28 December 2023

TẢN MẠN VỀ CƠN MƯA COI NHƯ ĐẦU MÙA - Phạm Nga

1.

Trận gió lớn đột ngột thổi đến khua động mấy tấm tôn trên mái nhà, tiếng cây lá xào xạc hòa vào tiếng cửa sổ va đập. Cơn mưa ào ạt tuôn xuống đường phố như đã bị ai đó kềm giữ từ lâu lắm rồi. Mưa đấy, nhưng tiếc là chỉ kéo dài độ 15 phút, chỉ vừa đủ làm ướt mặt đường và trời cũng chỉ mát hơn chút đỉnh.

Thật ra, đã một vài lần trong tháng 4 nóng bức kéo dài này, bầu trời chợt tắt nắng và mây chuyển sang màu xám xịt cả buổi nhưng vẫn không mưa nổi. Cũng có lần, vào một sáng thứ bảy, vài hạt nước từ trên trời đã rơi xuống một cách chóng vánh, thưa thớt, y như một trò thao diễn tượng trưng của thời tiết. Dân Sài Gòn tiu nghỉu, thất vọng, tiếp tục tính chuyện nghỉ cuối tuần là phải chạy thẳng ra biển Vũng Tàu, Long Hải hay ít ra là kéo nhau về vùng ngoại ô còn cây xanh, vườn tược để tránh nóng…

Năm nào cũng vậy, sau vài lần chập chờn “giả mù sa mưa”, cơn mưa coi như đầu mùa – thật sự lớn và kéo dài cỡ này –  mới chịu đến, đến một cách đột ngột như không hề báo trước.

2.

Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ rất bình thường, quen thuộc là chuyện mưa nắng nhưng có khi cơn mưa lại là một món quà tặng – tuy đơn sơ nhưng vẫn ít nhiều hậu hĩnh – của thiên nhiên dành cho con người. Như vào cái thời còn lui tới giảng đường trường Văn Khoa, đám sinh viên đầy mơ mộng tụi tôi rất khoái trời mưa. Thấy sấm chớp nổi lên, mưa vừa rớt hột thì thiên hạ lo chạy đi tìm chỗ trú hay chạy vội về nhà để tránh cơn mưa, còn tụi tôi thì làm ngược lại – chạy… ra đường. Có gì đâu, chỉ là kiếm tìm nhau để đi uống café. Địa điểm rất ít khi thay đổi là quán Hân ở vùng Đakao, Sài Gòn cũ. Nếu trời đổ mưa đang lúc cả bọn có mặt tại trường thì càng dễ rủ rê vì quán này chỉ cách Văn Khoa vài trăm mét. Chỉ cần tên nào đó lên tiếng là cả đám đồng loạt xếp sách vở, xuống sân lấy xe. Có khi đi bộ luôn trên đường Đinh Tiên Hoàng dưới cơn mưa – cho thêm phần…lãng mạn.

Đúng hơn là người ta đi ngồi café – ngồi lâu dài, ngồi nhẵn mặt ở cái quán quen thuộc của mình. Ly café đá hay tách café đen, café sữa đã bày ra trước mặt. Nhạc ở Hân rất tuyệt, từ nhạc Việt, nhạc ngoại quốc cho đến nhạc giao hưởng. Sau một lát trao đổi vài đề tài nhẹ nhàng, ai nấy đều trở nên thinh lặng và lười cử động. Mỗi người như đều tách khỏi câu chuyện bạn bè để riêng mình theo đuổi cái cảm giác bình yên, ấm cúng đang choáng ngợp thân tâm lúc này.

Qua mơ màng khói thuốc, có thể ung dung ngắm mưa ngoài đường hay thầm lén ngắm trộm cô bạn học ngồi trước mặt đang rón rén thưởng thức ly nước cam vắt. Hình như khi thướt tha áo dài, buông lơi tóc thả vào lúc trời đổ mưa, cô nàng trở nên duyên dáng lạ thường. Trong một lần hẹn hò với một cô nàng học dưới tôi một nửa học kỳ cử nhân nhưng lại coi như ngang hàng, bởi hai đứa âm thầm đã hình-như-là-tình-yêu với nhau, tôi còn bàng hoàng hơn nhiều…

Lần ấy, hai đứa hẹn ở quán La Pagode, theo tiếng Pháp nghĩa là cái chùa, ở đường Tự Do. Tôi đến muộn, quần áo thì ướt đẫm nước mưa. Nhà hàng sang trọng này có hai mặt tiền bằng vách kính dày, mưa càng lớn thì khách ngồi bên trong càng cảm thấy ấm áp, khô ráo, nhưng tôi thì đã thấm lạnh, khó chịu trong người, mặc dù máy lạnh chỉ ở mức điều hòa không khí. Co ro trước tách café nóng và mơ mơ màng màng qua những vờn khói thuốc, tôi chợt nhận ra người con gái đang ngồi kề bên chợt xinh đẹp diệu kỳ. Từ ánh mắt lúng liếng, nụ cười thẹn thùng, suối tóc mây êm ả, cho đến chiếc áo dài – vừa huyền hoặc như chợt thoát ra từ lời hát thiết tha của bản Ngàn Thu Áo Tím, vừa thẳng thớm, tề chỉnh như đang được mặc trong vũ hội – tất cả như chợt hợp điệu thành một vẻ đẹp toàn bích, trang trọng đến tuyệt vời. Chính là cơn mưa lớn đã dửng dưng làm tôi ướt át, khổ sở, nhưng đổi lại, mưa lại hào phóng nâng lên vẻ duyên dáng của người con gái – cái bờ bến yêu kiều, bình yên, tạnh ráo mà gã thư sinh mấy độ phong sương, lạc nẽo lý tưởng chỉ mong được phép ghé vào tá túc, tìm chút hơi ấm nồng nàn trong cơn mưa bão.
Sâu xa hơn thì tình yêu có một loại phong vũ biểu đặc biệt dành cho ai đó – rất riêng tư mà sẵn sàng hòa điệu với mưa trời. Lời xưa có nói: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách / Sắc bất ba đào dị nịch nhân“, tạm dịch là “Mưa đâu có kềm trói ai nhưng vẫn có thể giữ chân người và sắc đẹp đâu có sóng to (ba) sóng nhỏ (đào) đâu mà vẫn nhấn chìm người“. Trời chợt đổ mưa thì có thể gây khó khăn, trễ nãi cho ai đó chứ đối với những tình nhân, có phải cùng nhau ghé vào một mái hiên để tránh mưa thì càng tốt thôi! Đôi lứa yêu nhau cứ giả bộ lấy cớ trời mưa giữ chân họ mãi, nên họ phải… tha hồ ở bên nhau mà tình tự.

Nghĩa là mưa càng kéo dài thì càng ơn ích cho những cặp tình nhân. Để rồi dù mai sau, mùa mưa hằng năm lại đến mà tình đã chia lìa thì người ta lại chạnh nhớ đến vô vàn kỷ niệm thương yêu đã khắc ghi trong cơn mưa ngày nào. Để rồi, những chiều mưa nằm chèo queo trên gác trọ, không còn đồng ten nào để chạy ra quán café, những gã trai trẻ rất là buồn. Vọng ra từ cái cassette cũ kỷ, rẻ tiền, những bài ca sầu đời, thảm thê viết về mưa gió của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Y Vân, Phạm Đình Chương… càng gợi nhớ về những khuôn mặt, những trao gởi qua những gặp gỡ, gắn bó cùng những hụt hẫng, chia lìa đã xảy ra trong quá khứ…

3.

Bên cạnh những hoài niệm mượt mà, yêu dấu, phần ký ức của tôi về mưa còn bề bộn lắm, như về thời ấu thơ trong những mùa nghỉ hè. Miền Nam thì chỉ có hai mùa mưa nắng và mùa bãi trường trùng với mùa mưa. Nói là học trò “nghỉ hè ba tháng” cũng có nghĩa là “nghỉ…mưa ba tháng”, để tha hồ vui chơi, nghịch ngợm. Còn gì tuyệt hơn cho bọn đứng hàng thứ ba trong “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò“cho bằng khi “Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê /Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ” như bài thơ ‘Nghỉ hè’ của Xuân Tâm đã vui vẻ mô tả trong sách giáo khoa tiểu học. Và mưa luôn đi theo chân bọn học trò…

Tôi còn nhớ trong một lần được về nghỉ hè ở đất quê Nha Trang, giông gió đã làm rụng nhiều trái non trong vườn xoài của gia đình. Mưa vừa ào tới thì bọn nhóc tụi tôi chạy ra lượm trái rụng (và tắm mưa luôn), để chơi chớ đâu có ăn được, thì bà ngoại tôi đã ngăn lại. Bà nói: “Trời mưa mà mấy đứa chơi giỡn thì hổng nên!”. Lúc ấy, với đầu óc thơ ngây, cạn cợt của mình, tôi chỉ nghĩ rằng chắc ông Trời – đang làm sấm chớp đùng đùng! – không ưa bọn con nít quậy phá, đùa nghịch trong lúc ổng tuôn nước xuống trần gian. Yên lăng và thúc thủ ở mái hiên, tôi nhìn ra vườn mà nghỉ phải chi được ra cái mương nước đang chảy cuồn cuộn kia mà thả chiếc tàu giấy thì vui biết mấy. Chán thiệt! Tôi thấy mình không khác gì con gà trống thảm não kia, lông lá ướt sũng, đang co ro đứng dưới mái chuồng. Chú gà có vẻ rầu rĩ và không chừng nó cũng đang suy tư như tôi về những thiệt hại mà cơn mưa đã gây ra cho mình.

Sau này, lớn lên tôi mới gác bỏ thứ triết lý bi quan đầu đời về thời tiết mưa nắng ấy khi đã hiểu về cái vẻ kính cẩn của bà ngoại mình trước cơn chuyển động của trời đất. Không có chi ghê gớm cả, chỉ là người già vừa sợ sấm chớp, giông gió vừa sợ con cháu mình lấm lem, bẩn thỉu và có thể cảm bệnh khi ra mưa chơi giỡn. Nghĩa là tự thân cơn mưa không hề có ác ý, sẵn sàng chơi xấu gì đối với bọn con nít hay con gà!

Ngày giờ này, ở tuổi lứa U70 chúng tôi, bên cạnh một chút bâng khuâng về cơn mưa đầu mùa là gay go nhiều nỗi lo phiền. Cơn gió lớn báo mưa cũng là báo cho biết đã đến lúc phải sửa chữa mấy tấm tôn nát trên mái nhà. Và không phải chỉ có những thứ hư hỏng trên đầu mình. Ở sàn nước nhà sau, cống thoát nước thải đã nghẹt cả một đoạn dài. Rồi chỉ do ráng bỏ sức ra rửa xe honda tại nhà – cho đỡ tốn tiền ra tiệm, nước dơ đã ngập sàn nhà bếp lênh láng. Rồi khi ráng cái thân già, ngại leo trèo vì đau thần kinh tọa đã lâu nhưng vẫn phải cố tìm cách lên mái nhà để thông mấy cái đầu máng xối, lại căm giận bọn mèo hoang. Ngoài cái trò đêm đêm cứ rửng mỡ, ghẹo “gái”, đánh lộn trên cái mái tôn ọp ẹp nhà tôi, bọn mèo vừa phá giấc ngủ cả xóm vừa để lại những bãi cứt chua loét, cứ trộn lẫn vào những thứ rác lá, bao nylon mà chỉ có trời mới biết từ phương nào bay đến. Phải tốn tiền mua găng tay cao su để hốt cho sạch những thứ trời-cho này nếu không muốn nước mưa từ đường máng xối bị nghẹt mà dội ngược vô nhà, thấm vô làm mục nát la-phông trần nhà. Rồi do chỉ được đóng bằng ván ép, căn gác nhà tôi đã từng bị mối xông sau khi bị thấm nước chỉ trong một mùa mưa.

4.

Còn nhiều chuyện khác, không vui nhưng cứ phải nhớ, khi mùa mưa đến. Nhiều lúc mưa đã không còn thơ không còn mộng như thời còn đi học ngày xửa ngày xưa nữa. Trước hết là áo mưa. Xin nói rõ là áo mặc đi mưa cho khỏi ướt chứ không phải là loại “áo mưa” condom là thứ gây “ướt át” cho chính mình và người kề cận mình. Chiếc áo dùng trong mùa mưa năm trước đã rách thì ráng kiếm cái khác mà thủ sẵn dưới yên xe. Phải là áo mưa “người dơi” mới tiện dụng cho chúng tôi – đám dân lao động chạy xe đi làm, kiếm sống ngoài đường, chứ không phải những cái dù xanh đỏ, màu mè trong phim Hàn quốc hay Hồng Công. Luật giao thông đường bộ cũng cấm che dù khi sử dụng phương tiện hai bánh.Và khi trời mưa, dù bạn có ngồi chễm chệ trong xe du lịch bốn bánh, quay kín cửa và chỉnh lại máy lạnh, thì bạn cũng sẽ không thú vị gì khi gặp phải những đoạn đường ngập nước. Trong thành phố Sài Gòn đương đại, loại đường-sông lúc ẩn lúc hiện này hình như rất ít chịu biến đi dù nhiều năm qua, ngành công chánh đã rất nổ lực, nhiều lần nhiều đợt (tuyên bố) chống úng ngập và tận tụy thu thêm khoản tiền “phụ thu xử lý nước thải” ghi trong hóa đơn tiền nước sinh hoạt hằng kỳ gởi đến dân. Sau những cơn mưa lớn, dù bạn có được ngồi trong xe ô tô, và dù bạn cảm thấy không việc gì mà phải tội nghiệp đám đi xe hai bánh bị chết máy, lủ khủ dắt xe lội nước dưới mưa, bạn cũng không thể yên vui vì nạn kẹt xe luôn luôn xảy ra kéo dài ở những khu vực ngập nước, khiến bạn phải mất thì giờ, trễ nải công việc… 

Có lần, tại khu ngập nước (gần hết bánh xe honda) gần cầu Kiệu ở Phú Nhuận, tôi đã bị hư bộ đồ vía đi dự đám cưới. Áo mưa tạm che được thân trên nhưng giày vớ và ống quần đành phải nhúng nước khi xe bị tắt máy. Tình cờ, gần tôi lúc đó là một chiếc xe du lịch đang bị bao vây bởi đám xe hai bánh. Trong xe là một cô nàng rất đẹp rất sang, ngồi cạnh một ông Tây. Không hiểu vì nhu cầu cấp bách gì mà cô nàng mở cửa xe. Cha! Cái điệu bộ người đẹp mặc váy, bỏ giò xuống mặt đường mới kiêu kỳ và gợi cảm làm sao! Nhưng trời ạ, người đẹp đã quên mất là hiện giờ không hề có cái gọi là mặt đường ở đây, mà chỉ có…mặt nước thôi. Vậy là người đẹp vội vàng rút lên cặp giò tuyệt mỹ, sau khi đã lỡ nhún xuống nước cặp vớ màu da cùng với đôi giày hàng hiệu. 

Có tình cờ được miễn phí xem đoạn phim gợi cảm nói trên thì đám dân lao động cũng chẳng được an ủi bao nhiêu. Mùa mưa đến là tình hình và điều kiện đi đến chỗ làm và ra về khi tan sở, đưa rước con cái đi học, chở hàng đi giao, gánh hàng rong đi bán .v.v…, nói chung là đối với ai phải thường xuyên có mặt ngoài đường phố, sinh hoạt sẽ trở nên khó khăn, mất nhiều thì giờ, hiệu quả công việc giảm sút, hàng hóa ế ẩm…  Khổ hơn là còn tốn tiền sửa sang nhà cửa, chống dột, chống ngập.

5.

Sài Gòn hay có mưa vào chiều tối. Phố xá lộng lẫy với vô vàn ánh đèn đủ màu đủ sắc ở khu trung tâm thành phố mơ hồ trở nên đẹp đẽ, hào nhoáng hơn trong mưa. Nhưng cũng chính mưa đã làm cuộc sống của nhiều người trong chúng ta phải nhọc nhằn, vất vã hơn. Tuy nhiên, có một điều an ủi thật khiêm tốn – cũng là mong mỏi thường nhật của mọi người, bất kể giàu nghèo, sang hèn – là sau trận mưa chiều ướt dầm ướt dề, sau trận kẹt xe mệt mỏi ngoài phố, chỉ cần vợ chồng, con cái, anh em cuối cùng thì cũng trở về nhà đủ mặt để cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình buổi tối. Ngoài trời mưa cứ dầm dề hay trong nhà chỉ có cơm canh đạm bạc thôi cũng không thành vấn đề, đủ mặt cả nhà là vui vẻ, hạnh phúc rồi…

Phạm Nga