25 October 2023

PHƯƠNG NAM DU HÀNH - Dzạ Lữ Kiều

Nhận lời của Sư Tâm Định, tôi xếp hành lý vội vàng để du hành về phương Nam.

Sư Tâm Định lái xe, nhà thơ Kiều Trung Phương, nhiếp ảnh gia Văn Tri và tôi, rời nhà vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 27-03-2013. Vì là bạn bè thân thiết, khi vào dự đêm thơ nhạc “ Huế Giữa Cao Nguyên” ở tại nhà tôi cho tiện. Nơi đây thường đón các Văn nghệ sĩ đến lưu lại. Chiếc xe Toyota bon bon trên đường nhựa qua khỏi cầu SêRêPok vào địa phận Tỉnh Dak Nông. Qua bao phố thị, làng mạc, dốc đồi và rừng cây trong mùa khô đã trụi lá…

         Khỏi Thị trấn Dak Mil, Kiều Trung Phương đề nghị ghé lại Linh Sơn Tự trước thăm Thầy, sau cho Văn Tri chụp hình chiếc chuông bằng vỏ đạn mà báo Vô Ưu đã đăng từ lâu. Gặp lại Thầy Quảng Nhã, sau phần giới thiệu, Thầy hoan hỉ mời đoàn uống trà, trong khi đó Văn Tri và Kiều TrungPhương

Vào chánh điện lễ Phật và chụp hình chiếc chuông.

        Rời Linh Sơn Tự, trời bắt đầu sụp tối, ánh đèn trong nhà dân hắt ra đường đoạn có, đoạn không. Vùng đồi núi thăm thẳm khi trăng hạ tuần chưa lên. Ngồi ở ghế sau và ít nói chuyện, hơn nữa con đường và cảnh trí ở đây đã quá quen thuộc với tôi. Khép bờ mắt lại, để tận hưởng cái gió núi lành lạnh. Tôi thiếp đi  trong giấc ngủ chờn vờn. Qua Đồng Xoài lúc nào không biết, đến khi xe dừng lại. Sư Tâm Định cười nói:

-          Mình đi lạc đường rồi!

       Thì ra, khi qua bùng binh của Thị Xã Đông Xoài, Sư không đi thẳng mà ôm cua theo Quốc lộ 14, cắt luôn Quốc lộ 13 khi qua Thị trấn Chơn Thành.

Nơi đây đã quen thuộc với tôi hơn 30 năm trước. Tôi ở Lai Uyên và thường qua đây đốt than thồ về Sai Gòn bán để đong gạo…

        Khi trước mặt chúng tôi là bãi cát chắn lối, xa xa mặt nước mênh mông. Sau khi hỏi dân sở tại mới biết đây là thượng nguồn sông Sai gòn thuộc địa bàn Dầu Tiếng. Đành ngủ lại đây; vì trở lại trong đêm cũng sợ lạc đường. May gia chủ hiểu và cho tá túc qua đêm, đồng thời chế cho bốn tô mì tôm ăn lót dạ. Khi đi chúng tôi nghĩ đến đâu thì ăn cơm ở đó. Nhìn vào đồng hồ đã 21 giờ 30  phút, tất cả đoàn thả bộ ra tận mép nước; sóng lao xao theo từng cơn gió nhẹ. Trăng lên, mặt nước lăn tăn, nhấp nhô những ánh đèn của  tàu ghe đánh cá. Sư Tâm Định ngồi bệch xuống cát mịn. Văn Tri chớp mấy tấm ảnh làm kỷ niệm. Tôi lấy mảnh giấy vụn trong túi ghi vội mấy câu thơ :

    ĐÊM NGỦ Ở DẦU TIẾNG

Lao xao…

Sóng vỗ bờ xa

Đêm “Dầu Tiếng”

Ánh trăng ngà

Nghiêng – rơi!

Đến khi vào ngủ trên tấm bạt trải giữa nhà, tôi viết tiếp:

Lạc đường

Giấc ngủ muộn – trôi…

Vo ve tiếng muỗi

Đành thôi

Xa nhà!

 Phước Long, 28-03-2013

Dzạ Lữ Kiều

         Giấc ngủ không sâu của bốn Thầy trò, khi nghe tiếng gà eo óc gáy, tiếng chó sủa vì xe vào lấy cát. Chúng tôi thức dậy nhâm nhi chén trà nóng do gia chủ khoản đãi. Dạo một vòng ra bờ sông để hít thở không khí trong lành buổi sáng… Quay về, lên xe.

       Ngược lại hướng Chơn Thành, sau nhiều lần hỏi thăm người đi đường. Rẽ về Quốc lộ 13, qua Lai Uyên, Lai Khê, Bến Cát đến Sở Sao. Xe cộ bắt đầu đông đúc. Xe chạy chậm lại khi vào Thủ Dầu Một. Nơi đây có nhiều khu công nghiệp nên xe ra vào thường xuyên, xe chạy chậm nối đuôi… Đủ cho chúng tôi quan sát phố phường…Một thành phố năng động trong lĩnh vực kinh tế của miền đông Nam bộ.

       Đến Thủ Đức, rẽ  về phía đường cao tốc Trung Lương. Sau nhiều lần kẹt xe,  lên đường chính, gió lộng… Dọc đường, xe bị chùng máy nên dừng lại. Phải nói, xe cũ do Đạo hữu tặng cho Sư, nên nó có hay trở chứng khi đi xa. Phải giữ độ ẩm cho máy, nhưng dưới cái nóng hầm hập như rang, Sư cho xe tấp vào vệ đường để nghỉ. Sợ thiếu xăng, Sư lội bộ vào làng quê qua bờ rào lưới mà người ta đã mở sẵn. Tôi đi múc nước  vào chai, đem về giảm nhiệt cho xe. Thấy Sư lấy cành cây che đầu mà lòng ái ngại vô cùng – Tôi  theo đường đất vào sâu hơn, đón can xăng từ tay Sư đem về. Sau khi đổ xăng, thêm nhớt, nước…Xe chạy một mạch qua các cầu sông Tiền, sông Hậu rồi vào Bến Tre, ăn cơm trưa, nghỉ ngơi chốc lác rồi tiếp tục hành trình tìm về thiền thất của nhà thơ Tâm Uyên. Trước đây cô ấy đã làm ở tòa soạn báo Giác Ngộ, vì địa chỉ khó tìm mà chúng tôi là người từ xa đến nên khi hỏi chùa Tân Thành, nhiều người không biết, phải nhờ người dẫn đường. Tuy vậy vẫn bị lạc, quanh co mãi sau đó vào một con hẻm, hai bên những hàng dừa, che bóng nắng gay gắt. Tịnh thất của nhà thơ là một khu vườn mát với nhiều cây cối trồng chung quanh, một cây cầu bằng bê tông dẫn vào căn nhà gỗ chạm trổ công phu, gần giống như nhà rường Huế. Vật dụng trong nhà như tủ sách, tranh ảnh, tượng gốm bày biện khá bắt mắt; rất hợp với tâm hồn một nhà thơ.

         Lúc này, chủ và khách đã nhận diện được mặt nhau qua những bài viết đăng ở báo Giác Ngộ, Vô Ưu và báo các tỉnh thành khác. Trời chiều, không khí dễ chịu hơn cái nóng bức ở phố thành. Chúng tôi được hướng dẫn ra cốc dành cho khách xa, thật thoải mái, yên tĩnh. Tắm rửa xong, ăn cơm tối do chủ nhân thết đãi, những món ăn đậm chất Nam bộ… Riêng Sư Tâm Định chỉ uống một cốc sữa; vì Sư theo truyền thống Nam tông.

       Một buổi tối, giao lưu văn học ngắn ngủi nhưng đầy thi vị, chúng tôi tặng cho nhau những tập thơ đã xuất bản. Riêng bức thư pháp của Sư Minh Đức – Triều Tâm Ảnh gởi tặng, đã được nhà thơ Kiều Trung Phương chuyển cho Sư Tâm Định để trao lại cho Tâm Uyên với đầy ý nghĩa và đạo vị. Sau mấy tuần trà, chúng tôi kiếu từ đi ngủ. Vì đi đường xa, mệt mỏi nên giấc ngủ đến thật dễ dàng. Tôi thức dậy sớm, viết vội bài thơ : MÙA LÃNG DU

Ta đi xâu lại tuổi ngày

Níu mùa trăng cũ

Hao gầy nét xuân

“Bến Tre”

Trọ bước phong trần

Oằn chao ngọn cỏ

Nãy mầm từ bi…

Bến Tre, 29-3-2013

Hương Văn

        Sau đó, Sư Tâm Định chuyển cho tôi bài thơ : TƯ THẤT TÂM UYÊN

Bến bờ hai lối chơi vơi

Chờ em gái chút tình lời, trăng hiên

“Tâm Uyên” trang nhã sương đêm

Loãng trong khói thuốc…Nghe tiềm thức rơi!

Bến Tre, 29-3-2013

Tầm Lãng

        Vì không thuận duyên, khi Kiều Trung Phương vô tình nói Sư cũng hút thuốc lá mà trong đêm gia chủ đã nhắc khéo. Sư cũng hơi khó chịu. Sợ làm phiền lòng chủ, có khi mất hết sự tôn kính mà gia chủ đã đãnh lễ mình. Sư bèn nói nhỏ với tôi:

-          Chúng ta đi dạo quanh Bến Tre, tìm một vài thắng cảnh địa phương tham quan cho biết.

Tôi rủ Văn Tri cùng đi, còn Kiều Trung Phương nói ở nhà dọn dẹp  và giúp đở gì đó cho Tâm Uyên.

         Lên xe, đi ăn sáng, cà phê xong. Hỏi thăm những thắng cảnh Văn hóa của Bến Tre. Chúng tôi dong ruổi về đền thờ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi tham quan và chụp một số hình lưu niệm, vào quán uống nước dừa. Tôi ghi vội mấy câu thơ : DỪNG CHÂN

Mặc đời …Thế sự vần xoay

Thảnh thơi vào Mộ… Nghe ngày tháng rơi

Bến trầm luân. Nước mãi trôi

Lời xưa ai khắc cho Người lưu danh

Bến Tre, 29-3-2013

Dzạ Trầm Thảo

         Khi hỏi thêm một số danh lam thắng cảnh ở Bến Tre, thấy cách trở và xa xôi quá. Xe chạy hoài trên đường cũng chán. Ghé vào quán cơm chay nghỉ chân, ăn uống xong. Sư đề nghị vào khách sạn để tắm rửa, nghỉ trưa. Mặc dầu đây là vùng sông nước, nhưng cái nóng cứ hâm hấp thật khó chịu!        

         Chiều xuống dần, nghe điện thoại ở chùa báo tin. Sư nói để chúng tôi nghe:

-          Chắc về thôi, ở đây không có gì vui cả, hay chúng ta trở về Sài Gòn, ghé lại chùa Lá thăm Thầy Nhuận Tâm rồi về lại DakLak.

Tôi đi với Sư chơi mà thôi, nên vẫn phụ thuộc vào Sư. Phần lo ở nhà không có ai phụ giúp với vợ tôi mua bán qua ngày. Tôi đồng ý.

Văn Tri có hướng về Bạc Liêu thăm người quen. Tôi điện thoại cho Kiều Trung Phương biết ý định này. Tôi đưa máy để Sư nói chuyện, nhưng nhà thơ này hẹn mai mới đi. Thế là quyết định chia tay tại quán nước dừa. Văn Tri đón xe thồ về lại tư thất Tâm Uyên để lấy quần áo. Tôi và Sư Tâm Định lên xe, theo đường cao tốc Trung Lương về lại Sài Gòn. Không biết điạ chỉ và số điện thoại của Thầy Nhuận Tâm. Sư định chạy thẳng lên DakLak trong đêm. Nhưng mệt quá, tôi lại buồn ngủ; khi ngang thị xã Đồng Xoài, Sư bảo tìm khách sạn ngủ rồi mai đi tiếp. Tắm rửa xong, tôi lên giường, viết bài thơ : CHỐN CŨ

Người về, vỡ trắng đêm thâu

Một đi, hai ở … Nát nhầu cuộc chơi!

Trăm năm trọ kiếp làm người

Xin làm hạt bụi mãi trôi giữa giòng…

Đồng Xoài,29-3-2013

Hương Văn

 Thức dậy trời đã trưa, trả lại phòng, vào quán cà phê uống ly đen đá; tôi đưa bài thơ cho Sư đọc. Sư lấy ý tưởng này viết vào giấy cho tôi : HAI LỐI

Nhùng nhằn hai chữ ở – đi

“Trung Phương” “Tầm Lãng” li ti bụi phiền

Dang tay phủi mộng như nhiên

Lãng du gác lại. Trên triền – Mây bay!

Đồng Xoài, 30-3-2013

Tầm Lãng

        Buổi sáng, trời dễ chịu. Chiếc xe vẫn ngoan ngoãn lên đường. Khi đến Thị xã Gia Nghĩa, xe lại bị trục trặc, Sư điện thoại hỏi thợ, họ bảo đem lọc  lại xăng. Sư lấy vòi nước xịt cho xe và chờ người mua xăng về châm thêm. Tôi ngồi uống nước, Sư nằm trên võng đong đưa. Tôi viết bài thơ : CỐ XỨ

Lãng du quay gót trở về

Quanh co dốc, núi … Bốn bề nắng trong

Thầy, trò – Một cõi thong dong

Mặc đời tục lụy – Nghe lòng thảnh thơi!

Gia Nghĩa, 30-3-2013

Dzạ Trầm Thảo

          Xe chạy bình thường đến Dak Song thuộc tỉnh Dak Nông. Sư rủ vào rừng thăm Thiền Viện Đạo Nguyên. Dọc theo con đương vừa mới tráng nhựa, quanh co… Đường vắng, gần hai mươi cây số đường rừng, chỉ gặp được 2 công nhân đang kéo lưới điện. Cây gỗ chất thành đống, chẳng biết lâm trường khai thác hay lâm tặc đang chờ để kéo đi. Thấp thoáng hiện lên mái chùa cong trong rừng thông cằn cỗi, phía trước mặt là dãy núi hùng vĩ như chiếc bình phong che chắn. Cho xe vào cổng Thiền viện bằng gỗ, đậu dưới tán lá. Hai Thầy trò bước vào thiền đường lễ Phật. Qua khu chánh điện đang xây dựng mới thấy công trình thật đồ sộ, như các Thiền viện đã xây dựng  từ Bắc vào Trung. Tôi đưa tay thử ôm một cột gỗ trong chánh điện, phải hơn một vòng tay. Những khối đá  hoa cương được cưa thành miếng để lát nền; thật quá công phu !. Tôi hỏi người phụ trách công trình thì họ cho biết: do Đạo hữu cúng dường, làm Sư Tâm Định cũng lóa mắt – Giá mà chùa mình cũng được như vầy. Sư Cô phụ trách trong thời gian Thầy Trụ trì đi vắng đã tiếp Thầy trò chúng tôi, hướng dẫn đến thăm xưởng gỗ với những cây  tùng la hán to và thẳng tắp, loại gỗ quý hiếm, khu trưng bày tượng “Thập Bát La Hán” làm  Thầy trò tôi choáng mắt. Sư Tâm Định cứ hít hà ! Bước vào căn nhà ván, Sư Cô mời nước và sau đó dọn cơm cho Thầy trò chúng tôi. Một bữa cơm đầy đạo vị… Sư Cô vui vẻ kể chuyện ngày mới vào đây, rừng núi âm u, chưa có đường, điện, nước uống. Cứ sống chung với bao gian khổ vì muỗi rừng, sên, vắt và bao nhiêu thú vật khác! Ăn cơm phải ngồi trong mùng, tắm cũng sốt… Giờ đã khá hơn rồi. có điện, nước đường xá được tráng nhựa. Tuy nhiên muốn ra chợ mua thức ăn phải đi trên hai mươi cây số đường, hai bên là rừng; nếu lỡ xe bị xì hơi thì chỉ còn giấu xe lại, đi bộ về… 

        Khi ngồi trên xe về DakLak tôi viết bài thơ này để làm kỷ niệm, kẻo mai này sợ quên : CHƯA XA

 

Ghé qua Thiền viện Đạo Nguyên

Lời người tu sĩ còn riêng nỗi lòng

“Ruồi vàng” “Muỗi bạc” như ong

“Vắt kim cương” nhòe mắt hong phận người!

Dak Song, 30-3-2013

Dzạ Lữ Kiều

       Chiều xuống dần, Sư đưa tôi về đến nhà để Sư về lại Cư M’gar. Bao nhiêu công tác Phật sự đang chờ Sư ngày mai…

Dzạ Lữ Kiều

(BBS Vô Ưu Đăk Lăk)