21 March 2024

TRƯỜNG XƯA - Lê quang Thông

Con sông Hữu Hộ Thành !

Con sông có con đò Kẻ Vạn !

Con đò do Mụ Nay chống sào

hàng ngày đưa khách sang sông…

Ơi đồng song Lê quang Thông !

Liệu có còn nhớ gì không ?

(Mệ, Mụ, và Ả , Thái Cát Thân trọng Tuấn)

 

Quách Tấn có hai câu loanh quanh mãi trong đầu, vương vấn mãi trong lòng tôi :

Đời nửa khói mây chìm bóng mộng

Gọi đò một tiếng lạnh hư không

Bác Thái Cát có tiếng kêu đồng song tiếp nối :

Ơi đồng song Lê quang Thông !

Liệu có còn nhớ gì không ?

cả 4 câu thành một khổ thơ, làm bâng khuâng, khuấy động nhiều tâm sự.

Được Bác nhắc vào cái tuổi mà anh em chúng ta, sẽ lần lượt nối tiếp gọi đò, thiệt không có gì sung sướng và hân hạnh hơn. Cám ơn Bác Thái Cát.

Thiệt tình với Bác, thời đi học, tôi khoái hai ông Thân Trọng, không phải vì câu đồng dao rất Huế :

“Thân Trọng không nhà, Hà Thúc không dân”

(Thời buổi bây giờ ở xứ Đông Lào,không nhà, ai mà trọng; muốn làm dân cũng không phải dễ).

Có đâu một họ toàn làm lớn, chuyên ở trong cơ ngơi công sở quan quyền, nên cần chi nhà; một họ toàn làm quan, không kiếm ra một ông làm dân, trong “thuở mấy lần”.

Một ông là Bạn Hoá, lãng đãng sương mù, thông minh tuyệt vời, sách nhét túi quần sau, rong chơi ngày tháng.

Một là Bác Thái Cát, bí hiểm cao siêu, lấc ca lấc cấc, “văn giáp tàng hung trung”, muốn thân cũng ngại.

Đơn giản là học khác ban, vô ra cà phê chị Giang trong những nhóm khác nhau, thế thôi.

Bác Thái Cát ơi ! Bây giờ buổi sáng chim chóc hót vang, con chim Gõ Kiến gọi mùa Xuân nghe lộc cộc, gợi nôn nao chi lạ. Bác hỏi tôi có nhớ gì không về trường Vạn Xuân, về bến đò Kẻ Vạn làm tôi cũng nôn nao. Dĩ nhiên, không trả lời Bác, thì thành “người chi lạ”, mà gỡ cho ra cuộn chỉ rối hơn 60 năm cũng không dễ gì. Tôi chọn cách mò từ từ.

Bắt đầu từ Trường Xưa. Rồi trời cho, con đò còn nhẫn nha qua sông, tiếng gọi nghe không gấp, thì nếu có hứng khởi, Xóm Xưa, Đò Xưa, Tình Xưa…tha hồ tiếp nhau thoát ly cục rối. Với lại hồi 10, 13 tuổi tâm tư trong sáng dễ nhớ về, khác 70,73 vẫn đục khá nhiều hay quên đi.

Nghe chị Dê chống đò Kẻ Vạn hồi xưa, mà lỡn vỡn dáng chị Đóc Xấu trong Xóm Gái Hoang của Nguyễn Quang Lập đâu đó.

Ngoại hình hai chị giống nhau, đều cao cỡ 1,8 m.

Đường trần gian hai chị cũng không khác chi, rất lận đận với chuyện “ri nì, ri nì” dù chị Đóc Xấu có nhỉnh hơn một chút, có cho thằng phi công Mỹ, rớt máy bay, làm chuyện ri nì.

Xong rồi cũng “ẻ vô đế quốc”, không biết vì giữ lập trường chống Mỹ với mụ Cà hay vì đau quá ?

Rất may, chuyện trường không có chi vẫn đục. Trường học đâu phải trường đời.

Trường Tiểu học Vạn Xuân nằm bên chợ Vạn Xuân. Một bên là nhánh sông Hương chảy vô từ gần trên chợ Kim Long, qua xóm Phú Mộng, quanh co rồi đổ ra mé bến đò sông Kẻ Vạn. Một bên là đường đi lên nhà thờ Kim Long, giữa đồng ruộng và làng xóm Kim Long Tiền thôn, lên tới trước mặt Ủy ban Xã Hương Long gặp Đường Mới.

Trường gồm 2 dãy. Một dọc theo đường, cho các lớp nhỏ. Một nằm ngang thẳng góc với đường và cao nghệu trên nền bước lên khoảng 10 bậc cấp, có 2 phòng, dành cho lớp Nhì, lớp Nhất.

Trường không đẹp, không thơ mộng, lại nằm cạnh chợ, ồn ào và hôi hám. Nhưng trường ở mãi trong lòng tôi dù sau đó học tiếp ở nhiều trường, dạy ở nhiều trường…Vì sao ? Vì Thầy, vì bạn.

Năm lớp Nhì, tôi học với Thầy Trần trọng Khoái. Lúc tôi 9,10 tuổi Thầy khoảng trên dưới 30, đàng hoàng, phong cách chững chạc với nụ cười hiền hoà, chiếm cảm tình mọi người. Sau đó, nghe đâu Thầy đổi qua làm việc văn phòng ở trường Quốc học. Thầy hiện tại ở Mỹ căn cứ theo những bài báo Thầy viết, cách đây vài năm, trên Viên Giác, Tạp Chí của Kiều bào và Phật tử Việt Nam Tỵ nạn tại Cộng Hoà Liên bang Đức.

Một năm học lớp Nhì với Thầy, để lại kiến thức, thái độ từ tốn, phong cách trí thức…cả 70 năm sau không phai nhạt. Mỗi buổi sáng, khi học trò sắp hàng đợi vào lớp, Thầy viết sẵn một câu trên bảng và kéo màn che lại. Khi học trò vào đủ, đứng nghiêm chào Thầy, Thầy cho ngồi xuống, kéo màn bày câu Thầy đã viết và bắt đầu buổi học.

Thường thì những câu nhìn vô đã tá hỏa với sức vóc lớp Nhì thời đó. Ví dụ : Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Thầy nói qua nghĩa các chữ, xong rồi hỏi trò nào biết câu nầy nói cái gì. Khoảng 5,7 chú Tử Lộ con con trong lớp tha hồ rờ voi, mỗi chú tung ra một chưởng, phóng tới tấp vào cục Kỷ sở…mà không biết rõ ràng hình thù ra sao; còn lại cả lớp ngồi đực mặt ra, không dám nhúc nhích.

Không sao, Thầy sơ kết các phát biểu, khen trò này đã nắm gần được, cười trò kia đi lạc thay vì xuống biển lại vô rừng, rồi hứa hẹn ngày mai nghe thêm những điều thú vị. Cứ vậy, tôi nhớ câu này kéo dài cả tuần, và sau khổ công về nhà hỏi Cha, hỏi Chú… ánh sáng loé ra và ý nghĩa Thầy tổng kết ở lại trong đầu, cho đến hàng chục năm sau.

Sáng nào cũng bắt đầu như thế, chừng 10 phút. Có câu khó, có câu dễ rồi mới vô Toán, Thường Thức, Công dân Giáo dục…Thầy nhỏ nhẹ, từ tốn, không lo giáo án cháy, khê… gì hết và chúng tôi ngoài kiến thức lớp Nhì, vào đầy trong đầu không biết bao điều từ “Ăn vóc học hay” cho đến “Học như nghịch thuỷ hành châu, bất tiến tắc thối”.

Qua năm lớp Nhất, tôi học với Cô Tôn nữ Hoàng Yến. Cô dáng người nhỏ nhắn khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt sáng quắc làm nhiều học trò không dám nhìn thẳng

Lớp có 3 đứa tên Thông. Cô hay kêu kèm với chữ lót cho dễ phân biệt :

. Quang Thông là tôi,

. Kỳ Thông là em ruột Giáo sư Lê Tuyên, trong nhóm Lập trường, chủ trương Hội Đồng Nhân Dân Cứu quốc 1966 ở Huế. Tôi thích Sâm Thương, truyện của ông đăng liên tiếp trên Lập Trường lúc đó. Kỳ Thông sau năm lớp Nhất, ít khi gặp lại, sau này nghe nói vô quân đội.

. Văn Thông con ông Xế ở gần chùa Kim An, trên đường Mới. Văn Thông có chất hoạt kê, từ vóc dáng cho đến tính tình. Sau này Văn Thông tiếp nối việc thờ Mẫu của cha mẹ, và là Cung văn, ca cho các Cô Chín Thượng Ngàn khi cô giá lâm xuống một giá chầu.

Tôi nhớ chương trình lớp Nhất của thời đó rất nặng. Riêng môn Toán đã có những loại Toán Động tử, toán vòi nước, toán giả thiết…Những bài toán dạng “ vừa gà vừa chó 36 con” mà sau vài năm khi học Phương trình hai ẩn số, giải đơn giản bao nhiêu thì lúc lớp Nhất khó ơi là khó. Còn thêm Sử Địa, Luận văn…đều như những cái búa, thế mà Cô Hoàng Yến đưa chúng tôi đi trót lọt, chưa kể những sáng tạo phong phú : trình bày một bài đọc theo lối kịch, v/d Quê người tìm mẹ, trong Tâm hồn Cao Thượng, Hà mai Anh dịch từ Grand Coeurs (cuore) của Edmond de Amicis.

Tưởng tượng cô xinh xắn đến chừng nào, để cảm xúc của một cậu lớp Nhất trước tôi một năm, vẽ một bức tranh cô bước lên bậc cấp để lên lớp, rất đẹp. Sau này cậu là người vẽ tranh các phim, trang hoàng ngoài cửa các rạp Hưng Đạo ( Nhà Hát lớn Thành phố), Tân Tân, Châu Tinh, một thời là nét đặc trưng của Huế.

Bạn lớn hơn một vài tuổi có anh Tập nhà nơi Cửu Hữu. Anh Tập chăm sóc tôi như anh cả thương em. Buổi sáng khi qua đò anh kê vai cõng lội xuống bến, cho khỏi ướt đôi sandale mới đóng ở Tân Thành, tiệm giày chú Duyên dưới phố, mà truyền nhân là anh Mừng, rất nổi tiếng ở Cửa Hữu.

Bạn ngang tuổi có Tâm, hàng xóm. Tôi giúp Tâm đọc, đổi…những đơn vị đo lường vì hễ cứ xuống deci, mini…là Tâm ngọng líu lo. Bù lại môn thủ công, nặn đất sét con voi, trái măng cụt…Tâm lo hết từ lấy đất đến nặn hình, khi nào cũng đẹp hơn, điểm nhiều hơn cả con voi của Tâm.

Sau 1975, Tâm là thợ máy sửa con heo dầu xuất sắc đến độ xe tải xếp đợi Tâm nơi Bến Me một hàng dài. Tôi sung sướng được Tâm kêu đi ăn sáng, cà phê mỗi sáng đều đều. Ôi :

Bát cơm Phiếu Mẫu thời Chiến quốc

Bún bò Bằng Hữu buổi Bo Bo

Làm sao quên được trường Vạn Xuân với Thầy và Bạn tuyệt vời của tôi.

Tự nhiên sáng nay viết ào ào, gởi cho trang nhà ngay, không biết linh tính điều gì không. Đằng nào cũng viết cho Bác Thái Cát khỏi trông.

Lê quang Thông

Frankfurt, Germany