Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào
thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt
mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi
nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Thôi thì bắt chước cổ nhân thắp vài cây nến nhỏ, châm một
bình trà, rồi ngồi nhẩn nha đọc lại vài bức thư xưa. Lá thư cũ nhất mà tôi còn
giữ được (“Thư
Gửi Các Cháu Học Sinh”) Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đề ngày 3 tháng 9 năm 1945,
có mấy câu vô cùng thắm thiết và cảm động:
“Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Bác đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi… từ giờ phút này trở đi các cháu bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.”
Viễn ảnh về một ngày tựu trường “nhộn nhịp tưng bừng … ở khắp
các nơi” và một “nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” dễ khiến cho lòng người phấn
chấn:
“Chúng tôi thường tự hào đây là một nền giáo dục riêng của
người Việt, một nền giáo dục không có dây dưa gì nhiều với nền giáo dục mà thế
kỷ trước, người Pháp đã mang lại.” (Vương Trí Nhàn. “Mấy
Cảm Nhận Về Sự Khác Biệt Giữa Giáo Dục Miền Nam Và Giáo Dục Miền Bắc.”
Tạp Chí Nghiên Cứu Và Phát Triển số 7-8 năm 2014).
Niềm tự hào này, tiếc thay, không kéo dài lâu. Khi có cơ hội
so chiếu, nhà phê bình văn học và văn hóa Vương Trí Nhàn đã nhìn ra sự bất
toàn:
“Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối
phát triển giáo dục trong chiến tranh… Giáo dục chiến tranh, do dó, luôn luôn
là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức
danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng…
Nói quá lên thì có thể bảo, như một cơ thể, GDMB thuộc loại
tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất
thành nhân dạng. Phương châm ở đây là làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện,
nhưng thấy cần, vẫn cứ làm — rồi để yên lòng nhau, sẽ viện ra đủ lý lẽ để
chống chế, để lấp liếm và xa hơn nữa, sẵn sàng tự ca tụng…”
Hệ quả, tất nhiên, là thảm họa – vẫn theo như nhận định của
tác giả bài viết thượng dẫn:
“Mươi năm gần đây, tình hình có chút đổi khác, nhưng là chỉ
đổi khác trên bề mặt. Cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được
so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người
trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiểu nước
phương Tây, nhất là sang Mỹ để học.
Nhưng họ chỉ lo được cho gia đình riêng của họ thôi. Ở trong
nước, những bài bản của miền Bắc cũ được tân trang lại chút ít vẫn ngự trị
trong toàn bộ nền giáo dục, và trong thâm tâm, nhiều người đã bắt đầu nghĩ rằng
hình như có một bãi lầy đã được tạo ra và chúng ta không bao giờ ra
thoát.”
Đối với những thế hệ đến sau (những kẻ sinh trưởng ngay giữa
“bãi lầy”) thì vấn đề không còn gì để mà bàn cãi nữa. Vũ
Thạch Tường Minh, một học sinh lớp 8, đã khẳng định như vậy:
“Bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác
nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối
nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn
không thay đổi được kết quả gì cả.”
Khoảng cách giữa nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn và cháu Vũ Thạch Tường Minh là ba thế hệ người. Tuy vậy, cả hai đều “nhất trí” là nền giáo dục hiện nay của nước CHXHCNVN (đã) hết thuốc chữa rồi!
Để minh chứng, xin xem qua một “trường hợp thú vị” – nơi một
vùng quê, thuộc tỉnh Rạch Giá – theo như nguyên văn lời của giáo sư Nguyễn
Văn Tuấn:
“Một em gốc Khmer học giỏi, thi đậu vào 3 trường đại học (2
đại học ở Sài Gòn và 1 ở ĐH Cần Thơ), nhưng cuối cùng thì giấc mơ đại học cũng
đành phải bỏ. Ba má em ấy lí giải rằng: học để làm gì, nhìn quanh số sinh viên
tốt nghiệp đại học thất nghiệp tùm lum cả, mà ngay cả xin được việc thì cũng cần
đến 500 triệu đồng đút lót thì làm sao nhà có khả năng lo nổi.
Tôi kinh ngạc về con số 500 triệu đồng (tức là 25000 đôla),
nên phải hỏi lại cho chắc ăn, thì bà con đều khẳng định đó là con số tiêu biểu,
có trường hợp thấp hơn nhưng cũng có trường hợp cao hơn. Tình trạng mua chức
đâu phải chỉ ở ngoài Bắc, mà đang lan về nông thôn miền Tây rồi đấy.”
Mọi tệ trạng vừa nêu đang được Đảng và Nhà Nước “đối phó”
hay “giải quyết” bằng … chỉ thị số 42-CT/TW (“Tăng
Cường Sự Lãnh Đạo Của Đảng Đối Với Công Tác Giáo Dục Lý Tưởng Cách Mạng, Đạo Đức,
Lối Sống Văn Hóa Cho Thế Hệ Trẻ Giai Đoạn 2015 – 2030”) như sau
:
“Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho
thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần
xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý
tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân
thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri
thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự
nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Sự thực thì thiên hạ không còn ai kỳ vọng hoặc quan tâm gì
ráo vào bất cứ lời “kêu gọi” (nghe cứ như hô khẩu hiệu) nào của Đảng tự lâu rồi.
Người dân tìm cách tự cứu qua nhiều nỗ lực rất đáng trân trọng, dù gặp không ít
khó khăn, ngăn trở và sách nhiễu.
Từ Bangkok, biên tập viên Gia Minh có bài tường thuật (“Nhóm
Cánh Buồm Ra Mắt Sách Giáo Khoa Mới”) khá bất ngờ và thú vị. Xin trích dẫn
một vài đoạn ngắn:
Nhóm soạn sách giáo khoa Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn
chủ xướng vào ngày 12 tháng 8 vừa qua giới thiệu bộ sách Văn và Tiếng Việt lớp
sáu tại Trung tâm Văn Hóa Pháp ở Hà Nội. Việc ra mắt sách mới của Nhóm Cánh Buồm
không thuộc Bộ Giáo Dục như thế được cho là một dấu chỉ tích cực trong tình
hình giáo dục Việt Nam hiện nay.…
Một nhà giáo công khai đấu tranh chống những tiêu cực
trong ngành giáo dục Việt Nam lâu nay, thầy Đỗ Việt Khoa cũng tỏ rõ sự ủng hộ đối
với sách giáo khoa do Nhóm Cánh Buồn soạn thảo:
“Đây là nhóm khá tâm huyết đang soạn bộ sách giáo khoa
cho liên cấp từ tiểu học trở lên. Theo quan điểm của tôi làm được một bộ sách
giáo khoa như vậy là công sức cực kỳ lớn, rất tốt. Sẽ có những chỗ chưa được,
có người sẽ đánh giá khiếm khuyết… nhưng sửa dần không sao cả…”
Cùng vào thời điểm này, một công dân Việt Nam khác (ông
Hoàng Thành, 25 tuổi) đã đến trước cổng trụ sở Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, cầm ảnh
của chính mình – với poster in hình con chuột bạch đang bị tiêm thuốc – cùng
dòng chữ: “Học
sinh, sinh viên không phải là CHUỘT BẠCH.”
Khi được hỏi về “ý nghĩa” của việc làm này, ông cho biết:
“Bức ảnh của tôi đơn thuần là một hình thức thực hiện quyền biểu đạt ý kiến của mình. Tôi chỉ muốn nhắn tới các bậc cha mẹ và các em học sinh … rằng: Hãy thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội, thay vì chỉ biết kêu than, vì đó không những là quyền của chúng ta, mà còn là cách chúng ta giúp chính quyền hiểu được nhu cầu của dân chúng và hoàn thiện chính sách sao cho hợp lý nhất…”
Ở bình diện cá nhân, cũng như tập thể – rõ ràng – đang có những
nỗ lực đáng kể của rất nhiều người để vượt ra khỏi cái “vũng lầy giáo dục”
hiện nay. Với ý thức và quyết tâm, chắc chắn, chúng ta sẽ “thoát” bất chấp sự
ngăn trở (cùng sức ì) của chế độ hiện hành – một chế độ mà mọi người đều biết
là sinh mệnh của nó đang được đo đếm từng ngày.
Tưởng Năng Tiến