Sau bốn mươi lăm năm xa xứ, ông trở về thăm làng lần đầu.
Nghe nói là Việt kiều Mỹ rất giàu và đang có ý định làm từ thiện lớn nên người
ta rất quan tâm và chào đón thái quá, khiến ông thấy bất tiện.
Ngay trong buổi tiếp đầu tiên do trưởng thôn tổ chức, có cả bí thư chi bộ và đại
diện thanh niên, phụ nữ, ông bí thư đảng nói không úp mở:
“Trước làng ta có cái chùa, chắc bác còn nhớ chứ? Chiến tranh phá mất rồi. Mà đền
chùa là cái mặt văn hóa của làng. Giờ có điều kiện xây lại thì tốt quá.”
Ông còn nhớ không ư?
Vì nó mà ông phải xa làng chừng ấy năm. Số là thời ấy, tức giữa những năm sáu
mươi, ông là bí thư xã đoàn. Một hôm, người ta đi họp trên huyện về, giao cho
thanh niên phá chùa.
“Làng đã lên hợp tác xã, ruộng đất và tư liệu sản xuất trở
thành của chung. Nay đến lượt xây dựng văn hóa mới. Nhà nước vô sản thì làng phải
là làng vô thần. Không thể để cái chùa mê tín dị đoan ấy đứng mãi thế được”.
“Nhưng đó là chỗ lễ bái, tín ngưỡng của dân làng?” ông rụt
rè lên tiếng.
“Vả lại, có để cũng chẳng hại gì”.
“Không
được. Đồng chí nói thế là chưa quán triệt tinh thần của trên. Người cộng sản vô
thần, nên không thờ bất kỳ ai ngoài các lãnh tụ của mình!”
Một tuần sau ông lên đường vào Nam, dù không thuộc diện nhập ngũ vì là cán bộ cốt
cán và là con một trong gia đình. Trước đó mấy ngày người ta bắt đầu đập phá
Chùa Mít, có cả lễ ra quân và cờ trống rầm rộ ...
Ở mặt trận Tây Nam năm 1972 ông bị quân Sài Gòn bắt nhưng trốn được qua
Cămpuchia, rồi Thái Lan và năm 76 thì được sang Mỹ định cư. Trước khi có thư từ
Mỹ về, mọi người trong làng nghĩ ông đã chết, nhưng do không xác định được cụ
thể, người ta không coi ông là liệt sĩ, có thể là một tên đào ngũ phản bội. Còn
nay đổi mới, trong con mắt của mọi người, ông là Việt Kiều yêu nước.
Bố mẹ chết từ lâu, bà con thân thích hầu như chẳng còn ai nên ông ở trong cái
nhà nghỉ mới xây của xã bên, rất gần làng. Ở đấy cậu nhân viên nháy mắt bảo ông
có cần gì nữa không. Mấy ngày sau ông còn nghe nói làng có dịch vụ tươi mát, đến
mùa gặt mới phải thanh toán. Bằng thóc.
Làng ông bây giờ quả nhiều cái mới. No đủ hơn. Nhiều nhà ngói, thậm chí có vài
nhà hai ba tầng, bắt chước kiểu biệt thự Pháp nhưng quét vôi màu lòe loẹt. Đường
làng và các ngõ ngách đều đổ xi măng. Đình làng xưa cổ kính giờ được thay bằng
Nhà Văn Hóa mái lợp fibrô xi măng. Trên nền ngôi chùa cũ đầu làng cỏ mọc um
tùm, lổn nhổn những phiến đá lớn người ta không bê đi được. Có cả một khối đá
tròn, phần sót lại của bức tượng Phật, nay làm nơi ngồi tình tự của đám thanh
niên mới lớn. Dân làng bây giờ cũng khác lắm. Khác cả cách ăn mặc, đi đứng và
nói năng. Có vẻ hiện đại hơn, tốt hơn, thế mà ông vẫn thấy trơ trơ thế nào, cứ
như thiếu cái gì đó.
Ở thêm mấy ngày nữa, ông hiểu cái đó là gì. Khuôn mặt của làng. Thì ngay từ đầu
người ta chẳng bảo ông: “Đền chùa là cái mặt văn hóa của làng” đó sao? Chính
xác hơn là thiếu hồn. Các tấm áp phích to và những câu khẩu hiệu chính trị viết
cũng như nói không lấp nổi sự trống vắng tâm linh mà bây giờ đã không còn chỗ
thể hiện. Trước kia ngày rằm và đầu tháng người ta vào chùa thắp hương, sắm lễ.
Giờ chỗ lui tới là quán rượu của mụ Bốn, người kiêm cả nghề ghi số đề cho mấy đại
gia ngoài phố huyện.
Ông đi một vòng quanh làng với tâm trạng buồn buồn khó tả, rồi mỏi chân, ngồi
xuống tảng đá, phần thân còn lại của Đức Phật trên nền ngôi chùa.
Mặt trời sắp lặn. Một chiếc xe Công Nông đang lại gần, kêu tành tạch từng tràng
như tiếng súng đại liên. Kế đến là chiếc xe tải loại lớn chạy về phía xã trên.
Mấy bà đi làm về, chiếc gánh tòng teng trên vai. Trai làng phóng xe máy vù vù.
Vậy là cái chủ trương xây làng vô sản đã không thành. Nhưng làng vô thần thì
thành. Không chỉ không thờ Phật, giờ người ta cũng chẳng thờ các lãnh tụ cộng sản,
không cần biết ai, sợ ai ngoài cái dạ dày của mình. Thêm một cái “vô” nữa là vô
danh. Trước xã ông có bảy làng với bảy cái tên dung dị dễ thương từ xa xưa, sau
khi thành lập hợp tác xã, chúng được thay bằng các con số đội sản xuất từ một đến
bảy. Làng ông được gọi là Đội Bảy. Hợp tác xã giải tán cả chục năm nay mà cái
tên khô khốc, vô hồn ấy vẫn không thay đổi.
Ông ngồi lặng người hồi lâu giữa nền ngôi chùa Đội Bảy. Bây giờ người ta xin
ông tiền dựng lại nó, tức là để phục lại phần nào thần linh và “mê tín dị
đoan”, cái người ta một thời dứt khoát phá bỏ và đẩy ông ra nơi súng đạn. Nhưng
liệu có chùa rồi, cái hồn thật của làng có trở lại không, khi tư tưởng vô thần
và những người nghĩ ra chúng vẫn còn?
Trời tối lúc nào không biết. Có ai đó đang lại gần. Ông giáo Hoàn. Ông đang dắt
con nghé con từ Đồng Chùa về. Ông giáo trạc tuổi ông, về hưu đã lâu và trước
cùng học trường làng. Hôm mới về hai người đã gặp nhau và nói chuyện một lúc.
Ông này thời cải cách ruộng đất có bố bị treo cổ oan.
“Vẫn chưa quyết định nên giúp làng xây lại chùa không à?” ông giáo hỏi như đoán
được ý nghĩ ông.
“Theo ông thì thế nào?”
“Thì kệ nó. Ai phá, người ấy phải xây lại”.
“Nhưng họ biết lấy đâu ra tiền?”
“Đó là việc của họ. Rồi có ngày người ta sẽ bắt họ chịu trách nhiệm về chuyện
này. Không người thì thần linh, mà cũng chẳng lâu nữa đâu. Một lũ ngu dốt và độc
ác!”
Ông giáo về hưu nói một cách giận dữ. Rồi ông hạ giọng nói thêm:
“Nếu bác định giúp làng thì làm ơn sửa lại cái trường cấp một. Bảy tám chục đứa
trẻ bị nhét vào môt phòng tranh tre và dột nát như bác thấy. Chứ không thì cái
làng này chẳng mấy chốc mà thành vô học.”
Hai hôm sau ông lên đường về Mỹ, để lại phía sau ngôi làng của ông - vô danh,
vô thần và gần như vô học. Có thể cả vô đạo đức và văn hóa nữa, dẫu hai đầu
làng có hai tấm biến rất to “Làng văn hóa mới”, và nhà nào trong làng cũng có tờ
giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa”.
“Thì ra cái ‘văn hóa mới’ là tập hợp tất cả các cái ‘vô’ ấy lại mà thành”!
Ông nghĩ và khẽ rùng mình.
Thái Bá Tân