Mùa đông năm nay, châu Âu không có nhiều tuyết rơi, và
những cơn gió lạnh thấu hồn người. Song cái rét cứ dùng dằng, dai
dẳng. Gần hết tháng 4 rồi, dường như cái lạnh còn ủ ở đâu đó. Mặt
trời đã lấp ló, vậy mà sân ga Leipzig vẫn còn vắng bóng người. Và
bất chợt có những cơn gió rít lên từng hồi, như gió bấc nơi quê nhà
vậy. Khi tôi đến, tàu Leipzig đi Nürnberg, München đã chuẩn bị rời bến.
Nhảy vội lên, và tôi đi ngược về phía đầu tàu. Đến toa Bistro, tôi
đứng lại, định mua ly cafe. Bất chợt có tiếng khẽ gọi, và hỏi:
Trường! Đỗ Trường phải không?. Tôi giật mình quay lại, thấy đôi vợ
chồng già Việt- Đức ngồi ở bàn ăn, bên cửa sổ, với khuôn mặt lạ
hoắc. Tôi gật đầu cười cười, nhưng mặt nghệt ra. Người đàn bà đứng
dậy, đi về phía tôi: Đúng Đỗ Trường rồi, em không nhận ra chị thật
sao? Tôi nhíu mắt, lặng yên... và lắc đầu. Chị vồn vã, nói một thôi
một hồi: Giang, Vũ Lê Giang, bạn (nhà văn) Dương Thu Hương, chị của
Dương Hoài Nam… Thời Đông Đức, các em đã từng đến thăm chị ở đội may
500 trên đồi…
Tôi sững người, bối rối: Vâng, em nhớ chị, nhà thơ Vũ Lê Giang…nhưng nhìn thấy khác lạ quá…
Như sực nhớ ra, và có lẽ bản tính thẳng ruột ngựa
trở về, nên chị huỵch toẹt luôn: Giời đất ơi! Có tý tiền đâm rửng
mỡ em ạ. Mặt mũi chị đã được sửa sang, tân trang lại đấy. Chứ để
cái khuôn mặt cười tưởng khóc, khóc lại ngỡ cười của chị, ai nhìn
vào cũng phải bỏ chạy, tủi thân phụ nữ, xấu hổ ban đại diện lắm.
Câu nói thành thật, pha một chút cay đắng ấy, làm
tôi nghèn nghẹn, suýt bật ra tiếng cười, như ngày đầu gặp và quen
chị, từ gần 40 năm trước…
Chiều cuối tuần, của năm đầu thập niên tám mươi,
Dương Hoài Nam (Nam Võ) ra nhà rủ tôi về Bắc Ninh. Dường như gia đình
hắn có cúng giỗ gì đó. Thời gian này, Nam Võ đang theo học trường
Đại học văn hóa. Còn tôi chán nản, dẫn đến bỏ việc làm, nên đi cùng
hắn ngay. Đám giỗ đông vui, khách khứa chủ yếu là các nhà văn, nhà
thơ bạn của chị Dương Thu Hương.
Trời vào đêm, tôi và Nam Võ ra đầu hè, ngồi đàn ca
khật khừ. Lúc đầu, các bác nhà văn, nhà thơ cùng hò hét khá xôm
tụ. Trong đó, có một số bác tên tuổi cũng kha khá, đang theo học
Trường viết văn Nguyễn Du. Về khuya, tôi và Nam Võ chuyển nhạc, thay
nhau đàn hát những bản của Vũ Thành An, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ
Đức Sao Biển… các bác tự nhiên biến mất. Lúc sau, có tiếng kéo ghế,
tôi chợt ngẩng lên, và hơi bị giật mình, khi bắt gặp khuôn mặt kỳ dị
của người đàn bà trong đêm. Có lẽ, cảm nhận được điều đó, nên chị
thu người lại. Nam Võ vội giới thiệu: Đây là chị Giang, nhà thơ Vũ Lê
Giang. Tôi dừng đàn. Và cầm bàn tay lạnh ngắt, khi chị chìa sang tôi.
Chị cười, với khuôn mặt nhăn xoắn lại, méo mó. Gặp lần đầu, tôi ngỡ
chị khóc. Rồi chị với ba chiếc cốc và nhấc chai rượu được bọc ủ
khá kỹ, từ sau cửa:
-Đây là rượu quê chị, tuy không thể so sánh với Làng
Vân, song có hương vị rất đặc biệt. Cạn phát cho khí thế nhé.
Có thể nói, thần kinh, tửu lượng của chị rất tốt.
Sâu rượu như Nam Võ cũng phải bái phục chị. Rượu vào lời ra, chị qui
tuốt tuồn tuột đại từ nhân xưng, sở hữu về một mối: Mày, tao cho
đồng hạng. Chị bảo, thích nhất bản Không Tên Số 4 của Vũ Thành An,
với những câu từ: “Triệu người quen có mấy người thân/ Khi lìa trần có mấy
người đưa“. Có lẽ, nó vận đời chị sau này. Khi nãy, ngồi ở trong
nhà, nghe chúng tôi đàn hát, chị đã khóc. Rồi chị yêu cầu chúng tôi
đàn lại bản nhạc này, cho chị hát cùng…
Trăng hạ huyền gầy cong như lưỡi liềm, đã mờ dần sau
ngọn đa ở bên kia con phố nhỏ. Chị vẫn uống, và chị hát. Tiếng hát
của chị như lạc vào cõi đêm. Nam Võ gật gù, vượt ngưỡng, hỏi:
-Đã hơn ba mươi mùa lá rụng, sao chị vẫn cô đơn như
vậy?
Chị dừng hát, đôi mắt trắng hoang dại như rọi vào
khoảng không trước mặt. Rồi bất ngờ, chị bá vai hai thằng tôi:
-Hai thằng có tin, đến nay chị mày vẫn còn là con
gái không?
Nam Võ và tôi lặng người nhìn chị. Với linh cảm, có
lẽ chị đã nhận ra sự cảm thông hiện lên từ ánh mắt rất gần của
chúng tôi. Xoay người, chị cầm chai rượu, rồi bảo, “camfuchia“ cho ba ly
cuối cùng nhé! Chúng tôi chưa kịp trả lời, chị đã nói tiếp, mười
lăm năm từng là thanh niên xung phong cho đến người lính, và trở thành
nhà thơ, nhà văn, song tình yêu với chị là một sự hoàn toàn xa lạ.
Bởi, cái gương mặt nhem nhuốc, dị dạng của chị. Sự xa lánh của mọi
người, và cái bất hạnh đó, luôn làm cho chị tự ti, mặc cảm. Và nỗi
cô đơn, dày vò ấy, đã ủ chín tâm hồn chị vào trong văn thơ. Rồi cũng
chính văn thơ cho chị khát vọng. Chị thích và yêu bóng đêm. Dường như
bóng tối cho chị sự đồng cảm và tự tin hơn chăng? Có những đêm thời
chiến lang thang một mình giữa rừng sâu, hay sau này, lầm lũi trên con
ngõ vắng, chị thầm mong, bị (hay được) một kẻ lưu manh, giang hồ xa
lạ nào đó bắt giữ làm nhục, để trở thành người đàn bà một đêm…
Dứt lời, chị ngửa cổ, dốc ngược ly cuối cùng, rồi
đứng dậy, vỗ vỗ vào vai chúng tôi: Đôi khi, có suy nghĩ điên rồ như
vậy đấy chúng mày ạ!
Mắt tôi cay sè, ngước nhìn lên, không hiểu chị đang
khóc, hay đang cười. Nhưng với âm giọng xúc động ấy của chị, dường
như ít có người phụ nữ nào đủ can đảm nói thẳng tưng như vậy…
Thấy chúng tôi đứng chiêm bao, hầu đồng chắn lối đi
trên tàu đã khá lâu, nên người bán hàng giục trả tiền cafe, làm tôi
giật mình. Vừa lấy ly cafe, chị kéo ngay tôi về bàn của mình. Giới
thiệu tôi với chồng, người đàn ông xứ Schwaben. Không biết tiếng Việt,
song có lẽ, ông hiểu được sự việc qua thái độ, tâm trạng của chúng
tôi. Vừa ngồi xuống, chị đã hỏi:
-Đỗ Trường đi đâu một mình thế này?
-Nürnberg. Bởi, Phương Thảo, con gái của Sinh Liên bạn
em bị tai nạn Auto. Hôm nay 49 ngày của cháu.
Chị giật mình, ngạc nhiên, nhưng vẫn hỏi lại:
-Có phải Sinh, trước phiên dịch cho đội bóng đèn Auto
ở Eisenach không?
-Đúng rồi.
- Vậy thì, chị biết vợ chồng Sinh Liên. Bởi, trước
đây chị cũng ở Nürnberg, cạnh nhà nhau. Cách nay hai chục năm, chị
chuyển về München, cháu Phương Thảo còn bé tí tẹo. Chị chưa thể thăm
Sinh Liên ngay được. Em cho chị gửi lời chia buồn đến vợ chồng nó
nhé.
Ra khỏi thành phố, tàu như lạc vào cánh đồng vàng
màu hoa cải, trải dài theo những cánh quạt điện gió, và mặt trời.
Bức tranh đồng quê ấy, dường như gợi lên thi hứng bất chợt, chị khẽ
đọc. Không bật thành tiếng, song tôi cảm được mấy câu từ Trường Ca Tổ
Quốc của tôi. Trong một lần cùng với Nam Võ đến thăm, rượu vào hăng
tiết vịt, tôi đã đọc cho chị nghe, cách nay đã trên ba chục năm:
“…Mẹ là những cơn gió hè đưa con vào mùa gặt
Gọi nắng về làm cho thóc ai khô
Mẹ là những câu chuyện tình bất tử
Để đá Vọng Phu đứng đợi ai về…“
Tôi xúc động cảm ơn chị có trí nhớ tuyệt vời, và
luôn nhớ đến đàn em. Rồi hỏi, dạo này, chị còn hứng thú với thơ
phú nữa không. Chị cười: Còn viết, nhưng không nhiều, bởi có lẽ,
ngoài cảm hứng còn do tuổi tác nữa. Rồi chị ghé tai tôi: Hình như,
sự đầy đủ, bình yên, ít nhiều đã làm rơi rụng đi cảm hứng viết, và
mài mòn chí khí của nhà văn…
Tôi không thể chia sẻ, đồng cảm hết những suy nghĩ
này của chị, nên đã cắt ngang lời:
- Đã mấy lần, em được Nam Võ kể cho nghe về nỗi
đắng cay, u buồn của chị và gia đình. Nhiều đoạn không thật rõ ràng,
và có chút mâu thuẫn, nhưng lần nào cũng vậy, luôn làm cho người nghe
bị ám ảnh. Vài lần, em định hỏi chị, nhưng không tiện. Đến nay, thời
gian đi qua đã rất lâu rồi, nếu được, chị có thể kể rõ hơn được
không?
Chị không trả lời, mà với mắt nhìn khoảng không
thoắt thoắt hiện qua ô cửa tàu. Rồi chị quay sang tôi, hai mắt ngân
ngấn như có nước. Và câu chuyện của chị được bắt đầu như vậy…
Mới tám tuổi, song hình ảnh người cha bị mẹ xỉa
xói, đấu tố cho đến chết, vẫn ám ảnh, day dứt, không thể xóa nhòa
trong trí nhớ của chị. Cha chị là người nhân từ, phúc hậu, nhưng chị
lại mang dáng vóc, khuôn mặt kỳ dị của mẹ. Không ai biết nguồn gốc,
thân thế của mẹ chị. Chỉ biết, bà được người đánh dậm nhặt được ở
bờ sông mang về nuôi dưỡng. Và từ đó Nhặt cũng là tên gọi của bà.
Năm Nhặt lên mười, người đánh dậm bị bệnh qua đời. Nhặt quanh quẩn
xin ăn ở nơi đình chùa, và chợ búa. Tuy nhiên, với khuôn mặt kỳ dị,
người bẩn thỉu, nên Nhặt thường bị khinh miệt, xua đuổi. Thương tình,
cụ Cửu Bình mang về nuôi, và sai vặt trong nhà. Cụ Cửu có người con
trai duy nhất là Vũ Lê cũng đã có vợ con, nhưng thường phải đi làm ăn
xa. Năm cụ Cửu qua đời, Vũ Lê mới về ở hẳn nhà. Vũ Lê vẫn để Nhặt
giúp việc vặt. Khi Nhặt đến tuổi trưởng thành, Vũ Lê đánh tiếng và
nhờ người mai mối, với của hồi môn kha khá. Nhưng gặp Nhặt một lần,
không một gã đàn ông nào đủ can đảm quay trở lại. Đến năm tuổi tròn
ba mươi, Nhặt càng héo hắt. Đột nhiên, Vũ Lê tuyên bố, Nhặt sẽ là bà
hai trong nhà. Mọi người ngơ ngác, cứ tưởng ông đùa. Thời gian sau,
bụng Nhặt phình ra như cái rá úp. Lúc đó, mọi người mới tin là sự
thật. Khi Nhặt đẻ con gái, Vũ Lê mừng lắm, đặt tên là Vũ Lê Giang.
Và tự tay ông sửa mới ngôi nhà ngang cho mẹ con Nhặt. Vậy mà, không
hiểu ăn phải cái bả gì, cải cách ruộng đất, Nhặt tố ngược lại ông
Vũ Lê, và bà cả. Ông Vũ Lê bị xử tử, bà cả và con cái bị đuổi ra
khỏi nhà.
Năm sau, đi mò hến, sông không sâu, không hiểu sao, Nhặt
bị nước cuốn trôi, mấy ngày sau xác mới nổi lên. Dân làng bàn tán,
đó là quả báo, do ăn ở thất đức của Nhặt. Mẹ chết, Vũ Lê Giang
được bà cả đón về nuôi ăn học. Tuy khuôn mặt kỳ dị, nhưng Vũ Lê Giang
học rất giỏi, có năm được nhảy cóc lớp. Tốt nghiệp (cấp ba) trung
học, Vũ Lê Giang thừa điểm du học nước ngoài. Nhưng với cái lý lịch
nhọ như đít chảo, tương lai của chị chỉ có thể lấy đít trâu làm
thước ngắm. Do vậy, chính quyền có lần gợi ý: Mẹ chị ở đợ, bần
cố, thành phần ưu tú của chế độ, trong cải cách có công tố cáo,
đấu tranh giai cấp. Nếu chị khai lại lý lịch, từ bỏ mục bố là địa
chủ Vũ Lê, như mẹ chị đã từng làm trước đây, có thể chính quyền sẽ
xem xét cho học ở trong nước.
Vũ Lê Giang thẳng thừng từ chối, thà chết ngay, chứ
không từ bỏ bố, từ bỏ gia đình, anh chị em, dù chỉ trên giấy tờ.
Tính chị là vậy, sự chính trực, thẳng thắn, bất cần có ngay từ
buổi đầu, khi chập chững vào đời.
Để giải thoát, năm 1966, vừa tròn 20, chị xung phong
vào bộ đội. Vẫn cái vết đen lý lịch, chính quyền địa phương, cũng như
tỉnh đội, tỉnh đoàn chỉ chấp nhận cho chị vào lực lượng thanh niên
xung phong…
Đêm tháng 5 trời oi nồng, vậy mà cung đường qua núi
Nấp màn đêm đổ xuống rất nhanh. Vũ Lê Giang siết và kiểm tra chiếc bu
lông cuối cùng để phát lệnh thông tàu. Chợt có tiếng gầm rú, bầu
trời bị xé toạt ở trên đầu, chị vội nằm úp mặt xuống đường rày.
Tiếng nổ, đất rung chuyển cắt phăng tiếng quát của ai đó: Chúng đánh
bom tọa độ. Bị sức ép chị lộn mấy vòng, nằm ngửa mặt lên trời.
Đất đá quyện với máu, thịt người tung lên rào rào, hất thẳng vào
chị. Tai ù đặc, chị lịm dần….
Khi chị tỉnh dậy, dường như đã quá nửa đêm. Cố cựa
quậy, sờ nắn thấy chân tay vẫn còn đầy đủ, chị định bò dậy, nhưng
không được. Người đau nhừ, dù không có vết thương. Chị lấy ngón tay
móc bùn đất còn dính chặt ở hai lỗ tai. Máu từ từ chảy dính bết
xuống chân tóc. Im lặng, và ngột ngạt. Bên kia cầu Hàm Rồng, pháo
sáng vẫn còn treo lơ lửng, rọi vào những vòng khói đen cuộn lên như
tạc vào nền trời. Đến gần sáng, người của đơn vị, và dân làng mới
tìm thấy chị, đưa về bệnh xá. Mới một năm ở trên cung đường này,
chị đã thoát chết rất nhiều lần. Song có lẽ, 40 người chết và bị
thương đêm đó, là trận bom khủng khiếp nhất.
Và những bài thơ, tùy bút đầu của chị được vắt ra
bằng cảm xúc thực, từ nỗi đau bi thương ấy.
Tin một số văn nghệ sĩ trên đường trở lại chiến
trường dừng chân ở núi Nấp, làm đơn vị chị rất phấn khởi. Đêm giao
lưu ca hát, văn thơ diễn đơn giản, vui vẻ. Không ngờ những bài thơ của
chị đọc lên được mọi người đồng cảm, và xúc động đến vậy. Ngay sau
đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật khen ngợi, và bảo chị, hãy chép tất cả
những bài thơ đó lại, để anh gửi ra Tạp chí văn nghệ quân đội.
Lúc đầu chị không tự tin cho lắm, và cứ tưởng Phạm
Tiến Duật khen cho vui vậy thôi. Nhưng không ngờ, mấy tháng sau, thơ chị
không chỉ trên Văn nghệ Quân đội, mà Báo Văn nghệ của Hội nhà văn
cũng đăng và giới thiệu mấy kỳ liền. Từ đó, trong đơn vị, từ sếp
lớn đến người đầu bếp nuôi quân, ai cũng gọi chị là nhà thơ.
Kể đến đây, chị bật cười. Tiếng cười có vẻ sảng
khoái lắm…
- Làm thế quái nào, đang là thanh niên xung phong chị
trở thành bộ đội, rồi suýt nữa phải ngồi bóc lịch?
Thấy tôi hỏi tiếp, chị thôi cười, hai con mắt nhíu
lại: Thì cũng từ thơ văn thôi. Ngày đó có thơ đăng báo, nhất là hai
ông báo Văn nghệ, và Tạp chí quân đội là oách xì dầu lắm. Và đương
nhiên mình trở thành nhà văn, nhà thơ rồi còn gì nữa. Được bạn bè
khen tặng, báo chí ngợi ca, đâm ra cái máu dở dở, ương ương gọi là
nghệ sĩ đểu lòi ra lúc nào cũng chẳng hay. Lúc đó, đơn vị chị đã
chuyển vào gần Binh trạm 22. Trong người, tự nhiên cảm thấy bức bối,
chật chội, chị xin chuyển vào phía trong, nhưng không được. Do vậy,
nhân ngày nghỉ, rình đúng mấy gã lái xe quen mê thơ, chở hàng vào
trong, chị xin đi nhờ. Đến Binh trạm 33, rất may gặp ngay nhà thơ Phạm
Tiến Duật đang ở đó. Duật ngạc nhiên hỏi:
-Nhà thơ đi đâu thế này?
Chị kéo tuột Duật ra ngoài:
-Em xin chuyển vào trong này, nhưng không được, nên tự
động chuồn vào đây. Anh có cách nào cho em ở lại Binh trạm.
Duật giãy nảy lên:
-Vô kỷ luật vậy là không được. Mà trong này nguy
hiểm, ác liệt hơn ngoài đấy nhiều…
Ấn tập bản thảo thơ, tùy bút, truyện ngắn vào tay
Duật:
-Anh xem, em viết như bổ củi thế này. Nếu không đi
thẳng vào chiến trường thực tế, tìm tư liệu, thì làm sao viết.
Duật đọc lướt qua, và nghe chị nói có lý, nên gật
gù:
-Thôi được, thôi được…có giấy tờ gì thì đưa đây, để
anh trình bày với Binh trạm thế nào đã.
Chẳng hiểu Duật nói gì, hôm sau Trạm trưởng gọi chị
vào. Đe nẹt, lên gân một hồi, rồi ông bảo:
-Binh trạm sẽ gửi công văn cho Tổng đội thanh niên xung
phong, và đơn vị cũ. Em tạm thời về đại đội kho. Em viết hay lắm. Về
đơn vị mới cố gắng viết thật nhiều nhé.
Sau này chị mới biết, lãnh đạo Binh trạm ông quái
nào cũng khoái văn thơ. Nên với văn nghệ sĩ thường mắt nhắm mắt mở.
Vì thế, chẳng riêng nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông nhà văn, nhà thơ nào
qua lại binh trạm cứ tự nhiên như ở nhà vậy.
Nằm sâu trong khu vực đèo Tha Mé, nhà kho nhìn chẳng
khác gì lán trại. Lưng tựa vào vách núi, cửa thông với hang, ngách
nhỏ. Không xa có những ngôi làng bỏ hoang của người Vân Kiều, và Pa
cô. Khi Vũ Lê Giang đến chỉ còn hai người trông coi ở đó. Bom đạn ngày
càng ác liệt. Kho trống trơn, có lẽ nơi đây là điểm đón tiếp thương
bệnh binh thì đúng hơn. Tuy thiếu đói, bệnh tật cùng bom đạn trút
xuống hàng ngày, nhưng công việc khá tự do, nên chị có nhiều tư liệu,
cảm hứng viết lách. Văn thơ có tính thời sự của chị xuất hiện đều
trên các trang báo lớn. Do vậy, không chỉ Binh trạm, mà cả Lãnh đạo
Bộ tư lệnh cũng biết đến nhà thơ Vũ Lê Giang.
Mới chớm sang hè, vậy mà gió Lào đã quất cái nóng
vào mặt người. Mảnh đất sặc mùi tử khí nơi đây như kéo hồn người
đến gần hơn với cái chết. Cố gượng dậy sau mấy ngày nằm bẹp, Vũ Lê
Giang men theo nương sắn ở bên kia con suối, hy vọng kiếm được nắm rau
rừng, sau trận mưa của tuần trước. Được mấy bước, nghe có tiếng động
nhẹ, chị vội nằm xuống quan sát. Rồi tiếng rên, tiếng thở khò kè
nặng nhọc từ đó vẳng lên. Với kinh nghiệm, chị biết ngay có người
bị thương và đang trong tình trạng sốt cao, kiệt sức. Chị bò lại,
gặp người đàn ông nằm co quắp, mắt nhắm nghiền, tay nắm chặt gốc
sắn đã bị mảnh bom phạt ngang thân. Với quần áo của người đi rừng
bản địa, chị không thể biết ngay, hắn từ đâu đến…Mà vùng này làm
chó gì còn người dân nào. Không lẽ là thám báo, hay B quay (bộ đội
đào ngũ)? Do vậy, chị lật áo hắn, chỉ tìm thấy mấy vết thương ở
phần mềm, nhiễm trùng rất nặng. Kiểu sắp (thở) hắt ra như thế này,
có lẽ do mất máu nhiều và đói khát lâu ngày thôi. Nếu được cứu
ngay, may ra sống. Sắp nghẻo, nằm hiền khô như thế này, còn đánh đấm,
hận thù gì với nhau nữa. Vũ Lê Giang lẩm bẩm như vậy, rồi quay về
tìm người cùng đưa hắn về kho. Chị rửa ráy vết thương, và chăm sóc
cho hắn. Mấy ngày sau, vết thương bắt đầu khô miệng, da dẻ hồng hào
trở lại, song hắn có vẻ còn li bì, chỉ có thể lắc, gật, khi hỏi
chuyện. Vậy mà, sáng hôm sau, tỉnh dậy, chị không thấy hắn đâu. Cứ
ngỡ, hắn đã có thể tự đi vệ sinh cá nhân ở đâu đó. Lúc sau chị quay
lại, và đi tìm không thấy…Vậy là hắn đã chuồn rồi.
Cứ tưởng vậy là xong, không ngờ mấy ngày sau người
của Binh trạm và An ninh đến tìm, và hỏi chị về mối quan hệ với
hắn. Lúc đó chị mới biết hắn là lính thám kích thuộc Quân đội
Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, chị bị đưa về Binh trạm để điều tra.
Trước sau chị khai đúng sự việc đã xảy ra, và chỉ nhận lỗi không
báo cáo ngay sự việc lên các cấp chỉ huy. Với bảy năm ở chiến
trường và là một nhà thơ khá nổi tiếng, nên sự việc của chị cứ như
trái banh bị đẩy đi, đẩy lại mãi.
Năm sau, chị mới được chuyển ra Bắc, và làm văn nghệ
địa phương. Rồi những năm bảy chín, tám mươi của thế kỷ trước cả
nước đói. Nếu đi được, ai cũng muốn chuồn ra khỏi quê hương, tổ quốc
mình. Và chị bỏ lại tất cả, khăn gói sung vào đội quân cày thuê,
cuốc mướn ở Đức…
Dừng lai giây lát, rồi bất chợt chị giật giọng hỏi
tôi, rồi kể tiếp: Em có biết không? Có một điều rất thú vị. Khi bức
tường Berlin sụp đổ, chị chuồn sang Tây Đức, ngụ tại thành phố
Nürnberg. Thời gian sau, chị vào làm ở nhà máy bia (brauerei). Một hôm,
đang mải rửa vỏ chai, thấy có một gã người Việt cũng làm ở nhà
máy, cứ đứng nhìn chị. Từ xưa đến nay, thằng đàn ông nào nhìn vào
cái bản mặt chị, bảo đảm không qúa một vài giây cũng phải bỏ chạy.
Vậy mà, thằng cha này bị bệnh thần kinh hay sao, nên mới đủ dũng khí
nhìn chị chằm chằm như vậy. Thôi kệ nó, không nghĩ ngợi nhiều cho đau
đầu. Sáng hôm sau, chị vừa đến cổng nhà máy, thấy gã đã đứng đó
từ bao giờ. Thấy gã ngập ngừng, chị trợn mắt. Tưởng hắn biến. Nhưng
không. Hắn đến gần và hỏi:
-Có phải những năm đầu thập niên bảy mươi, chị là
bộ đội đóng quân ở khu vực đèo Tha Mé không?
Chị giật mình, gật đầu:
-Đúng rồi, sao ông biết.
Hắn cười:
-Tôi là người sắp chết ở rẫy sắn, được chị cứu năm
xưa đây.
Chị ngạc nhiên hỏi lại:
-Sao ông nhận ra tôi?
-Bởi cái khuôn mặt của chị, làm tôi ám ảnh. Hôm nay
gặp được chị ở đây, dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng nói lời cảm
ơn. Một lời tôi đã nợ chị rất lâu rồi.
Quá khứ hiện về, tự nhiên chị bật ra một câu, dường
như vô thức:
-Đ. mẹ ông. Ông đi rồi, nó hành khổ tôi.
Thế rồi, ôm nhau cười chảy ra nước mắt.
Rồi chị quay sang ông chồng người Đức, bảo: Chồng
chị là bạn đồng nghiệp của hắn. Và chính hắn là người mai mối cho
chị. Hơn chục năm trước, vợ chồng hắn cứ thúc giục chị phải làm
lại khuôn mặt. Thấy chị lưỡng lự, chồng chị và vợ chồng hắn ép
chị về bằng được Saigon. Bây giờ khuôn mặt của chị mới được như thế
này, trách gì Đỗ Trường nhận không ra.
Tàu đã vào ga Nürnberg, tôi đứng dậy tạm biệt vợ
chồng chị. Nắm tay tôi chị hỏi, theo Đỗ Trường, chị có nên làm tuyển
tập không. Tôi trả lời, đã ở cái tuổi 73 và có bề dày của sự
nghiệp văn chương, chị nên làm. Thế Đỗ Trường giúp chị lọc và biên
tập cuốn này nhé. Vâng! Nhất định em sẽ giúp chị trong khả năng của
mình.
Đỗ Trường