(Trích trong tuyển tập truyện ngắn Gìn Vàng Giữ
Ngọc)
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Nguyễn Du
Tôi và Huân mến nhau nhiều và tình thân của chúng tôi bền bỉ!
Huân lấy cô em họ tôi và hơn tôi tới mười tuổi, nhưng chúng tôi không coi nhau như
anh vợ em rể mà như hai anh em ruột. Trong những năm sa sút, chỉ với Huân là
tôi có thể đàng hoàng kể cảnh nghèo của gia đình mình. Trong những ngày đen tối
nhất của sa sút - vụ đói tháng ba năm Dậu - tôi chỉ có thể điềm nhiên ngồi vào
mâm cơm với gia đình Huân mà không một chút mặc cảm và chỉ với Huân tôi mới có
thái độ rất “buông xuôi”: nhận mà không hề lo việc trả. Sở dĩ vốn tính hay thắc
mắc mà với Huân tôi dám vậy vì căn bản tình thân của chúng tôi hoàn toàn xây dựng
trên sự thành thực. Giá trị không ở vật trao hay người trao, chúng tôi chỉ thấy
cả hai chúng tôi cùng xứng đáng với nhau vì kẻ trao người nhận đều rất thành thực.
Tôi nghĩ: “Thành thực là một chuyện dễ, có được hoàn cảnh cho mình thành thực một
cách thoải mái - như trường hợp tôi với Huân - đó mới là chuyện khó.”
Ấy thế mà đã có một lần tôi không thành thật với Huân. Nhưng khoan, các bạn hãy
nghe chuyện những ngày tôi mới hồi cư gặp Huân đã.
Huân vào thành trước tôi hai năm, đúng vào dịp buôn bán dễ nên khi tôi gặp lại
Huân tại phố Chợ Hôm Hà Nội thì Huân đã có ô-tô, có nhà và vừa gửi mua từ Pháp
về cho cô “trưởng nữ” Thu Hương - con cháu lớn của tôi năm đó vừa lên mười bốn
- một chiếc piano à queue tuyệt đẹp.
Huân nói:
- May quá anh về thật đúng lúc. Tôi không sành nhạc cho lắm nên cũng chẳng hiểu
có nên chọn cho cháu học một nhạc sư người Ý ở gần chùa Quan Thánh hay không?
Tôi rất thành thực mà bảo Huân:
- Tôi chơi piano không cừ, nhưng trước đây tôi được may mắn học
một bà người Pháp rất giỏi về khoa sư phạm dạy dương cầm. Bà bỏ Hà Nội về Pháp
ngay sau cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Bây giờ cho cháu học người Ý cũng
được, nhưng giỏi lắm cũng chỉ đến hai giờ một tuần. Học đàn, bước đầu là bước tối
quan trọng phải hết sức chuyên cần mới được. Vậy không gì hơn là tôi đích thân
hàng ngày trông nom cho cháu trong mấy tháng đầu.
Huân hơi có vẻ ngần ngại nói:
- Anh từ trong quê, ngày ngày lóc cóc đạp xe vượt năm cây số ra đây để dạy cháu
thì vất vả quá.
Tôi bảo Huân, giọng nồng nàn:
- Cậu đừng ngại việc đó. Lẽ nào cậu vào thành trước tôi hai năm mà đã mất lòng
tin ở sự thành thực của nhau rồi sao?
Huân vội vã gật đầu:
- Được rồi, thế anh nhất định vào giờ nào để tôi đánh xe về chờ ở quãng đường rẽ
vào làng.
Tôi gạt đi:
- Thôi vẽ! Người có phải là máy đâu mà ngày nào cũng như ngày nào đúng giờ đó
thì có mặt ở đó. Xin cậu cứ yên chí về công việc này, mặc tôi!
Chỉ thoáng một giây suy nghĩ, rồi Huân gật đầu liền:
- Thôi được tùy anh.
Tôi vào phòng trong xét lại đàn, lên lại mấy dây sai, rồi giao hẹn Huân:
- Tôi dạy cháu bắt đầu từ sáng mai, khoảng bảy, tám giờ gì đó.
Vâng - Huân đáp - lát nữa cháu ở quê ra, tôi sẽ bảo cháu.
Vì tôi thuộc loại “Việt Minh qui thuận” nên Nha Công an Bắc Việt chỉ cấp giấy
thông hành tạm thời, hàng tháng phải tới bàn giấy phòng Tổng thư ký trình diện.
(Tuy tôi về quê, nhưng vẫn khai ở nhà Huân để lấy căn cước Hà Nội cho dễ đi lại
sau này.)
Cũng vì tôi chưa có thẻ căn cước nên việc xin bổ nhiệm giáo sư tại một trường
công không thành. Trong khi đó, sáng sáng tôi vẫn đến dạy piano đều
cháu Hương và chiều chiều đi dạy lớp riêng cho một tư gia. Số tiền kiếm ít đến
hầu như có thể coi là không có gì.
Có những buổi trưa tôi ở lại ăn cơm với Huân, có những buổi chiều tôi bị Huân
giữ lại để ăn cơm xong là đi xi-nê toàn gia, nhất là khi có phim về âm nhạc
như Passion immortelle tả đời Schumann, La Chanson du
souvenir tả đời Chopin, Casta Diva - phim cũ chiếu lại
- tả đời Bellini v.v..
Nhàn, vợ Huân, rất tinh trong việc thoáng nhận điều gì khác thường.
Ngay bữa cơm thứ hai tôi ăn với gia đình Huân, Nhàn đã nói:
- Quái anh Sơn có điều gì suy nghĩ mà lắm khi giữa bữa ăn anh bỗng thần người
ra.
Tôi chối:
- Cô chỉ nói bậy, tôi thì còn có chuyện gì nữa.
Từ đấy nhiều khi giữa bữa ăn tôi có chót thần người thì vội làm ra tỉnh táo
ngay nhưng chẳng lần nào thoát khỏi sự quan sát của cô em gái.
Huân thường gạt lời vợ:
- Em nên nhớ anh Sơn bỏ ngoài kia vào đây cũng để tránh những thái độ soi mói
vào đời tư một cách bất lịch sự, vô chính trị như vậy.
Sự thực mỗi khi ăn cơm với Huân tôi thần người như vậy vì tôi nghĩ đến một bữa
cơm ở hậu phương, gần ba năm trước, tôi đã không thành thật với vợ chồng Huân.
Cuối tháng Chạp 1945, gia đình tôi và gia đình Huân cùng tản cư một ngày nhưng
về hai ngả khác nhau: Huân đưa vợ con về quê mẹ ở Ninh Bình, tôi theo thầy mẹ
tôi lên Bố Hạ (Bắc Giang). Ở Bố Hạ tôi vào công tác ngay Sở Thông tin Khu 12,
sau sáp nhập vào Liên khu I.
Rồi thầy mẹ tôi cùng toàn thể gia đình rời đi Vĩnh Yên, chỉ còn một mình tôi ở
lại Bắc Giang để tiếp tục công tác tại chỗ cũ.
Bốn tháng sau, tôi nhận được thơ nhà báo tin gia đình một lần nữa chuyển đến
làng N.H. ngay bên kia hữu ngạn sông Đáy, gần chân dãy núi Tam Đảo. Tôi biết,
như vậy vốn liếng gia đình lại một phen hao hụt để sa sút thêm. Nhưng cũng
trong thư đó, tôi được cô em gái cho hay là gia đình Huân đã bỏ Ninh Bình
chuyển đến một làng nào đó gần một cái chợ nào đó thuộc Phúc Yên.
Tôi vừa nhẩm ôn đoạn thư vừa nghĩ thầm: “Một làng nào đó, ở gần một cái chợ nào
đó thuộc Phúc Yên. Địa chỉ tuy mơ hồ thật nhưng mình quyết tìm cho ra.”
Tôi viết thơ cho một ông cùng làng tản cư ở Phủ Lỗ và thường buôn bán hàng ngoại
hóa trên con đường Phúc Yên Sơn Tây để nhờ ông chú ý tìm giúp gia đình Huân. Ba
tháng sau tôi nhận được hồi âm của ông bảo rõ cho hay - thực may mắn - chỗ ở của
Huân: Đó là một thôn nhỏ ngay gần chợ Sặt và ở về phía tay phải con đường mòn từ
chợ đi huyện Yên Lãng. Vừa đúng dịp tôi xin thôi tại Sở những mong sẽ công tác ở
Ty Thông tin Vĩnh Yên cho được gần gia đình. Tôi có xin về thẳng thăm nhà đã, rồi
nửa tháng sau nếu thuận tiện sẽ đến nhận công tác tại cơ quan mới.
Hành trình của tôi được phân chia rất hợp lý. Từ Đa Phúc tôi sẽ đi đến Phố Nỉ
bên kia sông Câu, đường dài mười hai cây số. Từ Phố Nỉ tôi sẽ vượt qua Kẽm, Dòm
để gặp con đường nhựa nối liền Phúc Yên-Vĩnh Yên, quãng đường này cũng khoảng
mười hai cây số. Tôi sẽ theo đường nhựa mấy cây số rồi rẽ vào con đường đất lớn
đi đến chợ Sặt. Đến chợ Sặt rồi, thì thôn nhỏ gia đình
Huân ở tôi đã “cầm lỏng” trong tay. Đường đi tính ngót bốn mươi cây số; có bỡ
ngỡ lắm trong việc hỏi thăm thì cũng chỉ vừa chập tối là cùng, tôi đã nằm trên
giường của Huân đợi một mâm cơm nóng sốt, tươm tất. Sau khi đã kể cho nhau nghe
hết mọi chuyện tản cư, tôi ngồi uống rượu với Huân. Tôi biết làm gì mà Huân chẳng
mua được rượu ngang, chỉ cần một cút thôi. Tửu lượng của tôi và Huân cùng kém cả
mà, nhưng chúng tôi sẽ khề khà uống thật lâu cho thực hệt tác phong các bậc tửu
đồ ngày xưa.
Chà! Như vậy cho bõ một ngày bại cẳng vượt ngót bốn mươi cây số. Ngày hôm sau
tôi có thể hoặc đi từ sớm, hoặc ở lại ăn sáng với Huân cũng nên, rồi mới lên đường
vì quãng hành trình còn lại chỉ chừng ba mươi hay ba mươi mốt cây là cùng. Vừa
đi vừa hình dung trước cảnh hội ngộ đó mà tôi thấy hởi dạ, tưởng có thể đi hết
ngày mà không biết mỏi chân. Ấy, tinh thần tuy có phấn khởi, thêm trí tưởng
khéo thêu dệt, nhưng thực tế vẫn giữ được cái uy tín cuối cùng của thực tế. Kể
từ sau lúc mặt trời đứng bóng, tôi đã thấy hai đầu gối mỏi và hai bắp chân tưng
tức. Tôi tìm một quán nước nghỉ chân, mua kẹo vừng và dở nắm cơm nếp ra ăn
trưa. Cũng do việc toan tính trước, tôi thổi cơm nếp thật nát để nửa nắm còn lại
có thể sang trưa ngày hôm sau ăn còn dẻo.
Lúc mặt trời chếch bóng, bước đi thêm lệt bệt, đầu gối đau, bắp chân và đùi tôi
thấy nặng ngang nhau; tới lúc mặt trời xế bóng thì hai bên thái dương tôi bừng
bừng, trước mắt tôi đổ những hoa cà, hoa cải tựa hồ trong đầu có ai đốt một
pháo bông tí hon và những hoa ánh sáng tóe ra từ hai con mắt. Tôi có cảm tưởng
phần thân thể từ háng trở xuống là mình mượn của ai lắp vào. Tôi bước lảo đảo,
hình như đi được là nhờ sức gió thổi xuôi nhiều hơn là nhờ ý chí và sức lực của
chính mình. Đến năm cây số cuối cùng thì tôi phải lượm một cái gậy bên vệ đường
để chống và cứ đi được một cây số lại ngồi phệt xuống bên lề cỏ để nắn, bóp,
chà xát suốt từ đùi đến bắp chân. Mặt trời vừa khuất bóng thì tôi vào đến con
đường hẻm do người trong thôn chỉ để tới nhà Huân tản cư. Và cũng đến lúc đó,
thực tế mới tạm lùi bước nhường sức mạnh của niềm vui tinh thần một chút; tôi ưỡn
ngực nhìn thẳng, bước chững chạc.
Cảnh vợ chồng Huân cùng đàn con khi nhận ra tôi thật đúng với câu Kiều “Nỗi mừng
biết lấy chi cân” hay
- để cho vui - nếu cân được thì cũng đến nặng bằng bộ giò của tôi lúc đó là
cùng.
Tôi thở phào sung sướng quẳng ba-lô vào tay Huân, ngồi bệt xuống cái chõng tre ở
giữa sân rồi tức khắc nằm xuống - nằm ngửa mặt nhìn mấy con diều hâu đương lượn
lờ mãi trên cao vút trông chỉ còn nhỏ như mấy con dơi. Lúc bấy giờ tôi mới ôn lại
những hình ảnh vừa nhìn và xét rằng vợ chồng Huân cùng các cháu tôi đều gầy và
đen đi nhiều. Có tiếng chõng kê ngay góc gần đấy rồi tiếng Nhàn, vợ Huân :
- Anh Sơn ra nằm đây, chõng ấy để trả ông chủ.
Tôi ngồi nhổm dậy, mấy sợi tóc dài bị nan chõng kẹp đứt mất. Kể ra cũng khá đau
nhưng cái mệt lấn mất cái đau, hơn nữa tôi muốn đổi chỗ thật nhanh để tiếp tục
cho các bắp thịt nghỉ, ông chủ ở trong nhà vừa ra, tôi chỉ kịp cúi chào thật lễ
phép và nói một câu xã giao thật ngắn rồi nằm ềnh ngay sang chõng bên. Khi lưng
và đầu áp xuống rồi, xúc giác mới báo cho tôi biết là cái chõng này hẹp hơn, ngắn
hơn và nan thưa hơn cái chõng kia.
Tiếng Huân hỏi:
- Anh Sơn mệt lắm hả? Tôi chặc lưỡi:
- Gọi là thôi!
- Anh đi bao nhiêu cây số đến đây?
Nhận thấy nói thật thì không tiện và nói dối thì không nỡ, tôi vờ như không
nghe thấy. May sao Huân nói sang câu khác:
- Tôi bảo thổi cơm thêm suất anh đấy nhé. Tôi đáp gọn:
- À cố nhiên! Các cậu ăn cơm tối nhỉ, tưởng mình đến giờ này thì các cậu đã ăn
xong tám hoánh và phải đi thổi riêng cho mình niêu khác.
Rồi vui câu chuyện tôi nói tiếp:
- Nếu có gà nhà thì cứ giả vờ thịt đi cho vui.
Huân đáp ngay, nhưng giọng nghe ra hơi ngượng ngập:
- Ồ, thịt gà... Vâng, có chứ?
Nằm duỗi đã được một phút hưởng gió mát buổi chiều phe phẩy, tôi lại sức nhiều
do đấy có sự “phản tỉnh” ngay để nghĩ thầm:
- Bỏ xừ, nói vậy ngộ nhà Huân không nuôi gà, Huân phải đi lùng quanh xóm thì
mình cũng hơi khỉ.
Tôi vừa toan hỏi lại Huân xem nhà có gà thực không thì Huân đã đứng dậy đi vào
nhà. Không hiểu Huân nói gì chỉ biết sau đó con cháu lớn Thu Hương tất tưởi đi
ra ngõ. Khi Huân tới bên, tôi cũng vừa vỗ lên túi con áo sơ- mi để sực nhớ ra rằng
mình có một điếu Cotab của bạn cho mà chưa hút.
Vừa rút điếu thuốc ra khỏi túi, tiếng Huân reo vui:
- À, thuốc lá!
Tôi nhớ ngay Huân vốn nghiện nặng thuốc lá thơm nên lanh trí đáp liền:
- Gặp một đằng bạn giữa đường cho đấy, tôi vốn dửng dưng với thuốc lá nên để
dành cho cậu.
Tôi vẫn nằm ngửa trên chõng, duỗi thẳng chân cho máu chạy đều và khẽ đưa mắt để
khuôn mặt Huân lọt vào trong nhãn giới; vì lần này trông nghiêng nên khuôn mặt
Huân có những nét gầy hốc hác, mà lúc nãy có lẽ vì trông thẳng có lẽ cả vì chân
mỏi mắt hoa nữa nên tôi không nhận thấy. Châm xong điếu thuốc lá, môi Huân dẩu
ra để hít lấy khói thuốc, mấy sợi râu mép và râu cằm được dịp nổi bật lên trong
ánh chiều bâng khuâng khiến khuôn mặt Huân càng đượm một vẻ xanh xao sầu thảm.
Tôi đặt thầm nghi vấn: hay là ngày nay Huân cũng hoàn toàn khánh tận, và gia
đình Huân cũng hoàn toàn sống kiểu độ nhật như gia đình tôi hiện giờ bên bờ
sông Đáy dưới chân Tam Đảo.
Huân không biết là đương bị tôi ngắm, vừa hút thuốc lá vừa tuần tự hỏi kỹ về mọi
chi tiết tản cư của gia đình tôi. Tôi vẫn đáp lời và vẫn tiếp tục quan sát.
Cách Huân hút thuốc quả là cách hút của một người nghèo đã lâu lắm nay mới được
một điếu.
Tôi hốt hoảng ôn lại một lần nữa lời vừa nói khi nãy: “Nếu có gà nhà thì cứ giả
vờ thịt đi cho vui,” và tự thấy mình vô duyên biết mấy.
Đến lượt tôi hỏi lục vấn về cách chạy loạn của gia đình Huân. Tôi được biết hồi
còn ở Ninh Bình, vợ chồng Huân buôn bán khá. Sau vụ quân Pháp nhảy dù ở Đồng
Quan, vợ chồng Huân sợ chúng sẽ tấn công toàn thể Liên khu Tư bèn mang cả con
cái theo đường Hòa Bình, Vụ Bản - đường số 6 - rồi vượt sông Hồng sang Vĩnh
Yên. Bị bom napalm thiêu rụi hết đồ đạc, một lần nữa Huân chuyển
gia đình xuống Phúc Yên, ở đây.
Hỏi về cách sinh sống hiện tại thì Huân cho biết
Nhàn cùng đứa con gái lớn lên mười hai - Thu Hương
- vẫn sớm gánh đôi bồ hàng xén ra chợ Sặt bán, chiều gánh về.
Tôi hỏi thêm:
- Thế hàng xén của Nhàn có những thứ gì? Huân trả lời hoàn toàn ngoài đề:
- Đường đi từ chợ Sặt về đây ngắn, nên việc sớm gánh đi tối gánh về không có gì
là vất vả lắm.
Thấy tôi ngồi dậy, Huân cười hỏi - tôi biết để lảng câu chuyện:
- Anh khỏi mệt rồi chứ?
Tôi gật đầu và đáp với giọng cố làm cho trong sáng để chứng tỏ tôi không có gì
thắc mắc:
- Khỏi mệt rồi! Cậu ở đây rộng và thoáng thật đấy. Sự thực tôi ngồi nhổm dậy vì
thấy Nhàn đương vo gạo ở đằng góc bể. Cứ trông cái giá vo và cách xóc gạo tôi
cũng thấy rõ ràng nồi cơm sắp thổi không thể là nồi cơm đủ cho ba người lớn và
ba đứa trẻ. Hai đứa cháu nhỏ của tôi - một trai, một gái quãng tuổi lên năm và
lên bảy, cùng gầy gò và xanh xao như nhau - lúc đó vẫn quyện lấy bên Nhàn.
Cũng cảnh đó, một năm trước đây, đã diễn ra trong gia đình tôi, hồi chúng tôi
còn ở Bố Hạ, Bắc Giang. Tôi còn nhớ hôm đó ông bác tôi từ Bến Tuần, Lục Liễu
sang chơi. Nguyên nửa tháng trước đây, thầy tôi và tôi có tới Lục Liễu thăm người,
được người thết cơm rượu thịt gà, trịnh trọng lắm. Lần này lẽ cố nhiên thầy tôi
cũng phải ngậm cách trả nợ, mặc dầu nhà đương rất nghèo túng. Dưới chuồng còn một
con gà mái đang đẻ: phải làm thịt. Trong thúng còn hai đấu gạo định để thổi độn
ngô, nay bỏ ngô để thổi cơm trắng. Bữa rượu thết hôm đó ngồi tiếp bác, có thầy
tôi, tôi và thằng em thứ hai.
Để đáp lại câu nói của bác: “Thím Hai vào ăn một thể cho vui,” mẹ tôi cười giòn
và rất tự nhiên:
- Mời bác xơi rượu với thầy cháu, em phải trông cho mấy cháu bé ăn ở dưới này.
Kỳ thực các em bé tôi có gì mà ăn?
Khi bác tôi ra về, cơm thừa trong nồi còn chừng hai bát. Lẽ cố nhiên là thầy
tôi, tôi và thằng em thứ hai đã phải hết sức ăn cầm chừng mới được vậy. Mẹ tôi
đơm một bát cho thằng em út và bát kia cho đứa em gái thứ tư của tôi năm đó độ
lên tám. Mẹ tôi ăn cháy. Đứa em gái lên tám của tôi đỡ bát cơm rồi cúi mặt xuống
khóc lặng lẽ. Nó biết là cảnh nhà bần bách quá rồi. Mẹ tôi thấy vậy thì vỗ vai
nó rồi vừa cười vừa khóc, cả nụ cười với hai dòng nước mắt cùng chân thành như
nhau, hẳn các bạn thừa hiểu vì sao. Tôi cũng vội quay đi để kịp dấu hai giọt nước
mắt nóng hổi vừa tràn ra khỏi bờ mi.
Ngồi nói chuyện hàn huyên với Huân, tôi giữ bề ngoài bình thản nhưng bên trong
lòng tràn ứ kỷ niệm chua chát.
Lẽ nào ngày nay tôi để Nhàn và các cháu tôi tái diễn phần dưới tấn bi kịch năm
xưa?
Tôi thoáng thấy cháu Hương hai tay ấp vào ngực đi quanh tường đất thấp nhà hàng
xóm để có thể vượt tường vào thẳng trong bếp. Nhưng khi cháu Hương vừa nhảy xuống
thì tự hai bàn tay bé nhỏ của nó tuột ra cái mề gà sống có một quãng lòng ngắn
dính ở đầu. Tôi vờ ngẩng nhìn ngọn tre lắc lư trong gió chiều như thể mình
không biết gì.
Huân bảo vợ:
- Em làm thức nhắm trước rồi thổi cơm sau.
Nhàn đáp “Vâng” rồi cười - giọng cười giòn tan y như tiếng cười của mẹ tôi ngày
nào - hay nói cho đúng
- đó là tiếng cười đặc biệt của bất cứ người đàn bà Việt Nam nào trong những
nhường nhịn kín đáo. Tiếng cười tôi nghe mà xót xa, mà tự nhiên có ý nghĩ ngộ
nghĩnh: giả sử sau này có quyền hành nhất định ở mỗi công trường chính của mỗi
thành phố, tôi sẽ cho dựng tượng bán thân một người đàn bà Việt Nam để tượng
trưng cho tình mẫu tử, đức hy sinh đáng được kính mến vào bậc nhất thế giới của
dân tộc.
Vừa kịp có một ý định, tôi thấy cần phải hành động nhanh chóng, bèn đứng dậy đủng
đỉnh ra ngõ.
Huân hỏi:
- Anh đi đâu đó?
- À - tôi đáp - đi xem qua phong cảnh thôn này một chút.
Rồi tiến ra đầu thôn trên con đường dẫn tới chợ. Ánh chiều vừa tắt, vầng trăng
rằm tròn vành vạnh lên ngôi, óng ánh như tình cảm một người con gái đến tuổi vừa
biết rằng mình đẹp. Nhìn trăng tôi càng thấy vững tâm trên quãng đường trường
mà tôi sắp phải đi nốt.
Đợi mười lăm phút qua, tôi quay về làm dáng hốt hoảng bảo Huân:
- Hỏng rồi cậu Huân ạ! Như lúc nãy tôi nói là sau nửa tháng nghỉ phép để sống với
gia đình, rất có thể tôi sẽ trở lại làm việc trong Ty Thông tin Vĩnh Yên. Tôi vừa
gặp ông Trưởng ty ngoài chợ, ông ta nhất định kéo mình đi dự hội nghị thông tin
Liên ty Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên- Phúc Yên) ngay bây giờ.
Huân giẫy nẩy người, chỉ mâm thức ăn úp lồng bàn trên chõng:
- Sao, ngay bây giờ là thế nào?!
Nhàn nghe rõ câu chuyện cũng nhô ra khỏi bếp, tay cầm đôi đũa xào nấu, rồi nói:
- Ăn cơm đã anh ạ, em đương làm món cánh gà xào chua ngọt mà anh thích.
Tôi tiếp tục buộc lại ba-lô và đáp:
- Thôi được chẳng lần này thì lần khác, cô nên nhớ từ nay tôi công tác ngay tỉnh
bên chứ có đâu xa xôi như trước.
Huân mở lồng bàn cho tôi thấy đĩa miến xào mề gà còn bốc khói và đĩa thịt gà luộc
tuy không được đầy đặn nhưng cũng khá tươm tất, rồi bảo tôi:
- Đã thế anh hãy ngồi đây, chúng ta nâng chén luôn, cơm mang lên sau là vừa.
Tiếng Nhàn họa theo lập tức :
- Phải đấy!
Óc tôi thoáng nhớ lại một kỷ niệm ăn giỗ năm đói
- sẽ kể rõ chi tiết sau đây - và cương quyết khoác ba-lô lên vai:
- Ô hay - (Tôi vừa cười vừa nói, lạ thế cũng trong và giòn như tiếng cười của mẹ
tôi năm xưa, và tiếng cười của Nhàn khi nãy) - các cậu làm như thể tôi là khách
không bằng.
Vừa lúc đó thằng bé cháu út ngã và khóc. Dịp may hiếm có, tôi bảo Huân:
- Kìa cậu ra dỗ cháu ngay đi. Thôi tôi đi, cậu đừng phải tiễn.
Nhàn nhô ra khỏi bếp:
- Khổ, sao anh vội thế ? Đâu phải là khách, nhưng anh em đã lâu quá mới gặp
nhau.
Tôi giơ tay chào đùa kiểu quân sự:
- Ối chà, chuyến này còn nhiều dịp gặp nhau lo gì. A-lê! Me xừ
Huân ra dỗ cháu đi kìa. Thôi nhé chào cả nhà.
Vợ chồng Huân buồn thiu không chào lại được tôi, trong khi hai con cháu lớn
lanh lảnh:
- Lạy bác ạ... Lạy bác ạ...
Tôi mỉm cười nhìn chúng một lần nữa, đứa nào cũng gầy và đen. Chúng vẫn còn giữ
được lối chào kiểu cách Hà Nội hồi chưa tác chiến.
Tôi vội vã ra khỏi xóm, sợ Huân theo tiễn. Ra tôi đầu làng, nhìn bóng mình in
dưới chân, tôi mới biết chiều đã thật hết, trăng bắt đầu tỏ.
Mùi hoa ngâu ngỡ ngàng từ trong xóm tỏa ra thơm nhẹ như hồn tôi.
Ngẩng nhìn trăng tôi nghĩ thầm:
- Quãng đường còn lại chẳng còn gì là khó, chỉ việc theo sông máng con đến huyện
Yên Lạc; đi một quãng đường nhựa rồi theo sông máng lớn ngược lên; tới chợ Phú
Vinh thì rẽ xuống tay trái theo đường đá qua chợ Me, qua một con đê, qua một
cánh đồng, sang sông Đáy, thế là đến nhà; khi trăng rằm đi hết đường từ Đông
sang Tây trên vòm cao, chắc ở dưới này tôi cũng vừa đi hết quãng đường từ Nam
lên Bắc. Phải, tôi sẽ đi suốt đêm nay để gặp gia đình bên bờ sông Đáy vào buổi
hoàng hôn ngày mai. Tôi biết sức lực tôi vừa hồi lại đôi chút sẽ tan rã ngay
như đoàn quân khởi nghĩa non ngày, nhưng tôi đã có bí quyết khả dĩ đánh lừa nổi
một phần nào cái mệt: tôi sẽ ôn lại những chuyện cảm động trong đời, rồi tôi
suy nghĩ để tự an ủi hay tự khuyến khích. Trong khi tâm trí chìm trong suy tư,
hai cặp giò tôi cứ nhịp nhàng cử động đều như máy. Tôi ôn chuyện anh người làm
tên là Trung đến ăn giỗ ông tôi, năm đói 1945.
Gia đình tôi bắt đầu sa sút từ năm 1942. Sang 1943, mẹ tôi phải thải hết các đầy
tớ trai gái lớn chỉ giữ lại một con bé lên mười để sai bảo vặt. Giữa năm 1945,
tôi phải bán nốt chiếc piano, người bạn và niềm an ủi cuối cùng, để
mẹ tôi có tiền cấy vụ chiêm ở trong quê. Giỗ ông tôi vào hạ tuần tháng hai âm lịch.
Đúng ngày giỗ thì Trung từ trong quê anh, làng So (Sơn Tây), ra tới làng tôi.
Đường đi qua các cánh đồng, dài chừng hai mươi cây số. Chính tôi phải chú mục đến
một phút sau mới nhận ra Trung. Mấy năm trước đây anh to lớn, vạm vỡ bao nhiêu
mà lúc đó mặt anh hốc hác, tiều tụy, râu ria mọc xồm xoàm, trên má, trên mép,
trên cằm tang thương như cỏ dại mọc trên đất hoang; mắt thao láo nhưng thất thần,
cổ ngẩng, quần áo đã vá mền vá đụp, còn rách mướp không chỗ nào được kín hoàn
toàn kể cả khoảng che hạ bộ. Anh quả là hiện thân của đói và rách.
Trung nói với thày mẹ tôi:
- Thưa cậu mợ, con nhớ hôm nay là ngày kỵ, con là tôi tớ cũ trong nhà nên ra để
hầu hạ.
Mẹ tôi gật đầu cám ơn và nói cho Trung hay là năm nay làm giỗ chỉ cơm canh
xoàng chẳng có gì mà hầu hạ, nhưng anh đã từ trong quê ra thì cũng cứ ở đây cho
hết ngày.
Trung đã ở hết ngày hôm đó và cả ngày hôm sau nữa. Bữa chiều gia đình tôi ăn
cháo. Mẹ tôi và tôi cùng thoáng thấy Trung múc cháo húp vụng rất lâu ở dưới bếp,
nhưng không nỡ mắng. Bữa cháo đó các em tôi bị thiếu.
Tôi biết mẹ tôi vốn hiền đức hiếm có, hẳn người cũng đã suy nghĩ khổ tâm lắm
khi sớm hôm sau người nói với Trung:
- Anh nhớ ngày giỗ ông ra giúp cậu mợ thực đáng quý lắm, nhưng anh thấy đấy,
gia đình cậu mợ độ này cũng chẳng còn gì. Bây giờ anh hãy tạm về độ giữa tháng
tư anh lại ra đây giúp mợ gặt lúa chiêm, lúc đó hẳn mợ con mình được bưng bát
cơm đầy.
Chắc Trung cũng thừa hiểu nỗi khổ tâm của mẹ tôi nên anh chỉ “Vâng” được một tiếng
rồi cúi mặt xuống mắt rơm rớm. Một lúc sau, mắt còn đỏ hoe anh lên nhà chào thầy
mẹ tôi rồi quay ra ngõ bước hơi hấp tấp càng làm những mụn vá sổ chỉ thêm tơi tả.
Ra tới ngõ anh mới dừng lại chụp cái nón rách lên đầu, ngơ ngác nhìn về hai
phía. Sau cùng anh rẽ sang phía không phải là phía đưa về làng anh.
Tôi đưa mắt thấy mẹ tôi ngồi thần trên ghế ngựa. Tôi biết người vẫn hằng nhịn
và vui lòng tiếp tục nhịn cho bất cứ ai, nhưng thấy đàn con đói, người không nỡ.
Một lát sau người thở dài nói:
- Tội nghiệp cho nó! Gia đình nhà ta sở dĩ sa sút mà không hề bị anh em bà con
làng nước dè bỉu chỉ vì khi có dư bát ăn, mẹ chỉ biết cứu giúp mà không biết
khinh ai. Ngày nay lúc giời làm đói khó phải đuổi nó đi thực vạn bất đắc dĩ.
Một tháng sau tôi được mẹ tôi cho hay tin Trung đã chết, anh chết đói, gục mặt
xuống vệ cỏ trên quãng đường Bương, Cấn. Chỗ này còn cách quê anh chừng hơn chục
cây số nữa. Chắc là biết mình sắp chết anh tìm đường quay về quê mà không kịp.
Cái chết của Trung đã làm tôi ân hận và suy nghĩ trong mấy tháng liền. Tôi nghĩ
rằng giá Trung đừng đến ăn giỗ ông tôi; hay có đến nhưng về ngay sớm hôm sau. Rồi
tôi lẩn thẩn nghĩ giá mẹ tôi đừng bảo anh đi, cứ mặc anh ở lại đến ngày nào thì
ở. Hẳn khi thấy gia đình tôi cũng phải ăn cháo, anh chẳng dám ở lâu nào. Tào
Tháo nói: “Thà ta phụ người con hơn để người phụ ta,” lời nói bỉ ổi của gian
hùng, của vị kỷ. Tôi muốn mình thực hiện được tiếng nói của vị tha, bác ái:
“Thà chịu để người phụ ta còn hơn ta đành tâm phụ người,” và cái khôn ngoan thật
là khôn ngoan, theo ý tôi, chỉ là cách mà người ta giáo dục trực tiếp hoặc gián
tiếp cho người khác biết tự giác tự trọng tránh không hại ai.
Tin Trung chết đè trĩu tâm hồn tôi như vậy, nhiều lúc tôi tưởng như gia đình
tôi có chịu một phần trách nhiệm về cái chết đó.
Kiểm soát lại ký ức, tôi thấy rằng những câu chuyện sầu thảm tương tự, tôi đã gặp
rất nhiều trong đời. Đành cho rằng: “Đó cũng là tại số” chứ còn biết nói sao?
Trăng đã lên cao và sáng lắm nhưng tôi cảm thấy mệt lả và ánh nước của sông
máng loang loáng hoa lên như làm run rẩy cả cảnh vật xung quanh. Thì ra tôi
đói. Không sao, tôi còn một nửa nắm cơm nếp. Chọn khoảng cỏ sạch bên bờ sông
tôi ngồi xuống, giở ba-lô ra.
Tôi vừa ăn vừa tiếp tục nghĩ. (Vừa đi vừa nghĩ để quên mỏi; vừa ăn vừa nghĩ để
quên hương vị nhạt nhẽo của nửa nắm xôi xoàng.)
Chuyện cái chết của Trung với việc tôi khoác ba-lô vội vã rời khỏi gia đình
nghèo của Huân, một người em, một người bạn, thoạt xét tưởng không có gì, thực
ra liên lạc rất tế nhị. Tôi ra đi để tránh cho gia đình Huân một điểm ân hận có
thể có - nhỏ hơn và khác hơn điểm ân hận của gia đình tôi đối với Trung - nhưng
dầu sao thì cũng là ân hận. Hãy thử tưởng tượng cảnh trong nồi cơm chỉ còn hai
lưng bát mà Nhàn sẽ chia cho hai con nhỏ...
Nghệ thuật sống với nhau - nếu quả sống với nhau là một nghệ thuật - chính là ở
những điểm đó.
Hãy gìn giữ cho nhau khỏi sa ngã!
Dại gì mà dồn nhau vào thế cùng để rồi cất lời phê bình bi quan: tình người vụ
lợi?
Hãy giúp nhau thổi thêm ánh sáng vào những lúc hồn chợt lóe bình minh để cùng
chia vui giây phút thiên thần. Như thế mới là thái độ trân trọng, thái độ gìn
vàng giữ ngọc cho nhau, vàng ngọc của tâm hồn!
Khi ăn xong đứng dậy tôi nhận thấy rằng trăng đêm đó sáng thực, chiếu vằng vặc
trên những ngọn tre lả gió.
Sáng trăng suông sáng cả đêm rằm
Nửa đêm về sáng trăng nằm ngọn tre.
Về sau này ôn lại ánh trăng đêm ấy tôi hơi lấy làm lạ lùng về một chuyện.
Nguyên khi còn ở Sở Thông tin tôi có một đam mê mãnh liệt. Tôi yêu một nữ cán bộ
người Bắc Ninh và là cựu huấn luyện viên thể dục, có một thân hình nở nang, cân
đối tuyệt mỹ, tôi thường gọi đùa nàng là “Vệ nữ thần”. Ngay tháng trước cũng
vào ngày rằm có trăng sáng lả lơi trên ngọn tre, tôi đã nửa đùa nửa thật ôm
nàng trên đồi sim và đọc câu ca dao:
Nửa đêm về sáng trăng nằm ngọn tre, Em có yêu anh cho trọn một bề...
Thực là kỳ dị khi tôi ngồi ăn cơm nếp trên bờ sông máng, rồi khi đứng dậy đi,
tiếp tục ngắm trăng rằm trước mát với ngọn tre lả gió mà người đẹp “Vệ nữ thần”
tháng trước hoàn toàn chìm trong quên lãng. Tôi chỉ thấy trăng rất sáng và rất
lạnh. Sáng có lẽ vì tôi nghĩ rằng các cháu tôi đã bất ngờ mà được hưởng một bữa
cơm tương đối thịnh soạn có thịt gà luộc, cánh gà sốt chua ngọt, lòng gà sào với
miến... Lạnh, có lẽ vì nghĩ đến cái chết của Trung và biết bao kỷ niệm buồn rầu
khác của chính đời tôi. Rồi hồn tôi như bàng bạc hòa vào sương khuya, và trong
cùng thẳm cõi lòng tôi cảm thấy một nỗi niềm man mác tê tái như một người đàn
bà nghèo gánh gạo về trên quãng đường xa heo hút chợt nhiên thấy thương chồng
thương con, thương mình.
Lẽ cố nhiên là đêm đó tôi đi vất vả lắm, nhất là kể từ khoảng nửa đêm về sáng
trở đi, lắm khi đầu choáng váng, mắt hoa, chân lảo đảo muốn quỵ hẳn xuống. Mệt
đã đành, còn buồn ngủ và đói nữa, cũng may phần lớn đường đi ngay trên bờ sông
máng nên mỗi khi mệt quá hay nôn nao quá tôi lại lội ùa xuống sông, vốc nước
lên mặt cho tỉnh. Tinh sương vừa rạng thì tôi đến bờ sông Đáy. Ngồi trên con đò
ngang, tôi lẳng lặng nhìn dòng sông Đáy lấp loáng gợn từng đợt lớn theo nhịp
mái chèo. Khi đò sang tới bờ bên kia thì cả mặt sông Đáy đã chan hòa ánh hồng của
buổi bình minh cuối hạ. Vừng đông vừa ló, tôi tìm thấy gia đình. Cả nhà reo
vui.
Thầy tôi hỏi:
- Con đi suốt đêm sao? Tôi đáp:
- Dạ vâng, con đi suốt đêm để tránh máy bay. Em gái lớn tôi cười, nói đùa:
- Râu ria ông anh mọc trông có gớm không? Mẹ tôi cười thương hại:
- Trông như ngáo ộp! Thằng em thứ hai tôi:
- Số huynh trưởng đỏ. Hôm nay mẹ có nấu cháo đậu đen buổi sáng, vừa múc lên
xong kia.
Mẹ tôi hỏi:
- Con có mệt lắm không? Tôi đáp :
- Mệt thì con cũng phải ăn cháo đã.
Húp liền mấy bát xong, tôi trải chiếu vào một góc nhà lăn quay ra ngủ; mùi mồ
hôi, mùi quần áo ẩm xông lên sức nực, nhưng tôi cho đó khác gì mùi hăng hăng
tràn trề sức sống của một khu rừng nhiều lá mục!
...
Đó là câu chuyện tôi đã không thành thực với Huân về một bữa ăn.
Hai tháng sau, tôi được tin Huân đưa gia đình qua sông Đuống về thành. Chú tôi
- ông nhạc Huân - làm tiệc linh đình đón con rể, con gái và các cháu ngoại. Vợ
Huân bán hết ruộng ở nhà quê để hùn vốn với một người bạn mở hãng xuất nhập cảng.
Công việc buôn bán phát đạt, một năm sau vợ chồng Huân thành lập hãng xuất nhập
cảng riêng của mình. Khi tôi theo gia đình về, vừa hai năm qua, Huân đã tậu
nhà, sắm ô-tô, vừa mua piano à queue cho con gái. Cách Huân đặc
biệt săn sóc bắt tôi ăn uống, đi xi-nê, đi xem hát... khiến tôi ngờ ngợ là Huân
đã đoán biết sự thực hôm tôi khoác ba lô ra đi vội vã.
Một hôm tôi bảo Huân:
- Hôm nay tôi thết cậu một chầu miến gà chợ Đồng
Xuân.
Huân gật đầu vui vẻ:
- Được lắm.
Rồi đánh xe đưa tôi đi liền.
Vào chợ Đồng Xuân, đến ngồi hàng miến, mỗi đứa chúng tôi gọi một tô lớn. Thấy
Huân ăn xong trước, e “hắn” trả tiền, tôi bảo :
- Cậu Huân lấy một điếu Cotab châm lửa trước cho mình.
Huân điềm nhiên đáp:
- Anh lại dùng “hoãn binh chi kế” với tôi phỏng? Rồi Huân điềm nhiên mở ví trả
tiền. Tôi chỉ còn biết lắc đầu mà không phản đối. Chuyện tuy nhỏ nhưng thái độ
tế nhị của Huân làm tôi cảm động thấm thía. Tôi ở lại Hà Nội với Huân cả ngày
hôm đó để tính toán sổ sách giúp.
Sau bữa cơm tối, Huân ngâm một câu Kiều:
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.
Cháu Thu Hương hỏi tôi:
- Thưa bác “bằng tiện” nghĩa là gì? Tôi đáp:
- “Bằng” là một giống chim rất lớn ở ngoài biển cả. Thằng bé thứ ba hỏi :
- Lớn ra sao hở bác?
- Lớn lắm, cháu ạ, lớn đến nỗi khi bay người ta tưởng là một đám mây lướt tới,
lớn đến nỗi nó thường phải chờ một cơn lốc biển thổi tới để nương vào đấy mà vỗ
cánh vút lên chín từng mây rồi bay luôn chín vạn dặm.
Tôi đưa mắt nhìn Huân giây lâu rồi mỉm cười. Tiếng Nhàn:
- Kìa, anh ấy vừa thần người rồi lại mỉm cười. Tôi gật đầu đáp:
- Tôi mỉm cười và nghĩ rằng tình cảm của con người muốn lên cao như cánh chim bằng
cũng cần cơn gió lốc làm đà, tôi nguyện sẽ là cơn gió đó cho các cậu.
Sợ còn ngồi đó lại thần người ra, tôi bèn bảo cháu Thu Hương:
- Thôi cháu gái theo bác vào tập đàn đi, sáng nay chưa học.
Rồi trong khi bắt nó tập lại các gammes và ar
pègre tôi để mặc cho trí tượng ôn lại cảnh mâm cơm chiều nào, cảnh đi
dưới đêm trăng bên bờ sông máng, cảnh mặt sông Đáy lấp loáng hồng ánh bình
minh, cảnh tôi húp cháo rồi ngủ trong mùi mồ hôi và quần áo ẩm...
Có tiếng đàn chói tai, tôi thấy con cháu thè lưỡi, so vai. Biết là nó đánh
hỏng, tôi nói chặn:
- Sai rồi?
Nó quay lại nhìn tôi cười:
- Mọi bận cháu đánh sai bác mắng cháu ngay!
Doãn
Quốc Sỹ