Hai lần tôi ly hôn và giờ đây vẫn độc thân. Tại tôi tất cả
hay phần nào tại chị? Chị hơn tôi năm tuổi, họ ngoại xa với tôi, theo luật hôn
nhân bây giờ có thể lấy nhau. Chị đẹp lắm, vì vậy lắm lời đồn đại những chuyện
trăng hoa. Bố mẹ mất sớm, mười bốn tuổi chị đã xuống Hải Phòng làm thuê cho một
hiệu tạp hóa, người cùng làng.
Mùa hè năm 1944, Hải Phòng khó sống, chị về làng ở với dì ruột. Thỉnh thoảng chị
đến nhà tôi chơi. Tôi mới ở tuổi thiếu niên mà đã ngẩn ngơ trước sắc đẹp của chị.
Chị thường mặc áo lụa mầu mỡ gà, ít khi vấn tóc, mớ tóc đen mượt chảy dài như
suối qua đôi vai tròn và đầy đặn xuống sau lưng chị. Mỗi khi nói, chị thường
hơi líu ríu, líu ríu nhưng giọng lại rung lên trong ấm lạ thường. Khi chị cười,
mà chị thường luôn cười, tất cả mặt chị đều cười, miệng cười, mắt cười, đôi mắt
đen cong lên, tóc và vai cũng cười theo. Da chị nõn nà, da và lụa như lẫn vào
nhau, những đường cong lằn lên trên quần áo như đang chuyển động. Tạo hóa như
không hề có chút khiếm khuyết nhỏ nào trên khuôn mặt và cơ thể chị.
Một hôm, chị bảo nóng quá, tối xuống ngủ ở nhà tôi. Cha tôi không ưa chị, không
nói gì. Nhưng mẹ tôi vốn dễ dãi, bảo nhà rộng mát, chỉ có ba người, một dãy phản
bỏ không, cả chục người đến ngủ còn rộng. Tối chị đến, hình như vừa tắm gội
xong. Tóc chị xõa ra để hong khô, thoang thoảng mùi hương sả và từ da chị vẫn
còn tỏa ra thứ xà phòng thơm ngậy như mùi phấn rôm. Bố mẹ tôi buôn bán, cũng có
của, một mình tôi một chiếc màn tuyn trên phản gỗ lát gần ba chiếu, ở nhà trên
năm gian hướng đông. Bố mẹ tôi ngủ ở nhà khách hướng nam. Chị mặc bộ đồ lót lụa,
chẳng để ý gì đến tôi, coi tôi như trẻ con, mặc dầu tôi đã mười ba và đã đậu
xéc-ti-phi-ca (1). Đã thế chị còn trò chuyện với tôi như không, mãi rồi mới ngủ,
còn tôi thì bồn chồn xao xuyến trong lòng.
Nhà hướng đông, nằm sát bậc cửa, ánh trăng tràn qua màn tuyn tưới lên mái tóc
và cơ thể chị. Chị nằm nghiêng, quay về phía tôi, khuôn mặt tuyệt đẹp hơi ngửa
lên như hứng trăng, hai tay vươn ra như đang đón ai, đùi nọ ấp hờ đùi kia, hơi
thở nhẹ nhàng.
Từ người chị tỏa ra mùi phấn rôm và ánh trăng cũng như tràn ra từ đấy.
Tôi xao xuyến không hiểu từ làn da mịn màng của chị, hay do ánh trăng, hay do
mùi phấn, hay tất cả đã hòa quyện cùng nhau, thậm chí tôi không còn phân biệt
đâu là mầu lụa, đâu là ánh trăng, đâu là da thịt chị. Tôi như không còn biết
mình là ai nữa, đắm đuối, mải mê, hồi hộp nhìn chị, đôi lúc nhìn lại thân thể
da thịt mình buồn nản thấy mình vô nghĩa.
Mãi tôi mới chợp mắt được, nhưng rồi cứ chập chờn, thỉnh thoảng lại mở to mắt
xem chị có thực không, còn ở bên tôi không hay đã biến mất. Tôi chợt ngủ, chợt
thức, một lần bỗng rùng mình nhận ra đùi chị mịn như nhung, lúc ấm, lúc mát,
gác lên đùi tôi. Tôi để yên không dám cựa quậy, sợ chị rút chân về.
Lúc này trăng đã ra khỏi nhà. Tất cả chỉ còn nhờ nhờ, càng làm tăng cảm giác về
làn da chị. Tôi không rõ mình ngủ thiếp đi lúc nào, nhưng chắc chắn, khi tôi bắt
đầu thiếp đi, đùi chị vẫn còn trên đùi tôi. Sáng ra khi tôi choàng tỉnh, chị
không còn bên nữa. Tôi vùng ngay dậy tìm chị, xem tất cả mọi chuyện đêm qua là
thực hay hư. Chị đã rửa mặt và đang chải tóc.
Chị cười bảo tôi:
– Đêm qua chị ngủ ngon quá. Mà sao em hay nói mê thế?
– Thế à? Em nói mê những gì.
– Ú ớ, ú ớ… nhưng hình như có lần gọi chị.
– Chị có thưa không?
– Em đang ngủ biết gì mà thưa.
Không thấy chị đến ngủ nữa, tôi hỏi chị, chị bảo, hôm nào thật nóng và có trăng
mới đến. Rồi tôi nghe phong thanh người ta làm mối cho chị một người làm khăn
mũ. Sau đó là đám cưới của chị. Cũng may lúc chị cưới tôi đã ra học ngoài Hà Nội,
nếu không tôi sẽ buồn. Từ đấy gặp bất cứ người đàn bà đẹp nào tôi thường cũng
đem so, nhưng chẳng ai có thể so với chị.
Hè năm sau, tôi nghe chị đã có con, nhưng được mấy ngày con chết và khoảng sau
Cách mạng Tháng Tám, chị bỏ chồng, xuống buôn bán ở tỉnh Nam. Mỗi năm tôi càng
bước nhanh sang tuổi thanh niên, cùng với những biến đổi của giới tính, tôi
càng hay nghĩ đến chị, đến cái đêm trăng chị ngủ cạnh tôi.
Tôi đã học cùng bao nhiêu bạn gái, cùng lớp, dưới lớp, hầu hết con ông nọ, bà
kia, chẳng ai có thể so với chị, trừ một cô con một ông phán, học dưới tôi hai
lớp, khá đẹp, tôi đem lòng si mê ít lâu, nhưng tất cả mọi nét riêng, nét chung
đều không thể nào mượt mà, hoàn chỉnh như chị, kể cả nước da cô có phần trắng
hơn, hồng hơn, nhưng không thể lẫn vào lụa và trăng như da chị. Đôi lúc tôi lẩn
thẩn tự hỏi, nếu như bây giờ chị lại nằm cạnh tôi, hắt trăng ra như thế, tôi sẽ
làm gì, tôi có dừng lại mặc cho đùi chị gác lên đùi tôi để tận hưởng làn da vừa
ấm vừa mát hay không. Tôi, một học sinh chuyên khoa đã mười tám, mười chín,
tương đối đẹp trai? Tôi có còn cảm thấy mình vô nghĩa nữa không?
Mãi tới năm 1952, một lần đi công tác, tôi mới lại gặp chị. Gặp chị giữa đỉnh
đèo Khế.
Tôi từ phía Sơn Dương về. Chị từ phía Cao Vân sang. Chị mặc áo phin nâu, gánh
đôi tay nải.
Chị nhìn thấy tôi trước:
– Cậu Hoàng!
Tôi cũng nhận ra chị ngay, mấy ai có dáng người đẹp như thế.
– Chị Vân!
Chị bỡ ngỡ nhìn tôi:
– Cậu lớn quá rồi, lại xinh trai nữa.
Không còn gì bằng được khen như thế, từ nay với chị, tôi không còn là trẻ con nữa.
Như một chàng trai thực thụ, tôi rủ chị tới ngồi nghỉ dưới một bóng cây bên
vách núi rìa đường.
– Cậu vẫn đi học đấy chứ?
– Em thôi rồi, em đi công tác. Tôi khoe luôn đã đi công tác cho oai, cho chị biết
tôi đã là người lớn.
Ai ngờ chị lại hỏi tôi:
– Cậu đã học hết lớp sáu rồi đấy nhỉ?
Thế đấy, tôi nóng cả mặt, tôi đã học xong tú tài, đã công tác ở một ban huấn học
một cơ quan trung ương; chị vừa khen tôi xinh trai, lại hỏi tôi như thế, tất
nhiên chị chẳng hiểu nghĩa lớp sáu thế nào, nhưng dù sao chị vẫn có phần coi
tôi bé nhỏ, trong khi tôi vẫn hằng xao xuyến mỗi đêm có trăng lọt vào giường
tôi, mà lại gặp nhau tình cờ giữa nơi thơ mộng ở rừng núi này. Tôi hơi giận,
không trả lời chị. Đã thế chị còn cho biết chị đã lại lấy chồng, hai vợ chồng
hiện ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên.
– Anh ấy làm gì? – Tôi hỏi sỗ sàng.
– Anh ấy cắt tóc.
Tôi hết giận, bỗng thấy thương chị, sao tạo hóa trớ trêu, một tạo phẩm tuyệt mỹ
như thế, cứ đặt vào những tình cảnh éo le.
Tôi nhìn chị, chị lại còn đẹp hơn xưa, vẻ đẹp hoàn chỉnh của người đàn bà đã
phát triển đầy đủ. Chiếc áo phin nâu càng làm tôn lên phần gáy trắng xanh thon
thả, mắt chị càng như đen hơn.
Tôi buột miệng:
– Chị đẹp thế, sao không kiếm một người xứng đáng, thiếu gì người?
Chị thở dài:
– Các cụ bảo hồng nhan đa truân.
Tôi lại càng thương cảm chị hơn. Sao tôi không phải là người khác họ, không lớn
tuổi hơn, hoặc ít ra bằng chị? Tôi đang nghĩ vẩn vơ thì một chiếc hen-cát từ
phía Cao Vân bay xoẹt qua đầu. Chị hoảng hốt ôm chầm và dúi đầu vào ngực tôi. Một
chiếc nữa xoẹt qua. Tôi vòng tay ôm lấy chị như để che chở, thầm mong những
giây phút này kéo dài.
Nhưng chúng không quay lại. Chị gỡ tôi ra, búi lại tóc, chỉ nghĩ đến máy bay,
không hề hay biết mấy phút vừa qua, một bên vú chị đã ép chặt ấm nóng trên ngực
tôi.
– Thôi, chị em mình đi đi, chị thấy bảo nó bắn mấy người chết ở đèo này rồi đấy.
Chợt nhớ ra điều gì, chị hỏi tôi:
– Ở chỗ cậu có bị sốt rét không?
– Có, nhưng em chưa bị.- Chị mở tay nải, bên trong là thuốc tây, dầu con hổ, xà
phòng thơm, v.v… lấy ra một tuýp pa-u-đrin 100 viên đưa cho tôi:
– Cậu cầm lấy uống phòng, không bị vàng da như ký ninh vàng đâu.
Tôi miễn cưỡng cầm, và khi chị đi khỏi, tôi cáu kỉnh vứt tung xuống vực. Tôi cần
gì cái thứ ký ninh đắng này. Hòa bình lập lại, tôi lại gặp chị ở Hà Nội. Chị đã
lấy một người chồng khác, làm nghề thợ may ngồi chợ. Chị ở sâu mãi tít trong một
ngôi nhà ở ngõ Hàng Cháo, phòng chị ở rộng chừng 15 mét vuông, vốn là công
trình phụ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến chơi với chị. Mỗi lần đến với chị về, gần
như tôi lại thay đổi người yêu. Có lần xuýt nữa tôi đã ngủ với một cô. Một cặp
đùi và hông màu nâu hồng tuyệt đẹp, nhưng ngực hẹp và đôi vú nhỏ rất không cân
xứng. Tôi lại nhớ đến dáng chị nằm như bơi trong trăng. Thế là tôi không ham muốn
nữa. – Anh thử em đấy thôi. Và tôi kéo quần áo lại cho cô. Rồi tôi thôi không đến
với cô.
Ba mươi tuổi tôi vẫn chưa lấy vợ. Chị giục tôi:
– Cậu cứ kén mãi, già mất thôi.
Rồi chị kéo tôi ra tủ gương, đứng sát vào người tôi:
– Thấy chưa, cậu già hơn chị mất rồi. Chị cứ đứng sát vào tôi như thế, nhìn
gương, nhìn tôi, mớ tóc đen dày chảy như suối trên vai chị, đôi mắt đen như
nhung cong lên, như thách đố. Và mùi phấn rôm. Tại sao vẫn cứ mùi phấn rôm? Mùi
phấn rôm làm tôi nhớ tới ánh trăng. Tôi nhắm mắt lại.
– Kìa, cậu làm sao thế?
– Em hơi chóng mặt.
– Thế à, chị lấy dầu cho.
Chị thoa lên thái dương tôi. Dầu làm nóng bừng hai bên thái dương, nhức nhối.
– Thôi, em về đây.
– Đừng, nhỡ sao dọc đường thì chết.
– Không sao, em ra đường thoáng hơn.
***
Tôi lấy vợ rồi tôi bỏ vợ. Chị hỏi tôi:
– Tại sao cậu bỏ mợ ấy?
– Có nói chị cũng không hiểu được. Chị cười, dí vào trán tôi:
– Chắc lại phải lòng cô nào chứ gì? Đẹp trai lại học cao như cậu là hay tệ lắm.
– Vâng, nhưng lại phải lòng người có chồng rồi.
– Dớ dẩn, thiếu gì người, phải đâm vào chỗ nạ dòng, để chị tìm cho, chị mà ưng,
cậu cũng phải ưng.
Chị tìm cho tôi thật, ba bốn cô, nhưng làm sao chị biết được người tôi muốn lấy
phải như thế nào. Rút cục tôi vẫn lấy, rồi tôi lại bỏ, do không bao giờ tìm thấy
cảm giác về làn da vừa ấm vừa mát khi xưa. Chị cám cảnh cho tôi và chị:
– Xem ra đường nhân duyên chị em mình đều vất vả như nhau.
– Vâng, nhầm cửa lung tung cả. Nói rồi, tôi nhìn chị xem chị hiểu thế nào. Hình
như chị lại hiểu khác, chị bảo:
– Như cậu ngày xưa phải lấy được con quan.
– Còn chị, đáng ra chị phải là vợ một ông bộ trưởng. Chị cười, mắng yêu tôi:
– Chị nói thật tình, còn cậu lại trêu chị.
– Em không trêu đâu, chị còn đẹp hơn bà Mác-cốt (2) đấy.
Lời tôi nói thiêng một nửa. Chị trở thành cấp dưỡng cho một ông bộ trưởng. Chuyện
đó xảy ra khoảng thời gian đầu sơ tán chống Mỹ.
Tôi đến nhà chị, tức tối:
– Làm gì chẳng làm, sao lại nhận cái việc ấy?
– Thế cậu bảo chị làm gì? Văn hóa chẳng có, chữ nghĩa dăm ba câu, trước còn chạy
chợ nhì nhằng, bây giờ sơ tán, làm gì?
– Tự chị đi xin à?
– Chán cậu, chị biết đằng nào mà lần, mà tự dưng ai dám đến những chỗ ấy, một
bà ở thực phẩm thấy chị cẩn thận, sạch sẽ, giới thiệu cho đấy chứ.
– Thế bà ta đâu, bà bộ trưởng ấy, thường thường các ông ấy luôn dành tiêu chuẩn
cấp
dưỡng cho vợ mình kia mà.
– Bà ấy đi sơ tán với các con, thế mới đến lượt mình.
– Ra chỉ mình họ cần tránh bom đạn thôi ư?… Rồi yên, bà ấy về thì sao?
– Lúc ấy hãy hay, cứ biết làm là làm đã.
Chợt nghĩ đến việc vợ con ông ta đi sơ tán cả, đầu óc tôi tối sầm. Tôi mười ba
tuổi còn ngẩn ngơ trước sắc đẹp của chị. Chả lẽ tôi là một ngoại lệ? Chả lẽ ông
ta, một ngoại lệ nghịch đối?
– Chỉ mỗi mình ông ta ở nhà thôi à?
– Có bảo vệ nữa chứ. Chị nói vậy, tôi nhẹ nhõm đi một chút, nhưng rồi vẫn băn
khoăn:
– Chị ăn uống luôn ở đấy chứ?
– Chị về ăn ở nhà, mình làm gì có tiêu chuẩn ăn ở đấy… Mà sao cậu cứ cật vấn
mãi chị thế? Điều tôi vẫn kìm giữ, chợt nổ tung ra:
– Là bởi vì em không thích chị làm cấp dưỡng cho ông ta, thế thôi.
– Rồi tôi lảm nhảm:
– Nếu em có quyền, em sẽ cấm chị, nếu em hơn tuổi chị… nếu em…
– Chị biết rồi…
– Chị nói bằng một giọng như người có lỗi.
– Nhưng ông ta tốt lắm…
– Tôi thì kém gì họ, thậm chí học vấn còn hơn họ, tâm hồn tư cách, chắc ai hơn
ai. Tôi vừa nói vừa vùng vằng bỏ về. Bẵng đi mấy tháng tôi không đến chị, nhưng
tôi đâu có được thư thái. Tôi nghĩ ngợi lung tung. Nghĩ tới các ngoại lệ. Tôi
suy diễn đủ chuyện.
Rút cuộc tôi vẫn phải mò đến chị, chị hơi đẫy ra, trắng hơn, càng đẹp, nhưng
hơi buồn.
Chưa bao giờ tôi trông thấy chị buồn. Với tôi, mắt chị bao giờ cũng cười, lần
này mắt chị không cười. Chị buồn buồn hỏi tôi:
– Sao lâu cậu không đến chơi?
– Độ này em bận.
– Bận hay giận chị?
Chị nghĩ tôi giận nên buồn ư? Tôi chả còn mong gì hơn thế nữa. Tôi cố tỏ ra
không phải tôi giận chị. Nhưng chị vẫn ít khi cười nữa. Khi cười, khi ưu tư. Về
phía tôi, tôi cũng đâm ưu tư về nỗi ưu tư của chị. Khoảng một năm sau, tôi thấy
chị đeo cái vòng ngọc cẩm thạch. Cánh tay chị như cánh tay vũ nữ, chiếc vòng ngọc
càng làm cho nõn nà hơn.
Tôi lạnh lùng hỏi chị:
– Chị mới mua à? Chị không trả lời câu hỏi mà lại giơ cánh tay lên hỏi tôi:
– Cậu bảo có đẹp không? Tôi bực mình:
– Đẹp là ở cánh tay chị ấy, đâu phải cái vòng, nó vướng thêm thì có. Từ đó tôi
ít đến chơi.
Mấy năm sau nữa, lúc bắc nam đã thống nhất, chị khoe chị được thưởng phiếu nghỉ
ở Sầm Sơn và hỏi tôi đã lần nào đi Sầm Sơn chưa? Tôi trả lời bằng một giọng hờn
dỗi, pha chút mỉa mai:
– Đi Sầm Sơn là phải có đôi, tôi có đôi đâu mà đi!
Sau đó mấy hôm, một buổi sáng, tôi đang đạp xe trên đường Phan Đình Phùng, một
chiếc vôn-ga đen lướt nhẹ qua tôi. Tôi vô tình nhìn vào trong xe.
Nhưng xe lướt nhanh quá, tôi chỉ thoáng thấy người đàn bà ngồi ở ghế sau, tay
đeo vòng ngọc tỳ lên cửa kính, cánh tay nõn nà như tay vũ nữ. Ngồi cạnh tài xế,
ghế trước là một người hói trán, không rõ mặt, chỉ rõ chiếc kính râm và cái gáy
u lên những mỡ. Từ đấy tôi chỉ còn gặp chị trong ánh trăng. Mỗi khi trăng tràn
vào trong màn, tôi lại tưởng như chị nằm nghiêng, quay về phía tôi, đùi khép hờ,
hai cánh tay vươn ra đón tôi. Tôi nghe thấy như chị bảo:
– Cậu trẻ con quá!
– Đến bao giờ chị mới thôi coi em là trẻ con?
– Thì đã có lần nào cậu là người lớn đâu!
Tôi có yêu chị không? Chưa bao giờ tôi hỏi mình như vậy. Và có hỏi cũng khó trả
lời. Tôi có yêu chị không hay tôi chỉ muốn tìm yêu một người như chị? Nhưng nếu
tôi đã khẳng định không ai có thể so với chị, phu nhân tổng thống cũng không bằng,
bao giờ tôi mới tìm được một người như thế? Tuy nhiên tôi vẫn đi tìm trong ánh
trăng, ánh trăng từ chị hắt ra đêm hôm ấy, cái đêm tôi còn làm một thiếu niên
trong trắng, ngây thơ, ánh trăng và mùi phấn rôm làm tôi xao xuyến, chơi vơi
mãi trong đời.
Và chị có cho là tôi yêu chị không?
Nguyễn Bản
*Về tác giả: Nhà văn, dịch giả, thầy giáo Nguyễn Bản.
Nhà văn Nguyễn Bản sinh năm 1931 tại Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp khoa văn Đại học
Sư phạm năm 1976.
Các tác phẩm của Nguyễn Bản chủ yếu là truyện ngắn. Ông đã cho ra mắt bạn đọc
“Bức tranh và vết thạch” (1992), “Mùi tóc Thảo” (1994), “Truyện ngắn Nguyễn Bản”
(1996), “Nợ trần gian” (2003), “Những cánh hoa quỳ dại” (2006), “Rừng đêm cuối
năm”, “Mặt trời đồng xu”, “Đường phố lòng tôi” (năm 2007)...
Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Bản đã giúp ông giành các giải thưởng, như “Ánh
trăng”, “Chuyến ly hương cuối đời”, “Sông Lấp”, “Cơn lũ”.
Bên cạnh việc sáng tác, nhà văn Nguyễn Bản còn là một dịch giả với khoảng 15 tập
truyện và tiểu thuyết dịch, trong đó đáng chú ý là “Hoa đỗ quyên đỏ” của nữ nhà
văn người Mỹ gốc Hoa Anchee Min (Giải thưởng Văn học Carl Sandburg, Mỹ năm
1993), “Nữ hoàng Phong lan”, cũng của Anchee Min.
Ông mất ngày 15/9/2023, thọ 92 tuổi.