Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân tại đại hội điện ảnh Cannes
Báo chí trong nước lại được dịp gáy khản cổ: Việt Nam vừa
"đoạt chiến thắng lịch sử" tại đại hội điện ảnh Cannes.
Quên rằng cả hai đạo diễn được giải, đều là những "khúc ruột ngàn dặm",
đang sống và hành nghề ở nước ngoài, Trần Anh Hùng ở Pháp, Phạm Thiên Ân ở Mỹ,
và đã gặp đủ khó dễ, cấm đoán ở Việt Nam. Trần Anh Hùng, sau khi phim Cyclo bị
cấm chiếu ở Việt Nam, nói không muốn về thực hiện phim ở Việt Nam nữa
Là người Việt, không ai không vui mừng khi thấy người đồng hương thành công ở nước ngoài.
Nhưng thay vì vác cờ reo hò chiến thắng, những người nắm vận
mệnh quốc gia cũng nên tự hỏi: tại sao nhân tài Việt Nam phải ra nước ngoài mới
có thể hành nghề, mới phát triển được tài năng?
Chiến thắng lịch sử, nghe như pháo
kích, lựu đạn. Chiến tranh chấm dứt từ gần nửa thế kỷ, có lẽ cũng nên quên cái
ngôn ngữ phân thây uống máu quân thù.
Đây chỉ là một cuộc thi đua văn hoá.
Tìm bất cứ cơ hội nào để "tự sướng" là thói quen của
một chế độ vừa kiêu ngạo lố bịch, vừa tự ti mặc cảm cùng mình. Người ta không
quên câu tuyên bố về Covid: virus nào tới Việt Nam cũng bị đánh bại!
Khoe chiến thắng lịch sử, cũng kỳ cục như vác hình
"Bác", chạy nhông nhông ngoài đường, khi thắng một trận đá banh. Quên
rằng, thứ nhất: thắng một trận đá banh ở Đông Nam Á không phải chuyện kinh
thiên động địa. Đông Nam Á không phải là xứ của football, như Âu Châu hay Nam Mỹ.
Thế giới không ai để ý tới các giải bóng tròn Đông Nam Á, được coi như những trận
đá banh tỉnh lẻ. Thứ 2: Bác Hồ không liên hệ gì tới chuyện thắng bại, nếu
không, phải lôi bác ra đấu tố những lần thảm bại.
Cũng vậy, chế độ không có công trạng gì trong việc có người
Việt được lãnh giải. Trái lại, phải tự đặt câu hỏi: tại sao mình cấm đoán, hành
hạ, nghiêm ngặt thế, mà vẫn có người thành công? Bởi vì đam mê nghệ thuật đôi
khi lớn hơn cả những cấm đoán. Nhất là ngày nay người ta có cơ hội chạy ra nước
ngoài.
Đọc báo Việt Nam người ta có cảm tưởng ở Cannes, chỉ có 2 giải
thưởng, rơi cả vào tay người Việt.
Cannes (một tỉnh trên bờ biển miền nam nước Pháp) là nơi tổ
chức đại hội điện ảnh quốc tế thường niên, mỗi lần trao trên dưới mười giải,
cho phim hay nhất, đạo diễn hay nhất, nam, nữ xuất sắc nhất v.v…
Ba giải quan trọng, 1. Đứng đầu, cái đinh của đại hội, là
Palme d’0r, năm nay về tay nữ điện ảnh gia Pháp Justine Triet, với cuốn phim Anatomie
d’Une Chute, 2. Grand Prix (Giải lớn), về tay Jonathan Glazer, với tác phẩm
Zone of Interest. 3. Prix du Jury (Giải của ban giám khảo) được trao cho
Aki Kaurismaki, với Les feuilles mortes.
NÓI TIẾNG VIỆT
Lê Anh Hùng đoạt giả đạo diễn, với phim La passion de
Dodin Bouffant. Phạm Thiên Ân, giải Caméra d’Or, với L’Arbre aux Papillons
d’or.
Báo chí trong nước làm rùm beng chuyện Phạm Thiên Ân nói tiếng
Việt khi nhận giải, coi như một anh hùng.
Nói tiếng Việt trên một diễn đàn quốc tế là một điều hay.
Nhưng nếu Phạm Thiên Ân, cũng làm như Merve Dizdar, giải nữ diễn viên xuất sắc
nhất, mượn diễn đàn quốc tế để nói về vấn đề nhân quyền trên đất nước mình, chắc
sẽ không một tờ báo nào nhắc tới tên Phạm Thiên Ân, dù nói tiếng Việt.
Merve Dizdar, người Thổ Nhĩ Kỳ, một nước dân chủ giả hiệu, nằm
trong tay nhà độc tài Erdogan, nơi quyền phụ nữ bị chà đạp, tuyên bố: tôi tặng
giải này cho tất cả các phụ nữ từ chối thân phận mà xã hội đã dành cho họ, tiếp
tục tranh đấu, dù phải hy sinh tính mạng, không tuyêt vọng trong bất cứ hoàn cảnh
nào, cho tất cả các tâm hồn dũng cảm, đang chờ những ngày tốt đẹp mà người Thổ
Nhĩ Kỳ đáng được hưởng.
Hãnh diện khi người nhận giải là người Việt, nhưng khi Tưởng
Kế Quan, Oscar diễn viên nam, tuyên bố ông là "boat people", một cách
nhắc lại thảm kịch của hàng triệu vượt biển tìm đường biển tìm đường sống năm
75, ông hết được báo chí Đảng coi là một khúc ruột ngàn dặm, chỉ là một người gốc
Tàu.
Lê Anh Hùng là một điện ảnh gia quen thuộc, kể từ khi ông đoạt
giải Caméra d’Or, ở Cannes, với Mùi đu đủ xanh, năm 1993, giải Sư Tử
Vàng, với phim Cyclo, năm 1995. Cha mẹ gốc Nam Đàn, Nghệ An, di cư vào
Nam năm 1954, sinh sống ở Lào từ 1973, ở Pháp từ 75. Cuốn phim Cyclo bị cấm chiếu
ở Việt Nam, vì mô tả xã hội Việt Nam bạo tàn, không tốt đẹp, tuyệt vời, như
trong media nhà nước, dù kịch bản đã “được” các quan chức sửa chữa nhiều lần.
Thái Kế Toại kể một giai thoại: trong Cyclo có cảnh một
đứa nhỏ bôi sơn đỏ, chạy ra đường, bị xe cán chết. "Gíam sát viên không
yên tâm, vì mầu đỏ có thể gây phản cảm, đề nghị thay bằng …sơn xanh".
Mặc dù Trần Anh Hùng chấp nhận thay nhiều đoạn, cuốn phim vẫn
bị cấm, và đạo diễn được coi là người chống chế độ.
Cuốn phim của Trần Anh Hùng, La Passsion de Dodin
Bouffant, đoạt giải đạo diễn năm nay, không liên hệ gì tới Việt Nam, kể
chuyện mối tình trong bối cảnh thế kỷ 19, của 2 nhân vật chính, do các diễn
viên Pháp, Benoit Magimel và Juliette Binoche thủ diễn, nói về mối tình của họ,
và đam mê của họ đối với nghệ thuật nấu nướng.
Một phần lớn cuốn phim dành cho việc thực hiện những món ăn,
được coi như những tác phẩm nghệ thuật. Điều đó có vẻ lạ với nhiều người, nhưng
với người Pháp thì không, vì ẩm thực ở Pháp vẫn được coi như nghệ thuật, các
chefs nấu ăn được coi như nghệ sĩ.
L’arbre aux papillons d’or, cuốn phim thứ 3 của
Phạm Thiên Ân, giải Caméra d’or kể chuyện một người mang xác một người thân về
Saigon sau một tai nạn xe hơi.
ĐIỆN ẢNH Á CHÂU
Báo chí Đảng coi 2 giải thưởng điện ảnh năm nay là "chiến
thắng lịch sử", quên rằng từ thế kỷ trước, điện ảnh các nước Á Châu đã tiến
vượt bực, không còn đôi chút mặc cảm đối với Tây Phương. Ấn Độ là nước thực hiện
nhiều phim nhất thế giới. Những điện ảnh gia Ấn Độ, S.Ray (1921-1992), Nhật:
Akira Kurosawa (1910-1998) hay Ozu (1903-1963) được coi là bậc thầy của điện ảnh
thế giới thế kỷ 20.
Phim Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Hongkong (khi chưa bị Bắc Kinh
kiểm soát) đã làm mưa làm gió tại các đại hội điện ảnh quốc tế, vì kỹ thuật mới,
cái nhìn lạ.
Trong khi Việt Nam lúi húi thực hiện những cuốn phim tuyên
truyền lố bịch, ngớ ngẩn, từ 1980, hàng trăm phim Á Châu đã chiếm giải đủ loại.
Palme d’Or, giải thưởng chính, giải uy tín nhất của đại hội điện ảnh
Cannes, đã 4 lần về tay Nhật, 1 Thái Lan, 1 Trung Hoa, 1 Nam Hàn. Palme d’0r
năm ngoái 2022 được trao tặng cho cuốn phim Parasite, của điện ảnh gia Nam
hàn Bong Joon-ho.
Điện ảnh, âm nhạc ngày nay là một ngành nghệ thuật quan trọng,
không những trên phương diện văn hoá. Tại nhiều quốc gia, phim ảnh, dĩa hát
mang lại ngoại tệ lớn hơn cả kỹ nghệ, kể cả kỹ nghệ xe hơi. Chính vì vậy mà nhiều
nước, thí dụ Nam Hàn, có những kế hoạch và dự án đại quy mô để sản xuất phim ảnh
âm nhạc. Chỉ cách đây vài năm, không ai quan tâm tới nhạc Hàn, ngày nay, họ đứng
trong những hàng đầu, sẵn sàng cạnh tranh với các đại cường. Trong khi đó, Việt
Nam vẫn chỉ xuất cảng lao động, mồ hôi và nước mắt.
Thế kỷ này là thế kỷ của chất xám. Người Việt không thua gì
ai, không sinh ra để làm nô lệ. Chỉ cần cởi trói cho họ tự do suy nghĩ, sáng
tác, làm phim, làm nhạc để phát huy văn hoá, và từ đó phát triển kinh tế. Như tại
bất cứ một quốc gia bình thường, trưởng thành nào trên thế giới.
Bao giờ một người Việt nhận một giải thưởng quốc tế chỉ là một
tin vui, không còn là một chiến thắng lịch sử?