09 November 2023

BÀI THƠ TÀI TÌNH - Ngu Yên

Tài tình, nghĩa từ điển là giỏi giang, khéo léo đến mức đáng khâm phục. Chữ “tài” khá dễ hiểu. Tài là khả năng vượt trội từ trên mức độ trung bình cho đến cấp cao. Trong mỗi lãnh vực, mỗi môi trường, tài cao đến mức nào, khó mà xác định. Tài cao hay thấp là nhờ so sánh với những người khác có tài trong cùng một thể loại. Người có tài làm thơ là người thường xuyên có những bài thơ hay từ mức trung bình trở lên. “Mức trung bình” là một cách nói để chỉ định bài thơ hội đủ một số những đòi hỏi của văn học và nghệ thuật thi ca.

Chữ “tình” ở đây, có lẽ, nhiều người đã lầm, từ điển cũng lầm, khi cho nó là tình cảm, ‘giàu tình cảm’. “Tài tình” không có nghĩa đối nghịch với “tài trí.” Chữ ‘tình’ này là cảm xúc, cảm giác, siêu nhận thức, vô thức, thông diễn, hoặc là ngộ. Nó là một thứ gì tinh hoa một cách kỳ diệu, lạ lùng, mãnh liệt, biến hóa. Nó đến và đi vượt ra ngoài vòng kiểm soát của lý trí và hiểu biết (cho đến giai đoạn này.) Nguyễn Du viết, “Nghĩ đời mà ngán cho đời, Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.” Ông đã cảm ra, cái tài đến từ cái tình kiểu này chỉ có trời đất mới biết được. Tài tình thuộc về siêu nhiên. Hai câu thơ của ông là thơ tài tình. Mãi đến giờ này, mấy ai viết được câu thơ thâm thúy đầy trải nghiệm sống như vậy. Tài tình vượt lên thời gian, một thời gian dài.

Thơ tài tình luôn luôn hiếm hoi và thường đến từ sáng tạo của những nghệ sĩ tài hoa. Tài tình sâu rộng hơn tài ba, tài giỏi, và là nguồn khi thành hình phát lộ ra ngoài, gọi là tài hoa. Tài hoa là hiệu quả của tài tình khi nó xuất hiện.

Bài Thơ Tài Tình.

Như vậy, bài thơ tài tình thuộc về siêu nhiên? Bất kỳ là thứ gì, chuyện gì, nếu không thể giải thích, không thể chứng minh, người ta dùng cụm từ siêu nhiên để giam giữ lại, chờ một ngày mai có thể hiểu rõ hơn. Rất nhiều điều siêu nhiên trong quá khứ, sau đó, đã được khoa học giải thích rõ ràng, không còn siêu nhiên nữa. Có thể nói, siêu nhiên là những gì mà con người chưa thể giải thích hoặc chứng minh. Lập luận này cho phép thơ tài tình đến từ siêu nhiên.

Tôi không tin vào siêu nhiên, tôi tin vào khả năng siêu việt của con người. Bí mật lớn lao nhất của nhân loại là con người chưa thể tự hiểu mình một cách tận tuyệt về cái tốt cũng như cái xấu. Khả năng phát triển của người lớn hơn, có thể gấp bội lần, những khả năng họ đang có, đang biết. Bằng chứng đâu?

Không phải tự nhiên mà các triết gia từ Socrate đến nay đã nhấn mạnh khả năng trí tuệ và tâm tư. Không phải không có lý do suy tư và tin tưởng mà Niretzsche đề xuất thuyết Siêu nhân. Cứ nhìn lại lịch sử, có phải càng về sau khả năng nhân loại càng tiến triển một cách rõ rệt, họ làm nên những thứ mà các thế hệ trước không làm được. Và không ai có thể bác bỏ chuyện con người tương lai sẽ còn làm ra nhiều kết quả không thể tưởng tượng.

Hơn nữa, tôi không nghĩ thánh thần nào rảnh rỗi để nhập vào con người hoặc mượn con người để làm thơ hay. Nội việc trừng phạt kẻ xấu, thưởng công người tốt, họ chưa làm xong, giờ đâu mà làm thơ?

Vả lại, những bài thơ do các ông đồng bà bóng được tiên thánh nhập vào ứng khẩu thành thơ, hầu hết là thơ dở.

Bài thơ tài tình là do người có khả năng tài tình làm ra.

Khả năng tài tình là gì?

Hồn là ai là ai? tôi không biết

Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi

Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười 

Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng

Tôi chết giả và no nê vô vạn

Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng

Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng

Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến 

Thịt da tôi sượng sần và tê điếng

Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm 

Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực 

Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức 

Rồi bay lên cho tới một hành tinh

Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình

Để gào thét một hơi cho rởn ốc

Cả thiên đường trần gian và địa ngục 

Hồn là ai? là ai! tôi không hay

Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay 

Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc (Hồn Là Ai? Hàn mặc Tử.)

Trong kho tồn trữ thi ca của người Việt, có lẽ, đây là một trong số ít bài thơ biểu lộ khả năng tài tình của thi sĩ, từ ý chính kỳ lạ, nội dung lạ kỳ, tứ thơ độc đáo, phong cách diễn đạt đơn giản mà thâm trầm, hình ảnh tiếp nối sinh hoạt sống động, cử động. Phong cách độc thoại mà đối thoại với linh hồn. Sự trơn tru và nhất quán từ đầu đến cuối. Tất cả đã tạo ra một bài thơ tài tình.

Hai câu mở, Hồn là ai? rồi điệp ngữ nghi vấn, là ai? mà chọc ghẹo tôi. Chỉ vậy thôi đã đủ lôi cuốn người đọc tò mò muốn đọc cho hết bài.

Mớm cho tôi ánh sáng. Cảnh mẹ mớm con thơ mới biết ăn. Cảnh người bệnh không ăn nổi, được chăm sóc. Tôi chết giả … cười như điên sặc sụa mùi trăng. Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến khiến tôi đau rùng rợn… Những tứ thơ như vậy đến từ đâu? Đầy cảm xúc mà không làm ngôn ngữ chết đuối.

Ba câu kết, vẫn không cho biết hồn là ai? Để mỗi người đọc tự giải mã, tự tưởng tượng, tự mang cái tôi của mình vài cái tôi của thơ, của tác giả. Chúng ta đều đang đi chơi ở một cõi đi về mà Trịnh Công Sơn đã nói. đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, phải chẳng là Hồn mê mệt lả mà tôi thì chết giấc?

Nếu chúng ta loại bỏ những giải thích mang tính tôn giáo như “thông diễn” của Thiên Chúa giáo và “ngộ” của Phật pháp, để định nghĩa khả năng tài tình theo khoa học, đó là “tài năng phản xạ từ sức nhạy bén của trí thông minh tổng quát và đặc biệt, có một siêu nhận thức vượt trội (metacognition).” Nếu thỏa thuận với nhận định này theo khoa thần kinh học và tâm lý học, chúng ta cần suy xét về hai thành phần chính yếu: 1- nhận thức vượt trội và 2- trí thông minh đặc biệt. Bên cạnh là các cụm từ “phản xạ” và “ sức nhạy bén.”

Điều mà chúng ta đã từng chia xẻ, chỉ nhắc lại, những cụm từ mang tính trừu tượng chỉ là y phục, còn thị da ý tứ bên trong lộng lẫy hơn, sâu sắc hơn.

Nhận thức vượt trội.

Nhận thức (cognition) được coi như là một “siêu giác quan” bên trong cùng với năm giác quan bên ngoài tạo nên khả năng nhận biết của con người. Nhận thức cho chúng ta thấy và hiểu những cảnh, những chuyện xảy ra trong tâm trí. Ví dụ như khi con người nhắm mắt và tưởng tượng một phần đời tương lai của mình. Khả năng nhận thức không có giới hạn và nó dao động giữa ý thức và vô thức. Nhận thức được định nghĩa một cách đơn giản là tất cả những quá trình và năng lực tinh thần sử dụng hàng ngày như trí nhớ, học tập, đánh giá, lý luận, quyết định … Nhận thức tạo ra kiến thức và hiểu biết.

Nhận thức còn mời gọi những thông tin, kiến thức tồn trữ, đã được trải qua quá trình suy tư, tưởng tượng hóa, và vô thức hóa. Những gì một người có thể thấy khi suy nghĩ, có thể thấy một cách ngẫu nhiên, có thể thấy bất ngờ, có thể thấy một cách khác, cách lạ lùng hoặc theo kiểu chưa thấy bao giờ, đều do nhận thức mang đến. Khả năng này là khả năng tiên đoán, tái tạo. tái giải mã, tái giải thích những thông tin và kiến thức tồn trữ trong nội tâm. Gọi là “Siêu nhận thức,” metacognition. Siêu nhận thức thường được hiểu là “suy nghĩ về suy nghĩ.” bao gồm “tri thức siêu nhận thức”, (metadognitive knowledge) và “kinh nghiệm siêu nhận thức” (metacognitive experience). Nó là khả năng chế tạo hiểu biết cuối cùng của con người. Ví dụ, câu nói nổi bật của Decartes, “Tôi suy nghĩ, nên tôi hiện hữu,” có thể sẽ phải viết thêm, “Tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu, tôi suy nghĩ về suy nghĩ nên tôi nghi ngờ.”

Siêu nhận thức và nhận thức khó phân biệt được ranh giới. Tuy nhiên, siêu nhận thức đưa kiến thức và hiểu biết lên cấp độ cao hơn và giúp cho con người hoàn thành những việc làm tốt đẹp hơn.

(Mời đọc bài viết về “Lý thuyết sáng tác quá trình nhận thức,” của Ngu Yên để hiểu rõ hơn vai trò của nhận thức và siêu nhận thức.)

“Sự khác biệt chính giữa nhận thức và siêu nhận thức xuất phát từ thực tế là trong khi nhận thức giúp một người tham gia vào nhiều quá trình tinh thần khác nhau để hiểu thế giới xung quanh thì siêu nhận thức còn tiến xa hơn một bước. Nó liên quan đến việc kiểm soát tích cực các quá trình nhận thức. Đây là lý do tại sao siêu nhận thức thường đi trước một hoạt động nhận thức.” (Difference Between.com, Difference Between Cognition and Metacognition.)

Đến đây, có lẽ bạn đọc đã nhìn thấy siêu nhận thức có khả năng đưa ra những hiệu quả tài tình.

Trong phạm vi thi ca, siêu nhận thức là nguồn và động lực sáng tạo bài thơ tài tình.

Trí thông minh đặc biệt.

Trí thông minh đặc biệt vượt lên mức trung bình, vượt lên thông minh thực tế, vượt lên cả thông minh trừu tượng để tiến đến thông minh siêu việt. “Siêu thông minh là một khả năng giả định sở hữu trí thông minh vượt xa trí tuệ của những bộ óc thông minh và tài năng nhất của con người." (Wikipedia).

Dĩ nhiên trí thông minh vượt trội, gọi là “trí thông tuệ” cũng liên quan mật thiết với siêu nhận thức. Khả năng tài tình dựa trên sức nhạy bén của trí thông tuệ để mở cửa cho siêu nhận thức xuất hiện. Tùy cánh cửa mở lớn hay nhỏ, mở bao lâu, mở rồi đóng rồi mở, mở bất ngờ, để những sáng tạo diệu kỳ xuất hiện, biến hóa, bay nhảy thành bài thơ. Trong môi trường thơ, diễn trình này đến một cách tự động, tự nhiên, tự ý thức, tự thẩm mỹ hóa, nằm trong quá trình sáng tác phản xạ.

Bùi Giáng là một trong vài thi sĩ có tính sáng tác phản xạ cao kỳ. Phản ứng phản xạ tứ và chữ trong câu thơ của ông là căn cước Bùi Giáng và là phẩm chất đặc thù của thi sĩ này trong lịch sử thi ca Việt.

Bàn chân bước người đi về một thuở 

Lá phân vân bờ bến cát sương rung 

Trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ 

Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng!

(Người đi đâu.) 

 

Tôi cười tôi khóc bâng quơ

Người nghe cười khóc có ngờ chi không?

(Bao giờ.) 

 

Tiếng nói xa vang trên đầu ngọn lúa 

Vì ngôn ngữ ngày kia em để úa 

Bỗng lên lời bên mép cỏ như sương

Cũng xanh như giòng lệ khóc phai hường 

(Biểu tượng nguyên sơ.)

 

Chiều hôm nay em có nghĩ thế nào

Đời dại khờ như một giấc chiêm bao

– Ừ thế sao? Em hãy rủ ta vào

(Và màu xuân đó.)

Bùi Giáng viết hàng trăm ý và tứ thơ đầy ngạc nhiên, thâm trầm, gây thú vị. Sức sáng tác phản xạ, phản ứng với cảm xúc tạo cho thi sĩ họ Bùi một vị trí riêng

biệt.

Có thể nào học làm thơ tài tình?

Cách giải thích thơ tài tình theo kiểu khoa học có thể làm mất đi những bí ẩn thần kỳ của thơ, hoặc huyền thoại của thơ. Một số người vẫn thích giữa lấy những bí mật của thơ để thơ trở thành một thứ gì bất khả xâm phạm, bất khả thảo luận, có lẽ, vì vậy mà thơ càng ngày càng ‘teo’ lại, người đọc trẻ càng ngày càng thực tế, càng ít mơ màng, càng xa thơ.

Tiếp cận sự giải thích bài thơ tài tình dẫn đến sự hiểu biết ngọn ngành hiệu quả của thơ với phản xạ thông minh và siêu nhận thức. Câu hỏi căn bản là: Có phải những ai không có trí thông minh vượt trội sẽ không thể làm những bài thơ tài tình?

Tôi thực sự không biết. Đây có lẽ là thử thách cho những ai làm thơ. Nhưng có chuyện này thì tôi biết. Khả năng siêu nhận thức và sức bén nhạy thông tuệ có thể tu tập. Hiện nay, trong ngành giáo dục, ngành tâm lý thực hành, ngành cải thiện xã hội, đã có một số phương pháp và lý thuyết để khai mở và phát triển uy lực của siêu nhận thức và khả năng thông tuệ. Khoa học nói chuyện trần trụi quá, khiến nghĩ về thơ đâm ra áy náy. Cứ như ai đang mang vợ mình ra mổ xẻ từ thân thể đến tinh thần. Tuy nhiên, khi nghĩ lại: Chẳng phải các tỳ kheo đi theo các đại sư phụ để tiệm tu đạt đến đốn ngộ hay sao? Chẳng phải các môn đệ theo Chúa Jesus học tập trí thông diễn để trước tác bộ kinh thánh, một bộ sách khôn ngoan của nhân loại? Chẳng phải các môn sinh theo học các triết gia từ Socrate cho đến Sartre, vân vân, để trở thành tiến sĩ khôn ngoan?

Có thể nào không?

Có thể nào viết được một bài thơ tài tình như Hoàng Cầm sáng tác “Bên Kia Sông Đuống?” Một bài thơ ngắn dễ tiếp cận tài tình, làm thơ dài khó hơn vì khả năng siêu nhận thức phải liên tục cung cấp và kiểm soát qua phản xạ và sức nhạy bén của thông tuệ phải mở cửa, lót đường cho thơ tài tình.

Tôi đọc bài thơ này nhiều lần. Yêu thích đến mức phổ thành một trường ca “Bên Kia Sông Đuống.” Mỗi lần đọc lại, lòng vẫn tấm tắc. Nếu bạn đọc biết được bối cảnh khi thi sĩ Hoàng Cầm viết bài này, bản đầu tiên, trong một đêm đang đóng quân, nghe tin quê nhà bị giặc Pháp ruồng bố. Bạn sẽ cảm ra khả năng siêu nhận thức và phản xạ thông tuệ xuất hiện tinh anh nhất khi cảm xúc lên cao độ.

Em ơi! Buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống 

Ngày xưa cát trắng phẳng lì

 

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ 

Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biếc

Đứng bên này sông sao nhớ tiếc

Sao xót xa như rụng bàn tay

 

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong 

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp 

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn 

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn 

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang 

Mẹ con đàn lợn âm dương 

Chia lìa trăm ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã 

Bây giờ tan tác về đâu?

 

Ai về bên kia sông Đuống 

Cho ta gửi tấm the đen

Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên 

Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai 

Trong chùa Bút Tháp 

Giữa huyện Lang Tài 

Gửi về may áo cho ai

Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?

Những nàng môi cắn chỉ quết trầu 

Những cụ già phơ phơ tóc trắng 

Những em sột soạt quần nâu

Bây giờ đi đâu, về đâu?

 

Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen 

Những cô hàng xén răng đen 

Cười như mùa thu toả nắng

Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen

Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối 

Những nàng dệt sợi

Đi bán lụa mầu

Những người thợ nhuộm Đồng Tỉnh, Huê Cầu 

Bây giờ đi đâu, về đâu?

 

Bên kia sông Đuống

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Dăm miếng cau khô 

Mấy lọ phẩm hồng

Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm 

Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn 

Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo 

Xì xồ cướp bóc

Tan phiên chợ nghèo

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

 

Chưa bán được một đồng

Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong 

Bước cao thấp trên bờ tre hun hút 

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?

Mẹ ta lòng đói dạ sầu

Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

 

Bên kia sông Đuống 

Ta có đàn con thơ

Ngày tranh nhau một bát cháo ngô

Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn 

Lấy mẹt quây tròn

Tưởng làm tổ ấm

Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm 

Ú ớ cơn mê

Thon thót giật mình

Bóng giặc dày vò những nét môi xinh

 

Đã có đất này chép tội

Chúng ta không biết nguôi hờn

Đêm buông xuống dòng sông Đuống 

Con là ai? - Con ở đâu về?

Hé một cánh liếp

- Con vào đây bốn phía tường che 

Lửa đèn leo lét soi tình mẹ

Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng 

Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể 

Những chuyện muôn đời khôn nói năng

 

Ðêm buông sâu xuống dòng sông Ðuống

Ta mài lưỡi cuốc 

Ta uốn lưỡi liềm 

Ta vót gậy nhọn 

Ta rũa mác dài

Ta xây thành kháng chiến ngày mai 

Lao xao hàng cây bụi chuối

Im lìm miếu đổ chùa hoang 

Chập chờn đom đóm bay ngang 

Báo tin khủng khiếp

Cho giặc kinh hoàng

Từng từng tiếng súng vang vang

Trong đêm khuya thoảng cung đàn tự do 

Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ

Xoá cho ta hết những giờ thảm thương



Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống 

Bộ đội bên sông đã trở về

Con bắt đầu xuất kích

Trại giặc bắt đầu run trong sương

Dao loé giữa chợ 

Gậy lùa cuối thôn

Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn

Ăn không ngon 

Ngủ không yên 

Đứng không vững

Chúng mày phát điên

Quay cuồng như xéo lên đống lửa 

Mà cánh đồng ta càng chan chứa 

Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân 

Gió đưa tiếng hát về gần

Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa 

Tiếng bà ru cháu xế trưa

Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu

“À ơi... cha con chết trận từ lâu

Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”

Tiếng em cắt cỏ trại tù

Căm căm gió rét mịt mù mưa bay 

“Thân ta hoen ố vì mày

Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”

Em ơi, đừng hát nữa lòng anh đau 

Mẹ ơi, đừng khóc nữa dạ con sầu 

Cánh đồng im phăng phắc

Để con đi giết giặc

Lấy máu nó rửa thù này 

Lấy súng nó cầm trong tay 

Mỗi đêm một lần mở hội

Trong lòng con chim múa hoa cười

 

Vì nắng sắp lên rồi 

Chân trời đã tỏ

Sông Đuống cuồn cuộn trôi 

Để nó cuốn phăng ra bể 

Bao nhiêu đồn giặc tơi bời 

Bao nhiêu nước mắt

Bao nhiêu mồ hôi 

Bao nhiêu bóng tối 

Bao nhiêu nỗi đời

 

Bao giờ về bên kia sông Đuống 

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm 

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

 

Ngu Yên 

Houston, 20 tháng 8, 2023.