Gà gáy, thức dậy, lão vo gạo bắc lên bếp, quấn thuốc hút.
Ngoài trời đầy sương. Sương này chắc còn nắng dữ. Nắng thì đỡ hơn. Mưa quẩn lắm.
Lão không muốn mưa. Mưa không đi được xa với lại mưa lạnh, bụng mau đói. Mà nòi
ác nhơn, đã đói cái chân mỏi rã rời, đạp xe không nổi. Không phải bây giờ, hồi
trẻ cũng vậy. Nên trước khi đi, lão đểnh một ruột thiệt no, còn gói theo một mo
cơm. Gói cơm to như cây bánh tét, lão cột dưới đòn dông xe, đồ nghề cột sau ba
ga. Lão quấn thêm điếu thuốc nữa, ra khỏi ngõ trời vừa sáng. Nghề này làm đã
lâu, lão không nhớ bắt đầu từ bao giờ. Thời gian làm lão quên nhiều quá. Nhưng
cái ngày gặp bà Mầu lão không thể quên được...
Trưa nắng. Tiếng chó sủa dồn. Đám trẻ con trong ngõ im bặt, nhìn theo người đàn
ông lạ. Người đàn ông đội mũ lưỡi trai, đi xe đòn dông, có giỏ phía trước, ba
ga phía sau, chở những cái lỉnh kỉnh không biết để làm gì. Hình như những thứ ấy
được vớt lên ở mé sông, bờ ao nào đó. Hay từ đống rác thải của ông thợ gò đầu
chợ. Rất quý. Người đàn ông rất quý thứ mà cuộc đời bỏ đi. Ông sắp cẩn thận
trong giỏ. Như thể ông làm nghề đồng nát, thu mua sắt vụn. Nhưng không. Ông làm
nghề khác. Một con dao xếp, một cuộn chỉ đen và cái kim làm bằng cây kèo dù để
trong túi vải, treo lủng lẳng trên cái ghi đông nhôm chữ U hiệu Pô-vít bóng nhẵn.
Ông đi khắp làng nọ, xóm kia. Ông rao giọng nửa ngâm, nửa hát.
“Ai!... Heo đực thiến dái, heo cái thiến hông
Mấy chị không chồng Mầu đây cũng thiến”
“A! cái ông này ngộ thật”. Có vài phụ nữ lên tiếng. Lời rao nghe vừa châm chọc
vừa khiêu khích. Chị em không chồng nghe hầm lắm. Hầm vì bị coi thường, xúc phạm.
Còn cánh đàn ông thấy vui tai, chỉ cười.
Bốn mùa, ông mặc độc bộ ka ki không phân biệt được màu tro hay màu đen. Bên
ngoài là cái áo rộng, không tay, rất nhiều túi giống như áo của anh họa sĩ hay
anh thổi kèn gì đó. Nó lỡ dài lỡ ngắn, không cần nút, cứ để cho hai cánh tự
thòng xuống hai bên giống như con gà bị điều gắp hụt. Có điều cả áo trong và
ngoài không thấy dấu hiệu của sự giặt. Cứ thế quanh năm, ông chào hàng với hai
câu lục bát tréo ngoe. Đi đêm hoài cũng gặp ma. Đận ấy ông rảo qua xóm An Điền.
Xóm An Điền vào mùa nhổ mạ, phụ nữ ra đồng hết trơn có ai ở nhà đâu mà heo với
gà. Ông lân la chỗ rìa làng, nơi chị em đang lúi cúi, khom lưng trên đám mạ. Điệp
khúc chào hàng cất lên. Liền có tiếng tằng hắng :
- Cha chả, có thiệt hông đó?
- Sao lại không, đây là nghề gia truyền mà! Không tin thử biết liền hà.
Ông rút con dao xếp trong túi vải ra, xòe bàn tay liết xoèn xoẹt rất điệu nghệ.
Lại có tiếng hỏi :
- Là nói cái đoạn sau đó, dám không? Sao làm thinh vậy, nói đi chớ?
Ông đánh bạo :
- Đó chịu thì đây cũng chơi luôn, đâu ngán hè hè.
Bỗng có một chị ngước dậy, lấy nước vuốt sơ mấy vết bùn trên quần, bước lên bờ
thẳng tới. Cả đám nhổ mạ vỡ ra sau tiếng cười. Ông đi giật lùi một chút rồi nắm
chặt hai tay vào ghi đông xe. Ông định vù. Không kịp. Người phụ nữ đã giữ được
cái ba ga. Ông đứng trơ ra như Từ Hải, chịu trận. Chị nói :
- Bây giờ ông đi với tui. Nhà tui ở đằng kia, thiến gì cũng phải vào đó đã.
Nghe kinh quá, ông luýnh quýnh. Nhìn bộ tịch của ông, chị cười :
- Nói vậy mà không phải vậy. Tui có con heo chưa thiến.
Ông lấy lại bình tĩnh rất nhanh, mặt rạng ra. Ông dắt xe theo. Người phụ nữ
đang xây xẩy bước đi phía trước. Không biết chồng con thế nào mà ngó còn ngọt
quá. Quần chị xăn đến gối, trái chân tròn lẳn, trắng ngần... Ông cười, cất giọng
“Ai! Heo...”
Ông “tác nghiệp” thành thục, loáng cái con heo trói gọn, treo ngược lên cột
hiên nhà. Ông nói :
- Chị cạo cho tui chén lọ nghẹ, bứt nắm lá ớt và chút dầu hôi.
Ông giã lọ nghẹ lá ớt bóp dầu trộn đều rồi liếc dao xoèn xoẹt. Con vật bị đau
kêu om sòm, điếc đầu điếc óc. Chó được dịp sủa vang. Ông xỏ chỉ, may chỗ thiến
lại bằng cái kim kèo dù và xoa lọ nghẹ vào đó. Xong xuôi ông nhìn chị ỡm ờ :
- Sao, còn chị?
Chị ngó ông nguýt dài :
- Ông có điên không vậy? Trời cho cái đó để dùng, dại gì mà thiến.
Ông nhìn trước sau thấy vắng, nói đại :
- Nhưng tui thấy hình như chị có dùng đâu, để làm chi mai mốt già cũng không đập
lấy hột được?
- Sao ông biết tui không dùng, chưa dùng chứ sao lại không? Nhưng mà đồ nghề của
ông tui e lụt quá coi bộ chẳng nhằm nhò gì đâu!
- Này! Đừng có coi thường địch thủ nhé. Đồ nghề này là thứ thiệt, ác chiến lắm
đó. Có điều là hồi giờ chưa mở hàng . “Ring” cứng.
- Thôi tiền đây, nói một chút cho vui. Nếu chưa vợ con gì, trưa có ăn cơm ghé
đây tôi nấu cho ăn. Chuyện đó tính sau.
Đấy, đơn giản vậy mà con heo xoa lọ nghẹ hôm đó, sáu tháng sau được dùng vào buổi
tiệc mừng họ.
Thằng Đẩu sinh ra, lớn xôi xổi nhưng hình như hơi đần. Đẩu được tám tuổi bà Mầu
mất. Ông Mầu buồn cả tháng trời không đi làm. Chiều nào cũng cõng thằng Đẩu ra
đồi Dông Mộ, ông ngồi đến khi tối xẩm mới về. Thằng Đẩu lang thang trong khu mộ
địa, ngơ ngẩn nhìn trời. Đồi Dông Mộ toàn gai tông tốc, cây sằm. Bọn trẻ cột bò
vào những bụi gai, xuống bàu mò ốc. Bây giờ hai câu lục bát chào hàng của ông
thành câu đồng dao của đám chăn trâu. Chẳng bao lâu nó lan đi khắp làng khắp
xóm. Và người ta biết ông, không chỉ nghề thiến heo mà còn kiêm lang băm, bán
thuốc thương thực, no hơi. Cứ theo đồn đại thì thuốc của ông hay lắm, hiệu nghiệm
như thần. Viên đen đen, mốc mốc giống như kiểu thuốc “ăn được ngủ được” của bà
Bèo. Ai ăn không tiêu, chỉ cần uống hai viên là mửa vọt ra ngay. Ông tự đặt
“thương hiệu” thuốc Kỳ Nam Nực. Có người thắc mắc không biết ông bào chế từ loại
thảo dược gì? Có thấy ông đi tìm thảo dược bao giờ đâu? Riết rồi cũng có người
phát hiện ông điều chế bằng nguyên liệu “tự có”. Ông không tắm bao giờ. Những
lúc nắng to, mồ hôi đổ ra, ông thò tay vào nách kỳ cọ cáu ghét rồi viên lại nên
mới có tên là “Kỳ Nam Nực”. Chuyện đó hư thực thế nào chưa rõ, nhưng việc thiến
heo và bán thuốc thì ai cũng biết. Những lúc ông đi, thằng Đẩu ở nhà một mình tự
kiếm củi nấu cơm. Bữa đó không biết thế nào Đẩu làm rơi tàn lửa, khi bà con
phát hiện nhà ông Mầu chỉ còn một đống tro. Thằng Đẩu chạy ra trước sân dậm
chân, há miệng, khóc không thành tiếng. Chiều về, ông ôm thằng Đẩu ngồi thu lu
dưới gốc xoài. Ông nhìn trời, trời cao rộng quá, sao phận người hẩm hiu nhỏ bé
thế này?
° ° °
Thằng Đẩu làm nhà cùng lúc người ta san ủi khu đất rộng sáu chục ha làm khu
công nghiệp làng nghề. Nhà nó đổ một tấm, mặt tiền. Việc coi ngó tính toán được
giao cho thằng Lộc, anh con Dung bán cà phê. Quán cà phê con Dung ở cạnh khu
công nghiệp. Đẩu buổi sáng mặc quần lửng ngồi quán, gác chân lên ghế hút thuốc
nhìn con Dung cho sướng. Con Dung đẹp quá đi chớ. Nó thuộc loại chân dài, da trắng,
mắt lá răm và sắc. Sắc hơn dao xếp ông Mầu. Tội gì mà không nhìn. Nhìn nó cười
là tít mắt thôi. Có lẽ trời cho nó cái cười. Nó cười bằng mắt, bằng môi, và bằng
cái gì đó nữa, thằng Đẩu nghĩ miết không ra, nhưng mà... say, say lắm. Con Dung
khôn đáo để, nó biết khai thác “tiềm năng” và phát huy “nội lực” của mình. Buổi
sáng, anh buôn dừa, bẻ cau, chở heo... đến đó để nhìn con Dung cười một cái cho
đã. Cà phê ngon dở không cần, trà đậm hay nhạt chẳng sao, miễn là anh nào cũng
tự nghĩ rằng cái miệng có duyên đó đang cười riêng cho mình một chút. Có anh
mang cả nụ cười ấy lên tận ngọn dừa, buồng cau mà huýt gió. Nhưng chắc không có
anh nào dám mang về nhà. Nếu có thì cũng giấu như mèo giấu cứt. Dại gì lộ ra
cho bị cấm vận. Con Dung mở quán là thực hiện chiến lược “đón đầu”, nhằm hốt
khách khu công nghiệp. Nhưng khu công nghiệp xây chậm quá, ba năm mới xong một
con đường. Con đường cấp phối chạy thẳng từ tỉnh lộ lên tận đồi Dông Mộ. Chưa
có công nhân thì nông dân. Nông dân quanh đây nhiều anh đã tình nguyện làm bạn
hàng thường xuyên của Dung cả rồi. Nhưng đời hay cắc cớ. Đơm cá gặp cua. Khách
làng đông mà thiếu chịu nhiều quá. Cứ ghi sổ chờ hết bận dừa, bận cau mới thanh
toán một lượt. Chán lắm. Chỉ có thằng Đẩu là tội nghiệp. Ngày còn làm khuân
vác, nó ít vào quán. Có vào cũng ngồi ở một góc riêng với mấy ông bạn lấm lem của
nó. Nhưng tiền nong rất sòng phẳng. Thỉnh thoảng cũng ngước nhìn con Dung cười
một chút.
Chỉ tội là nó hơi tàng tàng. Đầu không đội mũ, chân không đi dép. To con, trại
trại như Tây đen. Hồi mới đi làm, nó vác một lần hai bao xi-măng như chơi. Làm
nhiều, ăn ít mau xuống sức. Chưa đầy ba năm mà nó gầy thấy rõ, lại còn ho khằng
khặc nữa. Mới đây, trong một lần bốc hàng xong, trời nhá nhem. Nó được bà chủ
hàng đưa tiền sau cùng. Không biết vô tình hay cố ý bà lận vào tay nó một xấp.
Nó toan trả lại thì bị đồng nghiệp kéo đi. Hôm đó nó uống thật say. Sáng thấy
nhức đầu quá trời. Nó buồn buồn bước vào quán cà phê. Con Dung nhìn :
- Sao mà yếu xìu vậy ông Đẩu. - Đẩu chỉ lắc đầu, cười.
Nó kêu một ly cà phê và một điếu thuốc, đúng hai ngàn. Khi đứng dậy móc tiền,
trong túi chỉ vỏn vẹn năm tờ vé số. Nó hỏi con Dung hôm nay là ngày mấy và nhìn
vào tấm vé. Nó hồn nhiên cười :
- Cho tui trả bằng cái này nghen. Biết đâu chiều nay...
Con Dung muốn thử vận may, với lại thấy Đẩu cũng tội đành cầm.
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Thằng Đẩu trúng độc đắc vé cặp không ai tin. Người
ta không tin, bởi có ai thấy nó mua vé bao giờ đâu. Không mua mà trúng mới chuyện
lạ. Có người nói như vậy. Trớ trêu quá nên có kẻ vò đầu bức tóc. Thằng Đẩu làm
nhà mà buồn. Buồn vì ông Mầu không còn để nhìn cánh cửa thiên đường đang mở ra
với nó. Ông đã nằm xuống trong một ngày mùa đông mà trong mắt ông, trời còn cao
và rộng quá! Ông chưa kịp truyền lại bài thuốc cho đời. Mà đời đang còn nhiều,
nhiều người bội thực.
Còn con Dung thì khác. Dung nằm ngửa sung rơi vô miệng. Tự nhiên có năm chục
triệu trong tay. Nó hí hửng quá chừng. Thằng chồng cũ đi ngang ngó vào, nó
không cười. Các bà vợ của mấy tay chở rọ, bẻ cau thi ca cẩm, các bà oang oang
ngoài chợ:
“Gái bỏ chồng như nứa trôi sông, Không dập đầu nọ cũng toác đầu kia”. Toác thì
chưa thấy toác nhưng lần này con Dung có cơ hội đổi đời.
Thằng Đẩu làm nhà được ba tháng thì ngã bịnh. Bác sĩ nói trong phổi nó nhiễm
quá nhiều bụi xi-măng. Nó ốm liệt giường, con Dung phải tận tay chăm sóc. Mấy
anh lái heo nổi ghen, hát “Vai mang túi bạc kè kè...”
Biết không qua được, trước phút lâm chung nó hỏi Dung xin cây viết và tờ giấy.
Xong, nó dặn khi nào chôn cất đâu vào đấy hãy lấy tờ giấy ra, nó để trong góc tủ
thờ. Con Dung hồi hộp quá.
° ° °
Mưa. Cơn mưa làm sạch bụi bám trên những lá cây trên con đường cấp phối đến đồi
Dông Mộ. Đám tang đi trong mưa, buồn thê thiết. Theo sau chỉ vài anh bốc vác và
con Dung. Nước mưa hay nước mắt không biết, nhưng trên má con Dung bị trôi đi gần
hết lớp phấn kem. Đồi Dông Mộ có thêm một cái mả mới nằm song song với hai cái
mả cũ. Con Dung nhanh chân quay về, cánh cửa tủ đã mở toang. Thằng Lộc móc
trong túi ra tờ giấy đập mạnh xuống bàn :
- Thôi đem giao cho Ủy ban đi!
Con Dung như biết được sự việc vào nhà đánh lại lớp kem rồi bắt đầu những nụ cười
thu hoạch khác.
Theo ý người đã mất, Ủy ban giao lại căn nhà cho hội từ thiện. Mấy năm sau, hội
từ thiện đập căn nhà thằng Đẩu, xây lại cơ ngơi hoành tráng hơn.
Có người nói: “Mười năm sau có thể người ta sẽ đập đi và xây lại cái nhà mới nữa,
nhưng hai câu lục bát của ông Mầu cho dù có bao lâu thì cũng không ai có thể đập
ra viết lại thành câu khác được, cho dẫu đó là một câu hoành tráng!”
Thoại
Văn