Tôi đứng ôm cặp sách nơi đầu đường con hẻm lớn, mặt hướng về
ngã năm chờ đợi chuyến xe, không để ý phía bên phải tôi tiệm Minh Ký Trà Gia
đang khách vào ra liên tục:
– Cô bé đi đâu anh cho quá giang? –
Một tiếng nói phía sau, tôi quay lại ngỡ ngàng và từ chối:
– Em đi học xa lắm, mãi Quang
Trung.
Người lính trẻ tuổi bên chiếc xe Honda hỏi tôi, anh tự giải thích:
– Anh thấy cô bé đứng đây từ lúc
anh vào tiệm Minh Ký Trà Gia. Ăn tô mì và uống ly cà phê xong thấy em vẫn còn đứng
đây.
Tôi làm bộ bận rộn tiếp tục nhìn về
hướng ngã năm để chấm dứt nói chuyện. Anh chưa chịu đi, thắc mắc hỏi:
– Sao không đi xe lam? nãy giờ lỡ mấy
chuyến xe rồi.
Tôi ngượng ngùng khi phải nói:
– Em đợi xe đò vì… vì… giá xe đò rẻ
hơn xe lam.
– Vậy hả? Thôi anh đi nhé. Mong xe
đò mau tới kẻo em trễ giờ học.
Anh đi về hướng ngã năm mà tôi đang
dõi theo chờ xe nên phải nhìn anh cho đến khi hình bóng người xa lạ khuất vào
đám đông xe cộ. Tôi cảm thấy thoải mái nhẹ nhõm cả lòng.
Chập tối tôi đang mơ màng sắp chìm vào
giấc ngủ chợt choàng thức tỉnh với những âm thanh khủng khiếp, tiếng la hét từ
bên ngoài và cả trong nhà mình:
– Cháy nhà! Cháy nhà! Các con ơi chạy
ra ngoài!
Cha mẹ tôi đang mang đồ đạc và bồng
bế dắt díu các em tôi lao ra phía cửa, tôi chạy đến bên kệ sách chộp mấy cuốn
truyện, mẹ tôi la lên:
– Giờ này mà còn lo mấy cuốn truyện
hả. Mau mau ra ngoài sân!
Khi tôi ra tới ngoài sân đã trông thấy một vòm lửa đỏ sau nhà mình, ngọn lửa khổng
lồ như con quái vật nuốt chửng những căn nhà. Thấy căn nhà của mình sụp đổ tôi
bật khóc nức nở và thương xót những cuốn truyện mà tôi yêu thích chưa kịp mang
theo. Xe cứu hỏa giập tắt đám cháy. Tổng cộng hơn 20 căn nhà đã thành tro bụi.
Buổi sáng hàng xóm bắt đầu tìm về nền nhà của mình xem có gì còn sót lại không,
tôi cũng thế, chỉ tìm thấy những đồng tiền xu mà tôi vẫn để dành đi học trả tiền
xe đò đã cháy xám đen. Khi tôi từ trong đám tro tàn bước ra, mặt mày phờ phạc
vì cả đêm không ngủ, vì sợ hãi, vì đau buồn thì gặp anh đang đứng trong đám
đông người hiếu kỳ nhìn cảnh hoang tàn sau trận cháy, là anh chàng cách đây một
tuần gặp tôi ở đầu đường khi tôi đứng chờ xe đi học, vẫn là chiếc xe Honda ấy
hôm anh đi ăn mì Minh Ký Trà Gia. Anh cũng ngạc nhiên và vội đến bên tôi:
– Lại tình cờ gặp cô bé. Nhà em cũng bị cháy hả?
– Vâng, em vừa chui từ nền nhà đổ nát ra. Nhà em đó.
Anh nhìn tôi có vẻ thương cảm:
– Sáng nay anh đến Minh Ký Trà Gia ăn mì, nghe người ta bàn tán về đám cháy tối
qua ngay con đường trong xóm này nên anh tò mò quẹo vào xem cho biết. Không ngờ
gặp cô bé trong hoàn cảnh này.
Tôi ngại ngùng quay mặt đi, giấu hai bàn tay đầy vết nhọ của than củi sau vạt
áo và tự hỏi không biết mặt mình có dính nhọ đen thùi lùi không? Anh hiểu ý và
chào tôi:
– Anh đi làm nhé.
Để đáp lễ anh đã hỏi thăm mình, tôi hỏi thăm anh:
– Anh làm xa không?
Làm gần đây thì anh mới ăn mì Minh Ký Trà Gia nơi đầu đường xóm em chứ. Anh là
lính của trường hành chính tài chính ở ngã Năm.
– Thế thì em biết rồi, trường hành chính tài chính em vẫn thường đi qua.
Từ đấy mỗi lần đi qua ngã Năm tôi đều nhìn khu trường hành chính tài chính với
nhiều thiện cảm vì có “người quen” đang làm việc trong đó.
Quán cà phê nhà
tôi đông khách nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trước cửa quán là hàng bánh cuốn
và hàng cơm tấm rất ngon, những lính tráng và nhân viên của các trại lính quân
cụ, quân nhu, truyền tin… quanh đây thường đến ăn điểm tâm uống cà phê trước
khi vào làm việc. Sáng nào tôi cũng phụ giúp mẹ, khi thì vào quầy pha cà phê
khi thì bưng bê cho khách hàng. Khi tôi mang một ly cà phê sữa và một ly cà phê
đen ra bàn số 8 thì… lại gặp anh. Anh “hành chính tài chính” và một cô gái trẻ
đẹp đang ngồi bên hai đĩa cơm tấm sườn bì chả vừa được mang đến. Anh nhìn tôi rất
ngỡ ngàng vì bất ngờ. Tôi cũng bất ngờ, run run đặt hai ly cà phê trước mặt
khách và quay đi ngay để phục vụ những khách hàng khác và để giấu cảm xúc của
mình. Lát sau anh và cô gái rời khỏi quán, tiền trả cà phê để bên cạnh ly cà
phê. Rõ ràng anh muốn tránh mặt tôi.
Nhưng một tiếng sau anh quay lại, chắc anh đợi giờ quán đã vắng khách. Tôi đang
đứng trong quầy, anh đến bên tôi:
– Cho anh ly cà phê đen như lúc nãy.
Tôi vụng về hỏi:
– Cà phê ngon nên anh quay lại uống ly thứ hai?
– Cà phê nhà em làm anh đắng môi và đắng cả lòng, nhưng em cứ bán cho anh cái
mùi vị đau thương ấy đi.
Tôi pha cho anh ly cà phê đen nóng và gượng mỉm cười:
– Em mời anh ly cà phê này...
Anh cầm ly cà phê cho vào một thìa đường nhỏ và đứng tại quầy nhâm nhi để tôi
phải tiếp chuyện anh:
– Anh đã tình cờ gặp em hai lần và tưởng là không còn dịp nào gặp nữa vì anh
thường ghé Minh Ký Trà Gia ăn mì buổi sáng, cố tình cùng giờ em đón xe đò đi học
mà chẳng thấy em đâu, đi vào xóm em, anh mong là căn nhà em cháy sẽ được xây dựng
lại và anh sẽ gặp em. Nhưng hình như nhà đã đổi chủ?
– Vâng, cha mẹ em đã bán mảnh đất nhà cháy và mua căn nhà nơi mặt đường gần những
trại lính này mở cửa hàng bán cà phê, thế nên sau vụ cháy nhà em đổi sang học
buổi chiều, buổi sáng em phụ mẹ bán cà phê.
Anh thẫn thờ:
– Thì ra thế. Bỗng dưng em biến mất như một giấc mơ ngắn ngủi.
Và anh thở dài:
– Đã một năm, hôm nay lần thứ ba anh lại tình cờ gặp em mà ngậm ngùi không nói
nên lời. Anh vừa có người yêu, là hôn thê của anh, cô ấy làm thư ký kế toán
trong thành quân cụ, hôm nay anh cao hứng đưa nàng đi làm và ghé ăn điểm tâm cà
phê... nhà em.
Anh để ly cà phê đen còn dở dang lên quầy:
– Chúng mình có duyên gặp gỡ nhưng duyên quá mỏng manh.
Tôi im lặng mà nghe những xót xa trong lòng mình đang lên tiếng thở than. Anh
giã từ:
– Cám ơn em ly cà phê buồn.
Tôi ngẩn ngơ nhìn theo dáng anh đi ra cửa, cầm ly cà phê của anh lên vẫn còn
hơi ấm, không biết hơi ấm của cà phê còn lại hay hơi ấm từ bàn tay anh? Anh uống
ly cà phê buồn và người pha ly cà phê này cũng buồn như anh. Tôi, cô bé 17 tuổi
lần đầu tiên trong đời chợt cảm thấy bâng khuâng.
Qua rồi bao nhiêu
mùa trăng của tuổi 16-17. Anh đã đi theo ngã rẽ đời anh, không hề gặp lại tôi cho
tới biến cố 1975 thì đường đời xa càng thêm mịt mùng xa. Bây giờ thỉnh thoảng
nhớ về quá khứ với người lính hành chính tài chính mà tôi đã tình cờ 3 lần gặp
gỡ thì tôi chẳng mong cầu biết tên anh làm gì, nhưng nếu định mệnh cho chúng ta
tình cờ gặp lại nhau lần nữa, lần thứ tư trong cuộc đời, dù tôi và anh bao
nhiêu tuổi, dù gặp anh trong hội cựu chiến binh, trong hội người già hay trong
viện dưỡng lão, chỉ để chào nhau, hỏi thăm nhau như hai người bạn cũ cũng đủ trả
nợ cho nhau những cảm tình mới chớm nở đã vội tàn phai của thuở ban đầu.
Nguyễn Thị Thanh Dương