“Để nhớ một thời buồn nôn, phi lý”.
1
Những tu sĩ đọc kinh như thầm. Giọng quen thuộc đến rỗng mục.
Kẻ tiễn đưa trong khăn tang. Bọn âm nhạc say sưa đánh trống dập xõa thổi kèn.
Nhạc trưởng đi đầu áo vét trắng có gù vai, đầu đội cát két, tay cầm cây gậy chỉ
huy nhạc công. Thỉnh thoảng anh ta tung cây gậy lộn vòng lên không trung, rồi
biểu diễn cách bắt cây gậy điệu nghệ khi rơi xuống. Bọn con nít chạy theo đám
tang đông đúc là vì sự vụ vui mắt.
Từ một vài khung cửa cao mở hờ đôi mắt nhìn đám tang đang lặng
lẽ đi qua. Ở một ngã tư người cảnh sát thổi còi ra hiệu nhường đường. Không
gian co nhàu, cúi đầu chào biệt. Chiếc xe tang có sức thu hút người qua đường với
tấm ảnh màu trên nóc áo quan khá trang trọng một sĩ quan vận lễ phục, hai cầu
vai dây biểu chương óng vàng, nơi ngực áo nhiều huy chương.
Bỗng, đám tang như cái nút chai bịt một đầu con đường hẹp,
xe cộ bị kẹt lại ùn ùn phía sau, một không gian ám khói, nghẹt thở. Người nhắm
mắt trong áo quan chắc còn thính tai, chừng nghe rõ cái bực bội phố phường mọc
ra từ những bãi nhậu bình dân. Nỗi buồn cháy trong nắng. Một biệt ly xám màu được
mô tả qua triết lý vỉa hè, cái cách của phố thị trập trùng mâu thuẫn thời chinh
chiến.
– Tao không nói ngoa đâu, chết vầy là ngon cơm lắm rồi.
– Biết rồi, nhậu đi, đừng giảng giải.
Một người đàn ông quần đùi mình trần, nỗi đau thời thế thúc
đẩy, anh nổi đóa:
– Đ.m chết vầy oai phong, sống lâu năm mà như con chó không
biết nhục nhã thì sống làm quái gì. Tao có một cái đầu như con ốc sên, một tấm
thân lực lưỡng mà như không xương sống, ờ ờ, đáng sống lắm đó.
– Con người ốc sên bằng lòng với cái ốc sên cũng phẻ re rồi.
– Uống đi hai cha nội. Cạn nốt. Cho đây thêm sáu chai nữa cô
Bảy, mỗi thằng tui một cặp. Mụ vợ tao thấy tao say là nhì nhằng om tỏi. Mụ là
loại máy hy hữu trên thế gian không cần nạp pin hay điện. Ngày nào cúp điện máy
càng cằn nhằn hết công suất.
– Mấy tháng trước bác sĩ bảo gan tao sưng ù. Ôi, mình đâu có
sống cho một lá gan mà kiêng cử. Tim gan phèo phổi hoàn hảo bỗng một trái pháo
ùm, là xong. Tích tắc thôi. Nào, cạn.
– Nghĩ cũng buồn quá há, ông ấy chết còn trẻ.
– Anh không chết đâu em, anh chỉ về nơi mẹ mong con.
Cô Bảy nướng thêm con khô mực, tay quạt lửa phập phù, miệng
nhâm nhi hát nhỏ. Hai má cô ửng hồng, lấm tấm mồ hôi. Tàn lửa vụn bay xây vần
trên bếp lò như môt đám phù du đỏ.
**
Trên đồi, cây lưa thưa người ta đặt Tòng xuống chỗ đất đào sẵn.
Một anh tầm phào nói đùa, “Cái giường thiên thu này không có đệm.” Tòng nghe những
lời cầu nguyện, tiếng khóc, những tiếc thương mà suốt đời đôi khi chàng mơ ước
được nghe. Mỗi người thân thuộc, những cánh hoa, những nắm đất ném xuống nắp áo
quan. Tòng đã yên nghỉ.
Trong màn sương nước mắt tôi không thấy Ân chỉ nghe nàng rên
rỉ, “Anh Tòng không chết, anh Tòng anh Tòng của em.” Tòng trở về từ chuyến tải
thương, chiều hôm trước. Vết thương quá lớn, người hết máu, không còn, không thể
cứu cấp.
Bên huyệt mộ Tòng tôi thèm một cốc rượu. Rượu, như xưa cùng
bạn. Rồi vu vơ hỏi:
– Tòng, lên trển hay xuống dưới?
– Tao xuống.
– Làm quái gì chỗ xuống ấy?
– Sẽ đi lang thang trong những ngày đầu như cha ông chúng
mình đã từng, để biết quang cảnh chung. Dưới ấy trên này chừng như nhau.
– Tao hỏi mày sẽ làm gì? Đi lang thang không phải là “làm”?
– Còn tùy, cũng như mọi người, muốn an lành tao sẽ thọ lãnh
một vài hình phạt, gọi là được phục vụ.
– Chúng ta tội lỗi
gì?
– Đó là thủ tục
nơi tao sẽ làm một công dân. Chứng minh cho một lựa chọn mà người-trên-ngai
luôn gọi là trung thực và có thực. Họ luôn tạo ra rối rắm xã hội để thể hiện
tài cai trị của mình. Rằng đã là con dân thì luôn phải phạm một tội lỗi gì đấy.
Bất cứ ai, hình như ai cũng đã phạm một tội gì. Một tội mơ hồ, một tội mông
lung. Tội tắm xả cái thân thể trần tục trên một dòng suối. Tội không cam tâm chịu
đựng mà từ cần cổ tự động phọt trổ ra lời than thở về áp bức vô lý gánh chịu. Một
tội đã hít thở không khí từ kiếp này, chẳng hạn.
– Kiếp này là kiếp
nào?
– Kiếp trần gian.
2
Người xà ích đánh
xe qua con lộ nhỏ. Chiếc quan tài rung rinh lọc cọc. Có quá nhiều quả pháo bay
trong không trung, quá nhiều cái chết của một quê hương nhiều rừng núi. Quan
tài rất đông đi qua trong sáng/chiều nay. Đông mà lẻ loi. Mỗi áo quan mỗi cách,
mỗi lọai xe. Bầu trời cũng nhiều mây. Cây cối cũng nhiều bóng đen đổ dài. Nắng
vàng quá đỗi. Ân đi sau những hàng nến. Âm thầm như nến. Cháy dần, chảy dần.
Cánh đồng bỗng
dưng khô khan. Cỏ chết vàng rươm tận chân trời. Có tiếng chân ngựa, tiếng hí
vang. Nỗi xao xuyến nhẹ rỗng cùng gió. Người ta mang đến quê hương nhiều
màu-cái-chết. Những mộ úa, những mặt người đỏ vàng lẫn lộn. Mộ bia hàng hàng đều
như răng thiếu nữ.
Gần bờ tường thấp,
bao quanh mấy cây sầu đông, có một ông già ăn vận đơn sơ, tay cầm dù, đi qua lại
dọc những hàng chữ trên các mộ bia. Thỉnh thoảng trở cán dù chỉ vào mặt kẻ chết
trên bia đá. Lão như tìm một ai thân quen thất lạc, đã hóa xương trong đất. Có
thể đất này.
**
Tòng thảnh thơi nằm.
Những anh chàng vận đồ âm công là nhiệt tình nhất trong việc hoàn thành cho
Tòng một cái nấm. Nhìn một đứa bé ba tuổi ăn vận áo trắng để tang cha, tôi nói
với Ân: “Tòng gặp đứa con mình lần cuối là một tháng trước, chiến trường không
cho phép Tòng nghỉ ngơi”. Ân nói: “Anh ấy nói lời trối trăn từ trước rồi”.
Tôi hỏi Tòng nói gì? “Anh đã nói – Ân trả lời – anh vẫn an
tâm cho một-mai-sẽ-chết, em cố gắng nuôi con, và dạy nó đối xử với đời nên nhân
ái hơn những cha ông của chúng.”
Gió đập lật bật.
Cơn mưa lớn tràn đến bất ngờ và khốc liệt. Trời đã gội mái tóc Ân bằng thịnh nộ.
Có lúc tóc nàng bị gió bung chẻ thành một bầy rắn đen nhảy múa. Bọn rắn đen
bay. Và dòng mưa trắng nhòa bị gió mạnh uốn cong như vô hình bủa lưới.
Những tiếng còi của
cảnh sát chặn xe từ các ngã tư – chặn người sống để kẻ chết đi
qua – đã thành những âm thanh khô mục của quá khứ. Nhưng mộ Tòng là một
Có-mặt, còn tươi.
3
Tôi hiểu là mình
đang ngủ. Đêm trụi trơ. Không còn Tòng, không có Ân. Biển vỗ âm u. Tôi nhớ sóng
và rừng. Đi xa, nhớ biển Đông và nhớ Trường Sơn là căn bệnh sầu cảm của người
miền Trung, nơi đại dương và muôn nghìn núi ép con người vào giải đất hẹp, đầy
âu lo và mộng mị.
Mùa hạ chiều, những
cơn mưa núi cuồng nộ, đầy trời sấm sét, đánh chết đứng người cày ruộng giữa đồng.
Ngày đông, giông bão hóa phép nhà bay trâu bò bay, dạy cho chiếc xe to đùng biết
lăn tròn từ lòng đường xuống vực sâu. Tôi là cái đinh gì trong cái chòi lá thay
nhà thời tản cư tránh giặc Pháp, tôi bay cùng mẹ. Chúng tôi bò, bám vào những cột
tre quay lông lốc. Đêm thì đương nhiên mịt mù tối, chỉ bọn quỷ ma là thấy rõ đường
đi nước bước của rủi may.
**
Tôi hiểu là mình
còn mơ ngủ. Đã hôn Ân trên bờ sông đêm khi mới quen nhau. Cũng mùa hè năm đó
tôi bỏ tuổi thiếu niên, trở thành một gã đàn ông biết gieo rắc tinh trùng.
Theo giấc ngủ,
tôi lên chuyến tàu vào Nha Trang, toa hạng ba, nấp lén lút vì thiếu tiền mua vé
suốt. Khi kẹt vì kiểm soát vé gắt gao, tôi cùng bọn như tôi leo lên nóc tàu. Nằm
ép sát người mỏng như mảnh giấy khi con tàu chạy qua hầm tối. Những rong rêu những
cái chết ảo, những giọt nước nhỏ nhoi như dao cắm phập vào người vì sợ hãi. Khi
âm thanh còi tàu thoáng rộng là tàu ra khỏi hầm, tôi ra khỏi cái chết. Tôi lại
rất mong manh, có thể chờ một rủi ro khác.
Nha Trang là cái
túi chứa du khách sang trọng, tôi chỉ là viên sỏi bụi bặm. Tôi đi lang thang.
Cuộc chiến bó gói Nha Trang càng lúc càng nhỏ hẹp chật chội. Những ngoại ô dần
dà cháy sém bởi quả pháo, tiếng mìn.
Bơ vơ riết rồi
cũng quen. Thấy người chết không cảm động. Thấy chia ly không buồn. Dửng dưng với
sân ga. Ai vĩnh biệt kệ cha. Đêm như ngày, mưa nắng như nhau. Kỷ niệm như da thịt
dính liền với thân thể không thể cắt bỏ không thể đổi màu.
Tôi làm cu ly vác
gạo bến tàu như vác Ân trên vai. Vác gạo chán, thuê xích lô đạp. Cảnh sát luôn
chặn bắt những thằng đang tuổi lính.
Tuổi trẻ, một đám
rong biển với những đưa đẩy vô tình của sóng, với tiếng gầm thét cuồng nộ thời
sự. Những ngày tháng ngủ quên thức giấc mặt trời mọc trên đầu dưới chân không
tìm thấy phương hướng, không hiện hữu. Những xô bồ của hiện tại như những đinh ốc
vít vào đôi tai đôi mắt. Những biến động làm thiên lệch cái nhìn vốn chưa đủ
chín.
Đám rong biển vẫn
sống với những lênh đênh dành cho. Như bọn người lạc bước, thế hệ tôi và Tòng
thấm đậm ưu tư. Lòng người là bãi chiến trường, nơi súng đạn nổ hết dã tâm của
mình.
Một đôi lúc cũng
nghĩ ra, chúng ta đâu là những con chó ngồi yên phận gầm giường. Nhưng vùng
thét qua môi trường nào, một định vị nào cho cuộc dấn thân? Cái hiện tình triết
học buồn nôn phi lý, thuở ấy, hẳn là một áp lực vây khổn.
Bẻ một cành cây
thả trôi để mong tìm ra hướng di chuyển của con nước như không muốn trôi, chưa
định hướng cho chính Nước, chúng tôi bập bềnh. Buổi mai sớm ngồi chờ sương tan,
lòng sợ hãi một mông lung, một không nghĩa lý, là bình minh có thể không bao giờ
trở lại. Chúng tôi không còn tin vào những chân lý vĩnh cửu. Và bị đóng đinh
trong một cuộc tranh chấp máu lửa nhưng ù lì không lối thoát.
Trong con sóng thời
đại lêu bêu bập bùng, tôi đi hoang, tháng ngày không điểm tựa. Tòng khác hơn,
anh đã chọn con đường nhỏ, con đường rất gọn làm ngã rẽ đời mình: cưới vợ.
Những khuôn mặt
trai trẻ của một thời, của tôi và những Tòng, nếu vẽ chân dung họ rất giống
nhau. Chỉ có hai loại khuôn và màu mặt. Khuôn, rõ là Việt Nam. Màu, Đỏ
hoặc Vàng. Vàng thì hỗn tạp nhiều loại vàng, của vàng ròng, lá úa, màu da bò ngựa,
da người ung thư gan, nói chung rất đa dạng. Đỏ, chỉ rặt đỏ một màu. Màu của
máu đang chảy.
4
Tôi vừa ngủ vừa mở
cây dù che mình cho Ân. Những hạt mưa ly ty bay lướt thướt. Tôi nghe mình nặng
nặng, giá khóc được tôi sẽ khóc to lên, giá hôn được tôi sẽ hôn một người, sẽ
siết vào lòng. Ân bên tôi tìm sự che chở. Hoạt cảnh ấy luôn cháy trong nắng
mùa, rất ủ dột trong hiu hắt những chiều, và luôn chảy thành nước lúc hai chúng
tôi là một.
Bây giờ mùa hè ấy
chết queo trong quá khứ, quán chiều bỏ quên, những đôi trai trẻ xưa đã là những
thân phận thừa mứa cặn bã đời. Những cây gậy man trá đưa cao, những dao mài nhọn,
những bài ca làm nhãn hiệu. Lòng người được trồng tỉa hạt giống căm thù, nuôi bằng
phản bội, được cung cấp cho nhau những kết quả không là kết quả từ sự thật.
**
Lòng không bạc,
nhưng đầu tôi đã bạc rồi. Tôi ngồi yên, trong đời ồn và rộng, như một
người tù đói chờ lần cho cơm qua cái lỗ nhỏ. Trong này lạnh và tối. Đá bốn vách
tường giam luôn ẩm ướt những mồ hôi và mùi đau kẻ trước. Đá luôn thở dài, vì phải
chôn mồ những chí lớn trong lòng đá nhiều năm của những con người danh tiết.
Bao nhiêu năm tôi
đi giữa đời rỗng và ồn. Tôi được mãn tù, bước ra từ một cánh cửa sắt sét rĩ.
Tôi không thể chạy được vì từ bao nhiêu năm đôi chân đã rất yếu, gần như bại liệt
trong giam cầm. Tôi chỉ còn Tiếng Nói. Mà chừng, “Chẳng còn ai nghe ai nói.”
**
Người đàn bà, phải
là Ân không, vẫn ngồi đó. Bầy rắn đen trên tóc nàng đã nhuốm bạc. Một bầy rắn
thời gian mệt mỏi, xuống màu. Trong căn phòng nhỏ, nơi vách tường vẫn treo tấm
hình người sĩ quan đặt trên nóc áo quan xưa kia, hai đứa bé ngồi chơi với một
vài món đồ chơi. Một đứa gọi: “Bà nội ơi anh Bi giựt đồ chơi của con.”
Buổi nhỏ mẹ tôi
thường nói: “Con là thằng bé ưa khóc sau mỗi giấc ngủ trưa.” Những xao xác tiếng
gà trưa, thức giấc nghe trong lòng bùi ngùi, thương nhớ không đâu, không hiểu
buồn cái gì, biết gọi tên ai, tôi co ro một mình. Yếu đuối một mình. Đứa bé làm
gì khác hơn khóc?
Đã bao năm trôi
qua, kể từ hôm Nàng ra biển, mỗi đêm tôi mỗi giấc ngủ. Giấc mơ ấy cứ hiện ra
hoài. Quên đi rồi lại gặp. Vẫn một giấc mơ cũ. Ba mươi tám năm mất Nàng. Buồn
làm sao, khi tôi không thể chỉnh sửa được giấc mơ như mình từng phúc thảo một bản
viết ban đầu.