Gửi di sản VNCH nối dài đến ngày mai
Rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam sau khi định cư ở nước ngoài đã
rơi vào trầm uất và bế tắc trong sự nghiệp sáng tác. Tha hương là cú sốc có khi
kéo dài đến tận cuối đời mà không ai có thể chia sẻ với ai. Sức sáng tạo như
chôn sâu ở quê nhà, mà mỗi lần ngẫm đến, chỉ là tiếng thở dài. Nhà văn Mai Thảo
có nói nhiều về điều này, trong tập Ta thấy hình ta những miếu đền (Văn
Khoa xuất bản, 1989) với những chất chứa đầy tâm trạng như vậy.
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do.
(Thơ Xuân Đất Khách)
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa – một trong những trí thức lớn của miền Nam – đã rời quê hương ra đi và mang trong tim đầy sự tuyệt vọng như vậy. Thế nhưng sau 1975, khi định cư ở Hoa Kỳ, ông chỉ chựng một thời gian, rồi sau đó gượng lại, viết và dựng những tác phẩm âm nhạc không ngừng nghỉ, thậm chí vét cả tiền dành dụm tuổi già để thực hiện các bản giao hưởng kể lại câu chuyện lịch sử của một nước Việt Nam tự do.
Cuộc trò chuyện tại căn nhà riêng của ông ở Nam California
lúc ông sắp mừng sinh nhật lần thứ 90, vào Tháng Tư 2023, mỗi lúc càng mang lại
cảm giác bất ngờ khi được ông kể về con đường đi một mình, lặng lẽ, với những
nhọc nhằn không biết nói với ai. Khi hỏi ông về việc vì sao cô đơn và gắng sức
làm gì, khi ông có thể nghỉ ngơi như mọi người tỵ nạn khác, sống trong tự do
và an phận ở đất Mỹ, ông nói trong cái nhìn nghiêm nghị: “Tôi muốn đời
sau phải biết về một Việt Nam đã có như vậy, tôi không muốn quê hương mình bị
quên lãng, dù đã bị cướp mất”.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa (ảnh: MK)
Duyên nợ Việt Nam – Ukraine
Sự cô đơn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, khi nhìn lại, dường như
chính là cơ hội để ông mở cánh cửa ra thế giới mới bên ngoài, để âm nhạc của
ông được vinh danh, tỏa ra trên thế giới.
Là nhạc sĩ viết cho nhạc cụ, với các thể loại trình tấu
phương Tây không mấy quen thuộc với người Việt, nên nhạc sĩ Lê Văn Khoa ít khi
được các trung tâm ca nhạc của người Việt hải ngoại mời đến. “Đa số người Việt
chọn nghe nhạc đơn giản, ngay cả khi ca sĩ hát với bè đi kèm cũng có người
không thích”, nhạc sĩ Lê Văn Khoa kể về chuyện một nhạc sĩ nhờ ông hòa âm, khi
nghe có tiếng hát bè, đã đề nghị bỏ vì “khó nghe quá”.
Không thể dùng tác phẩm mình cho các trung tâm âm nhạc
thương mại, cũng không thể bỏ tiền ra làm CD vì chi phí đắt đỏ, mà lại chưa biết
có ai mua, ông chỉ còn biết đợi thời. Các tác phẩm của ông leo dần đến khoảng
600 bài nhưng chỉ nằm trên giấy.
Năm 1995, nhân cột mốc 20 năm mất miền Nam, nhiều hoạt động
văn hóa được tổ chức. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa – người Việt Nam duy nhất viết nhạc
giao hưởng đang tỵ nạn trên đất Mỹ – đã được phía chính phủ Mỹ mời tham gia biểu
diễn. Symphony 1975 mà ông ấp ủ viết trong suốt 10 năm được
đưa cho Pacific Symphony Orchestra ở California. Buổi biểu diễn đầu tiên ra mắt Symphony
1975 đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi trên các tờ báo lớn của Mỹ.
Mong ước của nhạc sĩ Lê Văn Khoa là ghi âm và phát
hành Symphony 1975, với sự trình diễn của Pacific Symphony
Orchestra. Tuy nhiên khi nghe chi phí cho dàn nhạc trong ba ngày ghi âm đã là
$120,000 thì ông hiểu mọi chuyện không đơn giản. “Đó chỉ mới là tiền của nhạc
công, chỉ huy, còn tiền ghi âm, mix và ra CD vẫn chưa tính đến,” ông Khoa kể lại.
Cuối cùng, có người giới thiệu ông đến dàn nhạc Kyiv
Symphony Orchestra And Chorus của Ukraine. Đây là một dàn nhạc lớn, thường đi
trình diễn trên thế giới nên khi ông Khoa gửi tác phẩm và đề nghị thực hiện thì
họ có vẻ do dự. Bởi lúc đó, cái tên Lê Văn Khoa còn quá mới mẻ và nhạc giao hưởng
sáng tác bởi người Việt chưa có chỗ đứng trên khán phòng thế giới.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa viết một bức thư tâm tình, nói rõ ý nguyện
của ông về việc thực hiện bản giao hưởng cho một nước Việt Nam Cộng Hòa đã mất.
Bản giao hưởng được trình bày là câu chuyện lịch sử của một dân tộc, với bảy phần
– Dẫn nhập, Đám rước, Hội hè, Trăng rằm, Trong đêm thâu, Trên biển cả,
Ca ngợi tự do – mô tả một Việt Nam bình an cho đến khi có biến cố, và
rồi người người phải ra biển để tìm tự do.
Bức thư đã khiến nhạc trưởng Kyiv Symphony Orchestra And
Chorus là Alla Kulbaba xúc động. Ông Khoa được nhận lời và đề nghị gửi tổng phổ
và phân phổ đến Ukraina. Vào buổi tập thử đầu tiên, hầu hết nhạc công cũng như
bà nhạc trưởng Kulbaba đều bất ngờ trước những gì một người Việt Nam viết ra lại
đẹp và tinh tế đến vậy. Bà Alla Kulbaba phải thốt lên: “Nhạc của Lê Văn Khoa thật
tinh vi, đầy xúc động, rất mực nhân hậu thân thiết”.
“Qua tác phẩm “Symphony Vietnam 1975”, Lê Văn Khoa chứng tỏ
ông là nhà viết đại tấu khúc tài năng, khi khéo léo dùng thể loại Tây phương
nhưng đặt trên căn bản làn điệu Việt Nam”. Đó là những gì mà dàn nhạc Kyiv
Symphony Orchestra And Chorus nhận định và đồng ý thực hiện ngay các tác phẩm của
nhạc sĩ Lê Văn Khoa, mà Symphony 1975, với chi phí chỉ $40,000… chỉ
bằng một phần ba con số ban đầu được biết.
Dàn giao hưởng Úc đón nhận tiếng vỗ tay tán thưởng không
dừng, sau khi dứt chương trình của nhạc sĩ Lê Văn Khoa (Ảnh: Lê Văn Khoa)
Sau đó, Lê Văn Khoa còn đến Ukraine nhiều lần, lúc để ghi
âm, lúc theo lời mời. Những tác phẩm của ông đều được dàn nhạc xin tổng
phổ để họ có thể lại biểu diễn cho dân chúng Ukraine nghe. Ý chí và tinh thần
dân tộc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa được các nhạc sĩ và Bộ Văn hóa Ukraine kính trọng.
Đáp lại, nhạc sĩ Lê Văn Khoa còn viết tặng cho Ukraine một tác phẩm giai điệu
Việt Nam, sử dụng nhạc cụ Bandura.
Tác phẩm này được trân quý đến mức nó được chính thức đưa
vào Thư viện Viện nghiên cứu âm nhạc Ukraine, và được chọn là tác phẩm dạy
trình tấu trong các nhạc viện.
Bandura là một nhạc cụ cổ truyền của Ukraine. Trong giai đoạn
Nga Sô chiếm đất nước này, văn hóa Ukraine bị hủy diệt. Cây đàn Bandura thậm
chí trở thành “nạn nhân” khi bị phế bỏ. Khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine đã làm mọi
cách khôi phục và quốc tế hóa nhạc cụ này. Món quà của nhạc sĩ Lê Văn Khoa gửi
tặng đã đáp đúng vào tâm nguyện của dân tộc Ukraine.
Trong cuộc trò chuyện với Saigon Nhỏ, nhạc sĩ Lê Văn Khoa kể
rất nhiều về duyên nợ kỳ lạ của người Việt và Ukraine, qua âm nhạc. Khó mà kể hết
ở đây. Chỉ biết rằng trong trái tim tự do của những con người thuộc hai dân tộc
cách nhau hàng ngàn dặm, đã có một điểm chung nào đó, khiến mọi thứ tự nhiên đến
và tự thôi thúc nối kết với nhau. Có lẽ hiếm có nơi nào như Ukraine, khi chính
phủ nước này đồng ý giao dàn Quân lễ nhạc Phủ Tổng thống Ukraine cho ông Lê Văn
Khoa dàn dựng lại bài Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa như một sự trân trọng với tinh
thần yêu nước của một người nhạc sĩ Việt Nam.
Một người Việt Nam
Sinh ngày 10 Tháng Sáu 1933, nhạc sĩ Lê Văn Khoa xuất thân từ
đất Cần Thơ. Có lối nói chuyện thật thà, giọng trầm ấm hiền lành đầy chất
nguyên quán, ông Khoa đưa nhóm phóng viên Saigon Nhỏ chúng tôi đến với con người
của ông, hiển hiện từ nhiều góc cạnh: Một người liều lĩnh ra biển, một nhà nhiếp
ảnh có những góc nhìn khác biệt, một nhà giáo dục ân cần và một người viết nhạc
– viết ra những tác phẩm cao quý, ngay cả trước khi được học nhạc.
Một người Việt Nam (ảnh: Tuấn Khanh)
Ông Lê Văn Khoa là người đa tài và làm đến nơi đến chốn những
gì ông chạm tới. Ông từng đoạt một lần hai giải thưởng sáng tác âm nhạc toàn quốc
năm 1953 và giải văn học nghệ thuật toàn quốc. Ông cũng một nhiếp ảnh gia xuất
sắc từng đoạt ba giải thưởng toàn quốc trong ba năm liên tiếp giữa thập niên
1960. Ông cũng là người đứng ra sáng lập Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật năm 1968 tại
Nam Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa là người Việt Nam đầu tiên có hình
ảnh triển lãm tại Quốc Hội Hoa kỳ. Từ năm 1976 đến 1977, khi chưa quay lại được
với âm nhạc, ông là giáo sư dạy môn nhiếp ảnh tại Đại học Salisbury State
College ở tiểu bang Maryland.
Với vai trò nhạc sĩ, ông Lê Văn Khoa tham gia viết hòa âm
cho những nhạc phẩm của các nhạc sĩ cùng thời: Văn Phụng, Phạm Duy, Cung Tiến,
Phạm Đình Chương, Lê Thương… Ông cũng viết nhiều ca khúc, với phong cách đậm
nét giai đoạn 1950-1960.
Trong những năm tháng tỵ nạn hiu quạnh ở đất Mỹ, người nhạc
sĩ quê Tây Đô luôn nghĩ đến những gì thuộc về văn hóa và di sản Việt Nam Cộng
Hòa phải được nối dài đến ngày mai. Ông viết rất nhiều ca khúc cho thiếu nhi,
chuyển tải làn điệu quê hương và ý thức con người của một quốc gia độc lập có cội
nguồn. Ở Mỹ, ông xuất bản tập Hát Cho Ngày Mai gồm 24 ca khúc
ngắn, đầy tính giáo dục và uớc mơ.
Trong những tập nhạc khác, ông viết cả phần piano,
như: Nhạc Việt Mến Yêu, Dân Ca Việt Nam, Gọi Nhớ, The Beautiful Bamboo;
và nhiều sáng tác về Thánh Ca Cơ Đốc và Thánh Ca Nhi Đồng.
Trong những năm tháng mà giới nghệ sĩ Việt ở Mỹ chỉ kiếm sống, và dùng hết khả
năng của mình để kiếm sống, thì gần như duy nhất nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người dồn
tất cả mọi tinh lực của đời mình để góp lại cho một ngày mai của người Việt tự
do.
Việt Nam, Việt Nam… là tiếng luôn đi trước mọi
hành động của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Năm 2013, khi cho ấn hành tổng tập về cuộc đời
của mình dày hơn 700 trang, ông được gợi ý rất nhiều mỹ từ và vinh danh… nhưng
cuối cùng, tựa cuốn sách được ông chọn là “Lê Văn Khoa, một người Việt
Nam”. Ông luôn tự hào những gì mình làm được dưới hai chữ Việt Nam. “Mình
viết ra những âm thanh Việt Nam mà họ thích trình diễn là một hãnh diện chung
cho người Việt”, đó là câu nói của ông, được giáo sư dạy guitar cổ điển ở San
Jose Đặng Đình Quảng kể lại.
Nhận định về nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nhà văn Phạm Phú Minh viết:
“Từ sau 1975, tỵ nạn tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong cuộc sống mới đã
không bao giờ rời bỏ cái nền tảng gốc gác cùng trách nhiệm của mình đối với miền
đất tổ từ đó mình đã ra đi”. Còn ông Phạm Kim Vinh, với tư cách sáng lập viên
và Tổng thư ký của Hội Phổ Biến Văn Hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhận định về Lê
Văn Khoa: “Ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên xứ người, ông Lê Văn Khoa đã
không bỏ phí một phút nào trong cuộc chiến trường kỳ của ông là dùng khí giới
văn hóa để tranh đấu một lúc trên ba mặt trận: Chống cộng sản, bảo vệ
danh dự của người Việt Nam, và tích cực đóng góp vào việc xây dựng một nền văn
hóa Việt Nam thuần túy và nhân bản.”
“Khí giới văn hóa” mà ông Lê Văn Khoa dùng là các chương
trình nhạc Việt Nam dưới hình thức trình diễn hay giảng dạy, là những buổi diễn
thuyết về văn hóa Việt Nam, là các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật… Ước muốn cao
nhất của Lê Văn Khoa là trình bày cho người nước ngoài biết những nét đặc biệt
của văn hóa Việt Nam mà công cụ lợi hại nhất là âm nhạc.
Symphony 1975 và ngôn ngữ âm nhạc phi biên giới
của nó vang vọng ở mọi nơi và được cảm thấu về nỗi đau của một quốc gia đã bị
bôi xóa. Năm 2005, khi biểu diễn tại Úc với ban đại hòa tấu và hợp xướng Royal
Melbourne Philharmonic, khán phòng 1,500 người đã phải chứa đến 2,000 khách.
Khi chấm dứt Symphony 1975, khán giả đứng lên vỗ tay không ngớt
trong gần năm phút, khiến nhạc trưởng Andrew Wailes phải ra hiệu cho dàn nhạc
chơi lại phần chót Ca Ngợi Tự Do để đáp ứng thịnh tình khán giả.
Ngày hôm sau, sự kiện dàn nhạc giao hưởng Úc lần đầu tiên trong 150 năm hoạt động
biểu diễn tác phẩm giao hưởng của một người Việt đã trở thành tin tức vang dội
trên các tờ báo lớn.
Lê Văn Khoa bước vào âm nhạc như một người chạy vượt rào, và
luôn như vậy. Ông kể, lúc nhỏ khi còn đang đi học đàn, ông đã tập sáng tác một
bài độc tấu piano và đưa cho cô giáo Wallace, một người Mỹ, xem. Bà nhìn qua rồi
cười nói, “em chép của ai vậy?”. Khoa nói “đây là sáng tác của em”, sau đó ông
đàn cho bà nghe. Đó là một tác phẩm hoàn toàn mang âm hưởng Việt Nam. Cô giáo sửng
sốt và sau đó đi nói với mọi người về việc cô phát hiện một cậu học sinh nhỏ có
khả năng sáng tác như một thần đồng.
Gắn bó với miền Nam, và gắn liền với một thể chế tự do, khi
buộc phải ra đi, trong lòng ông luôn có nỗi nhớ quay quắt. Đó là lý do những
tác phẩm của ông luôn để lại những mệnh đề của tương lai. Trong bài Nếu
Có Ai Hỏi Em, ông viết:
“Nếu có ai hỏi em: Em là người nước nào?
Em sẽ xin thưa rằng:
Em là người Việt Nam trong máu xương,
Hồn linh em,
gan, ruột em, óc, tim,
Từng tế bào:
Ðây Việt Nam!
Vì quốc biến
ly hương
Nhưng sẽ có,
có ngày về nước em!”
Trong bài Mơ
Về Quê Tôi, nhạc sĩ Lê Văn Khoa gửi hết tâm tình về một quê hương ngày mai
có thể quay về, mặc dù giấc mơ đó ông chỉ đành có thể gửi lại cho đời sau:
“Người mơ ngày
mai tươi sáng
Quê hương tan
hết áng mây sầu
Ngày đó toàn
dân hát vang bài ca
Đây tự do thiết
tha
Nước này hết
thương đau luôn an hòa”
Nói về nhạc sĩ hay
con người đa tài Lê Văn Khoa, chỉ đôi dòng thì không thể diễn tả hết sự kỳ diệu
mà ơn trên đã ban cho dân tộc Việt Nam một tài năng như vậy. Tài năng đó không
chỉ tỏa sáng ở quê nhà trong những điều kiện làm việc tốt nhất, mà ngay khi buộc
phải tha hương, ông vẫn là tấm gương lớn cho những công dân Việt Nam Cộng Hòa
đi tìm tự do, về một bài học lớn rằng quốc gia có mất nhưng dân tộc vẫn phải
còn.
Với nhạc sĩ Lê
Văn Khoa, bất cứ khi nào còn mang trách nhiệm một công dân, tức vẫn còn mang một
niềm hy vọng về ngày mai cùng những điều ấp ủ. Thời gian có thể bào mòn cuộc đời
nhưng nó chỉ làm sắc bén hơn tinh thần và ý chí của nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong
những nghịch cảnh, đồng thời lại làm đầy đặn hơn di sản mà ông để lại cho cộng
đồng người Việt, cùng với niềm kiêu hãnh mà ông không bao giờ cho phép mình
đánh mất.
Tuấn Khanh