25 October 2023

TẠ ƠN CANADA - Kim Loan

Tôi réo chồng:

    – Anh ơi! Lần này em nhờ của anh góp ý để viết Thanksgiving Canada gửi đăng báo.

    – Anh biết gì mà đóng góp, ngoài cái chuyện Thanksgiving Canada rơi vào thứ hai của tuần lễ thứ hai Tháng Mười.

    – Cái đó xưa rồi, em muốn những mẩu chuyện để tỏ lòng biết ơn xứ lạnh tình nồng này.

    – Thì em tưởng tượng là ra thôi, “nghề” của em mà.

    – Không! Chuyện gì thì còn có thể hư cấu thêm mắm muối, chớ chuyện Tạ Ơn phải là người thật việc thật, của những người xung quanh hoặc của chính gia đình mình .

 

   – Mấy năm qua, em đã lôi hết mọi ngóc ngách của nhà mình lên báo “cho khắp người đời thóc mách xem” rồi còn gì.

    Úi dào! Tôi mỉm cười nghĩ thầm, chồng em bữa nay đem cả thơ TTKH đối đáp với em nữa cơ, chưa kịp khen thì anh ấy ra ngoài garage soạn túi đồ đánh golf  để cuối tuần đi golf trip với Cha xứ và mấy anh bạn trong nhà thờ. Tôi cũng bước ra, loay hoay tìm cái nồi cơm điện cũ để ngày mai thực tập món bánh mới học trên youtube, chồng tôi bỗng reo lên:

    – À, có chuyện cho em viết rồi đây, từ cái golf bag này nè, em nhớ ra chưa?

    Tôi nhớ ra ngay lập tức, chuyện xảy ra mới vài năm nay thôi. Sáng hôm đó cả nhà ra garage lấy xe đi học đi làm thì thấy cánh cửa phụ của garage mở toang, chứng tỏ đêm qua chúng tôi đã quên khóa. Vợ chồng con cái hoảng hốt vào lục soát xem có bị mất mát gì hay không. May quá, hai chiếc xe còn nguyên vẹn, không bị cạy cửa hay đập kiếng xe, các đồ linh tinh khác cũng không có dấu hiệu xáo trộn. Chồng tôi vui vẻ:

    – Mình ở khu này an toàn thật, em nhỉ.

    Tôi liếc chồng một cái, vì anh ấy là người đêm qua đi làm về trễ nhất:

    – Ở khu nào cũng có nguy cơ mất đồ nếu cứ lơ đãng quên đóng cửa garage như anh đấy. Hàng xóm thì ai cũng quen mặt, nhưng ai cấm mấy người lạ đi ngang qua, rồi thấy cửa mở như mời mọc, trên đời này chẳng phải ai cũng tốt cả đâu. Buổi chiều, cả nhà đang quay quần ăn cơm thì chuông điện thoại reo, chồng tôi nhanh chóng trả lời, đầu giây bên kia giới thiệu là sở cánh sát:

    – Chào Mr. Truong, nhà của anh mới bị trộm vào garage đêm qua, đúng không?

    Hơi bất ngờ, chồng tôi đáp:

    – Dạ đúng thế, nhưng may mắn là chúng tôi chẳng mất gì cả, mà sao ông biết chuyện garage nhà tôi?

    – Anh có sure là không mất một món nào không ? Còn bộ chơi golf thì sao?

    Chồng tôi vỡ lẽ, xin phép được chạy xuống basement để xem cái golf bag còn không. Bình thường thì cái golf bag để trong garage từ đầu mùa xuân, khi cần đi chơi golf lấy ra thuận tiện nhanh chóng, đến khi trời vào thu gió lạnh thì để dưới basement cho qua mùa đông, bởi vậy buổi sáng khi thấy garage bị mở toang cửa, là trời đã sang thu, nên chúng tôi vẫn yên chí  bộ golf đã nằm dưới basement, nhưng bây giờ thì rõ ràng là đã bị kẻ trộm mang ra khỏi garage. Chờ cho gia đình tôi hết chộn rộn vì còn ngỡ ngàng, chàng cảnh sát mới tiếp tục qua phone, kể lại câu chuyện cái golf bag được tìm thấy như thế nào.

    Trên đường đi tuần tra vào giờ trưa dưới phố, gần khu cầm đồ mua bán đồ cũ, chàng thấy một người đàn ông, ăn mặc bụi đời, râu ria cẩu thả, vác trên vai cái golf bag. Chàng liền suy nghĩ chớp nhoáng, một real golfer thường ăn mặc rất lịch sự, đàng hoàng, không thể nào... rách rưới tả tơi như thế, lại càng không có chuyện vác bộ golf bag lang thang sật sừ giữa phố thế này, chàng bèn rà rà xe gần người đàn ông, kéo cửa kiếng xe xuống, chào Hello rồi cười:

    – Này ông bạn, đi đánh golf hả?

    Người đàn ông giật mình khi thấy chàng “bạn dân” vui vẻ nháy mắt mà thực ra biết tỏng mọi chuyện, rồi lắp bắp:

    – À, không! Thằng bạn của tui nhờ tui đi... bán bộ golf bag này giùm hắn.

    Nghe tới đây, chàng cảnh sát dừng xe, nhảy phóc ra lề đường, đưa ra tấm thẻ Police, ra giọng nghiêm túc:

     – Đây là số phone của sở cảnh sát gần đây, tôi tạm thời xin được giữ golf bag này, làm phiền “thằng bạn” của anh đến lấy lại nha.

    Người đàn ông ngoan ngoãn vì biết không thể chống cự với chàng cảnh sát cao to, rồi trao cái golf bag cho chàng. Chàng đưa người này về đồn, điều tra thêm để tìm ra chủ nhân, nhưng bên ngoài golf bag có một ngăn nhỏ, trong đó có tấm card chơi golf của chồng tôi với đầy đủ tên, họ và số phone, chàng liền giao người đàn ông này cho chàng cảnh sát khác rồi sau đó liên lạc với chồng tôi để xem nhà tôi còn mất gì nữa không. Đối chứng lời khai với người đàn ông kia, sau đó ông ta được thả còn chồng tôi được hẹn ngày mang golf bag về nhà, coi như xong xuôi, không có chuyện gì xảy ra.

    Phải công nhận chàng cảnh sát nhanh trí, có đôi mắt quan sát “thế sự”, nếu không thì bộ golf đã  cao bay xa chạy vào tiệm cầm đồ. Chồng tôi lại hớn hở:

    – Ở cái xứ này mình đi làm đóng thuế thật đáng đồng tiền bát gạo, mình được phục vụ lại đầy đủ, công minh, hết sức trách nhiệm.

    Tôi góp lời:

    – Chứ còn gì nữa! Chuyện này mà xảy ra ở “thiên đường CSVN” thì quên đi nhe, anh sẽ vĩnh biệt golf bag không hẹn ngày tái ngộ, bởi nếu công an có bắt được kẻ gian thì cái golf bag sẽ bị sung vào “công quỹ”, mà “công quỹ” của chế độ Cộng Sản thì anh biết rồi đấy, có trời mới biết nó sẽ đi về đâu, hoặc anh có muốn lấy lại bộ golf bag cũng trần ai khoai củ, và dĩ nhiên phải tốn... phong bì nữa đấy.

    Nói tới “phong bì”, tôi nhớ ra một chuyện cũ, gần 30 năm trước, khi tôi đi sanh con gái đầu lòng. Mới sanh xong vài tiếng, cô y tá mang vào phần cơm tối theo kiểu Tây. Dĩ nhiên là tôi không ăn vì bà má chồng đã nấu cho tôi nồi thịt nạc với chả lụa kho tiêu đúng kiểu cho bà đẻ. Lát sau cô y tá vào nhắc tôi ăn, và nói thêm:

    – Hay là thức ăn không hợp khẩu vị của cô? Cái tủ lạnh ngay giữa khu Sản có nhiều món khác, cô có muốn không?

    Tôi hỏi cho biết:

    – Có phải trả tiền không cô?

    – No, no! Cô và chồng cô cứ việc lấy ăn nhé.

    Buổi tối chồng tôi đến, tôi ép anh ấy ăn đồ bệnh viện vì nó... free, kẻo phí của giời, dù anh ấy không đói bụng. Đến ngày ra về, tôi và chồng dọn dẹp lại đồ đạc, tôi nói:

    – Anh có mang phong bì tặng cho các cô y tá, hộ sinh, và bác sĩ chưa? Hai ngày qua họ phục vụ rất chu đáo, ở Việt Nam không có phong bì thì đừng hòng họ tử tế.

    Chồng tôi gạt ngay:

    – Đây là xứ dân chủ tư bản, các y tá bác sĩ làm việc với lương tâm trách nhiệm, nhà nước đã trả lương đầy đủ cho họ, em khỏi lo.

    – Nhưng ...

    – Em thấy trên tường nơi bàn tiếp khách khoa Sản chứ, họ treo các tấm thiệp cám ơn của bệnh nhân, đó chính là những món quà quý giá, nếu em muốn thì chút nữa mình mua bó hoa và tấm thiệp gửi lại cho họ.

    Tôi ngỡ mình đang  mơ vì vẫn còn ám ảnh chuyện bệnh viện ở Việt Nam. Hai vợ chồng đi bộ dọc hành lang, tôi lại chợt nhớ ra:

    – À mà quên, anh đã đóng viện phí chưa mà ung dung ra về thế này?

    Chồng tôi tỉnh bơ:

    – Khỏi cần em ạ, chính phủ đã trả hết rồi.

    Tôi vẫn chưa tỉnh mộng:

    – Anh đừng đùa em chớ, biết bao nhiêu là tiền chớ chẳng ít đâu.

    – Anh nói thật đấy, Canada có chương trình y tế toàn dân, em cứ đi từ đây ra cổng xem có ai chặn lại đòi tiền không nhé?

    Ôi, cái xứ tư bản “giẫy chết” này cho tôi hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Tôi sung sướng bước đi cùng chồng, rồi bẽn lẽn:

    – Nếu vậy, em sẽ... đẻ nữa, anh ơi!!!

Kim Loan