26 December 2023

NHỮNG MÙA GIÁNG SINH TRONG KÝ ỨC - Nguyễn Hoàng Quý

Làng quê nơi tôi sinh ra là một vùng bán sơn địa thuộc thung lũng Quế Sơn, địa danh một thời nổi tiếng trong các trận giao tranh giữa một bên là quân Cộng sản và một bên là quân đội Đồng minh & VNCH. Quế Sơn ở phía Nam Đà Nẵng, cách chừng 60km, ở Tây Nam Hội An cách chừng 40-50km.

    Thập niên 50 thế kỷ trước, ở quê tôi không hề thấy những Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, chỉ rải rác vài chùa Phật giáo, đa số là các Thánh thất Cao Đài ở nhiều xã trong quận. Những năm học tiểu học, 1956-61, mỗi năm đi học được nghỉ lễ “Bấc” một tuần, cứ ngỡ là gió bấc. Lớn dần thì hiểu ra đó là Lễ Phục Sinh (Pâques). Con nít, nghỉ học là vui nên không quan tâm mấy, cũng không nhớ có nghỉ Noen hay không, nghỉ ít hay nhiều ngày vì mãi đến năm 1960, làng tôi mới có một Nhà Nguyện Công Giáo. Nhà Nguyện dựng trên đất nhà anh Năm Sắc con bà Luân, vách tranh, lợp tranh. Không rõ nơi này quy tụ được bao nhiêu người tới cầu nguyện theo lễ nghi Công giáo vì với đầu óc một cậu bé lên mười, điều chú ý không phải là việc này. Điều còn nhớ được là có một linh mục ở tỉnh về giúp đỡ mọi việc thời gian đầu, anh Năm Sắc gọi ông là “Cha”, vợ con anh cũng gọi là Cha. Bà Luân, mẹ anh không đồng ý và nói rằng: “Nếu con và vợ con gọi ông này là Cha thì dứt khoát các con của con phải gọi là “ông nội!”

    Chuyện hoàn toàn có thật, không mảy may thêu dệt vì người dân quê, khi chưa hiểu, dễ dị ứng với những cái mới.

Phải đợi đến cuối thập niên 60, khi tôi lên Đà Lạt học năm đầu đại học tôi mới có nhận thức tương đối đầy đủ về LỄ NÔ-EN, NGÀY GIÁNG SINH khi thành phố này có nhiều trường Công Giáo, nhiều Nhà Thờ, bạn bè tôi là con Thiên Chúa, Đại học Đà Lạt nơi tôi học là trường Công Giáo. Khi nhà Thờ Con Gà, Domaine de Marie, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, các xóm đạo từ số 6 vào Thánh Mẫu đều trang trí mừng Giáng sinh, lòng mình rộn lên những cảm giác vui tươi khi nhìn và nghĩ đến câu: “Sáng danh Thiên Chúa trên Trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Có một lần anh em tôi vào nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế đêm 24, được nghe từ đó tiếng đàn harmonium dạo bài “Đêm Thánh vô cùng” và bài “Hang Bêlem”. Tiếng đàn thoát ra từ bên trong bức tường đá của Nhà Thờ rất tuyệt. Chỉ đến sau này, có lần đến Nhà Thờ Kỳ Đồng Sài Gòn cũng đêm Giáng Sinh mới được nghe lại, y hệt, dù ở đây ồn ào hơn do xe cộ chạy qua.

    Về Huế, tôi được tiếp xúc với Linh mục Trần Thắng Trung là tuyên úy Công Giáo, về sau Cha về quản lý Tòa Giám mục, tôi gặp  Soeur Marie de Bernard, Soeur Jean du Calvaire Kim Thúy. Hai chị tu dòng Saint Paul, làm việc thiện nguyện ở BV Trung Ương Huế. Cha Trung và các chị vốn có giao tình với chị ruột tôi ở Đà Nẵng từ trước nên coi tôi như con em, luôn dành cho những tình cảm yêu thương và ai cũng muốn tôi “trở lại đạo”. Có lẽ tôi không nhận được sự quan phòng của Thiên Chúa nên dầu ngày ấy, tôi đi lễ chúa nhật với người bạn cùng phòng ở ký túc xá, đọc Thánh Kinh, tôi vẫn chỉ dừng lại ở việc nhận Hồng Ân của Người. Vào cuối tháng 12, khi thời tiết bên ngoài rất đẹp, trời không còn mưa, có ngày nắng vàng trải trên khóm cây các sân nhà thờ đã trang trí thông Nô-en, máng cỏ, hang lừa lòng tôi vẫn rộn lên những nao nức và nghĩ đến việc dọn mình chờ đợi đón mừng ngày Chúa Giê su Ki tô chào đời.

    Đến nhà thờ xem lễ Giáng Sinh, nghe Phúc Âm, nghe Thánh Ca cũng như nghe các Cha giảng, tôi thấy lòng mình thanh thoát, những bài giảng của các Cha luôn giúp ích cho việc bảo tồn trật tự xã hội khi con chiên thực hiện đúng 10 điều răn của Chúa. Tôi cũng đã dự một vài Thánh lễ cưới của người thân, Thánh lễ luôn đem lại cho mình cảm giác vui mừng cho hạnh phúc của cô dâu chú rễ nhất là khi giáo luật có những điều ràng buộc họ với nhau để biết nhẫn nhịn trong cuộc sống hàng ngày theo kiểu “Chồng giận thì vợ bớt lời”.

    Khi ra trường đi dạy, tôi có vài lần dự lễ mở tay của học trò cũ ở ngay chính giáo xứ mình sinh ra, tôi mặc complet, thắt cravat như đi họ đám cưới vì, cũng giống như dự lễ khấn của các nữ tu (khấn tạm, khấn lại, khấn trọn đời) đều không khác lễ cưới của người ngoại đạo. Có lần tôi dự Thánh lễ nửa đêm ở Nhà Thờ Đồng Dài, cách nhà chừng 15km. Lễ xong về dự tiệc canh thức ở nhà riêng của Chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ có Cha chánh xứ và các chức sắc nhà thờ cùng tham dự. Tất cả những việc này và còn nhiều nhiều nữa đã luôn nằm ở một ngăn đẹp trong tủ đựng những kỷ niệm đời mình. Do vậy, cứ đến đầu tháng 12 hàng năm là bao nhiêu kỷ niệm với đất, với người trỗi dậy để thấy mình trẻ lại và lòng mình ấm áp.

    Cha mẹ tôi thờ Ông Bà, về sau, tôi tìm hiểu đạo Chúa, tuổi trung niên, tôi tìm hiểu đạo Phật, đọc sách Phật và sống theo giới luật của một Phật tử nhưng trong tôi luôn có một Đấng Toàn Năng chi phối mọi con người. Với tôi, đấng Toàn Năng đó là Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn yêu thương và cứu chuộc trần gian.

Nguyễn Hoàng Quý