Mẹ tôi, sinh nhật nào cũng bốn cây bạch lạp thắp sáng, năm nào bà cũng bốn mươi tuổi, không già hơn. Sinh nhật năm nay cũng vậy. Đàn cháu hát hăm hở Happy Birthday mừng bà nội. Mừng điều gì, tôi không biết. Sống lâu? Bà gần như không bao giờ chết. Xinh đẹp? Bà có bao giờ thay đổi đâu. Khỏe mạnh? Bà sẽ không bao giờ bệnh. Có lẽ con gái tôi biết được điều gì tôi không biết. “Chúc bà nội năm nay có tình yêu.” Cả đám con cháu cười vang kèm theo tiếng vỗ tay. Mẹ cười âu yếm. Trong căn phòng khách này, tôi là người già nhất và là người lạc hậu nhất.
Mẹ tôi qua đời năm bốn mươi tuổi vì bệnh ung thư ngực. Lúc
đó, tôi chỉ mới lên bảy, chị tôi lên mười. Nghe người ta than thở về hoàn cảnh
mồ côi mẹ, nhưng tôi không biết có mẹ là như thế nào trong lúc lớn lên. Hai chị
em tôi mọc cao như cây bỏ thí ngoài vũ trụ.
Sáng, chim đồn nhau, cha đi tù vì chống chế độ thống trị,
hôm qua ông bị bắt ở hành tinh X152. Đêm, chim báo tin cha vượt ngục bị bắn hạ,
xác mất tích tan vào không gian. Gió khuya khoắt lò qua cửa gương vỡ nhẹ nhàng
như bàn tay thân thiết vỗ về tôi dù bàn tay lạnh lẽo. Chị ôm tôi thì thầm, “Mai
em muốn ăn rễ sắn hay rễ mì?” “Ăn ễnh ương nướng, em bắt cho.” Sau
đó, nghe chị lầm bầm giống như đang nói chuyện với ai rất sụt sùi. Không có mẹ
là như vậy sao?
Mẹ tôi có mái tóc dài đen nhánh phủ đến bờ mông. Mái tóc bà
đẹp nhất phố. Cha tôi nói, mỗi khi mẹ xoay người trong gió mạnh, một màn tóc
đen bay rợp mê hồn. Khi biết mình không còn sống bao lâu nữa, bà đã nhờ dì tôi
đến cắt mái tóc, bện thành một đuôi bím, đưa cho cha để làm di vật. Khúc tóc
này thấm trộn biết bao là nước mắt của mẹ, của dì, của cha, của chị và của tôi.
Cha trao bím tóc cho chị trước khi đi theo cách mạng. Chị
trao bím tóc cho tôi trước khi qua đời. Tôi săn sóc bím, mỗi đầu tháng tẩm một
chút dầu cho khỏi khô khan, tẩm một chút trầm hương, vừa thơm vừa trừ mối mọt.
Rồi con gái tôi xin cắt một chút ở đuôi bím. “Con muốn nghiên cứu tóc
bà nội. Có một dự án mới về DNA nơi trung tâm khoa học nhân sinh, còn đang thử
nghiệm, con sẽ đưa tóc bà nội vào kế hoạch thử tóc.”
Mẹ rất mơ hồ trong trí nhớ, tôi chỉ có thể hình dung bà qua
tấm hình điện tử mà cha tôi để lại. Nhưng bím tóc luôn luôn làm tôi xúc động.
Thực sự đang cầm một phần thân thể của mẹ. Đưa lên mũi hít vào thật sâu, không
biết mùi nào là mùi của mẹ.
Con nhớ, hôm đó, sinh nhật con, mẹ dẫn ra phố. Không đủ tiền,
chỉ mua được một cái bánh kem nhỏ. Mẹ dặn, phải ăn hết trước khi về đến nhà. Có
mẹ có phải là như vậy không?
Con nhớ ám ảnh, một lần con bị sốt nặng, chập chờn tỉnh mê.
Nghe mẹ khóc. Nghe bác sĩ đặt ống thở, robot chích thuốc. Cảm giác đau nhức, mơ
màng, tối tăm, hực lửa. Con thiếp đi rồi nghe mẹ khóc rất lớn, con mở mắt, nắm
tay mẹ. Mẹ bật cười nước mắt còn chảy, như bà Sáu khùng vừa tỉnh cơn điên. Có mẹ
có phải là như vậy không?
Tết năm 2050, bước vào tuổi bảy mươi, con cháu mừng thọ lớn,
tặng tôi món quà kinh ngạc quá sức tưởng tượng. Vẫn giữ tập tục lì xì, sau khi
chúc tết, tôi bấm cho mỗi đứa một khoảng tiền chạy thẳng vào trương mục. Tôi đứng
lên chuẩn bị khai mạc bàn tiệc. Bỗng dưng đám con cháu kéo đến sắp hàng trước mặt
chận tôi lại. Bắt ngồi xuống. Thằng cháu ngoại lớn nhất đại diện nói tiếng Việt
rất dở, tôi không thực sự hiểu, nhưng ông ngoại cứ khuyến khích, vỗ tay.
Hàng ngũ chen lấn trước mặt đột nhiên mở ra ở giữa và thấy mẹ
tôi đứng đó. Cảm giác tê người, đờ đẫn. Một khoảnh khắc trống rỗng mênh mông,
đóng băng, tê liệt hơi thở. Rồi ập xuống cơn mưa xối xả từ đôi mắt.