Khúc sinh ra trong một gia đình cũng thuộc dạng trung
bình khá ở đất Quảng Ngãi, mảnh đất cằn cỗi khó sinh nhai với những con người
chịu thương chịu khó. Ông của Khúc là người đã một tay gây dựng nên nền kinh tế
hiện tại của gia đình, sau khi đi lính, ông về quê ra sức vun trồng cày thửa ruộng
mà người ta bỏ, lại khai hoang mảnh đất rộng phía sau núi, trồng cây, làm rẫy
và sau cũng dần có của ăn của để. Ông trân trọng từng đồng tiền mình làm ra
nhưng đồng thời cũng mang nặng tư tưởng phong kiến, vẫn còn tâm niệm rõ ràng
mình là chủ gia đình và ai cũng phải phục tùng. Đặc biệt là tư tưởng trọng nam
khinh nữ vẫn còn hiện hữu.
Ngay cả cái tên của một đứa con gái như Khúc cũng vẫn là tên mà ông đã đặt từ
trước cho cháu đích tôn của mình nhưng ông lại chỉ có một mụn con trai, và ba
Khúc lại chỉ sinh được một người con gái duy nhất là Khúc. Khúc còn nhớ những
năm tháng ấu thơ của mình là chuỗi ngày ngập tràn nước mắt bởi người ông vừa là
chủ gia đình vừa là người đậm tư tưởng cổ hủ. Đặc biệt là vào những ngày Tết,
những ngày mà truyền thống gia đình và sự sum họp được đẩy lên cao nhất thì ông
chỉ mang đến sự chia ly cho gia đình nhỏ. Ngày ông nhất quyết bảo ba Khúc đi lấy
vợ khác để sinh con trai nối dõi cũng là vào những ngày giáp Tết. Khúc vẫn còn
nhớ mình đã như một cái bóng trong đại gia đình cùng sống trong căn nhà lớn ở
dưới quê với gian chính là ông ở cùng từ đường và các gian nhỏ xung quanh dành
cho con cháu. Ông chưa bao giờ gọi đến tên Khúc, dường như ngay cả việc Khúc tồn
tại cũng là điều ông chối bỏ. Và mọi người vừa kính nể vừa sợ ông cũng ghẻ lạnh
Khúc.
- Mày là đứa con bất hiếu. Nếu mày không cưới vợ khác tao sẽ từ mày.
Những lời ông nói với Khúc ba ngày đó, Khúc không thể nào quên được. Hăm tám Tết,
ba dẫn má con Khúc rời khỏi gia đình lớn đi thành phố khác kiếm kế sinh nhai.
Dù khá chật vật với cuộc sống mới nhưng ba má Khúc luôn dành tất cả sự yêu
thương cho Khúc như bù đắp lại những năm tháng tuổi thơ mà Khúc đã ở gia đình nội.
Thế nhưng mọi thứ lại thay đổi một lần nữa khi Khúc bước vào năm cuối cấp, lúc
đó ba Khúc nghe tin ông ốm nặng và gia đình có nhiều biến cố nên lại thu xếp để
về ở với nội.
Đó là những tháng xuân khi con én đang chao liệng trên trời những sải cánh đầu
tiên, ba kể cho Khúc nghe về tình hình gia đình nội : vì những bươn chải trong
quá khứ nên về già ông nội đổ đau, các cô chú vốn trước kia sống quây quần bên
cạnh nhà khi kinh tế mới đất đai giải tỏa cũng tranh thủ bán đất đi rải rác khắp
nơi sinh sống không ai ở cạnh ông. Một phần nữa vì tính ông quá khó nên không
ai muốn ở gần và khi tài sản ông bán dần theo những đơn thuốc và ông chia cho
những con cháu trong gia đình thì ông cũng dần mất đi tiếng nói. Ngày trước họ
nể sợ ông, nhưng giờ ông chỉ là người mà họ chối bỏ khi không còn gì trong tay.
Ngày gia đình nhỏ của Khúc tay xách nách mang vali lớn nhỏ về lại căn nhà xưa,
căn nhà lớn ấy nay chỉ còn một gian chính còn những gian xung quanh đã bị bán sạch.
Ông vẫn ngồi đó, cô độc nhưng uy nghi với chòm râu phất phơ dưới nắng. Ông
không cả nhìn, dường như sự kiêu hãnh vẫn còn nhưng đồng thời sự im lặng cũng
là ngầm chấp nhận, xét cho cùng, chỉ có mỗi gia đình Khúc quay về lo lắng cho
ông. Khúc còn nhớ những năm tháng ấy, khi cả gia đình chộn rộn Tết, hành động
duy nhất của ông là đi tìm một ông đồ nào đó ghi cho đôi câu đối, dường như
truyền thống vẫn được ông giữ trong khuôn phép. Căn nhà nhỏ được hồi sinh nhờ
ba má Khúc trang hoàng, ba Khúc thì tất bật với những chậu quất, chậu mai; Má
Khúc tranh thủ bán buôn ngoài chợ rồi cũng sẵn tay mua miếng thịt quả trứng làm
nồi thịt kho tàu, dăm củ kiệu…Còn Khúc luôn thích sáng đêm với việc canh nồi
bánh chưng. Những năm đầu, Khúc vừa sợ và có chút ghét ông, nhưng khi thấy ông
vò võ một mình trong căn nhà, chợt nhớ lại ngày tháng khi xưa mình đã cô độc,
Khúc thương nhiều hơn cả sợ.
- Ông có muốn canh nồi bánh chưng cùng con hông?
- Tao già rồi mà bây không tha cho tao nữa hả?
Ông quở thế nhưng ông cũng ngồi, còn Khúc cũng cười hì hì đưa đẩy câu chuyện…
Phải mất rất nhiều năm hai người mới nói chuyện, những câu chuyện không đầu
không đuôi nhưng lại như ngọn lửa trước mặt làm ấm đi mối quan hệ của hai con
người.
***
Khoảng sân trước nhà đột nhiên trở thành mảnh đất mặt đường khi phía trước nhà
được giải tỏa để xây công viên. Giá đất tăng vùn vụt khiến những người con cháu
khi xưa từng bỏ rơi ông quay về thăm ngày Tết đông như trẩy hội. Thấm thoắt đã
ba năm kể từ ngày gia đình Khúc dọn về ở tiện chăm sóc ông, chưa bao giờ Khúc
thấy nhà mình đông như vậy, hệt như năm xưa, khi căn nhà năm gian vẫn còn và những
khoảng đất rộng một tay ông gầy dựng để cho con cháu vui đùa. Khúc nhẹ nhàng
bưng trà mời nước các bậc họ hàng mà đã rất lâu rồi mới gặp, thời cũng chẳng
còn nhớ rõ nổi được ai với ai. Ông ngồi giữa nhà, nhắm mắt im lặng giữa những
tiếng tranh cãi, bàn tay đặt hờ lên chiếc gậy chống thẳng đứng phía trước mặt.
Họ tranh cãi, họ giành giật về việc nuôi ông, cái nghĩa vụ mà họ đã từng quên
nhưng nay vì quyền lợi nên tranh đoạt. Vì họ biết ông tuổi đã cao, và cái mảnh
đất kia rồi bằng cách nào đó sẽ về tay họ như cách họ đã từng làm. Khúc bưng
lên một chiếc dĩa nhỏ có mấy chiếc bánh in nhân vừng mà ông thích ăn, khép nép
đứng cạnh ông, ông đưa tay vẩy xuống ngồi bên cạnh mình. Nhìn những con người
đang ồn ào trước mặt, lại nhìn đứa cháu nhỏ đang chuẩn bị vài tháng nữa sẽ viết
hồ sơ vào đại học ông khẽ nhói lòng.
- Thôi bây giờ để ông quyết định, ông ở với ai?
Ông chợt nhớ lại cách đây vài hôm khi Khúc và ông đương đổ mẻ bánh in ngày Tết,
hai ông cháu tâm sự về chuyện dự định thi đại học trường nào của Khúc. Lúc đó
Khúc đã suy nghĩ rất lâu rồi chợt nói :
- Con dự định thi đại học gần nhà. Ba má dạo này đi buôn xa, chỉ mình ông ở nhà
con không yên tâm.
Ông chọn ở lại với gia đình Khúc cũng là lúc Khúc viết đơn thi đại học vào trường
gần nhà…
***
Ngày Khúc đi lấy chồng cũng đương vào những ngày giáp Tết. Mùa xuân là mùa cưới.
Nhà Khúc neo người nên vừa chuẩn bị cho Tết vừa chuẩn bị cho đám cưới cũng rất
vất vả, nhưng cả Khúc và phía chồng vốn đều giản đơn nên cũng định làm cái cỗ
coi như báo với gia tiên xóm làng thôi. Nhưng ông nghiêm nghị:
- Nhà có đứa cháu gái duy nhất, chuẩn bị tươm tất thì nhà chồng nó mới biết
mình coi trọng nó không ăn hiếp nó được.
Lời ông nói vừa có chút nghiêm nghị lại có chút buồn cười nhưng chan chứa cả
tình yêu thương trong đó. Ngày Khúc cưới, ông giếm cho Khúc ít vàng bấy lâu ông
để dành, thậm chí ông còn thương Khúc đến mức định bán mảnh đất được giá để
Khúc làm của hồi môn nhưng Khúc ngăn lại vì chưa cần đến và cũng vì Khúc muốn
giữ lại nơi ở rộng rãi cho ông và ba má, cũng là những kí ức sâu đậm dẫu rất muộn
hai người mới ghi lại cùng nhau.
Ngày Khúc cưới, sức khỏe của ông đã rất yếu nhưng ông vẫn nhất quyết đi họ. Bộ
dáng nghiêm nghị còn có phần lúng túng khi diện bộ vest lên người nhìn thấy cả
sự hãnh diện, và cả sự lo lắng mong đám cưới của cháu gái nhỏ sao cho được chu
toàn nhất. Đám cưới nhỏ nhưng rình rang cả một xóm nhỏ, vài đứa nhóc tinh nghịch
đốt pháo đỏ đầy đường, đôi ba con én liệng trên bầu trời như xé mây tạo hình
thành một màu hạnh phúc. Ông đại diện họ nhà gái lên phát biểu đôi ba lời, dặn
dò chú rể, giọng ông run run, vì tuổi tác, nhưng cũng vì xúc động:
- Nhà ông có đứa cháu gái, đã chịu nhiều cực khổ, nay gả cho con cũng là để
nương tựa vào con, ông không mong gì hơn là hai đứa có thể sống vui vẻ và hạnh
phúc.- Rồi ông trầm ngâm hắng giọng - Nhưng nếu, có vì lí do gì đó mà hai đứa
có mâu thuẫn, con đừng đánh nó, cũng đừng mắng nó, cứ trả nó về với ông, ông sẽ
nhận lại…
Những lời ông nói làm cả hội trường dường như rơi lệ. Người đàn ông ấy vẫn khó
tính, vẫn nghiêm nghị, vẫn ít nói, vẫn khoác lên mình bóng dáng uy nghiêm như
hình ảnh chủ gia đình năm nào. Duy chỉ có tình thương, đột nhiên thể hiện rõ
ràng hơn chút xíu.
Không khí xuân đương về, vài cơn gió xuân cũng đương về mát rượi. Trên bầu trời
những tia nắng vắt ngang tưởng mình là họa sĩ vẽ những bức tranh đượm màu hạnh
phúc. ./.
Lê Hứa Huyền Trân