Cô đơn, hầu hết từ người lớn đến trẻ con đều trải qua kinh
nghiệm này, mặc dù nó phức tạp hơn là sự hiểu biết bình thường. Đau đớn, ai mà
chưa từng đau đớn?
“Cô đớn” là một trạng thái sống mới xuất hiện như một hậu quả
từ ảnh hưởng của thế giới ảo, thế giới điện tử toàn trị. Người ta thường quan
tâm đến hiệu ứng của “truyền thông xã hội” (social media), nhưng sau lưng của
truyền thông này là một hệ thống quản trị con người đang thành hình một cách tự
nhiên theo bước tiến của khoa học điện tử. Có khả năng thay đổi thế giới trong
cả hai chiều hướng tốt và xấu, một cách lạ thường chưa từng thấy, chưa từng
nghĩ đến. Có thể lấy làm ví dụ khi theo dõi “Truyền thông chính trị” là một
trong số thế lực hàng đầu, đang diễn tiến, nhất là, trong mùa bầu cử sắp đến tại
Hoa Kỳ. Chủ ý nhé, bạn đọc. Đừng để bị cuốn trôi theo dòng thác ảo.
“Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình. Đường quen
không tới, tìm nhau ngại ngùng. Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh …” Không
phải cô đơn. Nhạc sĩ Lam Phương ngụ ý cô độc và thất tình. “Tình yêu đã chết
trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi. Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ,
tiếng hát lạc loài…” Tuy đặt tựa đề ca khúc là ‘Cô Đơn’ nhưng nhạc sĩ Nguyễn
Ánh 9 diễn tả tâm sự bị người tình bỏ rơi hoặc bị vợ bắt ký giấy ly dị … Không
phải cảm thấy buồn, cảm giác trống trải, cảm giác nhớ cố nhân … là cô đơn. Tâm
trạng này có khi là cô độc, có khi là hiu quạnh, có khi tự ý muốn cô đơn cho đời
lãng mạn … Cô đơn là từ ngữ dễ bị hiểu lầm. Có người chưa bao giờ thật sự cô
đơn, chỉ tưởng mình cô đơn. “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…“ Nhạc
sĩ Đài Phương Trang đã nhắc nhở chính xác, cô đơn không liên quan trực tiếp đến
tình yêu. Những kẻ thất tình chưa hẳn là cô đơn, ngược lại, ai đó đang đầy đủ vợ
chồng con cái lại là người cô đơn.
Thật ra, cô
đơn là gì?
Theo Lazare
Mijuskovic, trong tác phẩm Feeling Lonesome, sự cô đơn về cơ bản không
phải là không có khả năng hoặc cảm thấy không có khả năng liên hệ với người
khác. Con người tìm đến người khác vì họ đã cảm nhận cô đơn, chỉ "sau
khi họ bắt đầu và thừa nhận đã hiểu được cảm giác cô đơn lan tràn ám ảnh tâm hồn."
Quan điểm này nhìn từ góc độ tâm lý. Sâu sắc hơn, cần tìm hiểu kỹ hơn là
góc nhìn triết học. Một số triết gia, chẳng hạn như Sartre, cho rằng cô đơn là
một phần cơ bản của thân phận con người. Là hậu quả của sự nghịch lý giữa ý thức
mong muốn ý nghĩa cuộc sống và sự cô lập vì hư vô của vũ trụ. Tuy nhiên, ý
nghĩa cô đơn của triết học luôn luôn cao kỳ, trong khi, hầu hết người bình thường
không quan tâm mấy về ‘ý nghĩa cuộc sống’, lại không cảm nhận được hư vô, tức
là ‘không có gì’.
Giải thích một
cách bình dân, người ta thường xuyên cảm thấy buồn bã vì tận thâm tâm họ không
thỏa mãn ‘ý nghĩa cuộc sống’. Rồi họ sinh ra đau đớn khổ tâm vì cảm nhận được vật
chất tiền tài, danh vọng, sắc dục, cuối cùng là ‘không có gì’. Sinh đi tay trắng,
chết về trắng tay. Tuy nhiên, họ không nghĩ như vậy, chỉ nhận hậu quả mà không
biết nguyên nhân.
Ý Nghĩa Cô Đơn
Trong Xã Hội.
Ngày nay, trong
thời hiện tại, Sự sống không còn tạo ra xã hội mà chính xã hội tạo ra đời sống.
Xã hội như một mạng lưới nhện khổng lồ, con người như một đám sinh vật bị dính
mắc trong đó. Nhìn thấy thứ gì, suy nghĩ điều gì, hành động ra sao, đều phụ thuộc
vào mạng lưới. Nếu có định mệnh, thì xã hội đóng góp phần lớn để tạo ra định mệnh
cho mỗi người. Vì vậy, hầu hết các định nghĩa về tư tưởng đều liên quan đến xã
hội và nhân chủng. Trong ý thức này, cô đơn tương tựa như một chức năng trong
cơ thể. Giống như cảm thấy đói, cần phải ăn. Cảm thấy đau, rút tay ra khỏi lửa.
Cô đơn khiến con người khao khát được giao tiếp và được xã hội nhìn nhận. Nhu cầu
này có từ thời cổ đại, khi con người vừa mới biết tập đoàn để sinh tồn, để cùng
nhau chống lại hiểm nguy và cùng chia xẻ mong muốn. Ý thức xã hội về cảm xúc của
nhau, kết hợp tâm tình, nương tựa tập thể, và sức mạnh tập đoàn là những căn bản
trong kinh nghiệm sống của loài người. Mất mát hoặc vắng mặt những cần thiết
này, con người sẽ cảm thấy cô đơn.
Cô đơn là một
trong những rối loạn sức khỏe, tâm thần không lành mạnh, nhất là có thể ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tâm trí và cơ thể. Sự cô đơn liên tục sẽ khiến con người già
đi nhanh hơn, dễ mắc các bệnh nghiêm trọng hơn, làm suy yếu hệ thống miễn dịch
và tăng tốc độ suy giảm nhận thức.
Như vậy, ý nghĩa
bản chất của cô đơn là tâm trạng bao gồm ‘cảm giác bị tách rời khỏi xã hội, khỏi
người quen, khỏi người thân yêu. Cảm giác này tạo ra nỗi khao khát được
nối kết, gặp gỡ, sở hữu, nhưng không được thỏa mãn.’ Trạng thái này xuất hiện
trong nhiều mức độ khác nhau, từ không hài lòng, thất vọng, chán nản, suy nhược,
cho đến tạo ra bệnh hoạn tâm thần và thể chất.
Bởi những góc nhìn phân tích trên, nỗi cô đơn có thể quy vào
ba loại: Từ tâm lý, cô đơn do cảm xúc tạo ra; từ triết học, cô đơn do bản chất
sinh tồn tạo ra; từ tập thể, cô đơn do xã hội tạo ra.
Trong tình trạng hiện nay, trong sức phát triển của điện tử,
của A.I. nhanh hơn khả năng phát triển già dặn của tâm trí, giống như đưa cái
búa tạ cho đứa trẻ chưa đủ sức để sinh hoạt. Sự chênh lệch này là nguyên nhân
mà xã hội đang tạo ra trạng thái cô đơn cho con người. Không phải tự nhiên mà
ngày 8 tháng 5 năm 2023 vừa qua, Tổng Y Sĩ Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo: Cô đơn
đã trở thành một bệnh dịch, là mối lo ngại khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. (*)
Dịch có nghĩa là một căn bệnh dễ lây lan, nếu không dập tắt, sẽ tạo ra nguy hiểm
lớn.
Cô đơn là một bệnh dịch?
Bạn đọc có thể cảm thấy khôi hài, nghĩ rằng, tại sao cố vấn
y tế công cộng chính thức cao nhất của quốc gia lại đưa ra một báo động có vẻ
quá đáng như vậy? Cô đơn chỉ là một thứ mà chúng ta phải đối diện hiển nhiên và
tự nhiên trong cuộc sống?
Theo báo cáo tư vấn chính thức do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân
sinh Hoa Kỳ (HHS) công bố có tựa đề “Dịch bệnh cô đơn và cô lập của chúng ta”,
đây là một số vấn đề đáng báo động liên quan đến sự cô đơn:
“Việc thiếu kết nối xã hội gây ra rủi ro đáng kể cho sức
khỏe và tuổi thọ của mỗi cá nhân. Sự cô đơn và sự cô lập với xã hội làm tăng
nguy cơ tử vong sớm lên lần lượt là 26% và 29%. Nói rộng hơn, thiếu kết nối xã
hội có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm ngang với việc hút tới 15 điếu thuốc mỗi
ngày. Ngoài ra, kết nối xã hội kém hoặc không đủ có liên quan đến việc tăng
nguy cơ mắc bệnh, bao gồm tăng 29% nguy cơ mắc bệnh tim và tăng 32% nguy cơ đột
quỵ. Hơn nữa, nó có liên quan đến việc tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm và mất
trí nhớ. Ngoài ra, việc thiếu kết nối xã hội có thể làm tăng khả năng nhiễm
vi-rút và bệnh hô hấp” (trích từ báo cáo phát hành ngày 3 tháng 5 năm 2023.) Đó
là rất nhiều rủi ro và nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta, đơn giản là do sự
cô đơn.
Một tâm trạng cô đơn có vẻ khó hiểu là chúng ta có thể cô
đơn ngay cả khi ở giữa những người khác, giữa gia đình, giữa tình yêu. Albert
Schweitzer, bác sĩ và triết gia nổi tiếng đã nói thế này về sự cô đơn: “Tất
cả chúng ta đều ở bên nhau rất nhiều, nhưng tất cả chúng ta đều chết vì cô
đơn.” Điều này có lẽ phản ánh quan niệm, cô đơn không chỉ là kết quả của sống
cô độc trong hang động, trong rừng núi, hay trong sa mạc, một người có thể hoàn
toàn cô đơn dù đứng giữa đám đông huyên náo. (*)
Henry Miller nhận xét, “Nghệ sĩ luôn luôn cô đơn, nếu họ
thật sự là nghệ sĩ.” Lập luận này cho thấy diện tích cực của cô đơn. Ở một
mình cho phép một người thu thập suy nghĩ. Có thể đạt được những bước đột phá
sâu sắc về tinh thần mà trong quá trình tương tác liên tục hàng ngày sẽ không
thể nghĩ ra.
…..
và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
núi ngó anh và anh ngó núi
núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu
đất anh ở và rừng anh thở
quá lâu ngày nên thấy hoang mang
anh sống dở và anh chết dở
giữa núi rừng cao ngất ngàn năm
Sống ở nơi quạnh quẻ như vậy, nhà thơ Phạm Cao Hoàng mới có
thể viết những lời bình dị, tự nhiên mà sâu sắc nỗi trống vắng. Ông không cô
đơn, ông chỉ diễn đạt vẻ đẹp của cô đơn. Và tôi tin rằng ông rất sung sướng vì
đã sáng tác những câu thơ “Nhớ Cúc Hoa” này, rồi sung sướng mỗi lần đọc lại.
Cô đơn cũng cần thiết cho đời sống. Câu hỏi ở đây là: Liệu
lúc tâm tư cô đơn để suy tư, để sáng tác, để phát minh, có phải đúng là trạng
thái cô đơn? hay chỉ là trạng thái giống cô đơn? hay chỉ là một phần của cô
đơn? Tôi nghĩ rằng, trước hết cô đơn là cảm giác, là nhận thức. Vì vậy, nếu người
nào nhận thức minh bạch với bản thân về tình trạng, bối cảnh cần thiết để tách
rời đám đông, để sinh hoạt một mình, để tư duy, để khám phá, với mục đích rõ
ràng, thì họ không có cảm giác cô đơn. Ngược lại họ còn phấn khởi mong muốn được
cô lập trong giai đoạn đó. Đây là quan điểm cô đơn trong diện tâm lý.
Trong những bài viết trước, tôi đã trình bày những ảnh hưởng
tai hại của truyền thông xã hội và những thói xấu của hiệu quả điện tử, để khỏi
khắc lại, tôi chỉ tóm lược rằng, xã hội có khuynh hướng thu hút con người về hướng
xấu, trong khi những điều tốt cần phải khắc phục mới đạt được. Càng tiến bộ,
con người càng lấm lem trước những tai hại, bệnh họa, dù bên cạnh ít được chú
ý, luôn luôn có những thứ lợi ích và cần thiết để thăng hoa.
Người xã hội thường xuyên sống với điện thoại di động, iPad,
laptop, computer hơn “sống” với người khác. Nhất là những thế hệ trẻ, bậc ông
bà, phụ huynh có thể nhìn thấy ngay lúc này, những con cháu thân yêu của chúng
ta đang “sa lầy” một cách hồn nhiên, thách thức với các phương tiện điện tử và
“tinh thần điện tử.” Đôi lúc chúng ta ngẩn ngơ vì những lý luận và suy nghĩ của
con em. Đôi lúc chúng ta sợ hãi khi thấy chúng bị tách rời khỏi vòng thân mật của
gia đình. Chúng đang ở đây mà vắng mặt ở đâu? Ở thế giới ảo.
Sự vắng mặt và tách rời khỏi gia đình, xã hội dù đang sống ở
giữa, sẽ từ từ tạo ra tình trạng cô đơn. Cô đơn tâm lý và cô đơn xã hội không
nguy hại bằng khả năng suy nhược của cô đơn hiện sinh, lúc đó, con người đối diện
với ám ảnh không muốn sống hoặc điên cuồng đi tiêu diệt người khác. Có phải
chúng ta đã chứng kiến một thời đại giết người bừa bãi, tập đoàn không lý do từ
đầu thế kỷ 21 cho đến nay?
Brittany Rist, Ena Jones, Dorothy “Dottie” Fideli và Danni
Adams. Họ tự làm đám cưới một mình. Không có chú rể. Không cần đàn ông. Tin CNN
ngày 31 tháng 5 năm 2023: These women wanted a symbolic expression of
self-love. So they married themselves (Những phụ nữ muốn một biểu tượng cho
tình yêu bản thân. Vì vậy, họ tự kết hôn.)
Brittany Rist nói: “Tại sao mình không mua cho mình một
chiếc nhẫn nhỉ? Tại sao tôi không yêu bản thân mình một cách trọn vẹn trong thời
gian này và tổ chức một buổi lễ nhỏ?’ Tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh khi
ngồi trước gương và cảm thấy tôi yêu tất cả con người mình, những vết sẹo của
mình và tất cả những điều khiến tôi cảm thấy không được yêu thương.”
Adams, hiện 30 tuổi, cho biết: “Tôi mất vài năm để thực sự
đầu tư vào bản thân, đi trị liệu, thực sự tìm hiểu sâu về ý nghĩa của việc phá
vỡ những lời nguyền của thế hệ, một phương sách tổn thương. Tôi nói với bác sĩ
trị liệu, 'Tôi nghĩ bây giờ tôi muốn kết hôn với chính mình.'”
Dorothy Fideli sau khi ly dị, ở độc thân đến tuổi 77. Bà đã
tự kết hôn trước sự chứng kiến của ba đứa con và hàng chục người trong viện hưu
trí ở Goshen, Ohio. Bà nói: “Tôi cảm thấy mình thật xinh đẹp, giống như vừa
trúng số hay gì đó. Tôi cảm thấy mình như một nữ hoàng,Tôi cảm thấy mình quan
trọng… như thể tôi là một ai đó. Thật khó để giải thích cảm giác này – bạn phải
cảm nhận nó trong tâm hồn mình.”
Những ý tưởng mới lạ này phát sinh từ tinh thần điện tử hóa,
phụ nữ kiên cường? tự do? tự lập? tự yêu? hay là phản ứng ngược lại của thất bại,
của tự ti, của bối rối? Tôi nghĩ, hiệu ứng của tinh thần điện tử hóa đã âm thầm
dẫn đưa những ý nghĩ và cách giải quyết thành hình trong một số người bị tách rời
hoặc không thỏa mãn điều mong ước. Trong trường hợp những phụ nữ này, có thể bị
mất nối kết với tình yêu và giá trị của hôn nhân.
Ví dụ trên cho chúng ta nhận ra, sẽ còn nhiều chuyện “lạ”
khác sẽ xảy đến trong các thế hệ về sau. Có thể là những thay đổi vì văn minh
và văn hóa thay đổi? Cũng có thể là hậu quả tai hại? Chưa ai có thể quyết đoán.
Tuy nhiên, nếu những phản ứng này đến từ hậu quả cô đơn, thì những con người cô
đơn đó sẽ đau đớn khi tự khám phá ra mình bị cô lập, bị tách rời, bị xa lạ,
không ai hiểu mình. Rồi họ mang đau đớn đến cho gia đình, cho người xung quanh,
cho xã hội. Tình trạng “cô đớn” bắt đầu.
Cô đớn bắt đầu từ cô đơn và xuất hiện khi tâm lý suy nhược,
sụp đổ, tạo tâm bệnh, tạo cuồng trí, hoặc tự vẫn. Mỗi cá nhân đều phải đối diện
và trách nhiệm sự mạnh mẽ hoặc yếu đuối tâm lý của bản thân. Rồi mỗi cá nhân phải
tự phản kháng, chống trả, bảo vệ tâm lý của mình trước trước những quyến rũ nhu
mì, hấp dẫn du dương của xã hội và đồng bọn xung quanh. Một người sống lành mạnh
không chỉ cần tâm hồn khỏe mạnh, trong thân thể tráng kiện, mà còn cần tâm lý
già dặn.
Steve Cole tại Đại học California, Los Angeles, người nghiên
cứu về tác động của môi trường đối với gen con người, cho biết: “Tôi luôn
nghĩ sự cô đơn là một điều phiền toái, chứ không phải là một trong những điều
kiện môi trường độc hại nhất mà chúng ta có thể gặp phải. Nếu điều đó nghe có vẻ
ảm đạm, thì những hiểu biết mới cũng đưa ra những quan điểm về cách giải quyết
hiện tượng xã hội khét tiếng khó chữa này – và cũng khiến mỗi chúng ta bớt cô
đơn hơn.”
Một số người sẽ nhấn mạnh rằng sự cô đơn là một phần tất yếu
của sự tồn tại của con người. Whitney Houston, ca sĩ kiêm diễn viên chỉ dùng ít
từ ngắn gọn để đưa ra nhận xét gay gắt về sự cô đơn: “Cô đơn đi kèm với sống.”
Quan điểm này đúng. Cô đơn luôn luôn hiện diện. Không thể
tiêu diệt cảm giác này. Những nỗ lực loại bỏ sự cô đơn sẽ vô ích, nhưng chúng
ta có thể đối phó với nó bằng nhiều cách, tuỳ vào khả năng của mỗi người. Chúng
ta có thể hướng tiềm lực cô đơn vào hướng tích cực cho sáng tác, phát minh, và
tư duy. Chúng ta có thể giới hạn bớt thời giờ liên hệ với các phương tiện điện
tử, tránh bớt thân cận với A.I. khi không cần thiết. Dành nhiều thời giờ hơn
cho gia đình, bạn bè, và xã hội. Nhưng để có thể đối phó với cô đơn, việc đầu
tiên của một người là phải ý thức, phải biết cô đơn là gì và tại sao nó trở
thành cô đớn.