26 November 2024

CÂU CHUYỆN BẦU CỬ - Cung Tích Biền

Tổng thống Ngô Đình Diệm đang bỏ phiếu (ngày 4 tháng 3 năm 1956).

Nhân bầu cử Tổng thống Mỹ nhớ tới bầu cử ở quê nhà Việt Nam. Nhớ, như vào siêu thị nhớ ngôi chợ làng quê. Thấy đồ hộp màu mã đẹp đẽ nhớ thuở đùm thức ăn trong tàu lá chuối.

Từ trong truyền thống, nước ta có nền quân chủ đã vài nghìn năm. Vua cha già yếu truyền ngôi cho con, triều đại này suy mạt có triều vua khác anh minh thay thế. Cổ kim, chưa hề  có một cuộc bầu cử nào để dân chúng cùng nhau chọn ra một vị đứng đầu nước như thể chế dân chủ.

Năm 1945 có tuyên ngôn độc lập, Vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ. Năm 1946, Việt Minh đang nắm chính quyền, có tổ chức một cuộc bầu cử gọi là chọn dân biểu - người thay mình tham dự vào việc trị nước. Chỉ là bầu tới hàng dân biểu mà thôi.

Chức danh Chủ tịch nước của Hồ Chí Minh là do Việt Minh dành được chính quyền tháng 8-1945 rồi Cụ mần Chủ tịch luôn cho tới khi mãn đời, được ướp lạnh, 1969. Hồ ngỏm, tất cả các đời chủ tịch nước về sau, đều do nội bộ Đảng đề cử, dân không có quyền bầu chọn.  
Tôi có cơ duyên, đi cùng các cuộc bầu cử, từ 1946 tới 2024, qua nhiều thời kỳ, các thể thế chính trị, tại quê nhà, cả trên xứ Mỹ, ghi lại đây chút sự đời, có vui lẫn buồn, dân chủ lẫn độc tài. 

Bầu phiếu toàn quốc thời Việt Minh, 1946.

Hồi này tôi lên mười.

Kháng chiến chống Pháp chưa nổ ra.

Do sự hạn chế giáo dục của người Pháp, cai trị nước ta, ít trường học, hơn chín mươi phần trăm dân chúng là mù chữ.

Mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học. Phủ [lớn hơn huyện] có hai trường. Mỗi tỉnh có một trường trung học, chỉ vài lớp đầu cấp. Học trò các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải đến trường Quốc Học [Huế] học hết bậc trung học. Việc đi lại xa xôi, đò xe rất hiếm. Mãi tới 1945, cả một xứ Trung Kỳ, giải đất dài từ Thanh Hóa tới Phan Thiết, trên nghìn cây số, chưa có một trường đại học nào.

Đi bỏ phiếu, mà cử tri không biết đọc biết viết, là một trở ngại lớn. Chính quyền mỗi địa phương liền sáng tác một bài vè. Cử tri học thuộc lòng. Tới phòng phiếu, thư ký hỏi, Bầu cho ai? Cử tri cứ đọc theo tên ứng cử viên có tên trong vè,  thư ký ghi vào phiếu bầu, xong.

 Tên các ứng cử viên có trong bài vè toàn là người của / hoặc thân với Việt Minh. Nên kết quả phiếu bầu thường là thành công 99%. Nay, non tám mươi năm đã qua kể từ 1946, tôi vẫn còn nhớ vè bầu cử. Đơn vị nửa tỉnh phía nam Quảng Nam của tôi giới thiệu ứng cử viên như thế này, ghi vài câu tiêu biểu, xem chơi:

“Chọn người tài giỏi chớ quên

Phan Thao Võ Sạ đã quen ta nhiều

Quế Sơn đồng chí Phan Diêu,

Anh Nguyễn Xuân Nhĩ đủ điều kinh luân”.

Vì quá ít người biết chữ, nên tép riu như tôi, thiếu niên học lớp ba [cours Élémentaire], trường thuộc địa thi bằng Yếu lược, vẫn được gọi tới phòng phiếu để ghi tên vào lá phiếu giúp cử tri. Một anh lớn tuổi, có bằng Primaire  [tiểu học] là chính, tôi phụ.

Thời của chúng tôi, chưa có nhiều phương tiện thay cái viết, máy đánh chữ chẳng hạn, nên học trò viết chữ đẹp lắm. Các môn tập viết, tập làm văn, viết chính tả, điều kiện để viết chữ đúng và đẹp, trước tiên là chữ Pháp, chiếm nhiều giờ học trong tuần.

Nơi bỏ phiếu là vườn nhà chủ tịch xã. Dựng một cái rạp lá, che nắng mưa. Kê bàn ghế, có trà nước. Hai thư ký ngồi chỗ cái bàn dài. Cử tri thuộc lòng bài vè, nói tên người mình muốn bầu, thư ký ghi vào phiếu. Cử tri mang tới bỏ vào thùng phiếu.

Thùng phiếu là một cái thúng tre đan có nắp đậy. Anh an ninh xã hai tay cầm cái nắp, đậy he hé một chút, chừa cái khe bỏ lá phiếu vào. Có người hỏi:

- Sao không đóng một cái thùng gỗ, khoét một cái khe trên nắp thùng, chắc ăn?

Chủ tịch xã giải thích:

- Bỏ trong cái thúng tiện hơn, ta làm chủ tình hình.

Ý của chủ tịch xã là, dở cái nắp thúng, biết ngay  số phiếu, so sánh với danh sách cử tri, xem ai chưa đi bầu, thì mình ghi thêm phiếu bầu dùm cho người ta. Còn phải thi đua với làng  xóm khác. Phải đạt 100 phần trăm số người đi bầu.  

Thùng phiếu được cột chung quanh bằng sợi dây thừng, loại sợi nhỏ. Thắt nút dây kỹ lưỡng. Niêm phong bằng cách dán một mảnh giấy đỏ có chữ ký và con dấu chủ tịch xã lên sợi dây dính liền vào nắp thúng. Chủ tịch xã, và nhân viên an ninh, sau khi tiệc tùng, liên hoan xong, đạp xe đạp chở lên huyện. Nơi đây kiểm tra, tổng kết.  

Hồi này an bình, dân chúng, cán bộ còn  hiền hòa, chưa biết nhiều trỏ xỏ lá mưu mô.

Cử tri bỏ phiếu xong ai nấy về, tắm rửa hay làm việc nhà, vài giờ sau trở ra đình làng ăn liên hoan. Ai rảnh rỗi ngồi lại hàn huyên tán dốc. Toàn là cách mạng, độc lập, đế quốc bóc lột, phong kiến hủ lậu. Đàn ông còn rất nhiều người ăn trầu, nước bả trầu đỏ hoét mồm như anh ho lao tới hồi hộc máu.

Bầu cử nghe chơi chơi vậy mà xử tử hai con heo to bự, chúng la hét om tỏi cả thôn xóm.Vì, là ngày vui. Từ thuở Hùng Vương tới nay mới có ngày nhân dân được làm chủ đất nước. Có thêm mấy chục lít rượu đế. Heo quay, heo luộc, tiết canh heo, heo giả cầy, gỏi tai heo. Chè chén ra trò. Hồi này dân chúng còn giàu có. Chưa đói cơm rạt gáo, như những năm kháng chiến cơ cực về sau. 

- Bầu cử thời Đệ nhất Cộng Hòa [1955-1963]

Việt Nam Cộng Hòa chỉ vỏn vẹn 21 năm, từ  1954-1975, nhưng có hai thời kỳ. Đệ nhất Cộng hòa là thời Tổng thống Ngô Đình Diệm cầm quyền, [1955-1963]   

Từ cuộc bầu cử 1946 đến mãi 10 năm sau, cả nước không có cuộc nào khác. Cuối năm 1946 Pháp đổ bộ toàn diện mong tái chiếm nước ta. Chiến tranh chống Pháp bùng nổ. Pháp chiếm các thành phố, thị trấn đông dân. Mặt trận Việt Minh cố thủ các vùng làng mạc thôn quê và rừng núi. Không vùng nào có tổ chức bầu cử  

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Việt Nam bị chia làm hai từ vĩ tuyến 17. Miền Bắc, Cộng sản. Miền Nam, Cộng hòa.

Đây nói về Miền Nam.

Hai vị đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại,  và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Lúc đó hai người đều ở nước ngoài. Cụ Diệm về nước [Sàigòn] ngay khi hiệp định Geneve 1954 được ký kết để lo việc nước. Bảo Đại ở lại Paris, lo việc riêng nhiều hơn việc chung.

Nhanh chóng, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cũng cố quyền lực. Hơn năm sau, thấy rõ ràng vị trí bù nhìn của Bảo Đại là không cần thiết, Cụ Diệm truất phế Bảo Đại. Để được danh chính ngôn thuận, lòng dân là ý trời, một cuộc trưng cầu dân ý được mở ra. Đó là cuộc bầu cử đầu tiên chọn Tổng thống tại Việt Nam Cộng Hòa. 

1956, tôi đủ tuổi bầu cử nên có đi bỏ phiếu lần này. Khác với mười năm trước, 1946, tôi có tham dự, nhưng là anh thư ký nhí.

Cuộc bầu cử 1956 đã tạo không ít lời ra tiếng vào trong dân chúng. Họ nghi ngờ cách lên ngôi của cụ Diệm. Theo đạo lý Đông phương, khi khẩu hiệu giăng đầy, “Đả đảo Bảo Đại” “Truất phế Bảo Đại” là một hình thức soán ngôi của Tiên đế, chẳng khá chi Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung một thuở. Chê bai cụ Ngô Đình Diệm, vào một thời khai phóng như thế này là rất lỗi thời, bất công, nhưng cũng là chút tì vết đối với Cụ.

Cuộc bầu cử này cũng có cái lạ, không khác chi cách vận động “thuộc vè” trước kia. Phiếu bầu được in hai loại màu. Xanh dành cho Bảo Đại. Màu đỏ là bầu cho cụ Diệm. Và, dân chúng đã được truyền miệng kỹ lưỡng “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”. Cụ Diệm thắng cử.

Cuộc bầu cử 1960 cụ Diệm tái tranh cử. Không có ứng cử viện nào khác, cụ độc diễn, tự do thắng cử, [nhiệm kỳ 1960-1964]. 

- Bầu cử thời Đệ Nhị Cộng Hòa [1967-1975]

Mùa Phật Đản 1963, Phật giáo nổi dậy chống chính phủ kỳ thị tôn giáo, dân chúng chống Tổng thống họ Ngô chính sách gia đình trị, chính trường Miền Nam cực kỳ rối loạn lọan.

Tháng 11, cùng năm, các tướng lĩnh đảo chính. Lúc khuẩn bách, Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng người em ruột là cố vấn Ngô Đình Nhu thoát khỏi Dinh Gia Long, lẫn tránh vào Nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn. Quân đội đưa xe thiết giáp đến vây bắt. Trên đường giải về bộ Tổng tham mưu, nơi đầu não của cuộc đảo chính, Cụ Diệm và cố vấn Nhu, bị bắn chết ngay trong lòng xe thiết giáp M.113, khi đang di chuyển trên đường Trần Hưng Đạo. Dù chống chính phủ, nhưng khi biết tin này, nhìn hình ảnh mặt mày nát nẩm bê bết máu của hai ông,  mọi người kinh hoàng, thương xót.

Các tướng lĩnh thay nhau đảo chính lẫn nhau. Năm bảy tháng một chính phủ. Tướng già tướng trẻ, tướng thân Pháp, tướng thân Mỹ, tướng vô tài bất  tướng, chọi nhau kịch liệt. Nhiều tướng rất cẩn trọng, đã mời các chính khách có uy tín như Trần văn Hương, Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát đứng ra lập nội các dân sự, nhưng đâu vào đó, vẫn bị lật đổ.

Mãi năm 1967, tình hình tạm ổn, sau một cuộc dàn xếp bầu bán, liên danh Thiệu - Kỳ đắc cử. Năm 1971, Tổng thống Thiệu tái tranh cử. Cũng như Ngô Đình Diệm trước kia, mưu mô loại tất cả các ứng viên đối lập, một mình độc diễn. Thắng cử dễ dàng.

Thời Nguyễn văn Thiệu [1967-1975] gọi là Đệ Nhị Cộng Hòa.

Miền Nam luôn xui xẻo. Hai vị tổng thống chẳng ai “ngồi ghế” suôn sẻ, cho hết nhiệm kỳ của mình. Tổng thống Diệm bị giết khi đương chức. Tổng thống Thiệu phải rời chức, để đào tẩu sang Đài Loan, một tuần trước khi Sàigòn thất thủ.

Lúc số phận Miền Nam tơ mành, người kế nhiệm Thiệu là Phó Tổng thống Trần văn Hương, một nhân sĩ Miền Nam, thanh liêm đức độ, từng giữ chức Đô trưởng Đô thành Sàigòn, Thủ tướng chính phủ. Lúc này cụ Hương đã già yếu lắm. Mái tóc trắng, lưng còng, đôi kính đen, tay chống gậy, được một người dìu lên lễ đài nhận chức Tổng thống. Mấy hôm sau, Sàigòn thất thủ. 

Bầu cử thời Xã hội Chủ nghĩa, sau 1975

Sau  tháng Tư 1975, không còn chức danh tổng thống mà là chủ tịch nước. Chỉ có bầu cử quốc hội, không có bầu chủ tịch nước.

Thể thức bầu cử gọi là “Đảng cử dân bầu”. Nghĩa là người dân chỉ được lựa chọn trong số người đã được đảng chọn sẵn trước, để xử dụng lá phiếu của mình.

Cách bầu phiếu này đã trường kỳ 69 năm kể từ 1946 trên đất Bắc, và đã 49 năm kể từ 1976 tại Miền Nam, cho tới tới nay, chưa hề có “Đổi mới”.

Một đơn vị cần hai dân biểu, đảng sẽ chọn một danh sách bốn người, in trên phiếu bầu hẳn hoi, được giới thiệu toàn là tài năng đức độ, cử tri theo đó chọn hai người. Đơn vị cần ba dân biểu thì trên phiếu bầu đã sẵn 5 người, cử tri chọn  ba, gạch bỏ hai.

Nếu cử tri thấy rõ những người được đề cử là không xứng đáng, ít học, có tì vết, tham lam, cũng chịu thôi. Không có cách nào khác để thực hiện ý nguyện của mình. Anh không đi bầu, kết quả bầu cử vẫn rực rỡ thành công “chăm phần chăm”

“Đảng cử dân bầu” là một loại ung bướu đành mang, nhưng nhìn dưới góc độ hài hước ta cũng thấy ra nụ cười. Nụ cười, đâu lúc nào cũng ngọt ngào.

So với cách bầu bán của người Mỹ, “Đảng cử dân bầu” là rất đơn giản, chẳng cần “tranh cãi cọ” gì nhiều.

Nói túm cái ống quần, “Đảng cử dân bầu”, là nhân đạo. Chẳng vợ chồng nào phải bỏ nhau, vì em mê Trump, anh cảm tình với Harris. Vì một người mà triệu người bỏ ăn, không chung giường, chung bàn. Bao cuộc ly tan. Anh em bè bạn bao nhiêu năm tri âm tri kỷ, nay cạch mặt nhau. Thuốc đau đầu, thuốc trợ tim, thuốc ngủ khan hiếm.

Có người thắc mắc, Vì sao bầu cử tổng thống Mỹ rắc rối như rứa, mà dân chúng trong nước bình loạn đấm đá nhau hết mình, làm như chính họ mới là người bầu tổng thống Mỹ? Dân Mỹ là phụ, đi chỗ khác chơi. Trả lời ư? Thì rằng là, thiếu / thèm cái gì mơ ước cái đó.

Có chút trớ trêu, cái có thật, được cầm lá phiếu, tự do bầu bán, nó ở  tuốt luốt bên kia bờ đại dương. Bên này quê nhà là trống hoang cái sa mạc chờ mong.

Có người đa tình, nhại thơ một nhà thơ tiền chiến để cảm thán, sống qua ngày:

“Bầu bán bên người ta ở đây,

Chơ mong phương nọ, ngóng phương này

Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm

Vạn lý sầu lên núi tiếp mây”

Không có con cá thật thì ăn con cá gỗ. Chuyện ăn cá gỗ là câu chuyện ngậm ngùi, có thật trong truyền khẩu dân gian Việt Nam. Ăn qua hơi, ngửi theo hình. Sống mãi trong khí hậu Đảng cử dân bầu, thấy rầu máu, nay nhìn bầu cử Mỹ tha hồ tung hê. Vui thôi mà. Thà là ăn cá gỗ. Cũng là một tự do lựa chọn.  

Cung Tích Biền

Garden Grove 11- 2024.