The War - Ann Phong
Chiến tranh là địa ngục. Luôn luôn. Và đó là một loại địa ngục
đặc biệt khi nó bẫy những thường dân vô tội, đặc biệt là trẻ em vào.
Bất cứ ai có tâm trí và lương tâm đều phải đối mặt với những gì đang xảy ra
trên dải Gaza và những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 tại Do Thái bằng một
con tim nhói đau. Những câu chuyện. Những bức ảnh. Sự chồng chất của mất mát và
thống khổ. Không thể kham nổi.
Mọi bản năng của con người thông thường chúng ta đều mong muốn cuộc đổ máu chấm
dứt. Ngay lập tức. Hòa bình luôn được ưu tiên.
Những tình cảm này lẽ ra không mang điều kiện gì nhưng thật đáng buồn là thế giới
bất toàn và méo mó của chúng ta bị đày đọa bởi lịch sử, bất công và hận thù,
đôi khi tạo ra những tình huống chỉ có bi kịch. Không phải mọi vấn đề đều có
câu trả lời dễ dàng, hoặc thậm chí là có được câu trả lời.
Nó là vậy với câu chuyện huyền thoại nút thắt Gordian tại Trung Đông. Từ hàng
ngàn năm qua, khu vực này rối bời với chiến tranh điêu tàn trong tham vọng và hận
thù. Nó từng là ngã tư của các lục địa, là cái nôi của tôn giáo và mồ chôn của
những đế chế muốn xưng hùng. Đây là những yếu tố tạo ra xung đột.
Bước lên vùng đất này là bước qua hàng hàng lớp lớp của những nền văn minh đã
biến mất từ lâu và phần lớn bị quên lãng. Những tàn tích dạy những bài học
xương máu về sự ngạo mạn, khúc khải hoàn và tàn bại. Chúng là những câu chuyện
đan chéo mà thường khởi đầu và kết thúc bằng chiến tranh. Bạn không thể kể một
câu chuyện về Trung Đông mà không kể đến những gì xảy ra trước đó. Lịch sử luôn
dự phần.
Trong cuộc xung đột hiện tại này, một lần nữa chúng ta có thể nghe âm vọng thét
gào của quá khứ. Chúng ta bắt đầu từ đâu? Đó là một câu mơ hồ dễ hỏi, nhưng sự
lựa chọn của mỗi người sẽ định hình mọi điều tiếp theo. Chúng ta có bắt đầu từ
hàng thế kỷ trước không? Hoặc gần đây hơn? Chúng ta có nhắc đến diệt chủng
Holocaust không? Phân vùng lãnh thổ? Nhà nước Palestine? Những thỏa thuận hòa
bình bị thất bại? Các vùng định cư? Những vụ ám sát? Vai trò của các quốc gia Ả
Rập? Iran? Hezbollah? Những thất bại của chính phủ Do Thái? Chủ nghĩa bài Do
Thái? Tiêu chuẩn kép? Và cứ tiếp tục như vậy.
Dù chúng ta chọn thứ tự nào thì luôn có điều gì đó quan trọng vượt ngoài tầm
nhìn của chúng ta. Nhưng có thể chắc chắn rằng bất kỳ giai đoạn nào chúng ta chọn
nhắm vào đều sẽ bao gồm xung đột và chết chóc. Và chúng ta có thể đoan chắc gấp
đôi là, nó sẽ được nhìn qua những lăng kính hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc vào
người chúng ta hỏi.
Hãy thận trọng với bất cứ ai nói về Trung Đông một cách tuyệt đối, đặc biệt với
niềm tin xác quyết của họ. “Nên làm những gì?” là một câu hỏi gợi lên sự tự suy
gẫm chứ không phải những giáo điều khoa trương. Những nhà lãnh đạo quân sự và
chính trị tài ba nhất cố gắng thách thức những định kiến và thành kiến của
chính họ. Họ liên tục tự hỏi: “Mình còn đang thiếu điều gì?”.
Chúng
ta có thể nói một cách dứt khoát rằng, không quốc gia nào chấp nhận những tên
khủng bố sát nhân trong biên giới của mình. Và chúng ta biết rằng sự dã man của
Hamas không thể được phép tiếp tục nếu chúng ta muốn có một thế giới hòa
bình. Chúng ta cũng biết rằng, việc Do Thái cố gắng loại trừ Hamas bằng bom và
xe tăng trong chiến tranh đô thị có nghĩa là mức độ tử vong, đặc biệt là dân
thường là khủng khiếp và sẽ càng tồi tệ hơn. Họ là những người dân không có nơi
nào để trốn chạy. Sự mất mát này là sự đau đớn về mặt đạo đức. Nó cũng có thể
gây bất ổn hơn cho khu vực bằng cách châm ngòi cho các cuộc chiến tranh mới và
vòng xoay trả thù.
Đối với những người nói rằng Do Thái nên dừng lại, chúng ta nên hỏi điều đó có
ý nghĩa gì đối với Hamas. Anh có thể nói là một quốc gia có quyền tự vệ nhưng lại
nói rằng họ không thể làm những gì mà họ tin là cần thiết để bảo vệ người dân của
mình khỏi bị khủng bố? Đối với những người cho rằng Do Thái cứ tiếp tục đánh tới,
chúng ta nên hỏi điều đó có ý nghĩa gì đối với tất cả những người dân bị kẹt tại
Gaza. Còn cuộc sống của họ thì sao? Anh có thể nói rằng anh đang chống khủng bố
để rồi có nguy cơ kích động sự cực đoan hơn từ nhiều người bằng cách sát hại những
người thân yêu của họ không?
Chúng ta có thể mất đi sự hiểu biết trọn vẹn về sự khủng khiếp của một cuộc chiến
một khi nó nhòa dần trong sử sách. Tính thời cuộc và sự khủng khiếp có thể bị
bôi sạch theo thời gian. Tử vong chỉ là những con số tròn trịa và người ta thường
chú ý nhiều hơn đến tầm ảnh hưởng của địa chính trị hơn là các chi tiết trên
chiến trường. Một vài thế hệ trôi qua, chúng ta mãi mãi mất hẳn nhận thức về việc
sống qua các cuộc chiến tranh trong quá khứ là như thế nào. Mà ngay cả những cuộc
chiến mà chúng ta xem lại, như cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã cũng dẫn đến những
cái chết hàng loạt của dân thường. Cũng như các cuộc chiến tiêu diệt Al Qaeda
và ISIS. Những cuộc chiến được gọi là “cần thiết” vẫn đầy rẫy thảm kịch.
Ngoài ra còn những bài học từ những chiến trường như Afghanistan và Iraq, chưa kể
đến Việt Nam, những nơi mà chúng ta có thể thấy rằng quyết định tiến hành
một cuộc chiến tranh toàn diện xem ra lại phản tác dụng cho nền an ninh Hoa Kỳ.
Điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng trong thời điểm mà chẳng có lựa chọn
nào là tốt cả là, những nhà lãnh đạo nên hiểu rằng, chúng ta đang sống trong một
thế giới xung đột mà sự thỏa hiệp là khó khăn nhưng cuối cùng lại là điều cần
thiết. Sự sáng suốt đòi hỏi phải liên tục tái thẩm định và điều chỉnh chiến lược
của mình nhằm phục vụ các mục tiêu dài hạn. Chiến dịch quân sự kết thúc. Khi chấm
dứt, tổn thất sẽ là bao nhiêu? Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp? Điều gì còn lại? Điều
gì sẽ mãi mãi thay đổi? Hiện chưa thể biết được câu trả lời cho những câu hỏi
này, nhưng chúng sẽ là cách để đánh giá thời kỳ này.
Những cuộc chiến tranh diễn ra ở thì hiện tại nhưng hệ lụy của chúng chỉ nằm ở
tương lai. Trong lúc này, thường thì chỉ có thảm kịch.
Dan Rather | Nhã Duy chuyển dịch