Cậu tôi, chết trận tại Bình Giã, năm 1964, vì bị Việt Cộng bắn
sẻ từ trên núi xuống, trúng ngay giữa trán, lúc 25 tuổi. Cậu là con út. Cậu học
giỏi nhưng thi tú tài I, 2 lần không đậu, nên đi lính bộ binh làm trung sĩ. Tôi
biết là cậu học giỏi vì sau này xem lại sách giải toán của cậu, tôi thấy cậu giải
rất giỏi, bài tập nào cũng giải. Câu "Học tài thì phận." đúng vào trường
hợp của cậu.
Cậu rất thương tôi: dạy tôi học, luôn luôn khen cháu khi cháu được 10 điểm; khi
bị ăn trứng gà, cậu chỉ xoa đầu cháu và không nói gì. Khi đi lính về phép, bao
giờ cũng mua cho tôi một chồng sách truyện, tôi nhớ có truyện Alibaba
và 40 tên cướp, truyện Trần Minh Khố Chuối. Và cậu xin bọ tôi đừng bắt các
cháu ngày nào 5g sáng cũng phải dậy đi lễ vì thấy các cháu xanh xao vì thiếu ngủ.
Cậu còn đón xe lam dẫn bầy cháu đi ăn phở bò tái, kêu tô to nhất, và mua cho mỗi
đứa một bộ đồ mới. Và dĩ nhiên mua sách truyện cho tôi. Rồi suốt tuần nghỉ phép
cậu chỉ ngủ. Nhưng rồi có một bà khéo ăn khéo nói mai mối cho cậu một cô trên
thị xã. Cậu cười và chịu đi xem mặt cô gái ấy. Cô gái ấy mê cậu ngay vì cậu trắng
trẻo, cao ráo, nho nhã, đẹp trai, tôi chưa thấy anh đàn ông nào đẹp như cậu. Cậu đeo kiếng trắng, lại ăn mặc đẹp, bộ đồ tây áo sơ mi ca
rô sọc màu cam đan sọc màu hồng và chiếc quần tây xám nhạt ủi phẳng như thời
còn đi học, mà cậu đã may ngay sau khi xuống xe về nghỉ phép tại nhà tôi, để bữa
sau đi chơi với các cháu, xin được phép nhấn mạnh – với các cháu, quần áo luộm
thuộm, lem luốc - thì có mà mặc, sau đó cởi bộ đồ lính cho mạ tôi giặt. Rất tiếc
để giữ thanh danh của nhân vật phản diện trong mảnh nhớ nhỏ này, tôi không thể
đưa hình cậu út lên. Một con người như thế mà phải chết trận giữa tuổi thanh
xuân.
Ngày nghe tin cậu chết, ông bà ngoại đã đành, cả gia đình tôi ai cũng đều khóc
lớn, khóc như mưa lớn. Cả hàng xóm ngạc nhiên: sao chỉ là cậu chết mà khóc to,
khóc thảm, khóc nhiều ngày đến như vậy.
Cậu hiện về với tôi 2 lần.
Lần thứ nhật cậu đứng đầu giường, khi tôi nằm chung với bọ tôi đang đau nặng gần
chết. Bọ muốn tôi nằm gần bọ trước khi bọ chết, nhưng may thay bọ gặp thầy, gặp
thuốc, được lành lại.
Lần thứ hai, khi có chút tiền mà mấy em tôi vượt biên được, gởi về, mạ tôi thúc
tôi đi Rạch Dừa, Vũng Tàu, nơi ông em chú bác mang tên C đã đem xác cậu về
chôn, và gia đình tôi nghe nói nghĩa địa giáo xứ Rạch Dừa đang bị Việt Cộng bắt
dời, trong khi gia đình ông C đã di tản qua Mỹ. Người dẫn đường tới nghĩa địa Rạch
Dừa sẽ là «ông người thân», người trước đây, ở ngoài quê, đã nhiều lần nói với
mọi người trong gia đình của tôi là ông ấy đã thăm mộ cậu út hai lần, nên tôi mới
nhờ ông ấy dẫn đi.
Tôi ngủ trọ nhà bà o ruột ở Sài Gòn, và ngủ chung với ông dượng trên gác. Tôi vừa
chợp mắt ngủ thì cậu hiện về không cho thấy mặt, nhưng nói rất rõ: "Ngày
mai cháu đừng đi xuống Vũng Tàu nữa." Tôi nhận ra tiếng cậu, dịu dàng mà
rõ ràng, tôi đã từng nghe suốt những năm thơ ấu, tôi không thể nhầm, tiếng cậu
chứ không phải tiếng ai khác. Tôi sợ quá hét lên, thì ông dượng vỗ vào người
tôi mà nói: “Chi mà mi la to rứa mi!?” Tôi im lặng, không trả lời và tiếp tục
ngủ cho tới sáng.
Còn “ông người thân” thì ngủ trọ nhà một người bạn của ông ấy và hẹn sẽ đến gặp
tôi ở nhà o dượng của tôi để cùng đi Vũng Tàu. Tuy nghe cậu út hiện về khuyên
tôi như thế đêm qua, sáng sau tôi vẫn chờ «ông người thân» tới để cùng bắt xe
đi, và tôi dự tính sẽ không nói gì cho «ông người thân» biết và cứ bắt xe xuống
Vũng Tàu với “ông người thân" của cậu.
Khi «ông người thân» và tôi đứng ngoài dường trước ngõ nhà o dượng tôi, thì
«ông người thân» mới nói: "Tau đâu có thăm mộ cậu út lần nào đâu!"
Tôi sửng sốt, nhưng không nói gì. Nói rồi «ông người thân» bỏ đi, nhưng tôi vẫn
nhất quyết bắt xe đi Rạch Dừa. Hôm ấy trời nắng và có gió mát muôn thủa trên
con đường dẫn đến Vũng Tàu. Tôi rất vui vì sắp được đưa cậu út về quê nhà, người
cậu mà tôi và gia đình hằng yêu mến, rất yêu mến. Đến cổng xứ Rạch Dừa thì tôi
xuống xe hỏi một chị bán quán gần đường. Chị ấy sốt sắng chỉ đường ra nghĩa địa,
và thúc tôi bốc mộ cho sớm vì người ta đã bốc gần hết rồi.
Khi tới nơi, tôi thấy, như chị bán quán nói: nghĩa địa người ta bốc đã gần hết.
Và tôi thấy cây thánh giá đúc bê tông rất lớn, và theo ông ngoại tôi đã chết,
nói là ông và ông H, con ông H, anh C, đã chôn cậu cạnh cây thánh giá lớn.
Nhưng cạnh cây thánh giá ấy có tới hai mộ hai bên, một mộ đã đổ nát, mộ kia còn
vững chắc nhưng trên cây thánh giá của mộ này, tàn phai mất, không còn tên tuổi
nữa. Đúng như lời ông ngoại tôi kể là đã xây một ngôi mộ đúc xi măng vững chắc
và có cây thánh giá đứng trên mộ, và nơi thanh ngang của cây thánh giá có ghi
hàng chữ ghi tên tuổi, ngày sinh, ngày tử bằng sơn đen. Sau mấy chục năm, hàng
chữ viết bằng sơn làm sao mà không biến mất? Mộ bên kia thánh giá lớn đã sụm và
cũng không còn tên tuổi gì. Vậy mộ nào là mộ cậu? Tôi có thể đoán được, nhưng
không chắc 100 %. Mà đâu có thể đào mộ đại! Thế là về không.
Tôi ngẫm lại: cậu út lúc sinh thời là một con người chẳng những thông minh mà
còn rất nho nhã, và nhất là «ông người thân» thời Tổng Thống Diệm đi lính, chỉ
làm tới chức thượng sĩ, huấn luyện viên thiết giáp, đã gởi tiền giúp cậu ăn học,
để cậu mua sách vở, xe đạp, và may mặc quần áo phải nói là đẹp trong nhiều năm,
do đó, cậu út không muốn làm ê mặt ân nhân của minh, nên mới hiện ra mà nói như
thế. Tại sao tôi lại quả quyết như thế?
Thưa, cách đây khoảng 20 năm, tôi có viết một truyện ngắn ký tên là LVT trên
báo giấy Thế Kỷ 21, kể lại chuyện này. Nhưng, tuy viết danh tính của nhân vật
kia trại trại, song vẫn còn hơi rõ. Đêm đó, tôi ở nhà một mình, viết xong, thì
tắt đèn đi ngủ. Vừa vào giường chưa ngủ, thì có tiếng cái gì đó bị rơi hay ai
ném ở ngoài phòng khách, sát phòng ngủ; tiếng của một cuốn sách rơi, hay bị
ném. Tôi ở trong một căn nhà nhỏ, lầu 4, chung cư ở Na Uy, xây kín đáo, chắc chắn,
nên không làm gì có gió luồn vào, cũng không làm gì có chuột. Tôi bật dậy, bật
đèn, ra chỗ phát ra tiếng động để xem xét, chẳng thấy vật gì trên sàn nhà. (Tôi
từng là hướng đạo, không sợ ma.) Tôi lại vào giường, tắt đèn, thì lại có tiếng
ném, rơi, loại âm thanh của sách ném/rơi như lần trước cách đó mấy phút. Tôi hiểu
ra là cậu út giận tôi vì tôi đã viết cái điều không hay về người ân nhân của cậu.
Tôi nói thầm với vong linh cậu út là tôi sẽ sửa truyện lại cho kín đáo hơn để
khỏi phạm thanh danh của người mà cậu út hằng tri ân và kính trọng, những điều
này tôi đọc được nơi những giòng chữ cảm ơn người ân nhân ở ngay trên đầu những
trang đầu của những cuốn tự điển Anh ngữ của Lê Bá Kông và các sách giáo khoa
khác. Sau khi đã hứa và xin lỗi vong linh cậu út, thì không còn nghe tiếng
ném/rơi nữa.
(Tôi còn thấy các hiện tượng ma quái cùng với bọ tôi, ví dụ, nhiều chùm lửa đậu
trên cây, trong những lần gánh lưới đi biển phải trên một con đường chạy qua rừng,
giữa khuya với bọ tôi. Tôi thấy và kêu bọ tôi đi trước và chỉ cho ông, thì ông
chỉ nói rằng: “Đất nước Ông Bà …”
Cách đây khoảng 20 năm, cũng có lần thằng trai út nhỏ tuổi đến thăm tôi. Hai
cha con cùng ngủ chung trên giường, mà nơi chiếc bàn thấp kê cuối chân giường,
tôi kê một cái TV thời ấy, không làm gì có đồ bấm điều khiển từ xa, phải bấm, vặn
nút mới khởi động được, đã thế lại là đồ mua ở chợ từ thiện, rồi còn cũ mèm, thế
mà có lần hai cha con, đêm còn sớm, nằm trên giường thì TV tự động khởi động,
lên màn ảnh đàng hoàng. Thằng út ngạc nhiên, hỏi ba: sao lạ vậy, và cười. Nó là
con ít Na Uy không biết ma quỷ là gì.
Đây là những lý do tại sao truyện nào của tôi cũng có một chút ma quái trong
đó. Có người bảo là tôi bắt chước lối viết văn magic realism/魔幻寫實主義/
Ma huyễn tả thực chủ nghĩa (Hiện thực huyền ảo) như trong cuốn Trăm Năm
Cô đơn của Gabriel García Márquez. Quả thực, không phải vậy vì tôi
chưa từng đọc cuốn nào của tác giả này. Và tôi là một người học/đọc sách triết
nhiều, do đó duy lý và đã không mặn mà gì lắm với tôn giáo, huống gì với ma quỷ.
Tôi còn nhớ giáo sư Trần Thái Đỉnh đã nói trong một buổi dạy triết ở Đại học
Văn Khoa, Sài Gòn: “Giả thử có ma quỷ, tức là những hữu thể của thế giới phi vật
lý, thì các hữu thể này không thể tác động trong thế giới vật lý của chúng ta,
ví dụ như phát ra tiếng nói, huống chi xô đẩy bàn ghế, vv.” )
Nhưng chẳng bao lâu, sau khi tôi đi vượt biển thì mạ tôi cho tôi biết là đã hốt
được cốt cậu về vì vợ chưa cưới của cậu có vào chôn cậu và "mợ" biết
là mộ cậu nằm bên phải thánh giá, và khi mở quan tài, thấy cậu bận bộ đồ trận
và nhất là còn đôi kiếng.
Bây giờ cậu nằm giữa ông bà ngoại và bọ mạ tôi trong nghĩa địa quê nhà.
Mạt Tỉnh Để
Oslo, Ngày Lễ các Đẳng Linh hồn 1.11. 2023