Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
( Thích Tuệ Sĩ )
Năm 1969 xong Tú tài 2, chúng tôi, những đứa thân thiết
trong suốt ba năm đệ Tam, Nhị, Nhất ở trường Quốc Học, tập họp nhau từ biệt đời
học trò, sau lưng Đài Chiến sĩ Trận Vong ( ở Huế hay gọi là sân bia Quốc học dù
không dính gì đến lịch sử nhà trường, mà chỉ vì ở trước mặt trường).
Hơn 50 năm rồi. Bây giờ không nhớ rõ đứa nào có mặt. Không nhớ việc tổ chức, sinh hoạt ca hát, ăn uống thế nào. Chỉ còn trong ký ức, mục đùa vui sau cùng trước khi chia tay: đốt quần xanh, giã từ đời học trò.
Quốc học hồi đó chỉ có nam sinh. Chuyện tuột quần dài xanh
không có chi ốt dột vì toàn đực rựa với nhau. Chúng tôi nhảy múa quanh đống lửa
đốt quần, ca hát ...từ biệt ngôi trường thân yêu, dấn bước vào đời, mà bước đầu
tiên là vào...Sài Gòn.
Đệ Nhất ban B năm đó có 5 lớp từ B1 tới B5. Mỗi lớp có một
nhóm, học hành được thầy khen bạn nể, do thực lực hoặc sắp hạng khi lãnh phần
thưởng toàn trường. Phần lớn các bạn trong các nhóm nầy đều tính đi Sài Gòn. Mục
đích giống nhau: thi vô Cao đẳng Quốc gia Phú Thọ, nạp đơn xin du học. Tôi nằm
trong số đó.
Mong ước này, tôi có nói với Ba Mạ tôi. Ba Mạ tôi mừng vui
khuyến khích, và hứa sẽ lo cho con trai đầu toại nguyện. Nhưng tôi biết rất khổ
cho hai vị, nhất là trong thời buổi khó khăn. Nhà cửa hư hại nặng sau Tết Mậu
Thân 1968 vẫn còn vá víu ở tạm. Ba tôi làm công chức ở Đà Nẵng, vô ra Huế, một
cảnh hai quê. Mạ tôi như con thoi, mươi ngày Huế, mươi ngày Đà nẵng. Cuộc sống
nói chung không ổn định, làm sao lo thêm cho thằng con, một đứa nhiều mơ ước,
không thực tế so với hoàn cảnh gia đình.
Hồi đó tôi làm gia sư ở nhà anh C, một Sĩ quan cấp Tá Binh
Chủng Công Binh. Anh chỉ huy một đơn vị xây dựng các công trình cho quân đội.
Tôi chỉ huy 7 đứa con trai của anh chị tuổi từ 14 xuống 6
theo thứ tự : Việt, Nam, Thanh, Bình, Phước, Lộc, Thọ.
Bằng cách chia trách nhiệm dây chuyền. Tôi chú ý đến Việt,
Việt lo cho Nam …và xuống lần đến Lộc lo cho Út Thọ, từ bài vở ở trường, ở nhà
cho đến mọi sinh hoạt.
Không ngờ cách quản trị này rất hiệu quả. Việt, đứa lớn nhất
thân thiết với tôi, phụ tá đắc lực cho tôi trong việc điều hành 6 đứa kia học,
chơi, và sống hằng ngày. Sau ba tháng anh chị C. vui mừng thấy các con tiến bộ
rõ. Đi học đem về điểm tốt và lời khen của thầy, cô. Ở nhà anh em vui vẻ, lễ
phép với nhau. Phòng ngủ, bàn học, góc đồ chơi mỗi đứa...đều ngăn nắp đâu vào đấy.
O Gái, người quản gia, buổi tối thường hỏi tôi và 7 đứa sáng
mai muốn ăn sáng món gì để mua. O rất thích chuyện tôi muốn ăn gì thì bảy đứa đồng
lòng theo. Tôi ăn bánh canh thì 7 đứa hô lên bánh canh, bánh canh...kể cả cái
miệng nhỏ xíu của Út Thọ.
Tôi nhận được nhiều món quà từ anh chị C. ngoài lương tháng:
Một chiếc Vélosolex, những món tiền bất thường do anh chị hào phóng, mua ghi sổ
tên anh bất cứ sách gì ở nhà sách Ưng Hạ, đường Trần Hưng Đạo…
Tôi nói với anh chị mơ ước đi Sài Gòn của mình và dĩ nhiên
mong được anh chị giúp đở. Gõ đúng cửa. Trước hết anh sẽ lo cho tôi chuyến đi bằng
máy bay quân sự. Rồi sẽ gởi gắm tôi làm gia sư cho gia đình một ông cấp Tá, bạn
của anh. Nói chung ăn và ở...tôi khỏi bận tâm. Vậy thì còn gì phải lo nữa đâu ?
Lên đường thôi.
Tôi xin anh C. một thỏa thuận nhỏ: Anh chỉ liên lạc với người
bạn anh, khi nào tôi gởi thư yêu cầu. Tôi muốn chuyện nhờ vả này chỉ được dùng
tới khi tôi học ở Sài Gòn. Còn hiện tại chân trời rộng mở, tôi chưa muốn kẹt vô
một tình huống nhất định.
Chuyến bay Quân sự tôi đi là một chiếc DC3, bay Huế-Sài Gòn
với nhiều trạm ghé, vì gặp đợt các Sĩ quan đi học Cao đẳng Quốc Phòng. Đó là lần
đầu tiên tôi đi máy bay, biết cảm giác lộn ruột khi máy bay gặp lổ hổng không
khí,...và ngồi trong máy bay bị dột do hơi nước đọng lại. Đi cùng chuyến có thằng
bạn cũng dân Quốc học, đi Sài Gòn chơi sau khi xong Trung học. Bạn rủ tôi tá
túc cùng bạn vài hôm đến lúc có chỗ ở lâu dài.
Máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc xế chiều, trời mưa
tầm tã. Lên Taxi về nhà dì của bạn, trời lại tạnh ráo, hé lên chút nắng. Dì ở một
mình trong căn nhà xưa, kiểu nhà Tây, ngay sau lưng nhà thờ Tân Định. Bà vui vẻ
niềm nở rất Sài Gòn. Sau khi hỏi các cháu ăn chiều chưa, bạn tôi lí nhí thưa đã
ăn trong phi trường, bà chỉ phòng cho hai đứa rồi đi ra dãy quán mé đường ăn tối.
Chú họ tôi đang làm ở Bộ Canh Nông. Chú có hứa với Ba tôi, sẽ
cho tôi ở tạm khi vô Sài Gòn. Liền chiều đó tôi ghé nhà chú, đúng ra là căn gác
nhỏ trong hẻm sâu góc Trương minh Giảng-Trần Quang Diệu. Căn gác đủ chổ cho một
cái giường đôi. Phía đối diện kê tủ áo quần, trên nóc tủ mấy cái va li chất cao
nghệu. Nồi niêu son chảo treo ở ban công trước cửa ra vào phòng, cạnh bên cái
lò nấu bằng dầu hôi, và xô nước.
Cô Chú kéo tôi ra uống cà phê trước hẻm. Hỏi thăm tình hình
ngoài Huế, sức khỏe của mọi người quen biết, lướt qua chuyện học hành, không
nói chi chuyện ăn ở. Thực tế tôi cũng đã thấy, tốt hơn nên dừng lại ở chuyện
thăm viếng, dấu luôn thư tay của ba tôi gởi chú. Tối đó tôi trở về Tân Định hơi
lo, chưa biết tính sao đây.
Sáng hôm sau tôi ghé thăm chú Tạ, một người hàng xóm, cấp bậc
Trung sĩ, nhân viên văn thư ở Tổng Nha Thanh Niên. Chi tiết này chú cho biết
khi về Huế tháng rồi, nhân nói chuyện tôi sẽ đi Sài Gòn, sẽ ghé thăm chú.
Tôi được mời vô trong trạm gác cổng đợi chú Tạ, sau khi anh
lính điện vào trong Tổng Nha. Chú rất mừng khi thấy tôi, và kéo ngay vào văn
phòng nơi chú đang làm, giới thiệu đứa cháu vào thi Kỹ sư Phú Thọ. Mọi người,
chừng hai viên cấp Tá, ba bốn người cấp Uý, và mấy cô nữ quân nhân, nhân viên
dân sự đều vui vẻ, ân cần theo lối trịnh trọng của chú Tạ với thằng cháu Huế.
Tôi mặt mày đỏ rực tận mang tai, rồi quen dần, lì ra, ăn nói trở nên hoạt bát
giữa không khí vui nhộn, xởi lởi của người miền Nam. Hồi lâu chú mới giục tôi
chào mọi người, ra ngoài hành lang nói chuyện.
Chú hỏi tôi ở đâu, ăn đâu. Tôi tình thiệt kể chuyện hôm qua
đi thăm cô chú họ ở khu Trương minh Giảng. Chú bảo, chiều nay về đây ăn cơm,
chú sẽ tính. Đừng lo.
Buổi chiều như chú dặn, tôi ghé Tổng Nha khi nhân viên đã ra
về hết. Chú đợi tôi ở cổng. Sau một hồi giới thiệu trân trọng đứa cháu vô thi Kỹ
sư Phú Thọ với anh lính gác, chú dẫn tôi vào Tổng Nha. Nhưng lần nầy không vào
phòng làm việc mà vòng ra sân phía sau, đi tới cuối góc toà nhà, nơi um tùm một
lùm cây dưới gốc hai cây cổ thụ. Sau lùm cây là một khoảng trống sạch sẽ, che
chắn mặt kia bởi bức tường Tổng Nha, thành giang sơn của chú. Sát tường đậu cố
định một chiếc xe Dodge quân đội phế thải, bên trong xe là nhà bếp, bàn ăn của
chú.
Chú luộc rau, kho cá nục, mới mua bên cầu Thị Nghè hồi trưa.
Chúng tôi vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Chú kể, ông Trung Tá trưởng phòng cho phép
tôi ngủ lại ở Tổng Nha với điều kiện ra trước 7 giờ sáng và vô sau 19 giờ chiều,
để khỏi gặp mặt nhân viên. Tối, ăn trên chiếc xe này, rồi treo mùng ngủ trên
bàn, trong phòng làm việc.
Tội nghiệp chú Tạ. Suốt ngày hôm đó chú đã bận rộn theo thằng
cháu hàng xóm. Từ việc xin ông Trưởng Phòng đến chạy tạt qua bên Thị nghè mua
cá. Tôi mừng vì tạm ổn nơi ăn ở, dù nghĩ tới chuyện giờ giấc ra vô Tổng Nha mà
ngán ngẫm, nhưng hiện tại không có chọn lựa nào khác. Cứ hy vọng từ bước này ló
ra chuyện mới vui hơn, may hơn.
Tôi bắt đầu cuộc sống đêm Tổng Nha Thanh Niên, ngày lang
thang Sài Gòn. Năm ngày trong tuần trôi qua nhanh, cuối tuần thong thả hơn.
Sáng thứ 7, Chủ Nhật được dậy trễ. Cùng chú đi coi đá banh ở sân vận động Hoa
Lư, trước mặt Tổng Nha, đi Sở Thú, hay ra chợ Bến Thành ăn vặt các món phá lấu,
bò bía, gỏi đu đủ thịt bò khô…
Tôi mướn chiếc xe gắn máy chở chú đi lễ chùa Ấn Quang, Việt
Nam Quốc Tự, ăn cơm chay, và coi xe hoa trước Toà Đô sảnh. Có lẽ lần vui nhất của
chú trong thời gian ở Sài Gòn là ngày và đêm lễ Phật đản năm 1969.
Trong tuần tôi ngồi học ở Thư viện trường Văn khoa. Trưa ăn
cơm quán. Rồi trở về thư viện ngồi cho đến gần 7 giờ chiều, mới tà tà vô Tổng
Nha.
Mấy anh lính gác đã quen mặt cháu ông Tạ, chào hỏi vui vẻ
chiều vô, cũng như sáng ra. Vài ba hôm tôi dặn chú chỉ nấu cơm, rồi mua ở quán
vài món...thay đổi. Tôi quen dần với nhịp sống, ít thấy bất tiện, mà ngược lại
tự do, dễ chịu. Chú có tôi chuyện trò mỗi chiều, đở cô quạnh trong cuộc sống xa
nhà.
Dựa theo thành bao quanh khu trường Đại học Nông Lâm Súc, Đại
học Dược, có quán cơm, nhìn qua phía bên kia đường là Khu gia binh : Cư xá Liên
binh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Ở quán cơm bình dân này tôi gặp Tư.
Buổi trưa đầu tiên ghé quán. Tôi và Tư như bị điện giật. Tôi
choáng váng nhìn Tư. Còn Tư, tôi chưa hỏi, nhưng mắt Tư đã nói tất cả : có gì
đó cô đơn, có gì đó mong đợi, có gì đó lạc lõng trong cảnh quán xá này…
Nói Tư dáng thanh tú, đẹp quý phái thì cải lương quá, nhưng
khó tìm ra cách mô tả nào chính xác hơn.
Thằng cu cỡ hai tuổi, chạy lúm đúm rất dễ thương. Vượt qua mặt
Tư, hắn nhào tới đòi tôi bế. Các bà trong quán bắt đầu ghẹo Tư :
. Chu choa Tư ơi ! . Thằng cu tìm ra cha hắn rồi nè.
Tôi đưa thằng nhỏ cho Tư, nhưng hắn bấu chặt vào cổ tôi
không buông. Mới gỡ được tay này, hắn siết tay kia. Các bà ré lên cười khoái
trá. Tư đỏ hồng đôi má, còn tôi đỏ tận mang tai, như hôm được chú Tạ giới thiệu
là Kỹ sư Phú Thọ tương lai.
Tư phân bua :
. Trời ơi thằng nhóc. Mầy qua đây má, để cậu Năm ăn cơm.
Một bà cười vang lên, vỗ vai Tư :
. Mèn đét ơi ! Bà con hồi nào vậy cà. Không phải là :
Người dưng khác họ
Chẳng nọ thời kia…
Nay dìa mai ở
Tối ở quên dìa…
Tư nghiêm mặt :
. Con trai Dì Lớn
của Tư đó nghe. Dì Lớn theo chồng ra ngoài Trung từ hồi xưa. May có thơ qua thơ
lại, nay anh Năm mới biết mà ghé thăm Tư, đứa em bạn con Dì. Anh Năm mới ghé tức
thì, ăn nói gì lung tung vậy.
Tư lanh trí hoá
giải chuyện chọc ghẹo. Mấy bà hết hứng thú, ăn cơm xong kéo nhau rời quán. Tình
huống quá lạ với tôi, một thằng 19 tuổi, mới đậu Tú tài 2, chỉ biết ngồi trân
ra nhìn cô em họ chưa hề biết. Thằng cu bám chặt cậu Năm. Cậu phải một tay cầm
muỗng xúc cơm, một tay ôm hắn. Hồi lâu hắn ngoẻo đầu ngủ ngon trên vai cậu Năm,
Tư mới bồng đặt nằm xuống divan ở góc quán.
Ăn buổi trưa
xong, khách rời quán hết, Tư đóng các cửa chống phía đường, nhìn tôi:
. Về với Tư cho
biết nhà nghe.
Tư bồng xốc thằng
nhỏ và khoá cửa. Khi băng qua đường để vô cổng cư xá, tôi kéo Tư nói:
. Năm đi học bây
giờ. Tư coi bộ mệt vì thức sớm. Về ngủ đi, tối Năm ghé.
. Năm vô cổng cư
xá, qua 3 đường ngang, tới đường thứ 4 quẹo phải. Tư ở bên phải cuối đường, số
24…
Ngày tháng trôi
qua. Những lần về trường Cao đẳng Phú Thọ, tôi gặp bạn bè Huế rất nhiều. Đặc biệt
Phước, cùng học Quốc học, khác lớp nên không quen. Ngược lại Phước biết và
thích làm quen với tôi từ năm Đệ Tam, như Phước thành thật nói. Chúng tôi hằng
ngày đi Thư viện với nhau một buổi. Sáng hay chiều, Phước đều ghé góc sân vận động
Hoa Lư đối diện Tổng Nha Thanh Niên, đón, đưa tôi ở đó. Phước chạy chiếc
Velosolex của bà chị ruột.
Đến hôm trường
công bố nơi thi, số báo danh và phát thẻ thí sinh, Phước đón tôi sớm, đi về trường
nhận thẻ. Trưa về lại góc sân Hoa Lư kiếm gì ăn và chiều học ở Thư viện Văn
khoa.
Tôi đưa Phước đến
ăn cơm ở quán Tư. Phước khen cô chủ xinh quá, sao lâu nay không nghe tôi kể. Rồi
Phước đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trước hết, thằng cu suốt buổi
đu trên vai tôi, thỉnh thoảng nghe Tư hỏi :
. Cu thương ai ?
. Xươn Nhăm
Thương Năm mà nó
nói chớt thành Xươn Nhăm. Khi Phước hỏi nó theo giọng con nít
. Nhăm đâu ?
Thằng cu kéo tôi
hun vào má rồi trả lời gọn lỏn :
. Nhăm nè.
Khi Tư đưa hai
dĩa cơm tới, tôi giới thiệu Phước. Cách chào và đối đáp rõ ràng, lịch lãm của
Tư làm Phước thắc mắc, tôi nói Phước ăn cho xong, rồi qua bên Văn khoa, tôi kể
cho Phước biết. Phước bất ngờ biến sắc nghe Tư dặn tôi, khi tới bồng thằng cu
ngủ trên vai tôi.
. Tối nay Năm nhớ
cởi giày, xắn quần. Nước mưa hôm qua vẫn chưa rút hết ở các đường trong cư xá.
Không kịp ra khỏi
quán, Phước hỏi với miệng cười khôi hài :
. Mi đổi tên Năm
khi mô rứa ?
Tôi tình thiệt :
. Mi tưởng tượng
được không ? Chưa tới hai tuần vô ở Tổng Nha Thanh niên, tau ghé quán, ăn trưa
lần đầu, thằng nhỏ đeo tau như hôm nay. Đám khách các bà trong xóm xúm lại ghẹo
Tư. Tư nhanh trí giới thiệu tau là Năm, con trai dì Cả của Tư, ngoài Trung ghé
thăm.
. Rồi mi thăm
đêm, thăm ngày Tư ?
. Tau là một con
người, một thanh niên …Phước ơi ! Thoạt đầu tau thấy Tư đẹp. Rồi thằng nhóc và
mẹ nó cho tau ấm áp gần gũi. Tau cũng có những thắc mắc như mi : vì sao Tư phải
bán cơm ?, vì sao Tư lưu lạc với con thơ giữa Sài Gòn rộng lớn ? Xúc động hơn,
khi Tư cho tau đóng vai Năm, con Dì Cả. Bài toán đặt ra rồi, phải tìm lời giải,
nhất là đề bài từ một người đẹp như Tư.
Tôi kể cho Phước
đêm đầu tiên tôi tới nhà Tư trong Cư xá Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng Thống. Hình
ảnh đập vào mắt là bàn thờ chồng Tư trong quân phục . Tôi thắp đèn bàn thờ và đốt
nhang kính cẩn vái một người không quen biết. Tôi không nhớ mình đã khấn vái những
gì, nhưng khi cắm hương vào bát nhang, tôi chạm mắt vào ảnh thờ chồng Tư, mới
thấy anh ta và mình khá giống nhau. Có thể từ đó giải thích vì sao thằng cu hót
cứng lấy tôi, vì sao hắn nói liên hồi “xươn Nhăm” (thương Năm) mỗi khi được hỏi
“thương ai “.
Tư người Nha Mân,
đang học Đệ Tam, thì chàng trong đoàn quân Nhảy Dù hành quân qua vùng Đồng
Tháp. Chàng phải lòng nàng và đeo đuổi đến lúc má Tư và các Cậu đồng ý cho cưới
hỏi. Chàng đem nàng theo khắp bốn vùng Chiến thuật. Đến khi cấp chỉ huy chàng về
Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng Thống, kéo chàng theo, chàng với nàng mới có một đời
sống gia đình êm ấm. Một căn nhà nhỏ xinh xắn trong khu gia binh, một mầm non
nhú trong bụng nàng.
Nhưng cuộc đời
oái ăm : Tết Mậu Thân 1968 chàng tăng viện bảo vệ Thủ đô và tử thương dưới Chợ
Lớn. Má Tư từ Nha Mân lên chăm sóc con gái sinh nở và cháu ngoại đến khi cứng
cáp, giúp Tư sinh lực sống. Tư sang lại quán cơm, thuê một chị trung niên người
Cao lãnh làm bếp, thêm hai người bưng bàn dọn dẹp, và Tư quản lý buôn bán tới
bây giờ.
Phước đột nhiên :
. Và mi sẽ trở
thành ông chủ quán cơm bình dân. Cho một dĩa ăn thêm đi Ông Chủ ơi !
Tôi đóng tiếp vở
thoại kịch với Phước.
. Có liền, có liền…hổng
thêm “thịch, chứng” gì há ?
Phước tấn công :
. Rứa là mi cần
chi học nữa. Mai e tau không cần đón mi hí. Thỉnh thoảng tau ghé quán, coi thử
ông chủ gục chưa. Hèn chi mới mấy tháng nay mà tau thấy mi thay đổi từng ngày.
Mi lụy vì tình rồi. Thử nhìn trong gương coi, mi nghĩ tau nói có đúng không.
Tôi chống chế :
. Chuyện xảy ra
tình cờ, đâu phải do tau tìm kiếm.
Phước nói :
. Đúng, mi không
tìm mà mi chìm : chìm đắm sa đà rồi. Tau có những buổi nhìn mi, không biết mi
còn mấy chữ trong đầu. Mi huý hoáy viết rồi gạch xóa. Hay mi làm thơ ? Được mấy
bài ca tụng con gái Nha Mân rồi ? Ngâm cho tau nghe với.
Tôi ngồi chết điếng
với những lời châm chọc của Phước. Hắn nói y chang như tôi đã trãi qua. Càng
làm thương tổn hắn nếu thú thật rằng tôi chỉ nằm trên bàn làm việc trong Tổng
Nha chưa đầy hai tuần, rồi qua nhà Tư. Tôi vẫn ăn cơm chiều với chú Tạ vì sợ
chú buồn. Nhưng đêm, tôi nói dối đến nhà bạn học, rời Tổng Nha Thanh Niên qua
cư xá Liên binh Phòng vệ phủ Tổng Thống, đi thong thả như về nhà, dù có lúc phải
xắn quần lội, vì nước chưa rút hết sau những chiều mưa lớn.
Tôi lúng túng
trong tình trạng này nhưng khổ nỗi lý trí không đi chung với dịu dàng, mềm mại.
Tôi cầu cứu Phước :
. Tình cờ gặp
nhau dưới trường Phú Thọ, nhưng tau rất xúc động khi mi nói, đã muốn chơi thân
với tau từ Đệ Tam. Mi có cách chi kéo tau ra khỏi xóm này tau nghe mi liền.
Phước rủ tôi đi uống
cà phê. Hắn chân thành :
. Không có tình cờ
hôm nay, thì tau làm sao biết được chuyện “đời cô Lựu” của mi. Tau hơn mi hai
tuổi, nhưng trong nhà nhiều anh chị nên tau “đời” hơn mi. Tối nay tau sẽ nhờ bà
chị kiếm gấp một căn phòng có cơm tháng. Tuần tới mi sẽ khô ráo, vì hết lội nước
vô khu gia binh.
Ba ngày sau, Phước
cho biết đã thuê được một căn gác trong hẻm ở Ngã Bảy Lý Thái Tổ. Chỗ nầy nấu
cơm tháng luôn cho học sinh, sinh viên thuê phòng quanh xóm. Phước đã lấy chìa
khoá, chúng tôi sẽ dọn vào thứ Hai tuần tới.
Một chuyện gay go
đã giải quyết xong. Đến chuyện còn lại gay go hơn : từ giã Tư.
Tối chủ nhật tôi
hẹn sẽ có điều ngạc nhiên cho thằng cu và Tư. Thằng cu có một món quà Trung
Thu, để vừa chơi, vừa khoe “ Nhăm cho, Nhăm cho”. Còn Tư có điều ngạc nhiên nào
dành cho Năm không ? Tư cười.
Tối chủ nhật, tôi
từ giã chú Tạ. Chú muốn khóc khi tôi ôm chú cảm ơn. Tôi hứa sẽ lui tới thăm chú
vào cuối tuần, rồi hồi hộp đi qua Tư.
Đèn nhà Tư thắp
sáng khác mọi đêm. Bàn giữa nhà có mâm bánh Trung thu trong một vòng tròn nến.
Thằng cu đang nằm sấp dưới nền nhà say mê nhìn nai,ngựa …chạy quanh trong chiếc
đèn cù. Khi có đồ chơi, hắn không quan tâm đến ai. Tôi đưa hộp quà, hắn lơ đảng
xé giấy gói, mắt vẫn không rời con ngựa đang chạy nước kiệu quanh lồng.
Chỉ đến khi hết lớp
giấy gói, thấy chiếc xe đò Lục tỉnh, hắn ngồi dậy, vừa nổ máy bằng miệng vừa
lái chạy quanh. Tôi nhìn Tư đang trìu mến nhìn con và nói mau :
. Tư ơi, ngày mai
Năm dọn lên Ngã Bảy, xa Tư và thằng cu rồi. Hôm nay là đêm cuối ở đây, Năm
không biết phải nói gì với Tư, chỉ mong Tư hiểu và đừng buồn Năm. Năm không có
quà gì ngạc nhiên cho Tư, ngoài tin dọn nhà đột ngột này.
Tư mềm nhũn trong
tay tôi với tiếng thút thít. Chúng tôi yên lặng ngồi bên nhau. Trong nhà chỉ
còn vang tiếng máy nổ của chiếc xe đò Lục tỉnh mà tài xế là thằng cu đang chạy…
Rất lâu, chúng
tôi phát hiện ra xe đò đã đến bến và tài xế đã ngủ khoèo bên chiếc xe. Tôi bế
thằng cu vào giường và Tư tắt nến trên bàn. Chúng tôi nằm bên nhau yên lặng. Tư
ôm chặt lấy tôi và thủ thỉ:
. Tư biết lúc
chia tay sớm muộn rồi cũng sẽ đến. Năm đang có tương lai xán lạn trước mặt. Tư
không có quyền cản trở Năm. Tư cũng không đủ sức “chắt chiu tháng tháng, cho chồng
đi thi”. Huống gì không dễ kêu Năm được tiếng chồng với gia đình người Huế,
theo như Tư biết lễ nghi, quan niệm sống ngoài đó, nhờ thời gian dài theo chồng
đi quanh vùng 1 Chiến thuật.
Tôi yên lặng bên
Tư. Biết nói gì thêm khi điều đó không sai chút nào. Éo le này tôi cũng đã cảm
nhận từ buổi đầu đắm đuối. Hồi lâu Tư an ủi :
. Tư đã bán căn
nhà này và đang tiến hành sang nhượng quán ăn cho chị bếp. Nội trong tuần tới Cậu
Hai và má Tư sẽ lên, đem mẹ con Tư về Nha Mân. Đó là điều ngạc nhiên Tư dành
cho Năm, mà lâu nay chắc chắn Năm không nghĩ tới.
. Tư ơi ! Đúng vậy.
Làm sao Năm nghĩ tới, Tư rời xa Sài Gòn. Năm chỉ nghĩ đến sau hôm nay sẽ rời xa
Tư với lòng tan nát, nhưng mong Tư hiểu cho, tương lai của chính mình còn chưa
biết về đâu, làm sao dám đèo bồng. Giờ nghe Tư nói, Năm mừng quá. Cảnh hai mẹ
con Tư thui thủi giữa Sài Gòn chạnh lòng Năm lắm.
Chúng tôi quấn
quýt nhau. Tôi lại bông đùa cho Tư vui :
. Vậy là thằng
Năm con Dì Cả tuần tới gặp má Tư, em má mình.
. Đừng giỡn. Má
tính tình như Tư. Nhưng có cậu Hai đó, đừng có lằng nhằng. Cậu nghiêm lắm đó
Năm.
. Cậu và Má Tư sẽ
đến ngày nào tuần tới ?
. Chậm nhất là
sáng thứ Năm
. Vậy, tối thứ
Tư, Năm thăm thằng cu lần sau cùng nghe ?
. Đừng có ham. Xe
Miệt Dưới lên, phải ngủ ở ven Xa cảng, sáng mới được vô Thủ đô. Nhiều khi tình
hình yên, họ cho đi thẳng. Cậu và Má về đây, thấy Năm kỳ lắm. Thôi Năm, đừng
làm hư bột hư đường.
Yêu thương nhau ở
chỗ này nè, Tư chỉ trên đầu.
. Và chỗ này nữa
nè : Năm chỉ vô tim.
Ánh sáng trăng
Đêm Trung Thu vằng vặc qua song cửa bỗng kéo vệt dài theo cái nguýt của Tư…
Cái nguýt của Tư
lẽo đẽo theo tôi trong những ngày mới tới ở Ngã Bảy Lý Thái Tồ. Tôi buồn rũ rượi,
thần sắc xuống rõ rệt. Thêm thời tiết sáng nắng chiều mưa Sài Gòn làm tôi cảm nặng,
nằm li bì suốt tuần. Tội nghiệp Phước lo mua thuốc, cháo gạo với cá kho khô cho
tôi hằng ngày. Tôi khỏe trở lại rất nhanh.
Ngày thi, Phước
bên trường Dược, tôi bên Văn khoa. Bài thi làm gọi là, không vừa ý lắm. Trong
những ngày chờ đợi kết quả, Phước chở tôi loanh quanh Sài Gòn, nhưng tránh
không đi ngang khu Tổng Nha Thanh niên, cư xá Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống…như
những nơi đó thuộc một đoạn đời đã trôi ra biển.
Tôi nhận thư nhà
kêu về Huế gấp, cho kịp thi vấn đáp vào Đại học Sư Phạm Toán. Phước chờ ngày
vào trường Sĩ quan Hải quân.
Chúng tôi chia
tay nhau và không hề gặp lại.
Năm cũng không
bao giờ gặp lại Tư, người đàn bà Nha Mân, người đã cho Năm những giây phút êm đềm
đắm đuối đầu đời.
Lê quang Thông