Chiếc ghe rời cửa biển Long Hải lúc nửa đêm về sáng để tránh
công an biên phòng, đưa gần bảy mươi thuyền nhân trốn khỏi quê cha đất tổ, đem
sinh mạng mình đánh cuộc với định mệnh để tìm tự do và tương lai. Trong số đó
có hai vợ chồng trẻ, người vợ ốm yếu mảnh mai, lại mang thai lần đầu, mặc hai
ba lớp áo quần nên hình như không ai biết chị có thai đã bảy tháng, ngoài anh
chồng trẻ cũng mảnh khảnh như chị.
Mà nếu có biết cũng chẳng ai còn tâm trí nào để nghĩ đến
chuyện người khác khi trong lòng mình cũng "ngổn ngang trăm mối" mà mối
lo lớn nhất là có thể bị bắt lại, bị nhục hình, bị tù tội trong khi mình không
có tội gì hết, chỉ bỏ xứ ra đi, bỏ ông bà cha mẹ, bỏ tất cả ra đi vì muốn có tự
do.
Vừa đặt chân lên sàn ghe, tất cả mọi người đều được đưa xuống lòng ghe để bảo đảm an toàn. Nếu có bất cứ ghe tàu nào đi ngang, nhìn vào người ta chỉ thấy trên khoang ghe có vài ngư phủ đi thả lưới ban đêm để có được một ít cá tôm tươi cho vợ hoặc mẹ mang ra bán ở buổi chợ sáng ngày mai. Nhất là vào ban đêm, ánh đèn bão tù mù, vàng úa giúp những người đang trốn chạy khỏi quê hương che được nét ưu tư lo lắng.
Phía dưới lòng tàu, thông thường chỉ để lưới, xăng dầu, thức
ăn của ngư phủ, mấy thùng nước ngọt, và mấy thùng đựng cá tôm lưới được vào những
hôm ra khơi nhiều may mắn. Vậy mà bây giờ gần bảy mươi con người ngồi chen
chúc, không khí đã thiếu lại càng ngột ngạt hơn khi rất nhiều người bị say sóng
ói mửa ngay trên sàn tàu, trên áo quần của mình hay của người ngồi bên cạnh.
Không ai nói với ai tiếng nào. Khi ghe chưa ra đến hải phận quốc tế, người ta
chưa sợ chết vì đại dương bao la, vì thiếu nước ngọt, thiếu thức ăn, mà đích đến
thì còn ở xa mù tít tắp, nhưng nỗi sợ bị công an biên phòng bắt được thì tù tội,
nhục hình cũng kinh hoàng như nỗi chết. Nỗi sợ đó lớn quá, bao trùm lên mọi thứ,
át đi sự ngột ngạt trong một hầm ghe quá tải, át đi mùi của mọi thứ trong bụng
chưa kịp tiêu hóa chạy ngược lên miệng chạy ra ngoài. Khi thức ăn đã ra hết, cả
đến mật xanh cũng chạy ra, người ta mệt nhoài, không còn sức để sợ bị bắt lại,
không còn sức để cảm nhận được không khí ngột ngạt, nặng mùi chung quanh mình. Ở
một góc ghe, người đàn bà trẻ đang mang thai lại tỉnh táo hơn mọi người, hơn cả
ông chồng cũng vật vờ say sóng, nôn mửa như hầu hết mọi người trên ghe. Lòng
ghe tối đen, không ánh sáng, không cả tiếng động, thời gian tưởng như ngưng lại.
Lâu lâu có một chút ánh sáng xanh yếu ớt từ cái đồng hồ đeo tay có dạ quang của
ai đó. Đêm dài và sâu hơn với những người đang trốn chạy khỏi quê hương.
Vào đêm thứ nhì của cuộc trốn chạy bằng đường biển, người
đàn bà đang mang thai chợt thấy đau nhói ở bụng. Đây là con đầu lòng, chị không
có kinh nghiệm về chuyện sinh đẻ. Trong bóng tối đặc quánh trong lòng chiếc ghe
mong manh chật như nêm, một tay nắm tay chồng, một tay chị chị nhẩm tính trên
những ngón tay xem mình đã có thai bao nhiêu tháng.
*
Họ lấy nhau tháng chín năm ngoái, sau mười lăm tháng quen
nhau ở vùng kinh tế mới Đồng Bò, ngoại ô Nha Trang. Chị cố quay lại khúc phim
tình yêu lãng mạn của anh chị để quên đi nỗi đau âm ỉ trong bụng. Tình yêu trên
vùng đất khô cằn, -ngay cả hoa dại cũng không mọc nổi, không trồng được gì hết
ngoài khoai mì, - nhưng rất chân thành, sâu đậm vì đó là tình đầu của cả anh và
chị. Họ lấy nhau, không có đám cưới bình thường, chỉ có một lễ ra mắt hai bên họ
hàng (cũng chỉ lưa thưa mấy người đàn bà vì đàn ông dạo đó hầu hết đã ở trong
lao tù cải tạo vì "tội ngụy quân ngụy quyền") bằng một mâm cơm... trắng
(không bị độn khoai sắn như bữa ăn thuờng ngày của người dân kinh tế mới) và
vài món ngon như nem, chả được gởi mua từ chợ Đầm ở Nha Trang. Hôn thú cũng
chưa làm vì "ủy ban nhân dân xã kinh tế mới" vừa thành hình, chưa có
con dấu. Về nơi ở cũ thì bị từ chối vì "hộ khầu đã bị cắt". Nhưng gia
đình vẫn cho họ lấy nhau, vì “phải nương nhau mà sống, không phải ở cái vùng
kinh tế mới hoang vu này, mà sau này, đi đâu cũng nương tựa vào nhau….”. Mẹ chị
đã căn dặn anh chị như vậy ở một lễ cưới dã chiến, không có khăn áo, không có
make up, và không có cả họ hàng, quan khách. Mấy miếng chả heo màu trắng - chắc
là tỉ lệ thịt và bột ngang nhau -, mấy miếng nem hồng nhạt dành cho hai đứa em
chưa đến tuổi đi học, lần đầu tiên trong đời được nếm mùi nem chả. Anh chị nhường
nem chả cho các em, ăn cơm với canh rau muống, sau khi đã ăn mấy lát gừng mỏng
chấm muối như phong tục ngàn xưa "gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”.
Hơn nửa năm sau ngày cưới, một lần về Nha Trang mua hột giống,
anh gặp một người lính hải quân làm dưới quyền ba anh ngày xưa. Thương anh cựu
sinh viên Khoa học thư sinh kính trắng phải cày sâu cuốc bẩm nuôi mẹ, nuôi em
khi ba ở trong tù cải tạo, người lính hải quân sắp lái một chuyến tàu vượt biển,
được chủ ghe cho mang theo cả gia đình, cho anh và chị đi theo.
*
Bụng chị vẫn đau, chị ước gì mình bị say sóng ngủ vùi, hoặc
lã đi vì mệt như anh, như tất cả mọi người trong lòng ghe. Nhưng cơn đau vẫn chẳng
chịu đi, lúc âm ỉ, lúc nhói lên, chị xanh mặt, vả mồ hôi chịu đựng, tự nhủ
trong đầu:
- Không sao, đau một chút rồi sẽ hết. Mình chưa đẻ đâu, đến
hôm nay nhiều lắm là 29 tuần, ít nhất cũng cả tháng nữa mới sinh.
Hết tự bảo mình, chị cúi xuống rờ tay lên bụng, thì thầm
trong bóng tối:
- Con ơi, nằm yên nha, để đến trại tỵ nạn rồi hãy ra nghe
con, an toàn hơn cho cả con và mẹ.
Cơn đau chỉ lắng xuống một vài giây, rồi lại nhói lên quặn
đau mỗi lúc một nhiều hơn. Chịu không nổi, chị đành lay vai anh:
- Anh ơi anh, chắc em đang chuyển bụng đẻ.
Đang vật vờ say sóng, nghe vợ sắp sinh, anh tỉnh hẳn, mở mắt
nhìn quanh, rồi hỏi chung quanh:
- Có ai biết đở đẻ không? Xin giúp vợ tôi.
Câu hỏi làm mọi người trong cái khoang ghe tối đen, ngột ngạt
tỉnh hẳn lên. Giữa lúc mọi người đang vượt đại dương, có một phụ nữ trẻ sắp
"vượt cạn". Có ai đó thò đầu lên khỏi hầm ghe, hỏi xin một ánh đèn
cho sản phụ.
May là ông chủ ghe cũng thuộc loại người nhân từ, và ghe đã
ra đến hải phận quốc tế, nên chị được đưa lên khoang ghe. Anh cũng được đi theo
cùng chị. Họ tỉnh hẳn ra khi ra khỏi hầm ghe, được hít thở không khí trong lành
của đại dương, cũng là không khí của tự do mặc dù đích đến còn ở xa, xa lắm. Chị
thấy khỏe hơn mặc dù cơn đau vẫn không dứt, quặn lên từng cơn.
*
Vinh cũng được rời khỏi hầm ghe, lên sàn tàu cùng với anh chị
vì Vinh là bác sĩ duy nhất trên chuyến ghe vượt biển đêm đó. Trời tối đen, Vinh
cũng không biết lúc đó là mấy giờ, cái đồng hồ đeo tay đã rớt mất từ lúc nào.
Dù đã từng làm việc đở đẻ từ cuối năm thứ tư y khoa trong ca thực tập đầu tiên ở
bệnh viện Từ Dũ. Và từ đó đến giờ, dù không chuyên về sản khoa, Vinh cũng đã có
dịp trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc trong những trường hợp sinh thường, cũng
như sinh khó, phải xoay đầu hài nhi từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, phải mổ để
đem con ra khỏi bụng mẹ. Nhưng lần này giữa đại dương, trời tối đen, trên sàn
tàu bằng ván lồi lõm còn mùi tanh của tôm cá, chỉ có một ngọn đèn bão tù mù mà
người tài công tốt bụng đã cho mượn, không có thuốc khử trùng, không có
alcohols, cũng chẳng có bông băng, hay bất kỳ một dụng cụ y khoa nào. Sản phụ lại
sinh lần đầu, và Vinh không có một chi tiết nào về hồ sơ bệnh lý của chị. Chưa
bao giờ Vinh tưởng tượng mình phải làm công việc tưởng như đơn giản nhưng cả
hai sinh mạng đều đặt trong tay Vinh trong một đêm trời tối đen trên sàn một
chiếc ghe vượt biển. Mọi thứ đều làm bằng tay, không có cả găng tay, phương tiện
còn hạn chế hơn dụng cụ thô sơ của một cô mụ đỡ đẻ ở nhà quê từ nhiều thập niên
trước. Dưới ánh đèn bão tù mù, phải mất gần một tiếng, từ việc xoay đầu em bé đến
việc cắt cuốn rốn, em bé sinh ra đỏ hỏn, sớm hơn kỳ hạn bình thường một tháng
nhưng khỏe mạnh. May mắn là sản phụ dù xanh xao, yếu ớt nhưng rất can trường,
đã dùng hết sức bình sinh để đẩy được em bé ra ngoài từ cửa tử cung hẹp của một
người sinh con lần đầu. Gió của đại dương nhanh chóng làm khô những giọt mồ hôi
đầm đìa trên mặt của Vinh, của anh, và nhất là của chị, sản phụ can đảm nhất
nhì thế giới, đã vừa vượt biển, vừa "vượt cạn" lần đầu, không có thuốc
tê, không có thuốc mê, không có cả bông băng, nhưng chị không hề rên la, chỉ cắn
chặt môi đến rướm máu chịu đựng. Nếu chị không tự đẩy em bé ra được, Vinh cũng
không biết mình phải làm gì trong tình trạng không thuốc men, không dụng cụ.
Mãi về sau, sau này, sau nhiều năm hành nghề Y khoa ở Mỹ, có dịp chẩn đoán, điều
trị cho rất nhiều bịnh nhân thuộc nhiều chủng tộc, nhiều lứa tuổi khác nhau, chị
vẫn là bệnh nhân can đảm nhất của Vinh.
Anh đứng bên cạnh là một chỗ dựa tinh thần cho chị, và một
phụ tá đắc lực cho Vinh. Người chồng sắp được làm cha, lại vô tình trở thành y
tá bất đắc dĩ phụ việc cho Vinh trong một ca đỡ đẻ rất khác thường trên một
chuyến tàu vượt biển. Em bé gái mới ra đời được tắm bằng nước biển Đông, được cắt
nhau bằng đầu móng tay cái và móng tay trỏ của Vinh. Những đầu móng tay Vinh bắt
đầu để dài từ lúc bắt đầu chơi guitar với sự hướng dẫn của một ông thầy dạy môn
Nhạc từ những năm đầu Trung học, không ngờ lại được dùng rất có hiệu quả trong
trường hợp hy hữu giữa biển khơi. Không có alcohol để tẩy trùng, Vinh đến bên mạn
thuyền, múc nước biển lên rửa tay. Muối của đại dương cũng ít nhiều sát trùng
những đầu ngón tay của Vinh trước khi Vinh cắt cuốn rún của em bé sơ sinh.
Em được bọc bằng hai lớp áo, lớp trong là cái áo thun của
cha, lớp ngoài là cái áo khoác của mẹ. Tiếng khóc đầu tiên của em, của mầm sống
mới đem lại nụ cười cho Vinh, cho anh và chị, và hy vọng cho một đời sống mới tự
do, tốt đẹp hơn cho mọi người trên ghe. Em ra đời an lành giữa biển Đông, sớm
hơn thời hạn bình thường (9 tháng 10 ngày) gần một tháng trong một hoàn cảnh rất
đặc biệt. Và dĩ nhiên không có cân, không có thước để biết trọng lượng, và chiều
cao của em.
Trong niềm vui vừa hoàn thành một ca đở đẻ có một không hai
trong đời, Vinh trao em bé cho sản phụ, dùng nước biển để rửa tay. Giữa biển trời
mênh mông, không có xà bông, không có alcohol sát trùng, không có cả nước thường
để rửa tay. Vinh đến bên thành ghe, một tay bám chặt vào thành ghe, tay kia múc
nước biền bằng một cái thùng nylon để rửa tay, và rửa em bé cùng sàn ghe. Sau
vài phút vui mừng cạnh vợ con với niềm vui của một người lần đầu làm cha, người
chồng trẻ vừa rối rít cảm ơn, vừa giúp Vinh dọn rửa sàn ghe, nơi một con người
bé bỏng vừa chào đời trong đêm tối giữa biển trời bao la. Cũng như cha mẹ không
được làm hôn thú ở một vùng kinh tế mới, em cũng không được làm khai sinh giữa
biển trời, trên một chiếc ghe tỵ nạn. Em được cha mẹ gọi là "bé Biển".
Trời sáng dần, mọi người tỉnh táo hơn, lạc quan hơn vì ánh
sáng mặt trời luôn là người bạn tốt của những con tàu đang lênh đênh trên đại
dương. Họ còn vui mừng hơn vì có thêm một mầm sống mới vừa chào đời bằng sự can
đảm của người mẹ, bằng sự tận tình của một ông bác sĩ trẻ cùng là đồng hành
trên chuyến vượt biển tìm tự do của họ.
Những ngày sau đó, dù vẫn phải ăn uống dè chừng vì không biết
khi nào mới đến được đất liền, Vinh vẫn được đối xử tử tế hơn, được ông bà chủ
ghe mời lên ngồi trên khoan tàu, được hít thở không khí trong lành của đại
dương. Vinh cũng được phân phát thức ăn theo tiêu chuẩn đặc biệt, nhưng Vinh
cũng chỉ ăn như khẩu phần của mọi người trên ghe, nhường phần đặc biệt đó cho
người mẹ mới sinh ốm yếu mảnh mai, cần ăn nhiều để còn có sữa nuôi con sơ sinh.
Những chuyện bình thường đó được rỉ tai bởi những người còn
tỉnh táo, khỏe mạnh trên ghe, và như một vết dầu loang, người ta đối xử tốt đẹp
với nhau hơn. Một vài người lớn tuổi được những người trẻ hơn nhường phần nước
uống hiếm hoi được phát hai lần mỗi ngày. Các em bé được ăn thêm vài muỗng cơm
từ những người lớn trên tàu. Chuyện tưởng như đơn giản trên đất liền trong hoàn
cảnh bình thường, nhưng là cả một niềm an ủi, một niềm tin khi con người đang
trốn chạy khỏi quê hương, đang lênh đênh trên đại dương, không biết lúc nào mới
đến bờ, đến bến.
*
Bốn ngày sau, chiếc thuyền mong manh của những thuyền nhân
Việt Nam chạy trốn chế độ Cộng sản may mắn được một con tàu buôn của Ý trông thấy.
Họ đến gần và cho tất cả người tỵ nạn lên tàu của họ, cho ăn uống. Họ đặc biệt
cho bé Biển nhiều món quà quý, trong đó có một cái mỏ neo nhỏ như một lóng tay,
- làm bằng vàng, biểu tượng của chiếc thương thuyền -, sau khi nghe kể em được
sỉnh ra vài ngày trước đó trên sàn con thuyền mong manh không có một dụng cụ
thuốc men nào, ngoài sự can đảm của mẹ em, và sự tận tình của một bác sĩ trẻ được
đào tạo ở Đại học Y khoa Saigon trước năm 1975. Như luật hàng hải quốc tế vì
sinh ra ở hải phận quốc tế nên bé Biển có quốc tịch Ý, chiếc tàu đầu tiên có
mang cờ một quốc gia em được mang lên.
Trước khi đưa từng thuyền nhân lên tàu lớn, họ có ghi lại
hình ảnh của chiếc ghe mong manh và những thuyền nhân mặt mày hốc hác nhưng ánh
mắt rạng rỡ vì biết chắc chắn mình sẽ đến được bến bờ tự do. Ông thuyền trưởng
đích thân ra trước mũi tàu chụp hình. Bên kia, bác sĩ Vinh được những người
trong ghe cử ra nói chuyện với đại diện của tàu Ý. Vinh cũng đứng trước mũi của
chiếc ghe tỵ nạn, bên cạnh chiếc tàu buôn như một em bé gầy yếu đứng trước một
người khổng lồ. Tấm hình đó không một người tỵ nạn nào có dịp trông thấy. Ngoài
một số người muốn được định cư ờ Ý, tất cả thuyền nhân còn lại được đưa đến trại
tỵ nạn và được đi định cư ở nhiều nước khác nhau.
Ông thuyền trưởng nghe Vinh kể chuyện đỡ đẻ rất hiếm hoi đã
giơ cả hai tay lên trời:
- Tôi cảm phục lòng can đảm của sản phụ, tôi cảm phục sự
bình tĩnh và tận tình của bác sĩ. Tôi cảm phục lòng quả cảm của tất cả các bạn.
Thượng Đế đã phù hộ các bạn.
Ông ta còn nói nhiều điều nữa, nhưng Vinh chỉ nhớ câu đó, và
nhớ nụ cười hiền từ nhân hậu của người thuyền trưởng người Ý da trắng, tóc đen.
Vinh đến Mỹ vào cuối năm 1979, đi học lại một số lớp để có
thể thi lấy bằng Medical Doctor ở Mỹ và thi lấy giấy phép hành nghề. Kiến thức
của những năm Y khoa Saigon giúp Vinh rút ngắn được hơn nửa đường học trình của
một Bác sĩ chuyên khoa ở Mỹ. Cứ lấy các "equivalent test" của từng
giai đoạn, đậu được mỗi bài test là khỏi phải học ít nhất là hai học kỳ (tương
đương một năm). Cứ từ dễ đến khó, Vinh lần lượt đậu từng bài thi và không phải
học lại, chỉ phải đi thực tập nội trú (Internship) trong một bệnh viện ở New
York trước khi được cấp bằng hành nghề. Lúc đó còn trẻ, chưa lập gia đình, dù
không phải học lại 5 năm đầu của chương trình Y khoa ở Mỹ, Vinh vẫn chăm chỉ đọc
sách và học thêm một lớp căn bản về "Business Law".
Mỗi tuần làm việc từ bốn đến năm mươi giờ ở bệnh viện từ
phòng cấp cứu đến các phòng bệnh nội trú, Vinh gặp bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, mọi
màu da. Có người suốt ngày rên rỉ, có người chỉ nhăn mặt khi thiếu thuốc giảm
đau, có người luôn cố giữ nụ cười lạc quan để thêm tinh thấn chiến đấu với bệnh
tật. Không có ai can đảm như người sản phụ thuyền nhân giữa đại dương năm nào,
kể cả những người sinh con giữa một bệnh viện đầy đủ thuốc men, dụng cụ, y tá,
bác sĩ, đã được chích thuốc giảm đau mà vẫn rên la.
Xong một năm nội trú ở New York, những ngày đầu chính thức
hành nghề y khoa trong một bệnh viện ở Chicago, những khuôn mặt bệnh nhân đủ mọi
cá tính đến rồi đi trong từng ngày làm việc của Vinh, vẫn chưa có ai vượt qua
được sự can đảm chịu đựng của người sản phụ trên chiếc ghe mong manh vượt biển
ngày trước. Giữa những tiện nghi dành cho một bác sĩ ở Mỹ, thỉnh thoảng Vinh vẫn
nhớ đến nước Thái bình dương đã rửa tay cho mình và tắm cho em bé sinh giữa đại
dương. Vị mặn của nước biển có thể sát trùng một cách tương đối, đã giúp một em
bé thuyền nhân chào đời an toàn, khỏe mạnh trên sàn ghe giữa biển trời mênh
mông.
***
Rồi Vinh lập gia đình, dọn về San Jose ở California với khí
hậu ven biển ấm hơn giống Việt Nam hơn, và để một lúc nào đó những đứa con chào
đời sẽ có nhiều cơ hội học tiếng Việt hơn. Lúc đó là đầu thập niên 80s, cộng đồng
Việt Nam ở Mỹ chưa lớn mạnh, những lần hiếm hoi gặp bệnh nhân người Việt ở bệnh
viện Kaiser, họ cứ hỏi Vinh có khám thêm ở nhà ngoài giờ làm việc để họ đến nhờ
giúp khi bệnh hoạn. Một, hai, năm, bảy rồi cả chục lần được yêu cầu như vậy,
Vinh quyết định xin thôi việc ở bệnh viện, mở phòng khám tư, tự do hơn.
Lần đầu tiên mở phòng khám tư, lại là phòng khám ở Mỹ, một
nơi mà nguyên tắc, và luật pháp rất nghiêm nhặt,Vinh phải mò mẩm từng bước để
xây dựng phòng khám bệnh của mình. Thời đó, đầu thập niên 80s, cộng đổng tỵ nạn
của người Việt còn non trẻ, bệnh nhân của Vinh thuộc đủ mọi chủng tộc, từ những
người bản xứ hay đến phòng mạch của ông bác sĩ trẻ còn giữ nguyên tính kính trọng
người lớn tuổi của người Việt Nam, đến những người di dân gốc Nga, gốc Tàu, gốc
Ý, gốc Mễ... Và dĩ nhiên cũng có những bệnh nhân Việt Nam chịu khó lái xe vài
chục dặm để được một bác sĩ đồng hương chăm sóc.
Cũng chính nơi đây, Vinh gặp lại nhiều bạn học đã mất liên lạc
từ ngày xong tú tài, mỗi người mỗi ngả.
Phúc và Lan di tản từ tháng 4 năm 1975, vẫn không thay đổi
nhiều so với ngày còn ở Trung học, tương đối thành công, vẫn mang theo cả một
thời mới lớn ở Việt Nam có những lý tưởng màu hồng dù lâu lâu vẫn nghe tiếng
súng vọng về từ một chiến trường nào đó rất gần thành phố.
Xuân đi từ trường Ngô Quyền vào trường Võ bị, vừa cởi áo trắng
học trò, khoác ngay áo treillis của lính, không có thì giờ mặc áo dân sự giữa một
đất nước chiến tranh. Nước mất, Xuân phải vào "trại cải tạo", mặc áo
màu sậm, xám xịt như đời “tù... không có tội”. Ra khỏi nhà tù nhỏ, Xuân về nhà
tù lớn chỉ vài tháng rồi vượt biển, và chịu khó cắp sách đi học lại đến ngày
thành kỹ sư ở thung lũng điện tử của miền Bắc California.
Tuấn rời Việt Nam qua Nhật du học từ năm mười tám. Học vừa
xong, thì nước mất, không còn nhà, không còn quê hương để quay về. Một sáng đầu
tháng 5 năm 1975, mở mắt dậy, bỗng dưng thành một người "vô gia đình, vô tổ
quốc”, Tuấn quyết định đi xa hơn nữa khi Mỹ cấp free pass vào Hoa Kỳ cho các
sinh viên VN đang du học ở các nước tự do trên thế giới vào thời điểm tháng 4
năm 1975. Tuấn ổn định đời sống ở Mỹ từ năm 1976. Phiêu bạt từ Việt Nam qua Nhật,
rồi Mỹ, ở đâu người bạn thân của Vinh cũng mang theo hình ảnh hiền hòa, thâm trầm
như nhân vật cùng tên trong "Tuấn chàng trai nước Việt".
Tấn đậu tú tài, vào Không quân, được đi tu nghiệp ở Mỹ, về
nước chưa kịp đóng góp nhiều cho đất nước thì "chim gãy cánh mây ngừng
trôi ", Tấn vô tù vì vận nước, rồi trở về làm đủ mọi nghề để sống đến khi
được qua Mỹ theo diện HO, là người đến đất nước tự do muộn màng nhất trong lớp.
Cả một cái lớp tứ hai ở Ngô Quyền xưa lưu lạc khắp nơi trên
thế giới, gần một phần tư lớp hội tụ ở San Jose, mỗi lần gặp nhau vui hơn Tết,
chuyện trò râm ran, tiếng cười vang lên như ngày xưa còn ở tuổi ăn chưa no, lo
chưa tới ở quê nhà.
Nhưng vui nhất là lần Vinh gặp thầy Hợp, thầy dạy Toán năm đệ
tam ở quê nhà. Thầy định cư ở Mỹ vảo thập niên 90s, lúc đó cộng đồng Việt Nam ở
vùng thung lũng điện tử San Jose đã quần tụ khá đông. Chân ướt chân ráo ở quê
người, chưa có xe, từ nhà, Thầy đi hai chuyến xe bus đến khu vực thuơng mại
đông đúc nhất của người Việt ờ San Jose, lấy một tờ báo quảng cáo để tìm một
ông bác sĩ đồng hương ở quê người. Và thầy tìm ra cậu học trò thông minh, hiền
lành năm xưa đang hành nghề "lương y" ở một con đường yên tĩnh gần
downtown. Trong mục quảng cáo của một tờ báo VN, trong danh sách các Bác sĩ Việt
Nam ở San Jose, thầy Hợp tìm thấy tên của cậu học trò thông minh, hiền lành ở
cù lao Phố, Biên Hòa ngày xưa. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng ở nhiều trường
Trung học lớn ngày xưa, như một người lái đò đưa hàng ngàn người khách qua
sông; có một vài khuôn mặt, vài cái tên Thầy không hề quên.
Gần như chắc chắn đó lả học trò cũ của mình ngày xưa, nhưng
muốn dành cho cho Vinh một bất ngờ, thầy Hợp vẫn gọi điện thoại lấy hẹn, đến
văn phòng đúng giờ, lảm việc với mấy cô thư ký, điền hồ sơ cho một bệnh nhân mới,
rồi kiên nhẫn ngồi đợi như bao nhiêu người khác.
Gần cuối buổi làm việc, Vinh được cô thư ký chuyển vào hồ sơ
của bệnh nhân kế tiếp. Nhìn cái folder màu vàng nhạt còn mới toanh của một bệnh
nhân mới, Vinh liếc qua tên bệnh nhân, và độ tuổi, cùng giới tính. Tên viết
theo lối Mỹ, first name, last name, initial middle name, nên Vinh không hề nghĩ
đó là thầy dạy Toán của mình thời trung học.
Vinh rời phỏng làm việc của mình, đẩy cửa vào phòng có bệnh
nhân, và thả rơi cái folder xuống nền nhà, không tin vào mắt mình. Cứ như một
giấc mơ, thẩy dạy Toán Nguyễn Thất Hợp của năm đệ tam đang ngồi cạnh bàn khám bệnh
ở San Jose, California, chứ không phải cạnh bàn giáo sư của trường Ngô Quyền
Biên Hòa như hai mươi năm trước. Thầy vẫn vậy, chỉ già đi theo năm tháng (như
người Mỹ vẫn gọi là aging process) chứ không thay đổi. Ánh mắt nghiêm nghị vẫn
còn, lấp lánh sau tròng kính trắng. Vinh quên hết nhiệm vụ của mình, quên hết
mình đang khám bệnh, quên là mình đã ở xa quê nhà cả một đại dương, mừng rỡ
chào Thầy, vẫn cung kính như ngày xưa còn là học trò trung học.
Từ đó, thầy Hợp được học trò chăm sóc sức khỏe rất chu đáo.
Không biết vì bản chất Thầy vốn khỏe mạnh, vì Vinh chăm sóc cho Thầy không chỉ
bằng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ, mả còn bằng tấm lòng của một người học
trò cũ, hay vì cả hai lý do, thầy Hợp trông khỏe mạnh và trẻ hơn so với những
người cùng độ tuổi.
***
Tưởng đó là lần hạnh ngộ vui nhất trong đời ở phòng khám bệnh,
nhưng có một lần khác, ngạc nhiên òa vỡ lớn hơn, đưa Vinh về với vị mặn của gió
biển, với lần duy nhất hành nghề y khoa dã chiến giữa trời nước mênh mông.
Đó là một ngày mùa hè, ngày dài đến hơn 14 tiếng, bóng nắng
vẫn còn lung linh trên hàng cây cổ thụ ven đường, Vinh đã cởi áo blouse trắng,
chuẩn bị về thì cô thư ký gọi vào cho biết có người quen cũ, đến từ Châu Âu
kiên nhẫn đợi đến lúc bệnh nhân cuối cùng rời phòng mạch để được gặp bác sĩ
Vinh.
Vinh đặt chìa khóa xe vào lại ngăn kéo, nhờ cô thư ký mời
khách vào phòng làm việc. Đó không phải là một người khách, mà là một gia đình
gồm ba người. Hai vợ chồng đã qua tuổi trung niên, và một cô thiếu nữ chắc vẫn
cỏn trong độ tuổi hai mươi. Vinh cố lục lạo trí nhớ của mình để nhớ ra người
quen nhưng vẫn không nhận ra được khách là ai?
Vinh mời khách ngồi, nhã nhặn:
- Xin lỗi, tôi có thể giúp gì được cho quý vị?
Người đàn ông mở lời, giọng Saigon rất thân quen:
- Thưa bác sĩ, chúng tôi từ Ý đưa bé Biển đến thăm bác sĩ,
và để cảm ơn bác sĩ đã lo cho mẹ con cháu chu đáo trên biển đông năm xưa.
Vinh tròn mắt ngạc nhiên:
- Ô, anh chị ngày xưa trên con thuyền vượt biển tháng 6 năm
1979 từ Long Hải, Vũng Tàu.
Ngưởi đàn bà cười tươi tiếp lời bằng giọng Huế nhẹ nhàng:
- Thưa đúng rồi, bác sĩ còn nhớ chúng tôi?
- Không những chỉ nhớ mà còn phục sự can đảm chịu đựng của
chị năm xưa khi sanh con đầu lòng trên sàn tàu vượt biển không có ánh sáng,
không có thuốc men, không có cả dụng cụ.
Đó là lần hội ngộ với một bệnh nhân cũ bất ngờ, cảm động nhất
của Vinh.
***
Từ chiếc tàu buôn của Ý năm xưa, 68 thuyền nhân, cộng với
"công dân của đại dương", bé Biển, được đưa về trại tỵ nạn Pulau
Bidong của Malaysia. Từ đó, họ đi định cư ở nhiều nước khác nhau. Vinh định cư ở
Mỹ. Gia đình nhỏ ba người của bé Biển đi Ý vì cảm kích lòng tử tế của thủy thủy
đoàn trên thương thuyền của Ý, và vì bé Biển mang quốc tịch Ý.
Từ đó, bận rộn với cuộc sống mới với một khởi đầu mới ở quê
người, Vinh không còn dịp liên lạc với bất cứ một thuyền nhân nào trên chuyến
tàu vượt biển năm xưa.
Gia đình bé Biển đến Ý, ổn định cuộc sống. Họ làm hôn thú
cho mình và khai sinh cho con ở Ý. Trên khai sinh, tên của bé Biển là Nguyễn Thị
Đại Dương. Và như một kỷ niệm suốt đời mang theo, sợi dây chuyền với chiếc mỏ
neo bằng vàng luôn nằm trên cổ em từ lúc chỉ mới vài ngày tuổi. Vài năm sau, họ
có thêm một cậu con trai sinh ở Rome, vẫn có cái tên Việt Nam là Nguyễn Thái
Bình, tên Ý là Grato (nghĩa là cảm ơn). Đó là cách để họ nhớ đến Thái bình
dương với ân tình từ rất nhiều người cả Việt Nam lẫn Ý.
Cho đến một ngày nọ, tin tức địa phương từ một tờ báo về
chuyện một ngưởi thuyền trưởng tài ba, nhân từ về hưu sau hơn 30 năm lênh đênh
trên các đại dương, giúp họ tìm ra vị thuyền trưởng đã cứu vớt con tàu nhỏ bé
năm xưa của những người Việt Nam tỵ nạn. Họ tìm đến gặp ông, và lần này đã có
thể nghe ông kể lại câu chuyện và tâm trạng của ông năm xưa bằng tiếng Ý. Sau
đó, họ được ông tặng tấm hình chụp con tàu tỵ nạn dạo nào, trên đó có họ gầy yếu
xanh xao, có đứa con đầu lòng, bé Biển hãy còn đỏ hỏn, không có sữa uống, được
nuôi bằng nước cháo.
Tấm hình được họ mang đến tiệm, nhờ chuyển qua dạng một cái
plaque treo tường. Họ làm cho mình một, và một plaque thứ hai để dành tặng cho
ông bác sĩ trẻ năm xưa giúp bé Biển chào đời an toàn trên sàn tàu vượt biên.
Bước vào thế kỷ 21, khoa học phát triển, google search giúp
họ tìm ra bác sĩ Vinh. Vì ngày xưa trước lúc rời trại tỵ nạn, họ có hỏi thăm
tên họ của Vinh. Nhờ một người bạn ở San Jose giúp đỡ thêm, họ đưa bé Biển, đã
là một Bác sĩ sản khoa ở Ý, qua Mỹ thăm Vinh.
Cô bác sĩ trẻ người Ý gốc Việt nói với ông bác sĩ đã qua tuổi
trung niên người Mỹ gốc Việt, bằng tiếng Việt rõ ràng, khúc chiết với giọng Huế
pha Saigon:
- Thưa bác, con cảm ơn bác đã giúp cho con chào đời an toàn
trên biển. Nghe ba mẹ con kể lại, và nhớ ơn bác năm xưa, con đã học sản khoa.
Có lẽ suốt đời con không có cơ duyên đặc biệt như bác đã làm ngày con ra đời.
Nhưng con nhớ hoài chuyện đó và vẫn kể cho bệnh nhân của con nghe khi họ sắp
chuyển dạ để giúp họ thêm can đảm.. Con cảm ơn bác rất nhiều.
*
Thay cho lời kết:
Năm 2011, trong một lần đến họp và tập hát chuẩn bị cho hội
ngộ cựu học sinh Ngô Quyền toàn thế giới lần thứ 2, ở phòng mạch của bác sĩ
HQM, một đàn anh Ngô Quyền, chúng tôi thấy một plaque hình thuyền vượt biển khá
đẹp, và được nghe kể lại một chuyện cảm động trên tàu thời đó.
Tấm plaque treo tường với chiếc ghe nhỏ bé chơ vơ giữa biển
xanh đã thu hút sự chú ý của chúng tôi, một cựu thuyền nhân. Có những tình cờ
trong cuộc sống để lại một dấu ấn suốt đời mang theo. Xin được ghi lại vài nét
của một trong những chuyện không bao giờ quên trong lịch sử thuyền nhân. Hy vọng
đời sống luôn có những người trọng tình nghĩa như những nhân vật trong chuyện,
và những hạnh ngộ bất ngờ luôn luôn làm cho đời sống đẹp hơn.
(Viết từ một bức hình ở phòng mạch của BS Huỳnh Quan Minh.
Thung lũng hoa vàng- đầu mùa xuân 2015)