Rượu có chi cay mà uống rượu phải đưa cay. Tôi phân vân về
chữ “đưa cay” này. Gọi quách một cách trực tiếp như dân miền Nam: nhậu là
phải có mồi. Như đi câu cá. Cá đớp mồi cá sẽ lên bàn nhậu. Nhậu một hồi sẽ
“quắc cần câu”. Quắc cần câu là… xỉn, thân hình đi đứng liêu xiêu cong như
cái cần câu cá. Xỉn quắc cần câu có biệt tài tự về tới nhà, lăn ra ngủ, khi tỉnh
dậy chẳng nhớ cái chi chi. Tại sao người quắc cần câu lại có biệt tài như
người mộng du vậy? Mỗi khi con người trải nghiệm được một thứ mới, thùy
trước trán sẽ lưu giữ những thông tin này theo dạng trí nhớ ngắn hạn. Sau
đó hồi hải mã nằm ở não trước sẽ ghi những thông tin ngắn hạn này để tạo thành
ký ức dài hạn. Đường truyền từ thùy trước trán tới hồi hải mã cần có những
neuron thần kinh đặc biệt dẫn lối. Say xỉn khiến những neuron này không
còn hoạt động. Vậy là xỉn xong ngủ dậy chẳng còn nhớ mô tê gì hết!
Bợm nhậu uống rượu suông cũng được. Nhưng thông thường nhậu
phải có mồi, vừa ăn vừa uống, nhẩn nha đưa chất cay vào miệng mới thú. Nếu
quần tam tụ tứ chuyện trò rôm rả thì càng thú vị hơn. Bàn rượu là một tổng
hợp của rượu, mồi và bạn nhậu. Nhậu vậy mới thành một bàn nhậu chân truyền.
Anh em Montreal chúng tôi thường nhậu như vậy. Nhậu sương sương chứ không quắc
cần câu.Quắc cần câu sao lái xe về đặng. Rượu của chúng tôi thường là rượu
vang. Cỡ tôi thì cứ có tí chất đo đỏ đổ vào miệng là OK nhưng với hai ông
Trang Châu và Hoàng Xuân Sơn chuyện lại khác. Cái miệng hai ông này là miệng…
rượu. Rượu cũng như đàn bà, có thứ này thứ kia, ông thích loại này, tôi
thích loại kia. Hai ông thử hết thứ nọ tới thứ kia, rượu Pháp, rượu Chili, rượu Ý,
rượu Tây Ban Nha, rượu Argentina, mỗi lần nhậu lại mang rượu ra so sánh. Đó là
khi mới nhập bàn, khi môi đã mềm, đầu óc đã lâng lâng, các ông ấy cũng như
tôi, có cái chi đo đỏ là được. Trên bàn nhậu còn cái chi ăn được là
ăn.
Nếu ông Tản Đà sống lại chắc ông sẽ trợn mắt. Quần tam tụ tứ phá rượu phá mồi
như vậy là mất cái uy của việc nhậu. Tản Đà không nhậu mà nhắm rượu. Mỗi
cuộc rượu trang trọng như một buổi lễ. Vũ Bằng khi còn là một cậu học trò
của trường Hàng Vôi đã sùng bái chuyện Tản Đà nhắm rượu: “Chiều nào, bất cứ
bận việc gì, tôi cũng tà tà đi đến trước cửa nhà Thăng Long, dán mũi vào cửa
kính, nhìn vào trong để xem ông Tản Đà vừa quạt cái hỏa lò con để trên giường vừa nhắm
rượu một mình. Tôi sợ ông như một ông tiên”.
Chuyện đưa cay của Tản Đà được Nguyễn Tuân kể lại: “Chắc cậu chưa quên, khi dư
dả nhuận bút, mâm rượu của Tản Đà là cả một hợp thành của màu sắc, hương,
vị, và âm giai. Chiếc mâm gỗ mít hình chữ nhật vành son, lòng cánh sen.
Trong đó, thi nhân phô bày những chiếc đĩa sứ trắng nhỏ xíu như bàn tay trẻ
con, những chiếc bát lá đề tinh xảo. Nào chanh xanh cắt tư. Nào rau húng
láng, nào rau ngổ, ngỏng lên trái ớt đỏ tươi. Tương Bần ong óng. Sậm đặc nước mắm
Ô long. Hạt tiêu sọ, hạt tiêu đen. Bọc tinh cà cuống, hành hoa, hành củ, mỡ
gà chưng ớt bột, vừng xát vỏ, lạc rang, bánh đa, bánh phở… Đặc sắc ở cái
những thứ gia vị ấy được đựng riêng cho mỗi thực khách, của ai người nấy
chấm. Mâm rượu dù sáu hay bốn thì dứt khoát phải có hai nậm rượu để nghiêm
ngắn hai bên”.
Cái triết lý nhắm rượu của nhà thơ xứ Tản đã được người đời sau nhắc đi nhắc lại:
“Đồ ăn không ngon thời không ngon, giờ ăn không ngon thời không ngon, chỗ
ngồi ăn không ngon thời không ngon, không được người cùng ăn cho ngon thời
không ngon. Ăn mà có lo nghĩ sao cho ngon? Có tức giận sao cho ngon? Có sợ
hãi sao cho ngon? Có thương tủi sao cho ngon? Có hổ thẹn sao cho ngon?” Uống
rượu như dọn mình nghe kinh!
Nhắm rượu cũng cùng cỡ với mần văn chương. Nhà thơ kiêm nhà rượu ví von: “Ăn là
tất cả một nghệ thuật, mà nghệ thuật ăn nhiều khi lại khó hơn nghệ thuật
viết văn. Văn chương có giống như mâm gỏi. Đĩa cá lạng, đĩa dấm ngọt thời
người thường dễ ăn, còn miếng mắt miếng xương phải đợi con nhà gỏi. Văn
chương có giống như thịt chim. Xào, thuôn, nướng chả thì dễ chín, hấp cách
thủy lửa không đến mà nhừ hơn!”.
Tản Đà uống rượu phải có đưa cay. Không phải đưa qua quít cho có lệ mà phải
tinh tế, trò nào ra trống nấy. Mai Thảo “đếch” cần những chuyện đó. “Đếch”
là thương hiệu của Mai Thảo. Cái chi ông cũng đếch. Cô cháu Orchid Lâm Quỳnh
nhận xét: “Cái gì bác cũng “đếch” hết. Mà như khi nào để tỏ dấu âu yếm,
thương mến bác mới dùng chữ đếch”.
Rượu, đủ rồi! Nguyên Sa thơ cho Mai Thảo: Ông ngồi với hai ông Tây / Ông kia
tên Mạc, ông này tên Cô / Buổi sáng ông chỉ say vừa / Nửa khuya mới tới
đúng mùa nho ngon. Gu của Mai Thảo là cognac Martel chai mờ. Mỗi lần qua
Cali, tôi bê một ông Tây Martel tới ông, vậy là cười mỉm vừa ý. Trong căn
chung cư nhỏ dành cho người già, chỉ cần rượu. Hai người, bốn người hay chỉ
mình ông, rượu vẫn “đúng mùa nho ngon”. Rượu mình ên, đủ rồi, không cần những
thứ bá láp đi kèm.
Khi ông sang Montreal chơi, đúng gu Pháp của một nước Pháp tại Bắc Mỹ, sáng cà
phê vỉa hè trên đường Saint Denis, tối rượu tràn môi với anh em văn nghệ.
Rượu: phải Martel. Bạn rượu: phải anh em sáng tác. Và chỉ những người sáng
tác. Mấy nhà phê bình không nên cho ngồi chung. Mồi đầy bàn nhưng ông chẳng
màng tới chuyện đưa cay. Ông uống, thúc giục anh em kêu mồi cho nhà hàng
có tí tiền vào. Chỗ ngồi uống nhà hàng không tính tiền, chỉ tính món nhậu kêu
ra. Không kêu cho xứng với công của nhà hàng đâu có được. Ông tì tì uống, hầu
như không cần đưa cay. Ngồi tượng hình riêng một góc quầy / Tiếng người:
kia, uống cái chi đây? / Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ / Và một bình đêm
rót rất đầy.
Nhìn mọi người gắp gắp chan chan là đủ. Ông uống bằng miệng nhưng nhắm bằng
quây quần bè bạn. Rượu, tự thân đã đủ. Chất lỏng như một sự cứu rỗi. Ông sống
như vậy, vui như vậy, chiêm nghiệm như vậy. Thế giới có triệu điều không
hiểu / Càng hiểu không ra lúc cuối đời. Khi ông đã “đếch” thèm sống, ông
có hiểu thêm được chi không? Đếch ai biết. Bạn bè tới thăm viếng vẫn đổ rượu
trên mộ phần. Chắc ông vẫn uống. Hình như chẳng ai mang các thứ đưa cay tới.
Biết nhau quá mà. Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ!
Song
Thao
10/2023