19 October 2023

CHỜ NHAU NƠI CHARLIE - Lê quang Thông

Charlie, là một tên gọi, đặt cho con trai, con gái gì cũng được. Tên Charlie không thông dụng lắm. (Theo thứ tự trong thống kê hộ tịch Đức xếp thứ 434, như năm 2010 có 4.700 trẻ sơ sinh ở Đức được đặt tên Charlie).

Theo khuynh hướng xóa nhòa giới tính hiện tại. Ví dụ ở một vài tiểu bang trên nước Đức có cuộc tranh luận giấy khai sinh chưa cần ghi nam hay nữ (trẻ tự quyết định khi lớn lên ?). Nhà vệ sinh trong trường học không cần phân biệt rõ giới tính.

Như vậy tên Charlie phù hợp với khuynh hướng đó, có thể sẽ được đặt nhiều trong tương lai. Hiện tại trong quân sự thường dùng Charlie cho các địa danh, hàm ý đàn ông, phái mạnh, tự do.

Charlie ở Việt Nam là một trong những địa danh đó. Charlie, nghe quen qua bài hát “Người ở lại Charlie” của Nhạc sĩ Nhật Trường Trần thiện Thanh, đó là ngọn đồi cao nằm giữa các huyện Sa Thầy, Đắk Tô, Ngọc Hồi tỉnh Kon-Tum. Người đã ở lại đó vĩnh viễn là Trung tá Nguyễn đình Bảo, chỉ huy lính Dù VNCH trấn đóng Charlie.

Và còn biết bao nhiêu người ở lại. Tháng 4.1972 đạn pháo và bom mìn đã biến Charlie thành một máy xay thịt khổng lồ. Hàng vạn tiếng kêu Mạ ơi, Mẹ ơi, U ơi, Bầm ơi…vang vọng bầu trời Tây nguyên thê thảm.

Viết đến đoạn này, tôi xúc động nhớ trên trang nhà hai khóa mùa Vu lan 2023 có bài MẠ ƠI của em Trần Tuấn, học sinh Quốc học Huế 1976-1977, học trò của Thầy Trần dư Sinh, học Toán cùng lứa với tôi. Tôi cũng đã kêu Mạ ơi như Tuấn trong những lần thập tử nhất sinh.

Một Charlie khác rất nổi tiếng từ sau 1961, là một trạm kiểm soát giữa Tây và Đông Bá Linh, khi bức tường ngăn cách Đông Tây do Cộng hoà Dân chủ Đức (DDR) dựng lên.
Các trạm theo thứ tự ABC :
Trạm thứ nhất, trạm A, ở Hemstedt/ Marienborn, gọi là Checkpoint Alpha.
Trạm thứ hai, trạm B, ở Drewitz, Checkpoint Bravo.
Trạm thứ ba, trạm C, ở đường Friedrich, Checkpoint Charlie…

Mùa Xuân 1987 chúng tôi cả nhà đi lần đầu tiên vô Tây Bá Linh. Đây không phải là một chuyến du lịch bình thường vì mãi cho đến sau tháng 10 năm 1989, khi bức tường ngăn cách Đông Tây sụp đồ, việc qua lại mới dễ dàng như bây giờ.

Tây Bá Linh nằm lõm giữa lãnh thổ Cộng hoà Dân chủ Đức (Deutsche Demokratie Republik, DDR). Muốn đi vô Tây Bá Linh phải qua biên giới chia cắt Đông và Tây Đức, chạy theo một xa lộ hành lang nằm trong phần đất Đông Đức, gọi là Xa lộ Transit nối Tây Đức với Tây Bá Linh.
Lúc đó chưa có Navigation, GDP, Google Map…Lái xe đi xa chỗ lạ phải dùng bản đồ, tốt hơn nữa nên kèm theo cái la bàn để định hướng.
Phần đông người đi xe hơi là hội viên ADAC (Allgemeiner Deutsches Automobil Club). Đóng tiền hội phí chừng 50 (Đức mã)/năm để được hưởng nhiều giúp đỡ. Cụ thể ADAC sẽ kéo xe nếu bị hư giữa đường. Tôi khoái nhất là được ADAC hướng dẫn, cung cấp bản đồ, chi tiết về sinh hoạt nơi muốn đi ở Đức và Âu châu.

Có hai nguồn thông tin cho chuyến đi Tây Bá Linh này : ADAC cho kiến thức và từ một ông Tôn Thất, người đang ở Tây Bá Linh, cho kinh nghiệm.

Ông Tôn Thất này thua tôi vài tuổi, nhưng chuyện đời, học ở ông hoài không hết. Ở Tây Đức thời đó, người Huế đã ít, Tôn Thất lại càng hiếm. Ông Tôn Thất hay từ Tây Berlin về Hannover đi chùa Việt Nam, ngôi chùa đầu tiên của người Việt tỵ nạn trên nước Đức. Từ đó chúng tôi quen nhau, rất hợp ý nhau. Bởi vậy khi được ông Tôn Thất mời lên Tây Bá Linh, tôi nhận lời ngay. Căn hộ ông Tôn Thất ở cách Checkpoint Charlie một con đường. Vì thế tôi từ Frankfurt chạy tới đó và ông Tôn Thất sẽ chờ tôi ở Checkpont Charlie.

Lên đường lúc 5 giờ sáng, chúng tôi 4 đứa, vợ chồng và hai con. Tôi lái và nhà tôi phụ tá, coi bản đồ và những ghi chú đường đi do tôi hệ thống hoá từ hướng dẫn của ADAC và lưu ý của ông Tôn thất, những chặng đặc biệt trên xa lộ Transit.

Chiếc Opel Ascona 2.0, chiếc xe đầu tiên của tôi trên đất Tây Đức, mua lại của một cặp Đức trên 70 tuổi. Xe được giữ gìn tốt, trên xa lộ như một chiến mã lâm trận, lên đèo xuống núi không chê vào đâu được.

Đoạn đường đi trên đất Tây Đức không có gì đặc biệt, mãi tới khi bảng báo ngả rẽ vô đường Transit, tôi tắt nhạc và nhắc nhà tôi lấy xấp bản đồ ra.

Nhạc trên xe tôi thâu từ đĩa, từ cassette, theo ý mình. Để tránh nhàm chán, gây buồn ngủ, cứ vài bản Đoàn Chuẩn, Từ Linh lại Hờn anh, giận em…rồi cải lương, rồi Nam Ai, Nam Bình, Chầu văn, hay bất ngờ đổi qua Beatles, Sylvie Vartan…Hai đứa nhỏ ngủ khì trên ghế sau, không quan tâm, nhưng nhà tôi có lúc bực mình theo nồi âm nhạc hổ lốn này.

Lái xe vào xếp hàng để qua trạm kiểm soát đầu tiên. Trước 1982 trạm này thu lệ phí visa nhập cảnh 5 DM và lệ phí lưu hành, tuỳ theo kích thước xe, trung bình 30 DM. Đây là một khoản ngoại tệ lớn cho nhà nước Đông Đức. Chính phủ Tây Đức khôn ngoan, trả bao hai loại lệ phí này và nhiều hơn số người qua về mỗi năm (khoảng 2 triệu người/năm trước 1982), nên bên Tây Đức ào ào kéo nhau đi, Tây Đức tăng tiền trả bao, và DDR lại khoái thâu mối lợi lớn. Giao thông nườm nượp, giảm lần căng thẳng, ít ra nơi khuôn mặt của VOPO (Volkspolizei, Cảnh sát Nhân dân).

Bốn cuốn Thông hành được thâu và nhìn kỹ từng khuôn mặt, so sánh với hình trong thông hành. Sau đó Thông hành được đưa vào trạm, và ngoài này cảnh sát Đông Đức vẫy tay cho chúng tôi chạy. Nếu chưa nghe ông Tôn Thất giải thích chắc hẳn chúng tôi không biết phải làm gì. Đằng này, chúng tôi đã biết Thông hành sẽ được đóng dấu visa nhập cảnh DDR, và qua một đường ống chạy bằng hơi, từ cổng vào đến cổng ra trạm kiểm soát. Chúng tôi nhận lại Thông hành và vào xa lộ Transit.

Tất cả đều lạ lẫm, từ gương mặt lạnh lùng của các ông Vopo cho đến bảng chỉ các loại xe xếp hàng, những chiếc xe vẽ xấu và kỳ cục đến nỗi thằng con trai 6 tuổi chê dài, răng bên ni xe cộ chi lạ rứa ba. Chạy trên Transit giữ tốc độ nghiêm nhặt, bảng ghi thế nào chạy thế ấy, vì Vopo kiếm ngoại tệ rất cần mẫn, đoạn nào cũng thấy chận xe làm nhiệm vụ phạt. Có Intershop để nghỉ ăn uống, nhưng chỉ sử dụng một lần khi mấy đứa nhỏ quá khẩn trương. Intershop, là nơi đầy Công an, Cảnh sát chìm của DDR.

Cho đến 1989 khi bức tường Đông Tây Bá Linh sụp đổ, chuyện trốn thoát khỏi Đông Đức xảy ra hằng ngày và bằng mọi cách : từ đào hầm làm địa đạo qua dưới bức tường, bơi qua sông Spree, bay bằng khinh khí cầu, dùng xe làm thêm chỗ cất giấu đi qua xa lộ transit…Số người đào thoát không thành công bị bắt, bị bắn chết… lên đến hàng trăm.

Chúng tôi đến Checkpoint Charlie lúc 3 giờ chiều, tính ra đi từ Frankfurt đến đây mất 10 tiếng. Ông Tôn Thất với vợ con và thêm 2 người bạn đứng chờ. Tất cả vui mừng gặp nhau và cùng kéo về căn hộ ông Tôn Thất. Chuyện trò hào hứng quên hết mệt nhọc. Một hai chai bia là nóng máy, bắt đầu 100% liên hồi, và bốn anh em cứ tì tì cho đến khi các bà kêu ăn tối.

Ngày đầu tiên thăm Tây Bá Linh, ông Tôn Thất đưa cả nhà ra phố, đi quanh quẩn nơi khu Kurfürstendamm, coi Nhà thờ Cụt đầu, Chiếc đồng hồ thế giới, KADEWE (Kaufhaus des Western). Khi các bà và bọn nhỏ đã mệt nhoài theo shopping, chúng tôi về nhà, và mấy anh em ca hát thoải mái.

Ngày thứ hai, ông Tôn Thất cho đi xem nghĩa trang Thập tự giá trắng bên bờ sông Spree. Nơi đây hàng ngàn Thập tự giá, sơn màu trắng, có ghi tên những người đã bị Vopo bắn chết khi vượt sông Spree. Chúng tôi leo lên cầu thang gỗ, nơi Tổng Thống Kennedy với câu “ Ich bin ein Berliner “, như một cam kết gắn chặt với Tây Đức.

Hai ngày ba đêm vừa đủ cho vợ chồng ông Tôn Thất và cả cho chúng tôi, dù chỉ biết Tây Bá Linh kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Ngày mai ai cũng phải đi làm, con nít đi học. Chúng tôi chia tay nhau cũng ở Checkpoint Charlie.

Chuyến đi ngắn ngủi, nhưng gây ấn tượng dữ dội. Ra vô cái rọ Tây Bá Linh, ai cũng thấy sự vô lý của bạo lực. Chiếc cũi tuy lớn vẫn là chiếc cũi, sẽ không nhốt được ai lâu. Vấn đề là vận hội. Quả thiệt hai năm sau, khẩu hiệu “ Wir sind das Volk” đã tập trung hàng tuần hàng trăm ngàn người ở thành phố Leipzig, Đông Đức và kết cuộc như chúng ta đã biết.

Không ai nghĩ DDR sụp đổ nhanh như thế, kéo theo cả khối Đông Âu và sự tan rã của Liên Bang Sô Viết UdSSR.

Tôi bắt đầu viết câu chuyện này sau bài “Cuộc đời rất ngắn ngủi”, kể về những ngày đầu bắt tay vào việc học tiếng Đức. Bài được những người bạn khen, và thích được nghe những chuyện mạo hiễm của những người bỏ nước ra đi vào những năm 80.

Quả tình, chúng tôi nằm trong độ tuổi vừa bước vào đời đã gặp nhiều chuyện không vừa ý. Từ đó nảy sinh ý định đào thoát, và lao đầu theo đuổi con đường gay go đó, nhiều lúc tưởng chừng như có một phép lạ phù trợ, nếu không đã bỏ mạng trong những tình huống hiễm nghèo hay giữa ba đào biễn khơi hung bạo.

Một người hiểu tình huống này là ông sui của ông sui tôi : Herr H.
Đơn giản, con trai ông làm rể và con gái tôi làm dâu gia đình ông S. Chính ông H. đã cùng vợ và hai con trai trốn qua Tây Đức bằng xe, nhân một chuyến được một Đại học Y khoa ở Tây Đức mời tham dự hội thảo.
Mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi đeo lấy nhau trò chuyện. Ông H. thường cho tôi can đảm, đã ra biển Đông bằng chiếc thuyền bé nhỏ. Tôi cho rằng ông can đảm hơn, dám tự đóng dưới ghế băng sau một cái thùng cho hai thằng con trai nằm, rồi tỉnh bơ lái qua các Checkpoint vô và ra xa lộ Transit, an toàn đến lãnh thổ Tây Đức.

Ông H. dư biết cái giá phải trả nếu bị lục soát xe. Ông và bà H. sẽ bị chung thân ở nhà tù Bautzen, và con cái sẽ lớn lên trong các trại thiếu nhi, rồi cho làm con nuôi, xoá bỏ nguồn gốc gia đình H.

Đến nay hơn nửa thế kỷ trôi qua vẫn còn các chương trình tìm kiếm cha, mẹ anh,em trên các Đài Truyền hình, thất lạc từ sau Thế chiến thứ hai và thời kỳ chia hai nước Đức. Thảm cảnh đau thương này lại tiếp diễn ở Ukraina, và xem chừng sẽ tiếp diễn các nơi khác đến bất tận.

Lê quang Thông

Frankfurt, Germany