- Hôm nay ta nói chuyện gì đây?
- Khoan đã. Anh uống thử thứ trà dân dã này xem. Gọi là chè
thì đúng hơn. Gia đình bên vợ tôi thích thứ này. Tinh thần địa phương cao đấy.
Anh thấy lá chè chứ? Còn nguyên lá, chỉ phơi khô rồi người nhà đóng gói kỹ,
gửi sang đây.
- À, tôi biết thứ chè này rồi. Thứ chè Huế của ông Võ Phiến
đây mà. Vậy ra chị nhà cũng gốc Bình Định?
- Không, anh. Ra mé ngoài một chút, Quảng Ngãi. Nhưng hôm nay ta uống chè Huế của ông Võ Phiến, theo kiểu nước ngoài. Tôi nấu chè Huế trong cái ấm riêng, mua ở phố Tàu. Bỏ lá chè vào ấm đun trên bếp chứ không nấu nước sôi rồi đổ trà vào như pha trà. Lửa nhẹ, nước sôi hai phút thì tắt bếp. Ta uống chè kiểu này, không thêm nước lạnh vào khi uống, chắc ông Võ Phiến cũng không phiền đâu. Ổng chết rồi, mà nếu còn thì anh thấy đó, ông càng về già càng dễ tính ra.
- Mình uống chè Huế và nói chuyện gì hôm nay đây anh?
- Uống chè dân dã thì mình nói chuyện nhà thơ dân tộc là
Nguyễn Du và tác phẩm để đời là truyện Kiều, chắc hợp. Anh có nhớ đoạn chàng
Kim, sau lần đầu gặp gỡ nàng Kiều đã lân la đến tận nhà nàng tìm cách gặp lại
người đẹp, nhưng
Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh
và rồi chỉ là
Anh nghĩ sao nếu thay vì câu trên, tôi nói là “Thâm nghiêm
kín cống cao tường” mới đúng?
- Anh nói lạ! Xưa nay người ta vẫn nói “kín cổng cao tường”
chứ có ai nói “kín cống cao tường” đâu?
- Chính là chỗ đó! Xưa nay là xưa từ lúc nào cho tới nay?
Trước lúc truyện Kiều được phổ biến ở nước ta hay sau đó? Nếu sau đó thì vì người
ta đọc sai chữ cống thành chữ cổng, nên “kín cống cao tường” của truyện Kiều lại
thành ra một thành ngữ phổ thông bây giờ là “kín cổng cao tường”. Anh nên nhớ rằng
nhà trung lưu hay giàu có ở Việt Nam thì ít khi nào có cống và cũng ít có cổng
nhất là ít có “mấy lần cổng”, còn nhà giàu có khá giả bên Tàu với kiến trúc nhà
có tường bao quanh, cổng riêng, cống nước chảy ra thì không ít.
- Ừ, thông qua điểm này đi. Nhưng anh dựa vào đâu mà nghĩ là
“kín cống cao tường” mới đúng?
- Anh cũng biết là nhà thơ của chúng ta mất đến nay chỉ hơn
hai trăm năm, nhưng di cảo truyện Kiều viết tay thì không còn. Những bản chữ
Nôm còn lưu truyền lại chỉ là bản in từ những nhà sách, in lại bán cho người
thích văn chương hay từ những người đặt in riêng, thậm chí có người chép tay,
như bản in lại từ Liễu Văn Đường, Phúc Văn Đường, Kiều Oánh Mậu, Chiêm Văn Thị,
Duy Minh Thị và bản chép tay của Lâm Noạ Phu. Tam sao thất bản là chuyện đã xảy
ra. Riêng về câu này, may mắn thay, trong năm sáu bản in chữ Nôm mà tôi có, tất
cả đều giống nhau:
審 嚴 謹 槓 高 墻
Vậy điều ta nói ở đây là chữ Nôm 槓 đọc
ra Quốc ngữ thế nào. Cổng hay Cống?
- Anh uống chè đi chứ? Thấm giọng cho tốt rồi bàn tiếp. Chè
này chát nhưng vị chát khác trà Tàu. Nó không có hậu như trà nhưng khi uống, cứ
như đi tắm sông thay vì đi hồ bơi. Khoái mà không thấy gò bó.
- Thì tôi đã nói với anh là mình uống chè dân dã mà nói chuyện
văn thơ dân dã mà. Trở lại với chữ Nôm 槓,chữ này được tạo thành từ
hai chữ Hán 貢 Cống như nạp cống, triều cống để hội âm và chữ (bộ) 木
Mộc để hội ý. Đa số cổng làm bằng gỗ, cống cũng thế, thường làm bằng tre hay gỗ
để chặn lá mục. Nhiều tự điển đọc chữ Nôm 槓 này
là Cổng, còn Cống thường được viết với chữ Cống hội âm và bộ Thuỷ hội ý,
thành 𣹟 . Nhưng có tự điển là
Bảng tra Chữ Nôm của Hồ Lê, đọc chữ 槓 này là Cống thay vì Cổng.
- Dù vậy, chỉ là một tự điển khác với những tự điển Nôm còn
lại. Anh theo lời thiểu số mà ngược lại đa số chăng?
- Khoan đã anh. Chúng ta hãy đọc lại câu này
- Không, anh ạ. Với những con lạch chảy ra vào các nhà khá
giả, thậm chí có cả tường bao quanh, họ làm những đường cống để nước lưu thông.
Phía trong nhà, có tấm lưới bằng gỗ hay đan bằng tre, chặn lá mục hay rác
rưởi trôi ra. Nước bên dưới thì vẫn chảy như thường. Nhà giàu có khi làm chắc
chắn hơn, ngăn cả trộm cướp. Khi lá hay rác rưởi nhiều thì có thể dễ dàng làm sạch.
Kín cống ở đây là tấm lưới đan đã sập xuống, lá thắm nếu có theo dòng cũng bị
chặn lại. Vậy lá thắm bị chặn lại chứ không phải dòng nước bị chặn lại.
- Ừm, anh nói cũng có lý, nhưng để tôi tìm hiểu thêm. Thế có
ai đưa ý kiến này ra hay anh là người đầu tiên?
- Ít nhất là đã có ba người có ý kiến này. Người thứ nhất là
thi sĩ Tản Đà. Ông đã viết cuốn “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện”. Người thứ
hai là Nguyễn Tài Cẩn, chú giải bản Truyện kiều từ bản Nôm của Duy Minh Thị.
Người thứ ba là một người bạn của ông thân tôi, học giả Hồng Huy, tác giả cuốn
Đọc Kỹ Truyện Kiều.
- Họ có lý luận giống anh không?
- Tôi không biết lập luận của hai ông trên nên không rõ.
Riêng với học giả Hồng Huy, ông cho là có thể người in nhầm chữ 𣹟
(bộ Thuỷ) với chữ 槓 (bộ Mộc). Hai chữ khác nhau nhưng vẫn có thể nhầm chữ này
ra chữ kia, với lối viết thảo. Và sai lạc từ phiên bản này kéo theo sai lạc của
phiên bản khác. Cả ba có lẽ đều dựa vào phép đăng đối, tức là hô ứng,
trong truyện Kiều nói riêng và thi ca xưa nói chung. Ý từ trong câu thơ lục bát
liên kết chặt chẽ, một ý nêu lên thì có ý khác quyện lấy. “Cao tường” nên “dứt đường
chim xanh” và “Kín cống” nên “cạn dòng lá thắm”. Nếu đọc là “kín cổng” thì ý
này không liên kết với “cạn dòng lá thắm”.
Anh xem những thí dụ khác đầy dẫy trong truyện Kiều
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê.
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
Thềm hoa khách đã trở hài,
Nàng còn cầm lại một hai tự tình.
Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp phố mà mong châu về
Truyện Kiều trau chuốt mà vẫn tự nhiên, ý chặt chẽ mà không
thấy dấu đẽo gọt. Cái tài của thi sĩ là ở chỗ đó.
- Vâng, xin cảm ơn anh về ý khác này trong việc đọc
câu thơ Kiều này. Xin để tồn nghi. Nhưng chè của anh thì thật tôi mới uống lần
đầu. Thích lắm. Tôi vốn dân Sài Gòn, lại rời xa lúc trẻ. Giờ tôi phải về, xin hẹn
anh lần khác.
Mặc Lý
Ghi chú:
[1] Chim xanh: Vua Hán Vủ Đế nhà Hán, vào cuối đời, mơ thuốc
trường sinh say mê đạo Lão. Một hôm đang thiết triều, có con chim xanh (thanh
điểu) bay đậu trước sân điện. Sau đó, ông cho là Tây vương mẫu đã bay từ thượng
giới xuống gặp ông. Vì điển tích này, chim xanh tượng trưng cho người đưa tin.
Với văn chương Việt Nam nó còn tượng trưng cho người làm mai mối nữa.
[2] Lá thắm: Vu Hựu là một thi nhân đời Đường, vốn là môn
khách nhà Hàn Vinh, một bậc vương công. Khi đi chơi, tình cờ vớt được một chiếc
lá từ trong cấm cung theo lạch nước trôi ra, trên có ghi một bài thơ, đề rằng
Lưu thuỷ hà thái cấp
Thâm cung tận nhật nhàn
Ân cần tạ hồng diệp
Hảo khứ đáo nhân gian
dịch
Nước chảy sao mà gấp
Cung sâu suốt buổi nhàn
Mở lòng nhờ lá thắm
Mau đến chốn nhân gian
(Mặc Lý dịch)
Vu Hựu nghĩ đây là một bài thơ từ một cung nữ sầu muộn cô
đơn u uất nên cảm động giữ chiếc lá lại, và làm hai câu thơ viết trên một chiếc
lá khác:
Tằng vân diệp thượng đề hồng oán
Diệp thượng đề thi ký dữ thuỳ
dịch
Đã nghe lá thắm đầy hơi oán
Trên lá đề thơ định gửi ai?
(vô danh dịch)
và đợi khi dòng nước chảy ngược lại, thả xuống lạch.
Vài năm sau, vua thải hồi một số cung nữ, trong đó có Hàn
Thuý Tần. Nàng được trả lại nhà Hán Vinh. Vị vương công này mới làm mối nàng
cho Vu Hựu. Đêm tân hôn, hai người nói chuyện về thời gian nàng tiến cung đến
lúc xuất cung. Hàn Thuý Tần mới kể lại chuyện chiếc lá vớt được trên đó có bài
thơ trả lời bài thơ nàng gửi trước đó. Quá ngạc nhiên, Vu Hựu mới bảo bài thơ
đó do chính anh làm và đưa cho giai nhân xem chiếc lá có bài thơ bốn câu anh
còn giữ. Cả hai xúc động, cho là cuộc hôn nhân của họ là tiền định và cùng làm
bài thơ
Nhất liên thi cú tuỳ lưu thuỷ
Thập tải ưu tư mãn tố hoài
Kim nhật khước thành loan phụng lữ
Phương tri hồng diệp thị lương môi
dịch
Đôi vần thơ thả trôi theo nước
Mười mấy xuân qua vẫn nhớ hoài
Mừng được ngày nay loan sánh phụng
Mới hay lá thắm mối manh tài