10 October 2023

TRUYÊN CỰC NGẮN - Từ Thức

SÁCH


Đang ngồi nhậu bia, đậu phộng, ông bạn đứng bật dậy như một cái lò xo, “chết mẹ, xuýt quên mất”, và lôi tôi ra khỏi tiệm cà phê, như bị ma đuổi.

Ngồi trên xe, đương sự giải thích: chiều nay là buổi ra mắt sách của thằng bạn thân, có vai vế trong làng văn nghệ; tôi là cái đinh của buổi họp, người giới thiệu cuốn sách. Phiền một cái là mình mải nhậu, chưa đọc một dòng, chỉ thấy cái tựa.
Chúng tôi đến trễ 1 giờ, nghĩa là 2 giờ trước khi buổi ra mắt sách bắt đầu, theo phong tục đi trễ, làm trễ luôn luôn được tôn trọng của người Việt.
Anh bạn lên nói thao thao bất tuyệt về tác giả và tác phẩm, quả quyết sẽ đóng góp không nhỏ cho ngôi nhà văn hoá Việt, vốn đã rực rỡ.

Khán giả vỗ tay ầm ĩ, khen diễn giả có tài ăn nói, ứng biến văn hoa tuyệt vời, nói không cần giấy.

Buổi ra mắt sách thành công mỹ mãn. Mọi người hài lòng, từ người giới thiệu tới tác giả, tới những người tham dự.

Sau khi đã đóng góp cho văn hoá nước nhà nói riêng, cho văn hoá thế giới nói chung, chúng tôi kéo nhau ra tiệm, nhậu tiếp. Ông tác giả, vốn hà tiện, vui lòng trả tiền cà phê, tiền phở tái nạm gầu.

*
HÌNH CŨ

Chủ nhật rảnh, tôi mò xuống "cave" dưới nhà, nơi chất những vật liệu linh tinh, không tên, không biết giữ để làm gì, kiếm mấy chai St Estèphe, St Julien còn nằm chờ đâu đó. Người Pháp nói rượu cũng như người; người tốt càng để lâu càng ngon, rượu dở càng lâu càng chua. Chợt hiểu tại sao càng già, mình càng cô đơn, không anh chị nào muốn lại gần.

Giữa một chồng sách, một khung hình cũ, bụi phủ đầy mặt kính.

Lấy tay áo, lau kiếng. Hình cô em gái, hiền dịu, tươi như hoa.

Tôi đã cất cái hình đó trong một góc kín, không dám nhìn. Từ mấy chục năm nay, từ ngày em gái tử nạn, vẫn hy vọng một ngày nào đó đủ can đảm treo tấm hình trong phòng khách. Từ ngày được tin cô em và đứa con 5 tuổi bị sóng cuồng nộ cuốn đi, trong một chuyến vượt biển hãi hùng.

Tôi gói khuôn hình trong một tờ báo, cất kỹ trong một góc, ra khỏi hầm, quên mấy chai rượu đỏ.

*

NƯỚC MẮT

Mỗi người Việt là một bi kịch, hay thảm kịch biết đi, kể cả những người Việt tươi cười, đùa cợt, nhậu nhẹt ồn ào.

Thấy một người Việt đi ngoài đường, không thể không nghĩ đến một câu của Henri Calet. Ne me secouez pas, je suis plein de larmes. Xin đừng lay tôi, người tôi đầy lệ.

Calet không quen người Việt, nhưng nói về người Việt hơn cả những nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Tout plein de ruines à l’intérieur. Bên trong, đầy những đổ nát, điêu tàn.

Những người Việt bên ngoài có vẻ bình an, thanh thản, nhưng bên trong…

Người Tây Phương vẫn khen người Việt trẻ lâu, khó đoán ra tuổi, nhất là phụ nữ. Một cô người Pháp ngạc nhiên nghe cô bạn đồng nghiệp gốc Việt nói đã ba con: trời đất, có con từ hồi 10 tuổi? Bà người Việt, trên mặt không một vết nhăn, trả lời: con út tao cũng ngang tuổi mày.

Henri Calet: C’est sur la peau de mon coeur que l’on trouverait des rides. Những vết nhăn, phải tìm trên trái tim tôi.

Có một cái gì rạn nứt ở đâu đó, vĩnh viễn, dưới những khuôn mặt bình thản.

*
LUẬN VĂN

Đề luận:

Hãy tả một buổi tối êm đềm trong gia đình em.

Bài làm:

Sau bữa ăn, bố em đọc báo, mẹ em ngồi khâu áo, như trong nhạc Phạm Duy. Hai chúng em, em và anh Brian ngồi coi smartphones.

Mẹ hỏi: báo có gì lạ không bố?

Bố: toàn chuyện bầu cử. Tôi ủng hộ ông Trump hết mình. Chỉ có ông ấy giúp mình đánh thằng Tàu, những thằng khác ăn hại đái nát cả.

Brian chen vào, bằng tiếng Mỹ: Trump chỉ giúp Trump, cùng lắm là giúp Mỹ da trắng, coi da vàng ra cái gì, người Việt ra cái gì.

Bố: tao ủng hộ ông Trump, để trừng trị mấy thằng đen, mấy thằng Mễ ăn báo hại nước Mỹ.

Brian, không rời games trên smartphone, làu nhàu tiếng Mỹ: Mấy thằng đen đến đây từ trên 200 năm, mấy thằng Mễ trước đây là chủ Los Angeles.

Bố, không rời tờ báo: Mẹ kiếp, nhà vô phúc. Trứng đòi khôn hơn vịt !

Từ đó, hai bố con giận nhau.

Bữa cơm, vịt ngồi ăn phở tái, bánh cuốn nhân thịt ở đầu bàn, trứng ngồi gặm hamburger cuối bàn.

Ngày ông Trump thất cử, mẹ tâm sự: tao chẳng chính chị, chính em gì, chỉ mong bây giờ không còn ông Chum, hai bố con hoà giải với nhau.

Em nói: mẹ ơi, ông Trump sẽ tái tranh cử kỳ tới.

Mẹ thở dài, ngồi khâu áo.

Từ Thức 

Paris tháng 9, 2003