HÒA THƯỢNG TUỆ SỸ
Hoà thượng Tuệ Sỹ viên tịch. Ít khi một nhà tu ẩn dật, qua đời
được nhiều người người nhắc tới như vậy. Bởi vì trong một xã hội băng hoại,
nhân phẩm đổ nát, ít có cơ hội được ca ngợi một người tốt, một tia sáng, một đôi
chút hy vọng.
Nói về một người đáng kính cũng là một nhu cầu. Đó là một
cách trấn an cho chính mình: đất nước chưa hoàn toàn bệ rạc, bởi vì còn những
người như Tuệ Sỹ. Còn nước còn tát. Ở đây, tôi mạo muội dùng chữ Tuệ Sỹ trống
không, như người ta viết về một nhà văn: Nguyễn Du, Nhất Linh. Bởi vì sinh thời,
một người nhiều tình cảm, suy tư như ông, chắc muốn viết văn, làm thơ hơn cả.
Tuệ Sỹ tượng trưng cho tất cả những gì đã mất ở xã hội VN, nhất là nhân phẩm con người Tuệ Sỹ là một nhà chân tu trong một thời mạt pháp, bên cạnh những hoà thượng, đại đức công an, thuộc kinh Hồ Chủ Tịch hơn khinh Phật.
Tuệ Sỹ sống thanh đạm, bên cạnh các thầy chùa quốc doanh vạt
núi, xẻ rừng, phá huỷ thiên nhiên để xây ngôi chùa vĩ đại, kêch cỡm, thô bạo để
kinh tài. Trong một thời đại hỗn mang, dân lầm lẫn tôn giáo với mê tín, dị
đoan, buôn thần bán thánh là chuyện làm ăn thịnh vượng nhất. Tuệ Sỹ là trí thức
thứ thiệt giữa một băng đảng nguỵ trí thức. Hoặc bằng cấp giả, hoặc bằng cấp có
được nhờ học thuộc lòng, nhưng quay mặt trước thảm trạng xã hội để được yên
thân, để khỏi mất đôi chút bổng lộc. ’‘Sĩ khí rụt rè, gà khải cáo. Văn chương
liều lĩnh đấm ăn xôi’, như ngày xưa Trần Tế Xương đã mỉa mai.
Tuệ Sỹ không đi tu để trốn đời, ông ghé vai lãnh việc chung,
như Camus nói: trí thức hay không, người dân nào cũng ở trên thuyền, phải chèo.
Tuệ Sỹ lãnh án tử hình, không thèm xin khoan hồng, vì cho mình không có tội gì
cả, ngoài tội yêu nước, và không có ai đáng để xét xử ông. Một câu ngắn đủ để
nói lên thực trạng của công lý. Dưới thân thể mảnh mai, gió nhẹ đủ để cuốn bay,
khiến người ta nghĩ tới thánh Ghandi, nhà chân tu ấy đương đầu với cả một tập
đoàn ma tăng, cứu vãn cho danh dự Phật Giáo VN trong cơn điên đảo.
Tuệ Sỹ là một trí thức uyên bác. Trí thức không nhất thiết
phải đi đôi với uyên bác, nhất là ở VN. Những sách về Phật Học của thày mở một
chân trời mới cho Phật Tử, trong khi theo truyền thống ’‘thuật nhi bất trác’’,
đa số sách vở VN chỉ lặp đi lập lại những cái cũ, chỉ đi những lối món. Chưa
nói đến tác phẩm tràn ngập thị trườngcác nhà tu công an.
Thơ Tuệ Sỹ là những bát nước trong, nhưng bát nước chứa cả
vũ trụ. Một nhà chân tu, một trí thức uyên bác, một công dân bất khuất. Một người
như vậy tưởng như không thể có ở VN ngày nay. Nếu có cũng khó sống.
Thư thày Tuệ Sỹ gởi tăng sinh Huế dưới đây, cách đây trên 20
năm, đáng lẽ phải dán ở mỗi chính điện, mỗi cổng chùa như một lá bùa, để ếm ma
tăng khỏi mò vào cửa Phật: ‘’Một Phật Tử xuất gia, khi cất bước ra đi, là đến
phương trời cao rộng, tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình
chìu theoo mọi giá trị hư đốn của thế gian.
Người Phật tử không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền,
bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ
là những giá trị nhỏ bé và giả nguỵ, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ
không tiếc để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ chánh pháp mà thực tế
chỉ là ôm giữ cha tháp làm chỗ ẩn núp cho ma vương, là nơi tụ hội cho cặn bã xã
hội, chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh
vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua quan bán chức’’
BIA TÀU
Một video được coi hàng triệu lần trên Weibo, hệ thống
YouTube của Tàu. Video quay cảnh một nhân công hãng bia nổi tiếng Tsintao ở Quảng
Châu vén quần đái thoải mái vào cái bồn chứa rượu bia. Nhà chức trách hoảng, vì
Tsingtao là nguồn lợi khổng lồ, một biểu tượng của thực phẩm Trung Quốc, hứa sẽ
điều tra.
Điều tra kiểu
Trung Quốc. Người ta nhớ sau Covid, Trung Cộng đã chấp nhận cho một phái đoàn
thuộc tổ chức Y Tế Liên Hiệp Quốc (WHO) tới Tàu để điều tra về nguồn gốc Covid.
Tới nay, chưa ai biết mặt mũi bản báo cáo thế nào. Cuộc điều tra kể như chìm xuồng
luôn. Ai cũng biết Tedros Ghebreyesus là người được Trung Cộng tin cẩn, leo lên
chức Giám Đốc WHO nhờ phiếu của các nước đàn em của Tàu.
Hy vọng vụ
Tsingtao pha nước tiểu sẽ khiến bạn bè bớt dẫn tới Chinatown ăn cơm Tàu. Rất ớn
cơm Tàu, cái gì cũng đầy mỡ, xì dầu đen thui. Có lần ở Bắc Kinh, sau một tuần lễ,
ớn quá, xin ông đầu bếp cho ăn cơm trắng, rau luộc. Ông ta hiểu, cười hề hề,
mang lên một đĩa ra luộc tổ bố, phủ đầy dầu hào đen thui. Và một chai Tsingtao
!
VỚI MỘT DÂN TỘC
NHƯ VẬY..
Tôi soạn một bài
nói chuyện về hiện trạng báo chí VN với một nhóm trẻ. Bài viết xong, xuýt nữa
hài lòng. Nếu không đọc một đoạn Hannah Arendt viết về tự do báo chí. Arendt là
một triết gia Đức, nổi tiếng về những tác phẩm nghiên cứu về các chế độ toàn trị.
Đọc xong, thấy bài mình còng lưng viết nó nhạt nhẽo, rỗng tuyếch, vô thưởng vô
phạt. Chỉ trong vài câu, Arendt tóm tắt gọn vấn đề, trong sáng, chính xác. Mà
đó cũng không phải là một bài viết, chỉ là một câu trả lời phỏng vấn.
Hannah Arendt:
“Khi chúng ta không còn báo chí tự do, tất cả có thể xẩy ra. Cái cho phép một
chế độ độc tài toàn trị, hay bất cứ một chế độ độc tài nào, nắm vững quyền
hành, là sự kiện người dân không được thông tin: làm cách nào bạn có thể có ý
kiến, nếu không có thông tin? Nếu mọi người nói láo thường trực, hậu quả không
phải là bạn tin những chuyện xảo trá, hậu quả là không ai tin chuyện gì nữa. Quả
vậy, những chuyện dối trá, tự bản chất của nó, phải thay đổi, thêm bớt và một
chính quyền gian trá phải liên miên viết lại chuyện do chính họ bịa ra. Người
dân không phải chỉ nghe một lời dối trá, đôi khi tới hơi thở cuối cùng, nhưng
nhận được rất nhiếu dối trá, tuỳ theo nhu cầu chính trị. Và một dân tộc không
còn tin gì nữa, sẽ không quyết định gì nữa. Người dân bị tước đoạt không những
khả năng hành động, mà bị tước đoạt cả khà năng suy nghĩ, khả năng phán xét. Với
một dân tộc như vậy, bạn có thể làm tất cả những gì bạn muốn”
Từ Thức