Chiếc phi cơ chao đảo, có nguy cơ rơi bất cứ lúc nào. Hành
khách nhốn nháo, sợ hãi như đang trải qua những giây phút cuối trước cái chết
được báo trước, ngoại trừ một cụ bà…
Tôi rất e sợ mỗi khi phải đi phi cơ. Một ngày kia, vì lý do nghề nghiệp tôi phải
lên chiếc máy bay cũ sức chứa chỉ có trên ba mươi ghế. Trong khi phi cơ đang lấy
cao độ bay, tôi đưa mắt nhìn bờ biển qua cửa sổ kính. Mọi chuyện diễn ra êm ru
khiến tôi nghĩ rằng đi phi cơ không kinh khủng như tôi thường e sợ…
Chiều dần xuống, vầng thái dương oai vệ lặn sau đường chân trời, tỏa ra vầng
hào quang tam sắc: đỏ, cam và hồng. Xa xa về hướng Tây Nam, hiện ra khung cảnh
ngược lại. Những khối mây màu xám xịt báo hiệu một cơn lốc hay vòi rồng có thể
đang tới gần đầy đe dọa. Thế rồi trong chớp nhoáng, ánh sáng mặt trời biến mất,
nhường chỗ cho bóng tối bao trùm đáng sợ. Tim tôi đập mạnh khi nghe giọng nói
phi công trưởng vang lên:
– Quý bà, quý ông vui lòng về ngay ghế ngồi và thắt dây an toàn. Một cơn bão
đang bất ngờ tới, chúng ta sẽ hạ độ cao ngay…
Phi cơ đâm bổ xuống. Loạng choạng, một nữ tiếp viên cố gắng bám vào vách buồng
lái để giữ thăng bằng, nhưng vô ích… Cô té xuống lối đi giữa máy bay. Nhăn nhó
vì đau, cô vội đứng lên cầm micrô thông báo:
– Phi cơ đi qua vùng gió mạnh. Nhưng không có gì nghiêm trọng. Xin quý khách an
tâm…
Lúc bấy giờ tôi nhìn một cụ bà ngồi ở hàng ghế cạnh nữ tiếp viên, tay cầm quyển
sách trước mặt, đôi mắt nhìn vào quyển sách, thản nhiên đọc. Cụ bà thể hiện sự
điềm tĩnh đáng nể. Quanh cụ mọi người thì thầm cầu nguyện, la khóc… số khác cầm
điện thoại gởi tin nhắn cho người thân. Chỉ riêng một mình bà cụ là không một mảy
may quan tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh kể cả mối đe dọa từ cơn bão.
Sững sờ trước thái độ điềm tĩnh tuyệt đối của cụ, tôi tự hỏi bà cụ đến từ hành
tinh nào mà giữ được bình thản tuyệt đỉnh thế kia?
Ðám mây đen vẫn phủ trùm thân phi cơ như một kẻ gây hấn quyết không buông tha
con mồi. Áp sát mắt vào cửa sổ tôi sợ hãi nhìn phi cơ bay cắm đầu xuống dưới. Một
giọng nói trầm tĩnh thông báo qua hệ thống loa:
– Xin quý khách bám chặt vào ghế. Phi cơ tăng tốc để vượt ra khỏi vùng lốc
xoáy!
Bây giờ thì nữ tiếp viên bước vào buồng lái và đóng cửa lại sau lưng. Bỗng dưng
phi cơ im phăng phắc trở lại. Mọi người ngồi im như tê dại. Từng giây chậm chạp
trôi qua dài như vô tận. Tôi có cảm giác như đang chứng kiến thời khắc cuối
cùng của đời mình. Sinh mạng “ngàn cân treo sợi tóc” của chúng tôi tùy thuộc
vào sự trầm tĩnh và khả năng lèo lái của phi công trưởng.
Bất chợt động cơ thét lên phá tan sự im lặng. Phi công trưởng đang cố gắng
lấy lại độ cao. Tôi vội móc túi lấy điện thoại nhắn tin vĩnh biệt cuối cùng gởi
một người bạn.
Ðầu chạm mạnh vào kính cửa sổ khiến tôi bị choáng. Một cái chạm thứ hai lôi tôi
ra khỏi tình trạng ngây dại để trở về với thực tại. Và tình cờ tôi nhìn về phía
bà cụ vẫn điềm tĩnh dán mắt vào trang sách, miệng nhai mẩu kẹo chewing gum. Giờ
thì tôi tin chắc bà cụ là người đến từ hành tinh khác!
Giọng nói phi công trưởng lại vang lên trấn an:
– Vì vài hư hỏng do tai biến gây ra, chúng ta buộc phải quay lại thành phố khởi
hành.
Người ngồi cạnh tôi nói:
– Thay vì quay lại, tại sao không cố gắng bay thẳng tới điểm đến?.
Tôi định đáp lời thì vị khách ngồi phía sau nói vọng tới:
– Giữ im lặng có được không? Bộ quý vị muốn máy bay lại rơi tự do nữa hay sao?
Trong khi bà cụ vẫn chăm chú vào trang sách mà không màng quan tâm đến chuyện
gì đang diễn ra quanh mình!
Rồi phi cơ đáp xuống đường băng mà nó đã cất cánh vài giờ trước đó. Những người
hoảng sợ được di chuyển ra khỏi máy bay trước. Một thành viên phi hành đoàn thừa
nhận:
– Chúng ta đã gặp may. Phi công trưởng bị bệnh bất ngờ, nhưng nhờ hai phi công
phụ trên ba mươi năm dày dạn kinh nghiệm nên mọi việc diễn ra êm đẹp.
Bà cụ trầm tĩnh là người rời máy bay cuối cùng và tình cờ đến ngồi cạnh tôi.
Sau vài câu hỏi han lịch sự, tôi hỏi bà cụ để giải tỏa điều thắc mắc trong
lòng:
– Thưa cụ, làm thế nào mà cụ giữ được sự điềm tĩnh tài tình như thế? Mọi người
đều khiếp sợ, trong khi cụ chỉ dán mắt vào trang sách…
Không do dự cụ đáp lời:
– Cháu gái của bà ạ. Năm nay bà đã 90 tuổi, sống có một mình, không người thân
thuộc. Tất cả bè bạn của bà đều khuất bóng. Không ai biết bà là ai, khi bà chết
không người rơi lệ dù bà trong nhà dưỡng lão hay ở nhà.
Rồi cụ nắm tay tôi nói tiếp như thổ lộ lời tâm sự:
– Nhưng nếu bà chết trong một chuyến bay thì tất cả các báo, đài cả nước đều
đưa tin!
Đào
Duy Hòa