Hồi đầu tháng, ông xã tôi nhắc:
– Cuối tháng này tụi mình đi đám cưới nhé
em.
– Em biết rồi, đám cưới cậu pharmacist
trong tiệm anh chớ gì, mà em quên hỏi, cậu ấy người Việt hay Tây?
– Cậu ấy là dân gốc Afghanistan, lấy vợ
là người da trắng, cũng là nhân viên trong tiệm, nói chung đây là đám cưới mà cả
cô dâu chú rể đều là “lính” của anh, cho nên vợ chồng mình cố gắng đi chung vui
với họ . Mà em hỏi chi vậy?
– À, nếu là đám cưới người Việt thì mình sẽ... thong thả chút xíu.
– Đây là đám cưới Tây, hơn nữa anh là
boss của họ, mình không những đến đúng giờ mà nên đi sớm để bày tỏ sự
quan tâm, trân trọng ngày vui của hai đứa.
– Em biết rồi, anh khỏi phải nhắc.
Thật ra, anh ấy nhắc không thừa và không
oan tí nào, mà cũng đâu phải lỗi tại tôi, chỉ tại các tiệc cưới Người Việt Nam
luôn luôn trễ giờ hơn cả tiếng so với giờ mời trên thiệp, đã từng làm bụng tôi
đói cồn cào, choáng váng mặt mũi xanh lè như tàu lá chuối. Từ đó, hễ đi ăn cưới
dân Việt là tôi ăn trước chút snack, và đến trễ khoảng mười lăm phút hoặc nửa
tiếng. Chồng bảo tôi qua xứ này rồi mà chưa học hỏi thói quen đúng giờ của người
ta, nhưng khổ quá, dù tôi đã vài lần đến đúng giờ thì tình trạng là “vũ như cẩn”,
ngồi ngáp dài ngáp ngắn mỏi cả lưng, nên tôi chọn kiểu “lưng chừng”, đi trễ
chút xíu nhưng vẫn trong nhóm đến sớm, đợi chờ những người đến sau.
Thiệp mời cocktail 6 giờ và tiệc chính thức
7 giờ, vì chồng tôi còn bận làm việc nên chúng tôi chọn giờ vào tiệc, có mặt
lúc 6 giờ 45 phút, khi mọi người đã xong phần cocktail đang ngồi yên vị nhỏ to
chuyện trò trong tiếng nhạc dịu êm chờ giờ khai mạc. Chúng tôi chào hỏi vài người
xung quanh, quan sát không gian nơi tổ chức tiệc, được một lúc thì người MC bước
lên podium thông báo, giờ khắc quan trọng đã đến, đôi tân lang sẽ xuất trong
giây lát. Mọi người cùng im lặng, hướng ra ngoài cửa, tôi nhìn đồng hồ, đúng 7
giờ, hay nói chính xác hơn là còn 3 phút nữa mới đúng 7 giờ!
Tôi nhớ có lần đi dự một đám cưới người
Việt trong cộng đồng, vợ chồng tôi như thường lệ rời nhà đúng giờ... mời trên
thiệp (nghĩa là sẽ đến nơi trễ mười lăm, hai mươi phút). Ra đường chồng tôi mới
nhớ xe gần hết xăng, tôi bảo:
– Còn sớm mà anh, cứ từ từ đi đổ xăng cho
đầy.
Đổ xong xuôi, xe chạy bon bon hướng ra
high way về dưới phố, tôi nhẩn nha nghe nhạc và soi gương trên xe, bỗng phát hiện
ra tôi đã quên tô son môi, vì trước đó bận rộn thử đi thử lại mấy cái áo đầm để
chọn một cái ưng ý, rồi chồng tôi thúc giục sợ trễ nên tôi sơ sót trong lúc
trang điểm chăng? Bình thường trong bóp tôi luôn có cây son, và chai nước hoa
nhỏ, vậy mà bữa đó trời xui đất khiến tôi đổi chiếc bóp khác, rồi lại quên bỏ
son vào, báo hại tôi phải năn nỉ chồng:
– Anh ơi, làm ơn quay về nhà, em quên cây
son rồi.
Chồng tôi cằn nhằn:
– Mình đã trễ 15 phút rồi đấy.
– Ôi, chạy về nhà thì mình trễ nửa tiếng,
cũng vẫn là ... sớm, anh tin em đi.
– Anh biết, nhưng thà mình đến đó ngồi chờ,
còn hơn là vác cái mặt đến quá trễ, anh không làm được.
– Thì dù sao cũng chỉ trễ... nửa tiếng
thôi mà, đôi môi em tái nhợt thế này thà em chết còn sướng hơn đó.
Chồng đành phải đưa tôi về, tôi chạy lên
phòng tô son, cẩn thận bỏ cây son vào bóp, rồi vội vàng ra xe, trực chỉ đến tiệc
cưới. Nhưng thật không ngờ, “họa vô đơn chí” là có thật, nghe nói ngay trên giữa
highway vừa có một tai nạn, hai xe tông ngược chiều vào nhau, đầu xe bể tan
tành, xe cứu hỏa, ambulance và xe cảnh sát nhốn nháo chặn đường chỉ còn 1 lane
cho mỗi bên. Chúng tôi khổ sở nhích từng đoạn đường, cuối cùng đến nơi parking
trễ 1 tiếng 15 phút. Hai vợ chồng hối hả đi vào nhà hàng tiệc cưới, chẳng dám
nhìn ai vì xấu hổ, nhưng ô kìa, tiệc vẫn chưa bắt đầu, người ta vẫn đứng ngồi
lai rai cụng bia, tán dóc. Chị Bảy, được nhiều người Việt ở thành phố tặng cho
danh hiệu “chuyên gia đi trễ” của cộng đồng, luôn luôn có mặt sau cùng ở các buổi
tiệc, thấy tôi liền chạy đến chào rồi mỉm cười:
– Chị tưởng chị là “nữ hoàng đến muộn” mà
hôm nay vẫn... sớm hơn em.
Tôi lí nhí:
– Bị kẹt xe, tai nạn trên highway chị ơi.
– Vậy à, nhưng em yên tâm, em vẫn còn sớm
hơn... nhơn vật chính là cô dâu.
– Có chuyện gì hở chị?
Chị Bảy lắc đầu, thở dài:
– Thiệt là xui xẻo tận mạng, hồi trưa đi
chụp hình cưới ngoài park , cô dâu vướng víu đuôi áo soa-rê và giày cao gót, bị
té dập mặt xuống bãi đá nhọn, máu me lênh láng, đưa đi cấp cứu, mới được xuất
viện cách đây một giờ, đang đi tiệm make up và làm tóc lại toàn bộ.
Dù chúng tôi thoát nạn vươt qua “danh hiệu nữ
hoàng” đi trễ của chị Bảy, ông xã nhất quyết từ nay phải luôn đến đúng giờ, dù
là tiệc của người Việt, người da trắng da đỏ hay da màu. Tiếng nhạc xập
xình đưa tôi về với tiệc cưới hiện tại . Ôi, đám cưới Tây có khác, ngoài việc
giờ giấc y boong, là những thủ tục giới thiệu cha mẹ hai bên rất gọn gàng
(không dài dòng, diễn văn lê thê), và tuyệt nhiên không có tiếng cụng ly ồn ào
“dzô dzô chăm phần chăm”, nhất là khi cô dâu chú rể cùng đại diện hai họ lên
phát biểu, cả gian phòng chăm chú lắng nghe, cùng những tràng vỗ tay không dứt
mừng cho đôi uyên ương.
Đến lúc xếp hàng đi lấy thức ăn kiểu
buffet, ông xã tôi dừng lại nói chuyện với ba má chú rể, họ mặc trang phục
Afghanistan trang trọng, vui vẻ đưa dĩa cho từng vị khách, nhưng lại đượm buồn
khi nói về sự thiếu vắng một số thân nhân còn ở lại Afghanistan kể từ ngày quân
Taliban tiến về “giải phóng Kabul” cách đây hơn hai năm.
Làm sao tôi quên được ngày đó, vì cũng là
ngày funeral của Ba tôi. Ngày 16 tháng 8 năm 2021 khi đại gia đình chúng tôi trở
về nhà ăn tối sau khi an táng Ba yên nghỉ tại nghĩa trang Arlington, Texas, vừa
xem tin tức nóng hổi những hình ảnh quân Taliban tràn ngập thủ đô Kabul trong
khi nhiều người dân hoảng hốt “chạy giặc”, cố bám theo chiếc máy bay sắp cất
cánh đưa những người Afghan tỵ nạn rời khỏi quê hương.
Có khác gì sư hỗn loạn ngày 30 tháng 4
năm xưa khi Sài Gòn bị “giải phóng”? Những khuôn mặt căng thẳng, lo sợ, bằng cả
mạng sống muốn chạy khỏi quân khát máu đang thâu tóm quê hương. Rồi hình ảnh
đám quân Taliban ùa vào dinh Tổng Thống Ashraf Ghani (lúc ấy đã bay ra khỏi nước,
hiện đang tỵ nạn ở Ả Rập), chúng sờ mó chiêm ngắm các vật dụng sang trọng trong
dinh cũng như những máy móc hiện đại tối tân với những cặp mắt ngưỡng mộ đầy
kinh ngạc (tội nghiệp chúng bao năm ở rừng rú hang động, nào được tiếp xúc với
văn minh loài người). Cũng y chang như những câu chuyện chúng ta thường nghe
dân Sài Gòn truyền tai nhau về sự ngây ngô (mà khoái nổ) của các anh cán ngố Cộng
Sản Việt Nam.
Lúc ấy, tôi đang học tiểu học trường Đồng
Tháp, trước đây là khu quân đội của chính quyền VNCH, xung quanh trường học là
những khu cư xá sỹ quan, các ngôi nhà lầu đúc một tầng, có lan can xinh xắn trước
nhà, và mảnh sân nhỏ trồng cây tỏa bóng mát rất đẹp. Sau 1975, các gia đình cán
ngố dọn vào ở. Chèn đéc ơi, sân trước chúng rào lại, chặt bỏ những cây điệp,
cây trứng cá, thay vào đó là trồng rau muống, nuôi lợn “cải thiện đời sống”.
Chưa hết đâu nhé, balcony thơ mộng với những chậu hoa leo cũng bị chúng vứt bỏ,
rồi giăng dây kẽm phơi quần áo màu xanh... “bộ đội”, đôi khi còn treo cả nón cối
và dép râu ở ngoài hiên nữa cơ, cứ như sợ người ta không nhận ra “bố mày là ai”
hay sao á!
(Ủa, hình như tôi đang đi... lạc đề!?
Thôi dừng lại ở đây, kẻo viết nữa thì bài này sẽ bị/được xếp qua bài chủ đề
tháng Tư Đen năm tới)
Nhạc lại đươc trỗi dậy, đèn trong khán
phòng tắt hết, mọi người ra sàn nhảy theo điệu nhảy truyền thống của
Afghanistan rộn ràng. Các chàng trai và thiếu nữ múa xung quanh dàn trống, dâng
các rổ quà cho đôi uyên ương theo đúng phong tục. Vợ chồng tôi cũng bước ra
tham gia, gia đình bạn bè da trắng phía bên cô dâu cũng hòa vào đám đông nhảy
nhót, khung cảnh “đa văn hóa đa màu da” thật đẹp. Chúng tôi ngắm các em gái nhỏ
mặc đầm kiểu Afghan sặc sỡ, các em thiếu niên hớn hở rạng ngời, các bà các cô
và các người lớn tuổi nhìn đám con cháu cũng vui lây, và trong khóe mắt của họ
thỉnh thoảng chợt rươm rướm nỗi sầu vì thương nhớ những thân nhân, đồng bào máu
mủ còn kẹt lại quê nhà với chế độ độc tài Taliban.
Trời ơi, chưa có đám cưới (không phải người
Việt) nào làm cho tôi có nhiều cảm xúc vui buồn như cái đám cưới này!
Kim Loan