Trong vài thập kỷ qua, các nhà văn nữ gần như chiếm lĩnh
bộ môn truyện ngắn viết bằng tiếng Urdu ở Hồi Quốc (Pakistan). Vào tuổi đôi
mươi Nighat Seema đã là nhà văn nối tiếng tại quốc gia này. Bà sống tại một thị
trấn nhỏ ở trung tâm Punjab, cách xa các trung tâm văn hóa. Hầu hết các truyện
ngắn của bà đề cập tới các chủ đề xã hội thực tế, đưa ra những cái nhìn thú vị
về cuộc sống của các gia đình Hồi giáo thuộc tầng lớp trung lưu. Punjab
là một tỉnh ở phía tây Hồi Quốc, sát biên giới với Ấn Độ.
***
- Này, các ông đã lớn tuổi, thay vì hướng ngoại, hãy
hướng nội... vào thế giới bên trong mình.
Vô tình tôi đọc câu đó nhiều lần. Tôi từ từ đặt tờ tạp chí úp xuống mặt bàn. Đúng. Một ông già thay vì chạy theo những gì bên ngoài thì nên sống nhiều hơn trong thế giới của chính mình. Ông ta thấy gì ở thế giới bên ngoài? Cây trơ trụi, cằn cỗi không có cành hoặc nhánh. lá mục nát. Đó là nạn nhân của mùa thu. Run tay, run chân, cơ thể lảo đảo. Sa mạc cháy bỏng và sự tĩnh lặng đáng sợ. Trong khi thế giới bên trong con người ta thật yên bình, êm dịu và êm đềm... như mùa xuân, nó vẫn nguyên vẹn không bị ảnh hưởng bởi mùa thu. Vì vậy, nào ai muốn rời bỏ ánh sáng bên trong mà lang thang không mục đích trong vùng đất hoang vắng của thế giới bên ngoài?
Tôi ngước mắt lên liếc nhìn bà vợ đang ngồi gần gọt khoai một
cách bình thản. Cái cây trơ trụi, cằn cỗi này đang vào thu trong thế giới bên
ngoài của tôi. Khi tôi ở trong thế giới đó, cái cây cằn cỗi đó là nguồn hỗ trợ,
an ủi tuyệt vời, giúp giảm bớt sự cô độc đáng sợ của thế giới chung quanh tôi.
Mắt tôi dán chặt vào đôi bàn tay đang di chuyển chậm chạp của
bà ấy. Bàn tay khô, nhăn nheo. Những ngón tay run rẩy, không đều, xương xẩu nổi
gân xanh. Nhưng khi tôi rút lui vào thế giới nội tâm ẩn dấu đó, một hình ảnh hấp
dẫn hiện ra trước mắt tôi ... đôi bàn tay trước đây đã từng trắng muốt, mảnh khảnh,
được trang trí bằng những nét họa bắt mắt ... đôi bàn tay đã lịch sự nâng niu
những tấm vải vàng đẹp đẽ, thêu màu sặc sỡ ...
Khi tôi cố gắng không nghĩ tới đôi bàn tay ấy nữa thì như vô
tình chúng che khuôn mặt đáng yêu. Càng bị mê hoặc hơn, tôi say mê ngắm nhìn vẻ
đẹp của đôi bàn tay cân đối đó. Sự rực rỡ của những chiếc vòng vàng và nét chấm
phá màu đỏ của nét hoa văn càng làm tăng vẻ quyến rũ của nó. Một lúc sau, khi
tôi bừng tỉnh lại, tôi thấy mình đang nắm chặt đôi bàn tay đó trong tay mình.
Chỉ có Chúa mới biết tôi đã cầm đôi bàn tay run rẩy đó trong bao lâu, ướt đẫm mồ
hôi vì quá phấn khích hoặc có lẽ vì sợ hãi. Mà sợ cái gì, ai hiểu được đây.
Trong thế giới nội tâm của tôi, niềm hân hoan hấp dẫn sau lần
tiếp xúc đầu tiên đó vẫn còn sống động. Hình ảnh điên cuồng của đôi bàn tay khi
đó ... mềm mại, đầy đặn và quyến rũ. Thế giới bên trong nảy vĩnh cửu, tươi mới
như loài hoa Sada bahar (Chú thích: một loại hoa hồng)
... An toàn và được bảo vệ tốt khỏi mùa thu ảm đạm.
- Để yên nào - Đột nhiên vợ tôi nói. Tôi giật mình, đôi bàn
tay mềm mại, quyến rũ đó tuột khỏi tay tôi và tôi bị ném trở lại thế giới bên
ngoài, nơi tôi chỉ nhìn thấy hai bàn tay khô héo, teo tóp và những ngón tay run
rẩy nổi rõ những đường gân xanh. Thay vì chiếu ánh sáng xuyên qua tâm hồn,
chúng lại đóng băng hơn nữa.
- Đã lâu rồi mình không nhận được tin tức của Ashu và Kaku.
Có thể là có vấn đề gì xẩy ra cho chúng? Tôi lo quá. - Bà ấy nói.
Tôi cố gắng trấn an để bà yên tâm:
- Không có chuyện gì đâu! Chúng không có thời giờ để viết
thư cho ai cả. Có rất nhiều vấn đề cho gia đình. Ngay cả trước khi kết hôn,
Akmal hầu như không viết bất kỳ lá thư nào. Tính tình không vẫn thay đổi. Ngay
cả bây giờ nó cũng chỉ viết nguệch ngoạc vài chữ ở phía cuối hoá đơn chuyển tiền
thôi.
- Nhưng hai tháng nay nó cũng không gửi tiền về. – Bà ta nói
với giọng lo lắng. - Tôi hy vọng nhờ ân sủng của thánh Allah, mọi thứ đều ổn. -
Con dao run run trên tay và những nét lo lắng chợt hiện trên khuôn mặt nhăn
nheo.
- Tôi chắc là không sao cả. Bà không nhớ là nó luôn cẩu thả
trong việc viết thư hay sao? Khi sống trong ký túc xá đại học, bà còn nhớ là nó
viết thường xuyên như thế nào không? Rất hiếm. Chỉ khi cần tiền mới gửi điện
tín về.
- Phải, nó là vậy ... Kaku của tôi chính xác là như vậy ...
bất cẩn và thờ ơ. – Bà ta nói, mắt lấp lánh, miệng mỉm cười dịu dàng với khuôn
mặt rạng rỡ.
***
Bà ấy vẫn gọi nó là Kaku, mặc dù khi Akmal lớn lên, nó thường
cảm thấy xấu hổ nếu bị xưng hô trước mặt mọi người bằng cái tên đó. Bực tức, nó
năn nỉ: "Mẹ ơi, xin đừng gọi con là Kaku nữa... Mẹ không thấy con đã lớn rồi
không … bây giờ gọi như vậy nghe kỳ lắm ..."
Bà ta cười:
- Không, con trai à. Mẹ không thấy kỳ gì cả. Đối với mẹ, con
luôn là Kaku ... Kaku của mẹ. - Bà âu yếm trả lời. Mặc dù giờ nó đã là cha của
5 đứa con, bà vẫn gọi nó là Kaku.
Một ánh sáng hạnh phúc đã làm khuôn mặt của bà ấy rạng rỡ.
Ánh sáng của tình mẫu tử. Tôi trầm ngâm suy nghĩ, ở tuổi này mà bà vẫn đẹp làm
sao. Bây giờ tôi có thể thoải mái ngắm nhìn bà. Sau khi bước vào cuộc đời tôi
được vài năm, hầu như tôi không còn nhìn thấy khuôn mặt hấp dẫn kia nữa. Bà ấy
dành phần lớn thời gian để giặt giũ, làm những công việc lặt vặt trong sân,
ngoài hiên và trong nhà, còn tôi thì chỉ lén lút quan sát bà ấy làm việc. Trong
thời gian ở trên tỉnh làm việc, cuối tuần tôi không thể ở lại thành phố mà thường
tìm lý do nhỏ nhất nào đó để trở về ngôi làng của tôi, nơi bà ấy sống.
- Tại sao ông không viết một lá thư cho Kaku để hỏi lý do tại
sao lại im lặng suốt hai tháng nay? Nó phải viết cho mình biết tình hình gia
đình nó chứ. - Bà đột ngột cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Những dấu hiệu lo lắng
và mối quan tâm đã trở lại trong mắt bà. - Tôi không biết tại sao lại rất lo và
có cảm giác là có điều gì đó không hay xẩy ra.
Tôi ôn tồn đáp;
- Tôi đã viết hai lá thư rồi. Nếu tôi viết lần nữa, nó sẽ
nghĩ đó là một cái cớ để xin tiền. Nó không biết rằng cha mẹ không những cần tiền
từ con cái mà còn nhiều nhu cầu khác nữa.
Một lần nữa tôi bắt đầu suy nghĩ. Akmal chẳng làm điều gì
ghê gớm bằng cách gửi cho chúng tôi 100 rupees mỗi tháng. Trong những ngày này
liệu ai có thể sống được với số tiền ít ỏi đó? Năm mươi rupee được chi cho thuốc
men... căn bệnh viêm khớp quái ác này tiếp tục hành hạ tôi. Còn lương hưu... ba
tháng nay tôi chưa được lãnh. Tôi đã đi lên tỉnh bao nhiêu lần rồi? Lão chủ sự
phòng tài chánh đã nói:
- Yên tâm, vài ngày nữa sẽ có.
Nhưng trong cái lạnh cóng này, tôi không có đủ sức để đi lên
tỉnh nữa. Nhưng … dù sao tôi cũng sẽ đi lấy nó sớm ... có thể trong vài ngày nữa.
Số tiền sau khi bán chiếc nhẫn của Bano, vợ tôi, đã gần hết.
- Tại sao Kaku lại nghĩ sai về ông? - Bano đứng về phía con
trai. - Mình có bao giờ xin nó cái gì chưa? Nếu không thể gửi tiền về thì hãy để
nó làm những gì nó muốn. - Tôi có thể nhận được nỗi đau trong giọng nói gần như
sắp khóc của bà ấy. - Sinh con có ích lợi gì? Tôi không biết tại sao mọi người
khao khát có con. Phải qua những cơn đau đớn khi sinh nở, sau đó còn phải nuôi
nấng rồi giáo dục chúng ...
- Không, không, bà điên rồi à. - Tôi ngắt lời bà. - Không
nên ăn nói như vậy. Chúng ta cho chúng ăn, nuôi nấng chúng và giáo dục chúng,
đó là nhiệm vụ của cha mẹ.
- Nhưng còn nhiệm vụ của chúng đối với cha mẹ thì sao? - Bà ấy
nhìn tôi buồn bã, lặng lẽ lấy tay lau nước mắt. Một lúc sau bà nhẹ nhàng nói. -
Kaku đã không viết thư về suốt hai tháng qua. Và cả Ashu nữa ... Aishu của tôi.
Đã một năm kể từ khi nó về thăm mình. Khi anh nó không viết thì nó phải viết
vài dòng chứ. Nhưng không, nó không làm vậy. Chỉ có một lý do duy nhất là... chồng
và lũ trẻ. Bận rộn đến nỗi không có thời gian viết nguệch ngoạc vài dòng hỏi
thăm cha mẹ… Bây giờ ông hãy lấy giấy và phong bì rồi viết một bức thư ngắn cho
Kaku.
Tôi chăm chú nhìn bà suy nghĩ: Bà ấy không có chiếc khăn
choàng nào và đang mặc chiếc áo len của đoàn sinh viên tình nguyện mà cháu trai
của chúng tôi đã vứt bỏ. Tôi phải mua một chiếc khăn choàng. Lần này sau khi
lĩnh lương hưu, nhất định tôi sẽ mua cho bà ấy một chiếc. Và cả len nữa. Nhưng
không, tôi nghĩ những ngón tay già nua kia không còn đủ sức để xỏ những chiếc
kim đan, tôi sẽ kiếm một chiếc áo len may sẵn.
Tôi đẩy chiếc ghế của mình về phía bức tường nơi một mảng nắng
chói chang đã xuất hiện. Nó sẽ sớm lan rộng và bao phủ toàn bộ chiếc sân.
- Cũng viết thư cho Ashu nữa. Trường học ở Murree đã đóng cửa,
phải không? - Bà ta nhìn tôi trầm ngâm (Chú thích: Murree là một tỉnh
miền núi thuộc vùng Punjab, Hồi Quốc).
- Đúng. Bọn trẻ chắc đang được nghỉ.
Tôi đáp, bỗng mặt bà sáng bừng lên, hào hứng nói. - Vậy thì
viết nhanh đi. Nói với nó mang những đứa trẻ về đây. Mình không gặp chúng trong
nhiều năm. Năm ngoái khi Kaku về một ngày, nó chỉ về một mình. Ashu cũng chỉ về
với thằng con trai lớn thôi.
- Đúng vậy. Nếu bà nhớ chúng thì tại sao bà không đến với
chúng? Bà có thể có nhiều thời gian với bọn trẻ mà.
- Làm sao có thể như vậy được? - Bà nhanh nhảu đáp. - Kaku
và Ashu không bao giờ mời tôi dù chỉ là nói đùa. - Rồi bà nói thêm. - Thôi viết
thư cho chúng đi. Nếu ông viết hôm nay, chúng sẽ nhận được vào ngày mai, hoặc
trễ lắm là ngày mốt.
Tôi trấn an bà ấy:
- Ừ, trễ lắm là ngày mốt sẽ nhận được.
Đột nhiên tôi cũng mong mỏi những đứa trẻ về đây. Với sự xuất
hiện của chúng, bầu không khí trong nhà thay đổi nhanh chóng ... trở nên vui
tươi và bừng sáng như ngày lễ hội. Tôi nhìn quanh chiếc sân tĩnh lặng và vắng vẻ
truớc mặt, không có tiếng cười của trẻ con mà chỉ thấy hai con gà mái ở một góc
đang bới đất. Tôi vẫn nhớ khi Akmal bắt đầu biết đi, nó sẽ hất tung mọi thứ cản
đường. Chẳng bao lâu Ashu ra đời và làm tăng thêm sự sống động cho ngôi nhà.
Chúng chơi đùa ở sân, vui vẻ rượt đuổi nhau. Khi đi học xa, chiếc sân trở nên vắng
lặng và vô hồn, nhưng khi nghỉ lễ chúng về, ngôi nhà lại sống động trở lại. Sau
đó kết hôn. Aishu đến sống ở Murree, và Akmal cũng đi theo vợ là Nasreen sống ở
Lahore.
Ban đầu, chúng về cùng lũ trẻ để ăn mừng lễ Eid nhưng giờ đã
nhiều năm rồi chúng không cùng nhau đón lễ Eid tại nhà này nữa. Cả Akmal và
Aishu đều có những đứa con xinh xắn, đáng yêu. Akmal có năm con, hai trai và ba
gái. Aishu có bốn, một gái và ba trai. (Chú thích: Lễ Eid được tổ chức
vào cuối tháng lễ Ramadan và là một trong những ngày lễ Hồi giáo quan trọng nhất.)
- Đừng quên nói Kaku mang bọn trẻ về. - Bano nhắc tôi một lần
nữa. Tôi hứa sẽ viết như vậy nhưng vợ tôi không kiên nhẫn được. Bà rời đi một
lúc sau quay lại với cuốn album và một cây bút bi.
- Sao ông không viết ngay bây giờ để sáng mai gửi đi cho sớm.
Tôi mở cuốn album ra. Những bức ảnh chụp các con của Akmal
và Ashu. Có Chúa mới biết chúng tôi đã xem và thảo luận về các đặc điểm của
chúng bao nhiêu lần rồi. Bây giờ, một lần nữa, chúng tôi lại coi một cách tỉ mỉ,
Bano lại nhận xét một cách trìu mến từng đứa một. Khi nói về chúng, khuôn mặt
bà ấy sáng hẳn lên. Tôi lo lắng về thái độ của Akmal, tự hỏi liệu nó có trả lời
không. Tôi đã viết hai lá thư và không nhận được hồi âm. Nhưng để làm vui lòng
Bano, tôi cầm bút lên và bắt đầu viết, để mặc bà ấy bận rộn với những bức ảnh
những đứa cháu... những bức ảnh mà chúng tôi đã xem hàng trăm lần!
***
Hôm nay, sau nhiều ngày, tôi có thể nhìn thấy mặt trời trong
sân. Tôi thấy Bano đang vội vã hoàn thành công việc hàng ngày của mình. Có Chúa
mới biết bà ấy lấy nguồn năng lượng từ đâu. Không hề mệt mỏi, đầu tiên bà ấy
quét sân, sau đó dọn dẹp ba căn phòng, nhà bếp và bây giờ đang giặt khăn trải
giường. Kể từ ngày nghe Aishu nói sẽ về cùng các con, bà rất phấn khởi. Kể từ
đó, bà làm mọi thứ để bọn trẻ được thoải mái, thu thập và cất giữ đủ thứ, kể cả
đồ ăn cho chúng.
Tôi cố ngăn bà ấy và nói là có thể những đứa trẻ thành phố sẽ
không thích những món đơn giản của chúng tôi, có thể chúng sẽ không thích những
món ăn tự làm ... Nhưng Bano không nghe và tôi không nói thêm vì sợ làm tổn
thương bà ấy.
Đang đọc cuốn tạp chí. Đột nhiên bà ấy ngừng giặt và đến gần
tôi hỏi:
- Nghe này, hôm nay không phải là chủ nhật à?
- Đúng, hôm nay là thứ Bẩy - Tôi lơ đãng gật đầu.
- Nếu không phải ngày mai thì chắc chắn chúng sẽ về vào ngày
kia. - Bà hào hứng nói. - Chúng ta sẽ gặp lại chúng sau một thời gian dài.
- Tất nhiên là vậy. – Tôi nói.
- Sao ông không lên tỉnh hôm nay đi? Có lẽ lương hưu đã về đến.
- Được tôi sẽ đi. - Trong cơn phấn khích, tôi suýt quên mất
khoản lương hưu của mình.
- Nếu lãnh được tiền hưu trước khi bọn trẻ đến thì... Bà ta
đột ngột dừng lại, bỏ lửng câu nói.
- Nếu lãnh được thì thật tốt . - Tôi đáp. Giá như tôi nhận
được lương hưu ngày hôm nay. Đã ba tháng rồi vẫn chưa nhận được. Akmal cũng
không gửi gì cả. Tiền bán chiếc nhẫn của Bano giờ đã gần hết. Tôi trầm ngâm bước
vào trong để chuẩn bị lên đường đi lên tỉnh
***
Hôm nay, trời thật lạnh; Có lẽ ở Murree đã có tuyết rơi.
Ngay cả dưới ánh nắng, trời vẫn lạnh cóng và tôi run lên. Nhưng hãy nhìn những
đứa trẻ; chúng hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cái lạnh, đang vui vẻ chạy
quanh sân. Nóng hay lạnh đều không ảnh hưởng đến trẻ con Tôi nhớ khi còn là một
đứa bé, tôi thường ra ngoài vào buổi sáng sớm mà không bận tâm gì tới bên ngoài
có lạnh không. Chơi ngoài đồng trống, chúng tôi thường đẩy nhau xuống dòng nước
đóng băng của con kênh gần làng. Bây giờ ngay cả khi nghĩ về những trò chơi trẻ
con đó cũng khiến tôi rùng mình.
Bất cứ khi nào Nasreen, con dâu tôi và Aishu về đây với các
con thì bầu không khí trở nên vui vẻ và ồn ào. Những đứa trẻ huyên náo khiến
ngôi nhà trở nên lộn xộn, nhưng chúng tôi không bận tâm đến điều đó. Ngay cả
bây giờ, hai đứa con gái của Akmal và Aishu đang chơi trốn tìm trong sân. Trước
đó chúng đã đánh nhau nhưng bây giờ, tay trong tay đang chơi quanh nhà. Tranh
chấp của những đứa trẻ là vô tội ... đơn giản và vô hại. Thật vui khi được quây
quần bên chúng hàng đêm và kể những câu chuyện thời thơ ấu của mình, mà thường
được phóng đại.
Chỉ có Chúa biết Nasreen và Aishu đang ở đâu. Bano đang ngồi
gần tôi. Tuy mặc chiếc áo lạnh cũ nhưng tôi vẫn thấy thân hình bà run rẩy,
nhưng bà ấy vẫn không quan tâm, nụ cười nhẹ nhàng hạnh phúc và mãn nguyện trên
môi, nụ cười rạng rỡ khi nhìn những đứa trẻ đang chơi đùa vui vẻ xung quanh
mình. Bà cũng nhắc tới Akmal trong ngày mấy lần và lo nó không về.
- Sao hôm nay ông không lên tỉnh? - Bà hỏi nhẹ nhàng, trong
khi mắt nhìn vết mạng trên chiếc áo lạnh.
Tôi nhận ra mối lo ngại của bà ấy:
- Tôi sẽ đi. - Rồi lặng lẽ đứng dậy và nhặt chiếc áo khoác
cũ đã sờn của mình.
Bà nhắc tôi:
- Bên ngoài lạnh lắm đấy.
- Tôi biết, nhưng phải đi. - Tôi không thể trì hoãn thêm được
nữa. Tuần trước vẫn chưa nhận được tiền hưu gửi về, tôi phải vay một trăm
rupees từ lão chủ sự. Nhưng điều này kéo dài bao lâu? Mỗi ngày chúng tôi cần thịt
cừu, thịt bò, trứng, trái cây ... Những đứa trẻ này ... Mỗi bữa sáng chúng
không ăn gì ngoài trứng, đây là món ăn đắt tiền. Nếu cho chúng ăn rau và đậu,
chúng sẽ nhăn mặt và hờn dỗi. Cảm ơn Akmal đã gửi hai trăm rupees qua vợ nó. những
ngày này trôi qua một cách êm ả.
Nhưng tối qua Bano làm hai món cà tím và đậu ve xào hành tỏi.
Hai đứa con của Akmal mếu máo không chịu ăn.
- Không. - Một đứa nói. - Chúng cháu không ăn. Đã ăn cà với
đậu hôm qua rồi, và hôm nay cũng ...
Bano đã nhìn tôi một cách bất lực, tôi không thể nhìn vào mắt
bà ấy, vì vậy tôi đã đưa ánh mắt tập trung vào món ăn trước mặt. Nasreen, khó
chịu trước sự táo bạo của các con mình, đứng dậy và tát chúng hết đứa này đến đứa
khác. Nhưng Bano đã nhanh chóng chạy đến và ôm lũ trẻ vào lòng để bảo vệ chúng:
- Không, không, Nasreen, xin đừng đánh cháu của mẹ! Chúng chỉ
là những đứa trẻ.
Sau đó bà âu yếm dỗ dành cho chúng ăn.
Vào một bữa sáng, bà làm một món trứng chiên để mọi người
cùng chia sẻ, nhưng bọn trẻ đã quen với việc ăn trứng ốp la và lại phàn nàn.
Bano có thể làm gì hơn?
Bây giờ trứng đã hết và ngay cả những hộp bánh quy mà tôi đã
mua cũng chỉ còn là những chiếc hộp trống rỗng. Chúng chỉ là những đứa trẻ. Nếu
chúng muốn ăn gì đó vào bất cứ lúc nào, tôi phải làm sao đây. Đêm qua con bé
con của Ashu liên tục đòi ăn chuối mà nhà lại không có.
Nếu hôm nay tôi không nhận được lương hưu thì sao? Thật đáng
sợ khi nghĩ về những điều gì sẽ xảy ra. Vì vậy, tôi thầm cầu nguyện trên đường
từ nhà đến bến xe buýt.
***
Lũ trẻ đang túm tụm lại gần tôi. Thằng cháu út của tôi đang
ngồi trong lòng.
- Rồi chuyện gì xảy ra vậy ông nội? - Nó hỏi làm tôi giật
mình thoát khỏi dòng suy nghĩ vẩn vơ.
Những đêm mùa đông lạnh giá này thật tàn khốc. Cái lạnh thấu
tận xương tủy. Tôi quấn chặt mình trong chăn, đắp cả cho nó, mỉn cười:
- Ừ, - Tôi trìu mến đáp, - Ông nội bắn chết con cọp đó.
- Thật vậy hả ông nội? – Nó là đứa con út của Asmal, hào hứng
hỏi. - Ông bắn chết con cọp thật à? Ông không sợ nó sao? - Nó hỏi với vẻ ngưỡng
mộ.
Tôi ôm nó vào lòng và kể những câu chuyện thần thoại. Tất cả
mấy đứa cháu đều rất vui; chúng đang lắng nghe với sự chú ý say mê và đôi mắt lấp
lánh. Tôi có một cảm giác thật dễ chịu. Thằng cháu lớn của tôi cũng ngồi trên
ghế đang chăm chú lắng nghe. Mặc dù nó đang theo học bằng cử nhân nhưng vẫn còn
ngây thơ như một đứa nhỏ và thích nghe những câu chuyện cổ tích. Chợt nó lên tiếng:
- Ông nội à! Ông đã bắn một con cọp trong rừng; Xin ông cho
chúng cháu biết rõ hơn. Thật là hào hứng...
- Đó không phải là một con cọp. - Tôi cố gắng giải thích. –
Đó chỉ là... - Nhìn nụ cười lạ lùng của nó, tôi đổi ý. Tôi cũng mỉm cười và, biết
được suy nghĩ của nhau, cả hai chúng tôi đều cười.
Bano cũng ở đó gần chúng tôi, nhưng thay vì cười, nét mặt bà
ấy có vẻ căng thẳng, như thể đang lo lắng về điều gì.Tôi có thể thấy một tia bất
lực nhưng dịu dàng trong đôi mắt kia. Đột nhiên, tôi cảm thấy như có thứ gì đó
đang tan chảy trong mình và cũng một cảm giác bất lực kỳ lạ ập đến. Tôi cúi xuống
hôn lên trán thằnh cháu út:
- Cháu à, khi nào các cháu rời khỏi đây? - Mặc dù tôi cảm thấy
muốn nói với nó – Các cháu à, hãy quay trở lại với cha của cháu nhé ... Đã đến
lúc tất cả các cháu phải ra đi rồi đó!
- Mẹ nói cha sẽ đến đón chúng cháu. - Nó trả lời.
Nhưng khi nào thì cha các cháu sẽ đến? Tôi suy nghĩ trong
tuyệt vọng và lặng lẽ nhìn Bano. Mắt chúng tôi gặp nhau và ngay lập tức nhìn xuống
như thể cả hai chúng tôi đang có cùng suy nghĩ, trái tim chúng tôi đang bị kìm
nén bởi một sự tuyệt vọng không thể giải thích được. Bối rối và đau khổ, tôi lại
muốn hỏi: "Cháu à, sao các cháu lại không đi ngay bây giờ? Tại sao phải đợi
cha đến?" nhưng ngay sau đó, tôi cảm thấy cổ họng mình như nghẹn lại. Để
che giấu cảm giác xấu hổ, Bano quay đầu đi rồi nhìn chằm chằm vào thứ gì đó bên
ngoài cánh cửa.
Vừa lúc đó, đứa cháu lớn ngáp dài đứng dậy nói:
- Ông bà nội ơi! Cháu thấy rất buồn ngủ quá. Không thể đợi mẹ
thêm nữa. Ai biết khi nào họ ấy sẽ về.
Nasreen và Aishu sang nhà bên cạnh cùng với mấy đứa con gái
lớn. Họ tham dự một đám cưới trong làng rồi đến dự lễ Ritjaga, buổi lễ náo nhiệt
kéo dài cả đêm (Chú thích: Ritjaga là lễ hội dành cho những phụ nữ có
chồng của người Hồi Giáo. Những phụ nữ này ca hát, cầu nguyện cho chồng được
nhiều sức khỏe và sống lâu)
Đêm nay Bano im lặng lạ thường. Bất cứ khi nào tôi nhìn, tôi
cảm thấy bà ấy có điều gì đó muốn nói và tôi biết bà ấy muốn nói gì. Một lúc
sau bà ấy đột ngột nói:
- Ông có tiền không? Tôi phải trả tiền cho người giao sữa
vào sáng mai.
Tôi lục lọi tìm kiếm trong túi, nhưng tất cả chỉ trống rỗng.
Tôi nói:
- Ngày mai giảm lượng sữa và không cho trẻ ăn trứng nữa; làm
cho chúng bánh mì với trà.
Bà ấy nghiêng đầu và tôi thấy nét mặt vô cùng buồn bã. Nước
mắt đang từ từ chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo. Bà cố trấn tĩnh lại rồi quay
lại lấy vạt áo lau nước mắt.
Tiền bạc dường như có cánh. Chỉ là tuần trước tôi đã nhận được
tiền hưu. Số tiền đó đã nhanh chóng biến mất dần mỗi ngày. Tôi mua thịt, trứng,
bánh quy, trái cây và Ovaltine cho bọn trẻ, đặc biệt là theo yêu cầu của con
dâu Nasreen, sữa nguyên chất làm bọn trẻ khó chịu.
Xếp từng đống đồ cho lũ trẻ, thân hình mảnh khảnh của Bano
quanh quẩn trước mắt tôi. Đã bao lần tôi đã định mua cho bà một chiếc khăn
choàng đẹp, chiếc áo len nhưng bây giờ, làm thế nào tôi có tiền đây?
- Nasreen và Aishu vẫn chưa về. - Bano nói nhẹ nhàng, như thể
bà ấy đang nói chuyện với chính mình. Tôi thích im lặng để suy nghĩ. Tại sao bà
ấy không yêu cầu Ashu và Nasreen đi khỏi nơi đây? Bây giờ chúng tôi không còn
gì để cung cấp cho chúng nữa. Họ là con gái và con dâu của chúng tôi, và con
gái thường gần gũi với cha mẹ. Sáng nay khi Ashu phàn nàn rằng các con của cô ấy
chỉ thích ăn trứng, lẽ ra Bano nên nói thẳng với nó ấy là ... Nhưng liệu bà ấy
có thể nói ra được không? Làm sao bà có thể nói ra được khi chính bà đã mời các
con và các cháu về một cách háo hức như vậy? Nếu bà ấy không đủ can đảm để nói
ra suy nghĩ của mình thì tại sao tôi lại không thể? Nó cũng là con gái của tôi
thì tại sao tôi không thể tâm sự với nó như trước kia tôi đã từng làm?
Bây giờ tôi nghe thấy giọng nói của chúng. Tôi bế thằng cháu
đang ngủ say đi về phía phòng ngủ. Trên đường đi, tôi gặp Aishu:
- Đưa nó cho con, cha.
Nhưng lúc đó tôi đã nhẹ nhàng đặt thằng bé xuống giường rồi.
Rồi tôi quay lại nhìn Aishu. Tôi muốn nói thẳng với nó là bây giờ chúng tôi
không có đủ khả năng để ... nhưng khi ánh mắt chúng tôi gặp nhau, tôi đột nhiên
cảm thấy yếu đuối. Tôi nản lòng, mất can đảm và bất cứ điều gì muốn nói không
thể thoát ra khỏi cửa miệng được.
- Aishu, con, muộn rồi, Đi ngủ đi! - Tôi chán nản nói với nó
bằng một giọng nhỏ rồi lê đôi chân về phòng của mình.
Nasreen đã đưa các con về phòng. Bano vẫn ở đó, lặng lẽ, lạc
lõng, bất động. Tôi ngồi xuống gần bà ấy, thì thầm:
- Bano, ngày mai bà nói chuyện với Ashu, yêu cầu nó tự mua
thịt, sữa, trứng và trái cây cho bọn trẻ. – Giọng tôi nhỏ nhẹ, ngập ngừng, mò mẫm
từng chữ để khỏi làm mất lòng bà. Một lần nữa đôi mắt của Bano lại tràn lệ. Đột
nhiên bà ngẩng đầu lên nói:
- Lạy thánh Allah! Hãy cho Akmal đến nhanh chóng đến tất cả
có thể quay trở lại Lahore và Murree!
Bị sốc trước quyết định này, tôi nhìn chăm chú vào mặt bà.
Chỉ vài tuần trước, với đôi mắt ngấn lệ, bà đã đang cầu nguyện cho những đứa trẻ
về với mình, khao khát được có chúng bên cạnh. Rồi hôm nay, cũng với đôi môi
đó, bà ấy đang cầu nguyện cho chúng ra đi ngay lập tức. Bị sốc và choáng váng,
tôi lặng nhìn nỗi thống khổ của Bano, sự bất lực của bà ấy.
***
Cảm ơn Allah, những lời cầu nguyện của Bano đã được nghe thấy.
Đêm qua Akmal về bất ngờ. Chúng tôi đã không gặp nó trong một thời gian dài.
Bano và tôi rất muốn yêu cầu nó ở lại lâu hơn. Nhưng chúng tôi đã không làm như
vậy. Sự bất lực đã lấn át tình thương yêu.
Tôi hôn bọn trẻ và ôm chúng một cách trìu mến. Cả Akmal nữa.
Bây giờ họ đang ra đi. Với đôi mắt ẩm ướt, Bano nói lời tạm biệt.
Cám ơn Allah ... cảm ơn, cảm ơn! Tôi thầm cảm ơn Ngài và thả
người xuống ghế một cách vô hồn. Chiếc sân của chúng tôi lại một lần nữa trở
nên hoang vắng. Có một sự tĩnh lặng kỳ lạ bao trùm toàn bộ ngôi nhà. Tôi nhìn
Bano vẫn đang đứng ở cửa, lặng lẽ nhìn ra ngoài. Khi tôi nhìn vào chiếc áo len
cũ của bà ấy, nước mắt trào ra. Tôi nhắm mắt lại, một ông già, thay vì hướng
ngoại, lại hướng nội... vào thế giới bên trong mình!
Đôi cánh vạc lại lạc lõng vào những ngày cuối thu lạnh giá.