính nên anh có rất nhiều bạn. Nhà đầy ắp tiếng cười mỗi khi
những người bạn của anh tôi cùng đến chơi. Có thể ví như bộ Tổng Tham Mưu vì đầy
đủ binh chủng.
Nhà gần nơi trại anh đóng quân, nên anh thường đến nhà. Ghé chơi vào những giờ
giấc đôi khi bất thường. Ngay cả những lúc tôi đang bận làm việc gì đó, anh
cũng ngồi nghe nhạc đợi tôi.
Tôi nói về những chiếc áo dài vì có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Hôm đó tôi ở
trên gác ủi quần áo. Tôi vừa ủi xong mấy chiếc áo dài. Áo tơ lụa thường phải vẩy
nước vào âm ẩm mới có thể dễ dàng ủi thẳng. Thường khi ủi xong, đợi áo nguội,
khô, tôi mới cất vào tủ. Và tôi thường treo chúng vào một cái móc to. Cái móc
đóng trên trần nhà, sát cầu thang lên xuống. Tôi không biết anh đã đến và ngồi
bên dưới, ngay chỗ mà khi anh ngước lên, những chiếc áo dài óng ả sẽ nằm trong
tầm mắt của anh. Anh nhìn những chiếc áo chứ nào phải tôi, sao đôi mắt lại đắm
đuối đến thế. Thời gian đã làm tôi quên nhiều thứ nhưng hình ảnh một thanh niên
miên man ngắm những chiếc áo của mình thì không thể nào tôi quên được. Tình yêu
bắt đầu từ đó. Nhưng anh tỏ tình với tôi bằng nhiều cách khác, dễ thương lắm.
- Tôi có đang nhảm nhí làm mất thì giờ của ông không, ông Minh?
- Không đâu, cô nói tiếp cho tôi nghe đi. Câu chuyện của cô có những điều lý
thú lắm. Kể cho tôi nghe cái "dễ thương" mà cô vừa nói đi.
Sau lần mơ màng với những chiếc áo, anh đến nhà tôi thường hơn, cố ý đến những
lúc anh tôi không có nhà. Đến để mượn những cuốn sách mang về trại đọc. Thuở ấy
tôi đọc nhiều lắm. Sách là bạn của tôi. Những cuốn sách tôi đọc, trang nào thấy
thích tôi thường kẹp vào một bức ảnh của tôi, hay một cái gì đó để làm dấu khi
cần đọc lại. Sách đi với hình của tôi và sách về với hình của anh. Ngay cả những
cuốn sách không có gì, tôi cũng được trả ơn cho mượn sách bằng một tấm hình.
Chỉ là những tấm ảnh, không một lời nào viết phía sau. Nhưng mỗi lần mở sách ra
nhìn thấy, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc và tôi giấu nỗi niềm đó vào những trang
nhật ký. Tôi còn một cuốn sổ nho nhỏ của anh ấy nữa. Một bữa chúng tôi ngồi
trong quán cà phê. Anh lấy trong túi ra hai cuốn sổ giống nhau. Một cuốn bên
trong đầy những ghi chú, có chữ bị gạch xóa. Có lẽ anh viết sai, nên anh chép lại
vào cuốn mới. Rồi anh đưa cuốn cũ cho tôi. Cuốn sổ ghi trung đội của anh và tên
những người lính có lẽ dưới quyền của anh. Tôi không hiểu tại sao anh lại đưa
cho tôi nữa. Bao nhiêu lần ngắm hình anh, tôi cứ trách sao anh không viết cho
tôi một chữ nào. Nên cầm cuốn sổ màu xanh có chữ anh viết, tôi thích lắm. Ông
lính của tôi có những điều ngộ nghĩnh lắm ông à. Giá như tôi còn giữ được cuốn
sổ đó, nó sẽ là một bảo vật của chiến tranh. Giá như tôi còn một tấm hình...
Tôi thật đáng tội!
- Thế cuốn nhật ký của cô giờ ở đâu?
- Nó ở trên bàn thờ cạnh di ảnh của anh ấy. Và bây giờ nó ở đâu? Còn hay mất,
ai đang giữ thì làm sao tôi biết được. Thật sự tôi đã quên đi rất nhiều. Chúng
tôi đã đi đâu làm gì trong khoảng thời gian đó. Tôi rất muốn tìm lại, đọc lại,
thấy lại đời mình. Nhưng tôi biết tìm đâu? Những người liên quan đến chúng tôi
có người đã chết. Nếu còn trên cõi đời này, chắc gì họ vẫn sống nơi chốn cũ. Cũng
trôi giạt như tôi và ông thôi.
- Chuyện của cô, ngoài cái chết còn có gì đó buồn lắm phải không cô?
- Hạnh phúc hay khổ đau là lẽ thường của cuộc sống. Nhưng giá như chúng tôi có
nhiều năm tháng để vui, buồn. Giá như nỗi buồn chỉ là cái chết.
Mối tình ngắn ngủi, kéo dài không tới một năm. Đời lính mà, có bao nhiêu ngày
anh ấy ở Sài Gòn đâu? Nhưng cả hơn ba tháng trời hành quân liên miên, anh đi
anh về mà chẳng đoái hoài gì đến tôi, rồi vĩnh biệt. Chúng tôi xa nhau trước
khi cái chết đến. Cái chết là cánh cửa cuối cùng đóng lại.
Ông cũng biết mà! Ngày đó chiến tranh khốc liệt. Những người lính ra đi không về,
nhiều, nhiều lắm. Có gia đình nào mong muốn người chồng, người con thương yêu của
họ nằm yên nơi một nấm mồ hay chỉ là linh hồn là đà theo hương khói của người
thân. Người lính của tôi bỏ ngũ hai ngày. Anh vắng mặt, khi những đồng đội của
anh đã trang bị đầy đủ lên máy bay để nhảy xuống một mặt trận đang sôi sục khói
lửa. Sự việc quá bất ngờ với tôi. Hai ngày tôi vật vã mong ngóng tin anh. Hai
ngày anh chờ tôi, giằng co giữa hai lựa chọn quyết định một đời người, cùng những
dằn vặt của một kẻ đào ngũ. Chúng tôi lạc mất nhau dù khoảng cách chỉ là một bức
tường. Đời sống có những điều cực kỳ phi lý mà con người vẫn cho rằng đó là số
mệnh.
Anh làm hỏng hết bao toan tính của những người thân. Nếu anh đừng tìm tôi, đừng
vì tự ái khi không gặp tôi thì mọi điều đã khác. Gia đình anh tin như thế! Còn
tôi, tôi là một đứa con gái chỉ mê thứ hào quang của những người hùng vì các
chiến thắng họ mang về thành phố. Tôi chỉ yêu bộ quân phục, màu mũ, lon lá anh
đeo trên cổ áo như bao cô con gái thời đó. Tôi đã lánh mặt anh vì anh là kẻ đào
binh, trốn tránh trách nhiệm. Đó là những câu nói dành cho tôi sau hai ngày,
khi anh quay lại chiến trường. Nó đã là một rào cản kiên cố, ngăn những bước
chân tôi đến thăm anh, rờ tay lên áo quan lần cuối.
Không phải chỉ từng ấy đâu ông Minh à. Nhưng thực sự, đã lâu quá rồi. Có những
điều tôi nhớ tôi quên. Có những nỗi buồn, những điều tệ hại mà nhiều năm sau được
tôi viết đầy trên giấy rồi thành truyện. Anh tôi nói, tôi lầm lẫn giữa ảo và thực.
Tất cả là sự tưởng tượng hư cấu của tôi. Người cận kề, biết rõ anh ấy trong những
ngày chúng tôi xa nhau thì cũng đã qua đời.
Bây giờ tôi không muốn nhắc nhớ gì nữa. Tôi chỉ giữ lại những điều dễ thương, đẹp
đẽ của anh ấy như tôi vừa kể với ông. Nhưng có lúc tôi nhìn sự việc qua một
lăng kính khác. Nếu đừng có ngày 30/4 oan nghiệt, đẩy chúng ta ra khỏi quê
hương. Nhìn lại đất nước suy vong với bao nhiêu giá trị nhân văn, đạo đức bị
băng hoại mới tiếc nuối một thời vàng son, mới biết sự hy sinh lớn lao của người
lính. Họ mất đi thanh xuân, tuổi trẻ. Cống hiến cả đời mình để giữ vững cái
vàng son đó. Nếu chẳng vì thế, chắc gì tôi đã nặng lòng tìm lại dấu vết của anh
ấy cùng nỗi ăn năn thơ dại ngày nào. Nói ra có vẻ cường điệu, nhưng với tôi,
anh ấy là một phần quê hương đã mất. Tôi buồn khi nghe tin một vị tướng lãnh,
hay những người lính năm xưa đã nằm xuống. Dù họ tốt hay xấu, bất kể họ đã làm
gì trong quá khứ. Thế hệ của họ đang dần mai một. Những người ngồi tưởng tiếc,
nhớ thương bây giờ cũng sẽ ra đi. Rồi cũng đến phiên tôi, người đã lớn lên
trong cuộc chiến. Đã hiểu thế nào là vinh quang, nhục nhằn của người lính sau
ngày tan hàng. Mai sau còn ai thương tiếc họ?
Ngồi vào xe cầm tay lái, ông Minh mới nhớ ra điều mà ông hứa sẽ nói với Diễm
trước khi đem ra cho cô coi những tấm hình. Có lẽ không cần thiết, nhưng thực
lòng ông muốn nói với cô rằng, ngoài những tạp chí do những chiến hữu cũ của
ông gửi tặng, ông ít theo dõi sinh hoạt văn chương. Ông cũng chẳng biết cô là
ai. Chuyện như đùa, nó chỉ gợi trong ông sự tò mò có chút ngờ vực, xem thường,
khi cô làm quen với ông để đi tìm dấu vết của một người lính tử trận. Thế mà
ngay phút giây đầu nhìn thấy cô, những suy nghĩ của ông đã khác. Lời chưa được
nói ra, nhưng ông tin cô đã hiểu sự trân trọng mà ông dành cho cô.
Người phụ nữ mang đến cho ông một niềm vui ấm áp. Dù câu chuyện của cô chẳng mấy
gì vui. Câu chuyện có những tình tiết lãng mạn, nhưng nó rất thực trong cách
nói, nét buồn nơi ánh mắt của người kể ra làm ông cảm động. "Với tôi,
anh ấy là một phần quê hương đã mất". Sẽ chẳng bao giờ ông quên câu
nói đó.
Khi Diễm từ giã bước đi, ông đã nhìn theo rất lâu, cho đến khi bóng cô khuất
sau những hàng xe trong bãi đậu. Cái bóng nhỏ bé ấy là một nỗi buồn rất lớn. Một
nỗi buồn của chiến tranh, sau cuộc tương tàn.
Đặng
Mai Lan