28 October 2023

MÙA ĐÃ ĐI QUA - Bảo Thương

    Chú đánh điện về, anh đi đón em, chỉ vẻn vẹn thế, bố khắc biết ra ga Hàng Cỏ đợi. Trước khi đi bà dặn, em nó về, ta vui nhiều hơn, có những đau thương nhưng mẹ chỉ có hai con.

    Mẹ chỉ có hai con, bà nhắc đi nhắc lại câu đó nhiều lần trong bữa ăn, trước khi đi ngủ, trước khi mang quần áo vào nhà tắm, khi thấy bố lúi húi bên chiếc giường đóng cho chú, bà nán lại thêm bên ngoài nhà tắm một chút, như hàm ơn bố đã biết nghĩ cho em, và bà lại bảo, mẹ chỉ có hai đứa, gắng mà thương nhau, tang thương chưa đủ sao.

    “Vâng”, bố nói nhẹ lắm, tiếng nói lẫn với tiếng đục, tiếng bào. Và chiếc giường đó bà đặt lưng đầu tiên, khoan khoái, tựa như bao ngày bố làm cho bà vậy. Chú chuẩn bị về. Chú đi chừng hai mươi lăm năm, từ ngày rời gia đình theo người bác vào Nam. Âu cũng là cái phúc nhà mình, loạn lạc thế mà không mất người.

    Bà chỉ nhấn đi nhấn lại niềm vui không mất người, như muốn bảo, thế là vui rồi, con gắng vui lên. Bố có cần gắng vui không, tôi không biết, tôi thấy bố xoay vần ra đóng giường. Bố hì hụi xin gỗ thừa ở những nhà thuộc khu tập thể cũ đóng đóng lắp lắp thành chiếc giường. Gọi giường mới nhưng là gỗ cũ. Tôi thấy bà nhắm mắt mà hai mắt vẫn như đang cười híp lại, miệng nhoẻn ra hai bên, nghe chừng rất mãn nguyện. Và bà vui nhất khi chú về.

    Bố đi đón chú vào một chiều đông, bằng chiếc xe đạp cũ, tài sản duy nhất đáng tiền nên bố giữ gìn cẩn thận lắm. Khi tàu vào ga, bố nhận ra chú ngay, cũng nhờ tấm ảnh gửi về kèm bức thư, với lời lẽ rất chân thành. Em giờ như thế này, em chụp ảnh gửi anh trước, sợ anh em mình không nhận ra nhau; thêm lời rào đón trước sau của một đứa em xa quê, xa gia đình, đến như gần đứt tình máu thịt: em về làm khó thêm anh chị, nhưng em sẽ cố gắng.

    Hôm chú về, bố đóng thùng bộ cánh đẹp nhất, chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần ka ki nâu, đôi dép râu, đúng dáng cán bộ nhà nước những năm đầu giải phóng, bố phóng vút ra ga đón chú. Hai anh em thấy nhau mừng mừng, tủi tủi ngỡ ngàng. Sau giây phút bối rối và xúc động, chú ngồi sau xe bố về. Chú mặc áo màu sẫm, chiếc quần tối màu, tóc chưa kịp cắt còn loài thoài, bố hỏi. Sao không cắt tóc?  Em bận quá cũng quên. Sao lại quần áo này, không có cái nào trắng trắng hơn à? Trong đó người ta toàn mặc như này, em tưởng quê mình cũng thế. Ở trại có mệt không? Nhọc lắm anh ạ, có lúc em tưởng mình không chịu được. Thế à, bằng làm sao với con đường hành quân...

    Bố nói chưa hết câu, chiếc xe vướng vào ụ đá lổn nhổn bên đường nghiêng ngả, chực ngã. Chân bố chống mạnh làm trầy gót, chân chú mài xuống mặt bê tông làm bật máu. Ngọn gió bấc thổi dọc con phố dài, chạy dọc ra ngoài đồng vắng rồi xuyên đám lá me thưa bay thốc vào chỗ chú, tà áo mỏng màu nâu pha đen chẳng đủ ấm hay sao mà chú rùng mình mạnh một cái, quả đầu bù xù chưa kịp cắt cũng không ngăn được cái lạnh thổi dài hun hút, thổi vào câu chuyện của hai anh em về tóc tai, quần áo, con đường Trường Sơn và trại cải tạo, thổi dọc con sông vắng trên đường về nhà.

    Bà  thấy chú về ra ôm chặt, bà không kịp nhìn màu áo, mái tóc, với bà chỉ là chú, như thể cơ thể này ngày bé mẹ đã rửa đít cho, chiếc mũi này ngày bé mẹ đã ngậm và hút đi bao đờm rãi, bà khóc khi ôm chú, chú khóc khi ôm bà, chú chỉ nói, con xin lỗi mẹ.

    Chú về, nếp sinh hoạt trong nhà khác hẳn. Những ngày đầu, chú chỉ nằm trong phòng đọc mấy cuốn sách mang về từ trong Nam. Chú đọc đi đọc lại đến rách hết gáy, đến sờn hết mép, và những tờ giấy rơi ra lả tả, chú mang quấn lại, đóng cho nó một cái gáy, bố hỏi sách gì, chú bảo, mấy cuốn của Albert Camus mà.  Bố bảo, sách này ngoài Bắc cấm một thời, em không biết sao, chú bảo, nhưng bọn em trong đó thích lắm, bố bảo, thì thích nên mới phải cấm, thì cấm nên mới có ngày này. Chú im lặng hồi lâu không nói. Mấy hôm sau, không thấy cuốn đó đâu, thằng Tí ngây ngô hỏi bằng giọng nũng nịu, chú ơi, sách của chú đâu rồi, chú xoa đầu nó, chú cất rồi, khi nào cháu lớn, chú đọc cho nghe, nó cười ngô nghê, vâng.

    Không còn sách, chú kiếm những tờ báo giấy hàng ngày, nhưng chỉ chăm chăm vào  trang truyện, thơ và hình ảnh, có lần ngang qua chỗ chú ngồi, bố hỏi, tình hình Đảng ta đợt này ra sao? Em cũng không biết anh ạ. Tôi tưởng chú hôm nào cũng đọc báo? Nhưng em chỉ xem hình ảnh, đọc vài thứ linh tinh trong đó. Chú nói có phần ngượng ngập. Bố bảo, cái cần quan tâm nhất thì chú chẳng quan tâm. “Vâng”, chú vâng còn nhẹ hơn lần trước, bố nói xong rồi đến cơ quan. Và từ đó, chú cũng ít đụng đến tờ báo Đảng, chú lướt qua nó như không.

    Mẹ thấy trong nhà có người ăn mà thiếu người làm, mẹ mang về bao nhiêu là giấy làm hoa giả, bắt cả nhà vào cuộc, và chú là người hào hứng nhất. Chú làm hăng say quên mệt. Chú nghĩ ra đủ kiểu kết hợp màu sắc, đủ kiểu hoa, từ hồng đến hướng dương, cẩm chướng, đến thược dược, loại nào chú làm cũng hết sức tinh tế và bắt mắt, nên hàng hoa nhà tôi bán chạy nhất. Tết năm đó mẹ con tôi rủng rỉnh tiền tiêu. Mẹ nghe chừng thích lắm, khen chú mãi, nhà không có chú thì tết năm nay chết đói. Mẹ khen nhiều đến nỗi bố phát cáu, bảo, bà nghĩ gì kỳ, cán bộ cách mạng cốt cán mà lại để nhà chết đói sao, từ trước đến nay, mấy ai sống được bằng thứ ngụy tạo, cái bền vững thì không nghĩ đến.

    Không hiểu từ ngụy tạo bố dùng với nghĩa gì, hay là để chỉ thứ hoa giả phi nghệ thuật, nhưng rõ ràng mặt chú biến sắc, và những ngày sau đó, chú chỉ lặng lẽ làm, không nói gì, một thời gian sau nghề làm hoa giả cũng không được thịnh hành, mẹ chuyển sang việc khác.

    Bà tôi, đón con về được hết mùa đông năm ấy thì mất. Bà cố đợi chú về, trông thấy chú bà mới yên lòng. Khi nằm trên giường bệnh bà cầm tay bố tôi, đặt vào tay chú, bảo, các con là anh em một nhà, là gà một mẹ, các con phải yêu thương nhau, chia cắt nào cũng chung về một mối, các con phải yêu thương nhau. Bà nói xong thì trút hơi thở cuối cùng. Đám tang bà, chú khóc nhiều nhất, như thể, chú bơ vơ còn lại duy nhất ở cõi đời này vậy. Đám tang bà, một số người chỉ trỏ, người độc miệng bảo, thằng này theo Ngụy, sau giải phóng đi cải tạo mới về.

Bố nghe thấy, sầm mặt lại, chú lặng lẽ lui vào sau làm công việc hậu sự, chỉ khi đưa bà ra đồng, chú mới đội mũ rơm, chống gậy, đi giật lùi, vừa đi vừa khóc, nước mắt chan hòa, mặc tiếng  người thì thào. Từ đó chú lui vào trong nhiều hơn, họa hoằn lắm chú mới ra ngoài, chỉ khi có công việc cần kịp lắm.

    Mẹ  bảo, phải lấy vợ cho chú, chú lớn tuổi rồi, bố bảo, nó có chịu tìm hiểu đâu. Mẹ bảo, nó ngại thì mình phải tìm, bố bảo, ừ mẹ mày tìm đi. Mẹ hỏi đôn hỏi đáo thế nào mà hỏi ngay vào cô con gái nhà lão thành cách mạng, bố cô vốn là bạn thân của ông ngoại tôi. Bố biết chuyện bảo, nhà người ta có chịu không, mẹ bảo, chuyện quá khứ rồi, nhưng ai cho là quá khứ, còn cái thanh danh của tôi nữa chứ. “Cái thanh danh của tôi” bố nói sau cùng. Chú nghe thấy, chú nằm trong giường trở mình mạnh một cái. Hôm sau chú bảo, chị, em không lấy vợ đâu, em thích sống với chị và các cháu, nhà mình quây quần thế này là vui lắm, em chẳng mong muốn gì hơn. Mẹ bảo, không được, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Bố không nói gì, đi vào trong nằm, chú lẳng lặng về phòng mình đọc sách. Những ngày sau, chú đến thư viện nhiều hơn, chú nhờ bố làm cho cái thẻ đọc và mượn. Từ ngày đó cho đến ngày tôi lớn lên, cũng chỉ thấy chú đến thư viện rồi về.

    Chú đọc tất cả các loại sách, từ khoa học, văn học, đến đời sống, đến kinh tế và mỹ thuật, nên thằng Tí học lý, chú cũng kèm, tôi học văn, chú cũng dạy, học Hóa chú kiêm hết, chỉ có lịch sử là chú từ chối, chú bảo, chú lớn lên không được học sử, mà sử phải học mới biết, cháu bảo bố dạy đi. Bố cầm cuốn sách của thằng Tí đọc to: “Đế quốc Mỹ leo thang miền Bắc, bắn phá điên cuồng, giết hại bao dân lành, chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm do chúng lập lên, phản bội nhân dân, đi ngược quyền lợi dân tộc, chúng lê máy chém khắp miền Nam, đâu đâu cũng đầu rơi máu chảy, tiếng than khóc của đồng bào dậy đất trời”.

    Thằng Tí ngô nghê hỏi, thằng Ngụy là thằng nào mà ác thế? Bố bảo, thằng Ngụy do Ngô Đình Diệm lập lên. Nó hỏi, xung quanh đấy có thằng ngụy nào không, chỉ con với. Bố chững lại sững sờ, tím mặt, rồi im bặt, bảo, không có con ạ, thôi học đi, bố còn chuẩn bị giấy tờ cho đại hội lần này.

    Bố vội vàng đi vào trong, bật đèn lên, chú cũng kịp bật đèn bàn của chú sáng quắc. Chú ngồi với cuốn sách mượn ở thư viện suốt tối hôm đó. Bóng chú hắt lên tường một mảng, chiếc đầu bù xù không chải in vào bức vách, lặng câm, in trên đó trong thế bất động phăng phắc, đến cả gà gáy, tôi liếc từ giường nằm ra, vẫn thấy chiếc bóng bất động trên tường.

    Rồi từ những cuốn sách chú mày mò tạo ra chiếc máy làm bún. Chú đi xin vật liệu người ta vất từ xưởng cơ khí gần đó, hì hụi làm trong sáu tháng, ra một cái máy làm bún, một người làm bằng công suất của hai mươi người. Bố lên chính quyền xin giấy phép cấp bằng sáng chế, để mở xưởng sản xuất hàng loạt. Đến nơi, người ta hỏi, ai làm, bố bảo em tôi làm. Bố là  nhà nước không được mở xưởng riêng. Người ta đòi chú lên kê khai lí lịch, chú khai thật. Người ta bảo, chúng tôi thật sự chia buồn cùng anh, sản phẩm anh làm ra có tốt bao nhiêu nhưng lý lịch như vậy, chúng tôi rất lấy làm tiếc.

    Chú mang máy về, mẹ một buổi dạy học, một buổi làm bún bán. Bún mẹ làm ra bao giờ cũng ngon và rẻ nhất khu phố, người đến mua nghìn nghịt; nghe phong thanh thế, ông tổ trưởng dân phố đến tận nhà, chị là cô giáo, đừng phá vỡ nghề truyền thống của bà con, đừng tước miếng cơm manh áo của bà con. Mẹ nghỉ làm bún từ bận đó, chiếc máy để yên ở xó nhà, thời gian sau nó sùi lên một đống rỉ sét, ngày ngày đi qua, chú nhìn nó thở dài, sau này có bà đồng nát qua ngõ, bố bán được mấy ngàn, cho hết chúng tôi mua kẹo gôm, kẹo vừng và kẹo dồi chó. 

*** 

Mẹ bảo, cái mồm bố mày không có mắt, nói điều gì cũng động chạm, với chú phải biết ý. Từ đó, bố kiêng dè, ít nói hẳn, hoặc có nói thì dè chừng xem có động chạm gì đến ai không.

    Một hôm từ cơ quan về, bố bảo, cả nhà ăn mặc thật đẹp, hôm nay tôi đãi. Có chuyện gì vậy anh? Thì chú cứ chọn bộ đẹp nhất đi.

    Thằng Tí như thể sắp được dự tiệc lớn, nó lôi ra cả đống áo quần, chọn cái mới và đẹp nhất, tôi chọn được bộ màu hồng rực, còn mẹ, chọn chiếc áo màu cam, chiếc quần màu xanh, và buộc tóc bằng chiếc nơ màu đỏ, như thể bố chuẩn bị đãi cả nhà tiệc lớn, như những lần bố được thăng cấp, hoặc cơ quan mở tiệc to đãi khách quý.

    Chú cũng chọn cho mình chiếc áo trắng, quần đen. Hôm nay chú sơ vin đẹp nhất, chú còn xí phần đèo tôi, chú bảo, hai chú cháu mình rực rỡ nhất phố, T xinh thế, các anh phải nhìn chú gừ gừ, bởi chú giữ cháu gái kỹ thế, bố đứa nào dám nhảy vào tán.

    Tôi lườm chú, mà thấy bừng sáng lên. Cả nhà lâu lắm mới được một cuộc vui thật sự, sau bao tháng ngày làm hùng hục, thằng Tí thắc mắc, lâu rồi không được đi ăn kem, tôi thì, lâu không được ra Thủ Lệ ngắm thú, mẹ bảo, cả ngày làm tối mắt mũi cũng mệt, bố bảo, đợt này vất vả, tôi cho cả nhà đi chơi, xong đãi cả nhà những món ngon ngoài phố.

    Nhưng nhân dịp gì mới được chứ?

    Thế mẹ con mày không biết à?

    Tết Thống Nhất chứ gì, mừng giải phóng miền Nam tưng bừng thế mà.

    Tôi nhớ ra hét toáng lên, thằng Tí cũng vỗ tay rào rào, mẹ cũng vui cười rạng rỡ, bố thì híp cả mắt lại, chỉ chú không, chú thoáng quay đi giấu một nét buồn sau áo. Chú vờ cúi xuống sửa xe, chiếc xe xích bẩn ngoen dấy áo, chú lấy cớ áo bẩn không đi cùng cả nhà được. Sau phút hứng khởi vô duyên, bố cũng thấy mình có lỗi, mẹ thì càng có lỗi hơn, mẹ chỉ bảo, ừ chú bẩn áo không đi được thì ở nhà đọc sách, mấy bố con nó sẽ mua đồ ăn về cho chú. 

***

Đất nhà tôi rộng, mẹ ngăn đôi, một nửa cho chú bán cà phê. Chú vừa pha cà phê, vừa làm luôn công việc phục vụ những người bạn của bố. Bạn của bố đa phần là lính. Vào những dịp vui, họ kéo đến ào ào,  lấy quán chú làm trung tâm ăn uống, hát hò, và nhảy múa, họ treo khẩu hiệu tưng bừng. Rồi họ nói toàn kỷ niệm xưa, những lần giáp lá cà với Mỹ, những lần tiêu diệt cả tiểu đội thám báo, biệt kích Ngụy. Có người vỗ vai chú hỏi, thằng em, năm đó chiến đấu ở chiến trường nào, bố thấy vậy vội gạt đi, nó đau ốm nên được miễn đi bộ đội.

    Vậy à, thế thì sao biết đánh đấm thế nào. Cả bọn cười vang, bố cũng cười méo cả mặt, chú lặng lẽ quay vào trong, ra gốc si bên hồ nhỏ ngồi. Chú thả từng nắm cám xuống, đàn cá nhoi lên đớp mồi, con đớp được con không, chúng quay ra rúc rỉa nhau, tranh giành, làm mặt hồ gợn lên từng đợt sóng, cho đến tối, bố ra gọi về bảo:

    Kệ họ đi, họ không hiểu thì anh hiểu.

    Đúng thế, từ lâu bố đã tỏ ra hiểu chú. Chuyện này chắc nhờ mẹ. Hoặc tình anh em lâu ngày mới tìm lại được trong quá trình chung sống. Từ ngày về hưu, bố càng không nhắc gì chuyện cũ, tránh cao nhất để chú khỏi buồn.

    Nhà có một chiếc ti vi đặt ở phòng khách, cứ đến chương trình ca nhạc là rộn cả lên, bố gọi, mẹ mày vào mà xem hay lắm. Bố nằm trên ghế, mắt nhắm nghiền lại theo lời bài hát: Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên…

    Mẹ bảo, sao mà hát mãi thế!

    Bà này hay nhỉ!

    Mẹ nhìn xa vắng ra ngoài, gió trên cành ngọc lan thổi vào từng luồng mang theo mùi hương đêm lan tỏa, nghe như trong đó, luồng âm khí người xưa cuộn về theo hương hoa, mẹ nhìn lên bàn thờ, bà cười với mẹ, nụ cười vương vấn khói hương của que hương thắp lúc chập tối còn đang cháy dở. Chú về bất chợt, nghe câu chuyện của bố mẹ, chú chỉ hỏi, chị ăn cơm chưa, tôi đã ăn, sao hôm nay chú về đột xuất, quán vắng khách sao?

    Em chạy về lấy cuốn sách rồi lại ra ngay.

    Bố vẫn mải mê theo giai điệu bài hát mà không biết chú về. Bố nằm dài trên ghế, hai tay để trên ngực, miệng rên xiết theo lời bài hát, thi thoảng gồng người lên, như ca sĩ trong giai đoạn phiêu nhất của ca từ.

    Chú lấy sách  xong rồi đi, chú có chào bố, nhưng tiếng chào nhỏ quá, bố không nghe thấy. Mẹ nhìn bố rồi nhìn chú lắc đầu, mẹ cũng lẳng lặng đi vào buồng, chỉ còn bố bên chàng ca sĩ, cùng đám múa phụ họa, đang mặc cả quần áo Giải phóng và Ngụy quân. Những Ngụy quân chao đảo, ngả nghiêng rồi đổ nhào. Chú bước xiêu vẹo qua hàng lưỡi hổ bà trồng lúc trước, qua những chậu trích châm bố đặt sau này, hương thơm buổi đêm đưa lại nồng nồng, nhưng dường như chú không cảm nhận được…

    Tôi lấy chồng, sinh con, con tôi đã bốn tuổi, chú vẫn bán quán cà phê ngày trước, kiêm luôn công việc trông thằng Tũn. Thằng bé nghịch ngợm suốt ngày vuốt râu ông trẻ, hỏi đủ điều. Chú ngồi giảng giải kỹ lắm, và lấy đó làm niềm vui, như ngày chú giảng giải đủ điều cho mẹ nó biết vậy. Có hôm về, nó đọc: Anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần, và hỏi bằng giọng ngô nghê, chú hăng say cắt nghĩa, nó bảo, như con và chị Hạnh tồ hả ông, chú bảo ừ, đoàn kết là gì, đoàn kết là không cãi lộn, đánh nhau. Nó bảo, như ông với ông ngoại con hả chú bảo, phải. Đúng lúc đó người bạn già của bố đến chơi, nói chuyện, đợt này, có dự án lớn chuẩn bị đầu tư về nước, rất cần người phiên dịch tiếng Ba Lan. Đưa dự án về là một tù Côn Đảo xưa, cũng là bạn thân của bác. Bố nghĩ một hồi rồi vỗ tay đánh đét, trời, chú N nhà tôi chứ ai, nói tiếng Ba Lan như gió. Người bạn hồ hởi, thật ư, thật ư, còn gì bằng. Sau phút giây sung sướng, bác hơi chững lại một nhịp, như đang ăn cơm ngon mà nhai phải miếng gân bò dai quá. Bác bảo, ừ, có gì tôi bàn bạc với anh sau.

    Tiễn bác về, bố buồn hẳn, bố hiểu ngay sự tình cái niềm đang vui mà bỗng hóa buồn đấy, chú thì càng hiểu hơn, chú bảo, được hay không cũng không quan trọng. Em vẫn bán cà phê, anh vẫn phụ chị, thằng Tũn vẫn đi học, cứ bình lặng có phải hơn không.

    Tôi giảng dạy môn Ngữ Văn trong trường đại học, kiêm luôn mảng công tác xã hội. Chuẩn bị, có cuộc hội thảo, hòa hợp dân tộc sau chiến tranh. Tôi cần ý kiến của chú, người trong cuộc cho đề tài của tôi. Chú và tôi có buổi trao đổi thật cởi mở, công khai và rõ ràng về vấn đề này. Chưa bao giờ tôi thấy chú vui thế. Chú nói chuyện sôi nổi, hào hứng, nồng nhiệt, như thể mình góp được một phần nhỏ vào việc lớn lao trọng đại của dân tộc, chứ không riêng gì giúp cô cháu gái bé nhỏ nữa.

    Mẹ hỏi, chú cháu có chuyện gì mà phởn vậy, tôi chỉ cười, chú cười lớn hơn, thằng Tũn ôm lấy cổ ông mà nghêu ngao, anh em như thể chân tay, chú phát nhẹ vào mông nó, cha bố anh, nó đùa lại, cha bố ông, cả nhà cười vang. Chú nhiệt tình giúp tôi. Đầu chú cúi thấp, chú đọc không sót một từ, vừa đọc vừa say sưa góp ý, mà không để ý truyền hình đang chiếu bộ phim đến đoạn, tên lính mặc áo sọc, đang giơ chiếc đầu lâu của Việt Cộng lên.

    Bố vỗ đùi đánh đét, mẹ cha thằng Ngụy, thằng Tũn phụ họa: Mẹ cha thằng Ngụy. Chú nghe thấy ngẩng lên, đôi mắt đục mênh mang mênh mang như chứa cả trời chiều mùa thu xám sẫm, như có một dòng ngầu đỏ của nước lũ đi qua, tôi đọc thấy mênh mang những vực thẳm, những hầm chông, những hố, những lụt lội, tôi thấy ráng trời đỏ tía phía Tây, những mây mờ và cuộn rồng vần vũ, thấy bà ngồi lẫn với khói hương nghi ngút mà dặn với theo bố tôi, mẹ chỉ có hai con, chiến tranh nào rồi cùng qua, chia cắt nào cũng chung về một mối, anh em phải đoàn kết, yêu thương nhau.

    Rồi bóng bà lẫn với bóng chiều, bay vút về phái chân trời xa, và chú cũng đuổi theo, chú cứ đuổi theo hụt hơi, chới với, mẹ đợi con với, mẹ chờ con với, mẹ ơi…

    Tôi tỉnh dậy, thấy gối mình ướt đẫm, thì ra tôi mơ, giấc mơ sợ quá, chồng tôi bảo, tại em hay nghĩ, tôi bảo, hình như có linh cảm gì trong em, chồng tôi bảo, anh ít tin vào linh cảm cùng những giấc mơ khó bề lý giải, chỉ là do ám ảnh ban ngày vận vào. Chồng tôi vốn là bác sĩ ngoại khoa.

    Nhưng ba ngày sau thì chú chết.

    Đám tang chú chỉ có vài người bạn sách, chục người trong khu phố, và hai mươi người vốn là khách ruột của quán cà phê và ông chủ. Đám tang chú, bố đứng bên bàn thờ, miệng lấp dấp, lấp dấp, nói gì đó chẳng lên lời: mẹ, mẹ, rồi lại mẹ; bố nói mãi không thành câu, lại cúi xuống, lại ngẩng lên, như muốn báo cáo, lại như muốn chuộc lỗi. Tôi thấy bà tôi cười trên ban thờ vướng vít khói hương. Tôi chưa bao giờ thấy bà cau mặt. Từ ngày bé đến lớn lên, đến lúc chỉ còn nhìn thấy bà trên ảnh thờ, tôi cũng chỉ thấy bà cười. Bà cười khi nhìn bố tôi, nhìn chú, khi nắm tay bố tôi cùng chú, bà chỉ cười. Lòng người mẹ bao dung lắm.

    Bố cứ đứng tần ngần ở đó một lúc lâu, như muốn nói gì mà không nói được, lại thôi, rồi cuối cùng tôi cũng nghe thấy: con xin lỗi, con xin lỗi, cùng cái chắp tay lia lịa lạy bà, như tạ lỗi, như muốn bảo, mẹ đánh con thì đánh, con không làm được lời mẹ dặn.

    Lòng người mẹ bao giờ cũng bao dung như thế.

Bảo Thương