28 December 2023

CÁM ƠN MAI - Nguyễn Thị Thanh Dương

Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ngày mai chiên chả giò tham dự tiệc lễ Tạ Ơn với lớp ESL do cô giáo Linda tổ chức. Lớp học ESL gần 20 người, một nhóm người Lào thì hùn tiền nhau order món gà tây nướng lò bán trong chợ, còn lại kẻ thì mang giấy napkin, mang nước ngọt, trái cây, bánh kẹo. Tôi và Mai sẽ mang món chả giò, tôi chiên chả giò cho cả hai đứa luôn.

    Buổi chiều Mai đến nhà tôi, tưởng nàng hỏi thăm về món chả giò nhưng nàng hỏi:

    – Ngày mai bà tính mặc đồ gì?

    Tôi hớn hở khoe:

    – Như mọi hôm khi đi học, tôi có rất nhiều váy áo.

    Mai kêu lên:

    – Tôi biết ngay mà, lúc nào bà cũng mặc đồ nhà thờ, mấy cái váy cổ lỗ sĩ dài thậm thượt tới chân, thời trang từ thời khai phá ra nước Mỹ.

    Tôi mắc cỡ bào chữa:

    – Cổ điển chứ không phải cổ lỗ sĩ nha. Cổ điển cũng có giá trị của nó.

    Những ngày đầu mới đến Mỹ tôi được người ta hướng dẫn đến các nhà thờ xin quần áo cũ và tôi đã chọn ôm về một đống, tha hồ mặc, khỏi tốn tiền mua.

    Mai tiếc rẻ:

    – Mà đồ cũ có đủ loại sao bà không chọn vài kiểu mới mẻ, toàn chọn váy bà già.

    Rồi Mai trịnh trọng:

    – Lễ Tạ Ơn là lễ lớn của người Mỹ. Ngày mai thế nào cả lớp ai cũng diện đẹp mà bà mặc đồ thường là quê lắm đó.

    Sao cái gì Mai cũng biết cũng khôn hơn tôi dù nàng đến Mỹ sớm hơn tôi chỉ vài ba tháng, nhỏ tuổi hơn tôi nhưng Mai luôn “ngang hàng” gọi tôi bằng “Bà” xưng “tôi”.

    – Vậy thì tôi sẽ lục mớ đồ cũ xem có bộ nào đẹp nhất thì mặc.

    – Khỏi cần, tôi có mang cho bà bộ váy nè, bảo đảm bà sẽ mặc vừa.

    Mai lôi ra trong chiếc túi giấy mang theo một bộ váy màu xanh còn mới và khoe:

    – Tôi mua và mặc hồi mới đến Mỹ, không thèm xin đồ cũ như bà đâu.

    Nàng bắt tôi phải thay đồ và thử chiếc váy ngay tại chỗ cho nàng ngắm. Mai khen rối rít:

    – Đẹp lắm, bà với tôi cùng size mà, tôi tặng bà chiếc váy này luôn đó.

    Tôi giật mình ngạc nhiên trước món quà bất ngờ vì ngắm trong gương tôi đã thích chiếc váy này rồi.

    – Cho tôi váy này, thế Mai mặc gì?

    – Dĩ nhiên là tôi có váy khác, cũng màu xanh. Ngày mai hai đứa mình cùng diện váy đồng màu luôn.

    Tôi cảm động:

    – Cám ơn Mai, tôi sẽ giữ gìn cái váy này và xài tới khi nào rách thì thôi.

    Mai chững chạc như chị Hai tôi:

    – Bà đang cao hứng nói thế thôi, mặc vài lần bà sẽ chán và mai này bà có dịp mua sắm quần áo thì bộ váy này nghĩa lý gì.

    Tôi đến Mỹ định cư được vài tháng thì đến thành phố này. Trong thời gian còn đang hưởng trợ cấp tôi tiếp tục học lớp ESL và quen Mai ở đây.

    Mai ra vẻ hiểu biết chỉ dẫn tôi đủ thứ. Phố nhỏ, chợ búa và cư dân người Việt ở xa khoảng 1 giờ xe. Mai mới đậu bằng lái xe mà đã chở tôi đi chợ Việt nam để mua những thực phẩm cần thiết của người Việt như gạo, nước mắm, tôm khô, v.v. rồi Mai chỉ tôi cách làm giá từ đậu xanh hột, một bịch đậu xanh có mấy chục xu mà làm ra mấy rổ giá sống. Tôi muốn nấu canh chua than thở không có bạc hà thì Mai chỉ tôi theo cách của nhà hàng dùng cần tây thay thế cũng ngon. Mai giúp tôi nhiều lắm.

    Trưa thứ năm tôi chiên chả giò xong lo tắm rửa và mặc chiếc váy màu xanh của Mai, nàng đến đón, chở tôi đến lớp. Tôi vừa vui vừa hồi hộp vì đây là buổi tiệc Tạ Ơn đầu tiên của tôi ở Mỹ, Mai cũng thế nhưng nàng hớn hở và tự tin hơn tôi. Đúng như Mai nói từ cô giáo Linda đến các học trò của lớp ESL này ai cũng mặc đồ đẹp đẽ chỉnh tề.

    Vào tiệc mọi người vừa ăn uống vừa trò chuyện, trình độ tiếng Anh như nhau nên nói qua nói lại ai cũng hiểu nhau, cùng vui vẻ. Tôi không biết ăn gà tây nhưng cũng lấy một ít vào dĩa ráng ăn cho hòa đồng với người ta, chủ yếu tôi toàn… ăn chả giò của tôi và uống nước ngọt, nhưng tôi vui nhiều vì đang mặc chiếc váy đẹp.

    Lớp học ESL nằm trong building của trường Vocational Technical School. Sau khóa ESL Mai rủ tôi ghi danh học lớp Nursing Assistant trong trường Vo.tech này, khóa học ngắn hạn, nghề dễ tìm việc làm tại các bệnh viện, viện dưỡng lão.

    Hai đứa lại chăm chỉ đi học như khi còn ở bên lớp ESL. Sau mấy tuần học, thi cái test cuối cùng là mãn khóa và nghỉ chờ thi license. Ngày mãn khóa cô giáo mời cả lớp đi ăn nhà hàng Golden Corral, nhà hàng cách trường chừng 5 phút xe, ngày nào đi học tôi cũng đi qua nhà hàng Golden Corral nên thuộc tên luôn. Mọi người rối rít thu dọn sách vở, vui vì xong kỳ học được thảnh thơi, họ ra xe đến nhà hàng. Mai chở tôi đi, hai đứa cùng hí hửng.

    Lần đầu tiên chúng tôi biết nhà hàng buffet Mỹ là gì, biết thịt bò nướng có các kiểu “rare, medium và well-done”.  Mai và tôi cùng chọn món thịt bò steak nướng chín kỹ rồi đi lấy rau và các thức ăn phụ khác. Hai đứa vừa ăn vừa khen cô giáo người Mỹ tử tế rộng rãi cho mọi người đi ăn nhà hàng và thầm cám ơn cô.

    Ăn xong, tôi ngạc nhiên khi thấy cô bạn Mỹ bên cạnh lấy tiền ra trả. Tôi nói nhỏ với Mai:

    – Sao họ tự trả tiền? Cô giáo bao mình mà…

    Mai cũng ngơ ngác nhìn quanh khắp lượt thấy ai cũng trả tiền cho phần ăn của mình. Nàng liền bình tĩnh:

    – Thì ra cô giáo “mời” đi ăn nhưng ai ăn người nấy trả, bây giờ tôi mới biết điều này như bà.

    Tôi vẫn lấm lét:

    – Nhưng… tôi không mang tiền theo!

    – Tôi có tiền đây. Bà cất bộ mặt ngố của bà đi, tươi cười lên đi, đừng để các bạn biết chúng ta đang bị ”sốc” nặng vì tưởng bở nhé.

    Tôi mừng rỡ vì có Mai cứu bồ và cảm phục thái độ của nàng, vụ này Mai cũng không biết nhưng nàng biết ứng xử. Bài học đầu tiên của tôi và Mai ở Mỹ là người Mỹ “mời” mình đi ăn là phần ai nấy trả, không có cảnh “bao” nhau hay tranh giành nhau trả tiền như người Việt mình.

Tôi và Mai xin làm trong một nursing home, làm cùng ca nên tình bạn càng thêm gần gũi. Có lần hai chúng tôi  chăm sóc một bà già, hai đứa vừa làm vừa nói chuyện bằng tiếng Việt Nam, bà già Mỹ tuổi gần đất xa trời thế mà còn tò mò thều thào hỏi:

    – Hai đứa mày… nói tiếng gì… tao không hiểu.

    Biết là sai, là bất lịch sự khi có người thứ ba mà hai người nói chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ khác. Từ đó tôi và Mai không nói chuyện bằng tiếng Việt khi có mặt người Mỹ nữa.

    Cuối năm đó vì lý do riêng gia đình tôi phải dọn đi tiểu bang khác. Mai buồn buồn khi tôi chia tay còn tôi thì thổn thức hứa rằng tôi sẽ giữ mãi chiếc váy Mai cho để mỗi lần mặc tôi sẽ nhớ đến Mai.

    Vài năm sau tại nơi ở mới, bận rộn với cuộc sống mới, với bạn bè mới tôi đã lãng quên chiếc váy màu xanh Mai tặng, tôi đã xếp xó và nó thất lạc nơi nào tôi không biết. Tôi thành kẻ hứa lèo, hứa cuội. Xin lỗi Mai.

   Nhưng Mai ơi, chút tình bạn ngắn ngủi của tôi với Mai, tôi sẽ không bao giờ quên dù giờ đây chúng ta đã mất liên lạc với nhau. Cám ơn Mai đã là người bạn tốt, cho tôi những kỷ niệm vui và đẹp của những ngày đầu chúng ta mới đến Mỹ.

Nguyễn Thị Thanh Dương

(10/2023)